Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 23
CHƯƠNG 23
Tôi nhận bằng Đại học
“Anh mặc kệ các bài tập giáo trình môn triết. Rõ là anh đang dựa vào ‘trực giác’ chẳng khó nhọc gì để qua được kỳ thi. Nhưng trừ phi anh chăm chú học cho ra học hơn, nếu không tôi sẽ để mắt để anh không qua được khóa học.”
Giáo sư D. C. Ghoshal tại Đại học Serampore đang nghiêm khắc nói với tôi. Nếu tôi không qua được bài thi viết cuối khóa lớp thầy, tôi sẽ không đủ tư cách dự thi tốt nghiệp. Kỳ thi này được lập ra bởi các giảng viên của Đại học Calcutta, trường sáp nhập Đại học Serampore vào làm một trong các trường trực thuộc của mình. Ở các trường đại học Ấn Độ, sinh viên không đạt một môn trong kỳ thi tốt nghiệp lấy bằng cử nhân sẽ phải thi lại mọi môn vào năm sau.
Các thầy dạy tôi tại Đại học Serampore thường đối xử với tôi với một sự tử tế mà không phải là không pha chút đùa cợt.
“Mukunda, hắn say tôn giáo quá thôi mà.” Vì vậy mà để đánh giá tôi, họ ý tứ tránh cho tôi cái ngượng nghịu khi phải ráng trả lời câu hỏi trong lớp; họ phó thác cho các bài thi viết cuối khóa trách nhiệm loại tôi khỏi danh sách thí sinh cử nhân. Đánh giá đó qua lời các bạn học của tôi kháo nhau, thể hiện ở cái biệt danh họ dành cho tôi - “Thầy Tu Khùng”.
Tôi đã dùng một biện pháp khôn khéo để vô hiệu hóa lời đe dọa của giáo sư Ghoshal rằng tôi sẽ trượt môn triết. Khi kết quả bài thi cuối khóa sắp được công bố, tôi nhờ một bạn học theo tôi đến văn phòng giáo sư.
“Đi theo đi, mình muốn có một nhân chứng,” tôi bảo bạn mình.
“Mình sẽ rất thất vọng nếu mình không đánh lừa được thầy.”
Giáo sư Ghoshal lắc đầu sau khi tôi hỏi thầy cho điểm bài làm của tôi ra sao.
“Anh không nằm trong số những người đỗ rồi,” thầy nói đắc thắng. Thầy lục trong một xấp giấy thi dày trên bàn. “Bài làm của anh không hề có ở đây; dù gì thì anh cũng đã trượt rồi, vì không thấy có bài làm ở đây.”
Tôi tủm tỉm. “Thưa thầy, em có dự thi. Thầy cho phép em tự mình xem qua xấp bài thi được không?”
Vị giáo sư lúng túng cho phép; tôi tìm thấy ngay tờ bài làm của mình mà tôi đã cẩn thận bỏ qua mọi dấu hiệu nhận dạng ngoại trừ số báo danh. Vì không được cảnh báo “cờ đỏ” tên tôi, thầy đã cho các câu trả lời của tôi điểm cao dù là chúng không được tô vẽ bằng những trích dẫn trong giáo trình[182].
Thấy rõ mánh lới của tôi, giờ thầy lớn tiếng, “Chỉ là may mắn trơ trẽn thôi mà!” Thầy nói thêm đầy hy vọng, “Chắc chắn anh sẽ trượt kỳ thi tốt nghiệp cử nhân.”
Ở các bài sát hạch trong các môn khác, tôi được hướng dẫn đôi chút, nhất là từ người bạn thân và là anh họ của tôi, Prabhas Chandra Ghosh, con trai bác Sarada. Tôi đã lật đật vất vả nhưng cũng qua được - với điểm đỗ thấp nhất chấp nhận được - mọi bài thi cuối khóa.
Giờ đây, sau bốn năm đại học, tôi đã đủ tư cách dự thi tốt nghiệp cử nhân. Tuy vậy, tôi khó mà mong lợi dụng ân huệ. Kỳ thi cuối khóa của Đại học Serampore là trò trẻ con so với kỳ thi khó sẽ do Đại học Calcutta đặt ra để cấp bằng cử nhân. Những chuyến viếng thăm Sri Yukteswar gần như mỗi ngày của tôi khiến tôi không còn mấy thời gian bước vào giảng đường đại học. Sự có mặt của tôi ở đó chứ không phải là sự vắng mặt mới thường khiến đám bạn học ồ lên kinh ngạc.
Lệ sinh hoạt tôi theo hầu như mỗi ngày bắt đầu bằng việc đạp xe đi lúc chín giờ ba mươi sáng. Một tay tôi thường cầm một món quà dâng sư phụ - một ít hoa trong vườn nhà trọ Panthi. Chào tôi niềm nở, thầy thường mời tôi ở lại ăn trưa. Lần nào tôi cũng nhanh nhảu nhận lời, mừng là ngày đó được xua đi nghĩ ngợi về trường lớp. Sau hàng giờ bên Sri Yukteswar, lắng nghe dòng hiểu biết trác việt của thầy hay phụ việc trong ashram, tôi thường miễn cưỡng về lại Panthi chừng nửa đêm. Thỉnh thoảng tôi ở lại thâu đêm với sư phụ, sung sướng hút hồn theo câu chuyện của thầy đến độ hầu như không nhận ra là bóng đêm đã thành bình minh.
Giáo sư Ghoshal là một diễn giả xuất sắc có tri thức triết học rộng. Trong những năm sau này chúng tôi cũng đã hiểu nhau chân thành.
Một đêm nọ chừng mười một giờ, khi tôi đang xỏ giày vào[183], định đạp xe về nhà trọ thì thầy nghiêm trang hỏi tôi.
“Khi nào thì kỳ thi tốt nghiệp cử nhân của con bắt đầu?”
“Năm ngày nữa, thưa thầy.”
“Ta hy vọng là con đã sẵn sàng cả rồi.”
Sợ đứng người, tôi vẫn đang giơ một chiếc giày lên. “Thưa thầy,” tôi phản đối, “thầy biết là con ở bên thầy nhiều hơn là với các giáo sư. Làm sao con buộc mình đóng một vở hài kịch bằng cách chường mặt ra tại kỳ thi tốt nghiệp gay cấn đó được?”
Mắt Sri Yukteswar sắc sảo nhìn tôi. “Con phải đi thi.” Giọng điệu thầy dứt khoát lạnh lùng. “Ta không nên để cha con và những người thân khác có cái cớ để chỉ trích là con thích đời sống ở ashram hơn. Hãy hứa với ta là con sẽ dự thi; cứ trả lời bài thi hết khả năng của con.”
Nước mắt không ngăn được ràn rụa trên mặt tôi. Tôi thấy mệnh lệnh của thầy phi lý và rằng sự để tâm của thầy, chí ít thì cũng đã muộn rồi.
“Con sẽ đi thi nếu thầy muốn vậy,” tôi nói nức nở. “Nhưng không còn thời gian mà chuẩn bị cho đàng hoàng nữa rồi.” Tôi lẩm bẩm với mình, “Khi trả lời câu hỏi, con sẽ ghi đầy trang giấy thi những lời giáo huấn của thầy!”
Hôm sau khi tôi bước vào tịnh thất vào giờ thường lệ, tôi rầu rĩ dâng bó hoa cho Sri Yukteswar. Thầy cười cái vẻ thảm não của tôi.
“Mukunda, Thượng đế đã bao giờ làm con thất vọng chưa, trong kỳ thi hay ở đâu khác?”
“Chưa, thưa thầy,” tôi đáp thật lòng. Những ký ức hàm ơn tràn về làm tôi tươi tỉnh trở lại.
“Không phải tính lười biếng mà là nhiệt tâm dành cho Thượng đế đã ngăn con theo đuổi tấm bằng đại học,” sư phụ nói ân cần.
Sau một hồi im lặng, thầy trích dẫn, “ ‘Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho[184].’ “
Lần thứ một ngàn rồi, trước thầy tôi cảm thấy gánh nặng trong mình nhẹ bẫng đi. Khi chúng tôi dùng xong bữa trưa sớm, thầy đề nghị tôi quay về Panthi.
“Bạn con Romesh Chandra Dutt có còn ở trong nhà trọ không?”
“Còn, thưa thầy.”
“Hãy liên lạc với nó; Thượng đế sẽ khích lệ nó giúp con học thi.”
“Dạ được, thưa thầy; nhưng Romesh bận lắm. Hắn là sinh viên danh dự trong lớp con, và lo nhiều bài vở hơn những người khác.”
Thầy xua phản đối của tôi. “Romesh sẽ tìm ra thời gian cho con. Giờ thì đi đi.”
Tôi đạp xe trở lại Panthi. Người đầu tiên tôi gặp ở khu nhà trọ là Romesh uyên bác. Như thể không có việc gì làm, cậu ta sốt sắng bằng lòng với lời yêu cầu rụt rè của tôi.
“Dĩ nhiên rồi! Mình sẵn sàng giúp bạn.” Cậu ta bỏ ra nhiều giờ ngày hôm đó và mỗi ngày trong mấy ngày tiếp theo mà hướng dẫn tôi những môn khác nhau.
“Mình tin là nhiều câu hỏi trong bài thi văn học Anh sẽ liên quan đến lộ trình mà Childe Harold đã đi qua,” cậu ta bảo tôi. “Ta phải đi kiếm ngay một tập bản đồ.”
Tôi hấp tấp chạy đến nhà bác Sarada mượn một tập bản đồ.
Romesh đánh dấu trên bản đồ châu Âu ở những nơi lữ khách lãng mạn của Byron đã ghé qua.
Một vài bạn cùng lớp xúm quanh để nghe phụ đạo. “Romesh chỉ bạn sai rồi,” một người trong bọn họ nhận xét với tôi vào cuối buổi. “Thường thì chỉ có năm mươi phần trăm câu hỏi về sách thôi; nửa kia liên quan đến thân thế của tác giả.”
Khi tôi vào thi môn văn học Anh, cái lướt nhìn đầu tiên qua các câu hỏi khiến nước mắt tạ ơn lăn dài hai má tôi, làm ướt cả tờ giấy thi. Thầy giám thị đến bên bàn tôi và hỏi han thông cảm.
“Đại sư phụ của em đã nói trước là Romesh sẽ giúp em,”
tôi giải thích. “Đây, trên tờ giấy thi này chính là các câu hỏi mà Romesh đã gợi ý cho em!” Tôi nói thêm, “May cho em là năm nay có rất ít câu hỏi về các tác giả Anh mà với em thì đời họ bọc trong bí ẩn hoàn toàn.”
Nhà trọ huyên náo ầm ĩ khi tôi về tới. Mấy anh chàng đã giễu tôi vì tin vào sự hướng dẫn của Romesh giờ làm tôi muốn điếc cả tai vì những lời chúc mừng. Trong tuần thi tôi tiếp tục dành nhiều thời gian có thể với Romesh, người nêu ra những câu hỏi mà cậu ta cho là rất có thể các giáo sư sẽ đặt ra. Ngày này qua ngày khác, mấy câu hỏi của Romesh xuất hiện gần như nguyên văn trong tờ giấy thi.
Tin lan khắp trường là có cái gì đó như phép lạ đang xảy ra và rằng thành công tuồng như sẽ đến với “Thầy Tu Khùng” đãng trí.
Tôi chẳng cố công che giấu sự tình gì cả. Các giáo sư địa phương bất lực không thể thay đổi các câu hỏi đã được giảng viên của Đại học Calcutta ấn định rồi.
Một buổi sáng khi ngẫm lại bài thi văn học Anh thì tôi nhận ra là mình đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Một số câu hỏi đã được chia làm hai phần: A hoặc B, và C hoặc D. Thay vì xem xét một câu hỏi trong mỗi phần, tôi lại đi trả lời cả hai câu hỏi ở phần đầu và đã bất cẩn bỏ sót phần sau. Điểm cao nhất tôi có thể đạt trong bài thi đó là 33 - còn thiếu ba điểm so với điểm đỗ là 36.
Tôi chạy vội tới chỗ thầy và trút hết những lo lắng.
“Thưa thầy, con đã phạm một sai lầm không thể tha thứ. Con không xứng đáng với ơn trên qua Romesh; con chẳng xứng đáng tí nào.”
“Vui lên, Mukunda.” Giọng điệu Sri Yukteswar nhẹ nhàng và hờ hững. Thầy chỉ lên vòm trời xanh. “Mặt trời và Mặt trăng đổi chỗ cho nhau trong không gian thì còn khả dĩ hơn là con không lấy được bằng đại học!”
Tôi rời tịnh thất trong tâm trạng nhẹ nhàng hơn, dù có vẻ như tôi mà thi đỗ thì đúng là không hiểu nổi. Đôi lần tôi e sợ nhìn lên bầu trời; Thần Ngày có vẻ như vẫn yên vị trong quỹ đạo bình thường của mình.
Khi tôi về tới Panthi, tôi nghe lỏm được một câu của bạn học:
“Mình vừa nghe rằng năm nay, lần đầu tiên, điểm đỗ môn văn học Anh đã được hạ thấp.”
Tôi bước vào phòng anh chàng nhanh đến độ y ngước lên thất kinh. Tôi hăm hở hỏi cậu ta.
“Thầy tu tóc dài à,” cậu ta tươi cười nói, “sao lại quan tâm đột xuất đến chuyện học hành vậy? Sao lại muộn mằn vậy? Nhưng đúng là điểm đỗ vừa mới được hạ xuống còn 33 điểm.”
Nhảy phóc vài cái vui vẻ và thế là tôi đã về tới phòng mình, nơi tôi quỳ sụp xuống và tán thán sự toàn hảo chuẩn xác của Cha Trời của tôi.
Mỗi ngày tôi đều rúng động vì ý thức một Hiện diện Tâm linh mà tôi cảm nhận rất rõ là đang dẫn dắt tôi thông qua Romesh.
Một sự kiện có ý nghĩa đã xảy ra, liên quan đến bài thi môn tiếng Bengal của tôi. Một buổi sáng, Romesh, chưa hướng dẫn tôi môn đó, gọi với theo tôi khi tôi vừa rời nhà trọ để đến phòng thi.
“Romesh gọi bạn kìa,” một bạn học sốt ruột nói với tôi. “Đừng quay lại; bọn mình sẽ tới phòng thi trễ đó.”
Bỏ ngoài tai lời khuyên, tôi chạy trở lại nhà.
“Thường thì mấy chàng trai Bengal bọn mình dễ dàng qua bài thi tiếng Bengal,” Romesh nói. “Nhưng mình vừa có linh cảm là năm nay các giáo sư đã tính ‘tàn sát’ sinh viên bằng cách hỏi những câu về các sách cần đọc.” Rồi cậu ta thuật sơ hai câu chuyện về cuộc đời của Vidyasagar, một người làm việc thiện nổi tiếng xứ Bengal thế kỷ thứ mười chín.
Tôi cảm ơn Romesh rồi vội vã đạp xe tới phòng thi. Ở đó tôi thấy tờ bài thi tiếng Bengal gồm hai phần. Hướng dẫn đầu tiên là:
“Hãy nêu hai ví dụ về các hoạt động từ thiện của Vidyasagar[185].” Khi tôi trút hết ra giấy hiểu biết mình vừa mới có, tôi thì thầm vài lời cảm tạ vì tôi đã để ý đến tiếng gọi vào phút chót của Romesh. Nếu tôi dốt về những việc thiện Vidyasagar đã làm (mà giờ đây bao gồm cả một việc cho tôi) thì tôi đã không thể qua được bài thi tiếng Bengal.
Hướng dẫn thứ hai trên tờ bài thi ghi: “Hãy viết một bài luận bằng tiếng Bengal về cuộc đời của một người có ảnh hưởng nhất đến anh.” Độc giả thân mến, tôi không cần phải báo cho các vị tôi chọn ai để viết bài luận của mình. Khi tôi trải kín hết trang này đến trang khác những lời ca tụng sư phụ, tôi mỉm cười nhận ra rằng lời mình lẩm bẩm tiên đoán đã thành sự thật: “Con sẽ ghi đầy trang giấy thi những lời giáo huấn của thầy!”
Tôi cảm thấy không muốn hỏi Romesh về môn triết. Tin tưởng vào quá trình tu học lâu dài với Sri Yukteswar, tôi chắc chắn không màng đến giải thích của giáo trình. Điểm cao nhất của tôi trong kỳ thi nào cũng là điểm môn triết. Điểm của tôi trong hết thảy các môn khác chỉ vừa vặn trong tầm điểm đỗ.
Nhờ học vấn uyên bác của mình mà ở Bengal học giả Ishwar Chandra được biết đến nhiều bằng danh hiệu Vidyasagar (“Biển học”).
Thật hân hạnh được ghi lại rằng anh bạn Romesh vị tha của tôi đã nhận được bằng cum laude[186] của riêng mình.
Mặt cha tươi cười vì tôi đã tốt nghiệp. “Cha thật không dám tin là con sẽ thi đỗ, Mukunda,” cha thú nhận. “Con dành quá nhiều thời gian bên sư phụ.” Thầy quả đã dò thấy chính xác sự chỉ trích không nói ra của cha tôi.
Bao năm trời tôi đã không chắc mình sẽ thấy cái ngày mấy chữ cử nhân đi liền với tên mình. Tôi hiếm khi dùng cái danh vị này mà không nghĩ rằng đó là một món quà thiêng liêng, ban cho tôi vì những lý do có phần vi mật. Thỉnh thoảng, tôi nghe các cử nhân nói rằng còn lại rất ít tri thức nhồi nhét trong họ sau khi ra trường. Sự thú nhận đó an ủi tôi đôi chút vì thiếu sót học vấn rõ rệt của mình.
Vào cái ngày tháng 6 năm 1915 mà tôi nhận bằng của Đại học Calcutta, tôi quỳ dưới chân sư phụ và cảm tạ thầy vì mọi ân huệ chảy từ đời thầy[187] Mọi kinh điển đều khẳng định Thượng đế tạo ra con người theo hình ảnh toàn năng của Ngài.Quyền năng điều khiển vũ trụ có vẻ là siêu nhiên, nhưng sự thật thì quyền năng đó là cố hữu và tự nhiên ở tất cả những ai đã đạt được “ký ức đúng” về cội nguồn thiêng liêng của mình. Những người đã giác ngộ Thượng đế như Sri Yukteswar không còn ngã chấp (ahamkara) và những vọng động ham muốn cá nhân của nó; hành động của các bậc chân sư dễ dàng tuân theo rita, công bằng tự nhiên. Theo lời Emerson, mọi thánh nhân không trở nên “đức hạnh, mà là Đức hạnh; bấy giờ mục đích của sáng tạo được trả lời, và Thượng đế rất hài lòng.” Bất cứ ai đã giác ngộ thiêng liêng đều có thể làm nên phép lạ, vì, như Chúa, vị ấy hiểu những quy luật vi diệu của sáng tạo; nhưng không phải vị thầy nào cũng chọn sử dụng thần thông (xem chú thích trang 298). Mỗi bậc thánh thể hiện Thượng đế theo cách riêng của mình; biểu hiện của tính cá thể là cơ bản trong một thế giới nơi mà không có hai hạt cát nào giống hệt nhau. Không thể đưa ra những quy luật bất di bất dịch về các vị thánh đã giác ngộ Thượng đế: một số vị làm phép, những vị khác thì không; một số vị không hành động, trong khi những vị khác (như vua Janaka của Ấn Độ cổ đại và thánh Teresa xứ Avila) quan tâm đến đại sự; một số vị giáo huấn, đi đây đi đó, và thu nhận đệ tử, trong khi những vị khác sống đời mình lặng lẽ và kín đáo như một cái bóng. Không nhà phê bình nào trên đời này có thể đọc được cuộn sách bí ẩn về nghiệp (hành động quá khứ) trải ra cho mỗi vị thánh một bản thảo khác nhau.] qua đời tôi.
“Đứng lên đi, Mukunda,” thầy nói giọng nuông chiều. “Thượng đế đơn giản thấy rằng giúp con tốt nghiệp thì tiện hơn là sắp xếp lại mặt trăng mặt trời thôi mà!”
* * *
Chú thích:
[182] Tôi phải công bằng với giáo sư Ghoshal mà thừa nhận rằng mối quan hệ căng thẳng giữa chúng tôi không do lỗi gì từ phía thầy mà chỉ là do tôi vắng mặt ở lớp.
[183] Ở Ấn Độ đệ tử luôn phải cởi giày ra khi vào tịnh thất, tu viện.
[184] Tin Mừng theo thánh Matthêu 6:33.
[185] Tôi không nhớ chính xác cách diễn đạt câu hướng dẫn, nhưng tôi nhớ rằng nó liên quan đến những câu chuyện mà Romesh vừa mới kể cho tôi về Vidyasagar.
[186] Một trong ba hạng giỏi được ghi trong bằng tốt nghiệp theo thứ tự tăng dần: cum laude (giỏi), magna cum laude (rất giỏi) và summa cum laude (đặc biệt giỏi). (ND - BBT).
[187] Khả năng ảnh hưởng đến tâm trí người khác và tiến trình các sự kiện là một vibhuti (khả năng yoga) được đề cập trong Yoga Sutra III:24 của Patanjali, nó được giải thích là một thành tựu từ “sự tương ứng vũ trụ”. [Hai cuốn sách uyên thâm về Sutra là Yoga System of Patanjaji (Hệ thống yoga của Patanjali) (tập 17, Tủ sách Á đông, Đại học Harvard) và Yoga Philosophy (Triết học yoga) của Dasgupta (Trubners, London).