Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 09

CHƯƠNG 9

Tín đồ Hoan hỉ và tình yêu vũ trụ

“Thánh nhỏ, xin mời ngồi. Ta đang trò chuyện với Thánh Mẫu thần của ta.”

Tôi khe khẽ bước vào phòng vô cùng kính sợ. Cái vẻ ngoài như thiên thần của thầy Mahasaya làm tôi khá sững sờ. Chòm râu trắng như cước và đôi mắt to sáng ngời, thầy dường như là một hiện thân của sự thanh khiết. Cằm thầy hếch lên và hai tay chắp lại cho tôi biết là cuộc viếng thăm đầu tiên của tôi đã quấy rầy thầy giữa lúc cầu nguyện.

Câu chào ngắn gọn của thầy lại gây nên ảnh hưởng mãnh liệt nhất mà bản tính tôi từng trải qua. Tôi những tưởng nỗi đau xót chia lìa vì cái chết của mẹ đã là thước đo cho mọi thống khổ rồi.

Giờ đây một ý thức về sự phân ly với Thánh Mẫu của tôi là một sự giày vò tinh thần khôn tả. Tôi sụp xuống sàn than van.

“Thánh nhỏ, hãy lắng tĩnh lại!” Vị thánh ái ngại thương cảm.

Bị bỏ rơi lẻ loi ngoài một đại dương nào đó, tôi túm lấy chân thầy như mảng bè độc nhất cứu vớt tôi.

“Thưa thầy tôn kính, xin hãy xin giùm! Xin hãy hỏi Thánh Mẫu xem dưới mắt Ngài con có được chút ân huệ nào!”

Lời hứa thiêng liêng sẽ cầu xin giúp là một trong những lời hứa không dễ trao cho, thầy buộc lòng phải im lặng.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi tin chắc rằng thầy Mahasaya đang trò chuyện thân mật với Mẹ Vũ trụ. Thật là bẽ bàng tột cùng khi nhận ra rằng mắt tôi mù không thấy Bà, đấng mà lúc này đây đang hiển hiện trước cái nhìn siêu việt của vị thánh. Ôm chân thầy không biết ngượng, điếc trước lời quở trách nhẹ nhàng của thầy, tôi cứ van xin mãi ân huệ can thiệp giúp từ thầy.

“Ta sẽ chuyển lời khẩn cầu của con tới Đấng Yêu thương.” Sự nhượng bộ của thầy đi cùng một nụ cười từ bi, thong thả.

Uy lực nào trong mấy lời ấy mà hiện hữu tôi đã được thấy sự giải thoát khỏi cảnh lưu đày bão tố!

“Thưa thầy, xin hãy nhớ lời hứa của thầy! Con sẽ sớm quay lại nhận thông điệp của Bà.” Niềm hy vọng hân hoan ngân trong giọng tôi mà chỉ mới khoảnh khắc trước đây thôi còn nghẹn ngào thổn thức sầu đau.

Khi tôi bước xuống cầu thang dài, trong tôi choáng ngợp những ký ức. Ngôi nhà số 50 đường Amherst này ở Calcutta, giờ là chỗ ở của thầy Mahasaya, đã từng là nhà của gia đình tôi, nơi mẹ tôi qua đời. Nơi đây trái tim người của tôi đã từng tan nát vì người mẹ đã tan biến; và nơi này hôm nay tinh thần tôi chẳng khác nào bị đóng đinh vì sự vắng bóng của Thánh Mẫu. Ôi những bức tường thiêng! Chứng nhân thầm lặng cho những vết thương sầu muộn và sự chữa lành sau cùng cho tôi.

Bước chân tôi hăm hở hơn khi tôi quay về nhà. Tìm sự ẩn dật trên gác mái nhỏ của mình, tôi ngồi thiền định cho đến mười giờ.

Bóng đêm Ấn Độ ấm áp bỗng đâu sáng lên một linh ảnh huyền diệu.

Bọc trong vầng hào quang chói lọi, Thánh Mẫu đứng trước mặt tôi. Gương mặt Bà, mỉm cười dịu dàng, chính là cái đẹp.

“Ta vẫn hằng yêu thương con! Ta sẽ luôn yêu thương con!”

Giọng trời vẫn còn vang vang trong thinh không, Bà biến mất.

Mặt trời sáng hôm sau chỉ vừa mới ló một góc như thường lệ thì tôi đã đến thăm thầy Mahasaya lần thứ hai. Đi lên cầu thang trong ngôi nhà của những kỷ niệm nhói lòng, tôi tới căn phòng trên tầng bốn của thầy. Cái núm trên cửa khép được quấn một miếng vải; một sự ra dấu, tôi cảm thấy vị thánh muốn được riêng tư. Khi tôi đang đứng tần ngần đầu cầu thang thì cánh cửa mở ra bởi bàn tay thầy mời đón. Tôi quỳ dưới chân thiêng. Trong tâm trạng hân hoan, tôi khoác một mặt nạ long trọng trên mặt, che giấu niềm hoan hỉ thiêng liêng.

“Thưa thầy, con đến rồi - rất sớm, tôi thú nhận - để nhận lời nhắn từ thầy. Thánh Mẫu có nói gì về con không?”

“Thánh nhỏ láu lỉnh này!”

Thầy chẳng nói thêm câu nào nữa. Rõ ràng là sự nghiêm trang vờ vĩnh của tôi chẳng gây ấn tượng.

“Sao lại bí ẩn vậy, lẩn tránh vậy? Các thánh không bao giờ nói rõ ràng ra sao?” Có lẽ tôi có chút khích động.

“Con cần phải thử ta sao?” Ánh mắt thanh tĩnh của thầy đầy thông cảm. “Sáng nay ta có thể thêm được một chữ nào vào lời cam đoan con đã nhận được lúc mười giờ đêm qua, từ chính Mẹ Đẹp không?”

Thầy Mahasaya có cái uy lực khiến tôi trút hết nỗi lòng: lần nữa tôi lao tới phủ phục dưới chân thầy. Nhưng lần này nước mắt tôi dâng tràn vì niềm diễm phúc mà không phải nỗi đau, sự chịu đựng ngày xưa nữa.

“Con nghĩ rằng lòng mộ đạo của con không làm cảm động Nhân từ Vô tận hay sao? Tình mẫu tử của Thượng đế mà con thờ phụng, cả dưới dạng thiêng liêng lẫn con người, không bao giờ không đáp lại tiếng kêu bị bỏ rơi của con.”

Vị thánh giản dị này là ai vậy, mà lời cầu xin nhỏ nhặt nhất với Tinh thần Vũ trụ cũng được đáp lại bằng một ưng thuận ngọt ngào? Vai trò của thầy ở đời này thật khiêm nhường, đúng là con người của sự khiêm cung vĩ đại nhất tôi từng biết. Trong ngôi nhà ở đường Amherst này, thầy Mahasaya[71] chăm lo một trường trung học nhỏ dành cho nam sinh. Không lời trừng phạt nào qua môi thầy; không nội quy hay đòn roi nào được duy trì trong kỷ luật của thầy. Toán học cao cấp quả đã được dạy trong những lớp học giản dị này, và cả một môn hóa học của tình yêu không có trong sách giáo khoa.

Thầy gieo rắc hiểu biết của mình bằng sự lây lan tinh thần hơn là giáo huấn khó thấm. Đắm trong niềm say mê dung dị dành cho Thánh Mẫu, thánh không còn đòi hỏi những hình thức tôn trọng nào nhiều hơn một đứa trẻ đòi hỏi.

“Ta không phải là sư phụ của con; thầy ấy sẽ tới muộn hơn một chút,” thầy bảo tôi. “Qua sự hướng dẫn của thầy, chứng nghiệm Thiêng liêng về tình yêu và sự sùng tín của con sẽ biến thành lời lẽ minh triết khôn dò của thầy.”

Cứ cuối mỗi chiều tôi lại chăm chăm tới đường Amherst. Tôi theo đuổi chén thiêng của thầy Mahasaya, đầy đến đỗi những giọt nước mỗi ngày đổ tràn khắp bản thể tôi. Tôi chưa từng cúi lạy với niềm tôn kính tột cùng trước đây; giờ thì tôi cảm thấy dù chỉ giẫm lên chính mặt đất mà bước chân thầy Mahasaya đã thánh hóa thôi cũng đã là một đặc ân vô bờ.

“Thưa thầy, xin hãy khoác vòng hoa ngọc lan ngà (champak) mà con đã kết chỉ dành riêng cho thầy này.” Một buổi chiều tôi đến, cầm vòng hoa tôi tự kết. Nhưng ngại ngùng thầy né đi, một mực chối từ vinh dự ấy. Nhận thấy tôi đau lòng, cuối cùng thầy mới mỉm cười ưng thuận.

“Vì cả hai ta đều là tín đồ của Mẹ, con có thể để tràng hoa lên đền thờ thể xác này, như cúng dường Ngài, đấng ngụ bên trong.”

Bản tính mênh mông của thầy không có chỗ cho sự tính toán vị kỷ nào chen chân.

“Mai ta sẽ cùng đi Dakshineswar đến đền thờ Kali, được sư phụ ta mãi hoài tôn thờ.” Thầy là đệ tử của vị thầy như Chúa Jesus, Sri Ramakrishna Paramahansa.

Sáng hôm sau, chuyến hành trình dài bốn dặm được thực hiện bằng thuyền trên sông Hằng. Chúng tôi bước vào ngôi đền chín vòm thờ thần Kali, nơi tượng Thánh Mẫu và Shiva ngồi trên hoa sen bạc sáng óng, ngàn cánh hoa được chạm trổ tinh vi. Thầy Mahasaya rạng rỡ say mê. Thầy đắm mình trong niềm yêu không bao giờ cạn dành cho Đấng Yêu thương. Khi thầy niệm danh Ngài, trái tim say sưa của tôi chừng như tan vỡ, như hoa sen, thành muôn ngàn mảnh.

Sau đó chúng tôi thong dong qua các khu vực thiêng liêng xung quanh, dừng chân dưới một khóm rừng thánh liễu. Thứ nước ngọt đặc thù từ cây này tiết ra là biểu tượng của món ăn trời mà thầy Mahasaya đang ban cho. Thầy tiếp tục những lời cầu khấn thiêng liêng. Tôi ngồi im phắc trên cỏ giữa những bông hoa thánh liễu mượt lông tơ hồng. Tạm vắng mặt nơi thể xác, tôi bay vút lên thăm trời cao.

Đây là chuyến hành hương đầu tiên cùng thầy thiêng liêng trong nhiều lần tôi hành hương đến Dakshineswar. Từ thầy mà tôi biết được sự ngọt ngào của Thượng đế trong khuôn mặt của Mẹ, hay Nhân từ Thiêng liêng. Vị thánh trẻ thơ không bị cuốn hút mấy bởi dáng vẻ Cha, hay Công lý Thiêng liêng. Sự phán xét lạnh lùng, chuẩn xác, toán học thật xa lạ với tư chất dịu dàng của thầy.

“Thầy làm khuôn mẫu trần thế cho mọi thiên thần trên trời cũng được nữa!” Một hôm, tôi trìu mến nghĩ khi nhìn thầy cầu nguyện. Không một tiếng phê bình hay chỉ trích, thầy quan sát thế gian bằng cặp mắt từ lâu đã quen với Thanh tịnh Nguyên thủy.

Thân, tâm, lời lẽ và hành động của thầy hài hòa một cách dễ dàng với sự giản dị trong linh hồn thầy.

“Thầy ta đã dạy ta vậy.” E ngại trước khẳng định của riêng mình, thánh thường dứt lời khuyên sáng suốt bằng cách bày tỏ lòng kính trọng như vậy. Thầy cảm nhận về sự hòa hợp giữa mình với Sri Ramakrishna sâu thẳm đến mức thầy không còn nhìn nhận những ý nghĩ của mình là thuộc về riêng mình.

Sóng bước, một buổi chiều thánh và tôi đi bộ trong khuôn viên trường học của thầy. Niềm vui của tôi u ám đi vì một người quen có tính tự phụ đi tới. Anh ta làm khổ chúng tôi bằng bài diễn văn dông dài.

“Ta thấy là người này không làm con hài lòng.” Lời thánh thì thầm với tôi không tới tai kẻ chỉ biết có mình, đang say sưa với bài độc thoại của hắn. “Ta vừa kể với Thánh Mẫu về chuyện đó rồi; Bà đã nhận ra tình huống khó chịu đáng buồn của ta. Ngay khi ta đến được ngôi nhà sơn đỏ đằng kia, Bà đã hứa sẽ nhắc hắn ta về một việc cần kíp hơn.”

Mắt tôi dán chặt vào điểm cứu rỗi đó. Tới chỗ có cánh cổng màu đỏ, không cắt nghĩa nổi, người này quay gót bỏ đi, không nói cho hết câu mà cũng chẳng chào tạm biệt. Thanh tĩnh lắng xuống bầu không khí đã bị xâm phạm.

Hôm khác, tôi đi dạo một mình gần nhà ga xe lửa Howrah. Tôi đứng một lát cạnh ngôi đền, thầm chỉ trích một nhóm mấy người đàn ông cầm trống và chũm chọe đang ngâm to một bài tụng.

“Chao ôi họ máy móc tụng tên thiêng của Thượng đế sao thiếu thành kính quá chừng,” tôi ngẫm nghĩ. Bất giác tôi kinh ngạc thấy thầy Mahasaya thoăn thoắt lại chỗ tôi.

“Thưa thầy, sao thầy lại ở đây?”

Vị thánh làm ngơ câu hỏi mà trả lời vào ý nghĩ của tôi. “Chẳng phải là, thánh nhỏ ạ, tên của Đấng Yêu thương nghe có vẻ ngọt ngào trên mọi đôi môi của kẻ ngu muội hay thông minh sao?” Thầy quàng tay quanh người tôi trìu mến; tôi nhận ra mình được đưa đi trên tấm thảm thần của thầy, đến với Hiện diện Nhân từ.

“Con có muốn xem vài bioscope (sinh kính) không?” Một buổi chiều câu hỏi này của thầy Mahasaya lánh đời làm tôi thấy khó hiểu; thuật ngữ này ở Ấn Độ hồi ấy được dùng để chỉ phim điện ảnh. Tôi bằng lòng, vui vì được đồng hành cùng thầy trong mọi hoàn cảnh. Một bức tường gạch dẫn lối chúng tôi đến khu vườn trước mặt Đại học Calcutta. Bạn đồng hành của tôi chỉ một chiếc ghế dài gần hồ (goldighi).

“Ta ngồi đây ít phút nào. Thầy ta dặn ta thiền mỗi khi thấy một mặt nước. Sự bình lặng của nó nhắc chúng ta về cái tịch tĩnh bao la của Thượng đế. Cũng giống như vạn vật đều được phản chiếu trong nước, toàn thể vũ trụ cũng soi bóng trong hồ Tâm thức Vũ trụ. Gurudeva[72] của ta thường nói vậy.”

Chẳng mấy chốc chúng tôi đã bước vào giảng đường đại học nơi đang có một buổi thuyết trình. Nó quả thực vô cùng nhạt nhẽo, dù thỉnh thoảng được thay đổi bằng những phim đèn chiếu minh họa, cũng vô vị như vậy.

“Vậy ra đây là kiểu phim thầy muốn mình xem!” Trong suy nghĩ, tôi đã hết kiên nhẫn, nhưng tôi không thể làm tổn thương thánh mà để lộ sự chán chường ra mặt. Nhưng thầy kín đáo nghiêng qua tôi.

“Ta biết, thánh nhỏ, là con không thích phim này. Ta đã nhắc chuyện đó với Thánh Mẫu; Bà hoàn toàn thông cảm với hai ta. Bà bảo ta rằng đèn điện giờ sẽ tắt và sẽ không sáng lại chừng nào chúng ta có cơ hội ra khỏi phòng đã.”

Lời thì thầm của thầy vừa dứt thì giảng đường chìm trong bóng tối. Vị giáo sư có cái giọng lanh lảnh đã bặt đi chốc lát vì ngạc nhiên nói: “Hệ thống điện trong giảng đường này hình như có trục trặc.” Lúc này thì thầy Mahasaya và tôi đã bước qua ngưỡng cửa rồi. Từ hành lang liếc lui, tôi thấy giảng đường đã sáng trở lại.

“Thánh nhỏ, con đã thất vọng về phim đó, nhưng ta nghĩ con sẽ thích một phim khác.” Thánh và tôi đang đứng bên vỉa hè trước mặt tòa nhà trường đại học. Thầy vỗ nhẹ lên ngực tôi phía bên trên tim.

Một sự tịch lặng chuyển hóa tiếp theo sau đó. Cũng giống như mấy cái “bộ đàm” thời nay trở thành phim mất tiếng khi thiết bị âm thanh bị hỏng, Bàn Tay Thiêng, bằng một phép màu lạ lùng nào đó, cũng đã bấm tắt cái hối hả trần gian. Người bộ hành cũng như xe điện, xe hơi, xe bò, xe ngựa bánh sắt chạy ngang, tất cả đều đang đi xuôi trên đường mà im phắc. Như thể có cặp mắt bao trùm khắp cả, tôi nhìn thấy những cảnh ở sau tôi, ở hai bên, cũng dễ dàng như những cảnh trước mặt. Toàn bộ khung cảnh sinh hoạt trong khu vực nhỏ bé ở Calcutta đó đi qua trước tôi không một tiếng động. Như một ánh lửa lập lòe thấy được dưới một lớp mỏng tro tàn, một vầng sáng dịu nhẹ lan tỏa khắp toàn cảnh.

Cơ thể của chính tôi tựa hồ chỉ là một trong nhiều cái bóng ấy; dù là nó bất động, trong khi những cái bóng khác thì lại câm lặng lướt qua lại. Vài anh chàng bạn tôi đi lại gần rồi đi tiếp; họ nhìn thẳng tôi, thế nhưng không nhận thấy.

Cảnh phim câm độc đáo cho tôi một niềm vui ngây ngất khôn tả. Tôi uống cạn từ một suối nguồn hạnh phúc nào đó. Bất chợt ngực tôi nhận được một cái vỗ nhẹ nữa của thầy Mahasaya. Cái huyên náo của thế gian miễn cưỡng vỡ òa vào tai tôi. Tôi loạng choạng, như thể bị bất ngờ lay tỉnh một giấc mơ mong manh. Rượu siêu việt đã bị lấy đi xa tầm tay tôi.

“Thánh nhỏ, ta hiểu rằng con đã thấy bioscope[73] thứ hai này hợp ý con rồi.” Thánh mỉm cười. Tôi bèn quỳ xuống đất trước mặt thầy cảm tạ. “Giờ con không thể làm vậy với ta nữa,” thầy nói.

“Con biết Thượng đế cũng ở trong đền thờ của con nữa mà! Ta sẽ không để Thánh Mẫu chạm chân ta qua bàn tay con đâu!”

Nếu có ai quan sát vị thầy khiêm cung và tôi khi chúng tôi thong thả rời vỉa hè đông người, chắc chắn họ sẽ ngờ là chúng tôi đang say. Tôi cảm thấy bóng chiều buông xuống cũng đồng tình mà say Thượng đế.

Khi cố gắng bằng những lời lẽ nghèo nàn, cảm ơn sự độ lượng của thầy, tôi tự hỏi liệu thầy Mahasaya, và những vị khác trong số các thánh mà tôi không được gặp, có biết rằng nhiều năm sau, trên đất phương Tây, tôi sẽ viết về cuộc đời các vị như những tín đồ chí thánh không. Khả năng biết trước của các vị sẽ không làm tôi ngạc nhiên, cũng như, tôi hy vọng, độc giả của tôi, những người đã đi cùng tôi đến phút này.

Các bậc thánh thuộc mọi tôn giáo đều đạt được giác ngộ Thượng đế qua khái niệm giản dị là Đấng Yêu thương Vũ trụ. Vì Tuyệt đối là nirguna, “phi phẩm tính”, và acintya, “bất khả tư nghị”, ý nghĩ và khát khao của con người vẫn luôn nhân cách hóa Nó là Mẹ Vũ trụ. Một sự kết hợp giữa thuyết hữu thần cá nhân và triết học về Tuyệt Đối là một thành tựu xưa của tư tưởng Ấn Độ, được trình bày trong Vệ Đà và Bhagavad Gita. Sự “dung hòa giữa các cực đối lập” này thỏa mãn tâm và trí; bhakti (sùng tín) và jnana (minh triết) về cơ bản là một. Prapatti, “nương náu” nơi Thượng đế, và sharanagati, “phó thác mình vào Từ bi Thiêng liêng”, quả thật là những con đường của tri thức cao tột bậc.

Sự khiêm cung của thầy Mahasaya và tất cả các vị thánh khác bắt nguồn từ công nhận của họ về sự phụ thuộc hoàn toàn (seshatva) vào Thượng đế như Sự Sống và Quan tòa duy nhất.

Vì chính thể tính của Thượng đế là Cực lạc, con người khi hòa điệu với Ngài sẽ chứng nghiệm được một niềm vui vô biên uyên nguyên. “Đam mê đầu tiên trong mọi đam mê của linh hồn và ý chí là niềm vui[74].”

Các tín đồ ở mọi thời đại, khi đến gần Mẹ với tinh thần thơ trẻ, đều chứng thực rằng họ thấy Bà lúc nào cũng đùa vui với mình. Trong đời thầy Mahasaya, những vở kịch thần thánh đã diễn ra vào nhiều dịp cả quan trọng lẫn không quan trọng. Dưới mắt Thượng đế thì không có gì là nhỏ mà cũng chẳng có gì là lớn. Nếu không nhờ có sự chuẩn xác toàn hảo của Ngài khi xây nên những nguyên tử li ti thì bầu trời có mang các cấu trúc Vega (Sao Chức Nữ), Arcturus (Sao Đại Giác) kiêu hãnh được chăng? Thượng đế chắc chắn là chẳng biết đến những điểm khác biệt “quan trọng” hay “không quan trọng”, vì rằng thiếu một cái đinh ghim, vũ trụ sẽ sụp đổ!

* * *

Chú thích:

[71] Đây là các danh hiệu kính trọng mà người ta thường gọi thầy. Tên thầy là Mahendra Nath Gupta; thầy ký trong các tác phẩm văn chương của thầy chỉ một chữ “M”.

[72] “Tôn sư”, thuật ngữ Phạn thông thường dành cho đạo sư của một người. Deva (“thần”) kết hợp với guru (“thầy giác ngộ”) biểu thị lòng sùng kính và tôn trọng vô cùng. Tôi đã dịch nó ra tiếng Anh đơn giản là “Master” (“thầy”).

[73] Từ điển Webster’s New International (1934) đưa ra định nghĩa hiếm này: “Một cái nhìn về cuộc sống; cái đem lại cái nhìn đó.” Sự chọn từ của thầy Mahasaya, lúc ấy, là đặc biệt hợp lý.

[74] Thánh John Thánh Giá. Thi hài của vị thánh Cơ Đốc giáo đáng mến, mất năm 1591 này, được khai quật vào năm 1859 và phát hiện trong tình trạng bất hoại. Tôn ông Francis Younghusband (Nguyệt san Đại Tây Dương, tháng 12/1936) đã kể về chứng nghiệm niềm vui vũ trụ của chính mình: “Đã xảy đến với tôi cái còn hơn nhiều niềm hân hoan hay vui thú; tôi bên cạnh chính mình với một niềm vui tột độ, và cùng với niềm vui khôn tả và gần như không chịu nổi này là một soi rạng về tính bản thiện của nhân gian. Tôi tin chắc không thể nào phản bác được rằng con người trong tận cùng sâu thẳm là thiện, rằng tính ác ở họ chỉ là bề mặt.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3