Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 18

CHƯƠNG 18 Thuật sĩ Hồi giáo

“Nhiều năm trước, chính trong căn phòng giờ con đang trọ đây, một thuật sĩ người Hồi giáo đã làm bốn phép lạ ngay trước mắt ta!”

Sri Yukteswar nói vậy khi lần đầu thầy ghé thăm chỗ ở của tôi. Ngay sau khi vào Đại học Serampore tôi đã thuê một phòng ở một nhà trọ gần đó, gọi là Panthi[161]. Đó là một tòa nhà gạch kiểu xưa, nhìn ra sông Hằng.

“Thưa thầy, sao trùng hợp quá! Phải chăng những bức tường mới sơn quét lại này quả đã xưa cũ những ký ức?” Tôi nhìn quanh căn phòng bày biện đơn sơ của mình với một hứng thú mới.

“Đó là một câu chuyện dài.” Sư phụ tôi mỉm cười nhớ lại.

“Tên của fakir[162] là Afzal Khan. Hắn có được các phép thần thông nhờ một cuộc gặp gỡ tình cờ với một yogi Ấn Độ.

“ ‘Con trai, ta khát; đi lấy cho ta chút nước.’ Một hôm, một sannyasi mình mẩy lấm lem bụi đất đã yêu cầu Afzal Khan như vậy hồi hắn còn bé, trong một ngôi làng nhỏ vùng đông Bengal.

“ ‘Thưa thầy, con là một người Hồi giáo. Làm sao ngài, một người Ấn giáo, lại nhận nước uống từ tay con được?’ “ ‘Tính thật thà của con làm ta hài lòng, con ta. Ta không tuân theo những quy định tẩy chay của tinh thần bè phái vô đạo. Đi, mang lại cho ta ít nước nhanh lên.’ “Sự vâng lời cung kính của Afzal đã được tưởng thưởng bằng một cái nhìn trìu mến của yogi.

“ ‘Con có nghiệp lành từ những kiếp trước,” thầy nói long trọng. ‘Ta sẽ dạy cho con một phép yoga để con điều khiển được một trong những cõi vô hình. Những phép thần thông ghê gớm sẽ là của con đó phải được sử dụng cho những mục đích xứng đáng; đừng bao giờ dùng nó một cách vị kỷ! Hỡi ôi, ta thấy là con cũng đã mang theo từ quá khứ một số hạt giống có xu hướng hủy diệt.

Đừng để chúng nảy mầm bằng cách tưới thêm ác nghiệp mới.

Nghiệp trước đây của con phức tạp tới nỗi con phải dùng kiếp này mà dung hòa những sở đắc yoga của mình với những mục đích nhân đạo nhất.’ “Sau khi đã chỉ cho cậu bé sững sờ một kỹ thuật phức tạp, vị thầy biến mất.

“Afzal một lòng tu luyện yoga trong hai mươi năm. Những sự lạ hắn làm được bắt đầu thu hút sự chú ý rộng rãi. Hồ như hắn luôn được một linh hồn không có thể xác mà hắn gọi là ‘Hazrat’ đi theo. Thực thể vô hình này có thể đáp ứng ước muốn dù nhỏ nhất của fakir.

“Bỏ ngoài tai lời răn của thầy, Afzal bắt đầu lạm dụng các khả năng của mình. Hễ cái gì hắn cầm lên rồi để lại chỗ cũ đều chẳng mấy chốc biến mất. Tình huống lạ lùng khó hiểu này thường khiến tay Hồi giáo này trở thành vị khách bị xua đuổi!

“Thỉnh thoảng hắn ta tới những hiệu kim hoàn lớn ở Calcutta, tự giới thiệu là một khách tiềm năng. Món nữ trang nào hắn cầm tới cũng sẽ biến mất không lâu sau khi hắn rời tiệm.

“Afzal thường có vài trăm học trò xúm quanh, những kẻ kéo đến bởi hy vọng học được bí quyết của hắn. Fakir thỉnh thoảng mời bọn họ chu du với mình. Tại ga xe lửa hắn sẽ xoay xở sờ tới một cuộn vé. Hắn thường đẩy mấy tấm vé đó về phía người bán vé mà nói: ‘Tôi đổi ý rồi, giờ không mua nữa.’ Nhưng khi Afzal lên tàu cùng đoàn tùy tùng của mình, hắn nắm trong tay những tấm vé cần có[163].

“Những sự lạ này đã dấy lên một phản ứng phẫn nộ; các chủ tiệm kim hoàn và nhân viên bán vé ở Bengal đâm suy nhược thần kinh! Những cảnh sát tìm bắt Afzal chiu thua; fakir có thể lấy mất bằng chứng buộc tội chỉ bằng cách nói: ‘Hazrat, lấy cái này đi.’”

Sri Yukteswar đứng dậy khỏi chỗ ngồi rồi đi tới ban công nhìn ra sông Hằng. Tôi bước theo thầy, hăm hở muốn nghe thêm về những trò ma thuật cuỗm đồ của gã Hồi giáo làm rối trí mọi người.

“Ngôi nhà Panthi này khi xưa thuộc về một người bạn của ta.

Ông ấy trở nên quen biết với Afzal và mời hắn tới đây. Bạn ta cũng mời chừng hai mươi người hàng xóm, trong đó có ta. Hồi ấy ta còn là một thanh niên, và lấy làm tò mò háo hức về fakir trứ danh.”

Thầy cười. “Ta đã cẩn thận chẳng đeo gì quý giá! Afzal nhìn qua ta dò hỏi rồi nhận xét:

“ ‘Anh có đôi bàn tay mạnh mẽ. Hãy xuống nhà, ra vườn; lượm một hòn đá nhẵn rồi lấy phấn viết tên anh lên đó; xong xuôi, hãy ném hòn đá xa hết mức xuống sông Hằng.’ “Ta làm theo. Hòn đá vừa mất dạng dưới những con sóng xa thì người Hồi giáo lại nói với ta:

“ ‘Hãy lấy nước sông Hằng gần trước nhà này đổ đầy một cái bình.’ “Khi ta đã trở lại cùng một vò nước, fakir hô lên, ‘Hazrat, bỏ hòn đá vào bình.’ “Hòn đá tức thì hiện ra. Ta lấy nó trong bình ra và thấy chữ ký của ta rõ ràng như lúc ta viết.

“Babu[164], một trong những người bạn của ta đang có mặt trong phòng, đeo một cái đồng hồ bỏ túi cổ bằng vàng nặng có dây đeo. Fakir ngắm nghía cái đồng hồ với vẻ ngưỡng mộ chẳng lành.

Chẳng mấy chốc nó mất tăm!

“‘Afzal, xin hãy trả báu vật gia truyền lại cho tôi!’ Babu sắp khóc tới nơi.

“Người Hồi giáo im lặng lạnh lùng một lúc, rồi nói, ‘Anh có năm trăm rupi để trong một cái két sắt. Mang lại đây cho ta, rồi ta sẽ chỉ anh chỗ tìm cái đồng hồ.’ “Babu quẫn trí tức tốc về nhà. Chẳng mấy chốc y quay lại và nộp cho Afzal số tiền hắn đòi.”

“ ‘Tới cây cầu nhỏ gần nhà anh,’ fakir dặn Babu. ‘Cầu Hazrat hiện lên trả lại anh cái đồng hồ.’ “Babu vội đi ngay. Khi trở lại, ông ta mang nụ cười nhẹ nhõm nhưng không món trang sức nào cả.

“ ‘Khi tôi ra lệnh cho Hazrat như đã được dặn,’ ông ta nói, ‘cái đồng hồ từ trên trời rơi vào tay phải tôi! Các vị có thể tin chắc là tôi đã khóa của gia truyền trong két sắt rồi mới trở lại với các vị đây!’ “Bạn bè của Babu, nhân chứng của tấn bi hài kịch chuộc đồng hồ, nhìn Afzal trừng trừng phẫn nộ. Giờ hắn nói xoa dịu.

“ ‘Xin cứ nêu ra bất cứ thức uống nào quý vị muốn; Hazrat sẽ dọn ra.’ “Một số người đòi sữa, số khác đòi nước trái cây. Ta chẳng mấy ngạc nhiên khi Babu hết cả bình tĩnh đòi whisky! Người Hồi giáo ra lệnh; Hazrat được việc liền gửi những thùng niêm kín trôi xuống đánh thịch giữa sàn. Ai nấy đều tìm thấy thức uống mình muốn.

“Lời hứa hẹn về điều kỳ lạ ngoạn mục thứ tư trong ngày rõ ràng là làm hài lòng ông chủ nhà của bọn ta: Afzal ngỏ ý dọn một bữa ăn trưa tức thì!

“ ‘Ta hãy gọi những món đắt tiền nhất đi,’ Babu thảm sầu gợi ý. ‘Ta muốn một bữa ăn cầu kỳ cho năm trăm rupi của ta. Mọi thứ đều phải được dọn trên đĩa vàng!’ “Ngay khi ai nấy đều đã nói ra những thứ mình thích rồi, fakir quay qua Hazrat không bao giờ cạn. Tiếp đó là một tiếng loảng xoảng thật to; đĩa vàng đơm đầy cà ri nấu nướng công phu, luchi nóng, và nhiều hoa quả trái mùa chẳng biết từ đâu hạ xuống bên chân bọn ta. Món nào món nấy ngon lành. Sau khi đã ăn tiệc cả giờ rồi, chúng ta lục tục rời phòng. Một tiếng ồn kinh khủng, như thể chén đĩa đang được chồng lên, khiến chúng ta quay lại.

Lạ chưa! chẳng còn dấu vết đĩa vàng lấp lánh hay đồ ăn thừa đâu nữa.”

“Thưa sư phụ,” tôi ngắt lời, “nếu Afzal có thể dễ dàng có được những thứ như đĩa vàng thì tại sao hắn lại còn thèm thuồng tài sản của kẻ khác?”

“Fakir này chưa đạt trình độ tâm linh cao,” Sri Yukteswar giải thích. “Hắn tinh thông một kỹ thuật yoga nhất định giúp hắn tiếp cận một tầng trời mà bất cứ mong muốn nào cũng sẽ tức thì thành hiện thực. Nhờ trung gian, một thực thể vô hình là Hazrat, người Hồi giáo đó có thể tập hợp nên các nguyên tử của bất cứ vật gì từ năng lượng ête bằng một hành vi ý chí mạnh mẽ. Nhưng các vật siêu nhiên đó chỉ là phù du về mặt cấu trúc; chúng không thể tồn tại lâu dài[165]. Afzal vẫn thèm khát của cải trần gian, thứ mà, dù khó khăn mới có được, nhưng lại có tính lâu bền đáng tin cậy hơn.”

Tôi cười. “Đến cả thứ ấy, đôi khi cũng biến mất không giải thích được!”

“Afzal không phải là người đã giác ngộ Thượng đế,” thầy nói tiếp. “Những phép lạ có tính thường hằng và ích lợi mới do các bậc chân thánh làm, vì họ đã hòa mình với Đấng Sáng tạo toàn năng. Afzal chỉ là một người phàm có khả năng đặc biệt là thâm nhập vào trung giới mà thường người trần chỉ sau khi chết đi mới bước vào.”

“Giờ thì con hiểu rồi, thưa sư phụ. Thế giới bên kia xem ra cũng có vài nét hấp dẫn.”

Thầy đồng tình. “Sau hôm ấy ta không hề gặp lại Afzal, nhưng vài năm sau Babu đến nhà cho ta xem một bài báo có lời tự thú của người Hồi giáo đó trước công chúng. Qua đó mà ta biết được các chi tiết ta vừa kể con nghe về chuyện Afzal hồi đầu được một yogi Ấn Độ điểm đạo.”

Ý chính trong phần sau bài báo được đăng, theo như Sri Yukteswar nhớ lại, là như sau: “Tôi, Afzal Khan, đang viết những dòng này như một sự sám hối và một lời răn cho những ai tìm cách sở đắc thần thông. Nhiều năm trời tôi đã lạm dụng các thần thông trao cho tôi qua ân huệ của Thượng đế và thầy tôi. Tôi đã trở nên say sưa thói ngã mạn, cảm thấy rằng mình đã vượt lên khỏi những quy luật sinh tử bình thường. Ngày đền tội của tôi cuối cùng rồi cũng đã đến.

“Mới đây tôi gặp một ông lão trên một con đường ngoài Calcutta. Ông lão đi tập tễnh đau đớn, cầm một vật sáng chói trông như vàng. Tôi tiến lại chỗ ông với tham tâm.

“ ‘Ta là Afzal Khan, fakir vĩ đại đây. Ông có gì kia?’ “ ‘Quả cầu vàng này là tài sản vật chất duy nhất ta có; chắc nó chẳng khiến fakir để tâm đâu. Lão cầu xin anh, fakir, chữa tật què giùm lão.”

“Tôi sờ quả cầu rồi bỏ đi ngay không trả lời gì. Ông già cà nhắc theo tôi. Chẳng mấy chốc ông ta khóc rống lên: ‘Vàng của ta mất rồi!’ “Vì tôi chẳng ngó lại, ông lão bỗng nói bằng một giọng sang sảng phát ra thật lạ lùng từ hình hài yếu ốm của ông:

“ ‘Mi không nhận ra ta sao?’ “Tôi đứng lặng không nói nên lời, thất kinh khi nhận ra quá muộn màng rằng người què già nua tầm thường này chẳng phải ai khác mà chính là bậc đại thánh, người đã lâu, rất lâu trước đây, từng điểm đạo cho tôi vào yoga. Ông rướn thẳng người lên, thân thể ông tức thì trở nên mạnh khỏe trẻ trung.

“ ‘Ha!’ Cái nhìn của sư phụ rực lửa. ‘Ta tận mắt thấy là mi dùng các quyền năng của mi, không phải để giúp nhân loại khổ đau; mà để rình mò thiên hạ như một tên trộm tầm thường! Ta sẽ thu lại các bí thuật của mi; Hazrat giờ được tự do khỏi tay mi. Mi sẽ không còn là nỗi kinh hoàng cho Bengal nữa!’ “Tôi kêu cầu Hazrat với giọng điệu thống khổ; lần đầu tiên, hắn không hiện ra trước cái thấy bên trong tôi. Nhưng một tấm màn đen đột nhiên vén lên; tôi thấy rõ ràng lời nguyền rủa đời mình.

“ ‘Sư phụ của con, con tạ ơn thầy đã đến xua đi mê mờ bao năm của con.’ Tôi khóc lóc dưới chân thầy. ‘Con hứa từ bỏ mọi ham muốn trần gian. Con sẽ lui vào núi, một mình trầm tư về Thượng đế, những mong chuộc lại quá khứ ác của mình.’ “Thầy tôi im lặng nhìn tôi với lòng trắc ẩn. ‘Ta cảm nhận được sự thành tâm của con,’ cuối cùng thầy nói. ‘Vì những năm trước kia con đã nghiêm chỉnh vâng lời, và vì sự ăn năn của con lúc này, ta sẽ ban cho con một ân huệ. Các quyền phép khác của con giờ đã mất, nhưng mỗi khi cần cái ăn cái mặc, con vẫn có thể gọi Hazrat mang đến cho. Hãy một lòng một dạ dâng mình cho hiểu biết thiêng liêng trong quạnh hiu núi rừng.’ “Đoạn sư phụ tôi biến mất; còn lại một mình tôi khóc lóc và ngẫm suy. Vĩnh biệt, thế giới trần tục! Tôi sẽ đi tìm sự tha thứ của Đấng Yêu thương Vũ trụ.”

* * *

Chú thích:

[161] Nơi ở cho sinh viên; từ chữ pantha, kẻ lang thang, tìm kiếm tri thức.

[162] Yogi Hồi giáo; từ chữ faqir tiếng A rập, nghèo; ban đầu dùng để chỉ các tu sĩ hành xác phát thệ nghèo khổ.

[163] Về sau cha tôi kể rằng công ty Hỏa xa Bengal-Nagpur của cha cũng là một trong những công ty nạn nhân của Afzal Khan.

[164] Tôi không nhớ tên người bạn của Sri Yukteswar nên phải gọi ông vắn tắt là “Babu” (ông).

[165] Giống như cái bùa bằng bạc của tôi, một vật siêu nhiên, cuối cùng đã biến mất khỏi trái đất này (trung giới được mô tả trong chương 43).

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3