Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 14
CHƯƠNG 14
Chứng nghiệm tâm thức Vũ trụ
“Con về rồi đây, thưa sư phụ.” Tính cả thẹn nói hùng hồn giùm tôi.
“Ta vào bếp tìm cái gì ăn đi.” Thái độ của Sri Yukteswar tự nhiên như thể chúng tôi xa nhau vài giờ chứ không phải vài ngày.
“Thưa thầy, chắc con đã làm thầy thất vọng vì đường đột bỏ trách nhiệm của con ở đây mà đi; con đã nghĩ chắc thầy sẽ giận con.”
“Không, dĩ nhiên là không! Phẫn nộ chỉ bắt nguồn từ ham muốn bị ngăn trở. Ta không mong chờ bất cứ điều gì ở kẻ khác nên hành động của họ không thể ngược với mong muốn của ta.
Ta không thể dùng con vào các mục đích của ta; ta hạnh phúc chỉ trong chân hạnh phúc của riêng ta thôi.”
“Thưa thầy, người ta nghe về tình yêu thần thánh theo cách mơ hồ, còn hôm nay con quả đang có một ví dụ cụ thể cho điều đó từ nhân cách cao quý của thầy! Ở đời, ngay đến người cha cũng chẳng dễ mà dung tha cho đứa con trai nếu nó bỏ việc của cha mà không báo trước. Nhưng thầy đã không tỏ chút phật ý nào dù nhẹ nhất, dù rằng hẳn thầy đã gặp bất tiện vô cùng vì những việc chưa làm tròn con để lại.”
Chúng tôi nhìn vào mắt nhau, nước mắt long lanh. Một làn sóng hạnh phúc phủ trùm tôi; tôi biết rõ là Thượng đế, trong hình hài sư phụ, đang mở rộng lòng nhiệt thành hạn hẹp trong tâm tôi tới những tầm bao la của tình yêu vũ trụ.
Một buổi sáng sau đó mấy hôm, tôi đến phòng khách vắng tanh của thầy. Tôi định thiền, nhưng mục đích đáng khen của tôi lại không được những ý nghĩ bất tuân chia sẻ. Chúng bay tan tác như đàn chim trước thợ săn.
“Mukunda!” Giọng Sri Yukteswar vang lên từ một ban công đằng xa.
Tôi cũng cảm thấy muốn chống đối như những ý nghĩ của mình. “Thầy lúc nào cũng giục mình thiền,” tôi lẩm bẩm. “Thầy không nên quấy rầy mình khi thầy biết tại sao mình vào phòng thầy mà.”
Thầy lại gọi tôi; tôi vẫn ương bướng làm thinh. Lần thứ ba giọng điệu thầy chứa sự quở trách.
“Thưa thầy, con đang thiền,” tôi lớn tiếng phản đối.
“Ta biết con đang thiền,” sư phụ nói to, “mà tâm trí thì tán loạn như lá giữa bão! Lại đây với ta.”
Bị phá ngang và bị vạch trần, tôi ủ rũ đến bên thầy.
“Anh chàng tội nghiệp, núi không thể cho con cái con muốn đâu.” Thầy nói trìu mến, dỗ dành. Cái nhìn tĩnh lặng của thầy thật khôn dò. “Khát khao của lòng con sẽ được toại nguyện.”
Sri Yukteswar hiếm khi tự cho mình nói những điều khó hiểu; tôi ngơ ngác. Thầy vỗ nhẹ lên ngực tôi, bên trên tim.
Thân tôi tự dưng chôn chân bất động; hơi thở bị rút cạn khỏi phổi như thể bởi một khối nam châm lớn nào đó. Hồn và trí tức thì thoát khỏi sự cầm tù thể xác rồi tràn ra như một ánh sáng lỏng xuyên qua khắp mọi lỗ chân lông. Xác thịt như đã chết rồi; vậy mà trong thức tỉnh mãnh liệt tôi biết mình chưa hề sống trọn vẹn như thế trước đây. Cảm thức về hiện hữu tôi không còn bị bó buộc hạn hẹp trong một xác thân mà bao trùm khắp các nguyên tử xung quanh. Thiên hạ trên đường xa xa dường như đang di chuyển nhẹ nhàng trên chính ngoại vi xa vợi của tôi. Gốc rễ cỏ cây hiện ra qua một màng trong suốt mờ mờ của đất; tôi thấy rõ dòng nhựa cây bên trong.
Toàn thể vùng phụ cận phơi bày trước mặt tôi. Cái nhìn trước mặt bình thường của tôi giờ đã biến thành cái thấy hình cầu bao la, đồng thời mà nhận thấy tất cả. Qua sau đầu mình tôi thấy người đi xa tít đến tận hẻm Rai Ghat, và còn thấy một con bò trắng đang đủng đỉnh lại gần. Khi nó tới cổng ashram để mở, tôi thấy nó như thể bằng mắt trần. Khi con bò đã đi qua sau bức tường gạch sân trong rồi tôi vẫn còn thấy nó rõ ràng.
Mọi vật thể trong cái nhìn toàn cảnh của tôi rung rinh và dao động như phim quay nhanh. Thân tôi, thân thầy, sân trong với hàng cột, bàn ghế đồ đạc và nền nhà, cây cối và ánh nắng thỉnh thoảng chao đảo, cho đến khi tất thảy quyện thành một biển sáng ngời; như tinh thể đường, thả vào ly nước, tan ra khi lắc xong. Ánh sáng hợp nhất luân phiên nhau bằng những hóa hiện các sắc tướng, những thay hình đổi dạng cho thấy luật nhân quả trong sáng tạo.
Một niềm vui biển cả vỡ òa lên những bãi bờ bất tận bình yên trong linh hồn tôi. Tinh thần của Thượng đế, tôi nhận ra, là Cực lạc không bao giờ cạn; thân Ngài là vô vàn mô ánh sáng. Một niềm vui mênh mang trong tôi bắt đầu phủ trùm lấy những thành thị, châu lục, trái đất, các hệ mặt trời và hệ tinh cầu, tinh vân loãng, và vạn vật đang trôi. Toàn thể vũ trụ, tỏa sáng dịu dàng, như một thành phố nhìn từ xa về đêm, lung linh bên trong cái vô cùng vô tận của hiện hữu tôi. Ánh sáng chói lòa bên kia những hình cầu rõ nét có chút mờ nhạt đi ở những mép xa nhất; ở đó tôi thấy một hào quang dịu nhẹ, vẫn không mờ đi. Nó tinh tế đến không tả nổi; những hình ảnh thiên cầu được tạo thành từ một ánh sáng thô hơn[125].
Sự tán xạ tia trời tưới xuống từ một Nguồn Bất diệt, chiếu sáng rực vào các thiên hà, thay hình đổi dạng đi theo những vầng hào quang khôn tả. Không biết bao lần tôi thấy những tia sáng tạo tụ lại thành những chòm sao, rồi tan thành những tấm lửa trong suốt. Theo một sự đảo ngược nhịp nhàng, hằng hà sa số cõi đi vào ánh sáng rực rỡ trong mờ, rồi ngọn lửa trở thành bầu trời.
Tôi nhận ra trung tâm của thiên cung là một điểm cảm nhận bằng trực giác trong tâm mình. Ánh sáng rỡ ràng soi sáng từ các hạt nhân trong tôi tỏa ra khắp cùng cấu trúc vũ trụ. Amrita cực lạc, mật ngọt của trường sinh bất tử, phập phồng khắp thân tôi bằng dòng chảy như thủy ngân. Giọng nói sáng tạo của Thượng đế tôi nghe vang rền như Aum[126], sự rung động của Động cơ Vũ trụ.
Bất chợt hơi thở trở về trong phổi tôi. Thất vọng gần như không chịu nổi, tôi nhận ra cái mênh mang vô tận của mình đã mất. Lại một lần nữa tôi bị nhốt vào cái lồng thể xác bẽ bàng, không dễ hòa hợp với Tinh thần. Như một đứa con hoang đàng, tôi đã bỏ mái nhà đại vũ trụ mà đi, rồi tự giam mình trong một tiểu vũ trụ chật hẹp.
Sư phụ đang đứng im trước mặt tôi; tôi vội phủ phục dưới chân thiêng để tạ ơn thầy đã ban cho tôi chứng nghiệm tâm thức vũ trụ mà đã từ lâu tôi đau đáu kiếm tìm. Thầy đỡ tôi đứng dậy rồi nói khẽ:
“Con không được say sưa với cực lạc nhiều quá. Hãy còn nhiều việc cho con làm ở đời này. Lại đây, ta cùng quét ban công; rồi ta sẽ đi dạo bên sông Hằng.”
Tôi đi tìm cây chổi. Tôi biết, thầy đang dạy tôi cái bí quyết sống quân bình. Linh hồn phải vươn qua đáy thẳm vũ trụ, trong khi xác thân vẫn phải làm tròn những phận sự hàng ngày của mình.
Khi Sri Yukteswar và tôi cất bước đi dạo sau đó, tôi vẫn còn mê mẩn trong một trạng thái say sưa không sao tả xiết. Tôi thấy cơ thể chúng tôi như hai hình ảnh cõi sao, đi qua một con đường ven sông mà bản chất chỉ là ánh sáng.
“Chính Tinh thần Thượng đế là cái duy trì tích cực mọi thể dạng và năng lượng trong hoàn vũ; vậy nhưng Ngài siêu việt và cách biệt trong cái không vô thủy vô chung diễm phúc, bên kia những cõi hiện tượng rung động[127],” thầy giảng. “Những ai đạt được Tự giác ngộ ở đời sẽ sống một hiện hữu song đôi tương tự.
Trong khi tận tâm chu toàn việc đời, họ vẫn đắm mình trong an lạc nội tâm.
“Thượng đế đã tạo ra loài người từ niềm vui vô biên của bản thể Ngài. Dù họ bị nén chặt một cách đáng buồn trong thể xác thì Thượng đế cũng mong rằng con người được làm ra theo hình ảnh Ngài cuối cùng rồi cũng sẽ vươn lên khỏi mọi nhận dạng giác quan mà sum vầy với Ngài.”
Linh ảnh vũ trụ đã để lại nhiều bài học vĩnh cửu. Bằng cách ngày ngày lắng tĩnh tư tưởng của mình, tôi được giải thoát khỏi cái xác tín mê lầm rằng thân tôi là một khối xương thịt, đi qua đất cứng vật chất. Tôi thấy, hơi thở và tâm trí loạn động giống như những cơn bão quất vào đại dương ánh sáng thành những con sóng hình thái vật chất - quả đất, bầu trời, con người, thú vật, chim muông, cây cối. Không thể nào nhận biết Thượng đế là Một Ánh sáng trừ khi làm lặng đi những cơn bão ấy.
Khi tôi đã làm yên được hai xáo động tự nhiên rồi, tôi thấy vô vàn làn sóng sáng tạo tan vào một đại dương sáng ngời; như sóng biển, khi một cơn bão dịu đi, sẽ bình yên hòa làm một.
Một bậc thầy sẽ ban cái chứng nghiệm tâm thức vũ trụ siêu việt khi đệ tử, bằng thiền định, đã định được tâm mình tới một mức mà những chân trời bao la sẽ không làm y choáng ngợp. Sự sẵn sàng của trí hay tâm khai mở không thôi là chưa đủ. Chỉ sự mở rộng tâm đúng đủ nhờ luyện yoga và bhakti sùng tín mới có thể sửa soạn cho ta đón nhận cái choáng ngợp vô biên giải thoát.
Chứng nghiệm siêu việt xảy đến một cách tất yếu tự nhiên với tín đồ thành tâm. Khát khao mãnh liệt của y sẽ bắt đầu hút Thượng đế bằng một sức mạnh không cưỡng nổi. Thượng đế như Linh ảnh Vũ trụ được thu hút bởi cái nhiệt tâm từ tính ấy, vào trong tầm tâm thức của kẻ tìm kiếm.
Những năm sau này, tôi đã viết bài thơ sau, “Samadhi”, khi cố gắng diễn đạt lại một thoáng nhìn về niềm vui từ nó:
Tan biến, những bức màn sáng tối,
Bốc hơi mọi hư ảo sầu đau,
Dong đi mọi bình minh hân hoan thoáng chốc,
Qua rồi ảo giác mịt mù.
Yêu, ghét, tật, lành, sống, chết
Những cái bóng huyễn hoặc ấy, trên bức màn nhị nguyên, tàn lụi.
Bão maya đã lặng
Nhờ đũa thần trực giác thâm sâu.
Hiện tại, quá khứ, vị lai, đâu còn cho ta nữa,
Mà ta, mãi hoài có mặt, cuốn phăng tất cả, cái ta khắp nơi.
Hành tinh, thiên cầu, bụi sao, trái đất,
Hỏa diệm phun trào đại hồng thủy ngày tận thế,
Lò nung sáng thế,
Băng hà x quang lặng thầm, lũ điện tử bừng bừng,
Tư tưởng nhân sinh, quá khứ, hiện tại, vị lai,
Từng lá cỏ, ta, nhân loại,
Từng hạt bụi vũ trụ,
Giận, tham, thiện, ác, cứu rỗi, khát thèm,
Ta nuốt vào, biến tất cả
Thành biển máu mênh mông Linh hồn ta.
Niềm vui âm ỉ, vẫn thổi bằng thiền định
Làm nhòa mắt lệ ta đây,
Bùng lên thành lửa diễm phúc trường tồn,
Thiêu rụi lệ ta, thân ta, toàn thể ta.
Ngài là ta, Ta là Ngài, Cái Biết, Kẻ Biết, Kẻ Được Biết, là Một!
Xúc động tịnh thanh, miên viễn, an lạc trường sinh, mới hoài.
Vượt quá hình dung chờ đợi, cực lạc samadhi!
Chẳng phải vô thức
Hay gây mê tâm thần chẳng thể tự ý quay về,
Mà Samadhi kéo dài cõi thức
Vượt quá biên cương xác phàm
Đến tận bờ vĩnh cửu
Nơi ta, Đại Dương Vũ trụ,
Nhìn tiểu ngã đang trôi trong Ta.
Nguyên tử rì rầm rung động đã nghe,
Trái đất, núi đồi, thung lũng tối, lạ chưa! nước chan hòa!
Biển đang trôi thành hư ảo tinh vân!
Aum thổi vào hư ảo, vén màn ra thật diệu kỳ,
Đại dương phô bày, sáng ngời điện tử,
Cho đến khi, theo tiếng trống hoàn vũ sau cùng[128],
Ánh sáng thô biến vào tia trường cửu
Của diễm phúc chan hòa vạn vật.
Từ niềm vui ta đến, vì niềm vui ta sống, trong niềm vui thiêng liêng ta tan.
Biển tâm thức, ta uống mọi sóng cồn sáng thế.
Bốn bức màn rắn, lỏng, hơi, ánh sáng, Vén lên ngay.
Ta, trong vạn vật, bước vào Đại Ngã.
Mãi đã xa: những cái bóng chập chờn, biến ảo ký ức người;
Mịn màng bầu trời tâm thức ta - dưới, trước, và trên cao;
Vĩnh cửu và ta, một tia hợp nhất.
Một bọt tiếng cười bé xíu
Ta đã trở thành chính Biển Vui.
Sri Yukteswar đã dạy tôi cách tùy ý mời chứng nghiệm cao vợi, và cả cách truyền nó qua cho kẻ khác[129] khi kênh trực giác của họ đã khai mở.
Nhiều tháng trời, sau lần đầu tiên ấy, tôi bước vào trạng thái hợp nhất ngất ngây, mỗi ngày hiểu ra tại sao Upanishad nói rằng Thượng đế là rasa, “cái hấp dẫn nhất”. Tuy vậy, một buổi sáng tôi đem một vấn đề đến hỏi thầy.
“Con muốn biết, thưa thầy - khi nào thì con tìm thấy Thượng đế?”
“Con đã tìm thấy Ngài rồi.”
“Ồ, không phải, thưa thầy, con không cho là vậy!”
Sư phụ tôi mỉm cười. “Ta chắc rằng con không trông chờ thấy một nhân vật quan trọng khả kính, làm đẹp cho một cái ngai ở một góc vô trùng nào đó trong vũ trụ chứ! Tuy nhiên, ta hiểu con hình dung rằng thủ đắc các phép thần thông là bằng chứng ta đã tìm thấy Thượng đế. Không đâu. Ta có thể có cái quyền năng kiểm soát cả vũ trụ - vậy nhưng Thượng đế thì vẫn khó tìm. Tiến bộ tâm linh không phải được đo bằng sự phô diễn ra bên ngoài các quyền năng của ta, mà chỉ bằng chiều sâu niềm cực lạc của ta trong thiền định mà thôi.
“Thượng đế là Niềm vui Luôn Mới. Ngài không bao giờ cạn; khi con tiếp tục thiền trong nhiều năm, Ngài sẽ giải khuây cho con bằng những xảo diệu vô cùng. Các tín đồ như con, kẻ đã tìm thấy con đường đến với Thượng đế, sẽ không bao giờ tơ tưởng đến chuyện đổi Ngài lấy bất kỳ thứ hạnh phúc nào khác; Ngài quyến rũ vượt quá ý định tranh đua.
“Chúng ta mới chóng chán những lạc thú trần gian làm sao!
Những mong cầu vật chất là bất tận; con người không mãn nguyện hoàn toàn, mà đuổi theo hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. ‘Cái gì đó khác nữa’ mà y mưu cầu là Thượng đế, chỉ mình Ngài mới có thể ban cho niềm vui bất diệt.
“Những khát khao ngoại giới xô đẩy chúng ta xa lìa Địa Đàng nội tâm; chúng mời mọc những lạc thú giả tạo chỉ nhại theo hạnh phúc của linh hồn. Thiên đường đã mất sẽ sớm tìm thấy lại nhờ thiền định thiêng liêng. Vì Thượng đế là cái Luôn Mới khôn lường, chúng ta không bao giờ chán Ngài. Ta có thể nào chán cực lạc, biến ảo thật hấp dẫn khắp vĩnh hằng?”
“Giờ con đã hiểu, thưa thầy, tại sao các thánh gọi Thượng đế là khôn dò. Ngay cả sự sống bất tử thì cũng không thể đủ để ca tụng Ngài.”
“Điều đó đúng; nhưng Ngài còn gần gũi và thân thương nữa.
Khi tâm đã được Kriya Yoga dọn sạch mọi chướng ngại giác quan rồi, thiền sẽ cho một bằng chứng hai mặt về Thượng đế. Niềm vui luôn mới là bằng chứng về sự hiện hữu của Ngài, thuyết phục đến tận từng nguyên tử trong ta. Còn nữa, trong thiền ta tìm thấy sự dẫn dắt tức thì của Ngài, lời đáp thỏa đáng từ Ngài cho mọi khó khăn.”
“Con hiểu rồi, thưa sư phụ; thầy đã giải điều khúc mắc của con.” Tôi mỉm cười biết ơn. “Giờ thì con nhận ra là con đã tìm thấy Thượng đế, vì mỗi khi niềm vui thiền định trở về một cách vô thức giữa lúc làm lụng, con đã được dẫn dắt một cách vi diệu để tiếp nhận đường lối đúng trong mọi chuyện, ngay cả những chuyện nhỏ nhặt.”
“Đời người cứ trĩu nặng phiền não cho đến khi ta biết cách hòa điệu với Thiên Ý, ‘đường lối đúng’ của Ngài thường khó hiểu đối với trí thông minh chấp ngã,” thầy nói.
“Chỉ mình Thượng đế là cho lời khuyên không sai lạc; còn ai khác ngoài Ngài mang cái gánh vũ trụ?”
* * *
Chú thích:
[125] Ánh sáng như bản chất của sáng tạo được giải thích trong chương 30.
[126] “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” Tin Mừng theo thánh Gioan 1:1.
[127] “Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử.” Tin Mừng theo thánh Gioan 5:22. “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.” - Tin Mừng theo thánh Gioan 1:18. “Thiên Chúa là Ðấng tạo thành vạn vật” Thư gửi tín hữu Êphêxô 3:. 9“Ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn lao hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.” - Tin Mừng theo thánh Gioan 14:12. “Ðấng Bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” - Tin Mừng theo thánh Gioan 14:26. Những lời này trong Kinh Thánh muốn nói đến bản chất ba ngôi của Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần (Sat, Tat, Aum trong kinh Ấn Độ giáo). Thiên Chúa Chúa Cha là Tuyệt đối, Không Thị hiện, tồn tại vượt trên sáng tạo rung động. Con của Chúa Cha là Tâm thức Chúa (Brahma hay Kutastha Chaitanya) tồn tại bên trong sáng tạo rung động; Tâm thức Chúa là “Con Một” hay phản chiếu duy nhất của Vô tận Vô thủy Vô chung. Biểu thị bên ngoài của Tâm thức Chúa hiện diện khắp nơi, “chứng nhân” của nó (Sách Khải huyền 3:14) là Aum, Ngôi Lời hay Thánh Thần: thần lực vô hình, kẻ tạo tác duy nhất, lực tạo tác và lực khởi động duy nhất, duy trì toàn thể thế giới được sáng tạo bằng rung động. Aum là Ðấng Bảo trợ cực lạc, nghe thấy được trong thiền định và soi rạng cho tín đồ thấy Chân lý tối hậu, làm cho “các ngươi nhớ... mọi điều”.
[128] Aum, rung động sáng tạo ngoại hiện toàn bộ sáng tạo.
[129] Tôi đã truyền Linh ảnh Vũ trụ cho một số yogi huân tập Kriya Yoga ở phương Đông và phương Tây. Một trong số họ, ông James J. Lynn, được chụp trong trạng thái samadhi ở hình trang 310.