Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 22
CHƯƠNG 22
Tấm lòng tượng đá
“Là một người vợ Ấn tận tụy, chị không muốn kêu ca về chồng. Nhưng chị mong thấy anh từ bỏ cách nghĩ duy vật của anh.
Anh thích nhạo báng tượng thánh trong phòng thiền của chị. Em yêu quý, chị rất tin là em có thể giúp anh. Em giúp được không?”
Chị Roma nhìn tôi khẩn khoản. Tôi đang ghé qua thăm nhà chị ở Calcutta, trong hẻm Girish Vidyaratna. Lời khẩn khoản của chị làm tôi động lòng, vì chị đã có một ảnh hưởng tinh thần sâu sắc đối với tôi thuở thiếu thời, và đã đằm thắm cố lấp đầy khoảng trống trong gia đình mà cái chết của mẹ để lại.
“Chị yêu quý, dĩ nhiên em sẽ làm mọi thứ có thể.” Tôi mỉm cười, thiết tha muốn xua tan cái ủ dột hiện rõ trên mặt chị, tương phản với cái vẻ vui tươi và thanh thản ngày thường.
Chị Roma và tôi ngồi một lát, thầm cầu xin được dẫn dắt. Một năm trước, chị tôi đã nhờ tôi điểm đạo vào Kriya Yoga mà chị đã có thành tựu đáng kể.
Tôi chợt nảy ra một ý. “Ngày mai,” tôi nói, “em sẽ đến đền thờ thần Kali ở Dakshineswar. Xin hãy đi với em, và thuyết phục anh đi theo chị em ta. Em có linh cảm rằng trong những rung động ở nơi thiêng liêng đó, Thánh Mẫu sẽ lay động trái tim anh. Nhưng đừng tiết lộ mục đích chị em mình muốn anh đi.”
Chị đồng ý đầy hy vọng. Tinh mơ sáng hôm sau, tôi vui khi thấy chị Roma và chồng đã sẵn sàng lên đường. Khi chiếc xe ngựa chúng tôi thuê lọc cọc xuôi theo đường Vành đai Thượng (Upper Circular) về Dakshineswar, anh rể tôi, Satish Chandra Bose, giải khuây bằng cách dè bỉu giá trị của các sư phụ. Tôi để ý thấy chị Roma đang khóc thầm.
“Chị ơi, vui lên!” Tôi thì thầm. “Đừng cho anh được hả dạ tin rằng chị em mình để tâm đến những chế giễu của anh.”
“Mukunda, sao em lại có thể tôn thờ những kẻ bịp bợm không ra gì?” Satish nói. “Cái vẻ bề ngoài của sadhu không thôi cũng đã gớm ghiếc rồi. Ông ta hoặc là gầy như bộ xương hoặc là quá to như voi!”
Tôi cười ngất - một phản ứng làm Satish bực mình. Anh lui về im lặng sưng sỉa. Khi xe chúng tôi vào đến khuôn viên ngôi đền ở Dakshineswar, anh cười nhăn nhở mỉa mai.
“Anh thấy, chuyến du ngoạn này chắc là một toan tính hoán cải anh đây?”
Vì tôi quay đi không đáp, anh túm tay tôi. “Anh Thầy tu,” anh nói, “đừng có mà quên dàn xếp với người trong đền lo liệu bữa ăn trưa cho ta đấy.” Satish muốn tránh không nói bất cứ cái gì với các thầy tu.
“Giờ em đi thiền đây. Đừng lo bữa ăn trưa của anh,” tôi đáp gay gắt. “Thánh Mẫu sẽ lo chuyện đó.”
“Anh chẳng tin tưởng mà giao cho Thánh Mẫu làm một thứ gì cho anh cả. Nhưng anh giao em trách nhiệm lo bữa ăn cho anh.”
Giọng điệu Satish hăm dọa.
Tôi một mình tới mái cổng nhìn về ngôi đền lớn thờ thần Kali (Thượng đế trong khuôn mặt Mẹ Thiên nhiên). Chọn một chỗ có bóng mát gần một cây cột, tôi ngồi xuống trong tư thế kiết già. Dù lúc ấy chỉ mới đâu bảy giờ, mặt trời buổi sáng chẳng bao lâu nữa sẽ rất oi bức.
Cõi trần lùi đi khi tôi đã thành tâm nhập định. Tâm tôi định vào nữ thần Kali. Tượng bà trong chính ngôi đền này ở Dakshineswar là một đối tượng chiêm bái đặc biệt của đại sư Sri Ramakrishna Paramahansa. Đáp lại những khẩn cầu thống thiết của thầy, bức tượng đã thường hiện hình nói chuyện với thầy.
“Mẹ đá tĩnh mặc,” tôi cầu nguyện, “Bà đã hiện ra sống động trước khẩn cầu của tín đồ yêu dấu Ramakrisna; sao bà không để tâm đến tiếng than khóc của đứa con khát khao này của bà?”
Nhiệt tâm cháy bỏng nơi tôi dâng lên vô bờ, cùng một niềm thanh thản thiêng liêng. Vậy nhưng, khi năm giờ đã trôi qua mà nữ thần tôi mường tượng trong tâm vẫn không đáp lại, tôi cảm thấy có chút nản lòng. Đôi khi Thượng đế trì hoãn chưa đáp lại lời cầu xin là để thử thách. Nhưng cuối cùng rồi Ngài cũng sẽ hiện ra trước tín đồ thành tâm, dưới bất kỳ thể dạng nào mà y yêu quý.
Một tín đồ Cơ Đốc giáo ngoan đạo sẽ thấy Jesus; một tín đồ Ấn giáo sẽ thấy Krishna, hay nữ thần Kali, hay một Ánh sáng lan trải nếu sự thờ phụng của y có một xu hướng phi nhân cách.
Miễn cưỡng tôi mở mắt thì thấy là cửa đền đã được một thầy tu khóa lại, theo lệ giờ ngọ. Tôi đứng lên khỏi chỗ ngồi tách biệt của mình nơi mái cổng rồi bước vào sân trong. Mặt sân đá bị mặt trời giữa trưa hun nóng; hai bàn chân trần của tôi bỏng rát.
“Thánh Mẫu hỡi,” tôi thầm than phiền, “Ngài đã không hiện ra trong cái thấy của con, rồi giờ Ngài lại nấp trong đền sau cửa khép. Hôm nay con muốn dâng ngài một lời cầu xin đặc biệt thay cho anh rể của con.”
Lời cầu xin thầm của tôi tức thì nhận được lời đáp. Đầu tiên, một làn sóng lạnh say mê trùm xuống lưng tôi rồi dưới lòng bàn chân, xua tan hết khó chịu. Rồi, tôi kinh ngạc thấy ngôi đền trở nên to lớn vô cùng. Cánh cửa lớn từ từ mở ra, cho thấy bức tượng đá nữ thần Kali. Bức tượng từ từ hóa thành một thể dạng sống, tươi cười gật đầu chào, làm tôi rúng động một niềm vui khôn tả. Như thể qua một ống tiêm kỳ bí nào, hơi thở rút khỏi phổi tôi; thân tôi trở nên tĩnh tại vô cùng, dù không phải là bất động.
Tiếp theo sau là sự mở rộng tâm thức nhập định. Tôi có thể thấy rõ trong vòng vài dặm khắp sông Hằng về bên trái tôi, rồi vượt quá ngôi đền đến toàn vùng phụ cận Dakshineswar. Vách tường của mọi tòa nhà đều lung linh trong suốt; xuyên qua đó, tôi thấy mọi người qua lại trên những cánh đồng xa xa.
Dù tôi đang ngưng thở và dù thể xác tôi vẫn còn trong một trạng thái tĩnh lặng kỳ lạ, nhưng tôi cũng có thể cử động bàn tay bàn chân thoải mái. Trong ít phút, tôi thử nhắm mắt mở mắt; ở trạng thái nào thì tôi cũng thấy rõ mồn một toàn cảnh Dakshineswar.
Linh thị, như x quang, xuyên qua mọi vật chất; thiên nhãn là tâm điểm ở khắp mọi nơi, không đâu có chu vi. Lại một lần nữa tôi nhận ra, khi đang đứng đó giữa sân nắng, rằng khi con người thôi không còn là đứa con hoang đàng của Thượng đế, say sưa trong một thế giới vật chất kỳ thực là giấc mộng, mỏng manh như bong bóng, thì hắn sẽ được thừa hưởng lại những vương quốc vĩnh hằng của mình. Nếu giải thoát là một nhu cầu của con người, bị nhồi nén trong tồn tại chật hẹp của mình, thì có sự giải thoát nào sánh được sự giải thoát vào vô biên?
Trong chứng nghiệm thiêng liêng của tôi ở Dakshineswar, những vật duy nhất được phóng to lạ thường là ngôi đền và hình dáng của nữ thần. Mọi thứ khác có vẻ như vẫn theo kích thước bình thường của mình, dù tất cả đều được bao bọc trong một quầng ánh sáng dịu - trắng, xanh lam, và các sắc cầu vồng nhạt.
Thân tôi tựa như được làm bằng một chất ête, sẵn sàng bay lên.
Hoàn toàn nhận thức được khung cảnh vật chất xung quanh, tôi nhìn quanh mình rồi bước mấy bước mà vẫn không làm ảnh hưởng đến sự liên tục của linh ảnh diễm phúc ấy.
Đằng sau mấy bức tường của ngôi đền, tôi chợt thoáng thấy ông anh rể đang ngồi dưới những cành gai nhọn của cây bel thiêng.
Tôi có thể dễ dàng thấy rõ dòng tư tưởng của anh. Có phần phấn chấn dưới ảnh hưởng thiêng liêng của Dakshineswar, thế nhưng đầu óc anh vẫn cứ giữ những ý nghĩ không tử tế về tôi. Tôi quay qua đối diện hình dáng tao nhã của nữ thần.
“Thánh Mẫu hỡi,” tôi cầu nguyện, “liệu bà có cải hóa tâm linh cho chồng chị con?”
Dáng vẻ đẹp đẽ, cho đến giờ vẫn im lặng, cuối cùng nói.
“Tâm nguyện của con sẽ được chứng giám!”
Tôi vui mừng nhìn anh Satish. Như thể theo bản năng biết được rằng một sức mạnh tâm linh nào đó đang tác động, đang ngồi dưới đất, anh hằn học bật dậy. Tôi thấy anh chạy đằng sau đền; anh đi lại chỗ tôi, dứ dứ nắm đấm.
Linh ảnh bao trùm vạn vật biến mất. Tôi không còn được thấy nữ thần lộng lẫy nữa; ngôi đền mất đi vẻ trong trẻo và lấy lại kích thước bình thường. Người tôi lại nhễ nhại mồ hôi dưới những tia mặt trời chói chang. Tôi nhảy thót vào nấp dưới mái cổng, anh Satish cũng giận dữ bám theo. Tôi nhìn đồng hồ. Lúc ấy là một giờ; linh ảnh siêu việt đã kéo dài một giờ.
“Thằng oắt đáng ghét,” anh rể tôi thốt lên, “mi ngồi đó tréo chân lé mắt hàng giờ rồi. Ta đã đi tới đi lui nhìn mi. Đồ ăn của ta đâu? Giờ đền đóng cửa rồi; mi đã không kịp báo cho người trông coi đền về chúng ta; giờ đã quá trễ rồi, đâu còn lo liệu bữa trưa cho ta được nữa!”
Niềm hân hoan tôi đã cảm thấy trước mặt nữ thần vẫn còn vương trong tôi. Tôi thốt lên, “Thánh Mẫu sẽ cho ta ăn!”
“Một lần này thôi,” anh Satish quát, “ta muốn Thánh Mẫu của mi cho ta thức ăn ngay đây mà không cần phải thu xếp trước!”
Lời anh chỉ vừa thốt ra thì một thầy tu trong đền băng qua sân tới chỗ chúng tôi.
“Con trai,” thầy tu nói với tôi, “ta đã theo dõi thấy mặt con tỏa sáng trong suốt những giờ thiền định. Sáng nay ta đã thấy các con tới, và đã cảm thấy mong muốn để dành nhiều đồ ăn cho bữa ngọ của các con. Cho những người không yêu cầu trước ăn là trái lệ của đền, nhưng ta đã tạo một ngoại lệ cho các con.”
Tôi cảm tạ thầy rồi nhìn thẳng vào mắt anh Satish. Anh đỏ mặt xúc động, cúi gằm im lặng ăn năn. Khi chúng tôi được dọn cho một bữa ăn thịnh soạn, có cả hoa quả trái mùa, tôi để ý thấy anh rể chẳng mấy ngon miệng. Anh bối rối, chìm sâu trong vô vàn ý nghĩ.
Trên đường trở về Calcutta, anh Satish, với vẻ dịu đi, thỉnh thoảng liếc nhìn tôi van xin. Nhưng anh không nói lời nào từ khi vị thầy tu, như thể đáp lại thách đố của Satish, xuất hiện mời chúng tôi dùng bữa ngọ.
Chiều hôm sau tôi đến thăm nhà chị. Chị đón tôi trìu mến.
“Em yêu,” chị reo lên, “thật là một phép lạ! Tối qua chồng chị khóc trước mặt chị.
“ ‘Devi yêu quý[180],’ anh nói, ‘anh hạnh phúc không tả xiết vì sự dàn xếp hoán cải của em trai em đã làm nên một sự chuyển hóa. Anh sẽ sửa lại mọi sai trái anh đã làm với em. Từ tối nay, ta sẽ dùng căn phòng ngủ lớn làm nơi thờ phụng; phòng thiền nhỏ của em sẽ đổi thành phòng ngủ của ta. Anh thật lòng xin lỗi là anh đã chế nhạo em trai em. Vì cư xử đáng hổ thẹn anh đã có, anh sẽ tự phạt mình bằng cách không nói gì với Mukunda cho đến chừng nào anh thành tựu trên con đường tu hành. Từ nay anh sẽ một lòng tìm Thánh Mẫu; một ngày nào đó anh chắc chắn sẽ tìm thấy bà!”
Nhiều năm sau (năm 1936), tôi thăm anh Satish ở Delhi. Tôi rất đỗi vui mừng thấy là anh đã tiến bộ nhiều trong Tự giác ngộ và đã được ban cho một linh ảnh Thánh Mẫu. Trong thời gian ở lại với anh, tôi để ý thấy anh Satish lẳng lặng chuyên tâm thiền định gần suốt đêm, dù anh đang có bệnh nặng, còn ban ngày thì làm việc ở văn phòng.
Tôi bất giác có cái ý nghĩ là anh rể sẽ không được thọ. Chị Roma chắc đã đoán biết được ý nghĩ của tôi.
“Em yêu quý,” chị nói, “chị khỏe, mà chồng chị thì có bệnh.
Song, chị muốn em biết, là một người vợ Ấn hết lòng, chị sẽ là người đi trước[181]. Không lâu nữa chị sẽ chết.”
Bị bất ngờ vì lời nói gở của chị nhưng tôi vẫn nhận ra sự thật đau lòng trong đó. Chị mất khi tôi đang ở Hoa Kỳ, chừng mười tám tháng sau lời chị tiên đoán. Em trai Bishnu về sau thuật lại cho tôi nghe ngọn ngành.
“Chị Roma mất khi chị và anh Satish đang ở Calcutta,” Bishnu kể. “Sáng hôm ấy chị thay xiêm y cô dâu lộng lẫy.
“ ‘Sao lại mặc bộ đồ đặc biệt này?’ anh Satish hỏi.
“ ‘Hôm nay là ngày cuối cùng em hầu hạ anh trên cõi đời này,’ chị Roma đáp. Lát sau chị bị đột quỵ. Khi con trai vội đi gọi giúp đỡ, chị nói:
“ ‘Con trai, đừng bỏ mẹ. Chẳng ích gì đâu; mẹ sẽ đi trước khi thầy thuốc kịp tới.’ Mười phút sau, ôm chân chồng cung kính, chị Roma tỉnh táo lìa thể xác, vui vẻ và không đau đớn.
“Anh Satish trở nên xa lánh đời sau cái chết của vợ,” Bishnu nói tiếp. “Một hôm anh và em đang nhìn một tấm hình chị Roma tươi cười.
“ ‘Sao em lại tươi cười?’ Anh Satish bỗng thốt lên, như thể vợ mình đang có mặt. ‘Em tưởng em khôn ngoan khi dàn xếp ra đi trước anh. Anh sẽ chứng minh là em không thể ở xa anh lâu được; anh sẽ sớm theo em thôi.’ “Dù lúc này Satish đã khỏi bệnh hẳn rồi, và đang rất khỏe mạnh, nhưng anh chết mà không rõ nguyên nhân, không lâu sau lời nói lạ lùng trước bức hình.”
Cả chị Roma yêu dấu của tôi và chồng Satish của chị - người mà tại Dakshineswar đã từ một người trần bình thường thành một vị thánh trầm lặng - đã qua đời mà được thấy trước như vậy đó.
* * *
Chú thích:
[180] Nữ thần, nghĩa đen là “đấng soi sáng”; từ gốc động từ tiếng Phạn là div, soi sáng.
[181] Phụ nữ Ấn Độ tin rằng nếu mình chết trước chồng thì đó là một dấu hiệu tiến bộ tâm linh, như bằng chứng cho sự hầu hạ tận tụy của vợ đối với chồng, hay “chết giữa lúc làm công việc thường ngày”.