Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 20

CHƯƠNG 20

Chúng tôi chưa đi Kashmir

“Thưa cha, con muốn mời thầy và bốn người bạn cùng con tới chân núi Himalaya trong kỳ nghỉ hè. Con có thể xin sáu vé tàu đến Kashmir và đủ tiền trang trải chi phí đi lại không?”

Đúng như tôi đã thấy trước, cha cười thật lòng. “Đây là lần thứ ba rồi con nói với cha cũng câu chuyện vẽ vời ấy. Chẳng phải con cũng đã có lời yêu cầu tương tự hồi hè vừa qua, rồi năm trước nữa sao? Phút chót Sri Yukteswar lại không chịu đi.”

“Đúng thế, thưa cha; con không hiểu sao sư phụ lại không cho con biết ý dứt khoát về chuyện đi Kashmir[169]. Nhưng nếu con báo với thầy là con đã xin được vé từ cha, không hiểu sao con nghĩ là lần này thầy sẽ ưng thuận mà đi.”

Lúc đó cha không tin tưởng mấy, nhưng hôm sau, sau vài lời chế giễu khôi hài, cha lại đưa tôi sáu tấm vé và một xấp tờ mười rupi.

“Cha thật khó mà tin là một chuyến đi lý thuyết lại cần nhiều tài sản thực tế như vậy,” cha bình luận, “nhưng thôi thì đây.”

Chiều hôm ấy tôi trưng chiến lợi phẩm ra cho Sri Yukteswar xem. Thầy mỉm cười trước sự nhiệt tình của tôi, nhưng lời thầy lại lấp lửng: “Ta cũng muốn đi lắm; để xem đã.” Thầy không nói gì khi tôi bảo Kanai, đệ tử nhỏ của thầy ở tịnh thất đi cùng chúng tôi.

Tôi còn mời ba người bạn - Rajendra Nath Mitra, Jotin Auddy, và một anh chàng nữa. Ngày chúng tôi lên đường đã được ấn định là thứ Hai tuần sau.

Hôm thứ Bảy và Chủ nhật tôi ở lại Calcutta, vì lễ cưới của một người anh họ được tổ chức tại nhà chúng tôi. Sáng sớm thứ Hai tôi vác hành lý tới Serampore. Rajendra đón tôi ở cửa tịnh thất.

“Thầy ra ngoài đi dạo rồi. Thầy không chịu đi.”

Tôi vừa buồn cũng vừa ngoan cố. “Mình sẽ không cho cha cơ hội thứ ba để châm chọc cái kế hoạch đi Kashmir viển vông của mình đâu. Mấy người còn lại bọn mình sẽ đi.”

Rajendra đồng ý; tôi rời ashram đi tìm một người hầu. Kanai, sẽ không đi mà không có thầy, tôi biết, nhưng cần phải có ai đó trông coi hành lý. Tôi sực nhớ ra Behari, trước đây là người làm trong nhà chúng tôi, giờ được một hiệu trưởng ở Serampore mướn.

Đang đi thoăn thoắt thì tôi gặp sư phụ trước một nhà thờ Cơ Đốc gần Tòa án Serampore.

“Con đi đâu đây?” Mặt Sri Yukteswar nghiêm trang. “Thưa thầy, con nghe là Kanai và thầy sẽ không tham gia chuyến đi ta đã dự trù. Con đang đi kiếm Behari. Thầy sẽ nhớ ra là năm ngoái anh ta ước ao được thấy Kashmir đến nỗi anh ta còn đòi làm không công nữa.”

“Ta nhớ rồi. Tuy nhiên, ta không cho là Behari sẽ sẵn lòng đi đâu.”

Tôi bực tức. “Anh ta nóng lòng chờ dịp này lắm mà!”

Sư phụ lặng lẽ đi tiếp; chẳng mấy chốc tôi tới được nhà ông hiệu trưởng. Behari, đang ở trong sân, chào đón tôi với sự niềm nở thân tình mà bỗng dưng biến mất vừa khi tôi nhắc đến Kashmir. Lí nhí một tiếng xin lỗi, người hầu bỏ tôi lại rồi đi vào nhà chủ. Tôi chờ nửa giờ, bồn chồn tự trấn an mình rằng Behari chậm trễ vì lo thu xếp cho chuyến đi. Rốt cuộc tôi gõ cửa trước.

“Behari đã bỏ đi bằng cửa sau độ ba mươi phút trước rồi,” một người đàn ông cho tôi hay. Một nụ cười thấp thoáng trên môi ông.

Tôi buồn bã quay đi, băn khoăn không rõ do lời mời của mình quá ép buộc hay do ảnh hưởng siêu hình của thầy tác động. Đi ngang nhà thờ Cơ Đốc, tôi lại thấy sư phụ đang thong thả đi về phía tôi. Không chờ nghe tôi thuật lại, thầy thốt lên:

“Vậy là Behari sẽ không đi! Giờ, con tính sao?”

Tôi cảm thấy như một đứa con nít cứng đầu cứng cổ quyết thách thức ông cha chuyên quyền. “Thầy, con sẽ đi hỏi ông bác cho con mượn anh giúp việc Lal Dhari của bác.”

“Cứ đi gặp bác con nếu con muốn,” Sri Yukteswar đáp mà cười tủm tỉm. “Nhưng ta khó mà tin là con sẽ vui khi tới đó.”

E sợ nhưng chống đối, tôi chia tay sư phụ rồi bước vào Tòa án Serampore. Bác tôi, Sarada Ghosh, một viên chức tư pháp, trìu mến chào đón tôi.

“Hôm nay cháu cùng mấy người bạn sẽ đi Kashmir,” tôi nói với bác. “Cháu trông chờ tới chuyến đi Himalaya này đã nhiều năm nay rồi.”

“Bác mừng cho cháu, Mukunda. Bác có thể làm được gì cho chuyến đi của cháu thoải mái hơn không?”

Những lời tốt bụng khuyến khích tôi. “Bác quý mến,” tôi nói, “bác có thể nhường cho cháu anh Lal Dhari, người làm của bác không?”

Lời yêu cầu giản dị của tôi có tác động của một trận địa chấn.

Ông bác lồng lên dữ dội tới nỗi ghế bác ngồi lật úp, giấy tờ trên bàn bay tứ tán, còn cái ống điếu của bác, một cái tẩu ống dừa dài, rơi xuống sàn loảng xoảng.

“Mi, đồ thanh niên ích kỷ,” ông bác quát, run lên vì thịnh nộ, “quả là một ý ngược đời! Ai sẽ chăm sóc ta, nếu mi lấy đi người hầu hạ cho một trong mấy cuộc du ngoạn của mi?”

Tôi giấu nỗi ngạc nhiên, ngẫm rằng sự đổi chiều đột ngột của ông bác tốt bụng chỉ là một điều khó hiểu nữa trong một ngày dành trọn cho những điều không thể hiểu nổi. Tôi rút lui khỏi tòa án nhanh nhảu hơn là tức giận.

Tôi quay lại tịnh thất, nơi các bạn đang tụ tập ra chiều chờ đợi. Một niềm xác tín lớn dần trong tôi là có một lý do nào đó chính đáng, nếu không quá cao siêu, đằng sau thái độ của thầy.

Nỗi ân hận giày vò tôi vì đã cố ngăn trở ý muốn của sư phụ.

“Mukunda, con không muốn ở lại với ta thêm một lát sao?”

Sri Yukteswar hỏi. “Rajendra và mấy người kia giờ cứ việc đi trước, rồi chờ con ở Calcutta. Vẫn còn nhiều thời gian để đón chuyến xe lửa chiều sau cùng rời Calcutta đi Kashmir mà.”

“Thầy, con chẳng màng đi mà không có thầy,” tôi nói sầu não.

Các bạn tôi chẳng đếm xỉa gì đến lời tôi. Họ gọi một chiếc xe ngựa rồi lên đường cùng tất cả hành lý. Kanai và tôi lặng lẽ ngồi bên chân thầy. Sau nửa giờ im lặng, thầy đứng lên, bước ra ban công phòng ăn ở tầng hai.

“Kanai, phiền con dọn thức ăn cho Mukunda. Xe lửa của nó sắp chạy rồi.”

Đứng lên khỏi tấm chăn ngồi, tôi bỗng loạng choạng buồn nôn và có cảm giác cồn cào khủng khiếp trong bụng. Cơn đau nhói mạnh đến mức tôi cảm thấy như thình lình bị ném vào một địa ngục hung tợn nào đó. Quờ quạng đi lại phía sư phụ, tôi khuỵu xuống trước thầy, bộc lộ mọi triệu chứng của bệnh tả đáng sợ. Sri Yukteswar và Kanai khiêng tôi tới phòng khách.

Tôi kêu lêu đau đớn: “Thầy, con dâng mạng sống của con cho thầy”; vì tôi tin sự sống quả đang rút nhanh khỏi bờ thể xác mình.

Sri Yukteswar đặt đầu tôi vào lòng, vuốt trán tôi với sự dịu dàng thần tiên.

“Giờ con đã thấy cái gì có thể xảy ra nếu con đang ở nhà ga cùng đám bạn rồi đó,” thầy nói. “Ta phải chăm sóc con theo kiểu lạ lùng này, vì con đã quyết nghi ngờ ý ta về chuyện đi đúng vào lúc này.”

Cuối cùng thì tôi đã hiểu. Vì các đại sư hiếm khi thấy cần phải phô bày các quyền năng của mình trước mặt mọi người, một người tình cờ quan sát các sự kiện ngày hôm đó có thể sẽ thấy nó hoàn toàn bình thường. Sự can thiệp của sư phụ tinh tế tới mức không thể phát hiện. Thầy đã kín đáo tác động ý muốn của mình qua Behari, bác tôi, Rajendra và những người khác. Có lẽ trừ tôi ra, ai cũng nghĩ các tình huống đều hợp lý và bình thường.

Vì Sri Yukteswar chưa hề quên tuân theo các đòi hỏi xã hội, thầy bảo Kanai cho mời một thầy thuốc và báo cho bác tôi hay.

“Thầy,” tôi phản đối, “chỉ có thầy mới chữa được cho con.

Tình trạng của con đã tới nước không còn cậy vào thầy thuốc được nữa rồi.”

“Con ơi, con được Nhân Từ Thiêng Liêng che chở. Đừng lo về ông thầy thuốc; ông ta sẽ không thấy con trong tình trạng này đâu.

Con đã được chữa lành rồi.”

Khi thầy nói vậy thì cơn đau không chịu đựng nổi cũng đã hết. Tôi gắng gượng ngồi dậy. Chẳng bao lâu sau một thầy thuốc tới và khám cho tôi cẩn thận.

“Anh xem ra đã qua phút tồi tệ nhất rồi,” ông nói. “Tôi sẽ lấy ít mẫu đem về thử ở phòng thí nghiệm.”

Sáng hôm sau ông thầy thuốc hấp tấp tới. Tôi đang ngồi thẳng, tinh thần sảng khoái.

“À, à, anh đây rồi, cười nói cứ như thể không phải anh vừa suýt chết.” Ông dịu dàng vỗ vỗ bàn tay tôi. “Tôi thật không nghĩ được sẽ thấy anh còn sống sau khi phát hiện ở mẫu thí nghiệm là anh bị dịch tả. Anh may mắn lắm, anh bạn trẻ, có một sư phụ sở đắc thần lực chữa bệnh! Tôi tin chắc điều đó!”

Tôi hết sức đồng tình. Khi ông thầy thuốc toan ra về thì Rajendra và Auddy xuất hiện ở cửa. Vẻ hằn học trên mặt họ biến thành cảm thông khi họ liếc thấy ông thầy thuốc và rồi thấy sắc mặt tôi có phần nhợt nhạt.

“Bọn mình đã bực khi bạn không ra xe lửa đi Calcutta như đã giao hẹn. Bạn bị bệnh à?”

“Phải.” Tôi không nhịn được cười khi các bạn tôi xếp hành lý vào lại đúng góc hôm qua nó đã ở đó. Tôi diễn giải thêm:

“Có một chiếc tàu nọ dong buồm đi Tây Ban Nha; nó chưa tới nơi thì đã quay trở lại rồi!”

Thầy bước vào phòng. Tôi tự cho phép mình vô lễ vì mới bệnh dậy, rồi đầy thương yêu cầm lấy bàn tay thầy.

“Thưa sư phụ,” tôi nói, “từ năm mười hai tuổi, con đã nhiều lần cố đi Himalaya mà không thành. Cuối cùng thì con cũng đã tin chắc rằng không có sự ban phúc của thầy thì nữ thần Parvati[170] sẽ không thu nhận con!”

* * *

Chú thích:

[169] Thầy không chịu giải thích, thế nhưng việc thầy miễn cưỡng không muốn du ngoạn Kashmir trong hai mùa hè đó có thể là do một cái biết trước là vẫn chưa đến lúc thích hợp để thầy bị bệnh ở đó (xem trang 270 và các trang tiếp theo).

[170] Nghĩa đen là “của núi”. Parvati theo thần thoại miêu tả là công chúa con vua Himalaya (nghĩa đen là “nơi ở của tuyết”), nhà của ngài là một đỉnh núi nọ trên biên giới Tây Tạng. Lữ khách kinh ngạc khi đi ngang dưới đỉnh núi không thể lên tới ấy, thấy từ xa một khối tuyết hùng vĩ hao hao giống một cung điện, có mái vòm và tháp nhỏ bằng băng. Parvati, Kali, Durga, Uma, và các nữ thần khác là các diện mạo của Jaganmatri, “Thánh Mẫu Hoàn vũ”, được gọi bằng nhiều tên khác nhau để làm nổi bật các chức năng riêng biệt. Thượng đế hay Shiva (xem chú thích trang 378) trong para hay dáng vẻ siêu việt của Ngài thì không hoạt động trong sáng tạo; các shakti của Ngài (năng lực, lực khởi động) được giao cho các “vợ” của Ngài, là các quyền năng “âm” đầy sáng tạo làm nên sự sinh sôi nảy nở vô cùng vô tận trong vũ trụ. Các chuyện cổ tích Purana cho rằng Himalaya là nơi ở của Shiva. Nữ thần Ganga từ trời xuống làm thần cai quản con sông bắt nguồn từ Himalaya; sông Hằng (Ganges) do vậy mà được truyền tụng một cách nên thơ là chảy từ trời xuống hạ giới qua tóc của Shiva, “Vua của các Yogi” và là Đấng Hủy diệt-Khôi phục trong Ba Ngôi. Kalidasa, “Shakespeare của Ấn Độ”, đã mô tả Himalaya là “tràng cười của Shiva”. “Người đọc có thể bằng cách nào đó hình dung được hàm răng trắng khổng lồ ấy,” F. W. Thomas viết trong The Legacy of India (Di sản của Ấn Độ) (Oxford), “nhưng ý nghĩa trọn vẹn thì có lẽ anh ta vẫn chưa hiểu được, trừ khi anh ta nhận ra dáng vóc Ascete vĩ đại, đời đời ngự trên cõi non cao sừng sững, nơi sông Hằng từ trời đổ xuống qua mái tóc rối của ngài, với mặt trăng làm viên đá quý trên đỉnh.” (Xem hình Shiva trong phần ảnh minh họa, trang 494). Trong nghệ thuật Ấn Độ giáo, Shiva thường được mô tả là mặc một tấm da linh dương đen mượt như nhung, tượng trưng cho bóng tối và sự huyền bí của đêm - y phục duy nhất của Ngài, digambara, “đấng mặc áo da”. Một số giáo phái thờ Shiva không mặc quần áo để tỏ lòng tôn kính Đấng không sở hữu gì - mà sở hữu tất cả. Một trong những vị thành hoàng của Kashmir, Lalla Yogiswari thế kỷ 14 (“Nữ chủ Tối thượng của Yoga”), là một tín đồ Shiva “mặc áo da”. Một người đương thời thấy chướng tai gai mắt đã hỏi thánh tại sao ngài lại giữ giới lõa thể. “Sao không?” Lalla đáp chua cay. “Ta chẳng thấy có người nào quanh đây cả.” Theo lối suy nghĩ có phần quyết liệt của Lalla, kẻ nào chưa giác ngộ Thượng đế thì không xứng danh là “người”. Thánh tu luyện một kỹ thuật có liên hệ mật thiết với Kriya Yoga mà thánh đã tán tụng khả năng giải thoát của nó trong nhiều bài tứ tuyệt. Tôi sẽ dịch một trong những bài ấy ở đây: Có chua cay sầu muộn nào mà ta chưa uống? Biết bao vòng sinh tử, tử sinh. Lạ thay! chẳng có gì trong chén ta ngoài mật ngọt Mà nghệ thuật hơi thở cạn một hơi. Không trải qua cái chết con người, thánh tự làm mất xác thân trong lửa. Về sau thánh hiện ra trước dân thị trấn đang thương khóc mình, một hình hài sống khoác kim y - cuối cùng thì cũng mặc kín đáo!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3