Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 19

CHƯƠNG 19

Thầy tôi, ở Calcutta, hiện ra ở Serampore

“Mình thường bị những hoài nghi vô thần dằn vặt. Còn nữa, một mối ngờ vực giày vò đôi khi ám ảnh mình: có chăng những khả năng linh hồn chưa được thăm dò? Nếu con người không khám phá ra được những khả năng đó, liệu hắn có bỏ lỡ mất định mệnh đích thực của mình hay không?”

Dijen Babu, bạn cùng phòng của tôi ở nhà trọ Panthi, nói vậy khi tôi mời cậu ta gặp sư phụ.

“Sri Yukteswar sẽ điểm đạo cho bạn vào Kriya Yoga,” tôi đáp.

“Nó làm tĩnh lại mối xáo trộn nhị nguyên bằng một niềm tin nội tâm thiêng liêng.”

Chiều hôm ấy Dijen theo tôi đến tịnh thất. Bên thầy, bạn tôi nhận được sự bình an tâm linh tới mức chẳng mấy chốc cậu ta đã trở thành một vị khách thường xuyên.

Những lo toan vụn vặt của đời sống hàng ngày không thỏa đáp được những mong cầu sâu thẳm nhất trong chúng ta; cả minh triết cũng vậy, con người cũng có một nỗi đói khát tự nhiên. Qua những điều Sri Yukteswar nói, Dijen thấy muốn khám phá bên trong mình một bản ngã chân thật hơn cái bản ngã hời hợt của một kiếp người ngắn ngủi.

Vì cả Dijen và tôi đều đang theo học chương trình cử nhân tại Đại học Serampore nên chúng tôi có thói quen cùng đến ashram ngay sau giờ tan học. Chúng tôi thường thấy Sri Yukteswar đứng trên ban công tầng hai, đón chúng tôi bước lại với một nụ cười.

Một chiều nọ Kanai, một cư sĩ trẻ trong tịnh thất, đón Dijen và tôi ở cửa với cái tin thất vọng.

“Thầy không có đây; thầy được một lời nhắn khẩn mời đến Calcutta.”

Ngày hôm sau tôi nhận được một bưu thiếp của sư phụ. “Ta sẽ rời Calcutta sáng thứ Tư,” thầy viết. “Con và Dijen hãy ra đón chuyến tàu chín giờ sáng ở ga Serampore.”

Chừng tám giờ ba mươi sáng thứ Tư, một lời nhắn thần giao cách cảm từ Sri Yukteswar cứ dai dẳng lóe lên trong tôi. “Ta bị trễ; đừng đến đón chuyến xe lửa chín giờ.”

Tôi truyền đạt lại lời dặn mới cho Dijen lúc này đã thay đồ để lên đường.

“Bạn và cái trực giác của bạn!” Giọng bạn tôi sắc lẻm khinh khỉnh. “Mình thích tin vào cái thầy đã viết hơn.”

Tôi nhún vai và ngồi xuống im lặng dứt khoát. Lầm bầm tức giận, Dijen đi ra cửa rồi đóng sầm sau lưng.

Vì căn phòng hơi tối nên tôi dịch lại gần ô cửa sổ nhìn ra đường. Ánh nắng nhạt bỗng đâu đậm lên thành một ánh sáng rực rỡ làm ô cửa sổ song sắt nhòa mất trong nó. Trên nền sáng chói lòa ấy hiện ra dáng người Sri Yukteswar bằng xương bằng thịt!

Ngạc nhiên đến bàng hoàng, tôi bật dậy khỏi ghế mà quỳ trước thầy. Khi chào với cử chỉ cung kính dưới chân thầy như mọi khi, tôi sờ đôi giày thầy. Đôi giày này tương tự đôi tôi mang, bằng vải bố màu cam, đế bện thừng. Tấm áo swami màu hoàng thổ của thầy phất lên tôi; tôi cảm thấy rõ không chỉ sớ vải áo của thầy mà cả mặt vải giày sần sùi của thầy nữa, và cái sức nặng mấy ngón chân thầy đè lên giày. Kinh ngạc quá chẳng thốt nên lời, tôi đứng lên và nhìn thầy đầy dò hỏi.

“Ta hài lòng là con đã đón được lời nhắn thần giao cách cảm của ta.” Giọng thầy điềm đạm, hoàn toàn bình thường. “Giờ ta vừa xong việc ở Calcutta, và sẽ về Serampore bằng chuyến tàu mười giờ.”

Vì tôi vẫn nhìn trân trân chẳng nói chẳng rằng, Sri Yukteswar nói tiếp, “Đây không phải là ma quỷ hiện hình đâu, mà là hình hài bằng xương bằng thịt của ta. Ta đã được lệnh thiêng là cho con chứng nghiệm chuyện này, điều hiếm thấy ở cõi trần. Hãy đón ta ở sân ga; con và Dijen sẽ thấy ta đi về phía các con, ăn mặc như lúc này đây. Đi trước ta sẽ là một hành khách đi cùng - một thằng bé cầm một cái bình bạc.”

Sư phụ đặt hai tay lên đầu tôi, với một lời ban phúc khẽ. Khi thầy dứt bằng câu, “Tabe asi[166],” thì tôi nghe thấy một tiếng rền kỳ lạ[167]. Thân thầy bắt đầu tan dần dần trong ánh sáng rỡ ràng. Đầu tiên hai bàn chân và hai chân thầy biến mất, rồi đến thân hình và đầu, như một cuộn giấy cuốn lại. Sau cùng tôi vẫn còn cảm nhận được mấy ngón tay thầy để nhẹ trên tóc mình. Ánh sáng ngời nhạt đi; chẳng còn lại gì trước mặt tôi ngoài ô cửa sổ chấn song và một dòng nắng nhợt nhạt.

Tôi ngồi lại như mụ mị, băn khoăn không biết mình có phải là nạn nhân của ảo giác hay không. Chốc sau, một Dijen ỉu xìu bước vào phòng.

“Thầy không có trên chuyến xe lửa chín giờ hay ngay cả là chín giờ ba mươi.” Bạn tôi thông báo với vẻ hơi xin lỗi.

“Thấy chưa, mình biết thầy sẽ tới lúc mười giờ.” Tôi nắm tay Dijen và giục cậu ta theo tôi, mặc sự phản đối của bạn. Trong chừng mười phút, chúng tôi đã vào tới nhà ga, nơi xe lửa đã phì phì dừng lại.

“Cả xe lửa bàng bạc ánh hào quang của thầy! Thầy kia kìa!”

Tôi reo lên vui sướng.

“Bạn mơ thế à?” Dijen cười chế giễu.

“Ta hãy chờ ở đây.” Tôi thuật cho bạn các chi tiết trong cách thức mà sư phụ sẽ đi tới chỗ chúng tôi. Tôi vừa tả xong thì Sri Yukteswar hiện ra trong tầm mắt, mặc đúng bộ đồ tôi đã thấy mới lúc trước đây thôi. Thầy đi thong thả sau một thằng bé cầm một cái bình bằng bạc.

Trong thoáng chốc một làn sóng sợ hãi lạnh toát bỗng tràn qua tôi, vì sự kỳ lạ không thể tin nổi trong điều tôi chứng nghiệm.

Tôi cảm thấy cõi đời thế kỷ hai mươi duy vật trôi xa mình; phải chăng tôi đã về lại những ngày xưa khi Jesus hiện ra trước mặt Peter (Phêrô) bên bờ biển?

Khi Sri Yukteswar, Yogi-Chúa ngày nay, đến gần chỗ Dijen và tôi đang đứng không nói nên lời, thầy mỉm cười với bạn tôi mà nói:

“Ta cũng đã gửi lời nhắn cho con, nhưng con chưa thể nắm bắt.”

Dijen im lặng, nhưng trừng mắt nhìn tôi nghi hoặc. Sau khi đưa sư phụ về tịnh thất rồi, bạn tôi và tôi đi tiếp đến Đại học Serampore. Dijen dừng lại giữa đường, phừng phừng phẫn nộ.

“Vậy đó! Thầy đã gửi lời nhắn cho mình! Vậy mà bạn giấu nó!

Mình cần một lời giải thích!”

“Mình làm gì được đây khi mà mặt gương tinh thần của bạn dao động nhấp nhô tới mức bạn không thể ghi nhận lại chỉ dẫn của sư phụ?” Tôi đáp trả.

Cơn giận trên mặt Dijen tan biến. “Mình hiểu bạn muốn nói gì rồi,” cậu ta nói sầu não. “Nhưng làm ơn giải thích sao bạn lại biết được chuyện thằng bé cầm cái bình bạc.”

Khi tôi kể xong câu chuyện về sự xuất hiện kỳ bí của thầy ở phòng trọ sáng hôm ấy thì bạn tôi và tôi đã tới Đại học Serampore.

“Câu chuyện mình vừa nghe về các quyền năng của sư phụ bạn,” Dijen nói, “khiến mình thấy đại học nào trên đời này cũng chỉ là một nhà trẻ[168].”

Thánh Thomas Aquinas, “ông hoàng của các triết gia kinh viện”, đã nói như vậy khi trả lời những hối thúc lo lắng của thư ký rằng cần viết cho xong Summa Theologiae (Tổng luận thần học). Một ngày năm 1273, vào buỗi Thánh Lễ tại một nhà thờ ở Naples, thánh Thomas đã ngộ được một tri kiến thâm mật. Niềm vui từ hiểu biết thiêng liêng choáng ngợp đến mức từ đó về sau thánh không còn hứng thú với tri thức nữa.

Đối chiếu với câu của Socrates (trong Phaedrus của Plato): “Về phần ta, ta chỉ biết mỗi một điều là ta không biết gì cả.”

* * *

Chú thích:

[166] “Tạm biệt” trong tiếng Bengal; nghĩa đen thì nó lại là một nghịch lý đầy hy vọng: “Rồi ta sẽ tới.”

[167] Âm thanh đặc thù khi các nguyên tử thể xác phân rã.

[168] “Ta được soi rạng những thứ mà đến đỗi giờ đây trong mắt ta những gì ta đã viết xem ra chẳng hơn gì rơm rạ.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3