Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 15
CHƯƠNG 15
Vụ trộm Súp lơ
“Thưa thầy, có một món quà cho thầy đây! Sáu bông súp lơ to này do con tự tay trồng; con đã theo dõi chúng lớn lên bằng sự chăm sóc dịu dàng của một người mẹ nâng niu con mình.” Tôi vung tay trịnh trọng trình giỏ rau ra.
“Cám ơn con!” Sri Yukteswar cười niềm nở cảm kích. “Hãy cất nó trong phòng con; mai ta sẽ cần đến nó để làm một bữa tối đặc biệt.”
Tôi vừa mới đến Puri[130] để ở lại nghỉ hè cùng sư phụ trong tịnh thất bên bờ biển của thầy. Được thầy và các đệ tử xây, tịnh thất hai tầng nhỏ vui mắt nhìn ra vịnh Bengal.
Sáng hôm sau tôi dậy sớm, sảng khoái nhờ những làn gió biển mặn và sức quyến rũ tĩnh lặng của ashram. Giọng sư phụ trầm bổng đang gọi; tôi nhìn mấy bông súp lơ yêu dấu rồi xếp chúng gọn gàng dưới giường.
“Lại đây, ta ra bãi biển nào.” Thầy đi trước; vài đệ tử trẻ và tôi thành nhóm tản mát theo sau. Sư phụ quan sát chúng tôi với chút chỉ trích nhẹ nhàng.
“Khi những anh em phương Tây của ta đi dạo, họ thường lấy làm tự hào mà đi thành nhóm. Nào, xin đi thành hai hàng; sánh bước nhịp nhàng với nhau.” Sri Yukteswar nhìn chúng tôi vâng lời; thầy cất tiếng hát: “Những chàng trai đi tới đi lui, thành hàng nhỏ hay hay.” Tôi không thể không ngưỡng mộ cái khoan thai khi thầy sánh kịp bước thoăn thoắt của các môn sinh trẻ.
“Dừng!” Mắt sư phụ nhìn vào mắt tôi. “Con có nhớ khóa cửa sau tịnh thất không đó?”
“Con chắc là có, thưa thầy.”
Sri Yukteswar im lặng ít phút, nụ cười cố nén trên môi.
“Không, con quên rồi,” cuối cùng thầy nói. “Trầm tư cõi trời không được là cái cớ cho sự bất cẩn nơi cõi trần. Con đã sao nhãng nhiệm vụ trông coi ashram; con phải bị phạt.”
Tôi tưởng thầy đang đùa thâm thúy thì thầy nói thêm: “Sáu bông súp lơ của con sẽ sớm chỉ còn lại năm thôi.”
Chúng tôi quay lại theo lệnh thầy và bước đều trở lui cho đến khi đã đến gần tịnh thất.
“Nghỉ một lát. Mukunda, nhìn qua khu nhà bên trái con; hãy quan sát con đường bên kia. Một người đàn ông nọ sẽ tới ngay; anh ta sẽ là phương tiện phạt con.”
Tôi giấu sự phật ý vì những câu nói khó hiểu này. Chẳng mấy chốc một nông dân xuất hiện trên đường; ông ta nhún nhảy kệch cỡm và khoa tay múa chân những cử chỉ vô nghĩa. Gần như sững người vì tò mò, tôi dán mắt vào cảnh tượng buồn cười. Khi người này đến được một điểm trên đường mà biến mất khỏi tầm nhìn của chúng tôi, Sri Yukteswar nói, “Giờ, anh ta sẽ quay lại.”
Người nông dân tức thì đổi hướng mà đi về phía sau ashram.
Băng qua một bãi cát, ông ta đi vào tòa nhà bằng cửa sau. Tôi đã chưa khóa cửa ashram, đúng như sư phụ nói. Người này chẳng mấy chốc ló ra, cầm một bông súp lơ quý giá của tôi. Giờ ông ta sải bước đường hoàng, đã được ban cho cái chân giá trị của vật sở hữu.
Cái tình huống trớ trêu đang diễn ra, mà tôi tuồng như trong vai một nạn nhân ngơ ngác, tôi không lúng túng đến độ không bực tức mà rượt theo kẻ trộm. Tôi chạy được nửa đường thì thầy gọi tôi lại. Thầy đang cười rung cả người.
“Người điên tội nghiệp đó đã ước ao có một bông súp lơ,” thầy vừa giải thích vừa cười ồ. “Ta đã nghĩ sẽ là một ý hay nếu y lấy được một trong mấy bông của con, được canh giữ kém như vậy!”
Tôi chạy nhanh về phòng, nơi tôi thấy rằng tên trộm, rõ ràng là một người chỉ chăm chắm vào rau thôi, đã bỏ lại không đụng đến nhẫn vàng, đồng hồ, và tiền bạc của tôi, nằm khơi khơi cả trên chăn. Thay vào đó y đã bò xuống dưới gậm giường, nơi có giỏ súp lơ, hoàn toàn khuất trước cái nhìn vô tình, nơi phơi bày đối tượng của nỗi khát khao một lòng một dạ của y.
Chiều hôm ấy tôi thỉnh Sri Yukteswar cắt nghĩa sự việc (cái mà tôi nghĩ có một số chi tiết khó hiểu).
Sư phụ tôi thong thả lắc đầu. “Một ngày nào đó con sẽ hiểu.
Khoa học sẽ sớm phát hiện ra một số quy luật còn ẩn giấu này.”
Vài năm sau, khi những kỳ công về rađiô bùng nổ trước sự kinh ngạc của cả thế giới thì tôi nhớ lại lời tiên tri của thầy. Những khái niệm bao đời về thời gian và không gian đã bị hủy bỏ; không nhà ai chật đến nỗi London hay Calcutta không thể vào được! Trí óc kém cỏi nhất cũng được mở mang trước cái bằng chứng không thể bác bỏ được cho thấy một khía cạnh về khả năng có mặt khắp nơi của con người.
Có thể hiểu rõ nhất “cốt truyện” trong hài kịch bông súp lơ bằng phép so sánh với vô tuyến (rađiô)[131]. Sư phụ tôi là một cái rađiô người toàn hảo. Tư tưởng chỉ là những rung động vô cùng vi tế chuyển động trong ête. Cũng như một cái rađiô điều chỉnh đúng thì sẽ bắt được cả bản nhạc mong muốn từ hàng ngàn chương trình khác từ mọi hướng, thì Sri Yukteswar cũng đã đón bắt một cách tinh nhạy một ý nghĩ thích đáng nào đó (ý nghĩ của người đàn ông dở người đã ước ao có một bông súp lơ), từ vô vàn ý nghĩ mà tâm trí nhân loại trên thế giới phát đi. Khi đang đi bộ ra bãi biển, thầy vừa biết được cái mong ước giản dị của ông nông dân ấy thì thầy đã sẵn lòng đáp ứng. Thần nhãn của Sri Yukteswar đã phát hiện thấy người đàn ông, nhún nhảy giữa đường, trước khi các đệ tử thấy rõ ông ta. Việc tôi quên khóa cửa ashram đã cho thầy một
cái cớ thuận tiện để tước mất của tôi một trong mấy bông súp lơ quý giá.
Sau khi hoạt động như một thiết bị thu như vậy rồi, Sri Yukteswar bèn hoạt động, bằng tâm lực, như một phát thanh viên hay thiết bị phát[132]. Trong vai trò đó thầy đã điều khiển được ông nông dân quay bước mà đến một căn phòng nọ lấy một bông súp lơ.
Trực giác là sự hướng dẫn của linh hồn, xuất hiện một cách tự nhiên ở người này vào những khoảnh khắc mà tâm y tĩnh lặng.
Gần như ai cũng đã trải qua cái “linh cảm” đúng không thể giải thích được hay đã truyền ý nghĩ của mình một cách chính xác đến một người khác.
Tâm trí người, không còn những quấy đảo hay “nhiễu” của tình trạng tán loạn bất an, có thể thực hiện mọi chức năng của những loại máy móc thu thanh tinh vi - phát cũng như thu những ý nghĩ và bỏ qua những ý nghĩ không mong muốn. Cũng như công suất của đài phát thanh được điều chỉnh bởi một lượng dòng điện, khả năng của máy thu thanh ở người cũng phụ thuộc vào mức độ tâm lực của từng người.
Mọi ý nghĩ đều rung động mãi mãi trong vũ trụ. Bằng sự định tâm sâu lắng, một bậc thầy có thể dò ra ý nghĩ của bất cứ ai, còn sống hay đã chết. Ý nghĩ bén rễ trong bình diện vũ trụ mà không phải trong cá nhân; một chân lý không thể được tạo ra mà chỉ được lĩnh hội. Bất kỳ ý nghĩ lan man nào của con người cũng là kết quả của một khiếm khuyết, ít hay nhiều, trong sự mẫn tuệ của y. Mục đích của pháp môn yoga là tĩnh tâm, để khi không có sự nhiễu loạn thì nó có thể nghe thấy lời khuyên không thể sai lệch từ Tiếng nói Nội tâm.
Truyền thanh và truyền hình đã mang âm thanh và hình ảnh tức thì của con người từ khắp mọi miền xa xôi đến với cuộc sống gia đình hàng triệu người: những gợi ý khoa học mờ nhạt đầu tiên cho thấy con người là linh hồn thâm nhập khắp nơi. Dù bản ngã bằng những cách man rợ nhất có rắp tâm biến con người thành nô lệ thì con người cũng không phải là một xác thân bị cầm tù ở một điểm trong không gian mà kỳ thực là linh hồn có mặt ở khắp nơi.
“Những hiện tượng, rất lạ lùng, rất tuyệt vời, dường như rất không thực, vậy mà vẫn có thể xuất hiện. Những điều mà một khi đã được chứng minh, sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên hơn lúc này, là lúc chúng ta đang ngạc nhiên vì tất cả những gì khoa học đã dạy chúng ta trong thế kỷ qua,” Charles Robert Richet[133], người nhận giải Nobel sinh lý học, đã tuyên bố. “Người ta cho rằng các hiện tượng hiện nay chúng ta đang công nhận mà chẳng hề ngạc nhiên không khiến chúng ta lấy làm lạ vì ta đã hiểu được. Nhưng không phải vậy. Nếu những hiện tượng ấy không làm chúng ta ngạc nhiên thì đó không phải là vì ta đã hiểu được, mà vì ta đã quen; bởi lẽ nếu cái ta chưa hiểu được phải làm chúng ta ngạc nhiên, thì chúng ta sẽ ngạc nhiên về mọi sự - đường rơi của hòn đá ném trên không, quả sồi lớn thành cây sồi, thủy ngân giãn nở khi bị đun nóng, sắt bị hút vào nam châm.
“Khoa học hôm nay không mấy quan trọng... Những chân lý lạ lùng mà con cháu chúng ta sẽ phát hiện ra thì ngay cả giờ đây cũng đang ở khắp quanh ta, nhìn vào mắt ta, ấy là nói vậy; vậy mà chúng ta vẫn không thấy. Nhưng nói rằng chúng ta không thấy chúng thì vẫn là chưa đủ; chúng ta không mong thấy chúng - vì ngay khi một sự kiện bất ngờ và không quen xuất hiện, chúng ta cố đưa nó vào cái khuôn khổ của những thứ cũ rích trong tri thức đã được chấp nhận, và phẫn nộ nếu có ai dám thử nghiệm xa hơn.”
Một sự trùng hợp khôi hài đã diễn ra vài ngày sau hôm tôi bị trộm mất bông súp lơ một cách khó tin. Một cái đèn dầu nọ đâu mất không tìm ra. Khi mới đây thôi đã được mục kích cái thấy toàn trí của sư phụ, tôi ngỡ thầy sẽ chứng tỏ rằng tìm ra cái đèn chỉ là trò trẻ con.
Thầy biết được sự trông đợi của tôi. Với vẻ nghiêm trọng thái quá thầy tra hỏi tất cả mọi người trong ashram. Một đệ tử trẻ thú nhận là đã dùng cây đèn để đi ra giếng ở sân sau.
Sri Yukteswar nghiêm nghị dạy: “Hãy ra tìm cây đèn ở gần giếng.”
Tôi vội đến đấy; không có cây đèn! Tiu nghỉu, tôi quay lại bên sư phụ. Giờ thầy đang cười thật lòng, chẳng lấy làm ái ngại thay cho sự vỡ mộng của tôi.
“Tệ quá, ta đã không chỉ được cho con cây đèn mất chỗ nào; ta đâu phải thầy bói!” Mắt long lanh, thầy nói thêm, “Ta thậm chí còn không phải là một Sherlock Holmes xứng đáng nữa kìa!”
Tôi hiểu ra là thầy sẽ không bao giờ phô bày các khả năng của mình khi bị thách thức, hay vì một chuyện cỏn con.
Nhiều tuần vui vẻ trôi nhanh. Sri Yukteswar đang thu xếp một đám rước tôn giáo. Thầy bảo tôi dẫn đầu đoàn đệ tử đi qua thị trấn và bãi biển ở Puri. Ngày lễ (hạ chí) bắt đầu với cái nắng thiêu đốt.
“Thưa sư phụ, làm sao con dẫn đám môn sinh chân đất đi qua cát bỏng được đây?” tôi thất vọng hỏi.
“Để ta tiết lộ cho con một bí mật,” thầy nói. “Thượng đế sẽ gửi cho một đám mây làm ô; tất cả các con sẽ được thoải mái mà đi.”
Tôi vui vẻ lo tổ chức đám rước; nhóm chúng tôi khởi hành từ ashram với cờ hiệu Satsanga[134]. Do Sri Yukteswar vẽ, nó mang biểu tượng độc nhãn[135], cái thấy xa của trực giác.
Chúng tôi vừa rời tịnh thất thì bầu trời bắt đầu giăng kín mây như thể có phép lạ. Trước dàn hợp xướng của những tiếng ôi, a kinh ngạc từ mọi người xem, một cơn mưa rào nhẹ trút xuống, tưới mát những con đường trong thành phố và bờ biển nóng hừng hực.
Những giọt nước mưa dễ chịu lất phất suốt hai giờ có đám rước. Vừa khi nhóm chúng tôi quay lại ashram thì mây và mưa tan mất.
“Con đã thấy Thượng đế cảm thông với chúng ta ra sao rồi,” thầy đáp sau khi tôi bày tỏ lòng biết ơn. “Thượng đế đáp lại tất cả và làm cho tất cả. Như Ngài đã gửi mưa xuống theo lời cầu xin của ta, Ngài cũng sẽ đáp lại bất kỳ nguyện ước chân thành nào của tín đồ. Con người hiếm khi nhận ra Thượng đế thường lưu tâm đến lời cầu nguyện của anh ta biết chừng nào. Ngài không thiên vị một số ít người mà lắng nghe tất cả những ai đầy tin tưởng đến với Ngài. Con cái Ngài luôn phải có niềm tin tuyệt đối vào lòng từ bi của Cha Vô Biên[136].”
Sri Yukteswar bảo trợ cho bốn ngày lễ hằng năm, các ngày xuân phân, thu phân, đông chí, hạ chí; lúc mà môn sinh của thầy xa gần tề tựu về. Lễ ăn mừng đông chí được tổ chức ở Serampore; lễ đầu tiên tôi dự đã để lại cho tôi một ân huệ ngàn đời.
Các lễ hội bắt đầu vào buổi sáng khi một đám rước chân đất đi dọc khắp đường. Giọng hàng trăm đệ tử ngân lên những bài ca tôn giáo du dương; một vài nhạc công chơi sáo và khol kartal (trống và chũm chọe). Dân thị trấn hăng hái rắc hoa lên lối đi, mừng được kéo ra khỏi phận sự buồn tẻ bởi tiếng tán thán tên thiêng Thượng đế vang dậy của chúng tôi. Vòng rước dài về đích trong sân tịnh thất. Ở đó chúng tôi ngồi vòng tròn quanh sư phụ trong khi các môn sinh trên mấy ban công tầng trên rắc hoa cúc vạn thọ xuống chúng tôi.
Nhiều khách lên gác để nhận bánh channa và cam. Tôi lại chỗ một nhóm đồng môn hôm nay làm đầu bếp. Thức ăn cho những buổi họp mặt lớn như vậy phải được nấu ngoài trời trong những cái vạc to lớn. Mấy cái lò gạch dựng tạm đun bằng củi, bốc khói cay sè mắt, thế nhưng chúng tôi vẫn vừa làm vừa cười vui vẻ. Các lễ hội tôn giáo ở Ấn Độ không bao giờ bị xem là mệt nhọc; tín đồ nào cũng vui vẻ chia phần, cúng dường tiền bạc, hay rau gạo, hay đích thân làm công quả.
Lát sau, thầy đã đứng trong đám chúng tôi, kiểm lại các thứ cho buổi thết đãi. Bận tíu tít suốt nhưng thầy vẫn theo kịp cả môn sinh trẻ năng nổ nhất.
Một sankirtan (hát nhóm), đệm bằng đàn đạp hơi và trống vỗ bằng tay của Ấn Độ, đang được hát trên tầng hai. Sri Yukteswar lắng nghe thích thú; cảm nhận âm nhạc của thầy tinh tế tuyệt vời.
“Họ lỗi nhịp rồi!” Thầy bỏ mấy đầu bếp đó mà nhập bọn với các nhạc công. Giai điệu lại cất lên, lần này phát ra chuẩn xác.
Sama Veda có những bài viết về khoa âm nhạc sớm nhất thế giới. Ở Ấn Độ, âm nhạc, hội họa, và kịch nghệ được xem là nghệ thuật thiêng liêng. Brahma, Vishnu, và Shiva, Ba Ngôi Vĩnh cửu, là những nhạc công đầu tiên. Shiva trong diện mạo Nataraja, Vũ công Vũ trụ, theo như kinh mô tả, đã sáng tạo ra các điệu thức vô tận trong quá trình sáng tạo, bảo tồn, và hủy diệt vũ trụ, còn Brahma và Vishnu thì đánh nhịp: Brahma đánh chũm chọe còn Vishnu vỗ mridanga hay trống thiêng.
Saraswati, nữ thần minh triết, được tượng trưng là chơi vina, mẹ của mọi loại nhạc cụ dây. Krishna, một hóa thân của Vishnu thể hiện trong nghệ thuật Ấn Độ, cầm một ống sáo chơi bản nhạc mê ly gọi những linh hồn người lang thang trong ảo ảnh maya trở về mái nhà đích thực của mình.
Nền tảng của âm nhạc Ấn Độ là các raga hay các gam giai điệu cố định. Sáu raga căn bản chia ra thành 126 ragini (vợ) và putra (con trai) phái sinh. Mỗi raga có tối thiểu năm nốt nhạc: một nốt chính (vadi hay vua), một nốt thứ (samavadi hay tể tướng), các nốt bổ trợ (anuvadi, người hầu), và một nốt nghịch (vivadi, địch).
Mỗi một raga trong sáu raga cơ bản có một sự đối ứng tự nhiên với một giờ nhất định trong ngày, mùa trong năm, và một vị thần cai quản ban cho một uy lực riêng biệt. Theo đó, (1) Hindole Raga chỉ được nghe vào mùa xuân lúc bình minh, để gợi lên tâm trạng yêu vũ trụ; (2) Deepaka Raga được chơi vào buổi chiều hè, để khơi gợi lòng từ bi; (3) Megha Raga là một giai điệu dành cho buổi trưa mùa mưa, để kêu gọi lòng can đảm; (4) Bhairava Raga được chơi vào buổi sáng tháng 8, tháng 9, tháng 10, để có được sự thanh bình; (5) Sri Raga dành cho buổi hoàng hôn mùa thu, để đạt được tình yêu thuần khiết (6) Malkounsa Raga được nghe lúc nửa đêm mùa đông, để có lòng dũng cảm.
Các rishi xưa đã phát hiện ra các quy luật liên kết âm thanh giữa thiên nhiên và con người này. Vì thiên nhiên là một sự khách thể hóa của Aum, Âm thanh Nguyên thủy hay Nguyên ngôn Rung động, con người có thể đạt được sự làm chủ mọi biểu hiện của thiên nhiên bằng cách sử dụng những mantra hay bài niệm nhất định[137]. Các sử liệu kể về các khả năng lạ thường mà Miyan Tan Sen, một nhạc công thế kỷ mười sáu của triều đình Akbar Đại đế, có được. Khi được hoàng đế lệnh cho chơi raga dành cho ban đêm trong khi mặt trời ở trên đầu, Tan Sen niệm một mantra, tức thì khiến cả vùng quanh cung điện chìm trong bóng đêm.
Âm nhạc Ấn Độ chia quãng tám thành hai mươi hai sruti hay bán nửa cung. Các quãng nhỏ hơn nửa cung này giúp đạt được những sắc thái tinh tế trong biểu đạt âm nhạc mà âm giai bán cung gồm mười hai nửa cung phương Tây không thể đạt được. Mỗi nốt trong bảy nốt cơ bản của quãng tám trong thần thoại Ấn Độ được liên tưởng đến một màu, và tiếng kêu tự nhiên của một loài chim hay thú dữ - Đô là với màu xanh lá, và con công; Rê với màu đỏ, và chim chiền chiện; Mi với màu vàng nhũ, và con dê; Fa với màu trắng vàng, và con diệc; Sol với màu đen, và họa mi; La với vàng, và ngựa; Si với phối hợp của tất cả các màu, và voi.
Âm nhạc Ấn Độ phác thảo ra bảy mươi hai thata hay thang âm. Nhạc công có phạm vi sáng tạo những ứng tấu bất tận xoay quanh giai điệu cổ truyền cố định hay raga; anh ta sẽ tập trung vào tình cảm hay tâm trạng nhất định của chủ đề cấu trúc rồi biến hóa tới cùng khả năng sáng tạo riêng của mình. Nhạc công Ấn Độ không đọc nốt cố định; mỗi lần chơi anh ta sẽ khoác cho bộ xương raga trần trụi tấm áo mới mà thường vẫn chỉ tự giới hạn vào một chuỗi giai điệu duy nhất, nhấn bằng cách lặp lại mọi biến tấu nhịp và vi cung tinh tế của nó.
Trong số các nhà soạn nhạc Tây phương, Bach đã hiểu được rằng sự quyến rũ và sức mạnh của âm thanh lặp đi lặp lại có chút sai khác theo hàng trăm cách phức tạp.
Văn chương Phạn mô tả 120 tala hay nhịp. Người ta nói rằng người sáng lập truyền thống của âm nhạc Ấn Độ, Bharata, đã phân tách ra được ba mươi hai loại tala trong tiếng hót của chim sơn ca.
Tala hay nhịp bắt nguồn từ những động tác của người - nhịp đôi của bước đi, nhịp ba của hô hấp khi ngủ, hít vào thì bằng hai lần khoảng thời gian thở ra.
Ấn Độ từ lâu đã nhận ra giọng người là một khí cụ âm thanh toàn hảo nhất. Âm nhạc Ấn Độ, do vậy, phần lớn chỉ tự giới hạn trong âm vực của ba quãng tám. Cũng vì lý do đó, giai điệu (mối tương quan giữa các nốt kế tiếp nhau) được nhấn mạnh hơn là hợp âm (mối tương quan giữa các nốt đồng thời).
Âm nhạc Ấn Độ là nghệ thuật mang tính chủ quan, tâm linh, và cá thể, không nhắm đến cái rực rỡ giao hưởng mà đến sự hòa hợp cá nhân với Linh hồn Tối cao. Hết thảy những bài hát nổi tiếng của Ấn Độ đều do các tín đồ của Thiêng Liêng sáng tác. Từ tiếng Phạn để chỉ “nhạc công” là bhagavathar, “kẻ hát tán thán Thượng đế”.
Sankirtan hay các buổi nhóm họp diễn nhạc là một hình thức yoga hay kỷ luật tâm linh hiệu quả, đòi hỏi sự tập trung cao, tập trung vào ý nghĩ chủng tử và âm thanh. Vì bản thân con người là một biểu hiện của Nguyên ngôn Sáng tạo, âm thanh tác động lên con người một ảnh hưởng mạnh mẽ và tức thì. Âm nhạc tôn giáo cao quý của Đông và Tây ban cho con người niềm vui vì nó tạo ra sự thức tỉnh rung động tạm thời ở một trong những trung khu huyền bí nơi cột sống[138]. Trong những khoảnh khắc lạc phúc đó, một ký ức lờ mờ về nguồn gốc thiêng liêng của con người sẽ đến với anh ta.
Sankirtan vọng ra từ phòng khách của Sri Yukteswar ở tầng hai vào ngày lễ hội làm các đầu bếp phấn chấn giữa những nồi niêu nghi ngút. Các đồng môn và tôi vui vẻ hát các điệp khúc, đưa tay đánh nhịp.
Đến lúc mặt trời lặn thì chúng tôi đã dọn xong cho hàng trăm khách các món khichuri (cơm và hạt đậu lăng), cà ri rau, và bánh gạo. Chúng tôi trải khăn vải ra giữa sân trong; chẳng mấy chốc các nhóm đã ngồi xổm dưới trời sao, lặng im chăm chú vào minh triết tuôn tràn từ miệng Sri Yukteswar. Các bài nói trước đám đông của thầy nhấn mạnh giá trị của Kriya Yoga, và một đời sống tự trọng, điềm tĩnh, quyết tâm, chế độ ăn thanh đạm, và luyện tập thường xuyên.
Rồi một nhóm đệ tử còn rất trẻ hát một vài tụng ca; buổi họp mặt kết thúc bằng một sankirtan nhiệt thành. Từ mười giờ đến nửa đêm, những người trong ashram rửa nồi, chảo và dọn sân. Sư phụ gọi tôi lại bên cạnh.
“Ta hài lòng về công việc nặng nhọc con vui vẻ làm hôm nay và trong tuần sửa soạn vừa qua. Ta muốn con bên ta; tối nay con có thể ngủ trong giường ta.”
Đây là một ơn huệ tôi chưa từng nghĩ mình sẽ có được. Chúng tôi ngồi một lát trong trạng thái thanh tịnh thiêng liêng vô cùng.
Đặt lưng xuống ngủ được chừng mười phút thì thầy trở dậy rồi thay đồ.
“Có chuyện gì vậy, thưa thầy?” Niềm vui được ngủ bên sư phụ bỗng đâu nhuốm màu hư ảo.
“Ta nghĩ mấy môn sinh bị nhỡ chuyến tàu chuyển tiếp sẽ đến đây ngay thôi. Ta hãy lo sẵn ít thức ăn.”
“Thưa sư phụ, chẳng ai lại có thể đến vào một giờ khuya!”
“Cứ nằm lại trong giường; con đã làm vất vả rồi. Còn ta sẽ đi nấu nướng.”
Trước giọng điệu quả quyết của Sri Yukteswar, tôi nhổm dậy rồi theo thầy vào cái bếp nhỏ dùng hàng ngày thông với ban công phía trong ở tầng hai. Cơm và dal chẳng mấy chốc đang sôi.
Sư phụ mỉm cười trìu mến. “Tối nay con đã thắng được mệt mỏi và tính ngại khó; sau này con sẽ không bao giờ bị mấy thứ đó làm phiền nữa.”
Khi thầy nói những lời ban phúc suốt đời này thì có tiếng bước chân trong sân. Tôi chạy xuống gác và đón vào một tốp mấy môn sinh.
“Anh thân mến,” một người nói, “chúng tôi quả là rất miễn cưỡng phải quấy rầy thầy vào giờ này! Chúng tôi có nhầm lẫn về lịch tàu, nhưng cảm thấy là mình không thể về nhà mà không được thoáng nhìn sư phụ.”
“Thầy đang đợi các anh và thậm chí còn đang lo bữa ăn cho các anh đó.”
Giọng Sri Yukteswar vang lên chào đón; tôi dẫn những vị khách ngỡ ngàng vào bếp. Thầy quay qua tôi, mắt long lanh.
“Giờ khi các con đã trao đổi đôi câu rồi, chắc chắc con đã chịu rằng khách của ta quả đã lỡ tàu!”
Nửa giờ sau tôi theo thầy vào phòng ngủ, hân hoan chờ đợi vinh dự được ngủ bên một sư phụ thần thánh.
* * *
Chú thích:
[130] Puri, chừng 310 dặm (gần 500km) về phía nam Calcutta, là một thành phố hành hương nổi tiếng của các tín đồ thờ Krishna; việc thờ phụng ngài được kỷ niệm ở đây với hai lễ hội lớn hàng năm, Snanayatra và Rathayatra.
[131] Một kính hiển vi vô tuyến được chế tạo vào năm 1939 đã cho thấy một thế giới mới lạ gồm các tia cho đến nay vẫn còn chưa rõ. “Bản thân con người cũng như mọi loại vật chất được xem là có tính trơ, liên tục phát ra các tia mà thiết bị này ‘thấy’ được,” Associated Press bình luận. “Những ai tin vào ngoại cảm, linh cảm, và thần nhãn sẽ có bằng chứng khoa học đầu tiên trong tuyên bố này về sự tồn tại của các tia vô hình thực sự đi từ người này sang người khác. Thiết bị vô tuyến này thực ra là một kính quang phổ tần số vô tuyến. Nó cũng thấy, như kính quang phổ thấy, vật chất lạnh, không phát sáng khi nó phát hiện các loại nguyên tử tạo nên các ngôi sao... Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã nghi ngờ sự tồn tại của các tia như vậy phát ra từ người và mọi sinh thể Hôm nay đã có bằng chứng thực nghiệm đầu tiên cho sự tồn tại của chúng. Khám phá này cho thấy rằng mọi nguyên tử và mọi phân tử thực chất là một đài phát vô tuyến liên tục. Do vậy mà ngay cả sau khi chết, thực thể đã từng là một người vẫn sẽ tiếp tục phát ra các tia khó nhận thấy. Bước sóng của các tia này trải ra từ ngắn hơn bất cứ loại sóng nào hiện được dùng trong phát thanh cho đến loại sóng vô tuyến dài nhất. Mớ bòng bong các sóng này hầu như không thể hình dung nổi. Có hàng triệu triệu sóng như vậy. Một phân tử rất lớn không thôi cũng có thể phát ra 1.000.000 bước sóng khác nhau cùng một lúc. Các bước sóng dài hơn loại này di chuyển với sự dễ dàng và tốc độ của sóng vô tuyến... Có một sự khác biệt đáng ngạc nhiên giữa các tia vô tuyến mới và các tia đã quen thuộc như ánh sáng. Khoảng thời gian mà các sóng vô tuyến này tiếp tục phát ra từ vật chất không bị nhiễu là một thời gian kéo dài, lên đến hàng ngàn năm.”
[132] Xem chú thích ở trang 332.
[133] Tác giả của Our Sixth Sense (Giác quan thứ sáu của chúng ta) (London: Rider & Co.).
[134] Sat nghĩa đen là “thực hữu”, do đó là “bản chất, chân lý, thực tại”; sanga là “hội”. Sri Yukteswar gọi tịnh thất của mình là hội Satsanga, “hội chân lý”.
[135] “Vậy nếu mắt sáng thì toàn thân anh sẽ sáng.” - Tin Mừng theo thánh Matthêu 6:22. Trong trạng thái thiền cao, độc nhãn hay tuệ nhãn trở nên rõ rệt ở giữa trán. Con mắt toàn trí này được kinh thư gọi bằng nhiều tên khác nhau như con mắt thứ ba, ngôi sao phương Đông, con mắt bên trong, bồ câu từ trời, mắt Shiva, mắt trực giác, vân vân...
[136] “Ðấng từng gắn đôi tai há lại không nghe được? Ðấng nặn thành cặp mắt chẳng lẽ không thấy gì?... Ðấng dạy dỗ con người mà chẳng biết gì sao?” - Sách Thánh vịnh 94:9-10.
[137] Văn hóa dân gian của mọi dân tộc đều có đề cập đến các câu thần chú có quyền năng đối với Thiên nhiên. Người đa đỏ ở Bắc Mỹ đã phát triển các nghi lễ âm thanh có hiệu lực cầu mưa và gió. Tan Sen, nhạc công vĩ đại của Ấn Độ, đã có thể dập tắt lửa bằng uy lực trong bài hát của mình. Năm 1926, Charles Kellog, nhà tự nhiên học California, đã minh họa tác động của rung động âm thanh đối với lửa trước một nhóm lính cứu hỏa ở New York. “Đưa một cái cung, như một cây vĩ violon lớn, thật nhanh qua một cái âm thoa bằng nhôm, ông tạo ra một tiếng kít như tiếng nhiễu sóng vô tuyến mạnh. Tức thì ngọn lửa gas vàng, cao hơn nửa thước, phụt vào một ống thủy tinh rỗng, nhỏ lại còn 15 cm rồi thành một ánh lóe xanh lập lòe. Thử lại với cây cung, một tiếng kít rung động nữa, dập tắt ngọn lửa.”
[138] Đánh thức các trung khu não tủy huyền bí (chakra, hoa sen trời) là mục tiêu thiêng liêng của yogi. Các nhà chú giải Kinh thánh phương Tây đã không hiểu rằng Sách Khải huyền trong Tân Ước chứa đựng phần trình bày mang tính biểu tượng về pháp môn yoga, được Chúa Jesus dạy cho John (Gioan) và các môn đệ thân tín khác. John nhắc đến (Sách Khải huyền 1:20) “ý nghĩa mầu nhiệm của bảy ngôi sao” và “bảy cây đèn vàng”; những biểu tượng này nói đến bảy hoa sen ánh sáng, được mô tả trong các luận thuyết về yoga là bảy “cửa sập” trên trục não tủy. Qua những “lối ra” được sắp xếp một cách thiêng liêng này, yogi, bằng thiền định có tính khoa học, thoát khỏi nhà tù thể xác và lấy lại chân ngã của y là Tinh thần (xem chương 26). Trung khu thứ bảy, “hoa sen ngàn cánh” trong não, là cái ngai của Tâm thức Vô tận. Trong trạng thái giác ngộ thiêng liêng, người ta nói yogi thấy Brahma hay Thượng đế Đấng Sáng tạo là Padmaja, “Đấng sinh ra từ hoa sen”. “Tư thế hoa sen” được gọi như vậy vì ở tư thế truyền thống này, yogi sẽ thấy các hoa sen muôn màu khác nhau (padma) là các trung khu não tủy. Mỗi hoa sen có một số lượng đặc trưng cánh hoa hay tia gồm các prana (sinh lực). Padma còn được gọi là chakra hay luân xa. Tư thế hoa sen (padmasana) giữ cho cột sống thẳng và khóa cơ thể an toàn không có nguy cơ bị ngã ngửa hay đổ tới trước, trong trạng thái nhập định (sabikalpa samadhi), vì vậy mà là tư thế thiền được các yogi ưa chuộng. Tuy nhiên, padmasana có thể đặt ra một số trở ngại cho người nhập môn, và không nên thử mà không có sự hướng dẫn của một người tinh thông Hatha Yoga.