Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 08

CHƯƠNG 8

J. C. Bose, nhà khoa học lớn của Ấn Độ

“Các phát minh về vô tuyến điện của Jagadis Chandra Bose có trước của Marconi.”

Nghe lỏm được câu nói khêu gợi sự tò mò này, tôi tiến lại gần một nhóm giáo sư đang đứng bên vỉa hè say sưa thảo luận khoa học. Tôi lấy làm tiếc nếu như động cơ của mình khi nhập bọn với họ là niềm tự hào dân tộc. Tôi không thể phủ nhận rằng tôi rất quan tâm đến cái bằng chứng là Ấn Độ có thể giữ một vai trò hàng đầu trong vật lý học chứ không chỉ siêu hình học không thôi.

“Ý thầy là sao, thưa thầy?”

Vị giáo sư sốt sắng cắt nghĩa. “Bose là người đầu tiên phát minh ra ống dò tín hiệu vô tuyến (wireless coherer và một thiết bị hiển thị độ khúc xạ của sóng điện. Nhưng nhà khoa học Ấn này đã không khai thác các phát minh của mình nhằm mục đích thương mại. Từ thế giới vô cơ ông ấy đã sớm chuyển sang để tâm tới thế giới hữu cơ. Những khám phá mang tính cách mạng của ông với tư cách là một nhà sinh lý học thực vật còn tiến nhanh hơn cả các thành tựu cơ bản của ông với tư cách là một nhà vật lý.”

Tôi lễ phép cảm ơn người cố vấn của mình. Ông nói thêm, “Nhà khoa học lớn ấy là một trong những giáo sư đồng nghiệp của tôi tại trường đại học Presidency college.”

Ngày hôm sau tôi đến thăm hiền giả tại nhà, gần nhà tôi. Từ lâu tôi đã cung kính ngưỡng mộ ông từ xa. Nhà thực vật học nghiêm trang đã về hưu ân cần chào đón tôi. Ông là một người đàn ông đẹp, tráng kiện, độ trên năm mươi, có mái tóc dày, trán rộng, và đôi mắt lơ đãng của một người mơ mộng. Sự khúc chiết trong giọng ông cho thấy thói quen khoa học suốt đời.

“Tôi vừa trở về từ một chuyến làm việc với các câu lạc bộ khoa học ở phương Tây. Các thành viên của họ bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến các thiết bị tinh vi trong phát minh của tôi, những cái đã chứng minh sự thống nhất bất khả phân của toàn thể sự sống[65]. Thiết bị Bose đo sự phát triển của thực vật có độ phóng đại gấp mười triệu lần. Kính hiển vi chỉ phóng đại được vài ngàn lần, vậy mà nó đã đem lại một sự thúc đẩy quyết định cho sinh vật học rồi. Thiết bị đo này mở ra vô số triển vọng.”

“Thưa thầy, thầy đã làm được rất nhiều để thúc đẩy việc ôm trọn Đông và Tây trong vòng tay không thiên vị của khoa học.”

“Tôi được giáo dục ở Cambridge. Cái phương pháp đem hết mọi lý thuyết ra cho xác minh thực nghiệm tỉ mỉ của phương Tây quả đáng khâm phục! Thủ tục thực nghiệm đó song hành với cái khiếu nội quan, di sản phương Đông của tôi. Cùng kết hợp, cả hai đã cho phép tôi phá tan sự câm nín của các giới tự nhiên từ lâu không có thông tin liên lạc. Các đồ thị giấy trắng mực đen từ thiết bị đo tăng trưởng thực vật (crescograph)[66] của tôi là bằng chứng cho kẻ hoài nghi nhất rằng thực vật có một hệ thần kinh nhạy cảm và một đời sống cảm xúc đa dạng. Yêu, ghét, vui, sợ, lạc thú, đau đớn, phấn chấn, sững sờ, và vô số phản ứng tương ứng khác trước các kích thích là rất phổ biến ở thực vật cũng như động vật.”

“Nhịp sống độc đáo trong mọi sinh vật dường như chỉ là một hình ảnh nên thơ trước khi thầy xuất hiện, thưa giáo sư! Một vị thánh em từng biết không bao giờ chịu hái hoa. ‘Ta có nên cướp đi niềm kiêu hãnh của khóm hồng vì vẻ đẹp của nó không? Ta có nên xúc phạm đến phẩm giá của nó bằng sự tước đoạt thô bạo của ta không?’ Những lời đồng cảm của ông ấy đã được kiểm chứng theo nghĩa đen qua các phát minh của thầy.”

“Nhà thơ thì gần gũi với sự thật, còn nhà khoa học lại tiếp cận nó một cách vụng về. Hôm nào cứ đến phòng thí nghiệm của tôi mà xem bằng chứng rành rành của thiết bị đo tăng trưởng.”

Tôi cảm kích nhận lời rồi ra về. Sau đó tôi nghe là nhà thực vật học đã rời Trường học Presidency College và đang lo mở một trung tâm nghiên cứu ở Calcutta.

Khi Viện Bose khai trương, tôi đã đến dự lễ khánh thành. Hàng trăm người nhiệt tình tham quan quanh tòa nhà. Tôi bị hút hồn trước biểu tượng nghệ thuật và tâm linh của mái nhà mới dành cho khoa học. Cổng trước là một thánh tích cổ hàng thế kỷ mang về từ một đền thờ xa xôi. Đằng sau một hồ sen[67] là bức tượng người nữ cầm một cây đuốc, thể hiện sự kính trọng của Ấn Độ dành cho người phụ nữ như là người-mang-lại-ánh-sáng bất tử. Một đền thờ nhỏ trong vườn thờ Vật Tự Thân vượt ra ngoài hiện tượng. Tư tưởng về Vô thể Thần thánh được gợi lên bởi sự vắng bóng của ảnh thờ.

Bài phát biểu của Bose nhân sự kiện trọng đại này có thể đã được thốt ra từ miệng một trong những rishi được mặc khải ngày xưa.

“Hôm nay tôi khánh thành Viện này không chỉ như một phòng thí nghiệm mà còn như một đền thờ.” Sự trang trọng tôn kính ở ông như một tấm áo choàng vô hình phủ lên cả thính phòng đông kín. “Trong khi đang theo đuổi các nghiên cứu thì một cách vô thức tôi được đưa vào vùng biên giới giữa vật lý học và sinh lý học. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy những lằn ranh biến mất, và rồi những giao điểm lộ ra giữa địa hạt của giới sinh vật và giới vô tri. Chất vô cơ quan sát được là không trơ chút nào; nó xao xuyến dưới tác động của vô số lực tác động.

“Một phản ứng phổ quát dường như đã đưa kim loại, thực vật và động vật cùng chịu một quy luật chung. Tất cả chúng về cơ bản đều biểu lộ những hiện tượng mệt mỏi và trầm cảm, với các khả năng hồi phục và hân hoan, và sự im lìm mãi hoài không còn phản ứng đi liền với cái chết. Vô cùng kính sợ trước sự khái quát hóa cực kỳ rộng lớn này, với sự tin tưởng vô cùng, tôi đã công bố các kết quả nghiên cứu của mình trước Hội Hoàng gia - những kết quả đã được chứng minh bằng thực nghiệm. Song các nhà tâm lý học hiện nay đã khuyên tôi nên tự giới hạn mình trong các nghiên cứu ở lĩnh vực vật lý, nơi mà thành công của tôi đã được bảo đảm, hơn là xâm lấn vào lĩnh vực riêng của họ. Tôi đã vô tình lạc bước vào địa hạt của một hệ thống thứ bậc xa lạ và đã vi phạm quy ước mặc nhận của nó.

“Còn có cả một sự thiên vị thần học vô tình, cái đã lẫn lộn ngu muội với đức tin. Người ta thường quên rằng Đấng đang bao quanh chúng ta bằng bí ẩn của sáng tạo luôn tiến hóa cũng đã cấy vào trong chúng ta cái khát khao học hỏi và hiểu biết. Sau nhiều năm bị người khác hiểu sai tôi mới hiểu ra rằng đời sống của một tín đồ khoa học, không thể tránh được, sẽ đầy những cuộc tranh đấu bất tận. Điều đó là để anh ta ném đời mình ra làm một dâng hiến nhiệt thành - về được và mất, thành và bại, như một.

“Cuối cùng thì các hội khoa học hàng đầu trên thế giới cũng đã công nhận các lý thuyết và thành quả của tôi, và nhận ra tầm quan trọng trong đóng góp của Ấn Độ cho khoa học[68]. Cái nhỏ bé hay hạn hẹp có bao giờ thỏa mãn được tâm thức Ấn Độ? Bằng một truyền thống tồn tại không ngừng và một sức sống trẻ trung, mảnh đất này đã tự điều chỉnh mình qua biết bao cuộc vần xoay. Người Ấn đã luôn đứng lên, những người mà, khi vứt bỏ cái phần thưởng tức thì và hấp dẫn trước mắt, đã mưu cầu giác ngộ những lý tưởng cao cả nhất trong đời - không phải bằng từ bỏ thụ động mà bằng nỗ lực tích cực. Kẻ hèn yếu tránh va chạm, chẳng nhận được gì, cũng chẳng có gì mà từ bỏ. Chỉ riêng mình kẻ đã cố gắng và chiến thắng mới có thể làm giàu cho nhân loại bằng việc dâng tặng những thành quả từ chứng nghiệm vẻ vang của mình.

“Công trình đã được tiến hành tại phòng thí nghiệm Bose về khả năng phản ứng của vật chất, và các tiết lộ bất ngờ trong đời sống thực vật, đã mở ra những lĩnh vực rộng mở cho sự tìm tòi trong vật lý học, sinh lý học, y học, nông nghiệp, và cả trong tâm lý học. Các vấn đề cho đến nay vẫn được xem là chưa thể giải quyết thì giờ đã được đưa vào phạm vi nghiên cứu thực nghiệm.

“Nhưng thành công lớn sẽ không thể đạt được nếu không có tính chuẩn xác gắt gao. Chính vì vậy mà mới có tập hợp rất nhiều thiết bị và máy móc cực kỳ tinh nhạy tôi đã thiết kế, mà hôm nay đây đang ở trước mặt quý vị trong các tủ ở tiền sảnh. Chúng sẽ thuật cho quý vị nghe về những nỗ lực lâu dài đạt được, đằng sau điều tưởng như lừa dối, để đi vào thực tiễn vẫn chưa sáng tỏ, về sự lao động cần cù liên tục và kiên trì cùng sự tháo vát cần có để vượt qua những giới hạn của con người. Hết thảy những nhà khoa học có tinh thần sáng tạo đều biết rằng phòng thí nghiệm đích thực là trí óc, nơi mà đằng sau những ảo giác họ khám phá ra các chân lý.

“Các bài giảng được dạy ở đây sẽ không chỉ là sự lặp lại tri thức gián tiếp. Chúng sẽ công bố những khám phá mới, lần đầu tiên được chứng minh trong các gian phòng này. Nhờ xuất bản đều đặn các công trình của Viện, những đóng góp này của Ấn Độ sẽ đến với toàn thế giới. Chúng sẽ trở thành tài sản chung. Sẽ không cần bằng sáng chế nào cả. Tinh thần của nền văn hóa dân tộc chúng ta đòi hỏi chúng ta phải mãi mãi thoát khỏi sự báng bổ khi sử dụng tri thức chỉ vì lợi ích cá nhân.

“Mong muốn tiếp theo của tôi là các phương tiện của Viện này sẽ hữu dụng, trong chừng mực có thể, cho những người công tác đến từ mọi quốc gia. Về việc này, tôi đang cố tiếp nối các truyền thống của đất nước chúng ta. Hai mươi lăm thế kỷ trước, Ấn Độ đã nghênh đón các học giả từ mọi miền thế giới đến các trường đại học cổ xưa của mình tại Nalanda và Taxila.

“Dù khoa học không phải của phương Đông hay phương Tây mà đúng hơn là của quốc tế trên bình diện toàn cầu thì Ấn Độ cũng vẫn đặc biệt xứng đáng có những đóng góp to lớn[69]. Sức tưởng tượng mãnh liệt của Ấn Độ, có thể lấy ra một trật tự mới từ một khối những hiện tượng mâu thuẫn hiển hiện, được kiềm chế bởi thói quen tập trung tâm trí. Sự kiềm chế này đem đến khả năng định tâm cho cuộc tầm đạo với một sự nhẫn nại vô cùng.”

Tôi rưng rưng nước mắt vì những lời kết luận của nhà khoa học. “Nhẫn nại” quả thực chẳng phải là từ đồng nghĩa với Ấn Độ sao, đánh đồng cả Thời gian và các sử gia như nhau?

Tôi lại đến thăm trung tâm nghiên cứu không lâu sau ngày khai trương. Nhà thực vật học vĩ đại, vẫn nhớ lời hứa của mình, dẫn tôi đến phòng thí nghiệm yên tĩnh của ông.

“Tôi sẽ gắn thiết bị đo vào cây dương xỉ này; độ phóng đại sẽ vô cùng lớn. Nếu phóng lớn một con ốc sên đang bò với cùng tỉ lệ đó thì sinh vật này sẽ có vẻ đang di chuyển như tàu tốc hành!”

Tôi hăm hở nhìn chằm chằm vào tấm kính phản chiếu cái bóng dương xỉ được phóng đại. Những cử động sống li ti giờ có thể nhận thấy rõ ràng; cây dương xỉ đang lớn lên từng chút một trước đôi mắt say sưa của tôi. Nhà khoa học dùng một que kim loại nhỏ chạm vào đầu cây dương xỉ. Vở kịch câm đang tiến triển chợt dừng lại, rồi lấy lại tiết điệu hùng hồn của nó ngay khi cái que được thu về.

“Anh đã thấy là bất kỳ can thiệp nhẹ nào từ bên ngoài cũng đều phương hại đến các mô nhạy cảm rồi đấy,” Bose nói. “Xem đây; giờ tôi sẽ cho thuốc gây mê clorofooc, và rồi sẽ cho thuốc giải.”

Tác động của clorofooc làm gián đoạn mọi sự phát triển; và thuốc giải làm hoạt động được khôi phục lại. Các cử động tiến triển trên tấm kính hấp dẫn tôi hơn một cốt truyện “xi nê”. Bạn tôi (ở đây trong vai trò nhân vật phản diện) đâm một dụng cụ sắc xuyên qua một phần cây dương xỉ; cái đau được biểu thị bằng các run rẩy co thắt. Khi ông đưa một góc lưỡi dao cạo qua thân cây, cái bóng dao động mạnh, rồi tự lắng xuống với một dấu chấm sau cùng của cái chết.

“Đầu tiên bằng cách gây mê một cây to, tôi đã tiến hành thành công một ca cấy ghép. Thường thì mấy chúa tể của rừng ấy chết rất nhanh sau khi bị di chuyển.” Jagadis mỉm cười vui vẻ khi ông kể lại cách giải cứu. “Các đồ thị trên cái máy tinh vi của tôi đã chứng minh là cây cối có một hệ tuần hoàn; sự vận chuyển nhựa cây bên trong tương ứng với huyết áp trong cơ thể động vật. Sự đi lên của nhựa cây là không thể giải thích được trên cơ sở cơ học vẫn thường được đưa ra, ví dụ như sức hút mao dẫn. Hiện tượng này được khám phá bằng thiết bị đo, như là hoạt động của các tế bào sống. Các sóng nhu động phát ra từ một ống hình trụ chạy dọc một thân cây và đóng vai trò là một trái tim thực thụ! Ta càng quan sát kỹ hơn thì bằng chứng càng rõ ràng hơn là có một biểu đồ chung nối liền mọi loài trong thiên nhiên đa dạng.”

Nhà khoa học lớn chỉ một thiết bị Bose khác.

“Tôi sẽ cho anh thấy các thí nghiệm trên một miếng thiếc. Sức sống trong kim loại phản ứng lại một cách bất lợi hay có lợi trước kích thích. Các dấu mực sẽ ghi lại các phản ứng khác nhau.”

Vô cùng say sưa, tôi nhìn cái đồ thị ghi lại các sóng đặc trưng của cấu trúc nguyên tử. Khi giáo sư cho thuốc gây mê lên miếng thiếc, các ký hiệu đang dao động dừng lại. Các ký hiệu lại tiếp tục khi miếng thiếc từ từ lấy lại trạng thái bình thường của nó. Bạn tôi cho vào một hóa chất độc. Cùng lúc với cái run rẩy cuối cùng của miếng thiếc, cây kim viết một cách đầy kịch tính lên đồ thị một tin báo tử. Nhà khoa học nói:

“Các thiết bị Bose đã chứng minh rằng kim loại, như thép được dùng làm kéo và máy móc, dễ bị mệt mỏi, và có lại năng suất nhờ nghỉ ngơi định kỳ. Mạch sống trong kim loại bị tổn thương nặng nề hay thậm chí bị triệt tiêu khi đưa dòng điện hay áp suất cao vào.”

Tôi nhìn quanh vô số phát minh trong phòng, minh chứng hùng hồn về óc sáng tạo không mệt mỏi.

“Thưa thầy, quả là đáng tiếc khi sự phát triển nông nghiệp đại trà lại không được thúc đẩy nhờ áp dụng đầy đủ hơn các máy móc phi thường của thầy. Chẳng phải nếu dùng một số máy móc ấy vào các thử nghiệm nhanh ở phòng thí nghiệm để chỉ ra ảnh hưởng của các loại phân bón khác nhau đối với sự phát triển của thực vật thì điều đó sẽ dễ dàng khả thi hay sao?”

“Anh nói phải đấy. Vô số ứng dụng của thiết bị Bose sẽ được các thế hệ mai sau dùng. Nhà khoa học hiếm khi nào biết tới phần thưởng lúc còn sống; có được niềm vui phục vụ mang tính sáng tạo đã là đủ rồi.”

Tôi cáo từ với lời bày tỏ niềm biết ơn chân thành đối với hiền giả không biết mệt mỏi. “Sức sáng tạo phong phú đáng kinh ngạc nơi thiên tài của ông có bao giờ cạn không?” tôi nghĩ.

Theo năm tháng, không hề có sự vơi cạn. Trong khi đang phát minh ra một dụng cụ phức tạp, “máy đo nhịp tim cộng hưởng”, Bose bèn theo đuổi các nghiên cứu mở rộng về rất nhiều loài thực vật ở Ấn Độ. Một dược điển lớn bất ngờ về các loại thuốc hữu ích đã được hé lộ. Máy đo nhịp tim được thiết kế với một sự chính xác không bao giờ sai mà một phần trăm của một giây được biểu thị trên đồ thị. Các ghi chép cộng hưởng sẽ đo nhịp đập vi phân ở thực vật, động vật, và cấu trúc người. Nhà thực vật học vĩ đại đã tiên đoán rằng việc sử dụng máy đo nhịp tim của ông sẽ dẫn đến giải phẫu sống trên thực vật thay vì trên động vật.

“Những bản ghi lại song song các tác động của một loại thuốc cùng lúc dùng cho một thực vật và một động vật đã cho thấy sự thống nhất thật kinh ngạc trong kết quả,” ông nói. “Mọi thứ ở người đều được báo trước ở thực vật. Thử nghiệm trên thực vật sẽ góp phần làm giảm đau đớn cho động vật và người.”

Nhiều năm sau, các phát hiện tiên phong về thực vật của Bose đã được các nhà khoa học khác chứng minh. Công trình thực hiện tại Đại học Columbia vào năm 1938 đã được The New York Times thuật lại như sau:

Trong vài năm qua, người ta đã xác định là khi dây thần kinh truyền đi thông điệp giữa não và các bộ phận khác trong cơ thể, các xung điện li ti được sinh ra. Các xung này đã được đo bằng các dụng cụ đo dòng điện tinh vi và được phóng đại hàng triệu lần bởi máy khuếch đại hiện đại. Cho đến nay, người ta chưa tìm thấy phương pháp thỏa đáng nào để nghiên cứu việc truyền các xung dọc dây thần kinh ở động vật sống hay người vì tốc độ cao của các xung này khi di chuyển.

Các tiến sĩ K. S. Cole và H. J. Curtis báo cáo rằng đã phát hiện ra các đơn bào dài ở thực vật nước ngọt nitella, thường được dùng trong các chậu cá vàng, gần như giống với các tế bào ở sợi thần kinh đơn. Hơn nữa, họ đã thấy rằng các sợi nitella, khi bị kích thích, sẽ truyền đi các sóng điện hoàn toàn tương tự, ngoại trừ vận tốc, với các sóng ở dây thần kinh động vật và người. Các xung điện thần kinh ở thực vật được phát hiện có tốc độ chậm hơn nhiều so với các xung điện ở động vật. Khám phá này do vậy được những người làm nghiên cứu tại Đại học Columbia nắm lấy như một phương tiện để quay chậm việc truyền xung điện trên dây thần kinh.

Tảo nitella do vậy có thể trở thành một dạng đá Rosetta để giải mã các bí ẩn được giữ gìn cẩn mật gần ranh giới giữa tâm thức và vật chất.

Nhà thơ Rabindranath Tagore là một người bạn lớn của nhà khoa học duy tâm của Ấn Độ. Thi sĩ xứ Bengal đã dành cho ông những câu sau:

Hỡi Ẩn sĩ, anh hãy gọi bằng những lời đích thực

Của tụng ca Sama xưa: “Dậy đi! Tỉnh dậy đi!”

Gọi kẻ khoe khoang hiểu biết thánh hiền;

Thôi phân tranh từ chương vô bổ,

Gọi kẻ u mê khoác lác bước ra

Đối mặt thiên nhiên, quả đất lớn này;

Truyền đi lời kêu gọi giới bác học các anh.

Cùng tập hợp quanh lửa tế của anh

Hãy để tất cả họ quây quần. Để cầu cho Ấn Độ của ta,

Xứ sở cổ xưa về lại với chính mình

Ôi, lần nữa trở về với công việc kiên trì,

Với bổn phận và sùng tín, với nhập định của nàng

Trong thiền định lòng thành; hãy để nàng ngồi

Một lần nữa không xao động, không tham lam, không xung đột, thanh khiết

Ôi, một lần nữa trên bệ

Và dáng ngồi cao quý, thầy của mọi xứ sở[70].

* * *

Chú thích:

[65] “Toàn bộ khoa học là siêu việt, nếu không sẽ diệt vong. Thực vật học giờ đây đang có được lý thuyết đúng - các hóa thân của Brahma sẽ sớm là sách giáo khoa về lịch sử tự nhiên.” - Emerson.

[66] Bắt nguồn từ gốc tiếng Latin crescere, nghĩa là tăng. Nhờ thiết bị này và các phát minh khác của mình, Bose được phong tước hiệp sĩ năm 1917.

[67] Hoa sen là một biểu tượng thiêng từ xưa ở Ấn Độ; những cánh hoa mở ra gợi đến sự mở rộng của linh hồn; vẻ đẹp thuần khiết mọc lên từ bùn của nó chứa đựng một lời hứa hẹn tâm linh tốt lành.

[68] “Chúng tôi tin rằng. không một ngành học nào, nhất là ngành nhân văn, ở bất kỳ trường đại học lớn nào, được trang bị đầy đủ mà lại thiếu một chuyên gia được đào tạo bài bản về môn học các giai đoạn phát triển của Ấn Độ. Chúng tôi cũng tin rằng, mọi trường đại học nhắm đến việc chuẩn bị cho các sinh viên tốt nghiệp sắp làm công việc trí óc, trong cái thế giới mà họ sẽ sống, phải có một học giả có hiểu biết về nền văn minh Ấn Độ trong đội ngũ nhân sự.” - Trích từ một bài báo của giáo sư W. Norman Brown ở Đại học Pennsylvania đăng trên số ra tháng 5-1939 của tờ Bulletin của Hội đồng các Hội Học giả Hoa Kỳ, Washington, D.C.

[69] Cấu trúc nguyên tử của vật chất đã được người Ấn xưa am tường. Một trong sáu hệ phái triết học Ấn Độ là Vaisesika, từ gốc tiếng Phạn visesa, “cá thể nguyên tử”. Một trong những người diễn giải Vaisesika hàng đầu là Aulukya, còn gọi là Kanada, “người ăn nguyên tử”, sinh vào khoảng 2.800 năm trước. Trong một bài báo Tara Mata viết trong Đông-Tây (East-West), tháng 4-1934, một tóm lược về tri thức khoa học của Vaisesika đã được trình bày như sau: “Dù “thuyết nguyên tử” hiện đại thường được xem là một bước tiến mới của khoa học thì nó đã được Kanada, “người ăn nguyên tử”, giải thích một cách xuất sắc từ rất lâu trước đây. Từ tiếng Phạn anu có thể được dịch đúng nghĩa là “nguyên tử” theo nghĩa đen của từ “atom” tiếng Hy Lạp là “không thể chia cắt” hay không thể phân chia. Các giải thích khoa học khác của các khảo luận Vaisesika của thời kỳ trước Công nguyên bao gồm (1) chuyển động của các kim về phía nam châm, (2) sự tuần hoàn của nước trong thực vật, (3) akash hay ête, trơ và không có cấu trúc, là một cơ sở để truyền các năng lượng vi tế, (4) lửa mặt trời là căn nguyên của mọi dạng nhiệt khác, (5) nhiệt là nguyên nhân của sự thay đổi của phân tử, (6) định luật vạn vật hấp dẫn do phẩm tính nội tại của các nguyên tử đất sinh ra để cho chúng có lực hấp dẫn hay lực kéo xuống, (7) tính động lực của mọi năng lượng; căn nguyên luôn bén rễ trong sự tiêu hao năng lượng hay một sự phân phối lại chuyển động, (8) sự diệt vong của vũ trụ do sự phân rã nguyên tử, (9) bức xạ nhiệt và tia sáng, các hạt vô cùng nhỏ, bắn ra khắp phía với vận tốc không thể hình dung nổi (thuyết “tia vũ trụ” hiện đại), (10) tính tương đối của thời gian và không gian. “Vaisesika cho rằng nguyên tử là khởi nguyên của vũ trụ, trường tồn trong thể tính của chúng, tức là, các đặc điểm cơ bản của chúng. Các nguyên tử được xem là có một chuyển động rung không ngừng. Khám phá gần đây rằng một nguyên tử là một hệ mặt trời thu nhỏ sẽ không có gì là mới mẻ đối với các triết gia Vaisesika cổ đại, những người cũng đã rút gọn thời gian về khái niệm toán học tận cùng của nó khi mô tả đơn vị thời gian ngắn nhất (kala) là khoảng thời gian một nguyên tử cần để đi xuyên qua đơn vị không gian của chính nó.”

[70] Được Manmohan Gosh dịch ra từ tiếng Bengal, đăng trên tạp chí The Visvabharati Quarterly, Santiniketan, Ấn Độ. “Tụng ca Sama” nêu trong bài thơ của Tagore là một trong bốn bộ kinh Vệ Đà. Ba bộ kia là Rig, Yajur và Atharva. Kinh thiêng giải thích bản chất của Brahma, Thượng đế Đấng Sáng Tạo, mà biểu hiện của Ngài nơi con người cá thể được gọi là atma, linh hồn. Gốc động từ của Brahma là brih, “khai triển”, biểu đạt khái niệm Vệ Đà về sức mạnh siêu phàm của sự phát triển tự nhiên, về sự bùng nổ thành hành động sáng thế. Vũ trụ, như một cái mạng nhện, được cho là tiến hóa (vikurute) từ thực thể Ngài. Sự hợp nhất có ý thức của atma với Brahma, linh hồn với Tinh thần, có thể nói là toàn bộ ý chính của Vệ Đà. Vedanta, các tóm tắt trong Vệ Đà, đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà tư tưởng phương Tây. Nhà sử học người Pháp Victor Cousin đã nói: “Khi ta chăm chú đọc các công trình triết học bất hủ của Á Đông - trên hết là những công trình của Ấn Độ - ta sẽ nhận ra là có nhiều chân lý rất uyên thâm, chúng ta buộc phải quỳ gối trước triết học Đông phương, và thấy ở cái nôi của nhân loại này quê hương của nền triết học cao nhất.” Schlegel nhận xét: “Ngay cả học thuyết triết học cao nhất của người Âu, chủ nghĩa lý tưởng về lý trí như các triết gia Hy Lạp nêu ra, tuồng như - khi so sánh với sự sống và sinh lực tràn trề của chủ nghĩa lý tưởng Á đông - là một tia lửa Prometeus le lói trước một thác nắng tràn trề.” Trong nền văn học bao la của Ấn Độ, kinh Vệ Đà (từ gốc vid, biết) là những bản văn duy nhất không được xem là của một tác giả nào. Rig Veda (X:90, 9) quy các tụng ca một nguồn gốc thần khải và cho chúng ta hay (III:39, 2) là chúng đã được truyền lại từ “thời thượng cổ”, lại được khoác trong ngôn ngữ mới. Được mặc khải cho các rishi, “đấng tiên tri”, từ đời này sang đời khác, Vệ Đà được xem là có nityatva, “cứu cánh vĩnh cửu”. Vệ Đà là một mặc khải bằng âm thanh, được các rishi “nghe trực tiếp” (shruti). Về cơ bản đó là văn tụng và văn trách. Do vậy, hàng bao thiên niên kỷ, 100.000 cặp câu thơ của Vệ Đà đã không được ghi lại, mà chỉ được các tu sĩ Bà La Môn truyền khẩu. Giấy và đá đều phải chịu các tác động tàn phá của thời gian. Vệ Đà tiếp tục tồn tại qua bao đời vì các rishi đã hiểu được sự hơn hẳn của tâm so với vật như một phương tiện truyền đạt thích hợp. Cái gì có thể hơn được tấm bảng “lòng người”?. Bằng cách quan sát trật tự đặc biệt (anupurvi) của các từ xuất hiện trong Vệ Đà, và với sự trợ giúp của quy tắc âm vị học cho các kết hợp âm (sandhi) và cho mối tương quan giữa các chữ cái (sanatana), và bằng cách chứng minh theo một số cách thức toán học nhất định, tính chính xác của các văn bản đã được nhập tâm, các tu sĩ Bà La Môn đã giữ gìn một cách độc đáo, từ thời rất xa xưa, sự thuần khiết nguyên thủy của Vệ Đà. Mỗi âm tiết (akshara) của một từ trong Vệ Đà được phú cho một ý nghĩa và hiệu lực (xem các trang 417-418).

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3