Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 16

CHƯƠNG 16

Đánh lừa Tinh Tú

“Mukunda, sao con không kiếm một chiếc vòng chiêm tinh mà đeo?”

“Con cần làm vậy sao, thưa thầy? Con không tin vào chiêm tinh.”

“Đó không phải là chuyện tin; thái độ khoa học người ta cần để tiếp thu bất kỳ đề tài nào là liệu nó có đúng hay không mà thôi.

Định luật vạn vật hấp dẫn vẫn vận hành hiệu quả trước cũng như sau Newton. Vũ trụ sẽ khá là hỗn loạn nếu các quy luật của nó không thể vận hành mà không được niềm tin của con người chấp nhận.

“Bọn bịp bợm đã khiến cho khoa chiêm tinh xưa chịu tiếng xấu ngày nay. Thuật chiêm tinh quá ư mênh mông, cả về mặt toán học[139] lẫn triết học, không thể được hiểu đúng trừ khi là bởi những người có hiểu biết uyên thâm. Nếu những kẻ dốt nát hiểu sai càn khôn, và thấy ở đó một nét nguệch ngoạc thay vì một chữ viết thì đó là điều hoàn toàn bình thường trên cõi đời bất toàn này. Ta không nên gạt bỏ minh triết bằng sự “sáng suốt”.

“Mỗi phần trong sáng tạo đều gắn liền với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Cái nhịp cân bằng của vũ trụ bén rễ trong tính hỗ tương,” sư phụ nói tiếp. “Con người, trên bình diện người của mình, phải đối đầu với hai tập hợp thế lực - thứ nhất, những xáo trộn bên trong con người hắn, do kết hợp các nguyên tố đất, nước, lửa, không khí và ête; thứ hai, các lực phân hủy của thiên nhiên bên ngoài. Chừng nào con người còn vật lộn với cái chết tất yếu của hắn thì hắn còn phải chịu ảnh hưởng bởi vô số biến dịch trong càn khôn.

“Chiêm tinh học là khoa học nghiên cứu về sự phản ứng của con người trước các kích thích của hành tinh. Các ngôi sao không có ý thức nhân từ hay thù oán; chúng chỉ phát ra những bức xạ tốt hay xấu. Tự chúng, những bức xạ này không giúp hay hại loài người, mà đem lại một kênh hợp lệ cho sự vận hành ra bên ngoài những cân bằng nhân-quả mà mỗi người đã khởi động trong quá khứ.

“Một đứa bé chào đời vào ngày đó giờ đó khi các tia trời khớp một cách chuẩn xác với biệt nghiệp của nó. Tử vi của nó là một bức truyền thần thách đố, hé lộ quá khứ không thể thay đổi được của nó và những kết quả tương lai có thể. Nhưng lá số tử vi chỉ có thể được giải đúng bởi những người có cái biết bằng trực giác: những người này thì rất hiếm.

“Cái thông điệp được mạnh bạo loan truyền đi khắp các tầng trời vào giờ sinh không nhằm nhấn mạnh số mệnh - quả của thiện và ác trong quá khứ - mà là để kích bẩy ý chí con người thoát khỏi cái thân phận nô lệ vào vũ trụ của mình. Cái anh ta đã làm, anh ta có thể sửa lại. Không ai khác ngoài anh ta là kẻ đã tạo nên nhân của bất kỳ quả nào mà giờ đây đời anh ta thường thấy. Anh ta có thể vượt qua bất kỳ hạn chế nào vì ban đầu anh ta đã tạo ra những hạn chế đó bằng chính hành động của mình và bởi anh ta có các nguồn lực tâm linh không lệ thuộc vào áp lực của hành tinh.

“Sự kính sợ mê tín đối với chiêm tinh học biến thiên hạ thành máy, lệ thuộc mù quáng vào sự hướng dẫn máy móc. Kẻ trí đánh bại các sao của mình - tức là, quá khứ của anh ta - bằng cách chuyển lòng trung thành của anh ta đối với sáng tạo tới Đấng Sáng tạo. Anh ta càng nhận ra tính nhất thể của mình với Tinh thần thì hắn càng ít bị vật chất khống chế. Linh hồn vẫn luôn tự tại; nó là bất diệt vì bất sinh. Nó không thể bị các vì sao đưa vào khuôn phép được.

“Con người là một linh hồn, và có một xác thân. Khi con người nhớ lại đúng cảm thức về thể tính của mình, anh ta sẽ bỏ lại đằng sau mọi mô thức bó buộc. Chừng nào mà anh ta còn mơ hồ trong trạng thái chứng quên tâm linh thường tình của mình thì anh ta còn phải thấy những xiềng xích vi tế của định luật môi trường.

“Thượng đế là Hài hòa; tín đồ nào đã hòa điệu được mình thì sẽ không bao giờ có hành động sai trái nào. Những hành động của anh ta sẽ được sắp đặt thời gian một cách đúng đắn và tự nhiên cho phù hợp với quy luật chiêm tinh. Sau khi đắm trong cầu nguyện và thiền định, anh ta sẽ gặp gỡ tâm thức thiêng liêng của mình; không có sức mạnh nào lớn hơn sự che chở nội tâm đó.”

“Thế thì, thầy yêu quý, tại sao thầy lại muốn con đeo vòng chiêm tinh?” Tôi đánh bạo hỏi câu này sau một hồi lâu im lặng; tôi đã cố hiểu giảng giải cao siêu của Sri Yukteswar, chứa đựng những tư tưởng quá ư mới mẻ đối với tôi.

“Chỉ khi nào lữ khách đến được đích của mình rồi thì anh ta mới có lý do chính đáng để vứt bỏ họa đồ. Trong cuộc hành trình, anh ta sẽ lợi dụng bất kỳ đường tắt tiện lợi nào. Các rishi xưa đã phát hiện ra nhiều cách để rút ngắn giai đoạn lưu đày của con người trong ảo vọng. Một số đặc điểm cơ học trong luật nhân quả có thể được ngón tay minh triết điều chỉnh khéo léo.

“Mọi bệnh tật của con người đều khởi phát từ một sự vi phạm quy luật vũ trụ nào đó. Kinh thư đã chỉ ra rằng con người phải thỏa mãn những quy luật chung, trong khi vẫn không đánh mất lòng tin vào toàn năng siêu việt. Con người nên nói: ‘Hỡi Thượng đế, con tin tưởng ở Ngài, và biết Ngài có thể giúp con, nhưng cả con nữa cũng sẽ làm hết sức mình để sửa lại những sai trái mà con đã làm.’ Bằng một số phương tiện - bằng cầu nguyện, bằng tâm lực, bằng thiền định yoga, bằng hỏi ý các thánh, bằng sử dụng vòng chiêm tinh - những ảnh hưởng bất lợi từ những sai trái trong quá khứ có thể giảm đi hay hóa giải.

“Cũng như một căn nhà có thể được lắp một cột đồng để thu sét, thì đền thờ thể xác cũng có thể được che chở bằng một số cách nhất định.

“Các bức xạ điện và từ không ngừng lưu chuyển trong vũ trụ; chúng ảnh hưởng đến cơ thể người hoặc tốt hoặc xấu. Nhiều thế kỷ trước, các rishi xứ ta đã nghiền ngẫm vấn đề chống lại tác hại của các ảnh hưởng vũ trụ vi tế. Các thánh hiền đã phát hiện ra là các kim loại nguyên chất phát ra ánh sáng siêu nhiên triệt tiêu mạnh mẽ các thế lực xấu của hành tinh. Một số những hợp chất thảo mộc cũng có ích. Hiệu quả nhất trong tất cả là các đá quý không tì vết không dưới hai cara.

“Giá trị ngăn ngừa thiết thực của chiêm tinh học hiếm khi được nghiên cứu nghiêm túc bên ngoài Ấn Độ. Một sự thật ít người biết là đá quý, kim loại, điều chế thảo mộc thích hợp, hết thảy đều vô ích trừ phi trọng lượng cần thiết được bảo đảm và trừ phi phương tiện chữa trị được đeo trên người.”

“Thưa thầy, dĩ nhiên là con sẽ nghe theo lời khuyên của thầy mà kiếm một chiếc vòng. Con thấy tò mò với ý nghĩ là đánh lừa được một hành tinh!”

“Vì những mục đích chung chung thì ta khuyên con nên dùng một chiếc vòng vàng, bạc hay đồng. Còn cho mục đích cụ thể thì ta muốn con kiếm một chiếc vòng bạc và chì.” Sri Yukteswar nói thêm một chỉ dẫn kỹ lưỡng.

“Thưa sư phụ, ý thầy ‘mục đích cụ thể’ là gì?”

“Các sao sắp để mắt tới con theo cách ‘không có thiện cảm’ đó, Mukunda. Đừng sợ; con sẽ được che chở. Trong chừng một tháng nữa gan con sẽ gây rắc rối nhiều cho con. Cơn đau đã được định là kéo dài sáu tháng, nhưng vì con đeo vòng chiêm tinh nên sẽ rút lại còn hai mươi bốn ngày.”

Hôm sau lại tôi đi tìm một thợ kim hoàn và chẳng mấy chốc đã đeo chiếc vòng. Sức khỏe tôi rất tốt; tôi quên bẵng lời tiên tri của thầy. Thầy rời Serampore đi Banaras. Ba mươi ngày sau buổi trò chuyện của chúng tôi, tôi bất thần thấy đau ở vùng gan. Những tuần sau đó là một cơn ác mộng vì cơn đau khổ sở vô cùng. Miễn cưỡng không muốn làm phiền thầy, tôi ngỡ mình có thể can trường chịu đựng thử thách một mình.

Nhưng hai mươi ba ngày tra tấn đã làm lung lay quyết tâm của tôi; tôi lên xe lửa đi Banaras. Ở đó, Sri Yukteswar chào đón tôi niềm nở khác thường nhưng không để tôi có dịp nói riêng với thầy về tai họa của mình. Hôm đấy có nhiều tín đồ đến thăm thầy, chỉ để darshan[140]. Bệnh hoạn và chẳng được ngó ngàng, tôi ngồi một xó.

SRI YUKTESWAR VÀ YOGANANDAJI, CALCUTTA, 1935 “Vì y phục bình thường của sư phụ mà chỉ một ít người cùng thời với thầy mới nhận ra thầy là một con người siêu việt,” Sri Yogananda nói. “Dù sinh ra là một con người như bao người, Sri Yukteswar đã đạt đến sự hợp nhất với Đấng Chủ Tể thời gian và không gian. Thầy không thấy có trở lực nào không thể vượt qua để hợp nhất con người với Thiêng liêng. Tôi đã hiểu được rằng, cái rào chắn ấy không tồn tại, ngoại trừ ở đầu óc không dám mạo hiểm của con người.” ĐỀN TƯỞNG NIỆM SRI YUKTESWAR Trong vườn ashram của thầy ở Puri (xem trang 520) (Trái) Swami Krishnananda, tại Kumbha Mela ở Allahabad năm 1936, với con sư tử cái thuần hóa chỉ ăn chay. Con thú gầm tiếng Aum thật sâu, thu hút (xem trang 513) (Phải) Phòng ăn ở ban công tầng hai tại tịnh thất của Sri Yukteswar tại Serampore, 1935. Sri Yogananda (giữa) ngồi gần sư phụ mình (đứng, phải) Mãi đến sau bữa ăn chiều thì khách khứa mới về hết. Sư phụ gọi tôi đến bên ban công ngũ giác trong ngôi nhà.

“Chắc con đến vì chứng đau gan đây.” Cái nhìn của Sri Yukteswar hướng đi chỗ khác; thầy đi tới đi lui, thỉnh thoảng che mất ánh trăng. “Để ta xem, con đã bệnh được hai mươi ba ngày rồi phải không?”

“Dạ phải, thưa thầy.”

“Xin hãy tập bài tập bụng mà ta đã dạy con.”

“Nếu thầy biết mức độ đau của con, thưa thầy, thầy sẽ không bảo con tập đâu.” Song tôi cũng yếu ớt gắng làm theo lời thầy.

“Con nói con đau; ta nói con không đau gì cả. Làm sao có sự mâu thuẫn đó được?” Sư phụ nhìn tôi dò hỏi.

Tôi ngơ ngác và rồi tràn ngập một cảm giác thư thái sung sướng. Tôi không còn cảm thấy sự hành hạ liên miên đã làm tôi gần như mất ngủ nhiều tuần rồi; Sri Yukteswar vừa nói thì sự đau đớn đã tan biến như chưa hề có.

Tôi toan quỳ xuống chân thầy cảm tạ, nhưng thầy vội ngăn tôi lại.

“Đừng có trẻ con vậy. Đứng lên mà thưởng thức cái đẹp của trăng trên sông Hằng.” Nhưng mắt thầy long lanh hạnh phúc khi tôi đứng im cạnh thầy. Tôi hiểu qua thái độ của thầy, là thầy muốn tôi cảm thấy không phải thầy, mà Thượng đế, là Đấng Chữa Bệnh.

Đến giờ tôi vẫn còn đang đeo chiếc vòng bạc và chì nặng, một vật kỷ niệm của ngày ấy - quá khứ đã xa, vẫn mãi dấu yêu - khi tôi lại một lần nữa nhận ra là mình đã sống với một nhân vật quả thực là con người siêu việt. Trong những dịp sau này, khi tôi đưa bạn bè đến để được Sri Yukteswar chữa bệnh - lần nào thầy cũng khuyên dùng đá quý hay vòng[141], ca ngợi việc sử dụng chúng là một hành động sáng suốt về mặt chiêm tinh.

Tôi đã có thành kiến với thuật chiêm tinh từ nhỏ, phần vì tôi thấy rằng nhiều người bám vào nó một cách lệ thuộc và phần vì lời tiên tri mà nhà chiêm tinh của gia đình tôi nói: “Con sẽ cưới vợ ba lần, hai lần góa vợ.” Tôi đã nghiền ngẫm ủ ê điều này, cảm thấy như một con dê chờ hiến tế trước đền thờ ba cuộc hôn nhân.

“Em cũng nên cam chịu số phận đi cho rồi,” anh Ananta đã nói. “Lá số tử vi của em đã ghi rõ rành rành là em trốn nhà đi Himalaya lúc nhỏ, nhưng bị ép uổng quay về. Tiên tri về hôn nhân của em tất cũng phải đúng thôi.”

Một đêm nọ, tôi có một trực giác rõ ràng là lời tiên tri trật lất.

Tôi châm lửa đốt cuộn giấy tử vi, bỏ tro vào một cái túi giấy mà trên đó tôi viết: “Hạt nghiệp quá khứ không thể nảy mầm khi bị đốt trong lửa thiêng minh triết.” Tôi để cái túi vào một nơi dễ thấy; anh Ananta tức thì đọc được câu thách thức của tôi.

“Em chẳng thể nào hủy diệt sự thật dễ như em đốt cuộn giấy này đâu.” Anh tôi cười khinh khỉnh.

Quả đúng là ba lần trước khi tôi đến tuổi trưởng thành, gia đình tôi đã cố sắp xếp hôn sự cho tôi. Lần nào tôi cũng đều không chịu chiều theo sắp đặt[142] con người mà Thượng đế trao, là những lực lượng hùng hậu hơn cả những ảnh hưởng trôi từ các tầng trời xuống.], khi biết rằng tình yêu của mình dành cho Thượng đế còn mênh mang trùm phủ hơn bất kỳ lời thuyết phục chiêm tinh nào từ quá khứ.

“Sự Tự giác ngộ của một người càng cao thì người đó càng ảnh hưởng nhiều đến toàn thể vũ trụ bằng các rung động tâm linh vi tế của mình, và chính anh ta càng ít bị những biến dịch hiện tượng tác động.” Câu nói này của thầy thường trở về trong trí tôi đầy khuyến khích.

Thỉnh thoảng tôi cũng nhờ các chiêm tinh gia chọn ra những vận xấu nhất của tôi, theo các dấu hiệu sao, và tôi thường vẫn làm trọn bất cứ nhiệm vụ nào tôi tự đặt ra cho mình. Đúng là thành công của tôi trong những giai đoạn ấy luôn bắt đầu bằng những khó khăn vô cùng. Nhưng xác tín của tôi vẫn luôn được chứng minh: niềm tin vào sự che chở thiêng liêng, và sử dụng đúng ý chí con người mà Thượng đế trao, là những lực lượng hùng hậu hơn cả những ảnh hưởng trôi từ các tầng trời xuống.

Tôi hiểu ra, lời nhắn từ các sao lúc người ta chào đời không phải rằng con người là một con rối của quá khứ của mình. Đúng hơn, lời nhắn của sao là một cái kích bẩy lòng tự trọng; chính những tầng trời tìm cách khơi dậy quyết tâm ở con người phải thoát khỏi mọi câu thúc. Thượng đế sinh ra mỗi con người là một linh hồn, được phú cho nhân cách, vì vậy mà thiết yếu đối với cấu trúc vũ trụ, dù cho là trong vai trò tạm thời là một trụ cột hay ăn bám. Tự do của con người là tối hậu và tức thì, nếu anh ta muốn vậy; nó không tùy thuộc vào những chinh phục ngoại giới mà là nội tâm.

Sri Yukteswar đã khám phá ra ứng dụng toán học của một chu kỳ tiến động 24.000 năm cho thời hiện tại của chúng ta[143]. Chu kỳ được chia thành Cung Thịnh và Cung Suy, mỗi cung 12.000 năm.

Trong mỗi cung có bốn Yuga hay Thời đại, gọi là Kali, Dwapara, Treta, và Satya, tương ứng với khái niệm Hy Lạp về các Thời đại Sắt, Đồng, Bạc, và Vàng.

Sư phụ tôi đã xác định bằng nhiều tính toán khác nhau là Kali Yuga cuối cùng hay Thời đại Sắt, nằm trong Cung Thịnh, bắt đầu vào khoảng năm 500 Công nguyên. Thời đại Sắt, kéo dài 1200 năm, là một khoảng thời gian của chủ nghĩa duy vật; nó kết thúc vào khoảng năm 1700. Năm đó mở ra Dwapara Yuga, một giai đoạn 2400 năm phát triển năng lượng điện và nguyên tử: thời đại của thông tin liên lạc bằng điện báo, vô tuyến, máy bay, và những thứ hủy diệt không gian khác.

Treta Yuga 3600 năm sẽ bắt đầu vào năm 4100; thời kỳ được đánh dấu bằng hiểu biết khái quát về liên lạc bằng cảm ứng tâm linh và những thứ hủy diệt thời gian khác. Trong 4.800 năm Satya Yuga, thời đại sau cùng trong Cung Thịnh, trí tuệ của người sẽ phát triển rất cao; con người sẽ sống trong sự hài hòa với thiên cơ.

Cung Suy 12000 năm, mở đầu bằng một Thời đại Vàng Suy 4800 năm, mở đầu cho thế giới (vào năm 12500); con người chìm dần vào vô minh. Các chu kỳ này là những vòng maya bất tận, những tương phản và tương đối của vũ trụ hiện tượng[144]. Con người, từng người một, sẽ thoát khỏi sự cầm tù nhị nguyên của sáng tạo một khi họ đã ngộ ra cái tri kiến về nhất thể thiêng liêng bất khả phân với Đấng Sáng tạo.

Thầy mở mang hiểu biết của tôi không chỉ trong lĩnh vực chiêm tinh mà còn trong lĩnh vực kinh thư thế giới. Đặt kinh điển trên cái bàn tịnh sạch là tâm trí mình, thầy có thể mổ xẻ chúng bằng con dao mổ suy luận trực giác, và tách những sai lầm và tự ý thêm thắt của các học giả ra khỏi chân lý ban đầu mà các nhà tiên tri trình bày.

“Định cái nhìn ở đầu mũi.” Lối giải thích không chuẩn khổ thơ của Bhagavad Gita này[145], được nhiều học giả Đông phương và các dịch giả Tây phương chấp nhận, thường gợi nên sự chỉ trích khôi hài của thầy.

“Con đường của một yogi thế này là đã đủ khác thường rồi,”

thầy nói. “Sao lại còn đi khuyên y phải làm cho bản thân mắt lé nữa? Nghĩa đúng của nasikagram là ‘gốc của mũi’, không phải ‘đầu mũi’. Mũi bắt từ điểm giữa hai lông mày, vị trí của cái thấy tâm linh[146].”

Một câu cách ngôn Sankhya[147] viết: Ishwar asiddhe[148] (“Đấng Sáng tạo không thể được suy luận” hay “Thượng đế không thể được chứng minh”). Chủ yếu dựa trên câu này mà phần lớn các học giả gọi toàn bộ triết học là vô thần.

“Câu thơ không phải vô thần,” Sri Yukteswar giảng. “Nó chỉ có nghĩa là với kẻ chưa giác ngộ, tùy thuộc vào các cảm thức của anh ta cho mọi phán quyết cuối cùng, bằng chứng về Thượng đế vẫn phải là chưa biết được và do vậy mà không tồn tại. Những đệ tử chân chính của Sankhya, bằng tri kiến không thể lay chuyển có được nhờ thiền định, hiểu rằng Thượng đế vừa tồn tại, vừa có thể biết được.”

Thầy giảng giải Kinh thánh Cơ Đốc giáo với sự rõ ràng thật ấn tượng. Chính từ sư phụ Ấn Độ của tôi, vô danh trong danh sách cộng đồng Cơ Đốc giáo, mà tôi học được cách hiểu tính bất tử của Kinh Thánh, và hiểu cái lẽ thật trong lời khẳng định của Chúa - nhất định là câu không khoan nhượng, cảm động nhất từng được nói ra: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu[149].”

Các bậc đại sư của Ấn Độ nặn đúc đời mình theo chính những lý tưởng đạo hạnh đã khuyến khích Jesus; các vị là thân bằng quyến thuộc tự nhận của ngài: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi[150].”

“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi,” Chúa nói, “thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông[151].” Tất cả đều là những bậc đã tự tại, Thượng đế của chính mình, các vị Yogi-Chúa của Ấn Độ là một phần trong tình huynh đệ đời đời: những người đã đạt được tri kiến giải thoát về Một Thượng đế.

“Con thấy câu chuyện Adam và Eva khó hiểu quá!” Ban đầu khi tôi còn đang vật lộn với những biểu tượng, có lần tôi đã nhận xét như vậy với sự háo hức thật lòng. “Tại sao Thượng đế lại không chỉ trừng phạt đôi nam nữ tội lỗi mà còn cả những thế hệ vô tội chưa ra đời?”

Thầy buồn cười, vì sự nhiệt tình hơn là vì sự u mê của tôi.

“Sách Sáng thế có tính biểu tượng thâm sâu, và không thể hiểu được nếu cắt nghĩa theo nghĩa đen,” thầy giải thích. “‘Cây trường sinh’ trong kinh nói là cơ thể người. Dây cột sống giống như một cây lộn ngược, tóc người là rễ, còn các tế bào thần kinh hướng tâm và ly tâm là cành. Cây là hệ thần kinh ra nhiều quả đáng thưởng thức, hay nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức.

Trong những thứ này, con người có thể đường hoàng thưởng thức; nhưng hắn bị cấm nếm trải tình dục, ‘trái táo’ ở giữa thân (‘ở giữa vườn’)[152].

“ ‘Con rắn’ tượng trưng cho năng lượng ở cột sống cuộn lại kích thích các dây thần kinh tình dục. ‘Adam’ là lý trí, còn ‘Eva’ là tình cảm. Khi cảm xúc hay tâm thức-Eva ở bất cứ ai bị xung lực tình dục áp đảo, lý trí của hắn hay là Adam cũng sẽ khuất phục[153].

“Thiên Chúa tạo ra loài người bằng cách làm ra thân người đàn ông và người đàn bà qua tâm lực của Ngài; Ngài ban cho những loài mới khả năng sinh con đẻ cái theo cách trời hay ‘vô nhiễm’ tương tự[154]. Vì thể hiện của Ngài ở linh hồn cá thể cho đến lúc đó vẫn chỉ giới hạn ở thú vật, bị trói buộc trong bản năng và thiếu các tiềm năng lý trí đầy đủ, Thiên Chúa đã làm ra những thân người đầu tiên, gọi một cách biểu tượng là Adam và Eva. Với những người này, vì tiến hóa đi lên có lợi, Ngài đã truyền linh hồn hay tinh hoa trời vào hai sinh vật[155]. Ở Adam hay người nam, lý trí hơn hẳn; ở Eva hay người nữ, tình cảm nổi trội. Vì vậy mà tính nhị nguyên hay tính đối nghịch nằm bên dưới các cõi hiện tượng hiển hiện. Lý trí và tình cảm sẽ vẫn còn trong một thiên đường niềm vui hợp quần chừng nào mà đầu óc con người còn chưa bị cái năng lượng thâm hiểm của khuynh hướng thú vật đánh lừa.

“Thân người do vậy không chỉ là kết quả của sự tiến hóa từ thú vật lên mà còn được tạo ra bằng một hành vi sáng tạo đặc biệt của Thiên Chúa. Các thể dạng thô lậu cầm thú không thể bộc lộ đầy đủ tính thần thánh; chỉ có con người là được trao cho ‘hoa sen ngàn cánh’ có khả năng toàn trí trong não, cũng như các trung khu thần bí được đánh thức một cách thâm mật nơi cột sống.

“Thiên Chúa, hay Thần Thức, có mặt trong đôi nam nữ đầu tiên được tạo ra, khuyên họ thưởng thụ mọi cảm giác con người, trừ một ngoại lệ: những cảm giác tình dục[156]. Những thứ này bị cấm, sợ rằng loài người vướng vào lối truyền giống thú tính thấp hèn. Lời cảnh báo rằng không được làm sống lại những ký ức thú tính xuất hiện trong tiềm thức đã không được lưu tâm đến.

Lấy lại cách sinh sản thú vật, Adam và Eva rơi khỏi trạng thái niềm vui thiên thần tự nhiên đối với con người toàn bích ban sơ.

Khi ‘họ thấy mình trần truồng’, ý thức của họ về tính bất tử đã mất, đúng như Thiên Chúa đã răn họ; họ đã đặt mình vào quy luật vật chất mà theo đó sự ra đời xác thân phải theo sau là cái chết thể xác.

“Hiểu biết về ‘điều thiện điều ác’ mà con rắn đã cam đoan với Eva nói đến những kinh nghiệm nhị nguyên và đối nghịch mà con người phải chịu dưới sự khống chế của maya. Rơi vào ảo giác vì lạm dụng tình cảm và lý trí của mình, hay tâm thức Eva và Adam, con người từ bỏ cái quyền bước vào vườn trời độc lập thiêng liêng[157]. Trách nhiệm cá nhân của mỗi con người là trả ‘cha mẹ’ của mình hay nhị nguyên tính về một sự hài hòa hợp nhất hay Vườn Địa đàng.”

Người trời mà ban đầu Thiên Chúa tạo ra có thần thức tập trung ở độc nhãn toàn năng trên trán (về phía đông). Những quyền năng sáng tạo vô biên từ ý chí của anh ta, tập trung tại điểm đó, mất đi khi anh ta bắt đầu “cày cấy đất đai” của tính vật chất của mình.

Khi Sri Yukteswar giảng xong, tôi liếc nhìn những trang Sách Sáng thế với một sự kính trọng mới.

“Thưa thầy,” tôi nói, “lần đầu tiên con cảm thấy đúng bổn phận làm con trước Adam và Eva[158]!”

Người nam và người nữ đầu tiên (sinh vật trong hình hài thể xác) được gọi là Swayambhuva Manu (“người nam do Đấng Sáng tạo sinh ra”) và vợ của người nam là Shatarupa (“có một trăm hình ảnh hay hình hài”). Năm người con của họ lấy các Prajapati (bậc toàn giác có thể khoác hình hài hữu hình); từ năm gia đình thần thánh đầu tiên này mà loài người được sinh ra.

Cả ở Đông lẫn Tây tôi chưa từng nghe ai giải thích kinh Cơ Đốc giáo với hiểu biết tôn giáo uyên thâm như Sri Yukteswar. “Các nhà thần học đã giải thích sai lời của Chúa,” thầy nói, “trong các đoạn như “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Tin Mừng theo thánh Gioan 14:6), Jesus muốn nói là, không phải rằng ngài là Con Một của Thiên Chúa, mà rằng không ai có thể đạt được Tuyệt đối không hạn chế, Chúa Cha siêu việt vượt quá sáng tạo cho đến khi lần đầu tiên thể hiện “Con” hay Tâm thức Chúa khởi động bên trong sáng tạo. Chúa Jesus, người đã đạt được trọn vẹn sự nhất thể với Tâm thức Chúa ấy, nhận mình là Tâm thức Chúa vì bản ngã của chính ngài từ lâu đã không còn.” (Xem chú thích trang 203-204).

Khi thánh Phaolô (Paul) viết: “Thiên Chúa là Đấng tạo thành muôn vật” (Thư gửi tín hữu Êphêxô 3:9), và khi Chúa đáp: “Trước khi có ông Abraham, thì tôi” (Tin Mừng theo thánh Gioan 8:58), cốt lõi thuần túy của câu là phi nhân cách.

Một kiểu sợ sệt tôn giáo dẫn đến việc nhiều người đời thoải mái tin rằng chỉ một người là Con của Chúa Cha. “Chúa được tạo ra một cách duy nhất,” họ lý luận, “vậy nên làm sao tôi, chỉ là một con người, lại sánh với Ngài được?” Nhưng tất cả mọi người đều đã được tạo ra một cách thiêng liêng, và một ngày nào đó phải tuân theo mệnh lệnh của Chúa: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện.” (Tin Mừng theo thánh Mátthêu 5:48). “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (Thư 1của thánh Gioan 3:1).

Hiểu biết về luật nhân quả và hệ lụy của nó, đầu thai (xem chú thích trang 334, 408-409, và chương 43), được trình bày ở nhiều đoạn trong Kinh Thánh; ví dụ, “Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra” (Sách Sáng thế 9:6). Nếu mỗi kẻ sát nhân phải “bị con người” giết, thì quá trình đòi hỏi, trong nhiều trường hợp, có nhiều hơn một kiếp sống. Cảnh sát đương thời quả là không đủ nhanh!

Giáo hội Cơ Đốc thời kỳ đầu đã công nhận thuyết tái sinh, được những người theo thuyết Ngộ đạo và rất nhiều cha đạo giảng, trong đó có Clement xứ Alexandria, Origen nổi tiếng (cả hai đều sống ở thế kỷ 3), và thánh Jerome (thế kỷ thứ 5). Học thuyết lần đầu tiên bị Công đồng Constantinople II tuyên bố là dị giáo vào năm 553. Vào thời ấy, nhiều tín đồ Cơ Đốc giáo cho rằng học thuyết về đầu thai cho con người có phạm vi thời gian và không gian quá rộng, không thể khuyến khích hắn cố gắng đạt được cứu rỗi tức thì. Nhưng những chân lý bị đàn áp sẽ dẫn đến rất nhiều sai lầm đáng tiếc. Hàng triệu triệu người đã không dùng “một kiếp” của mình để tìm Thượng đế, mà để hưởng thụ đời này - có được chỉ một lần, và sẽ chẳng mấy chốc mất đi mãi mãi! Thật ra con người sẽ đầu thai trở lại trần gian cho đến khi anh ta có ý thức giành lại vị thế của mình là con của Thượng đế.

* * *

Chú thích:

[139] Từ các viện dẫn thiên văn học trong tài liệu Ấn giáo cổ, các học giả đã có thể xác định năm sinh của các tác giả. Tri kiến khoa học của các rishi rất bao la; trong Kaushitaki Brahmana chúng tôi tìm thấy các đoạn về thiên văn, rõ ràng chỉ ra rằng vào năm 3100 trước Công nguyên, người Ấn đã tiến rất xa trong thiên văn học, lĩnh vực đã có giá trị thực tiễn trong việc xác định ngày lành tháng tốt cho các nghi lễ chiêm tinh. Một bài báo của Tara Mata viết trong Đông-Tây, tháng 2-1934, nói về Jyotish hay phần thân của các mô tả về thiên văn học trong Vệ Đà: “Nó chứa toàn bộ tri thức khoa học đã giữ cho Ấn Độ đứng đầu trong mọi quốc gia cổ đại và biến Ấn Độ thành thánh địa của những người tìm kiếm tri thức. Brahmagupta, một trong những tác phẩm Jyotish, là một luận thuyết thiên văn học bàn về những vấn đề như chuyển động nhật tâm của các nhóm thiên thể trong hệ mặt trời của chúng ta, độ nghiêng của hoàng đạo, hình dạng cầu của trái đất, ánh sáng phản chiếu của mặt trăng, sự quay quanh trục trong một ngày của trái đất, sự hiện diện của các định tinh trong Thiên hà, định luật vạn vật hấp dẫn, và các sự kiện khoa học khác mà mãi cho đến đời Copernicus và Newton mới hé mở ở thế giới phương Tây.” Cái gọi là “chữ số Arập”, vô giá trong sự phát triển của toán học Tây phương, đến châu Âu vào thế kỷ thứ chín thông qua người A rập, bắt nguồn từ Ấn Độ, nơi mà hệ thống ký hiệu đó đã được hình thành từ thời xa xưa. Sự soi sáng thêm về di sản khoa học mênh mông của Ấn Độ sẽ được tìm thấy trong History of Hindu Chemistry (Lịch sử hóa học Ấn Độ) của Tôn ông P. C. Roy, trong Positive Sciences of the Ancient Hindus (Các khoa học thực chứng của người Ấn cổ đại) của B. N. Seal, trong Hindu Achievements in Exact Science (Các thành tựu của Ấn Độ trong khoa học chính xác) và The Positive Background of Hindu Sociology (Nền tảng tích cực của xã hội học Ấn Độ) của B. K. Sarkar, và trong Materia Medica of the Hindus (Dược học của người Ấn) của U. C. Dutt.

[140] Được nhìn thấy một vị thánh không thôi cũng đã được phúc đức.

[141] Xem chú thích trang 305-306.

[142] Một trong mấy thiếu nữ mà gia đình chọn có thể thành vợ tôi sau đó đã cưới anh họ tôi, Prabhas Chandra Ghosh (xem ảnh trang 184). [Sri Ghosh là phó chủ tịch Hội Yogoda Satsanga Ấn Độ (xem trang 469-471) từ năm 1936 đến khi anh mất vào năm 1975.

[143] Những chu kỳ này được trình bày trong phần đầu cuốn sách của Sri Yukteswar, The Holy Science (Tri thức thiêng) (Hội Tự giác ấn hành).

[144] Kinh thư Ấn Độ giáo ấn định thời đại thế giới hiện tại như đang diễn ra trong Kali Yuga có chu kỳ vũ trụ dài hơn nhiều so với chu kỳ 24.000 năm đơn giản mà Sri Yukteswar đề cập. Chu kỳ vũ trụ trong kinh lên đến 4.300.560.000 năm, đo bằng một Ngày Sáng Thế. Con số vô cùng lớn này dựa trên mối tương quan giữa độ dài của năm dương lịch và bội số của pi (3,1416, tỉ số của chu vi chia cho đường kính của hình tròn). Đại kiếp của một toàn thể vũ trụ, theo các nhà tiên tri xưa, là 314.159.000.000.000 năm dương lịch, hay “Một thời Brahma”. Kinh Ấn Độ giáo khẳng định một trái đất như trái đất của chúng ta đây diệt vong vì một trong hai lý do: cư dân nói chung trở nên hoặc hoàn toàn thiện hoặc hoàn toàn ác. Tâm trí thế giới do vậy sẽ sinh ra một năng lượng giải phóng các nguyên tử đã bị giữ lại với nhau thành trái đất. Các tuyên bố đáng sợ liên quan đến một “ngày tận thế” sắp đến thỉnh thoảng vẫn được đăng tải. Tuy nhiên, các chu kỳ của hành tinh vẫn tiếp tục theo một cơ trời có trật tự. Trước mắt không có sự tan rã trái đất nào cả; nhiều chu kỳ tiến động lên và xuống vẫn còn đó cho hành tinh chúng ta trong hình dạng hiện tại.

[145] Chương VI:13.

[146] “Ðèn của thân thể là con mắt của anh. Khi mắt anh sáng thì toàn thân anh cũng sáng. Nhưng khi mắt anh xấu thì thân anh cũng tối. Vậy hãy coi chừng kẻo ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối.” - Tin Mừng theo thánh Luca 11:34-35.

[147] Một trong sáu triết phái Ấn Độ. Sankhya dạy giải thoát tối hậu bằng hiểu biết về hai mươi lăm nguyên lý, khởi bằng prakriti hay cội rễ vật chất và kết ở purusha hay tinh thần.

[148] Cách ngôn Shankhya 1:92.

[149] Tin Mừng theo thánh Matthêu 24:35.

[150] Tin Mừng theo thánh Matthêu 12:50.

[151] Tin Mừng theo thánh Gioan 8:31-32. Thánh Gioan (John) chứng nhận: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người (tức là những ai định trong Tâm thức Chúa vô biên), thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” - Tin Mừng theo thánh Gioan 1:12.

[152] “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo, Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.” - Sách Sáng thế 3:2-3.

[153] “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn. Người đàn bà thưa, Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” - Sách Sáng thế 3:12-13.

[154] “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ, Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” - Sách Sáng thế 1:27-28.

[155] “Rồi Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” - Sách Sáng thế 2:7.

[156] “Rắn (năng lực tình dục) là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng” (mọi giác quan nào khác nơi thân thể) - Sách Sáng thế 3:1.

[157] “Rồi Ðức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eden (Địa đàng), về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.” - Sách Sáng thế 2:8. “Ðức Chúa là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Eden để cày cấy đất đai, từ đó con người đã được lấy ra.” - Sách Sáng thế 3:23.

[158] Câu chuyện “Adam và Eva” của người Ấn được kể lại trong một purana xưa, Srimad Bhagavata.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3