Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 11

CHƯƠNG 11

Hai cậu bé không xu dính túi ở Brindaban

“Cha mà có truất quyền thừa kế của em thì cũng đáng đời em lắm, Mukunda! Em vứt bỏ đời mình thật ngu ngốc làm sao!”

Lời quở mắng của ông anh hành hạ đôi tai tôi.

Jitendra và tôi, tươi rói trên xe lửa xuống (cách nói văn hoa để chỉ là vừa mới tới, chứ người bọn tôi đầy bụi), vừa tới nhà anh Ananta, mới từ Calcutta dọn đến thành cổ Agra. Anh là một kế toán giám sát cho Bộ Công chính của chính phủ.

“Anh thừa biết, anh Ananta, là em mưu cầu quyền thừa kế cho mình từ Thiên Phụ mà.”

“Tiền bạc trước đã; Thượng đế hẵng sau! Ai biết được? Đời biết đâu sẽ dài lắm.”

“Thượng đế trước; tiền bạc là nô lệ của Ngài! Ai nói được?

Đời biết đâu sẽ quá ngắn.”

Câu tôi đối đáp là do sự bức bách của hoàn cảnh mà không chứa đựng linh cảm. (Hỡi ôi, quả là kiếp anh Ananta quá ư ngắn ngủi[84].) “Minh triết học được ở tu viện, đấy à? Nhưng anh thấy là em đã bỏ Banaras mà đi rồi mà.” Mắt anh Ananta long lanh mãn nguyện; anh vẫn còn hy vọng buộc chặt đôi cánh của tôi vào tổ ấm gia đình.

“Thời gian em ở Banaras chẳng phải vô ích! Ở đó em đã tìm thấy tất cả những gì trái tim em hằng mong mỏi. Anh có thể chắc chắn đó không phải là nhà học giả của anh hay con trai ông ta đâu!”

Anh Atanta và tôi cùng cười mà nhớ lại; anh đã phải thừa nhận là “nhà thiên nhãn” thành Banaras mà anh chọn hóa ra là một kẻ thiển cận.

“Em định thế nào, cậu em phiêu bạt của anh?”

“Jitendra thuyết phục em đi Agra. Bọn em sẽ thưởng lãm những cái đẹp của Taj Mahal[85] ở đó,” tôi giải thích. “Rồi bọn em sẽ đến thăm sư phụ em vừa tìm thấy, thầy có một tịnh thất ở Serampore.”

Anh Ananta đã hiếu khách mà thu xếp cho chúng tôi được thoải mái. Đôi lần trong buổi chiều tôi nhận thấy mắt anh nhìn tôi đăm chiêu.

“Mình biết cái nhìn đó,” tôi nghĩ. “Một âm mưu đang được bày đặt đây!”

Cái gút mở ra lúc chúng tôi dùng điểm tâm sớm.

“Vậy là em cảm thấy hoàn toàn không lệ thuộc vào gia sản của cha.” Cái nhìn của anh Ananta vô tư khi anh tiếp tục những lời châm chọc trong cuộc trò chuyện ngày hôm trước.

“Em biết sự phụ thuộc của em vào Thượng đế.”

“Nói thì dễ lắm! Cho đến nay cuộc sống vẫn luôn bảo bọc em.

Quả là một cảnh ngộ khốn khổ nếu em buộc phải trông vào Bàn tay Vô hình để có miếng ăn và chỗ tá túc! Em sẽ sớm phải đi ăn xin ngoài đường thôi.”

“Không đời nào! Em đặt niềm tin vào Thượng đế chứ không phải vào ông đi qua, bà đi lại! Ngài có thể nghĩ ra cho tín đồ của Ngài cả ngàn lợi lạc ngoài cái bát ăn xin.”

“Lại lời hoa mỹ nữa rồi! Giả sử như anh đề nghị đưa cái triết lý em tán tụng ấy ra chịu thử thách giữa thế giới hữu hình này thì sao?”

“Em sẽ đồng ý! Anh giới hạn Thượng đế trong một thế giới lý thuyết thôi sao?”

“Để xem; hôm nay em sẽ có dịp hoặc mở rộng hoặc khẳng định cách nhìn của riêng anh.” Anh Ananta dừng một lúc gây chú ý, rồi nói chậm rãi và nghiêm túc.

“Anh đề nghị là sáng nay anh sẽ phái em và đồng môn Jitendra của em đến thành Brindaban gần đây. Hai em không được cầm theo một rupi nào; hai em không được xin xỏ, thức ăn hay nước uống; hai em không được hé môi về tình cảnh khó khăn của mình cho bất kỳ ai; hai em không được nhịn ăn; và hai em không được lâm vào tình cảnh khó khăn ở Brindaban. Nếu hai em trở về nhà anh trước mười hai giờ tối nay, mà không vi phạm một quy định nào của cuộc thử thách, anh sẽ là người kinh ngạc nhất Agra!”

“Em nhận lời thách đố.” Không có sự do dự nào trong lời nói và trong lòng tôi. Những ký ức hàm ơn về Đấng Nhân từ Tức thì chợt hiện về: lần tôi được chữa khỏi bệnh tả chết người nhờ một lời kêu cứu trước ảnh Lahiri Mahasaya; món quà vui nhộn là hai cái diều trên mái nhà ở Lahore; lá bùa đúng lúc khi tôi nản lòng ở Bareilly; lời nhắn quyết định qua sadhu trước sân nhà học giả ở Banaras; linh ảnh Thánh Mẫu và những lời yêu thương trang trọng của Bà; sự lưu tâm nhanh chóng của Bà qua thầy Mahasaya với những rối bời cỏn con của tôi; sự hướng dẫn đến vào phút chót đã hóa hiện ra bằng tú tài của tôi; và ân huệ tối hậu, người Thầy đang sống của tôi từ mù sương trong những giấc mơ cả đời tôi. Tôi sẽ không bao giờ thừa nhận “triết lý” của mình không ngang sức với bất kỳ thử thách nào nơi những trung tâm thực nghiệm khắt khe ở đời!

“Thái độ sẵn sàng làm của em đáng khen đó. Anh sẽ tiễn hai em ra xe lửa ngay,” anh Ananta nói.

Anh quay qua Jintendra đang há hốc mồm. “Em phải đi cùng - làm người làm chứng và, rất có khả năng, là một đồng nạn nhân!”

Nửa giờ sau Jitendra và tôi đã cầm trong tay vé một chiều cho chuyến đi. Trong một góc khuất của ga, chúng tôi phải chịu để người của chúng tôi lục soát. Anh Ananta hài lòng ngay là chúng tôi không giấu gì theo; mấy cái dhoti[86] giản dị của chúng tôi chẳng che được gì ngoài cái cần phải che.

Vì đức tin đã xâm lấn vào lãnh địa nghiêm túc là tài chính, bạn tôi không chịu. “Anh Ananta, cho em ít rupi phòng thân đi. Có vậy thì em mới đánh điện báo cho anh được trong trường hợp có chuyện chẳng lành.”

“Jitendra!” Tôi nghiêm khắc quở trách. “Mình sẽ không tiếp tục cuộc thử thách đâu nếu bạn nhận một đồng nào phòng thân.”

“Có gì đó làm vững dạ trong tiếng leng keng của đồng xu mà.” Jitendra chẳng nói gì thêm khi tôi nhìn cậu ta nghiêm khắc.

“Mukunda, anh không tàn nhẫn đâu.” Một vẻ nhún nhường lẫn trong giọng anh Ananta. Có thể là lương tâm đang giày vò anh:

có lẽ vì gửi hai thằng bé không xu dính túi đến một thành phố lạ; có lẽ vì sự thiếu đức tin của riêng anh. “Nếu có nhờ may mắn hay phúc đức nào mà hai em qua được cuộc thử thách ở Brindaban thì anh sẽ nhờ em điểm đạo cho anh thành đệ tử của em.”

Lời hứa này có chút bất thường, hợp với sự kiện lạ lùng này.

Anh cả trong gia đình người Ấn hiếm khi cúi lạy trước các em mình; người anh luôn được kính trọng và vâng lời chỉ sau người cha thôi. Nhưng không còn thời gian để tôi nói gì nữa; xe lửa của chúng tôi sắp khởi hành.

Jitendra nín thinh sầu thảm khi xe lửa đã đi được nhiều dặm.

Cuối cùng thì cậu ta cũng hoạt bát lên; nhoài người qua, cậu ta nhéo tôi một cái đau điếng ở chỗ thịt mềm.

“Mình đâu thấy dấu hiệu gì là Thượng đế sắp cho bọn mình bữa ăn kế tiếp!”

“Im nào, Thomas hoài nghi[87]; Thượng đế đang lo cho ta.”

“Cậu hãy thu xếp sao cho Ngài nhanh lên được không? Chỉ cái viễn cảnh trước mặt bọn mình thôi cũng đủ làm mình thấy chết đói rồi. Mình rời Banaras để ngắm lăng mộ Taj, không phải để vào lăng của chính mình đâu!”

“Vui vẻ lên, Jitendra! Chẳng phải lần đầu tiên ta sắp được thấy những kỳ quan linh thiêng ở Brindaban[88] sao? Mình đang vui hết sức khi nghĩ đến việc đặt chân lên mảnh đất được thánh hóa bởi bước chân của thần Krishna.”

Cửa toa của chúng tôi mở ra; hai người đàn ông ngồi xuống.

Ga kế tiếp sẽ là ga cuối.

“Mấy bạn trẻ này, hai em có bạn bè gì ở Brindaban không?”

Người lạ ngồi đối diện tôi bất ngờ quan tâm.

“Không việc gì đến anh.” Tôi ngoảnh đi thô lỗ.

“Chắc mấy em trốn nhà đi vì sức mê hoặc của Đấng Chiếm trọn Trái tim[89] rồi. Bản thân tôi cũng có tư chất sùng đạo. Tôi sẽ xem việc lo liệu cho các em có cái ăn, và chỗ nghỉ tránh cái nóng mụ người là phận sự của mình.”

“Không, thưa anh, để chúng tôi yên. Anh rất tốt bụng; nhưng anh đang lầm khi cho rằng chúng tôi là những kẻ trốn nhà đi.”

Không còn chuyện trò gì sau đó nữa vì tàu bắt đầu dừng lại.

Khi Jitendra và tôi xuống sân ga, các bạn đồng hành tình cờ khoác tay chúng tôi rồi gọi một chiếc xe ngựa.

Chúng tôi xuống xe trước một tịnh thất trang nghiêm, xây giữa những cây thường xuân trên khuôn viên được chăm sóc kỹ.

Mấy nhà hảo tâm của chúng tôi rõ ràng là quen biết nơi đây; một cậu bé tươi cười lẳng lặng dẫn chúng tôi đến một phòng khách.

Chẳng mấy chốc một bà lớn tuổi phong thái đạo mạo đến bên chúng tôi.

“Thưa Gauri Ma, các ông hoàng không đến được.” Một trong hai người đàn ông nói với bà chủ ashram. “Đến phút chót dự tính của họ không như ý muốn; họ gửi lời rất lấy làm tiếc. Nhưng chúng tôi đã đưa về hai vị khách khác. Chúng tôi vừa gặp nhau trên xe lửa thì tôi đã cảm thấy bị thu hút về họ như những tín đồ của thần Krishna.”

“Tạm biệt, các bạn trẻ.” Hai người quen của chúng tôi tiến ra cửa. “Ta sẽ gặp lại nhau, nếu Thượng đế muốn.”

“Ở đây các cháu được nghênh đón.” Gauri Ma mỉm cười như người mẹ. “Hôm nay các cháu đến nhằm ngày quá. Tôi đang chờ hai vị thân chủ hoàng gia của tịnh thất này. Thật là đáng tiếc nếu tài nấu nướng của tôi không có ai thưởng thức!”

Những lời êm tai có ảnh hưởng đáng kinh ngạc đối với Jitendra: cậu ta bật khóc. Cái “viễn cảnh” mà cậu ta đã lo sợ ở Brindaban hóa ra lại trở thành một buổi chiêu đãi vương giả; sự thích nghi tâm lý đột ngột bên trong xem ra quá sức với cậu ta. Bà chủ của chúng tôi nhìn cậu ta tò mò, nhưng không nói gì; có lẽ bà đã quen với những thất thường tuổi mới lớn như vậy rồi.

Giờ ăn trưa được thông báo; Gauri Ma dẫn lối đến một sân ăn, nồng đượm những mùi vị thơm ngon. Bà khuất vào một phòng bếp kế bên.

Tôi đã tính trước khoảnh khắc này rồi. Chọn một chỗ thích hợp trên người Jitendra, tôi nhéo cậu ta một cái đau điếng như cái cậu ta đã nhéo tôi trên xe lửa.

“Thomas nghi ngờ, Thượng đế làm rồi đó - mà còn làm gấp nữa!”

Bà chủ quay lại với một cái punkha trong tay. Bà nhịp nhàng quạt cho chúng tôi theo kiểu Á đông khi chúng tôi ngồi xổm trên mấy tấm chăn đẹp đẽ. Mấy đệ tử trong ashram đi ra đi vào với chừng ba mươi món ăn. “Bữa ăn” đúng hơn phải mô tả là “đại tiệc”. Từ khi hiện diện trên hành tinh này tới giờ Jitendra và tôi chưa từng được nếm những món cao lương mỹ vị như thế.

“Đúng là những món ăn xứng với các bậc vương tôn công tử, thưa mẹ đáng kính! Các vị khách hoàng gia của mẹ lại có thể thấy có gì cấp bách hơn là dự bữa tiệc này, tôi chẳng hình dung nổi. Mẹ đã cho chúng tôi một kỷ niệm để đời!”

Vì chúng tôi phải kín miệng theo yêu cầu của anh Ananta, chúng tôi không thể giải thích cho bà chủ tốt bụng là lời cảm ơn của chúng tôi mang ý nghĩa gấp đôi. Nhưng ít ra thì sự chân thành của chúng tôi cũng rõ ràng. Chúng tôi lên đường với lời chúc của bà và một lời mời hấp dẫn, ghé thăm lại tịnh thất.

Cái nóng bên ngoài thật vô cùng khốc liệt. Bạn tôi và tôi tới náu dưới một cây gáo trắng (cadamba) bệ vệ ở cổng ashram. Tiếp theo là những lời chua cay; lại một lần nữa Jitendra lo âu bứt rứt.

“Cậu kéo mình vào một vụ rắc rối hay ho thật! Bữa ăn trưa của ta chỉ là một may mắn tình cờ! Làm sao ta đi ngoạn cảnh thành phố này mà không có một pice[90] nào trong người đây? Rồi cậu đưa mình về nhà anh Ananta bằng cách nào được đây?”

“Giờ khi đã no say rồi thì cậu quên Thượng đế mau quá.” Lời tôi nói, không chua chát, mà lên án. Trí nhớ con người dành cho ơn trời mới kém làm sao! Không có ai trong đời chưa từng thấy một vài lời cầu xin của mình được đáp lại.

“Mình chắc sẽ không quên hành động dại dột đi phiêu lưu với một kẻ bốc đồng như cậu đâu!”

“Im nào, Jitendra! Thượng đế đã cho ta ăn cũng sẽ cho ta xem Brindaban, và đưa ta về Agra.”

Một thanh niên mảnh khảnh có vẻ mặt thân thiện đang rảo bước đi tới. Dừng lại dưới bóng cây chúng tôi đứng, anh ta cúi chào trước tôi.

“Bạn thân mến, anh và bạn đồng hành của anh chắc là người lạ ở đây. Cho phép tôi được làm chủ nhà và người dẫn đường của các anh.”

Khó có chuyện một người Ấn mà lại trắng xanh, nhưng mặt Jitendra bỗng dưng trắng nhợt ra. Tôi lịch sự từ chối lời mời.

“Anh không xua đuổi tôi đó chứ?” Sự lo âu của người lạ có lẽ sẽ thật hài hước nếu ở một tình huống nào khác.

“Thế tại sao không?”

“Anh là sư phụ của tôi.” Anh ta nhìn vào mắt tôi đầy tin tưởng.

“Trong buổi cầu nguyện giờ ngọ của tôi, thần Krishna thiêng liêng đã hiện ra trong một linh ảnh. Ngài cho tôi thấy hai dáng người bị bỏ rơi dưới chính cây này đây. Một gương mặt là thầy, thưa thầy! Tôi vẫn thường thấy gương mặt ấy trong thiền định. Thật vui mừng biết bao nếu thầy nhận lấy chút công quả hèn mọn của tôi!”

“Tôi rất vui là anh đã tìm thấy tôi. Chẳng Thượng đế hay người nào bỏ rơi bọn tôi cả!” Dù tôi đang đứng im, mỉm cười với gương mặt thiết tha trước mặt thì một sự vâng thuận trong tâm cũng đã ném tôi xuống dưới Chân Thiêng.

“Các bạn thân mến, các bạn không ban cho nhà tôi cái vinh hạnh được các bạn đến thăm sao?”

“Anh rất tốt bụng; nhưng dự tính ấy là không được rồi. Chúng tôi đã là khách của anh tôi ở Agra.”

“Thôi thì cũng cho tôi cái kỷ niệm đi thăm thú Brindaban cùng các anh.”

Tôi vui vẻ ưng thuận. Anh thanh niên, tự xưng là Pratap Chatterji, vẫy một chiếc xe ngựa. Chúng tôi thăm Đền Madanamohana và các đền thờ Krishna khác. Đêm xuống trước khi chúng tôi cầu nguyện xong ở đền.

“Xin cho tôi mạn phép đi mua sandesh[91].” Pratap bước vào một tiệm gần ga xe lửa. Jitendra và tôi tha thẩn dọc con đường rộng, giờ đã đông đúc trong tiết trời khá lạnh. Anh bạn của chúng tôi vắng mặt được một lúc, nhưng rồi cũng trở lại với món quà là rất nhiều đồ ngọt.

“Xin cho phép tôi có được công đức này.” Pratap mỉm cười khẩn khoản khi chìa ra một xấp rupi và hai chiếc vé, vừa mua, đi Agra.

Sự cung kính khi tôi đón nhận là dành cho Bàn Tay Vô Hình.

Dù bị anh Ananta chế nhạo, chẳng phải tặng vật của Ngài đã vượt quá mức cần thiết sao?

Chúng tôi đi tìm một chỗ khuất gần nhà ga.

“Pratap, tôi sẽ hướng dẫn anh môn Kriya của Lahiri Mahasaya, yogi vĩ đại nhất thời nay. Kỹ thuật của thầy sẽ là sư phụ của anh.”

Lễ điểm đạo xong trong nửa giờ. “Kriya sẽ là chintamani[92] của anh,” tôi bảo môn sinh mới. “Kỹ thuật, mà anh cũng thấy là đơn giản đó, là hiện thân của nghệ thuật đẩy nhanh tiến bộ tâm linh của con người. Kinh thư Ấn giáo dạy rằng cái ngã luân hồi cần cả triệu năm mới giải thoát khỏi maya. Khoảng thời gian tự nhiên này sẽ được rút ngắn đi rất nhiều nhờ Kriya Yoga. Cũng như sự phát triển của thực vật có thể được thúc nhanh vượt quá tiết điệu bình thường, như Jagadis Chandra Bose đã chứng minh, sự mở mang tinh thần ở người cũng có thể tiến nhanh bằng một biện pháp có tính khoa học. Hãy thành tâm trong tu luyện; anh sẽ đến được với Sư phụ của mọi sư phụ.”

“Tôi vô cùng xúc động khi tìm được bí quyết yoga tìm kiếm đã lâu này!” Pratap nói trầm ngâm. “Ảnh hưởng giải phóng của nó lên gông cùm giác quan của tôi sẽ giải thoát cho tôi lên những tầng cao hơn. Cái linh ảnh thần Krishna hôm nay chỉ có nghĩa là đại phúc cho tôi mà thôi.”

Chúng tôi ngồi một lát trong âm thầm đồng cảm rồi thong thả đi về nhà ga. Khi lên tàu, trong tôi tràn ngập niềm vui, nhưng hôm nay là ngày khóc của Jitendra. Lời chào từ biệt trìu mến của tôi với Pratap bị ngắt quãng bởi những tiếng sụt sùi nức nở của hai bạn đồng hành. Trong cuộc hành trình, một lần nữa Jitendra lại rơi vào tình trạng rối rắm khổ sở. Lần này không phải vì bản thân, mà vì giận bản thân.

“Đức tin của mình sao hời hợt quá, tim mình đã là sỏi đá! Sau này mình sẽ không bao giờ hoài nghi sự bảo bọc của Thượng đế nữa.”

Sắp đến nửa đêm. Hai “Lọ Lem”, được cử đi không xu dính túi, bước vào phòng ngủ của anh Ananta. Dù đã phần nào thấy trước thì mặt anh cũng lộ vẻ sửng sốt. Lẳng lặng, tôi trút ra bàn một xấp rupi.

“Jitendra, khai thật đi!” Giọng điệu anh Ananta thật khôi hài.

“Anh chàng này không bày trận cướp đường đó chứ?”

Nhưng khi câu chuyện mở ra, anh tôi trở nên nghiêm túc hơn, rồi nghiêm trang.

“Luật cung cầu bước vào cả những lĩnh vực tinh tế hơn anh tưởng.” Ananta nói với sự thành tâm mà tôi chưa từng thấy trước đây. “Lần đầu tiên anh hiểu được sự thờ ơ của em đối với những kho chứa và tích lũy tầm thường ở đời.”

Dù đã muộn nhưng anh tôi vẫn một mực được diksha[93] vào Kriya Yoga. “Sư phụ” Mukunda phải gánh vác, trong một đêm, trách nhiệm trước hai “đệ tử” không tìm mà gặp.

Bữa điểm tâm sáng hôm sau diễn ra trong sự hòa hợp, khác hẳn buổi sáng hôm trước.

Tôi mỉm cười với Jitendra. “Cậu sẽ không bị lừa về chuyến đi viếng Taj đâu. Ta sẽ đi xem rồi đến Serampore.”

Giã từ Ananta, bạn tôi và tôi chẳng mấy chốc đã đứng trước vẻ huy hoàng của Agra, lăng mộ Taj Mahal. Đá cẩm thạch trắng rạng ngời trong nắng, lăng mộ đại diện cho cái đẹp cân đối toàn mỹ.

Những cây bách thẫm màu, bãi cỏ óng mượt, và mặt hồ phẳng lặng tạo nên một khung cảnh tuyệt bích. Nội thất tráng lệ với những hoa văn chạm cẩn đá bán quý. Những vòng hoa và hình trang trí cuộn tao nhã nổi lên cầu kỳ trên đá cẩm thạch, nâu và tím. Ánh sáng từ mái vòm đổ xuống mấy tấm bia tưởng niệm hoàng đế Shah Jehan và Mumtaz-i-Mahal, hoàng hậu của vương quốc và của trái tim ngài.

Tham quan đủ rồi! Tôi mong nhớ sư phụ. Jitendra và tôi chẳng mấy chốc lên xe lửa về nam, đi Bengal.

“Mukunda, nhiều tháng rồi mình chưa về thăm nhà. Mình đổi ý rồi; có lẽ mình sẽ đi thăm thầy bạn ở Serampore sau.”

Bạn tôi, có thể được mô tả nhẹ nhàng là có khí chất dao động, bỏ tôi lại Calcutta. Bằng xe lửa địa phương chẳng mấy chốc tôi đã tới Serampore, mười hai dặm về phía Bắc.

Một sự rúng động kinh ngạc phủ trùm tôi khi tôi nhận ra là hai mươi tám ngày đã trôi qua từ cuộc gặp gỡ với sư phụ ở Banaras. “Bốn tuần nữa con sẽ đến với ta!” Giờ thì tôi ở đây, tim đập rộn, đứng giữa sân trong tịnh thất của thầy ở hẻm Rai Ghat.

Lần đầu tiên, tôi bước vào tịnh thất nơi tôi sắp dành gần hết mười năm sau đó cùng Jnanavatar, “hiện thân của minh triết” của Ấn Độ.

* * *

Chú thích:

[84] Xem chương 25.

[85] Lăng mộ nổi tiếng thế giới.

[86] Tấm khố dhoti buộc quanh thắt lưng và phủ hai chân.

[87] Điển cố dựa trên một câu chuyện trong Kinh Thánh về tông đồ Thomas, môn đệ của Jesus, người nghi ngờ sự phục sinh của Chúa và đòi sờ vào vết thương của Chúa rồi mới tin. (ND - BBT).

[88] Brindaban, bên dòng sông Yamuna, là Jerusalem của Ấn Độ giáo. Nơi đây hóa thân Krishna đã thị hiện vẻ huy hoàng của ngài vì lợi lạc của nhân loại.

[89] Hari; một cái tên của Sri Krisna rất thân thương đối với tín đồ.

[90] Bằng 1/64 rupi (ND - BBT).

[91] Một món đồ ngọt ở Ấn Độ.

[92] Một viên ngọc thần thoại có phép ban cho mọi điều ước; cũng là tên của một vị thần.

[93] Điểm đạo; từ gốc động từ tiếng Phạn diksh, “hiến dâng”.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3