Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 21
CHƯƠNG 21
Chúng tôi đi Kashmir
“Giờ con đã đủ khỏe để đi rồi. Ta sẽ theo các con đi Kashmir,” Sri Yukteswar báo cho tôi hai ngày sau khi tôi khỏi bệnh tả một cách huyền nhiệm.
Chiều hôm ấy, nhóm sáu người chúng tôi lên xe lửa đi về phía Bắc. Trạm dừng thư thả đầu tiên của chúng tôi là ở Simla, một thành phố như một bà hoàng ngự trên ngai Himalaya. Chúng tôi tản bộ khắp những con đường dốc đứng, chiêm ngưỡng những cảnh đẹp kỳ vĩ.
“Dâu Anh bán đây,” một bà già rao, ngồi chồm hỗm trong một khu chợ trời đẹp mắt.
Thầy tò mò về mấy quả nhỏ có màu đỏ lạ lùng đó. Thầy mua một giỏ to rồi mời Kanai và tôi đang đứng bên. Tôi thử nếm một quả nhưng vội phun xuống đất.
“Thầy, quả này chua quá! Chắc con chẳng bao giờ thích dâu được đâu!”
Sư phụ cười. “Ồ, con sẽ thích mà - ở Hoa Kỳ. Tại một bữa ăn tối ở đấy, bà chủ nhà sẽ dọn dâu tây trộn đường và kem. Khi bà ta dùng nĩa nghiền dâu xong, con sẽ nếm rồi nói: ‘Dâu ngon quá!’ Bấy giờ con sẽ nhớ lại ngày này ở Simla.”
(Lời tiên tri của Sri Yukteswar lặn mất trong đầu tôi, nhưng lại hiện về nhiều năm sau, không lâu sau khi tôi tới Hoa Kỳ. Tôi là khách được mời đến ăn tối tại nhà bà Alice T. Hasey [chị Yogmata] ở Tây Somerville, bang Massachusetts. Khi món tráng miệng dâu tây được dọn ra bàn, bà chủ nhà cầm cái nĩa lên nghiền dâu cho tôi, thêm kem và đường vào. “Trái cây khá chua; tôi nghĩ thầy sẽ thích nó thế này hơn,” bà nói. Tôi ăn một miếng. “Dâu ngon quá!” tôi thốt lên. Tức thì lời tiên tri của sư phụ ở Simla hiện về từ đáy sâu ký ức khôn dò trong tôi. Tôi kinh hoàng nhận ra rằng rất lâu trước đây, tâm thức hòa điệu với Thượng đế của thầy đã phát hiện ra lịch trình các sự kiện nghiệp lang thang trong ête của tương lai.)
Nhóm chúng tôi chẳng mấy chốc rời Simla lên xe lửa đi Rawalpindi. Ở đó, chúng tôi thuê một cỗ xe lanđô to có mui, do hai ngựa kéo, cho một chuyến đi bảy ngày tới Srinagar, thủ phủ của Kashmir. Ngày thứ hai trong chuyến hành trình về phía Bắc bày ra trước mắt cái bao la thật sự của Himalaya. Khi mấy bánh sắt xe ngựa chở chúng tôi cót két dọc những con đường đá nóng bỏng, chúng tôi bị hút hồn trước những khung cảnh biến ảo của kỳ vĩ núi non.
“Thưa thầy,” Auddy nói với thầy, “con rất sung sướng được ngắm những cảnh lộng lẫy này bên thầy tôn kính.”
Tôi cảm thấy rộn ràng vui sướng khi nghe câu cảm kích của Auddy, vì tôi đang đóng vai chủ xướng chuyến đi này. Sri Yukteswar bắt được ý nghĩ của tôi; thầy quay qua tôi nói nhỏ:
“Đừng có phổng mũi; Auddy không say sưa cảnh vật bằng cái viễn cảnh được bỏ ta lại đủ lâu để hút một điếu đâu[171].”
Tôi ngẩn người. “Thầy,” tôi nói thấp giọng, “xin đừng làm hỏng sự hòa thuận của chúng ta bằng những lời khó nghe này. Con không tin được là Auddy đang thèm được hút thuốc.” Tôi e sợ nhìn vị sư phụ vẫn luôn không biết kiềm chế.
“Được rồi, ta sẽ chẳng nói gì với Auddy đâu.” Thầy cười tủm tỉm. “Nhưng con sẽ thấy ngay thôi, khi xe dừng, hắn sẽ nhanh chóng bắt lấy thời cơ.”
Xe ngựa tới một quán trọ nhỏ dành cho khách lữ hành. Khi ngựa của chúng tôi được dẫn đi tắm, Auddy hỏi, “Thưa thầy, thầy có phiền không nếu con đi với người đánh xe một lát? Con muốn một chút không khí cho sảng khoái.”
Sri Yukteswar cho phép, nhưng nói với tôi: “Hắn muốn một điếu cho sảng khoái chứ đâu phải không khí cho sảng khoái.”
Chiếc xe tiếp tục hành trình ầm ĩ qua những con đường bụi bặm. Mắt thầy long lanh; thầy dặn tôi: “Nghển cổ qua cửa xe mà xem Auddy đang làm gì với không khí kìa.”
Tôi nghe lời, rồi giật mình khi thấy Auddy đang nhả những vòng khói thuốc. Tôi liếc nhìn Sri Yukteswar ra chiều xin lỗi.
“Thầy nói phải, bao giờ cũng vậy, thưa thầy. Auddy đang thưởng thức một hơi thuốc lá cùng với khung cảnh.” Tôi đoán chắc bạn tôi đã nhận món quà từ tay người đánh xe; tôi biết Auddy không mang theo điếu thuốc nào từ Calcutta cả.
Chúng tôi tiếp tục trên con đường như mê cung, vui thú ngắm cảnh sông, thung lũng, núi đá lởm chởm dốc đứng, và cơ man tầng bậc núi. Mỗi đêm chúng tôi dừng tại một lữ quán dân dã rồi nấu ăn. Sri Yukteswar đặc biệt để ý đến chế độ ăn của tôi, khăng khăng buộc tôi phải uống nước chanh trong mọi bữa ăn. Tôi vẫn còn yếu, nhưng mỗi ngày một khá hơn, dù chiếc xe ngựa chạy rầm rập quả đúng là được chế ra để làm ta không thoải mái.
Niềm háo hức sung sướng dâng trong lòng khi chúng tôi đến gần trung tâm Kashmir: vùng đất thiên đường với những hồ sen, vườn nổi, nhà thuyền lọng giăng rực rỡ, sông Jhelum lắm cầu, rồi những cánh đồng bạt ngàn hoa, tất cả được vây giữa rặng Himalaya.
Đường chúng tôi vào Srinagar đi xuyên qua một con đường hai hàng cây cao chào đón. Chúng tôi thuê phòng tại một lữ quán hai tầng nhìn qua rặng núi cao quý. Không có nước máy; chúng tôi kéo nước dùng ở một cái giếng gần đó. Thời tiết mùa hè thật lý tưởng: ngày ấm còn đêm thì se lạnh.
Chúng tôi hành hương tới một ngôi đền cổ thờ Swami Shankara ở Srinagar. Khi tôi nhìn tu viện trên đỉnh núi, in đậm trên nền trời, tôi chìm vào một trạng thái nhập định an lạc. Linh ảnh về một tòa nhà trên đỉnh núi ở một xứ sở xa xôi hiện ra; đền Shankara vời vợi ở Srinagar bỗng hóa thành tòa nhà, nơi mà, nhiều năm sau, tôi thành lập trụ sở Hội Tự giác ở Hoa Kỳ. (Khi lần đầu tiên tôi đến Los Angeles, thấy tòa nhà lớn trên đỉnh núi Washington, tôi nhận ra nó tức thì theo những linh ảnh đã qua từ lâu ở Kashmir và cả những nơi khác.) Đôi ngày ở Srinagar; rồi đi tiếp đến Gulmarg (“đường hoa núi”); cao hai nghìn sáu trăm mét. Ở đó, lần đâu tiên tôi cưỡi một con ngựa to. Rajendra trèo lên một con ngựa đua bé nhỏ có trái tim bừng bừng tham vọng tốc độ. Chúng tôi phiêu lưu vào Khilanmarg dốc đứng; con đường đi xuyên qua một cánh rừng rậm rạp, nấm đầy trên cây, nơi những lối mòn mù sương bao phủ thường rất cheo leo. Nhưng con vật bé nhỏ của Rajendra chẳng hề cho con chiến mã ngoại cỡ của tôi một phút nghỉ ngơi, ngay cả ở những khúc quanh hiểm nghèo nhất. Tới, tới, con ngựa của Rajendra cứ chạy không biết mệt, chẳng còn biết gì nữa ngoài niềm vui thi thố.
Cuộc thi mệt lả của chúng tôi được đền bù bằng một cảnh đẹp sững sờ. Lần đầu tiên trong kiếp này, tôi ngây nhìn tứ bề Himalaya đỉnh tuyết uy nghi, tầng này chồng tầng kia như những cái bóng gấu Bắc cực khổng lồ. Mắt tôi thưởng thức thỏa thuê những dải núi băng giá kéo dài bất tận trên nền trời xanh đầy nắng.
Tôi cùng những người bạn trẻ, ai nấy đều mặc áo khoác, lăn tròn vui sướng trên những triền dốc trắng lấp lánh. Trên đường xuống núi chúng tôi thấy xa xa một thảm hoa vàng mênh mông, làm rạng rỡ khung cảnh rặng núi lạnh lẽo.
Cuộc du ngoạn kế tiếp của chúng tôi là những “lạc viên” nổi tiếng của hoàng đế Jehangir ở Shalimar và Nishat Bagh. Cung điện cổ kính ở Nishat Bagh được xây ngay bên trên một thác nước thiên nhiên. Đổ dồn từ trên núi xuống, thác nước được những thiết bị khéo léo điều chỉnh sao cho chảy qua những nền đất cao muôn màu rồi phun lên thành những suối nước giữa những luống hoa lấp lánh. Dòng thác còn tràn vào cả một vài gian trong cung điện, để rồi cuối cùng nhỏ giọt đẹp như tiên cảnh vào hồ nước bên dưới.
Những khu vườn bát ngát phóng túng màu sắc - hoa hồng, hoa nhài, hoa huệ, hoa mõm chó, păngxê, oải hương, anh túc. Những hàng chinar[172], bách, anh đào đối xứng bao quanh như một vòng ngọc lục bảo; xa quá tất cả đám cây ấy sừng sững cái chân phương trắng xóa của Himalaya.
Cái gọi là nho Kashmir được xem là của ngon vật lạ ở Calcutta.
Rajendra, đã nói về bữa tiệc nho đang chờ chúng tôi ở Kashmir, vỡ mộng khi thấy ở đó không có những vườn nho lớn. Thỉnh thoảng tôi giễu cậu ta về sự chờ đợi hão huyền.
“Ồ, mình ngốn nhiều nho đến không đi nổi nữa rồi!” tôi thường nói. “Nho vô hình đang sôi trong bụng mình đây này!”
Về sau tôi nghe rằng nho ngọt mọc rất nhiều ở Kabul, phía Tây Kashmir. Chúng tôi tự an ủi mình bằng kem làm từ rabri (sữa đông đặc), có hương vị nguyên hạt dẻ cười.
Chúng tôi làm vài chuyến bằng shikara, những chiếc ghe nhỏ có lọng thêu đỏ che nắng, chạy dọc theo những con kênh chằng chịt trên hồ Dal - một hệ thống kênh rạch như một cái mạng nhện nước. Ở đây vô số vườn nổi, được làm thô sơ tạm bợ bằng những khúc gỗ và đất, làm ta ngạc nhiên, rất phi lý khi lần đầu tiên thấy rau và dưa hấu mọc giữa những vùng nước mênh mông. Thi thoảng ta sẽ thấy một nông dân, không thèm “tấc đất cắm dùi”, đang lai mảnh “đất” vuông vắn của mình vào một chỗ mới trong cái hồ lắm ngón tay.
Trong thung lũng tầng tầng lớp lớp này ta sẽ tìm thấy một mẫu mực của mọi cái đẹp trên trái đất. Nàng Kashmir đội vương miện núi, đeo vòng hoa hồ, đi giày hoa. Trong những năm sau này, khi tôi đã đi qua nhiều xứ sở, tôi mới hiểu ra tại sao Kashmir thường được gọi là thắng cảnh số một thế giới. Nó có một số nét quyến rũ của dãy Alp ở Thụy Sĩ, của Loch Lomond ở Scotland, và của những cái hồ tuyệt sắc ở Anh. Một du khách Hoa Kỳ ở Kashmir sẽ thấy rất nhiều thứ gợi nhớ cái đồ sộ gồ ghề của Alaska và đỉnh Pikes gần Denver.
Như một danh sách các thắng cảnh dự thi, tôi đề nghị giải nhất hoặc là cho cảnh lộng lẫy của hồ Xochimilco ở Mexico, nơi trời, núi, cây dương soi bóng, giữa đàn cá tung tăng, dưới cơ man làn nước; hoặc những cái hồ ở Kashmir, như những trinh nữ xinh đẹp được cặp mắt nghiêm nghị của Himalaya trông chừng. Hai nơi này nổi bật trong ký ức của tôi như những nơi yêu kiều nhất trên trái đất.
Thế nhưng tôi cũng kính sợ khi ngắm những kỳ quan, Công viên Quốc gia Yellowstone, hẻm núi Grand Canyon ở bang Colorado, và bang Alaska. Yellowstone có lẽ là nơi duy nhất trên thế giới mà ta có thể thấy vô số suối nước nóng phun cao lên không với sự đều đặn gần như của đồng hồ. Trong vùng núi lửa này, Thiên nhiên đã để lại một mẫu vật của sự sáng thế ngày trước: những suối lưu huỳnh nóng, những hồ nước màu ngọc ô-pan và ngọc xa-phia, những suối nước nóng dữ dội, và những chú gấu, sói, bò rừng, và động vật hoang dã khác thong dong tha thẩn. Đi ô tô dọc những con đường ở bang Wyoming đến “Devil’s Paint Pot” bùn nóng sôi ùng ục, quan sát những con suối róc rách, những suối nước nóng phun trào, và những nguồn nước bốc hơi, tôi sẵn sàng nói rằng Yellowstone xứng đáng một giải đặc biệt cho sự độc nhất vô nhị.
Trong công viên Yosemite ở bang California, những cây cù tùng kỳ vĩ ngàn xưa, vươn những cột khổng lồ lên tận trời, là những giáo đường thiên nhiên xanh được thiết kế bằng sự khéo léo siêu phàm. Dù ở phương Đông cũng có những thác nước tuyệt vời, nhưng không có thác nào sánh được cái đẹp của thác Niagara ở bang New York trên biên giới Canada. Động Mammoth ở bang Kentucky và các hang Carlsbad ở bang New Mexico là xứ thần tiên kỳ lạ. Những thạch nhũ dài, treo lơ lửng từ trần hang động xuống soi bóng trong mặt nước ngầm, cho thấy thoáng qua về những cõi nào khác như được con người tưởng tượng ra.
Ở Kashmir có rất nhiều người, nổi tiếng thế giới nhờ vẻ đẹp của họ, cũng trắng như người Âu và có những nét mặt và cấu trúc xương tương tự; nhiều người có mắt xanh và tóc vàng. Mặc Âu phục thì họ trông như người Hoa Kỳ. Cái lạnh Himalaya đỡ bớt cho người xứ Kashmir cái nắng oi bức và giữ được sắc da sáng của mình. Khi đi về phía nam đến vùng nhiệt đới của Ấn Độ, ta sẽ dần dần thấy người dân càng lúc càng có màu da sậm hơn.
Sau vài tuần vui vẻ ở Kashmir, tôi buộc phải sửa soạn quay về Bengal cho học kỳ mùa thu ở Đại học Serampore. Sri Yukteswar, Kanai, và Auddy sẽ ở lại Srinagar thêm ít lâu nữa. Không lâu trước khi tôi lên đường, thầy nói bóng gió là thân thầy sẽ phải chịu đau ở Kashmir.
“Thầy, thầy trông hoàn toàn khỏe mạnh mà,” tôi phản đối.
“Có thể là ta còn từ giã cõi đời nữa.”
“Thưa sư phụ!” Tôi sụp dưới chân thầy với cử chỉ van xin.
“Xin hãy hứa là thầy sẽ không lìa bỏ xác thân lúc này đi. Con còn chưa đủ sức để đi tiếp mà không có thầy.”
Sri Yukteswar im lặng, nhưng mỉm cười với tôi đầy tình thương đến mức tôi cảm thấy yên lòng. Tôi bịn rịn chia tay thầy.
“Thầy bệnh nặng.” Bức điện tín Auddy đến tay tôi không lâu sau khi tôi trở về Serampore.
“Thầy,” tôi cuống cuồng đánh điện cho sư phụ, “con xin thầy hứa không bỏ con. Xin hãy giữ lại thân mình; nếu không, con cũng sẽ chết.”
“Thôi thì tùy ý con.” Đây là lời đáp của thầy từ Kashmir.
Vài ngày sau, một lá thư của Auddy tới, cho tôi hay là thầy đã bình phục. Khi thầy trở về Serampore, nửa tháng sau đó, tôi buồn bã thấy cơ thể sư phụ gầy bằng nửa mọi khi.
Phúc đức cho các đệ tử của thầy, Sri Yukteswar đã thiêu rụi nhiều tội của họ trong ngọn lửa cơn sốt nặng của thầy ở Kashmir.
Các yogi đã đạt đến trình độ cao biết rõ phép siêu hình truyền thân bệnh. Một người khỏe có thể giúp một người yếu bằng cách mang giùm một vật nặng; một bậc siêu việt có thể giảm nhẹ các bệnh thể xác và tinh thần của đệ tử bằng cách gánh lấy một phần nghiệp của họ. Cũng như một người giàu mất đi một ít tiền khi anh ta thanh toán một số nợ lớn cho thằng con hoang đàng của mình, nhờ vậy kẻ này được cứu khỏi bị những hậu quả tàn khốc từ cái điên rồ của mình, thì một bậc thầy cũng sẵn sàng hy sinh một phần sức khỏe thân mình để làm nhẹ đi cái đau của đệ tử[173].
Bằng một bí pháp yoga, vị thánh sẽ nối tâm mình và tá dược siêu nhiên với những thứ ấy với một cá thể có bệnh; căn bệnh được truyền, một phần hay toàn bộ, qua thân của yogi. Vì đã gặt hái Thượng đế trên cánh đồng thể xác, một bậc thầy không còn bận trí về thân mình nữa. Dù thầy có thể để nó mắc bệnh mà làm nhẹ cho kẻ khác thì, tâm thầy, vô trước, cũng sẽ không bị ảnh hưởng. Thầy tự xem mình may mắn vì có thể đem lại sự cứu giúp ấy. Đạt đến giải thoát nơi Thượng đế thực ra là thấy thân người đã làm trọn phần của nó rồi; một bậc thầy lúc bấy giờ sẽ dùng nó theo cách nào thầy thấy phù hợp.
Công tác của một sư phụ ở đời là làm vơi cái khổ cho nhân loại, dù là bằng phương tiện tâm linh hay lời khuyên trí tuệ hay tâm lực khi truyền thân bệnh. Lánh vào siêu thức mỗi khi muốn, một bậc thầy có thể quên bệnh hoạn của xác thân; đôi khi, để làm gương cho đệ tử, thầy chọn can trường gánh cái đau thể xác. Bằng cách nhận vào bệnh của kẻ khác, một yogi có thể hóa giải luật nhân quả giùm họ. Luật này vận hành tự động hay chính xác; sự vận hành đó có thể được người có tuệ giác siêu việt điều động một cách khoa học.
Quy luật tâm linh không đòi hỏi một bậc thầy phải mắc bệnh mỗi khi chữa cho người khác. Chữa bệnh thường diễn ra nhờ hiểu biết uyên thâm của thánh về nhiều phương pháp chữa trị tức thời khác nhau, không kéo theo đau đớn cho người chữa bệnh tâm linh. Tuy nhiên, trong một số dịp hãn hữu, một bậc thầy muốn thúc nhanh hơn nữa tiến hóa của đệ tử mình thì bấy giờ có thể tự nguyện diệt một phần lớn nghiệp bất hảo của họ trên chính thân mình.
Jesus tuyên bố mình là kẻ cứu chuộc tội lỗi cho nhiều kẻ. Với các thần lực của mình[174], Chúa đúng ra không bao giờ phải chịu chết bằng đóng đinh trên thập giá nếu ngài không tự nguyện thuận theo luật nhân quả vi diệu của vũ trụ. Theo đó ngài nhận vào mình những hệ lụy từ nghiệp của kẻ khác, nhất là nghiệp của môn đệ.
Theo cách này họ được thanh tẩy rất nhiều và xứng đáng đón nhận tâm thức vô biên hay Thánh Thần về sau ngự xuống họ[175].
Chỉ một bậc thầy Tự giác ngộ mới có thể truyền sinh lực của mình hay đưa vào chính thân mình bệnh của kẻ khác. Một người bình thường không thể dùng thuật chữa bệnh yoga; mà y làm vậy cũng là điều không nên, vì một khí cụ thể xác không khỏe mạnh là trở ngại cho việc thiền định sâu. Kinh Ấn giáo dạy rằng một bổn phận bắt buộc của con người là giữ thân khỏe mạnh; nếu không, tâm hắn sẽ không thể yên trong định tâm sùng mộ.
Song, một tâm mạnh mẽ lại có thể vượt lên trên mọi chướng ngại của thân mà đạt đến chứng ngộ Thượng đế. Nhiều vị thánh đã quên đi bệnh tật và thành công trong cuộc kiếm tìm thiêng liêng của mình. Thánh Francis xứ Assisi, bản thân ngài mắc bệnh nặng, lại chữa lành cho người khác, và thậm chí còn cải tử hoàn sinh.
Tôi từng được biết một vị thánh Ấn Độ, những năm trước đây bán thân thầy đầy lở loét. Bệnh tiểu đường của thầy đã ác tính đến mức thầy thấy khó mà ngồi yên được một lúc quá mười lăm phút. Nhưng khát khao tâm linh của thầy không cùn nhụt. “Hỡi Thượng đế,” thầy cầu nguyện, “liệu ngài có bước vào ngôi đền hư hoại của con?” Bằng kiểm soát tâm liên tục, thánh dần dà đã có thể ngồi kiết già mười tám tiếng đồng hồ mỗi ngày, say sưa trong nhập định diễm phúc. “Rồi,” thầy bảo tôi, “đến cuối năm thứ ba thì ta đã thấy Ánh sáng Vô tận chói lòa trong ta. Vui sướng trong ánh rực rỡ của Ánh sáng ấy, ta quên mất xác thân. Về sau ta thấy rằng nó đã lành lặn nhờ Nhân từ Thiêng liêng.”
Có một sự kiện chữa bệnh lịch sử liên quan đến vua Baber (1483-1530), người lập nên đế chế Mogul ở Ấn Độ. Hoàng tử Humayun[176] của ngài lâm bệnh nặng. Người cha cầu nguyện với quyết tâm thống thiết cho ngài nhận chịu căn bệnh và để con trai ngài được cứu mạng. Humayun khỏi bệnh; Baber tức thì ngã bệnh và chết vì chính căn bệnh đã giáng xuống con trai ngài.
Tòa nhà hành chính tại trụ sở quốc tế, Hội Tự giác (Hội Yogoda Satsanga Ấn Độ), được Sri Yogananda thành lập vào năm 1925, trên đỉnh núi Washington ở Los Angeles, bang California NHỮNG NGƯỜI KẾ TỤC PARAMAHANSA YOGANANDA Sri Rajarsi Janakananda, lãnh đạo tôn giáo và hội trưởng Hội Tự giác/Hội Yogoda Satsanga Ấn Độ 1952-1955 Sri Daya Mata, lãnh đạo tôn giáo và hội trưởng Hội Tự giác/Hội Yogoda từ khi Rajarsi Janakananda mất vào tháng 2 năm 1955 Nhiều người tin rằng một bậc đại sư phải có sức khỏe và sức mạnh của Sandow[177]. Giả định này là không có căn cứ. Một xác thân ốm yếu không nói lên rằng một sư phụ không có thần lực, cũng như sức khỏe cả đời không nhất thiết cho thấy sự giác ngộ nội tâm. Các khả năng siêu việt của một bậc thầy không nằm ở thể xác mà là ở tinh thần.
Nhiều người tìm kiếm ngơ ngác ở phương Tây cứ ngỡ một cách sai lạc rằng một diễn giả hùng biện hay một tác giả về siêu hình học phải là một vị sư phụ. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy một người chỉ có thể là bậc thầy khi đạt được khả năng tùy ý nhập trạng thái ngưng thở (sabikalpa samadhi, nhập định phân biệt) và trạng thái cực lạc thường hằng (nirbikalpa samadhi, nhập định vô phân biệt)[178]. Các rishi đã nói rõ là chỉ bằng những thành tựu này mà một người mới có thể chứng tỏ rằng mình đã điều phục được maya, ảo ảnh vũ trụ nhị nguyên. Chỉ mình kẻ ấy mới có thể nói lên từ trong thẳm sâu giác ngộ: “Ekam sat” (“Chỉ một mình Ngài là tồn tại”).
“Khi nhị nguyên tính tồn tại do vô minh, ta thấy vạn vật khác với Chân ngã,” Shankara, nhà nhất nguyên vĩ đại đã viết. “Khi vạn sự đều được thấy là Chân ngã, không một nguyên tử nào được thấy là gì khác ngoài Chân ngã... Vừa khi tri kiến về Thực tại nảy lên, không làm sao còn quả của nghiệp quá khứ mà chịu, vì tính phi thực của xác thân, cũng như không làm sao còn giấc mơ khi đã tỉnh giấc.”
Chỉ những bậc đại sư mới có thể gánh lấy nghiệp của đệ tử.
Sri Yukteswar đã không bị bệnh ở Srinagar[179] nếu thầy không được
Ở đây ngài đã cho xây 500 tu viện, 100 tu viện trong số đó vẫn còn khi Huyền Trang, nhà chiêm bái người Trung Hoa, đến Kashmir 1.000 năm sau. Một tác giả Trung Hoa khác, Pháp Hiển (thế kỷ 5), sau khi chiêm ngưỡng những phế tích lầu đài mênh mông của Asoka tại Pataliputra (Patna Tinh thần bên trong cho phép giúp đệ tử của mình theo kiểu lạ lùng ấy. Một số thánh khi thực thi những mệnh lệnh thiêng liêng vẫn luôn có được sự sáng suốt một cách bén nhạy hơn vị thầy đã hòa điệu cùng Thượng đế của tôi.
Khi tôi đánh bạo đôi lời thông cảm về hình hài hao gầy của thầy, sư phụ nói vui:
“Chuyện đó có mấy cái lợi; giờ thì ta có thể chui lọt mấy cái ganji (áo lót) mà ta đã không mặc nhiều năm rồi!”
Nghe tiếng cười vui tươi của thầy, tôi nhớ lại lời của thánh Francis de Sales: “Thánh mà buồn là một thánh đáng buồn!”
* * *
Chú thích:
[171] Ở Ấn Độ, hút thuốc trước mặt người lớn tuổi và cấp trên của mình là một cử chỉ vô lễ.
[172] Cây tiêu huyền hay ngô đồng Á Đông.
[173] Nhiều vị thánh Cơ Đốc giáo, trong đó có Therese Neumann (xem trang 459), rất rõ phép truyền bệnh siêu hình.
[174] Chúa nói, ngay trước khi ngài bị giải đi chịu đóng đinh trên thập giá: “Anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Nhưng như thế thì lời Kinh thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy.” - Tin Mừng theo thánh Matthêu 26:53-54.
[175] Sách Công vụ tông đồ 1:8; 2:1-4.
[176] Humayun trở thành cha của Akbar Đại đế. Với nhiệt huyết Hồi giáo, ban đầu Akbar ngược đãi người Ấn. “Khi ta hiểu biết hơn, lòng ta đầy hổ thẹn,” về sau ngài nói. “Phép lạ xảy ra trong đền thờ của mọi tín ngưỡng.” Ngài cho dịch Bhagavad Gita ra tiếng Ba Tư, và mời tới triều đình một số cha cố Thiên Chúa giáo từ Roma. Akbar đã không chính xác nhưng trìu mến quy cho Chúa câu sau đây (khắc trên Khải Hoàn Môn ở thành Fatehpur Sikri mới của Akbar): “Jesus, Con trai của Mary (cầu chúc cho Người yên nghỉ), đã nói: Thế gian là một cây cầu; hãy đi qua, mà đừng xây nhà trên đó.”
[177] Lực sĩ người Đức (mất năm 1925), được gọi là “người đàn ông mạnh nhất thế giới”.
[178] Xem trang 312 và chú thích trang 525.
[179] Srinagar, thủ phủ của Kashmir, được hoàng đế Asoka xây nên vào thế kỷ 3 trước Công nguyên ngày nay), thuật lại cho chúng ta rằng công trình kiến trúc này đẹp lạ thường về kiến trúc và điêu khắc trang trí đến mức nó “không thể là tác phẩm từ bàn tay con người làm ra”