Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 12

CHƯƠNG 12

Những năm trong tịnh thất của thầy

“Con đến rồi.” Sri Yukteswar chào tôi. Thầy đang ngồi trên một tấm da hổ giữa sàn của một phòng khách có ban công. Giọng thầy lạnh nhạt, thái độ thầy điềm nhiên.

“Dạ, thầy yêu quý, con đến để theo thầy.” Quỳ xuống, tôi chạm chân thầy.

“Làm sao thế được? Con đã mặc kệ ý muốn của ta.”

“Không như vậy nữa đâu, thưa sư phụ! Ý muốn của thầy sẽ là luật đối với con.”

“Vậy thì tốt hơn rồi! Giờ ta có thể gánh trách nhiệm đối với cuộc đời con.”

“Con sẵn lòng chuyển gánh nặng qua, thưa thầy.”

“Thế thì, điều đầu tiên ta yêu cầu là con quay về nhà đi. Ta muốn con vào Đại học Calcutta. Việc học hành của con phải được tiếp tục.”

“Dạ được, thưa thầy.” Tôi giấu nỗi khiếp đảm. Chẳng lẽ những cuốn sách nhũng nhiễu cứ bám riết theo tôi hàng bao năm trời? Đầu tiên là cha, rồi giờ là Sri Yukteswar!

“Một ngày nào đó con sẽ sang phương Tây. Dân xứ đó sẽ dễ tiếp nhận minh triết xưa của Ấn Độ hơn nếu ông thầy Ấn xa lạ có học vị đại học.”

“Thầy biết rõ hơn cả, thưa sư phụ.” Nỗi ủ ê của tôi tan biến.

Nghe nhắc đến phương Tây, tôi thấy rắc rối, xa vời; nhưng cơ hội cho tôi vâng lời để làm vừa lòng thầy thì lại vô cùng gần.

“Con ở Calcutta thì sẽ gần đây thôi; cứ tới mỗi khi con có thời gian.”

“Mỗi ngày, nếu được, thưa thầy! Con sẽ biết ơn mà nghe theo uy quyền của thầy trong từng chuyện nhỏ nhặt của đời con - với một điều kiện.”

“Là gì?”

“Là thầy hứa sẽ soi rạng cho con thấy Thượng đế!”

Tiếp theo sau là một cuộc tranh luận cả giờ đồng hồ. Lời của một sư phụ không thể bị sai lệch; nó không được nói ra một cách khinh suất. Những ẩn ý trong lời hứa mở ra những chân trời siêu hình học bao la. Một sư phụ quả thực phải rất gần gũi với Đấng Sáng tạo mới có thể ép buộc Ngài xuất hiện! Tôi đã cảm thấy được sự hợp nhất với thiêng liêng của Sri Yukteswar, và đã quyết tâm, với tư cách là đệ tử của thầy, khẩn nài ân huệ cho mình.

“Con là kiểu người hay đòi hỏi.” Rồi sự ưng thuận của thầy vang lên với một lời tối hậu nhân từ:

“Thôi thì ý nguyện của con sẽ là ý nguyện của ta.”

Bóng tối trong lòng tôi bấy lâu nay tan biến; cuộc kiếm tìm mông lung, đây đó, đã hết. Tôi đã tìm thấy chốn nương náu vĩnh hằng bên một chân sư.

“Nào, ta sẽ đưa con đi xem quanh tịnh thất.” Thầy đứng lên khỏi tấm thảm da hổ. Khi nhìn quanh tôi để ý thấy trên tường treo một bức hình được viền một vòng hoa nhài.

“Lahiri Mahasaya!” tôi nói sững sờ.

“Phải, sư phụ siêu việt của ta.” Giọng Sri Yukteswar ngân vang cung kính. “Thầy, với tư cách là một con người và một yogi, cao cả hơn bất cứ vị thầy nào trong phạm vi tìm hiểu của ta về cuộc đời họ.”

Tôi lặng lẽ cúi lạy trước bức ảnh thân thương. Sự tôn kính trong linh hồn vút nhanh đến vị thầy vô thượng, người ban phúc cho tuổi thơ tôi, đã dẫn bước chân tôi tới thời điểm trọng đại này.

Theo chân sư phụ, tôi đi quanh khắp ngôi nhà và vườn tược.

Lớn, cổ kính, được xây chắc chắn, tịnh thất với những rường cột to có một sân trong bao quanh. Những bức tường ngoài rêu phủ; bồ câu vỗ cánh trên mái xám bằng phẳng vô phép chia sẻ khuôn viên của ashram. Một khu vườn đằng sau thật vui mắt với những cây mít, xoài, và chuối. Mấy ban công có chấn song ở những phòng phía trên tòa nhà hai tầng nhìn ra sân trong từ ba phía. Một gian trệt rộng mênh mông, trần cao được chống bằng những hàng cột, theo thầy nói, được dùng chủ yếu trong các lễ hội Durgapuja[94] hằng năm. Một cầu thang hẹp dẫn tới phòng khách của Sri Yukteswar

có ban công nhỏ nhìn ra đường. Ashram được bày biện giản dị; mọi thứ đều đơn sơ, sạch sẽ, và tiện dụng. Vài chiếc ghế dựa kiểu Âu, ghế dài, và bàn là bằng chứng.

Thầy mời tôi ở lại qua đêm. Một bữa tối với cà ri rau được dọn lên bởi hai đệ tử trẻ, những người sống luôn trong tịnh thất để tu học.

“Thưa sư phụ, xin kể cho con đôi điều về đời thầy.” Tôi đang ngồi xổm trên tấm chiếu rơm cạnh tấm da hổ của thầy. Những vì sao thân quen có vẻ như rất gần, bên kia ban công.

“Họ của ta là Priya Nath Karar. Ta sinh ra[95] ở Serampore này, nơi cha ta là một thương nhân giàu có. Ông đã để lại cho ta căn nhà của tổ tiên mà giờ là tịnh thất của ta đây. Việc học hành chính thức của ta không là bao; ta thấy nó chậm chạp và nông cạn. Thời còn trai trẻ ta đã đảm đương các phận sự đàn ông trong nhà, và có một đứa con gái, giờ đã yên bề gia thất.

Quãng đời trung niên của ta may mắn có được sự dìu dắt của Lahiri Mahasaya. Khi vợ ta qua đời rồi, ta quy y vào dòng Swami và nhận pháp danh Sri Yukteswar Giri[96]. Tiểu sử vắn tắt của ta là vậy đó.”

Thầy mỉm cười trước bộ mặt háo hức của tôi. Như mọi lược đồ sinh học, lời thầy đem lại các dữ kiện bên ngoài mà không hé lộ con người bên trong.

“Thưa sư phụ, con muốn được nghe đôi câu chuyện thời thơ ấu của thầy.”

“Ta sẽ kể cho con nghe vài chuyện - mỗi chuyện có một bài học!” Mắt Sri Yukteswar long lanh một lời báo trước. “Mẹ ta có lần thử dọa ta bằng một câu chuyện thất kinh về một con ma trong một gian phòng tối om. Ta tới đó tức thì, rồi lộ vẻ thất vọng vì đã lỡ mất không được thấy con ma. Mẹ ta không hề kể cho ta câu chuyện kinh dị nào nữa. Bài học: hãy đối mặt với sự sợ hãi và thế là nó sẽ thôi không làm phiền ta nữa.

“Một kỷ niệm hồi nhỏ nữa là ta ước ao con chó xấu xí của một người hàng xóm. Ta làm trong nhà náo loạn lên cả mấy tuần để có được con chó ấy. Ta bỏ ngoài tai những lời mời mọc mấy con vật nuôi khác có bề ngoài dễ thương hơn. Bài học: chấp luyến là mù quáng; nó cho đối tượng tham muốn ánh hào quang hấp dẫn không có thực.

“Câu chuyện thứ ba liên quan đến tính dễ uốn nắn ở đầu óc trẻ. Thỉnh thoảng ta nghe mẹ ta nói: ‘Kẻ nào chấp nhận một việc làm dưới quyền kẻ khác là nô lệ.’ Cái ấn tượng ấy còn in sâu mãi đến mức ngay cả khi đã lập gia đình rồi ta vẫn từ chối mọi địa vị.

Ta trang trải chi tiêu bằng cách đầu tư vốn liếng gia đình vào đất đai. Bài học: nên dạy dỗ đôi tai nhạy cảm của trẻ con bằng những gợi ý tốt và hữu ích. Những ý niệm đầu đời của chúng còn được khắc ghi rất lâu.

Thầy chìm trong tịch lặng thanh tĩnh. Khoảng nửa đêm thầy dẫn tôi đến một chiếc giường hẹp. Đêm đầu dưới mái nhà của sư phụ, giấc ngủ thật sâu và êm đềm.

Sri Yukteswar chọn sáng hôm sau để điểm đạo cho tôi vào Kriya Yoga. Kỹ thuật tôi đã nhận từ hai đệ tử của Lahiri Mahasaya - cha và thầy tôi, Swami Kebalananda. Nhưng thầy có một sức chuyển hóa; khi thầy chạm vào tôi, một ánh sáng lớn vỡ tràn khắp bản thể tôi, như vẻ rực rỡ của muôn vàn mặt trời cùng sáng chói.

Dòng cực lạc không sao tả xiết ngập tràn tim tôi đến tận cùng sâu thẳm.

Đến xế chiều ngày hôm sau tôi mới chịu giã từ tịnh thất.

“Ba mươi ngày nữa con sẽ quay về.” Khi tôi bước vào cửa nhà mình ở Calcutta, tôi chợt nhận ra lời tiên đoán của thầy đã thành sự thật. Không ai trong nhà có lời châm chọc về sự xuất hiện trở lại của “con chim chao liệng” như tôi đã e ngại.

Tôi trèo lên căn gác mái nhỏ của mình và trao những cái nhìn trìu mến cho nó, như thể với một hiện diện sống. “Ngươi đã chứng kiến những buổi tham thiền của ta, nước mắt và bão tố trong sadhana của ta. Giờ ta đã đến được nơi ẩn náu của vị thầy thiêng liêng của ta rồi.”

“Con trai, cha mừng cho cả hai ta.” Cha và tôi ngồi với nhau trong cái êm ả buổi chiều. “Con đã tìm thấy sư phụ con rồi, cũng theo cách kỳ lạ như khi xưa cha tìm được sư phụ của cha. Bàn tay thiêng của Lahiri Mahasaya đang độ trì cho cuộc đời cha con ta.

Thầy con xem ra không phải là một bậc thánh trên Himalaya không thể tới gần mà là một vị thánh cận kề. Những lời cầu nguyện của cha đã được đáp lại: trong cuộc kiếm tìm Thượng đế con đã không bị đưa đi khuất tầm mắt cha mãi mãi.”

Cha còn mừng là việc học hành chính thức của tôi sẽ lại tiếp tục; cha đã lo liệu những thu xếp cần thiết. Hôm sau tôi nhập học Đại học Giáo hội Scotland (Scottish Church College) ở Calcutta.

Những tháng ngày vui vẻ trôi nhanh. Độc giả của tôi chắc chắn đã sáng suốt mà ngờ ngợ rằng tôi chẳng mấy khi có mặt ở các giảng đường. Tịnh thất Serampore có một sức hấp dẫn khó lòng cưỡng nổi.

Thầy đã chấp nhận sự có mặt thường xuyên của tôi mà không nói gì. Tôi thật nhẹ người là thầy chẳng mấy khi nhắc đến giảng đường.

Dẫu ai cũng biết rõ là tôi chưa hề sẵn sàng để thành một sinh viên thì thi thoảng tôi cũng cố mà có được điểm lên lớp tối thiểu.

Cuộc sống hàng ngày ở ashram trôi qua đều đặn, ít khi khác đi. Sư phụ thức dậy trước bình minh. Nằm, hay đôi khi ngồi trên giường, thầy nhập định (samadhi)[97]. Rất dễ biết khi nào thì thầy đã vào tam muội: những tiếng ngáy lạ lùng dừng đột ngột[98]. Một đôi tiếng thở dài; có lẽ là một động tác cơ thể. Rồi một trạng thái ngưng thở lặng phắc: thầy đang trong trạng thái cực lạc ở tầng yoga cao.

Tiếp đó vẫn chưa đến bữa điểm tâm; đầu tiên là đi dạo hồi lâu bên sông Hằng. Những buổi đi dạo sáng sớm ấy cùng sư phụ - vẫn còn rõ ràng sống động biết nhường nào! Trong ký ức sống dậy dễ dàng, tôi thường thấy mình đi bên thầy. Nắng sớm sưởi ấm dòng sông; giọng thầy vang lên, đượm sự chân xác của minh triết.

Tắm xong là tới bữa ăn trưa. Chuẩn bị bữa ăn, theo dặn dò mỗi ngày của thầy, là một phận sự chăm chút của các đệ tử trẻ. Sư phụ tôi ăn chay. Song, trước khi theo con đường tu hành, thầy có dùng trứng và cá. Lời khuyên của thầy cho đệ tử là nên theo chế độ ăn nào tỏ ra phù hợp với thể trạng của mình.

Thầy dùng bữa ít; thường là cơm, thêm chút nghệ hay nước ép củ cải hay rau bina có rắc thêm chút ghee trâu (bơ sữa trâu lỏng).

Bữa khác thì thầy có thể dùng dal - canh đậu lăng hay cà ri channa[99] rau. Đồ tráng miệng là xoài hay cam với bánh gạo, hay nước mít ép.

Khách đến vào buổi chiều. Một dòng khách thập phương đều đặn đổ về tịnh thất tĩnh lặng. Sư phụ tôi đối đãi với khách nào cũng lịch sự và tốt bụng. Một vị thầy - người đã nhận ra mình là linh hồn vô biên, không phải là xác thân hay bản ngã - sẽ nhận thấy ở tất cả mọi người một sự tương đồng rõ ràng.

Tính không thiên vị của các thánh bắt rễ trong minh triết. Các vị không còn bị những bộ mặt maya (ảo ảnh vũ trụ) luân phiên tác động, không còn lệ thuộc vào những yêu ghét vẫn làm lệch lạc phán đoán của người chưa giác ngộ. Sri Yukteswar không tỏ ra để tâm đặc biệt đến những kẻ quyền thế, giàu sang, hay thành đạt; thầy cũng không xem khinh kẻ khác vì họ nghèo hèn hay thất học.

Thầy thường tôn trọng lắng nghe lẽ phải ở một đứa trẻ; và, đôi khi sẽ phớt lờ ra mặt một học giả hợm mình.

Tám giờ là giờ ăn tối, thi thoảng cũng có mấy người khách còn nấn ná lại. Sư phụ thường không cáo lui dùng bữa một mình; không ai rời ashram của thầy mà đói bụng hay không hài lòng.

Sri Yukteswar chưa bao giờ lúng túng, chưa bao giờ lo hoảng vì những vị khách đến bất ngờ; theo sự hướng dẫn khéo léo của thầy tới các đệ tử, lương thực tằn tiện sẽ thành một bữa tiệc.

Song thầy vẫn cần kiệm; nguồn tài chính ít ỏi của thầy kéo dài.

“Hãy thoải mái nội trong cái ví của mình,” thầy thường nói. “Sự phung phí sẽ làm ta lúng túng.” Dù là trong những chuyện nhỏ nhặt khoản đãi của tịnh thất hay việc tu tạo, sửa chữa hay các lo toan thực tế khác thì thầy cũng chứng tỏ sự khéo léo của một tinh thần sáng tạo.

Những giờ tĩnh lặng chiều hôm thường sẽ có một bài giảng của sư phụ: những kho báu đời đời. Mỗi lời thầy thốt ra đều được đẽo gọt bằng minh triết. Một sự tự tin cao quý đánh dấu lối diễn đạt của thầy: nó thật trác tuyệt. Tôi chưa từng thấy ai giảng giải như thầy. Tư tưởng của thầy được cân trên bàn cân phân biệt tinh vi trước rồi thầy mới cho chúng khoác cái áo lời lẽ. Tinh hoa của chân lý, chan hòa với dù chỉ một khía cạnh sinh lý học, từ thầy thốt ra như sự tỏa hương của linh hồn. Tôi luôn biết rõ rằng mình đang ở trước mặt một hóa hiện sống động của Thượng đế. Sức nặng trong thần tính của sư phụ tự động khiến tôi cúi đầu trước mặt thầy.

Nếu khách nhận ra là Sri Yukteswar đã trở nên say sưa với Thượng đế thì thầy sẽ nhanh chóng cuốn hút họ vào cuộc chuyện trò. Thầy không biết làm điệu bộ hay khoe khoang sự ẩn dật nội tâm. Luôn là một với Thượng đế, thầy không cần thời gian cách biệt để giao hòa. Một bậc thầy tự giác ngộ đã bỏ lại đằng sau những phương tiện nâng đỡ ban đầu của thiền. “Hoa rụng khi trái ra.” Nhưng các bậc thánh thường vẫn duy trì các hình thức tinh thần để làm gương cho các đệ tử.

Đến nửa đêm, sư phụ có thể chìm vào một giấc ngủ ngắn với sự tự nhiên của con trẻ. Chẳng cần bày biện chiếu giường. Thầy thường đặt lưng xuống, thậm chí cũng không có gối, trên chiếc sofa chật làm nền cho tấm da hổ thầy vẫn ngồi.

Một cuộc đàm luận triết học thâu đêm không phải là hiếm; đệ tử nào cũng có thể khơi mào nếu quan tâm sâu sắc. Lúc ấy tôi không cảm thấy mệt mỏi, không muốn ngủ; những lời sống động của thầy là đủ. “Ồ, trời sáng rồi! Ta đi dạo bên sông Hằng thôi.”

Nhiều tiết học khai trí về đêm của tôi kết thúc như vậy đó.

Những tháng đầu tôi ở bên Sri Yukteswar kết thúc bằng một bài học bổ ích: “Làm sao để đánh lừa muỗi”. Ở nhà tôi luôn giăng màn ban đêm. Tôi thất kinh khi phát hiện ra là trong tịnh thất Serampore, cái thói quen cẩn thận này bị vi phạm. Vậy mà chỗ ở thì đầy muỗi; tôi bị đốt khắp mình mẩy. Sư phụ thấy tội cho tôi.

“Tự mua cho mình cái màn đi, và một cái cho ta nữa.” Thầy cười mà nói thêm, “Con mà mua một cái cho con thôi thì cả đàn muỗi sẽ xúm vào ta!”

Tôi thật lòng biết ơn làm theo. Đêm nào tôi ở lại Serampore thì sư phụ cũng bảo tôi giăng màn đi ngủ.

Một đêm, khi một bầy muỗi bao vây chúng tôi, thầy không đưa ra chỉ thị như mọi khi. Tôi thấp thỏm lắng nghe tiếng vo ve của muỗi đã lường trước. Chui vào giường, tôi ném một lời cầu nguyện xoa dịu chung chung về phía chúng. Nửa giờ sau, tôi húng hắng ho để sư phụ chú ý. Tôi tưởng mình sắp phát điên vì muỗi đốt và nhất là tiếng vo ve vù vù khi đàn muỗi hành lễ khát máu.

Chẳng có động đậy phản ứng nào từ thầy; tôi thận trọng lại gần thầy. Thầy không thở. Đó là lần đầu tiên tôi quan sát gần thầy trong trạng thái nhập định yoga; tôi thất kinh.

“Tim thầy chắc ngừng đập rồi!” Tôi kê chiếc gương trước mũi thầy; không thấy chút hơi nước nào từ hơi thở cả. Cho chắc hơn nữa, tôi đưa mấy ngón tay bịt mũi, miệng thầy ít phút. Thân thầy lạnh và bất động. Bàng hoàng, tôi quay ra cửa toan kêu cứu.

“Ôi chao! Một nhà thực nghiệm tài năng chớm nở! Tội nghiệp cái mũi của ta!” Giọng thầy run lên vì cười. “Sao con không đi ngủ đi? Cả thế gian sẽ thay đổi vì con sao? Hãy sửa đổi chính mình: hãy vứt cái ý thức về muỗi đi.”

Tôi ngoan ngoãn quay về giường. Không một con muỗi nào dám bén mảng. Tôi nhận ra là lúc trước sư phụ bằng lòng chuyện mấy cái màn chỉ cốt làm vừa lòng tôi thôi; thầy không sợ muỗi.

Bằng khả năng yoga thầy có thể ngăn không để muỗi đốt; hay, nếu thầy muốn, thầy có thể trốn trong sự che chở cho riêng mình.

“Thầy đang chứng minh cho mình thấy đây mà,” tôi nghĩ.

“Đó là trạng thái yoga mà mình phải cố đạt đến.” Một yogi chân chính có thể bước vào và duy trì trạng thái siêu thức, bất chấp vô số thứ làm phân tâm không lúc nào là không có trên cõi đời này - tiếng vo ve của muỗi! Cái chói chang tràn khắp của ánh sáng ban ngày! Trong trạng thái đầu của samadhi laø sabikalpa, (nhập định có phân biệt), tín đồ sẽ tắt mọi chứng nhận giác quan về ngoại giới.

Lúc bấy giờ yogi sẽ được tưởng thưởng những sắc thanh trong nội giới còn đẹp đẽ hơn cả vườn địa đàng thuở ban sơ[100].

Bầy muỗi giáo huấn còn là một bài học thuở ban đầu nữa ở ashram. Lúc ấy là buổi hoàng hôn êm ả. Sư phụ đang diễn giải kinh xưa thật không ai bì kịp. Dưới chân thầy, tôi trong tịch tịnh. Một con muỗi đường đột bước vào cảnh thanh bình mà giành sự chú ý của tôi. Khi nó phập cái “kim tiêm dưới da” độc địa của nó vào bắp đùi tôi, tôi tự động giơ bàn tay trả thù lên. Tạm hoãn thi hành!

Một ký ức về câu cách ngôn của Patanjali nói đến ahimsa (không sát sinh)[101] cũng sẽ không dấy lên.” - Yoga Sutra II:35.] hiện về đúng lúc với tôi.

“Sao con không làm nốt đi?”

“Thưa thầy! Thầy ủng hộ sát sinh sao?”

“Không, nhưng trong tâm thì con đã ra đòn kết liễu rồi.”

“Dạ, con chưa hiểu.”

“Với ahimsa Patanjali muốn nói là bỏ cái muốn giết chóc.” Sri Yukteswar đã thấy diễn biến tâm lý của tôi rõ ràng như một trang sách mở. “Thế gian này được sắp đặt thật bất tiện để giữ giới ahimsa đúng nghĩa. Người ta có thể buộc phải trừ khử sinh vật có hại. Nhưng hắn không chịu được cái bức bách tương tự mà phải cảm thấy sân hận hay oán thù. Mọi thể dạng sống đều có quyền ngang nhau đối với không gian maya. Thánh nhân nào đã nhận ra cái vi mật của sáng tạo thì sẽ hòa hợp được với vô vàn biểu thị khó hiểu của Thiên nhiên. Ai cũng có thể ngộ ra chân lý này bằng cách chế ngự được cái dục vọng hủy diệt.”

“Thưa sư phụ, người ta thà mất mạng còn hơn là giết một dã thú sao?”

“Không, thân người là quý giá. Nó có giá trị tiến hóa cao nhất nhờ bộ não vô song và các trung khu nơi cột sống. Những cái ấy cho phép tín đồ có trình độ tâm linh cao hiểu trọn và bộc lộ những khía cạnh thiêng liêng cao quý nhất. Không có loài thấp hơn nào có được điều đó. Đúng là một người sẽ mắc nợ một tội nhỏ nếu hắn buộc phải giết một con vật hay bất kỳ sinh linh nào. Nhưng các shastra đã dạy rằng bỏ mất thân người tùy tiện là xâm phạm nghiêm trọng luật nhân quả.”

Tôi thở dài nhẹ nhõm; sự nhấn mạnh thêm của kinh điển về các bản năng tự nhiên con người không phải lúc nào cũng sẵn có.

Thầy, theo như tôi biết, chưa hề giáp mặt báo hay hổ. Nhưng có lần một con rắn hổ mang chết người đã xáp mặt thầy, để rồi được tình thương của thầy hàng phục. Cuộc chạm trán xảy ra ở Puri, nơi sư phụ tôi có một tịnh thất bên bờ biển. Prafulla, một đệ tử trẻ của Sri Yukteswar những năm sau này, lúc ấy đang ở bên thầy.

“Thầy và em đang ngồi ngoài trời gần ashram,” Prafulla kể cho tôi. “Một con rắn hổ mang xuất hiện gần đó, một con dài cả thước hết sức kinh khủng. Cái mang của nó phùng ra giận dữ khi nó phóng tới chỗ thầy và em. Thầy mỉm cười chào đón nó, như thể với một đứa con nít. Em rụng rời tay chân khi thấy Sri Yukteswar bắt đầu vỗ tay nhịp nhàng[102]. Thầy đang chơi đùa với vị khách kinh hoàng! Em vẫn im như thóc, trong bụng lâm râm cầu nguyện. Con rắn, gần thầy lắm, lúc này bất động, tuồng như bị thái độ âu yếm của thầy hút vào. Cái mang kinh hoàng từ từ thu lại; con rắn luồn qua dưới chân Sri Yukteswarji rồi biến vào trong bụi rậm.

“Sao thầy lại còn động đậy hai bàn tay được và tại sao con rắn hổ mang lại không tấn công tay thầy là điều em chẳng cắt nghĩa nổi,” Prafulla kết luận. “Từ ấy em mới nhận ra là sư phụ siêu phàm của mình đã vượt lên trên nỗi sợ bị bất cứ sinh vật nào làm hại.”

Một buổi chiều trong những tháng đầu tôi ở ashram, tôi thấy mắt Sri Yukteswar đăm đăm nhìn tôi sâu hút.

“Con gầy quá, Mukunda à.”

Nhận xét của thầy chạm trúng một vấn đề nhạy cảm; tôi chẳng ưa hai mắt trũng sâu và bề ngoài tiều tụy của mình. Chứng khó tiêu kinh niên đã hành hạ tôi từ nhỏ. Nhiều lọ thuốc bổ xếp hàng trên một ngăn kệ trong phòng tôi ở nhà; chẳng thứ nào giúp được tôi cả. Đôi khi tôi vẫn buồn rầu tự hỏi đời có đáng sống không với một thân hình ốm yếu như vậy.

“Thuốc men có những hạn chế; năng lượng sống tạo nên càn khôn thì không. Cứ tin rằng: con sẽ khỏe mạnh.”

Lời thầy tức thì làm tôi tin chắc rằng tôi có thể áp dụng được chân lý ấy trong chính đời mình. Không có người chữa bệnh nào (và tôi đã từng thử nhiều) có thể khơi dậy trong tôi một niềm tin sâu xa như thế.

Ngày lại ngày, tôi béo khỏe hẳn lên. Nhờ sự ban phúc kín đáo của Sri Yukteswar, trong hai tuần tôi đã có được cân nặng mà tôi đã hoài công tìm kiếm trước kia. Các cơn đau bụng của tôi hết hẳn.

Sau này tôi có ân huệ chứng kiến những dịp sư phụ chữa bệnh theo cách siêu nhiên cho những người mắc bệnh tiểu đường, động kinh, lao, hay liệt.

“Nhiều năm trước, chính ta cũng ước ao được béo khỏe lên,”

thầy bảo tôi, không lâu sau lần thầy chữa lành cho tôi. “Trong thời kỳ dưỡng sức sau một cơn bạo bệnh, ta đến thăm Lahiri Mahasaya ở Banaras.”

“ ‘Thưa thầy,’ ta nói, ‘con mới bệnh nặng và sút cân quá.’ “ ‘Yukteswar[103], ta thấy là con đã tự làm mình bệnh, rồi giờ con cho là mình gầy.’

“Lời đáp này hoàn toàn không phải là cái ta chờ; tuy nhiên, sư phụ ta nói thêm khích lệ:

“ ‘Để ta xem; ta biết chắc là sáng mai con sẽ cảm thấy khỏe ra.’ “Đầu óc dễ lĩnh hội của ta hiểu lời thầy như một lời bóng gió là thầy đang kín đáo chữa cho ta. Sáng hôm sau ta đi tìm thầy và hân hoan reo lên: ‘Thưa thầy, hôm nay con cảm thấy đỡ hơn nhiều rồi.’ “ ‘Quả vậy! Hôm nay con đã tự tiếp sinh lực cho mình.’ “ ‘Đâu phải, thưa thầy!’ Ta phản đối. ‘Chính thầy mới là người đã giúp con; đây là lần đầu tiên sau nhiều tuần rồi, con mới có được chút sức lực.’ “ ‘Ồ, phải rồi! Bệnh của con khá nặng. Cơ thể con vẫn còn yếu; ai biết được ngày mai nó sẽ ra sao?’ “Nghĩ tới chuyện có thể ốm yếu trở lại khiến ta đột nhiên rùng mình khiếp đảm. Sáng hôm sau ta gần như không lê nổi tới nhà Lahiri Mahasaya.

“ ‘Thưa thầy, con bệnh lại rồi.’ “Cái nhìn của sư phụ ta thách đố. ‘Ủa! Con lại tự làm mình khó ở nữa rồi.’ Sự kiên nhẫn của ta đã cạn. ‘Thưa tôn sư,’ ta nói ‘giờ thì con nhận ra là hết ngày này qua ngày khác thầy đã giễu con. Con không hiểu sao thầy không tin sự thật mà con thuật lại.’ “ ‘Thật ra, chính ý nghĩ của con mới là cái làm con cảm thấy lúc khỏe lúc yếu.’ Sư phụ nhìn ta đầy yêu thương. ‘Con đã thấy sức khỏe của con theo đúng những kỳ vọng vô thức của con ra sao rồi đó. Tư tưởng là năng lượng, như điện hay lực hấp dẫn vậy. Tâm con người là một ánh chớp từ tâm thức toàn năng của Thượng đế.

Ta đã cho con thấy là bất cứ điều gì mà cái tâm mạnh mẽ của con tin tưởng sâu sắc, tức thì sẽ trở thành hiện thực.’ “Biết rằng Lahiri Mahasaya không bao giờ nói vu vơ, ta thưa với thầy bằng niềm kính sợ và biết ơn: ‘Thưa thầy, nếu con nghĩ rằng con khỏe và rằng con lại có da có thịt như trước, những điều ấy có thành hiện thực không?’ “ ‘Nó là vậy, ngay cả lúc này.’ Sư phụ ta nói nghiêm trang, cái nhìn của thầy định ở mắt ta.

“Tức thì ta cảm thấy không chỉ sức mạnh mà cân nặng cũng tăng lên. Lahiri Mahasaya lui về tịch lặng. Sau mấy giờ ngồi bên chân thầy, ta quay về nhà mẹ ta, nơi ta vẫn ở lại những lần đến Banaras.

“ ‘Con trai! Có chuyện gì chăng? Con bị phù sao?’ Mẹ ta gần như không tin nổi vào mắt mình. Cơ thể ta giờ đầy đặn và cường tráng như trước khi ta bệnh.

“Ta cân và thấy rằng trong một ngày mà ta đã nặng lên được năm mươi pound (23kg); và số cân vẫn vậy mãi. Bạn bè và người quen từng thấy hình hài hao gầy của ta rất đỗi kinh ngạc. Vài người trong số họ đã thay đổi nếp sống và trở thành đệ tử của Lahiri Mahasaya vì phép lạ này.

“Sư phụ của ta, thức tỉnh nơi Thượng đế, biết rằng thế gian này chỉ là một giấc mơ được hiện thực hóa của Đấng Sáng tạo.

Vì đã ngộ ra hoàn toàn sự nhất thể của mình với Đấng Mộng mơ Thiêng liêng nên Lahiri Mahasaya có thể hóa hiện, hay làm biến mất, hay làm bất kỳ thay đổi nào thầy muốn nơi các nguyên tử ảo trong một thế giới hiện tượng[104].

“Toàn thể thế giới sáng tạo bị quy luật chi phối,” Sri Yukteswar kết luận. “Các nguyên lý vận hành trong vũ trụ mà các nhà khoa học có thể phát hiện ra thì được gọi là các quy luật tự nhiên. Nhưng còn có các quy luật vi tế hơn chi phối các tầng tâm linh ẩn kín và tâm cảnh; các nguyên lý này có thể nhận biết được nhờ pháp môn yoga. Không phải nhà vật lý học mà bậc thầy Tự giác ngộ mới là người hiểu thực tính của vật chất. Nhờ tri kiến đó mà Chúa đã có thể chữa lành tai cho một đầy tớ khi đã bị một sứ đồ chém đứt[105].”

Sư phụ là người giảng giải kinh thư vô song. Rất nhiều trong số những kỷ niệm hạnh phúc nhất đời tôi xoay quanh các buổi thuyết giảng của thầy. Nhưng những tư tưởng quý giá của thầy không bị ném vào tro tàn của sự lơ đễnh hay ngu muội. Một cử động không yên nơi thân tôi, hay khi tôi đãng trí đôi chút, là đủ để đánh dấu chấm hết đột ngột cho bài giảng của thầy.

“Con không có mặt ở đây.” Một buổi chiều Sri Yukteswar ngưng ngang bằng nhận xét này. Như mọi khi, thầy không ngừng theo dõi sự chú tâm của tôi.

“Thưa sư phụ!” Giọng tôi phản đối. “Con đâu có động đậy; mi mắt con không chớp; con có thể lặp lại từng lời thầy vừa nói!”

“Vậy nhưng con vẫn không ở bên ta trọn vẹn. Vì con phản đối nên ta buộc phải nói là trong tiềm thức con đang tạo lập ba trụ sở.

Một là tịnh thất thôn dã ở đồng bằng, một nữa là trên đỉnh núi, còn cái kia thì ở gần biển.”

Những ý nghĩ phảng phất định hình ấy quả đã xuất hiện gần như vô thức. Tôi liếc nhìn thầy ra điều xin lỗi.

“Mình làm gì được trước một vị thầy như vậy - người nhìn thấu cả những mơ màng vu vơ?”

“Con đã cho ta cái quyền đó. Không có sự chú tâm trọn vẹn thì con không thể hiểu được những chân lý vi diệu ta đang giảng.

Trừ khi cần, nếu không ta sẽ không xâm phạm sự riêng tư trong đầu kẻ khác. Con người có cái đặc quyền tự nhiên là thầm đi lan man trong những ý nghĩ của mình. Thượng đế không được mời sẽ không bước vào đó; ta cũng không dám tự tiện mà xông vào.”

“Thầy lúc nào cũng được nghênh đón cả, thưa thầy!”

“Những giấc mơ kiến trúc của con sẽ thành hiện thực sau này.

Giờ là lúc học!”

Một cách tình cờ như vậy đó, với cung cách dung dị, sư phụ tôi đã tiết lộ cái biết của thầy về sự ra đời ba sự kiện quan trọng trong đời tôi. Từ hồi còn nhỏ tôi đã thấy thoáng qua ba tòa nhà đó một cách khó hiểu, mỗi tòa trong một khung cảnh khác nhau.

Theo đúng trình tự Sri Yukteswar đã chỉ ra, các linh ảnh này cuối cùng đã tựu hình. Đầu tiên là việc tôi mở trường yoga dành cho nam sinh trên một cánh đồng ở Ranchi, rồi một trụ sở ở Hoa Kỳ trên đỉnh đồi ở Los Angeles, và rồi một tu viện ở Encinitas, bang California, nhìn ra Thái Bình Dương bao la.

Thầy không bao giờ kiêu mạn mà nói: “Ta tiên tri rằng sự kiện này, sự kiện kia sẽ xảy ra!” Mà đúng hơn thầy thường nhẹ nhàng gợi ý: “Con có cho là chuyện ấy sẽ xảy ra không?” Nhưng lời lẽ giản dị của thầy ẩn chứa năng lực tiên tri. Không đính chính; những lời tiên tri hé lộ đôi chút của thầy chưa hề tỏ ra sai.

Sri Yukteswar dè dặt và giản dị trong cung cách. Thầy hoàn toàn không phải là kiểu mơ mộng hão huyền mông lung hay khinh suất. Chân thầy vững trên mặt đất, đầu thầy ở trời cao. Những người có đầu óc thực tế khiến thầy khâm phục. “Thần minh không phải là sự câm lặng! Tri kiến thần khởi đâu có loại trừ hết những khả năng!” thầy thường nói. “Biểu hiện tích cực của đức hạnh dẫn đến trí tuệ sắc sảo nhất.”

Sư phụ tôi miễn cưỡng không muốn bàn đến các lĩnh vực siêu hình. Hào quang “phi thường” duy nhất của thầy là hào quang của tính dung dị tuyệt đối. Trong lúc đàm luận, thầy tránh những viện dẫn gây sửng sốt; trong hành động thầy lại có thể biểu đạt phóng khoáng. Nhiều ông thầy nói đến phép lạ mà lại không thể hóa hiện được gì; Sri Yukteswar hiếm khi nhắc đến các định luật vi diệu mà chỉ kín đáo điều động nó theo ý chí.

“Một người giác ngộ sẽ không dùng phép thần thông chừng nào trong tâm y còn chưa nhận được một lời cho phép,” thầy giảng.

“Thượng đế không muốn các bí ẩn sáng tạo của Ngài được tùy tiện hé lộ[106]. Hơn nữa, mọi cá thể trên thế gian đều có một quyền bất khả chuyển nhượng đối với sự tự do ý chí của mình. Một vị thánh sẽ không xâm phạm sự độc lập đó.”

Sự im lặng thường thấy ở Sri Yukteswar là do những tri kiến thâm sâu thầy có về Thượng đế. Không còn thời gian đâu cho các “khai sáng” liên tu bất tận chiếm trọn ngày trọn tháng của mấy ông thầy chưa tự giác ngộ. Có một câu châm ngôn trong kinh Ấn Độ giáo: “Ở kẻ nông cạn, cái ý nghĩ như cá con đã khuấy động. Ở đầu óc sâu sắc bao la, nguồn cảm hứng như cá voi hầu như chẳng khua một gợn lăn tăn.”

Vì y phục bình thường của sư phụ mà chỉ có ít người cùng thời với thầy mới nhận ra thầy là một con người siêu việt. Câu ngạn ngữ:

“Kẻ không che được sự sáng suốt của mình là kẻ dại,” chắc không thể nào áp dụng cho vị thầy thâm thúy và trầm lặng của tôi.

Dù sinh ra là một con người như bao kẻ, Sri Yukteswar đã đạt đến sự nhất thể với Đấng Chủ tể thời gian và không gian. Thầy không thấy có trở lực nào không thể vượt qua để hợp nhất con người với Thiêng liêng. Tôi đã hiểu được rằng, cái rào chắn ấy không tồn tại, ngoại trừ ở đầu óc không dám mạo hiểm của con người.

Tôi luôn rúng động mỗi khi chạm vào chân thiêng của Sri Yukteswar. Đệ tử sẽ bị hút về mặt tâm linh khi có sự tiếp xúc cung kính với thầy; một luồng điện vi tế phát ra. Cơ cấu-thói quen bất hảo trong não của tín đồ thường như thể bị nung đốt; những nếp cũ có khuynh hướng trần tục của y bị xáo trộn theo hướng hữu ích.

Ít nhất thì trong phút chốc y cũng được thấy những bức màn maya huyền bí vén lên, và một thoáng thấy thực tại cực lạc. Toàn thân tôi đáp lại với diễm phúc giải thoát mỗi khi tôi quỳ theo kiểu Ấn trước sư phụ của mình.

“Ngay cả khi Lahiri Mahasaya im lặng,” thầy bảo tôi, “hay khi thầy chuyện trò về các đề tài khác không hẳn là tôn giáo thì ta cũng nhận ra rằng thầy đã truyền cho ta một tri kiến khôn tả.”

Sri Yukteswar cũng có một ảnh hưởng tương tự đối với tôi.

Nếu tôi bước vào tịnh thất trong tâm trạng lo nghĩ hay hờ hững thì thái độ của tôi sẽ thay đổi một cách khó nhận thấy. Một sự thanh thản xoa dịu trùm xuống khi chỉ mới được thấy sư phụ không thôi.

Mỗi ngày bên thầy là một chứng nghiệm về niềm vui, sự thanh thản, và minh triết. Tôi chưa hề thấy thầy mê muội hay chìm đắm trong tham, giận, hay chấp trước của con người.

“Bóng đêm maya đang lặng lẽ đến gần. Ta hãy mau mau vào nhà thôi.” Với lời đề phòng này thầy thường xuyên nhắc nhở đệ tử là họ cần có Kriya Yoga. Một môn sinh mới thi thoảng tỏ ý hoài nghi liệu mình đã xứng đáng để bước vào luyện yoga hay chưa.

“Hãy quên quá khứ đi,” Sri Yukteswar thường ủy lạo anh ta.

“Đời sống đã qua của ai cũng tối tăm nhiều nỗi hổ thẹn. Hành vi con người vẫn luôn không đáng tin cậy cho đến chừng nào y thả neo nơi Thiêng liêng. Mọi sự trong tương lai sẽ tốt đẹp hơn nếu giờ này con tinh tiến tu hành.”

Trong ashram của thầy luôn có các chela (đệ tử) trẻ. Giáo dục trí tuệ và tâm linh cho họ là mối bận tâm cả đời thầy. Ngay trước khi mất không lâu thì thầy cũng đã nhận hai cậu bé sáu tuổi và một thanh niên mười sáu tuổi vào ở lại tịnh thất. Tất cả những ai thầy phụ trách đều được dạy dỗ kỹ lưỡng; “đệ tử” và “kỷ luật”

gắn liền với nhau cả về mặt từ ngữ[107] lẫn thực tiễn.

Những người sống trong ashram yêu thương và tôn kính sư phụ mình; chỉ một cái vỗ tay nhẹ của thầy cũng đủ để họ hăm hở đến bên thầy. Khi tâm trạng thầy im lặng và xa cách, chẳng ai dám hé môi; khi tiếng cười của thầy vang lên vui vẻ, đám trẻ xem thầy như của riêng.

Sri Yukteswar hiếm khi cậy người khác làm hộ việc riêng của thầy, thầy cũng không nhận sự giúp đỡ của chela trừ khi được hoan hỉ ngỏ ý. Thầy thường tự giặt đồ nếu các đệ tử quên cái phận sự đặc ân ấy.

Y phục thường dùng của thầy là chiếc áo truyền thống màu hoàng thổ của swami. Dùng trong nhà thì thầy mang giày không dây buộc được làm, theo truyền thống của yogi, bằng da hổ hay da nai.

Sri Yukteswar nói trôi chảy tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bengal và tiếng Hinđi; tiếng Phạn của thầy khá. Thầy kiên nhẫn dạy các đệ tử trẻ bằng một số cách học nhanh mà thầy đã tài tình nghĩ ra để học tiếng Anh và tiếng Phạn.

Thầy không chăm chăm nghĩ đến thân thể mình, nhưng thầy cẩn thận với nó. Thiêng Liêng, thầy nói rõ, sẽ hiển lộ đúng qua sự lành mạnh thể xác và tinh thần. Thầy không tán thành mọi kiểu cực đoan. Với một đệ tử muốn nhịn ăn một thời gian dài, sư phụ tôi tươi cười mà nói: “Sao không quẳng cho chó một khúc xương[108]?”

Sức khỏe Sri Yukteswar rất tốt; tôi chưa hề thấy thầy khó ở[109].

Để cho thấy mình cũng tôn trọng một thói quen ở đời, thầy cho phép các môn sinh, nếu muốn, đi khám thầy thuốc. “Thầy thuốc”, thầy nói, “nên chữa bệnh theo các quy luật của Thượng đế áp dụng vào vật chất.” Song thầy ca ngợi tính ưu việt của chữa bệnh tinh thần, và thường nhắc đi nhắc lại: “Minh triết là thứ thanh lọc tốt hơn cả.” Thầy bảo các chela:

“Thân xác là một người bạn phản trắc. Cứ cho nó cái nó đáng được hưởng; không hơn. Đau đớn và lạc thú chỉ là ngắn ngủi; hãy bình thản chịu đựng mọi nhị nguyên tính, trong khi cố mà vượt lên trên uy lực của những thứ đó. Trí tưởng tượng là cánh cửa mà cả bệnh tật cũng như chữa lành đi vào. Đừng tin vào thực tại bệnh tật ngay cả khi các con đang bệnh; một vị khách không được thừa nhận sẽ phải chạy thôi!”

Trong số đệ tử của thầy có nhiều thầy thuốc. “Những ai đã nghiên cứu sinh lý học thì nên đi xa hơn mà tìm hiểu khoa học về linh hồn,” thầy bảo họ. “Một cấu trúc tinh thần vi tế khuất ngay sau cơ cấu thể xác[110].”

Sri Yukteswar khuyên môn sinh của mình nên làm mối nối sống giữa các đức tính của Đông và Tây. Bản thân thầy là một người phương Tây khi tuân thủ những tập quán ngoài đời, bên trong thầy là một người Á Đông tâm linh. Thầy ca ngợi các cách thức tiến bộ, khéo léo, hợp vệ sinh của Tây phương, và các lý tưởng tâm linh đã đem lại ánh hào quang bao thế kỷ cho phương Đông.

Kỷ luật chẳng xa lạ gì đối với tôi; ở nhà tôi cha thì nghiêm khắc, anh Ananta thường khắt khe. Nhưng sự dạy dỗ của Sri Yukteswar thì không thể mô tả khác hơn là quyết liệt. Là một người cầu toàn, sư phụ quá ư khắt khe trong cách phê bình đệ tử, dù đó là trong các vấn đề xuất hiện giây lát hay về các sắc thái tinh tế trong ứng xử bình thường.

“Xử sự đàng hoàng mà không thật lòng thì giống như một quý bà đẹp đẽ chết rồi,” thầy nhận xét trong một dịp thích hợp.

“Thẳng thắn mà không lịch sự thì giống như dao mổ, được việc nhưng không dễ chịu. Thật thà với nhã nhặn thì mới hữu ích và đáng khâm phục.”

Rõ ràng là thầy đã hài lòng với tiến bộ tâm linh của tôi, vì thầy hiếm khi nhắc đến điều đó; còn trong những chuyện khác thì tai tôi đã quen với những lời quở trách. Những vi phạm chủ yếu của tôi là đãng trí, đôi lúc buông thả trong tâm trạng buồn bã, không tuân theo một số quy tắc ứng xử, và thỉnh thoảng có thói tùy tiện.

“Hãy để ý xem các sinh hoạt của cha Bhagabati của con có trật tự và quân bình ra sao,” sư phụ tôi chỉ bảo. Hai đệ tử của Lahiri Mahasaya đã gặp nhau, sau ngày đầu tiên tôi đến tịnh thất Serampore không lâu. Cha và thầy vô cùng ngưỡng mộ nhau. Cả hai đã xây đắp một đời sống nội tâm đẹp đẽ trên nền móng đá granit tâm linh, không tan rữa theo thời gian.

Từ một người thầy dạy trong một thời gian ngắn thuở nhỏ, tôi đã hấp thụ một ít bài học sai lạc. Một chela, tôi đã được chỉ bảo, không việc gì phải nhọc lòng lo đến các phận sự đời; khi tôi chểnh mảng hay bất cẩn thực hiện phận sự của mình, tôi không bị phạt.

Bản tính con người thấy sự dạy dỗ như vậy là rất dễ hấp thu. Tuy nhiên, dưới ngọn roi không khoan thứ của thầy, tôi đã sớm được chữa khỏi cái ảo tưởng dễ chịu về sự vô trách nhiệm.

“Những ai quá ư tốt đẹp so với đời này thì sẽ tô điểm cho một số kẻ khác,” một hôm Sri Yukteswar nhận xét. “Bao lâu con còn được hít thở không khí hào phóng trên quả đất này thì con còn phải có trách nhiệm biết ơn mà phụng sự. Chỉ có kẻ đã tinh thông trọn vẹn trạng thái ngưng thở[111] mới đứng ngoài các mệnh lệnh của càn khôn.” Thầy nói thêm lạnh nhạt, “Ta sẽ không quên cho con biết khi nào thì con đã có được chứng đắc sau cùng.”

Không gì có thể lung lạc sư phụ, ngay cả tình thương yêu.

Thầy không khoan dung với bất kỳ ai, những kẻ, như tôi, đã tự nguyện tỏ ý muốn trở thành đệ tử. Dù xung quanh thầy và tôi là các môn sinh của thầy hay người lạ, hay dù chỉ có hai thầy trò thì thầy cũng nói thẳng và quở trách gay gắt. Không một lần sa vào thói hời hợt hay bất nhất vụn vặt nào mà thoát được quở trách của thầy. Lối cư xử san bằng đến tận bản ngã này thật khó mà chịu nổi, nhưng tôi đã quyết tâm trước sau như một là để Sri Yukteswar san bằng mọi chướng ngại tâm lý nơi tôi. Trong khi thầy dốc sức cho cuộc cải hóa vô cùng lớn lao này, không ít lần tôi đã run rẩy dưới sức nặng nhát búa kỷ luật của thầy.

“Nếu con không ưng lời ta thì con muốn bỏ đi lúc nào cũng được,” thầy cam đoan với tôi. “Ta chẳng muốn gì ở con ngoài chính sự tiến bộ của con. Ở lại chỉ khi con cảm thấy có ích lợi.”

Tôi vô cùng biết ơn những đòn làm bẽ mặt thầy giáng vào tính tự cao tự đại của tôi. Đôi lúc tôi cảm thấy, một cách ẩn dụ, thầy đang phát hiện ra và nhổ bật hết răng sâu trong hàm tôi.

Cái lõi cứng ngã mạn khó mà nhổ bỏ được nếu không mạnh tay.

Nó không còn thì Thiêng liêng cuối cùng mới tìm được một kênh thông suốt. Thật vô ích nếu Nó tìm cách thấm qua những trái tim ngã mạn sắt đá.

Trực giác của Sri Yukteswar nhìn xuyên thấu; không để ý đến lời nói, thầy thường trả lời vào những ý nghĩ không nói ra của người khác. Lời lẽ con người ta dùng, và những ý nghĩ thực sự đằng sau ấy, có thể hoàn toàn trái ngược nhau. “Bằng tỉnh táo,” sư phụ nói, “hãy cố mà nhận biết được những ý nghĩ đằng sau cái rối rắm ba hoa của con người.”

Những tiết lộ từ cái biết xuyên thấu siêu việt thường là rất đau đớn đối với tai phàm; thầy không được các môn sinh hời hợt yêu mến. Người sáng suốt, luôn ít, lại thì cùng kính trọng thầy.

Tôi dám nói rằng Sri Yukteswar đã là sư phụ được săn lùng nhất ở Ấn Độ nếu như lối nói của thầy không thẳng thắn và chỉ trích quá như vậy.

“Ta cứng rắn với những ai tìm đến để ta dạy dỗ,” thầy thừa nhận với tôi. “Đó là cách của ta. Cứ chọn một trong hai; ta thì không bao giờ nhân nhượng. Nhưng con sẽ hiền từ với các đệ tử của mình hơn nhiều; đó là cách của con. Ta cố gột sạch chỉ trong ngọn lửa nghiêm khắc; thứ này nung đốt quá sức chịu đựng bình thường. Lối dịu dàng của yêu thương cũng hóa cải. Các phương pháp cứng rắn và nhân nhượng đều có kết quả như nhau nếu được áp dụng sáng suốt.” Thầy nói thêm, “Con sẽ đến những xứ lạ, nơi mà những đòn tấn công thẳng thắn vào bản ngã sẽ không được đánh giá cao. Một ông thầy không thể truyền bá thông điệp của Ấn Độ ở phương Tây nếu không có một kho bao la tính kiên nhẫn tùy thuận và sự độ lượng.” (Tôi sẽ không nói là ở Hoa Kỳ tôi đã nhớ lại lời thầy biết bao lần!) Dù lối nói thẳng thừng của sư phụ ngăn một số lớn đệ tử theo thầy lúc thầy còn tại thế, song, nhờ số lượng ngày càng tăng các môn sinh thành tâm theo giáo huấn của thầy, tinh thần của thầy vẫn còn sống mãi trên thế gian đến hôm nay. Những nhà quân sự như Alexander Đại đế mưu cầu sự thống trị trên lãnh thổ; các bậc thầy như Sri Yukteswar giành được sự thống trị xa hơn nữa - trong lòng người.

Thầy có thói quen chỉ ra những khiếm khuyết không đáng kể, có thể bỏ qua của đệ tử, với một vẻ trầm trọng kỳ lạ. Một hôm cha tôi đến thăm Serampore để tỏ lòng kính trọng đối với Sri Yukteswar. Rất có thể, ông những mong sẽ nghe thấy đôi câu khen ngợi tôi. Ông choáng váng khi được nghe bản tường thuật dài các khuyết điểm của tôi. Ông lật đật đi tìm tôi.

“Theo như nhận xét của sư phụ con thì cha nghĩ sẽ thấy con suy sụp hoàn toàn chứ!” Cha tôi nửa muốn cười nửa muốn khóc.

Nguyên cớ duy nhất mà Sri Yukteswar bất bình lúc đó là tôi đã cố, trái với gợi ý nhẹ nhàng của thầy, mà hóa cải một người nọ vào con đường tu hành.

Bực bội, tôi tức tốc đi tìm sư phụ. Thầy tiếp tôi mà mắt nhìn xuống, như thể biết lỗi. Đó là lần duy nhất tôi thấy sư tử siêu phàm ngoan ngoãn trước mặt tôi. Khoảnh khắc ngàn năm một thuở đó được nhâm nhi hết mức.

“Thưa thầy, sao thầy lại nhận xét về con tàn nhẫn quá như vậy trước mặt người cha quá đỗi ngạc nhiên của con? Vậy có công bằng không?”

“Ta sẽ không làm vậy nữa.” Giọng Sri Yukteswar lấy làm tiếc.

Tức thì tôi nguôi giận. Một vĩ nhân lại sẵn sàng nhận lỗi mới nhanh làm sao! Dù không bao giờ quấy đảo sự thanh thản đầu óc của cha tôi nữa thì thầy cũng tiếp tục liên miên phê phán tôi từng li từng tí bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu thầy muốn.

Các đệ tử mới thường hùa theo Sri Yukteswar trong những chỉ trích người khác không bao giờ cạn. Sáng suốt như sư phụ! Những mẫu mực toàn hảo của trí phân biệt! Nhưng kẻ nào công kích thì cũng không nên được yên thân. Chính các đệ tử bắt bẻ sẽ hấp tấp lủi ngay khi thầy thẳng thắn phả về phía họ vài hơi lạnh phê phán.

“Những kém cỏi nhu nhược nội tâm, giãy nảy khi bị chỉ trích chạm nhẹ, cũng giống như các bộ phận cơ thể có bệnh, rụt lại trước cả khi được chữa trị nhẹ nhàng.” Đây là câu nói vui của Sri Yukteswar về những kẻ nông cạn.

Nhiều đệ tử đã định sẵn trong đầu hình ảnh về một sư phụ, dựa vào đó mà họ đánh giá lời lẽ và hành động của người thầy.

Những người đó thường than phiền rằng họ không hiểu được Sri Yukteswar.

“Anh cũng đâu có hiểu được Thượng đế!” Một dịp nọ tôi trả miếng. “Nếu một bậc thánh mà dễ hiểu đối với anh thì cả hai đã là một rồi!” Giữa vô vàn điều bí ẩn, trong khi từng phút giây hít thở bầu không khí không thể giải thích được, ta có thể nào đánh bạo đòi hiểu được ngay tư chất khôn dò của một vị thầy?

Các môn sinh nói chung đến rồi đi. Những ai ao ước một con đường bằng phẳng - con đường của sự thông cảm tức thì và sự công nhận công trạng dễ chịu - đã không tìm thấy điều ấy ở tịnh thất. Thầy đã cho đệ tử mái che và sự dìu dắt vô tận, nhưng nhiều môn sinh lại keo kiệt đòi cả thứ làm thỏa mãn bản ngã nữa. Họ ra đi; vì thích vô vàn bẽ bàng của đời hơn, trước khi có chút khiêm cung nào. Những tia sáng chói lòa của Sri Yukteswar, ánh sáng mặt trời minh triết soi rọi khắp cùng của thầy, quá ư dữ dội đối với sự nhu nhược tinh thần của họ. Họ đi tìm một ông thầy kém cỏi hơn nào đó, người, khi cho họ bóng mát bằng khen ngợi, cũng cho phép cả giấc ngủ vô minh chập chờn.

Những tháng đầu bên thầy, tôi đã kinh qua nỗi sợ nhạy cảm về những quở trách của thầy. Tôi sớm nhận ra rằng phép giải phẫu sống bằng lời của thầy chỉ được thực hiện cho những người mà, như tôi, đã yêu cầu thầy kỷ luật họ. Nếu có môn sinh uất ức nào phản đối, Sri Yukteswar, không phật lòng, sẽ chìm vào im lặng.

Lời thầy không bao giờ tức giận, mà khách quan với sự sáng suốt.

Những quở trách của thầy không nhằm vào các khách vãng lai; thầy hiếm khi nhận xét về các khuyết điểm của họ, dù là dễ thấy. Còn đối với các môn sinh tìm đến sự chỉ bảo của thầy thì Sri Yukteswar cảm thấy có trọng trách. Can đảm biết bao khi một sư phụ nhận lấy trách nhiệm chuyển hóa quặng thô tính người ngấm đầy bản ngã! Khí phách của một vị thánh bén rễ trong lòng trắc ẩn của thầy đối với kẻ hoang mang bởi maya, kẻ không tròng vấp ngã trên thế gian.

Khi tôi đã bỏ được sự bực dọc ngấm ngầm rồi, tôi thấy quở phạt dành cho tôi giảm đi rõ rệt. Một cách rất khó thấy, thầy dần dà trở nên khá khoan dung. Cuối cùng tôi đã phá bỏ được mọi bức tường giải thích duy lý và dè dặt tiềm thức[112] mà nhân cách con

người thường nấp sau nó. Phần thưởng là sự hòa hợp êm đềm với sư phụ. Lúc ấy tôi mới phát hiện ra thầy đầy tin tưởng, chu đáo, và trìu mến một cách kín đáo. Song, là người không bày tỏ, thầy không ban cho lời yêu thương nào.

Tư chất tôi cơ bản là sùng mộ. Ban đầu thì thật bối rối thấy rằng sư phụ tôi, đẫm jnana nhưng dường như khô khan bhakti[113], chủ yếu tự thể hiện dưới dạng toán học tinh thần lạnh lùng. Nhưng, khi tôi đã hòa điệu được với tư chất của thầy rồi, tôi thấy con đường đi đến Thượng đế mang tính sùng mộ của mình đầy thêm chứ không vơi đi. Một bậc thầy toàn giác có thể dẫn dắt nhiều đệ tử khác nhau bằng những con đường tự nhiên theo thiên hướng của chính họ.

Mối quan hệ giữa tôi với Sri Yukteswar có phần không trôi chảy, thế nhưng vẫn có một sự hùng biện ẩn kín bên trong. Tôi thường thấy dấu ấn lặng thầm của thầy trên những ý nghĩ của mình, nó khiến cho lời lẽ trở thành vô nghĩa. Khi ngồi lặng lẽ bên thầy, tôi thường cảm thấy ân huệ của thầy êm đềm tưới khắp hữu thể tôi.

Tính công bằng khách quan của thầy thể hiện rõ ràng trong kỳ nghỉ hè năm đầu tôi học cao đẳng. Tôi đã mong ngóng những tháng liên tục được ở Serampore với sư phụ.

“Con có thể lo phụ trách tịnh thất.” Sri Yukteswar hài lòng vì tôi đã hăm hở tới. “Phận sự của con là tiếp khách, và trông coi công việc của các đệ tử khác.”

Nửa tháng sau, Kumar, một thanh niên quê ở đông Bengal, được nhận vào tu học tại ashram. Thông minh khác thường, anh ta nhanh chóng chiếm được cảm tình của thầy. Vì một lý do khó hiểu nào đó, Sri Yukteswar giữ thái độ không phê phán đối với người mới.

“Mukunda, để Kumar đảm nhận công việc của con. Dùng thời gian của con mà quét tước và nấu nướng đi.” Thầy chỉ thị như vậy khi anh chàng mới đến đã ở với chúng tôi được một tháng.

Được đưa lên vai trò chỉ huy, Kumar thực thi sự chuyên quyền trong việc nhà một cách nhỏ mọn. Ngấm ngầm chống đối, các đệ tử khác tiếp tục tìm tôi để nhận các chỉ dẫn hàng ngày. Tình trạng này kéo dài được ba tuần; rồi tôi nghe lỏm được một cuộc trò chuyện giữa Kumar và thầy.

“Mukunda thật quá quắt!” anh chàng nói. “Thầy đã cho con làm giám sát, vậy mà mấy người kia cứ đi tìm hắn mà nghe lời.”

“Chính vì vậy mà ta phân công cho nó vào bếp còn con thì trong phòng khách - để con nhận ra được rằng một người lãnh đạo xứng đáng sẽ có tâm nguyện được phụng sự mà không phải là thống trị.” Giọng điệu khinh thị của Sri Yukteswar thật lạ với Kumar. “Con muốn địa vị của Mukunda nhưng lại không thể duy trì nó bằng công trạng. Giờ thì hãy quay lại việc phụ bếp lúc trước của con đi.”

Sau sự việc bẽ bàng ấy, thầy vẫn tiếp tục thái độ nuông chiều hiếm thấy đối với Kumar như trước. Ai có thể lý giải được cái bí ẩn của sự hấp dẫn? Ở Kumar, sư phụ của chúng tôi nhận ra một nguồn sống thu hút - cái mà, tuy thế, lại không khích lệ được các đồng môn. Dù anh chàng mới đến rõ ràng là người được Sri Yukteswar ưu ái thì tôi cũng không cảm thấy lo. Khí chất cá nhân, ngay cả của các bậc thầy, đem lại sự phức tạp đa dạng cho khuôn dạng cuộc sống. Bản tính tôi chẳng mấy khi nô lệ vào một chuyện nhỏ nhặt; tôi đang tìm kiếm ở Sri Yukteswar một lợi lạc cao hơn khen ngợi ngoài mặt.

Một hôm, chẳng vì cớ gì, Kumar nói với tôi theo cách độc địa; tôi đau lòng vô cùng.

“Đầu anh đang sưng lên sắp nổ tung rồi đó!” Tôi thêm lời cảnh cáo mà bằng trực giác tôi cảm thấy sẽ thành sự thật: “Trừ khi anh sửa lại cung cách, nếu không một ngày nào đó anh sẽ được mời ra khỏi ashram.”

Cười chế giễu, Kumar thuật lại lời tôi với sư phụ lúc ấy vừa bước vào phòng. Hoàn toàn chờ bị quở trách, tôi ngoan ngoãn lui về một góc.

“Chắc Mukunda nói phải.” Lời thầy đáp lại chàng trai kèm theo vẻ lạnh nhạt khác thường.

Một năm sau, Kumar khăn gói về thăm lại ngôi nhà thời thơ ấu của y. Y làm ngơ trước sự phản đối không nói ra của Sri Yukteswar, người chưa từng trịch thượng kiểm soát các hoạt động của đệ tử. Khi anh chàng trở về Serampore vài tháng sau, có một sự thay đổi rành rành khó chịu. Không còn nữa một Kumar nghiêm trang với gương mặt sáng trong. Chỉ còn có một nông dân bình thường mới đây đã nhiễm một số thói hư tật xấu đang đứng trước mặt chúng tôi.

Thầy cho gọi tôi lên và đau lòng bàn chuyện là chàng trai đó giờ đây không còn phù hợp với đời sống tu hành ở tịnh thất nữa.

“Mukunda, ta để con lo việc bảo Kumar ngày mai ra khỏi ashram; ta không thể làm việc đó!” Mắt Sri Yukteswar rưng rưng, nhưng thầy làm chủ mình ngay. “Chàng trai đáng ra đã không bao giờ rơi xuống đáy này nếu nó nghe lời ta mà bỏ không giao du với đám bạn bè bất hảo. Nó đã khước từ sự bảo bọc của ta thì cuộc đời tàn nhẫn vẫn phải là sư phụ của nó.”

Sự ra đi của Kumar chẳng làm tôi phấn chấn gì; buồn bã, tôi tự hỏi tại sao một kẻ có cái khả năng chiếm được tình thương của một vị thầy lại có thể dễ dàng nghe theo những cám dỗ trần tục. Thói đam mê tửu sắc đã ăn sâu trong bản năng đàn ông; để thưởng thức những thứ ấy ta đâu cần phải có sự tinh nhạy của tri giác. Những mưu chước của giác quan có thể ví với cây trúc đào thường xuân, những cánh hoa màu hồng ấy ngát hương: nhưng phần nào trong cây cũng độc[114]. Mảnh đất chữa lành nằm ở nội tâm, niềm hạnh phúc rạng ngời bị tìm kiếm mù quáng ở ngàn phương nơi ngoại giới.

“Trí tuệ sắc sảo thì có hai lưỡi,” có lần thầy nhận xét khi nhắc đến đầu óc thông minh của Kumar. “Nó có thể được dùng có tính xây dựng hay hủy diệt, như một con dao, hoặc để cắt bỏ cái ung nhọt vô minh, hoặc tự xử mình. Trí thông minh được dẫn dắt đúng chỉ sau khi trí óc đã công nhận tính bất khả thoát của định luật tinh thần.”

Sư phụ tôi hòa đồng thoải mái với các đệ tử cả nam lẫn nữ, đối xử với tất cả như con. Vì hiểu tính bình đẳng linh hồn của họ, thầy không có sự phân biệt và không tỏ sự thiên vị nào.

“Khi ngủ, ta đâu biết mình là nam hay nữ,” thầy nói. “Cũng như một người nam, đóng vai một người nữ, chẳng thể trở thành đàn bà, linh hồn cũng vậy, trong vai nam hay nữ, vẫn không đổi.

Linh hồn là hình ảnh bất di bất dịch, tuyệt đối của Thượng đế.”

Sri Yukteswar không bao giờ lảng tránh hay quy kết cho đàn bà là nguyên nhân “sự sa ngã của đàn ông”. Thầy chỉ ra rằng cả đàn bà cũng phải đối mặt với sự cám dỗ từ người khác phái. Có lần tôi hỏi thầy tại sao một đại thánh ngày xưa đã gọi đàn bà là “cửa xuống địa ngục”.

“Có lẽ một thiếu nữ nào đó đã quấy đảo sự thanh thản đầu óc của ngài thời trẻ,” sư phụ trả lời thận trọng. “Nếu không thì ngài đã lên án, không phải đàn bà, mà là một sự bất toàn nào đó trong chính sự tự chủ của ngài.”

Nếu có khách nào dám kể một câu chuyện khêu gợi trong tịnh thất, thầy cũng im lặng không phản ứng. “Đừng để mình bị quất bởi một roi khiêu khích của một gương mặt mỹ miều,” thầy dạy các đệ tử. “Làm sao những kẻ nô lệ giác quan lại có thể thưởng thức trần gian được? Họ đâu thể cảm nhận được những hương vị tinh tế của nó khi mà họ dầm mình trong bùn nguyên sơ. Mọi sự phân biệt đẹp đẽ đều chẳng còn ở người đàn ông có tham dục bẩm sinh.”

Các môn sinh tìm cách thoát khỏi mê vọng dục tình do maya xui khiến sẽ nhận được sự chỉ bảo nhẫn nại và thông cảm của Sri Yukteswar.

“Cũng như cái đói, mà không phải sự tham ăn, có một mục đích chính đáng, thì bản năng tình dục cũng được Thiên nhiên cấy trồng chỉ để nhân giống các loài, không phải để kích thích những thèm khát tham lam vô độ,” thầy nói. “Hãy diệt trừ tà dục bây giờ; nếu không chúng sẽ còn lại với ta khi hồn đã rời cái vỏ xác thịt rồi. Ngay cả khi thân thể ốm yếu thì đầu óc cũng nên không ngừng kháng cự. Nếu cám dỗ tấn công các con với sức mạnh tàn khốc thì hãy hàng phục nó bằng sự phân tích khách quan và ý chí bất khuất. Mọi đam mê tự nhiên đều có thể điều phục.

“Hãy bảo toàn nội lực của mình. Hãy giống như đại dương bao la, lặng lẽ nhận vào mọi chi lưu giác quan. Những thèm muốn được mới lại mỗi ngày của giác quan sẽ rút cạn sự thanh thản nội tâm; chúng giống như những cái ống thoát nơi hồ chứa để nước quý giá phí phạm vào đất hoang duy vật. Cái thôi thúc tà dục mạnh mẽ, kích thích là kẻ thù lớn nhất đối với hạnh phúc của con người. Hãy rong chơi trên cõi người như một con sư tử tự chủ; đừng để ếch nhái của mềm yếu giác quan hành hạ các con!”

Một tín đồ chân chính cuối cùng rồi cũng sẽ thoát khỏi mọi đòi hỏi bản năng. Y biến nhu cầu tình cảm con người thành khát khao chỉ một mình Thượng đế - một tình yêu đơn độc bởi bao la khắp cùng.

Thân mẫu của Sri Yukteswar sống ở quận Rana Mahal, Banaras, nơi lần đầu tiên tôi đến thăm sư phụ. Tử tế và hiền lành, nhưng bà là một phụ nữ có ý kiến rất dứt khoát. Có một hôm tôi đứng trên ban công nhà bà nhìn người mẹ và con trai nói chuyện với nhau. Bằng cái cách trầm lặng, nhạy cảm của mình, thầy đang cố thuyết phục bà về một chuyện gì đó. Thầy rõ ràng là không thành công, vì bà lắc đầu quầy quậy.

“Không, không, con trai, giờ thì đi đi! Những lời lẽ khôn ngoan của con không phải dành cho ta! Ta không phải là đệ tử của con!”

Sri Yukteswar lui đi mà không tranh luận gì thêm, như một đứa trẻ bị mắng. Tôi thấy xúc động trước sự kính trọng vô cùng thầy dành cho mẹ ngay cả khi bà trong tâm trạng phi lý. Bà chỉ thấy thầy như đứa con trai nhỏ của bà, không phải như một hiền triết. Trong sự việc nhỏ nhặt đó cũng có điều thu hút; nó cung cấp thêm một thí dụ minh họa về tư chất khác thường của sư phụ, nhún nhường bên trong mà không khoan nhượng bên ngoài.

Các giới luật nhà tu không cho phép một swami giữ liên lạc với các mối quan hệ ngoài đời sau khi đã chính thức dứt lìa. Thầy không thể thực hiện các nghi lễ gia đình long trọng, bắt buộc đối với một người chủ gia đình. Vậy nhưng Shankara, vị đã tổ chức dòng Swami xưa, đã bất chấp các giới cấm. Khi người mẹ yêu thương qua đời, ngài đã hỏa táng xác bà bằng ngọn lửa thiêng mà ngài châm bùng bằng chính bàn tay mình giơ lên.

Sri Yukteswar cũng bỏ qua các cấm đoán - một cách ít gây chú ý hơn. Khi mẹ thầy qua đời, thầy đã lo liệu lễ hỏa táng bên sông Hằng thiêng ở Banaras và mời ăn nhiều tu sĩ Bà La Môn, phù hợp với các tục lệ đối với chủ gia đình.

Những giới cấm trong kinh thư nhằm giúp các swami vượt qua các đồng hóa hạn hẹp. Shankara và Sri Yukteswar đã hợp nhất trọn vẹn linh hồn mình với Tinh thần Phi cá nhân; các vị không cần sự giải thoát bằng quy định nữa. Đôi khi, một vị thầy cũng cố tình bỏ qua một giáo luật để xác nhận nguyên tắc của nó là cao hơn và không phụ thuộc vào hình thức. Do vậy mà Jesus hái bông lúa mì vào ngày nghỉ. Trước sự chỉ trích không thể tránh khỏi, ngài nói: “Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát[115].”

Trừ kinh điển ra, Sri Yukteswar đọc rất ít. Vậy nhưng thầy vẫn luôn am hiểu các khám phá khoa học mới nhất và các tiến bộ tri thức khác[116]. Là một người nói chuyện có tài, thầy thích một cuộc trao đổi ý kiến về rất nhiều chủ đề với khách của mình. Sự hóm hỉnh trong bản tính và tiếng cười vui vẻ của sư phụ làm sôi nổi mọi cuộc thảo luận. Thầy thường trang nghiêm nhưng không bao giờ ủ dột. “Để tìm Thượng đế, con người không việc gì phải ‘làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả’,” thầy thường nói, trích dẫn trong Kinh thánh[117]. “Hãy nhớ rằng tìm thấy Thượng đế có nghĩa là đám tang cho mọi sầu não.”

Trong các triết gia, giáo sư, luật sư, và khoa học gia đến tịnh thất, một số đã tới thăm lần đầu với ý nghĩ sẽ gặp một nhà tôn giáo chính thống. Thỉnh thoảng một nụ cười khinh khỉnh hay một cái liếc nhìn bao dung vui thích chắc sẽ tố cáo rằng những người mới đến chẳng mong chờ gì hơn một đôi câu sùng tín tẻ nhạt. Sau khi đã trò chuyện với Sri Yukteswar và nhận ra rằng thầy có một tri kiến chuẩn xác trong lĩnh vực hiểu biết chuyên môn của họ, các vị khách thường ra về miễn cưỡng.

Sư phụ tôi thường dịu dàng và ân cần với khách; thầy tiếp đón với một sự thân ái mê hoặc. Nhưng những kẻ ngã mạn thâm căn cố đế đôi khi lại chịu một cú sốc. Ở thầy, họ đối mặt hoặc là một sự hờ hững lạnh nhạt hoặc là một sự phản đối dữ dội: đá hay sắt!

Một nhà hóa học có tiếng có lần đã đấu khẩu với Sri Yukteswar.

Vị khách không chịu công nhận sự hiện hữu của Thượng đế, bởi lẽ khoa học chưa phát minh ra được phương tiện nào phát hiện ra Ngài cả.

“Vậy là thật không cắt nghĩa nổi, anh đã không tài nào tách ra được Quyền năng Tối thượng trong ống nghiệm của mình!” Cái nhìn của thầy lạnh lùng. “Tôi gợi ý một thí nghiệm mới: hãy kiểm tra tư tưởng của anh liên tục trong hai mươi bốn giờ. Rồi đừng lấy làm lạ về sự vắng bóng của Thượng đế nữa.”

Một học giả lừng danh cũng đã nhận một cú điếng người tương tự. Chuyện đó xảy ra khi lần đầu ông ta tới thăm ashram. Mấy xà nhà vang dội cả khi vị khách đọc làu làu các đoạn trong Mahabharata, Upanishad[118], và bhasya (bình chú) của Shankara.

Prabhas Chandra Ghosh và Paramahansa Yogananda, Calcutta, tháng 12 năm 1919. Sri Ghosh, anh họ, người bạn suốt đời và là đệ tử của Sri Yogananda, là hội phó Hội Yogoda Satsanga Ấn Độ trong gần bốn mươi năm cho đến khi thầy mất vào năm 1975. “Tôi đang chờ nghe anh đây.” Giọng điệu của Sri Yukteswar dò hỏi, như thể sự im lặng đã ngự trị. Học giả ngơ ngác.

“Trích dẫn đã có, quá nhiều rồi.” Câu thầy nói làm tôi buồn cười đau cả bụng khi tôi ngồi xổm trong một góc, lễ phép cách xa vị khách. “Thế nhưng anh có thể đưa ra bình chú nguyên bản nào, từ tính độc nhất của đời sống của riêng anh không? Thánh thư nào anh đã hấp thụ và biến thành của riêng anh? Những chân lý bất tử này biến đổi căn tính anh ra sao? Anh bằng lòng làm một cái máy hát rỗng, máy móc lặp lại lời của người khác sao?”

“Tôi chịu thua rồi!” Sự thất vọng của học giả thật khôi hài.

“Tôi không có được chứng ngộ nội tâm.”

Lần đầu tiên, có lẽ, ông ta hiểu ra rằng phân biệt được đánh dấu phẩy chính xác không chuộc được cơn hôn trầm tâm linh[119].

“Mấy kẻ mô phạm mụ người này tỏ ra công phu quá,” sư phụ nhận xét khi kẻ bị uốn nắn đã đi rồi. “Họ xem triết học như một bài thể dục mềm dẻo trí tuệ nhẹ nhàng. Tư tưởng cao siêu của họ cẩn thận làm sao để không dính líu gì đến hoặc là sự mạnh bạo của hành động bên ngoài, hoặc là kỷ luật roi vọt bên trong!”

Những dịp khác thầy nhấn mạnh tính vô ích khi chỉ học hỏi sách vở không thôi.

“Đừng nhầm hiểu biết với một cuốn từ điển lớn,” thầy nói.

“Kinh thư chỉ có ích lợi khi khơi dậy cái khát khao chứng ngộ nội tâm, khi từng khổ thơ một được thấm từ từ. Nếu không, học hỏi trí tuệ liên tục có thể dẫn đến tính tự cao tự đại, ngã mạn, và tri thức chưa thẩm thấu.”

Sri Yukteswar kể lại một trong những sự việc chính thầy đã trải qua về giáo huấn kinh thi. Bối cảnh là một tịnh thất trong rừng ở đông Bengal, khi thầy quan sát cách thức của một ông thầy có tiếng, Dabru Ballav. Phương pháp của ông thầy này vừa đơn giản vừa khó, phổ biển ở Ấn Độ xưa.

Dabru Ballav nhóm các đệ tử lại quanh mình trong những chốn hoang vu rừng thẳm. Bhagavad Gita thiêng rộng mở trước mặt họ. Họ nhìn không rời mắt vào một đoạn trong nửa giờ, rồi nhắm mắt lại. Nửa giờ nữa trôi qua. Thầy đưa ra một bình giải ngắn. Im phắc, họ lại thiền trong một giờ. Cuối cùng, sư phụ nói.

“Giờ thì các con đã hiểu khổ thơ chưa?”

“Rồi, thưa thầy.” Một người trong nhóm đánh bạo khẳng định.

“Chưa, chưa trọn vẹn. Hãy tìm cái sức sống tâm linh đã cho những câu này cái khả năng làm Ấn Độ trẻ mãi thế kỷ này sang thế kỷ khác.” Một giờ nữa trôi qua trong tịch lặng. Thầy giải tán các đệ tử, rồi quay qua Sri Yukteswar.

“Thầy có hiểu Bhagavad Gita không?”

“Không, thưa thầy, không hẳn; dù mắt và trí tôi đã đọc qua những trang đó nhiều lần rồi.”

“Hàng trăm người đã trả lời ta khác!” Đại hiền giả mỉm cười ban phúc cho thầy. “Nếu thiên hạ cứ bận bịu phô bày sự giàu có kinh thư bên ngoài, còn thời gian đâu để tịch tĩnh lặn mò trân châu vô giá bên trong?”

Sri Yukteswar hướng dẫn việc học của đệ tử mình cũng bằng chính phép nhất tâm ấy. “Minh triết không được lĩnh hội bằng mắt, mà bằng nguyên tử,” thầy nói. “Khi niềm tin của ta vào chân lý không chỉ trong óc mà còn trong hiện hữu ta thì ta có thể rụt rè mà xác nhận ý nghĩa của nó.” Thầy không khuyến khích bất cứ khuynh hướng nào mà đệ tử có thể có, là xem tri thức sách vở là một bước cần thiết đến giác ngộ tâm linh.

“Trong một câu mà các rishi đã viết những điều uyên thâm khiến các học giả bình chú bao đời phải bận bịu,” thầy nói. “Các cuộc luận chiến bất tận là để cho mấy đầu óc chây lười. Còn ý nghĩ giải thoát nào nhanh hơn là ‘Thượng đế là’ - mà không, ‘Thượng đế’?”

Nhưng người ta không dễ mà tìm về sự giản dị. Với một kẻ duy lý thì đó hiếm khi là “Thượng đế”, mà đúng hơn là thói vênh vang chữ nghĩa. Bản ngã của y được thỏa mãn, rằng y có thể hiểu minh triết như vậy.

Những kẻ ý thức một cách kiêu hãnh về sự giàu có hay địa vị xã hội của mình rất có thể, trước mặt thầy, phải thêm sự khiêm cung vào trong tài sản của mình. Một dịp nọ, một quan tòa địa phương muốn có một cuộc gặp tại tịnh thất bên bờ biển ở Puri.

Người này, khét tiếng tàn nhẫn, trong quyền hạn mình có thừa khả năng truất quyền sở hữu ashram của chúng tôi. Tôi nhắc điều này với sư phụ. Nhưng thầy cứ ngồi với một vẻ không khoan nhượng, và không đứng lên chào vị khách.

Hơi lo, tôi ngồi thu lu cạnh cửa. Sri Yukteswar không bảo tôi kiếm một cái ghế tựa cho ông quan tòa, kẻ đã phải bằng lòng với một cái thùng gỗ. Sự mong chờ ra mặt của người này là tầm quan trọng của mình sẽ được trịnh trọng công nhận, đã không được toại nguyện.

Một cuộc đàm luận siêu hình học diễn ra sau đó. Vị khách vấp váp hiểu sai kinh điển. Khi sự chính xác của ông ta giảm thì cơn giận dữ của ông ta tăng lên.

“Thầy có biết là tôi đỗ đầu kỳ thi thạc sĩ nhân văn không?”

Đuối lý rồi, vậy mà ông ta vẫn còn lớn tiếng được.

“Thưa ngài quan tòa, ngài quên rằng đây không phải là phiên tòa của ngài.” Thầy đáp điềm tĩnh. “Theo câu nói ấu trĩ của ngài mà xét thì người ta có thể ngờ rằng sự nghiệp đèn sách của ngài đã không mấy nổi bật. Một tấm bằng đại học, dù có thế nào thì cũng không liên quan gì đến hiểu biết Vệ Đà. Thánh nhân không được đào tạo ra hàng mớ sau mỗi học kỳ như kế toán viên.”

Sau một hồi im lặng chết trân, vị khách cười thật lòng.

“Đây là lần đầu tiên tôi chạm trán một quan tòa cõi trời,” ông ta nói. Về sau ông ta đã có một lời yêu cầu chính thức, diễn đạt bằng thuật ngữ pháp lý, rõ ràng là phần thiết yếu của ông ta, là được thu nhận làm đệ tử “đang trong thời gian thử thách”.

Có một vài dịp Sri Yukteswar, giống như Lahiri Mahasaya, không khuyến khích các môn sinh “chưa chín tới” có ý nguyện vào dòng Swami. “Khoác áo màu hoàng thổ khi ta chưa có chứng ngộ Thượng đế là lừa mị xã hội,” hai thầy đã nói. “Hãy quên các biểu tượng từ bỏ bề ngoài đi, cái có thể nguy hại cho các con vì xui khiến thói kiêu mạn hư ngụy. Chẳng có gì quan trọng ngoài sự tiến bộ tâm linh đều đặn mỗi ngày của các con; để có điều đó, hãy dùng Kriya Yoga.”

Để đo giá trị một người, thánh nhân sử dụng một tiêu chí bất biến, cái khác xa với những tiêu chuẩn hay thay đổi của đời. Nhân loại - quá đỗi đa dạng trong chính mắt nhìn của mình! - dưới cái nhìn một bậc thầy được chia thành hai loại: kẻ u mê không tìm kiếm Thượng đế và người sáng suốt đi tìm Thượng đế.

Sư phụ tôi đích thân lo các mục liên quan đến quản lý tài sản của mình. Những kẻ vô liêm sỉ nhiều lần đã cố chiếm hữu đất đai tổ tiên để lại của thầy. Với sự quyết tâm và cả khởi kiện nữa, Sri Yukteswar đã thắng mọi kẻ tranh giành. Thầy chịu đựng những kinh nghiệm đau lòng này vì mong muốn không bao giờ phải là một sư phụ đi khất thực, hay là một gánh nặng cho các đệ tử.

Sự độc lập về tài chính của thầy là lý do tại sao ông thầy trực tính đáng ngại của tôi lại không biết đến những khéo léo ngoại giao. Không như các ông thầy phải ngọt lạt với những người đỡ đần mình, sư phụ tôi trơ trơ trước các ảnh hưởng, công khai hay kín đáo, từ tài sản của kẻ khác. Tôi chưa hề nghe thầy hỏi hay thậm chí là bóng gió hỏi tiền bạc vì mục đích nào. Việc dạy dỗ ở tịnh thất của thầy là không mất tiền đối với mọi đệ tử.

Một hôm một đại diện của tòa án tới ashram Serampore để tống đạt một trát hầu tòa. Một đệ tử tên Kanai và tôi dẫn người đó đến trước thầy.

Thái độ của tên thừa phát lại trước mặt Sri Yukteswar thật chướng tai gai mắt. “Sẽ có lợi cho ông nếu ông rời xó tối tịnh thất của ông mà hít thở chút không khí quang minh chính đại ở tòa,”

hắn nói khinh khỉnh.

Tôi không dằn mình được. “Còn một tiếng hỗn xược nữa là anh nằm ra giữa sàn đó!” Tôi sấn tới hăm he.

Cả Kanai cũng nạt tên đại diện. “Mi, kẻ xấu xa kia! Mi dám đem mấy lời báng bổ của mi vào ashram thiêng liêng này hả?”

Nhưng thầy đứng lên, vẻ che chở trước mặt kẻ xử tệ với thầy.

“Đừng nổi nóng vì chuyện không đâu như vậy. Người này chỉ đang làm đúng phận sự của anh ta thôi mà.”

Tên thừa phát lại, choáng váng vì những cách tiếp đón khác nhau dành cho mình, lễ phép ngỏ lời xin lỗi rồi hấp tấp bỏ đi.

Thật kinh ngạc làm sao khi thấy một vị thầy có ý chí mạnh mẽ như vậy lại có thể rất điềm tĩnh bên trong. Thầy hợp với định nghĩa trong Vệ Đà về thầy tu: “Mềm mại hơn hoa, khi cần lòng tốt; dũng mãnh hơn sấm, khi nguyên tắc lâm nguy.”

Trên đời này bao giờ cũng có những người, như Browning nói, “không chịu được ánh sáng, khi chính họ tối tăm”. Thỉnh thoảng một người ngoài, bứt rứt vì một mối bất bình tưởng tượng nào đó, trách móc Sri Yukteswar. Sư phụ điềm tĩnh của tôi thường lịch sự lắng nghe, tự phân tích mình xem liệu có chút nào đúng như lời lên án. Những lúc ấy tôi thường nhớ lại một trong những câu không thể nào bắt chước của thầy: “Một số người cố sao cho cao, bằng cách chặt đầu kẻ khác!”

Sự điềm tĩnh không bao giờ cạn của một vị thánh nguy nga vượt trên mọi quở trách. “Người chậm giận thì hơn trang hào kiệt, người tự chủ hơn kẻ chiếm được thành[120].”

Tôi thường ngẫm rằng vị thầy uy nghi của tôi có thể đã dễ dàng là một hoàng đế hay một nhà quân sự làm rung chuyển thế giới nếu như tâm thầy để vào danh vọng hay thành đạt trần thế.

Thay vì vậy thầy đã chọn tấn công vào những thành lũy nội tâm sân hận và ngã mạn mà sự sụp đổ của những thành lũy ấy mới là đỉnh cao của một con người.

* * *

Chú thích:

[94] “Chiêm bái Durga”. Đây là lễ hội chính trong niên lịch Bengal, và ở hầu hết các nơi lễ hội kéo dài suốt chín ngày trong tháng Asvina (tháng 9-10). Durga, nghĩa đen là “Không Thể Tới Gần”, là một diện mạo của Thánh Mẫu, Shakti, sức mạnh sáng tạo tính nữ được nhân cách hóa. Theo truyền thống Bà là đấng diệt trừ mọi cái ác.

[95] Sri Yukteswar sinh ngày 10-5-1855.

[96] Yukteswar_ nghĩa là “hợp nhất với Ishwara” (một danh xưng của Thượng đế). Giri là sự phân biệt mang tính xếp loại một trong mười nhánh Swami cổ. Sri nghĩa là “thiêng”; đó không phải là tên mà là một danh hiệu để tỏ sự tôn kính.

[97] Nghĩa đen là “hướng vào với nhau”. Samadhi là một trạng thái siêu thức cực lạc khi yogi nhận chân tính đồng nhất của linh hồn cá thể và Tinh thần Vũ trụ.

[98] Theo các nhà sinh lý học, ngáy là một dấu hiệu cho thấy sự nghỉ ngơi hoàn toàn.

[99] Dal là xúp đặc nấu bằng đậu hạt hay các thứ đậu khác. Channa là phô mai sữa tươi, vón cục; thường được vo viên rồi nấu cà ri khoai tây.

[100] Các khả năng vô biên của yogi, qua đó người ấy thấy, nếm, ngửi, sờ và nghe mà không dùng các cơ quan thụ cảm bên ngoài, đã được mô tả trong Taittiriya Aranyaka như sau: “Kẻ mù đục lỗ hạt trân châu; kẻ cụt ngón tay xâu sợi chỉ qua nó; kẻ không có cổ đeo nó; và kẻ không có lưỡi ca tụng nó.”

[101] “Đứng trước kẻ đã toàn thiện về ahimsa (bất bạo động), lòng oán giận [ở bất kỳ sinh vật nào

[102] Rắn hổ mang tấn công chớp nhoáng bất kỳ mục tiêu di động nào trong tầm của nó. Trong đa số trường hợp, đứng im không nhúc nhích là hy vọng an toàn duy nhất của con người ta. Ở Ấn Độ người ta rất sợ rắn hổ mang, kẻ gây ra khoảng năm ngàn trường hợp tử vong mỗi năm.

[103] Lahiri Mahasaya thực ra đã gọi “Priya” (tên của thầy), không phải “Yukteswar” (pháp danh mà sư phụ chưa dùng lúc Lahiri Mahasaya còn tại thế) (xem trang 155). “Yukteswar” được thay thế ở đây và một vài chỗ khác trong cuốn sách này để tránh lẫn lộn giữa hai tên.

[104] “Tất cả những gì anh em cầu nguyện và xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.” - Tin Mừng theo thánh Máccô 11:24. Các bậc thầy đã hợp nhất với Thượng đế hoàn toàn có thể trao truyền sự giác ngộ thiêng liêng của mình cho các đệ tử có trình độ tu chứng cao, như Lahiri Mahasaya đã làm với Sri Yukteswar vào dịp này.

[105] “Thế rồi một người trong nhóm chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải. Nhưng Ðức Giêsu (Jesus) lên tiếng: Thôi, ngừng lại. Và người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành.” - Tin Mừng theo thánh Luca 22:50-51.

[106] “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” - Tin Mừng theo thánh Matthêu 7:6.

[107] Ở đây nói về tiếng Anh, đệ tử: disciple; kỷ luật: discipline. (ND - BBT).

[108] Sư phụ tôi cho phép việc nhịn ăn như một phương pháp thanh lọc tự nhiên lý tưởng; nhưng đệ tử nọ lại bận tâm thái quá đến cơ thể mình.

[109] Có lần thầy bị bệnh ở Kashmir, khi tôi không có mặt bên thầy (xem trang 270).

[110] Một người táo bạo trong ngành y, Charles Robert Richet, từng được trao giải Nobel Sinh lý học, đã viết như sau: “Siêu hình học vẫn chưa chính thức là một khoa học, được công nhận theo nghĩa thông thường. Nhưng nó sẽ là... Tại Edinburgh, tôi đã có thể khẳng định trước 100 nhà sinh lý học rằng ngũ quan không phải là phương tiện hiểu biết duy nhất của ta và rằng một mảnh thực tại đôi khi đi vào đầu óc bằng những con đường khác. Một sự kiện hiếm xảy ra không phải là lý do để nói nó không tồn tại. Một nghiên cứu khó khăn phải chăng là một cái cớ để không hiểu nó?... Những ai đã công kích siêu hình học như một khoa học huyền bí sẽ tự cảm thấy xấu hổ cũng như những người đã công kích hóa học vì cớ rằng theo đuổi hòn đá phù thủy là ảo tưởng. Về vấn đề các nguyên tắc thì chỉ có các nguyên tắc của Lavoisier, Claude Bernard, và Pasteur - là thực nghiệm mọi lúc và mọi nơi. Vậy thì, xin chúc mừng nền khoa học mới, cái sẽ thay đổi định hướng tư tưởng của nhân loại.”

[111] Samadhi: siêu thức.

[112] “Con người có ý thức và tiềm thức chúng ta được toàn thiện nhờ một siêu thức,” Giáo chủ Do Thái Israel H. Levinthal đã nêu rõ trong một bài nói chuyện ở New York. “Nhiều năm trước nhà tâm lý học người Anh F. W. H. Myers đã gợi ý là “ẩn trong sâu thẳm bản thể chúng ta là một đống rác cũng như một kho báu.” Trái ngược với tâm lý học chỉ tập trung toàn bộ nghiên cứu vào tiềm thức trong bản tính của con người, tâm lý học mới về siêu thức tập trung chú ý vào kho báu - chỉ một mình nơi ấy mới lý giải được những hành vi cao thượng, vị tha, anh hùng của con người.”

[113] Jnana, trí tuệ, tuệ giác; và bhakti, sùng tín: hai trong những con đường chính đến với Thượng đế.

[114] 1. “Con người trong trạng thái thức tìm đủ mọi cách để hưởng thụ dục lạc; khi mọi cơ quan thụ cảm đã mệt rồi, hắn quên cả lạc thú trong tay mà ngủ để hưởng sự nghỉ ngơi trong linh hồn, bản chất của chính hắn,” Shankara, người diễn giải _Vedanta_ vĩ đại, đã viết. “Vì vậy mà cực lạc vượt ngoài giác quan vô cùng dễ đạt được và vượt xa dục lạc, thứ bao giờ cũng kết thúc bằng sự chán ghét.”

[115] Tin Mừng theo thánh Máccô 2:27.

[116] Khi muốn, thầy có thể tức thì hòa điệu vào tâm ý của bất kỳ ai (là một khả năng yoga được đề cập trong Yoga Sutra III:19 của Patanjali). Các khả năng như một cái rađiô sống của thầy, và bản chất của tư tưởng, được giải thích trong trang 211-212.

[117] Tin Mừng theo thánh Matthêu 6:16.

[118] 1. _Upanishad_ hay _Vedanta_ (nghĩa đen là “phần kết thúc của Vệ Đà”), xuất hiện ở một số chỗ trong bốn bộ kinh Vệ Đà, là những tóm tắt cơ bản hình thành nên nền tảng học thuyết của Ấn Độ giáo. Schopenhauer đã ca ngợi “những tư tưởng sâu sắc, nguyên thủy và cao thượng” của chúng và nói: “Được tiếp cận với kinh Vệ Đà (qua các bản dịch _Upanishad_ của phương Tây), trong mắt tôi, là đặc ân lớn nhất mà thế kỷ này có thể thỉnh cầu so với nhiều thế kỷ trước.”

[119] 2\. Tác giả chơi chữ giữa hai từ “dấu phẩy” (comma) và “hôn trầm” (coma) - trạng thái ủ rũ, buồn ngủ có thể gặp phải khi thiền._(ND - BBT)._

[120] 1\. Sách Cách ngôn 16:32.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3