Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 13
CHƯƠNG 13
Thánh Không Ngủ
“Xin hãy cho phép con đi Himalaya. Con mong là trong cô tịch không gián đoạn con sẽ đạt được sự giao hòa liên tục với thiêng liêng.”
Có lần tôi quả đã nói những lời vô ơn này với thầy. Bị tác động bởi một trong những ảo tưởng không lường trước được, thỉnh thoảng vẫn tấn công đệ tử, tôi cảm thấy càng lúc càng thiếu kiên nhẫn với các phận sự trong tịnh thất và bài vở ở trường. Có một tình tiết giảm khinh không đáng kể là đề nghị của tôi được đưa ra khi mà tôi chỉ mới biết Sri Yukteswar có sáu tháng. Tôi vẫn còn chưa quan sát đầy đủ tầm vóc cao vời của thầy.
“Nhiều người sơn cước sống trên Himalaya, vậy mà họ cũng đâu có thấy Thượng đế.” Sư phụ trả lời thong thả, ngắn gọn. “Tri kiến thì nên tìm ở người giác ngộ hơn là ở ngọn núi trơ trơ.”
Làm lơ gợi ý rõ ràng của thầy rằng thầy, chứ không phải ngọn núi, mới là thầy của tôi, tôi lặp lại lời cầu xin. Sri Yukteswar chẳng hạ cố trả lời. Tôi cho sự im lặng của thầy là đồng ý - một sự giải thích liều lĩnh nhưng thuận tiện.
Tại nhà mình ở Calcutta chiều hôm ấy, tôi bận rộn sửa soạn lên đường. Khi gói vài món đồ vào một tấm chăn, tôi nhớ lại một cái bọc tương tự, lén lút thả từ cửa sổ gác mái của mình xuống vài năm trước. Tôi tự hỏi liệu đây có là một chuyến chạy trốn xui xẻo đến Himalaya nữa không. Lần đầu thì tinh thần tôi rất phấn chấn; đêm nay lương tâm tôi giày vò khi nghĩ đến chuyện bỏ sư phụ mà đi.
Sáng hôm sau tôi đi tìm học giả Behari, giáo sư tiếng Phạn của tôi tại Đại học Giáo hội Scotland.
“Thưa thầy, thầy đã kể cho con nghe về tình bằng hữu của thầy với một đại đệ tử của Lahiri Mahasaya. Xin hãy cho con địa chỉ của thầy ấy.”
“Ý anh là Ram Gopal Muzumdar à. Tôi gọi thầy ấy là “Thánh Không Ngủ”. Thầy ấy luôn thức trong tâm thức cực lạc. Nhà thầy ấy ở Ranbajpur, gần Tarakeswar.”
Tôi cám ơn học giả và lên xe lửa đi Tarakeswar ngay. Tôi hy vọng làm nín bặt những day dứt của mình bằng cách xin phép “Thánh Không Ngủ” để chuyên tâm vào thiền định cô tịch trên Himalaya. Học giả Behari cho tôi hay là Ram Gopal đã được giác ngộ sau nhiều năm tu tập Kriya Yoga trong các hang động cách biệt ở Bengal.
Ở Tarakeswar, tôi đến một đền thờ nổi tiếng. Tín đồ Ấn Độ giáo tôn thờ đền này, như tín đồ Công giáo đối với thánh địa Lourdes[121] ở Pháp. Rất nhiều phép lạ chữa bệnh đã diễn ra ở Tarakeswar, trong đó có cả phép lạ xảy đến với một người trong gia đình tôi.
“Bác đã ngồi trong đền đó cả tuần,” bác cả của tôi có lần bảo tôi. “Nhịn không ăn uống gì, bác cầu xin cho bác Sarada khỏi một chứng bệnh kinh niên. Đến ngày thứ bảy thì bác thấy một dược thảo hiện ra trong lòng bàn tay bác! Bác sắc thảo dược rồi cho bác trai uống. Bệnh của bác hết ngay và không bao giờ tái phát.”
Tôi bước vào đền thờ Tarakeswar thiêng liêng; bàn thờ chẳng có gì ngoài một viên đá tròn. Hình tròn của nó, không đầu không đuôi, khiến nó mang ý nghĩa rất phù hợp về Thượng đế. Ở Ấn Độ ngay cả một nông dân mù chữ cũng hiểu các khái niệm trừu tượng về vũ trụ; thật ra, người phương Tây đôi khi cũng bảo là người Ấn sống bằng những khái niệm trừu tượng!
Tâm trạng riêng tôi lúc ấy ủ dột đến mức tôi không cảm thấy thích cúi lạy trước một biểu tượng đá. Thượng đế thì chỉ nên tìm kiếm trong linh hồn thôi, tôi ngẫm.
Tôi rời đền mà không quỳ lạy rồi đi nhanh về làng Ranbajpur ngoài đồng. Tôi không rành đường. Câu tôi hỏi đường một người đi ngang qua khiến ông ta chìm trong đăm chiêu suy nghĩ một hồi lâu.
“Khi anh đến được một ngã tư, rẽ phải rồi cứ đi tiếp,” cuối cùng ông cũng nói ra như sấm truyền.
Vâng theo chỉ dẫn, tôi đi dọc hai bờ kênh. Màn đêm buông xuống; bên rìa của ngôi làng hoang vắng chi chít đom đóm nhấp nháy và tiếng tru của chó rừng gần bên. Ánh trăng mờ quá không giúp được gì, tôi dò dẫm đi suốt hai giờ.
Mừng thay có tiếng lanh canh chuông đeo ở cổ bò! Tiếng tôi gọi nhiều lần cuối cùng cũng đưa ông nông dân đến bên tôi.
“Tôi tìm Ram Gopal Babu.”
“Không có ai như vậy sống trong làng cả.” Giọng điệu người này gắt gỏng. “Anh chắc là một thám tử nói dối.”
Mong làm giảm sự nghi ngờ trong đầu óc băn khoăn thận trọng của ông, tôi trình bày một cách cảm động cảnh ngộ của mình. Ông đưa tôi về nhà và tiếp đãi hiếu khách.
“Ranbajpur ở xa đây,” ông nói. “Ở ngã tư đường, đáng ra anh phải rẽ trái, chứ đừng rẽ phải.”
Người chỉ đường trước của mình, tôi buồn bã nghĩ, là một mối đe dọa rõ ràng cho lữ khách. Sau bữa ăn ngon lành gồm cơm gạo tấm, đậu lăng -dal, và cà ri khoai tây với chuối sống, tôi lui về một chòi nhỏ thông với sân trong. Xa xa, dân làng đang hát theo tiếng mridanga[122] và chũm chọe đệm vang lừng. Đêm đó ngủ ít; tôi khẩn cầu tha thiết được chỉ dẫn tới vị yogi ẩn dật Ram Gopal.
Khi những tia bình minh đầu tiên vừa lọt qua kẽ hở của chòi thì tôi liền lên đường đi Ranbajpur. Băng qua những đồng lúa gồ ghề, tôi lê bước qua những gốc lúa lởm chởm châm chích rồi đi vòng mấy gò đất sét khô. Thỉnh thoảng một nông dân tôi gặp được, luôn là vậy, cho biết rằng đích của tôi “cách đây chỉ một krosha” (hai dặm). Trong sáu giờ, mặt trời đã đắc thắng đi từ chân trời lên đến thiên đỉnh, còn tôi thì đã bắt đầu cảm thấy rằng mình sẽ chẳng bao giờ cách Ranbajpur chỉ một krosha.
Sau buổi trưa thế giới của tôi vẫn cứ là một đồng lúa bất tận. Cái nóng không trốn đi đâu được từ trời phả xuống khiến tôi muốn ngã quỵ. Tôi thấy một người đàn ông đang thong thả đi tới.
Tôi gần như chẳng dám mở miệng hỏi câu thường lệ, sợ rằng nó sẽ gợi lên cái giọng đều đều: “Cách đây chỉ một krosha.”
Người lạ dừng lại bên tôi. Thấp và mảnh khảnh, về bề ngoài thì ông ta không có gì ấn tượng, trừ cặp mắt đen sắc sảo lạ thường.
“Ta đang tính rời Ranbajpur, nhưng tâm ý của con là tốt nên ta chờ con.” Ông phẩy phẩy mấy ngón tay trước khuôn mặt ngơ ngác của tôi. “Con không thông minh mà nghĩ ra rằng, không báo trước, khi không mà con gặp được ta sao? Ông giáo sư Behari đó không có quyền cho con biết chỗ ở của ta.”
Thấy rằng tự giới thiệu mình sẽ chỉ là dông dài trước mặt vị thầy này, tôi đứng lặng thinh, có phần phật ý vì sự đón tiếp dành cho mình. Câu tiếp theo của thầy lại được nói ra đột ngột.
“Cho ta hay, con nghĩ Thượng đế ở đâu nào?”
“Tại sao vậy, Ngài ở trong con và ở khắp nơi.” Rõ ràng là trong bụng tôi cảm thấy ngơ ngác ra sao thì ngoài mặt cũng y như vậy.
“Bàng bạc khắp cùng, hử?” Vị thánh cười tủm tỉm. “Thế thì cớ sao, thánh nhỏ, hôm qua con lại không chịu cúi lạy trước Thượng đế trên biểu tượng đá trong đền Tarakeswar[123]? Niềm kiêu hãnh của con đã khiến con bị phạt là bị người qua đường chỉ sai lối, kẻ chẳng buồn phân biệt cho đúng bên phải với bên trái. Hôm nay nữa, con đã có một thời gian khá là không dễ chịu!”
Tôi hoàn toàn đồng tình, kinh ngạc là con mắt nhìn thấu khắp lại ẩn bên trong hình hài tầm thường trước mặt mình. Uy lực xoa dịu tỏa ra từ vị yogi; tôi tức thì tươi tỉnh giữa cánh đồng nóng như thiêu như đốt.
“Tín đồ hay cho rằng con đường của y đến với Thượng đế là con đường duy nhất,” thầy nói. “Yoga, nhờ nó mà tìm thấy linh thiêng nội tâm, rõ ràng là con đường cao nhất, như Lahiri Mahasaya đã dạy chúng ta. Nhưng, tìm thấy Thượng đế bên trong rồi, ta sẽ sớm nhận thấy Ngài ở bên ngoài. Các đền thiêng ở Tarakeswar và ở đâu khác cũng đều được sùng kính đúng mực như các hạt nhân sức mạnh tâm linh.”
Thái độ khiển trách của vị thánh không còn nữa, mắt thầy trở nên dịu dàng bi mẫn. Thầy vỗ vai tôi.
“Yogi trẻ, ta thấy là con đang bỏ thầy mà đi. Thầy ấy là mọi thứ con cần; con nên trở về với thầy.” Thầy nói thêm, “Núi chẳng thể là sư phụ cho con” - chính là cái ý nghĩ mà Sri Yukteswar đã diễn đạt hai ngày trước.
“Các bậc thầy không bị vũ trụ bắt phải sống trên núi mà thôi.” Người đồng hành của tôi liếc nhìn giễu cợt. “Himalaya ở Ấn Độ và Tây Tạng chẳng có độc quyền nào đối với các thánh cả. Cái người ta chẳng lo tìm kiếm bên trong thì cũng sẽ không thể tìm thấy bằng cách đem thân đi đây đi đó. Vừa khi tín đồ sẵn lòng đến, dù cho là cùng trời cuối đất để tìm thấy giác ngộ, thì sư phụ y sẽ xuất hiện ngay bên.”
Trong bụng tôi tán thành, nhớ lại lời cầu nguyện của mình trong tu viện ở Banaras, tiếp sau là việc gặp Sri Yukteswar giữa một con hẻm đông người.
“Con có thể có một căn phòng nhỏ để đóng cửa ngồi một mình không?”
“Vâng.” Tôi ngẫm nghĩ rằng vị thánh này đi từ cái khái quát đến cái cụ thể với tốc độ làm chưng hửng.
“Đó là hang động cho con đó.” Yogi ban cho tôi một cái nhìn soi rọi mà tôi không bao giờ quên. “Đó là núi thiêng của con đó.
Đó là nơi con sẽ tìm thấy thiên cung của Thượng đế.”
Những lời giản dị của thầy tức thì xua tan những ám ảnh cả đời tôi về Himalaya. Giữa cánh đồng nóng cháy tôi tỉnh giấc mơ núi và băng tuyết đời đời.
“Thầy trẻ, cơn khát thiêng liêng của con là đáng khen. Ta cảm thấy rất quý con.” Ram Gopal cầm tay tôi dẫn về một thôn là lạ giữa một khoảng rừng thưa. Những túp nhà được lợp lá dừa và trang hoàng đơn sơ cổng vào bằng hoa tươi nhiệt đới.
Vị thánh để tôi ngồi trên một cái bục tre có bóng râm ở căn chòi nhỏ của thầy. Khi thầy cho tôi dùng nước chanh đường và một miếng đường phèn xong, chúng tôi vào sân của thầy và ngồi kiết già. Bốn giờ thiền định trôi qua. Tôi mở mắt ra và thấy gương mặt trăng soi của vị yogi vẫn lặng phắc. Khi tôi nghiêm khắc nhắc cái bao tử của mình là người ta không chỉ sống bằng bánh mì thì Ram Gopal đứng lên khỏi chỗ ngồi.
“Ta thấy là con đói cồn cào rồi,” thầy nói. “Thức ăn sẽ có ngay thôi.”
Thầy cời đám lửa trong một lò đất giữa sân. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã ăn cơm và canh đậu lăng, dọn trên những tấm lá chuối to. Vị chủ nhà của tôi đã lịch sự từ chối không để tôi phụ việc bếp núc. “Khách là Thượng đế,” một câu tục ngữ Ấn, đã được sùng mộ tuân theo ở Ấn Độ từ thời xa xưa. Trong những chuyến đi đến nhiều nơi trên thế giới về sau này, tôi may mắn được thấy là sự kính trọng dành cho khách tương tự như vậy cũng được thể hiện ở miền thôn quê nhiều nước. Người thành phố thấy cái lưỡi sắc lòng hiếu khách bị cùn đi bởi có quá nhiều gương mặt lạ.
Những chốn đông người dường như xa mù đến không tưởng tượng nổi, khi tôi ngồi xổm bên yogi một mình trong ngôi làng nhỏ bé trong rừng. Gian chòi tranh được soi sáng huyền hoặc trong một vầng sáng dịu nhẹ. Ram Gopal đã trải vài tấm chăn sờn dưới đất làm chỗ ngủ cho tôi, còn thầy thì ngồi trên một tấm chiếu rơm.
Ngợp trước sức hút tâm linh của thầy, tôi đánh bạo một yêu cầu.
“Thưa thầy, sao thầy không ban cho con một samadhi?”
“Con thân yêu, ta sẽ rất vui mà truyền lại sự tiếp xúc thiêng liêng, nhưng làm việc đó không phải là cương vị của ta.” Vị thánh nhìn tôi với đôi mắt khép hờ. “Thầy con sẽ sớm ban chứng nghiệm đó cho con thôi. Thân con vẫn chưa điều hợp được. Như một bóng đèn nhỏ sẽ vỡ tan vì điện áp quá mức, thần kinh của con chưa sẵn sàng cho dòng điện vũ trụ. Nếu ngay lúc này ta cho con niềm cực lạc vô biên, con sẽ bốc cháy bừng bừng lên như thể mọi tế bào đều bắt lửa.
“Con đang cần ở ta sự soi sáng,” yogi trầm ngâm nói tiếp, “trong khi ta đang tự hỏi - hèn mọn như ta đây, và với chút đỉnh thiền định ta đã tu tập - ta đã làm hài lòng Thượng đế chưa, và giá trị nào ta có thể tìm thấy dưới mắt Ngài vào ngày phán quyết sau cùng.”
“Thưa thầy, chẳng phải thầy đã một lòng theo đuổi Thượng đế từ lâu rồi sao?”
“Ta vẫn chưa làm được gì nhiều. Behari chắc có kể cho con nghe đôi điều về đời ta. Trong hai mươi năm ta đã sống trong một hang động ẩn khuất, thiền mười tám giờ mỗi ngày. Rồi ta chuyển tới một hang động khó lai vãng hơn và ở lại đó hai mươi lăm năm, trụ trong hợp nhất bằng yoga hai mươi giờ mỗi ngày. Ta không cần ngủ, vì ta vẫn luôn cùng Thượng đế. Thân ta thư thái nhờ sự tịch tịnh của siêu thức hơn là sự thanh thản bất toàn của trạng thái tiềm thức bình thường.
“Cơ bắp nghỉ ngơi trong giấc ngủ; nhưng tim, phổi, và hệ tuần hoàn vẫn làm việc không ngừng; chúng không được nghỉ ngơi.
Trong siêu thức, mọi cơ quan nội tạng sẽ ở trong trạng thái tạm ngưng hoạt động, được nạp bằng năng lượng vũ trụ. Bằng cách như vậy mà ta đã thấy không cần ngủ trong nhiều năm trời.” Thầy nói thêm, “Sẽ đến lúc cả con cũng không cần ngủ.”
“Chao ôi, thầy đã thiền định lâu như vậy mà vẫn chưa được rõ ân huệ của Thượng đế!” Tôi ngạc nhiên nhận xét. “Thế thì những phàm nhân tội nghiệp chúng con thì sao?”
“À, con không thấy, anh bạn thân mến của ta ơi, Thượng đế là Thường hằng Tự thân? Tưởng rằng ta có thể biết rõ Ngài bằng bốn mươi lăm năm thiền định thì đúng là một kỳ vọng nực cười.
Tuy nhiên, Babaji đã cam đoan với chúng ta rằng dù chỉ một chút thiền định thôi cũng sẽ cứu chúng ta khỏi sự sợ hãi kinh khủng về cái chết và các trạng thái sau khi chết. Đừng cố định lý tưởng tâm linh của con vào những ngọn núi nhỏ mà hãy nối nó vào tinh cầu của chứng đắc thiêng liêng tuyệt đối. Nếu con tinh tiến, con sẽ tới được đó.”
Bị cuốn hút hoàn toàn theo cái viễn cảnh ấy, tôi xin thầy ban thêm những lời khai sáng. Thầy kể một câu chuyện lạ thường về cuộc sơ ngộ của thầy với sư phụ của Lahiri Mahasaya là Babaji[124].
Khoảng giữa đêm, Ram Gopal chìm trong tịch lặng, còn tôi ngả lưng xuống tấm chăn. Nhắm mắt, tôi thấy những tia sét; khoảng không bao la nội thể tôi là một vùng ánh sáng chan hòa. Tôi mở mắt và vẫn nhận thấy vầng hào quang sáng lòa ấy. Gian phòng trở thành một phần của vòm cao vô tận mà tôi thấy bằng cái nhìn nội thể.
Yogi nói: “Sao con không ngủ đi?”
“Thưa thầy, làm sao con ngủ được khi chớp sáng chói lòa khắp quanh con, dù con nhắm hay mở mắt?”
“Con may mắn có được chứng nghiệm này. Tia sáng tâm linh thì không dễ mà thấy được đâu.” Thánh nói thêm đôi lời trìu mến.
Lúc bình minh Ram Gopal mời tôi mấy viên đường phèn rồi bảo tôi nên về. Tôi bịn rịn không muốn từ biệt thầy đến nỗi nước mắt lăn dài trên má.
“Ta sẽ không để con về tay không.” Yogi nói dịu dàng. “Ta sẽ làm cái gì đó cho con.”
Thầy mỉm cười rồi nhìn tôi chăm chăm. Tôi trở nên bất động, như thể đã cắm rễ xuống đất; những rung động an nhiên từ thánh tỏa ra tràn trề khắp người tôi. Tôi tức thì được chữa lành chứng đau lưng đã hành hạ tôi liên miên suốt nhiều năm rồi.
Tươi tắn trở lại, tắm trong biển vui rỡ ràng, tôi nín khóc.
Chạm chân Ram Gopal rồi, tôi đi vào rừng. Tôi đi qua rừng rậm nhiệt đới rồi băng qua nhiều đồng lúa cho đến khi tới Tarakeswar.
Ở đó, tôi hành hương lần thứ hai đến ngôi đền nổi tiếng rồi phủ phục trước bàn thờ. Hòn đá tròn lớn dần trước cái nhìn nội thể tôi cho đến khi trở thành những thiên cầu trong hoàn vũ: vòng đai này trong vòng đai kia, vùng này tiếp vùng khác, tất cả đều được phú cho thần tính.
Một giờ sau tôi hoan hỉ lên xe lửa về Calcutta. Những chuyến đi của tôi đã đến đích, không phải trên ngọn núi cao sừng sững, mà bên sự hiện diện Himalaya của thầy mình.
* * *
Chú thích:
[121] Thành phố nằm ở Tây Nam nước Pháp. Năm 1858, sau khi có tin Đức Mẹ hiện hình tại đây, Loudres đã trở thành điểm hành hương của hàng triệu người Công giáo khắp thế giới mỗi năm. (ND - BBT)
[122] Trống vỗ bằng tay, thường dùng để đệm hát cầu nguyện (kirtan) trong các nghi lễ và đám rước tôn giáo.
[123] “Kẻ chẳng chịu cúi đầu trước cái gì thì cũng không bao giờ mang nổi gánh nặng chính mình.” - Dostoyevski, Lũ người quỷ ám.
[124] Xem trang 387-390.