Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 17

CHƯƠNG 17

Sasi và ba viên ngọc Xa-phia

“Vì mi và con trai ta rất quý Swami Sri Yukteswar nên để ta xem thử thầy ấy một cái.” Cái giọng điệu của thầy thuốc Narayan Chunder Roy hàm ý là ông chiều theo cái tính bốc đồng của hai thằng dở người. Tôi giấu sự phẫn nộ, theo truyền thống tốt đẹp nhất của người đi hóa cải.

Người quen của tôi, một bác sĩ phẫu thuật thú y, là một người theo thuyết bất khả tri thâm căn cố đế. Cậu con trai nhỏ của ông là Santosh đã khẩn nài tôi để tâm đến cha cậu. Cho đến nay, sự giúp đỡ vô giá của tôi chỉ mới có một chút ở khía cạnh siêu hình.

Hôm sau thầy thuốc Roy theo tôi đến tịnh thất Serampore.

Khi thầy đã ban cho ông ta một cuộc gặp ngắn, phần lớn thời gian được đánh dấu bằng sự im lặng lạnh lùng ở cả hai phía, vị khách cộc cằn bỏ về.

“Sao lại đưa một người chết đến ashram?” Sri Yukteswar nhìn tôi dò hỏi ngay khi cánh cửa khép lại với kẻ hoài nghi ở thành Calcutta.

“Thưa thầy! Ông thầy thuốc hoạt bát lắm mà!”

“Nhưng không lâu nữa y sẽ chết thôi.”

Tôi bàng hoàng. “Thưa thầy, chuyện này sẽ là một đòn khủng khiếp cho con trai ông ta. Santosh vẫn mong tới cái ngày thay đổi được cách nhìn duy vật của cha mình. Con cầu xin thầy, thưa thầy, giúp người này với.”

“Được rồi, vì con.” Mặt sư phụ dửng dưng. “Ông thầy thuốc chữa ngựa vênh váo bị bệnh tiểu đường từ lâu rồi, mặc dù ông ta không hay biết. Trong vòng mười lăm ngày nữa ông ta sẽ phải nằm liệt giường. Các thầy thuốc sẽ coi ông ta như đã chết rồi; thời gian tự nhiên ông ta lìa trần là sáu tuần kể từ hôm nay. Tuy nhiên, nhờ con xin giùm, hôm đó ông ta sẽ khỏi bệnh. Nhưng với một điều kiện: con phải bắt ông ta đeo một chiếc vòng chiêm tinh. Ông ta chắc chắn sẽ phản đối kịch liệt như mấy con ngựa của ông ta trước khi lên bàn mổ.” Thầy cười tủm tỉm.

Sau một hồi im lặng, khi tôi băn khoăn Santosh và tôi phải trổ tài phủ dụ ông thầy thuốc cách nào được nhất đây, thì Sri Yukteswar tiết lộ thêm.

“Ngay khi người này khỏe lại, hãy khuyên ông ta đừng ăn thịt. Tuy nhiên, lão sẽ bỏ ngoài tai lời khuyên này, rồi sáu tháng sau, vừa lúc lão cảm thấy sung sức nhất thì ông ta sẽ lăn ra chết.”

Sư phụ nói thêm, “Giai đoạn sống kéo dài thêm sáu tháng ban cho ông ta chỉ vì lời khẩn cầu của con thôi.”

Hôm sau, tôi gợi ý cho Santosh đi đặt thợ kim hoàn đánh cho một chiếc vòng. Trong một tuần thì chiếc vòng đã được làm xong, thế nhưng thầy thuốc Roy không chịu đeo.

“Ta đang khỏe mạnh lắm. Mi sẽ chẳng bao giờ đem mấy thứ chiêm tinh mê tín này ra mà làm ta suy suyển được đâu.” Ông thầy thuốc liếc nhìn tôi hung hăng.

Tôi buồn cười nhớ lại thầy đã so sánh rất đúng ông thầy thuốc với một con ngựa bướng bỉnh. Bảy ngày nữa trôi qua; ông thầy thuốc, đột ngột ngã bệnh, ngoan ngoãn chịu đeo chiếc vòng.

Hai tuần sau, vị thầy thuốc điều trị cho tôi hay rằng bệnh nhân của ông vô phương rồi. Ông cho biết những chi tiết đau lòng về sức tàn phá của bệnh tiểu đường.

Tôi lắc đầu. “Sư phụ tôi đã nói rằng sau khi bệnh kéo dài được một tháng thì thầy thuốc Roy sẽ khỏe lại.”

Ông thầy thuốc nhìn tôi ngờ vực. Nhưng nửa tháng sau ông tìm tôi, với một vẻ xin lỗi.

“Thầy thuốc Roy lành hẳn rồi!” ông reo lên. “Đó là ca lạ thường nhất theo kinh nghiệm của tôi. Tôi chưa hề thấy một người hấp hối nào lại hồi phục không thể giải thích được như vậy cả. Sư phụ anh hẳn là một nhà tiên tri chữa bệnh!”

Sau một cuộc nói chuyện với thầy thuốc Roy mà tôi có nhắc tới lời khuyên của Sri Yukteswar về chế độ ăn kiêng thịt, tôi không gặp lại người này suốt sáu tháng. Một buổi chiều, ông ghé qua nói dăm câu khi tôi đang ngồi trong hiên nhà mình.

“Nói lại với thầy mi là nhờ ăn thịt đều đặn mà ta đã lại sức hoàn toàn rồi. Mấy ý kiến phi khoa học của lão về chế độ ăn không can gì đến ta cả.” Quả đúng là thầy thuốc Roy trông rất khỏe mạnh.

Nhưng hôm sau, Santosh từ nhà ở dãy nhà bên chạy đến tìm tôi. “Cha mất hồi sáng nay rồi!”

Đây là một trong những trường hợp lạ lùng nhất mà tôi biết về thầy. Thầy đã chữa lành cho ông bác sĩ phẫu thuật thú y ương ngạnh bất chấp sự hoài nghi của ông ta, và đã kéo dài thọ mạng của người này trên cõi đời thêm sáu tháng, chỉ vì sự khẩn cầu tha thiết của tôi. Sri Yukteswar thật nhân từ vô bờ bến khi đáp lại lời cầu xin khẩn thiết của một tín đồ.

Đặc ân mà tôi hãnh diện nhất là được đưa các bạn học cao đẳng đến gặp sư phụ. Nhiều người trong số họ thường dẹp đi - ít ra thì cũng là khi ở trong ashram! - cái vỏ kinh viện hợp thời là chủ nghĩa hoài nghi tôn giáo của mình.

Một trong mấy người bạn của tôi, Sasi, đã có vài kỳ nghỉ cuối tuần vui vẻ ở Serampore. Thầy đâm ra mến anh chàng vô cùng, và than rằng đời sống riêng của cậu ta hoang đàng và hỗn loạn.

“Sasi, nếu con không chịu tu tỉnh, một năm nữa con sẽ mắc bệnh hiểm nghèo.” Sri Yukteswar nhìn bạn tôi với vẻ bực tức trìu mến. “Mukunda làm chứng; sau này đừng có nói là ta đã không báo trước cho con.”

Sasi cười to. “Thầy, con tùy thầy làm sao để một chút từ tâm ngọt ngào của vũ trụ nhúng tay vào trường hợp đáng buồn của riêng con! Con thì lực bất tòng tâm. Thầy là vị cứu tinh duy nhất của con trên đời; con không tin vào cái gì khác nữa cả.”

“Chí ít thì con cũng nên đeo một viên ngọc xa-phia màu lam hai cara. Nó sẽ giúp con.”

“Con không lo nổi một cái như vậy đâu. Dầu sao chăng nữa, thưa sư phụ yêu quý, nếu có rắc rối xảy ra, con tin chắc là thầy sẽ che chở cho con.”

“Một năm nữa con sẽ mang tới ba viên ngọc xa-phia,” Sri Yukteswar đáp. “Lúc đó thì sẽ chẳng được tích sự gì nữa rồi.”

Những biến tấu của cuộc nói chuyện này vẫn đều đều diễn ra. “Con không tu tỉnh được!” Sasi thường nói tuyệt vọng một cách hài hước. “Và lòng tin của con ở thầy, thưa thầy, với con quý giá hơn bất kỳ viên ngọc nào!”

Một năm trôi qua. Một hôm tôi đang thăm sư phụ tại nhà ông Naren, đệ tử của thầy, ở Calcutta. Chừng mười giờ sáng, khi Sri Yukteswar và tôi đang ngồi trong phòng khách ở tầng hai thì tôi nghe cửa trước mở. Thầy ngồi thẳng người lên lạnh lùng.

“Sasi đó,” thầy nói nghiêm trang. “Giờ là đã hết một năm; cả hai lá phổi của nó hỏng rồi. Nó đã bỏ ngoài tai lời khuyên của ta; bảo nó là ta không muốn gặp nó.”

Có phần ngạc nhiên vì sự cứng rắn của Sri Yukteswar, tôi lao xuống cầu thang. Sasi đang đi lên.

“Ôi, Mukunda! Mình rất mong là thầy đang ở đây; mình có linh cảm là thầy có ở đây.”

“Phải, nhưng thầy không muốn bị làm phiền.”

Sasi bật khóc rồi lấn qua tôi. Cậu ta gieo mình dưới chân Sri Yukteswar, đặt xuống đấy ba viên ngọc xa-phia tuyệt trần.

“Sư phụ toàn trí, các thầy thuốc bảo con bị lao phổi. Họ chỉ cho con có ba tháng để sống! Con khiêm cung khẩn cầu thầy giúp; con biết thầy có thể chữa lành cho con!”

“Chẳng phải giờ mới lo cho mạng sống của mình thì đã có chút muộn màng rồi hay sao? Đem đá quý của con đi đi; thời gian hữu dụng của chúng đã qua rồi.” Thầy bèn ngồi một cách khó hiểu trong im lặng không thương xót, chốc chốc là tiếng nức nở của chàng trai cầu xin lòng khoan dung.

Tôi chợt có một niềm xác tín từ trực giác là Sri Yukteswar chỉ đang thử độ sâu lòng tin của Sasi vào thần lực chữa bệnh. Tôi không ngạc nhiên khi một giờ căng thẳng trôi qua thì thầy đầy thương cảm nhìn qua anh bạn tôi đang phủ phục.

“Đứng lên đi, Sasi; con làm náo động cả trong nhà người ta!

Trả mấy viên ngọc lại cho thợ kim hoàn đi; giờ thì đó là một sự tiêu pha không cần thiết. Nhưng hãy kiếm một chiếc vòng chiêm tinh mà đeo. Đừng sợ; ít tuần nữa con sẽ khỏe.”

Nụ cười của Sasi làm rạng rỡ khuôn mặt lấm lem nước mắt, như mặt trời bất chợt tỏa khắp một quang cảnh ướt đẫm. “Sư phụ yêu quý, con có cần phải uống thuốc bác sĩ kê không?”

“Tùy con - uống hay vứt đi; chẳng can chi. Con không thể chết vì lao phổi cũng như Mặt trăng, Mặt trời chẳng thể đổi chỗ cho nhau.” Sri Yukteswar bất ngờ nói thêm, “Giờ thì đi đi, trước khi ta đổi ý!”

Khấp khởi cúi lạy rồi, bạn tôi hấp tấp ra về. Mấy tuần sau đó tôi có ghé thăm cậu ta đôi lần, và thất kinh thấy tình trạng của cậu ta càng lúc càng tồi tệ thêm.

“Sasi sẽ không qua khỏi đêm nay.” Câu mà thầy thuốc của cậu ta nói, và cái cảnh tượng bạn tôi, giờ chỉ còn gần như da bọc xương, làm tôi cấp tốc đến Serampore. Sư phụ lạnh lùng lắng nghe tôi khóc lóc thuật lại.

“Sao con lại đến đây làm phiền ta? Con đã nghe ta cam đoan với Sasi là sẽ bình phục rồi mà.”

Tôi cúi lạy trước thầy rồi cáo lui ra cửa. Sri Yukteswar không nói thêm lời chia tay nào mà chìm trong im lặng, đôi mắt thầy lặng phắc hé mở, cái nhìn trôi về một cõi nào khác.

Tôi trở lại nhà Sasi ở Calcutta ngay. Sững sờ tôi thấy bạn mình đang ngồi thẳng, uống sữa.

“Ồ, Mukunda! Kỳ diệu biết bao! Bốn giờ trước mình đã cảm thấy sự hiện diện của thầy trong phòng này; các triệu chứng kinh khủng của mình tức thì lặn mất. Mình cảm thấy rằng nhờ ơn thầy mà mình đã khỏe hẳn rồi.”

Trong vòng vài tuần Sasi đã khỏe mạnh cứng cáp hơn bao giờ hết[159]. Nhưng thái độ cậu ta đáp lại việc cứu chữa lại nhuốm màu vô ơn: chẳng mấy khi cậu ta đến thăm lại Sri Yukteswar! Một hôm bạn tôi nói với tôi rằng cậu ta hối tiếc lối sống lúc trước của mình đến độ xấu hổ mà không dám gặp thầy.

Tôi chỉ còn biết kết luận là cơn bệnh của Sasi đã có ảnh hưởng trái ngược đối với cậu ta là làm rắn ý chí nhưng làm hỏng cách cư xử.

Hai năm học đầu ở Đại học Giáo hội Scotland sắp hết. Tôi đến lớp rất thất thường; chút học hành của tôi chỉ là để giữ hòa khí trong gia đình. Hai vị gia sư của tôi đến nhà thường xuyên; tôi thường xuyên vắng mặt: ít ra thì trong nghiệp đèn sách của mình tôi còn phân biệt được sự không đều đặn này!

Ở Ấn Độ, học xong hai năm cao đẳng sẽ có một bằng cao đẳng về Khoa học xã hội (intermediate Arts); lúc đó sinh viên có thể trông tới hai năm nữa để lấy bằng cử nhân.

Kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng lù lù chẳng lành trước mặt. Tôi chạy tới Puri, nơi sư phụ tôi đang lại ở vài tuần. Có phần mong thầy sẽ bảo rằng tôi không cần phải đi thi, tôi nói với thầy rằng mình chưa chuẩn bị gì cả.

Sri Yukteswar mỉm cười an ủi. “Con đã hết lòng theo đuổi các phận sự tu hành, và không thể nào không chểnh mảng việc học hành ở trường. Tuần tới hãy chuyên tâm vào chuyện học hành ở trường đi; con sẽ qua được thử thách mà không trượt đâu.”

Tôi quay về Calcutta, kiên quyết đàn áp những hoài nghi có lý thỉnh thoảng vẫn dằn vặt. Nhìn cái núi sách trên bàn, tôi thấy mình như một lữ khách lạc giữa chốn hoang vu.

Một quá trình thiền định lâu dài đã cho tôi một sáng kiến bất chợt giúp tiết kiệm công sức. Lật ngẫu nhiên từng cuốn sách một, tôi chỉ học mấy trang mở ra đó thôi. Khi đã theo đuổi đường lối này mười tám giờ một tuần rồi thì tôi thấy mình là một bậc thầy về học gạo.

Mấy ngày sau đó trong phòng thi là minh chứng cho cái lối xem ra cẩu thả của tôi. Tôi qua được mọi bài sát hạch, dù là sít sao trong đường tơ kẽ tóc. Những lời chúc mừng của bạn bè và gia đình đầy hoài nghi xen lẫn với những tiếng thốt lên thể hiện sự kinh ngạc của họ.

Khi từ Puri trở về, Sri Yukteswar cho tôi một bất ngờ toại nguyện.

“Việc học hành của con ở Calcutta giờ đã xong,” thầy nói. “Ta sẽ lo liệu cho con theo đuổi hai năm đại học cuối ở ngay Serampore này.”

Tôi ngơ ngác. “Thưa thầy, trong thành phố nhỏ này không có chương trình cử nhân” Trường đại học Serampore College, trung tâm giáo dục đại học duy nhất, chỉ có khóa cao đẳng hai năm thôi.

Thầy mỉm cười tinh quái. “Ta già quá rồi, chẳng thể đi quanh mà quyên tiền xây một đại học cho con được. Ta thấy ta sẽ phải dàn xếp việc này qua một ai đó khác.”

Hai tháng sau giáo sư Howells, hiệu trưởng Đại học Serampore College, công bố trước mọi người rằng ông đã quyên góp đủ nguồn tài chính để đưa ra một chương trình học bốn năm. Trường Serampore College trở thành một chi nhánh của Đại học Calcutta University. Tôi là một trong những sinh viên đầu tiên ghi danh vào Serampore với tư cách thí sinh thi cử nhân ngành khoa học xã hội.

“Thưa sư phụ, thầy tốt với con quá! Con vẫn mong xa Calcutta để được gần bên thầy mỗi ngày ở Serampore. Giáo sư Howells không tưởng tượng được mình nợ sự giúp đỡ âm thầm của thầy biết chừng nào đâu!”

Sri Yukteswar nhìn tôi, vờ nghiêm trang. “Giờ vì con sẽ không phải mất quá nhiều giờ ngồi xe lửa như vậy nữa; con có nhiều thời gian để học ghê! Chắc con sẽ bớt là đứa nhồi nhét bài vở vào phút chót mà giống một sinh viên hơn.”

Nhưng không hiểu sao giọng thầy thiếu xác quyết[160].

* * *

Chú thích:

[159] Năm 1936 tôi nghe từ một người bạn là Sasi vẫn còn rất mạnh khỏe

[160] Sri Yukteswar, như nhiều trí giả khác, đau lòng vì khuynh hướng duy vật của nền giáo dục hiện đại. Ít trường giải thích các quy luật tinh thần để có hạnh phúc hay dạy rằng minh triết cốt ở dẫn dắt đời ta trong “nỗi sợ hãi Thượng đế”, nghĩa là kính sợ Đấng Sáng tạo ra ta. Thanh niên, những người ngày nay trong các trường trung học và đại học nghe rằng con người chỉ là một “động vật bậc cao”, thường trở thành những người vô thần. Họ không thử tự vấn hay xem mình, trong yếu tính của mình, là “hình ảnh của Thượng đế”. Emerson đã nhận xét: “Cái duy nhất ta có bên trong, ta có thể thấy bên ngoài. Nếu ta không gặp thánh thần nào cả thì đó là vì chúng ta không ấp ủ thánh thần nào.” Kẻ nào hình dung thú tính là thực tại duy nhất của hắn thì bị sẽ bị cắt đứt với những khát khao hướng thiện. Một hệ thống giáo dục mà không giảng về Tinh thần như là Sự Kiện trung tâm của hiện hữu con người thì có nghĩa là đang đem lại avidya, tà kiến. “Ngươi nói, Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi; nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng.” (Sách Khải huyền 3:17). Việc học hành của thanh niên ở Ấn Độ xưa rất lý tưởng. Ở tuổi lên chín, học trò sẽ được nhận “như con” vào một gurukula (nhà gia đình sư phụ như một nơi học hành). “Các chàng trai ngày nay dành (mỗi năm) một phần tám thời gian ở trường; người Ấn Độ dành toàn bộ thời gian để ở đây.” Giáo sư S. V. Venkateswara viết trong Indian Culture Through the Ages (Văn hóa Ấn Độ qua các thời đại) (Tập I, Longmans, Green & Co.). “Có một cảm giác lành mạnh về tính cộng đồng và trách nhiệm, và nhiều cơ hội để áp dụng tính tự lực và tính cá thể. Có một chuẩn mực văn hóa cao, kỷ luật tự áp đặt và cái nhìn nghiêm khắc về phận sự, hành động vị tha, và sự hy sinh, kết hợp với lòng tự trọng và tôn trọng kẻ khác; một chuẩn mực cao về giá trị của học hành, và một cảm nhận về. sự cao quý và mục đích cao cả của kiếp người.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3