Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 24
CHƯƠNG 24
Tôi thành thầy tu dòng Swami
“Thưa thầy, cha con đã rất mong con nhận một chức vụ cấp cao trong Công ty Hỏa xa Bengal-Nagpur. Nhưng con đã dứt khoát từ chối rồi.” Tôi nói thêm đầy hy vọng, “Thưa thầy, thầy có bằng lòng cho con thành thầy tu dòng Swami?” Tôi nhìn sư phụ van lơn. Những năm trước, để thử mức độ quyết tâm của tôi, thầy đã từ chối chính yêu cầu này. Hôm nay, tuy vậy, thầy mỉm cười độ lượng.
“Tốt lắm, ngày mai ta sẽ điểm đạo cho con vào dòng Swami.”
Thầy khẽ nói tiếp, “Ta rất mừng là con vẫn một lòng muốn đi tu.
Lahiri Mahasaya thường nói: ‘Nếu ta không mời Thượng đế làm Khách mùa hè của ta, Ngài sẽ không đến vào mùa đông trong đời ta.’”
“Thầy quý mến, con chẳng thể nào từ bỏ ước nguyện thuộc về dòng Swami như chính thầy tôn kính.” Tôi mỉm cười với niềm yêu thương vô bờ.
“Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ[188].” Tôi đã phân tích cuộc đời nhiều người bạn của mình, những người mà, sau khi trải qua một kỷ luật tu tập nhất định, đã lập gia đình. Lao vào vô số trách nhiệm trần tục, họ quên mất quyết ý của mình là sẽ chuyên tâm thiền định.
Dành cho Thượng đế vị trí thứ hai[189] trong đời, với tôi, là không thể hiểu được. Ngài là Chủ duy nhất của vũ trụ, lặng lẽ trút xuống cho con người những món quà đời này sang đời khác. Chỉ có một lễ vật con người có thể dâng đáp lại - tình yêu của anh ta, là cái anh ta có quyền từ chối hay dâng hiến.
Khi bỏ công sức vô cùng tận mà che đi sự hiện diện của Ngài trong các nguyên tử sáng tạo bằng sự bí ẩn, Đấng Sáng tạo có lẽ chỉ có một lý do, một mong muốn đầy thông cảm: con người đi tìm Ngài chỉ bằng tự tâm. Bằng găng tay nhung sự khiêm cung tột cùng, Ngài cũng không bọc được bàn tay sắt toàn năng!
Hôm sau là một trong những ngày đáng nhớ nhất trong đời tôi. Tôi nhớ lại, đó là một ngày thứ Năm nắng ráo, tháng 7 năm 1915, vài tuần sau khi tôi tốt nghiệp đại học. Trên ban công tịnh thất Serampore của mình, thầy nhúng một tấm lụa trắng mới tinh vào thuốc nhuộm màu hoàng thổ, màu truyền thống của dòng Swami. Khi tấm vải đã khô, sư phụ khoác nó quanh người tôi như một tấm áo của kẻ từ bỏ.
“Một ngày nào đó con sẽ sang phương Tây, nơi mà lụa được ưa chuộng hơn,” thầy nói. “Như một biểu tượng, ta đã chọn cho con chất liệu lụa này thay vì vải như thường lệ.”
Ở Ấn Độ, nơi thầy tu đi theo lý tưởng thanh bần thì một swami mặc áo lụa là một điều ít thấy. Tuy nhiên, nhiều yogi vẫn mặc đồ lụa, thứ giữ lại được những luồng thanh khí nào đó trong cơ thể tốt hơn vải.
“Ta không ưa nghi thức,” Sri Yukteswar nói. “Ta sẽ làm lễ cho con trở thành một swami theo lối bidwat (không câu nệ nghi thức).”
Bibidisa hay lối điểm đạo công phu vào dòng Swami bao gồm một nghi lễ lửa, trong đó các nghi thức tang lễ tượng trưng được thực hiện. Xác thân của đệ tử được hình dung như đã chết, được hỏa táng trong ngọn lửa minh triết. Swami mới thành lúc bấy giờ sẽ được trao cho một bài tụng, ví dụ: “Atma này là Brahma[190]” hay “Ngài là Cái Ấy” hay “Ta là Ngài”. Tuy nhiên, Sri Yukteswar, yêu thích sự giản dị, đã cho qua mọi nghi thức trang trọng mà chỉ bảo tôi chọn một tên mới.
“Ta sẽ cho con đặc ân được tự chọn lấy,” thầy nói, mỉm cười.
“Yogananda[191],” tôi đáp sau một lúc suy nghĩ. Cái tên nghĩa là “cực lạc (ananda) nhờ hợp nhất thiêng liêng (yoga).”
“Vậy cũng được. Từ bỏ tên họ Mukunda Lal Ghosh của con, từ nay trở đi tên con sẽ là Yogananda, nhánh Giri, dòng Swami.”
Khi tôi quỳ trước Sri Yukteswar, và lần đầu tiên nghe thầy đọc lên tên mình, lòng tôi tràn ngập lòng biết ơn. Thầy đã thương yêu và lao tâm khổ tứ không mệt mỏi biết bao để chàng trai Mukunda ngày nào trở thành thầy tu Yogananda! Tôi hân hoan ngâm vài câu thơ trong bài tụng tiếng Phạn dài của Thánh Shankara[192]:
Tâm, chẳng phải trí, chẳng phải ngã, đang cảm xúc; Ta chẳng là trời, chẳng là đất, kim loại cũng không.
Ta là Ngài, Ta là Ngài, hỡi Tinh thần Phúc đức, Ta là Ngài!
Sinh, tử, đẳng cấp, ta chẳng có; Cha, mẹ, ta cũng không.
Ta là Ngài, Ta là Ngài, hỡi Tinh thần phúc đức, Ta là Ngài!
Vượt quá mộng tưởng viển vông, ta là vô thể, Thấm đẫm hết ngọn ngành sự sống; Gông cùm, ta nào sợ; ta tự do, mãi mãi tự do, Ta là Ngài, Ta là Ngài, hỡi Tinh thần Phúc đức, Ta là Ngài!
Mọi swami đều thuộc về dòng tu được kính trọng ở Ấn Độ từ thời xa xưa. Được Shankaracharya tổ chức lại theo hình thức hiện nay từ nhiều thế kỷ trước, dòng tu từ đó đến nay đã được dẫn dắt bởi một dòng liên tục các vị thầy đáng kính (mỗi người đều kế tiếp Jagadguru Sri Shankaracharya quá cố của Gowardhan Math xưa ở Puri, Đức Bharati Krishna Tirtha, năm 1958 đã có chuyến viếng thăm Hoa Kỳ trong ba tháng. Đó là lần đầu tiên mà một Shankaracharya sang Tây phương. Chuyến đi lịch sử của thầy được Hội Tự giác tài trợ. Jagadguru đã nói chuyện tại các đại học hàng đầu của Hoa Kỳ và tham gia vào một cuộc thảo luận về hòa bình thế giới với nhà sử học nổi tiếng là tiến sĩ Arnold Toynbee.
Năm 1959 Sri Shankaracharya ở Puri nhận lời mời của hội trưởng Sri Daya Mata làm đại diện cho Dòng các sư phụ Hội Tự giác/Hội Yogoda Satsanga (HTG/HYS) Ấn Độ điểm đạo cho hai thầy tu Yogoda Satsanga vào Dòng Swami. Thầy đã làm lễ trong đền thờ Sri Yukteswar tại ashram Yogoda Satsanga ở Puri. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).
nhau mang pháp danh Jagadguru Sri Shankaracharya). Nhiều thầy tu, có lẽ hàng triệu thầy, đã tạo nên dòng Swami; để vào dòng tu này các vị đã phải thỏa một điều kiện là được chính các swami điểm đạo. Mọi thầy tu dòng Swami do vậy đều truy nguyên được nguồn gốc của mình về một sư phụ chung, là Adi (“đầu tiên”) Shankaracharya.
Họ phát thệ nghèo khó (không chấp luyến sở hữu), tịnh thân, và vâng lời vị sư trưởng hay lãnh tụ tinh thần. Các dòng tu Cơ Đốc Công giáo giống dòng Swami xưa hơn về nhiều mặt.
Swami sẽ thêm vào pháp danh mới của mình một từ chỉ ra mối liên hệ chính thức của thầy với một trong mười nhánh của dòng Swami. Các dasanami hay mười tên hiệu này bao gồm Giri (núi), là tên hiệu của Swami Sri Yukteswar và của tôi từ đây.
Một số nhánh khác trong dòng là Sagara (biển), Bharati (đất), Puri (đường), Saraswati (sự sáng suốt của Thiên nhiên), Tirtha (nơi hành hương), và Aranya (rừng).
Pháp danh của một swami, thường tận cùng bằng ananda (cực lạc), biểu thị ý nguyện của thầy đạt đến sự giải thoát qua một con đường, trạng thái riêng biệt, hay phẩm tính cao quý - tình thương, minh triết, trí phân biệt, sùng tín, phụng sự, yoga. Tên hiệu của thầy thì biểu thị sự hòa hợp với Thiên nhiên.
Cái lý tưởng phụng sự vị tha toàn nhân loại và dứt lìa mọi ràng buộc và tham vọng cá nhân dẫn đến chỗ là hầu hết các swami đều tích cực dấn thân vào các công tác nhân đạo và giáo dục ở Ấn Độ hay đôi khi còn ở cả xứ người. Vứt bỏ những định kiến về đẳng cấp, tín điều, giai cấp, màu da, giới tính, chủng tộc, một swami chỉ giữ các giới tình huynh đệ giữa con người. Mục đích của thầy là sự hợp nhất tuyệt đối với Tinh thần. Chan hòa tâm thức mình lúc thức cũng như ngủ bằng ý nghĩ, “Ta là Ngài”, thầy rong chơi mãn nguyện, giữa đời đấy nhưng không thuộc về đời. Chỉ có vậy thầy mới chứng minh được danh hiệu swami của mình: người tìm cách đạt được sự hợp nhất với Swa hay Chân ngã.
Sri Yukteswar vừa là một swami vừa là một yogi. Một swami, về hình thức là một thầy tu vì sự liên hệ với dòng tu đáng kính, không phải lúc nào cũng là một yogi. Hễ ai thực hành một kỹ thuật mang tính khoa học để chứng ngộ thiêng liêng thì đều là một yogi. Kẻ ấy có thể là người có gia đình hay chưa có gia đình, là một người của các phận sự đời hay là người của những ràng buộc tôn giáo chính thức.
Một swami có thể được hiểu là chỉ đi theo con đường lý luận khô khan, từ bỏ lạnh lùng; trong khi một yogi thì dấn thân vào một quá trình từng bước, xác định mà nhờ đó mà thân tâm yogi được rèn luyện và linh hồn dần dần được giải thoát. Trong khi không giả định bất cứ gì dựa trên cảm xúc hay đức tin, yogi thực hành một loạt các bài luyện tập đã được kiểm chứng kỹ lưỡng mà ban đầu được các rishi xưa phác thảo. Yoga ở Ấn Độ thời nào cũng sản sinh ra những vị đã trở thành những Yogi-Chúa chân chính, thật sự tự tại.
Giống như bất kỳ môn khoa học nào, yoga có thể được con người mọi nơi và mọi thời áp dụng. Cái thuyết mà một số tác giả thiếu hiểu biết đưa ra là yoga “nguy hiểm” hay “không phù hợp”
cho người phương Tây là hoàn toàn sai lạc, và thật đáng buồn là đã làm nhụt chí nhiều môn sinh thành tâm tìm kiếm lợi ích nhiều mặt của yoga.
Yoga là một phương pháp kiểm soát sự loạn động tự nhiên của tư tưởng, những cái mà ngược lại sẽ ngăn không cho hết thảy mọi người, mọi xứ thoáng thấy được thực tính Tinh thần của mình.
Như ánh sáng chữa bệnh của mặt trời, yoga có ích cho nhân loại, cả Đông lẫn Tây. Tư tưởng của đa số người thường không yên và thất thường; do đó mà tồn tại một nhu cầu rõ ràng đối với yoga: pháp môn làm chủ tâm.
Rishi Patanjali[193] thời xưa đã định nghĩa yoga là “vô hiệu hóa những con sóng nối tiếp nhau trong tâm thức[194]”. Tác phẩm ngắn gọn và bậc thầy của ngài, Yoga Sutra, hình thành nên một trong sáu triết phái Ấn Độ. Ngược với các triết thuyết phương Tây, cả sáu hệ phái của Ấn Độ[195] đều bao gồm không chỉ các giáo huấn lý thuyết mà còn cả những giáo huấn thực hành. Sau khi đã theo đuổi mọi truy vấn bản thể học có thể hiểu được, các hệ phái Ấn Độ giáo đã hình thành nên sáu cách tu luyện xác định nhắm đến việc tận diệt phiền não và đạt được cực lạc đời đời.
Upanishad về sau đã xác nhận Yoga Sutra, một trong số sáu hệ phái, chứa đựng những phương pháp hữu hiệu nhất để đạt được trực ngộ chân lý. Nhờ các kỹ thuật yoga thực hành, con người sẽ bỏ lại mãi mãi những địa hạt suy đoán vô ích mà nhận thức bằng chứng nghiệm Yếu tính chân thật.
Hệ thống Yoga của Patanjali được gọi là Bát Chi[196]. Những bước đầu tiên là (1) yama (giới, cấm chế, chế giới), và (2) niyama (giữ, khuyến chế, nội chế). Yama được thực hiện bằng cách không làm hại người khác, trung thực, không trộm cắp, tiết dục, và không tham lam. Niyama là sự tịnh sạch của thân tâm, tự tại trong mọi hoàn cảnh, kỷ luật tự giác, tự học (trầm tư, quán), và thành tâm với Thượng đế và sư phụ.
Các bước tiếp theo là (3) asana (thế, tọa pháp); cột sống phải được giữ thẳng, thân vững trong một tư thế thoải mái để thiền; (4) pranayama (điều tức, điều khiển prana, những dòng thanh khí); và (5) pratyahara (thoái giác, chế cảm, rút giác quan ra khỏi ngoại vật).
Những bước cuối là những hình thức yoga thật sự: (6) dharana (định thần, định tâm, chấp trì), giữ tâm vào một niệm; (7) dhyana (thiền, thiền định, tĩnh lự); và (8) samadhi (đại định, xuất thần, đẳng trì). Bát Chi yoga này dẫn đến cứu cánh Kaivalya (Tuyệt đối), khi yogi ngộ ra Đạo vượt lên trên mọi hiểu biết bằng trí tuệ.
“Vậy ai cao hơn,” người ta có thể hỏi, “swami hay yogi?”
Nếu và khi hợp nhất với Thượng đế đã đạt được rồi thì sự phân biệt những con đường khác nhau sẽ không còn. Tuy nhiên, Bhagavad Gita đã chỉ ra rằng các phương pháp yoga là bao quát.
Các kỹ thuật yoga không chỉ nhắm vào một số loại người và khí chất, ví dụ như một số ít người thiên về đời sống tu hành; yoga không đòi hỏi sự gắn bó hình thức. Vì pháp môn yoga đáp ứng một nhu cầu phổ quát nên nó có một sức cuốn hút phổ biến tự nhiên.
Một yogi đích thực vẫn có thể đầy ý thức trách nhiệm ở đời; ở đó yogi như bơ nổi trên nước, không giống nhân loại chưa tu tập như sữa chưa đánh thành bơ, dễ hòa tan. Trong khi chu toàn phận sự đời, con người không cứ phải phân ly với Thượng đế, miễn là anh ta vẫn giữ được tâm không vướng mắc vào những dục vọng vị kỷ và đóng vai trò của mình ở đời là một công cụ tự nguyện của Thiêng liêng.
Có một số thánh nhân, hôm nay sống ở Hoa Kỳ hay châu Âu hay những nơi khác không phải Ấn Độ, những người mà, dù họ có thể chưa từng nghe đến những từ yogi và swami thì họ cũng đã là những mẫu mực chân chính cho những từ đó. Bằng phụng sự nhân loại bất vụ lợi, hay bằng làm chủ những đam mê và tư tưởng của mình, hay bằng tình yêu chân thật dành cho Thượng đế, hay bằng những khả năng định trí chuyên chú, những người ấy, theo một nghĩa nào đó, là yogi; họ đã đặt cho mình cái mục tiêu của yoga - tự chủ. Những người này có thể vươn đến những tầm cao hơn nếu họ được dạy pháp môn yoga rõ ràng, cái có thể làm cho tâm thức và đời người được dẫn dắt có ý thức hơn.
Yoga đã bị một số tác giả phương Tây hiểu sai một cách phiến diện, nhưng những người chỉ trích nó là những người chưa hề tập luyện. Trong số nhiều lời khen ngợi chín chắn dành cho yoga có thể nhắc đến ca ngợi của bác sĩ C. G. Jung, nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ.
“Khi một phương pháp tu hành tự giới thiệu mình là ‘có tính khoa học’ thì nó có thể cầm chắc công chúng của mình ở phương Tây. Yoga đáp ứng được kỳ vọng này,” bác sĩ Jung viết[197]. “Ngoài sức hấp dẫn của cái mới và sự mê hoặc của cái chưa được hiểu rõ, yoga còn một lý do chính đáng nữa để có nhiều môn đồ. Yoga đem lại khả năng có được kinh nghiệm dễ vận dụng và do vậy mà thỏa mãn đòi hỏi khoa học về ‘dữ kiện thực tế’; và, ngoài điều này ra, vì sự sâu rộng, tuổi tác đáng trọng, học thuyết và phương pháp của nó, cái bao gồm mọi giai đoạn của đời người, yoga hứa hẹn những khả năng phi thường.
“Mọi thực hành tôn giáo hay triết học đều mang nghĩa là một kỷ luật tâm lý, nghĩa là, một phép thanh lọc tinh thần. Các động tác thuần thân thể, đa dạng của yoga[198] còn có nghĩa là một sự thanh lọc sinh lý cao hơn các bài tập thể dục và tập thở thông thường, vì nó không chỉ là cơ học và khoa học mà nó còn là triết học; trong khi rèn luyện các bộ phận cơ thể, yoga liên kết chúng với toàn thể của linh hồn, như đã khá rõ ràng, ví dụ, trong các bài tập Pranayama khi mà Prana vừa là hơi thở vừa là các năng lượng phổ quát của vũ trụ...
“Luyện yoga... sẽ không hiệu quả nếu không có các khái niệm nền tảng của yoga. Nó kết hợp các khái niệm thể xác và tinh thần theo một cách hoàn chỉnh lạ thường.
“Ở phương Đông, nơi những tư tưởng và thực hành này phát triển, và nơi suốt mấy ngàn năm, một truyền thống liên tục đã tạo ra những nền tảng tâm linh cần thiết, Yoga, như tôi có thể sẵn sàng tin tưởng, là phương pháp toàn hảo và thích hợp để hòa hợp thân thể và tâm trí để hình thành nên một thể thống nhất không thể nào nghi ngờ. Thể thống nhất này tạo ra một thiên hướng tâm lý làm cho trực giác có thể vượt trên ý thức.”
Phương Tây đang gần đến cái ngày mà tri thức tự chủ nội tâm cũng được nhìn nhận là cần thiết như cuộc chinh phục Thiên nhiên bên ngoài. Thời đại nguyên tử sẽ chứng kiến đầu óc con người chín chắn và rộng mở hơn nhờ sự thật giờ đây không thể bác bỏ được về mặt khoa học rằng vật chất thực ra là một sự cô đặc của năng lượng. Trí óc con người có thể và phải giải phóng bên trong nó những năng lượng mạnh hơn những năng lượng trong đá và kim loại, để người khổng lồ nguyên tử vật chất, vừa mới được phóng thích, sẽ không thể chống lại thế giới bằng sự hủy diệt thiếu cân nhắc. Một lợi ích gián tiếp từ việc nhân loại lo lắng về bom nguyên tử có thể là sự quan tâm thiết thực hơn nữa đối với pháp môn yoga[199], một “hầm tránh bom” đích thực.
* * *
Chú thích:
[188] Thư 1 gửi tín hữu Côrintô 7:32-33.
[189] “Kẻ nào dâng cho Thượng đế vị trí thứ hai là không dâng cho Ngài vị trí nào cả.” - Ruskin.
[190] Nghĩa đen là “Linh hồn này là Tinh thần”. Tinh thần tối cao, Đấng Vô thủy Vô chung, hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của điều kiện (neti, neti, không này, không kia) nhưng thường được nhắc đến trong Vedanta là Sat-Chit-Ananda, nghĩa là, Hiện hữu-Trí tuệ-Cực lạc.
[191] Yogananda là một tên khá phổ biến của các swami.
[192] Shankara thường được gọi là Shankaracharya; acharya nghĩa là “đạo sư”. Niên đại của Shankara thường là trung tâm tranh cãi trong giới học thuật. Một vài ghi chép chỉ ra rằng nhà nhất nguyên vô song sống vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên; hiền giả Anandagiri phỏng đoán là vào khoảng năm 44-12 trước công nguyên; các sử gia Tây phương cho rằng Shankara sống vào thế kỷ 8 hay đầu thế kỷ 9 công nguyên. Một mối liên hệ qua nhiều thế kỷ!
[193] Niên đại của Patanjali vẫn còn chưa xác định được, dù nhiều nhà nghiên cứu cho là ngài ở vào thế kỷ 2 trước Công nguyên. Các rishi viết các luận thuyết về rất nhiều đề tài với tri kiến mà bao thế kỷ đã bất lực không tài nào khiến chúng lỗi thời; thế nhưng, trước sự ngạc kinh tiếp sau đó của các sử gia, các nhà hiền triết chẳng màng đưa ngày tháng và dấu ấn cá nhân vào các tác phẩm học thuật của mình. Các vị biết rằng quãng đời ngắn ngủi của mình chỉ quan trọng nhất thời như những ánh chớp trong Sự sống vô cùng cao quý; và rằng chân lý vượt thời gian, không thể có đặc trưng cá nhân và không phải là sở hữu riêng của các vị.
[194] “Chitta vritti nirodha” (Yoga Sutra I:2), còn có thể dịch là “ngừng những biến đổi của tiềm thức”. Chitta là một thuật ngữ bao hàm chỉ yếu tố tư duy, cái bao gồm cả sinh lực prana, mana (trí hay ý thức-giác quan), ahamkara (ngã chấp), và buddhi (trí tuệ trực giác). Vritti (nghĩa đen là “vòng xoáy”) muốn nói đến những làn sóng tư tưởng và cảm xúc không ngừng dấy lên rồi lắng xuống trong tâm thức con người. Nirodha nghĩa là vô hiệu hóa, dừng, kiểm soát.
[195] Sáu hệ phái chính thống (dựa trên kinh Vệ Đà) là Sankhya, Yoga, Vedanta, Mimamsa, Nyaya, và Vaisesika. Độc giả có thiên hướng nghiên cứu sẽ thích thú tính tinh tế và phạm vi rộng của những hệ phái xưa này được tóm lược bằng tiếng Anh trong A History of Indian Philosophy (Lịch sử triết học Ấn Độ), tập I, của giáo sư Surendhanath Dasgupta (Cambridge University Press).
[196] 2\. Không nên lầm với “Bát Chính Đạo” của Phật giáo, một hướng dẫn hành vi đạo đức con người, như sau: (1) chính kiến, (2) chính tư duy, (3) chính ngữ, (4) chính nghiệp, (5) chính mệnh, (6) chính tinh tiến, (7) chính niệm, (8) chính định (samadhi).
[197] Năm 1937 bác sĩ Jung dự Hội nghị Khoa học Ấn Độ và nhận bằng danh dự của Đại học Calcutta.
[198] Ở đây bác sĩ Jung muốn nói đến Hatha Yoga, một nhánh chuyên biệt gồm các tư thế cơ thể và các kỹ thuật để có sức khỏe và sống thọ. Hatha là hữu ích, và tạo ra các kết quả hấp dẫn nơi cơ thể, nhưng nhánh yoga này ít được các yogi có khuynh hướng giải thoát tâm linh huân tập.
[199] Nhiều người không am hiểu đề cập đến yoga như Hatha Yoga hay xem yoga là “ma thuật”, các nghi thức ma thuật để sở đắc thần thông. Tuy nhiên, khi các học giả nói đến yoga là họ muốn nói đến hệ thống được trình bày trong Yoga Sutra (còn được gọi là Cách ngôn Patanjali): Raja (“vua”) Yoga. Luận thuyết gồm các khái niệm triết học có tầm vóc lớn đến mức nó đã là nguồn cảm hứng cho các bình chú của một số nhà tư tưởng vĩ đại nhất Ấn Độ, trong đó có cả thầy giác ngộ Sadasivendra (xem chú thích trang 484). Cũng như năm triết phái chính thống kia (dựa trên kinh Vệ Đà), Yoga Sutra xem cái “ma thuật” thanh lọc đạo đức (“mười điều răn” trong yama và niyama) là bước sơ khởi không thể thiếu để có sự tìm hiểu triết học hoàn chỉnh. Đòi hỏi riêng này, không được nhấn mạnh ở phương Tây, đã đem lại cho sáu hệ phái Ấn Độ một sức sống lâu dài. Trật tự vũ trụ (rita) duy trì vũ trụ không khác với trật tự luân lý làm chủ định mệnh con người. Kẻ nào chưa sẵn lòng giữ các giới luật đạo đức vũ trụ là chưa nghiêm túc quyết ý theo đuổi chân lý. Phần III trong Yoga Sutra đề cập đến nhiều thần lực khác nhau của yoga (vibhuti và siddhi). Tri thức chân chính luôn là quyền năng. Con đường yoga chia thành bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn có một biểu thị vibhuti riêng. Sau khi đạt được một khả năng nhất định, yogi sẽ biết là mình đã qua được thử thách của một trong bốn giai đoạn. Sự xuất hiện các khả năng đặc trưng là minh chứng cho cấu trúc mang tính khoa học của hệ thống yoga, nơi mà những tưởng tượng mê hoặc về “tiến bộ tâm linh” của ta bị trục xuất; cần phải có bằng chứng! Patanjali răn tín đồ rằng hợp nhất với Linh hồn cần phải là mục đích duy nhất, mà không phải là sở đắc các vibhuti \- chỉ là những đóa hoa tình cờ dọc con đường thiêng. Cầu mong Đấng Ban Phát Vĩnh Hằng được tìm kiếm mà không phải những tặng vật hiện tượng của Ngài! Thượng đế không tỏ lộ mình cho kẻ mong cầu được thỏa mãn chứng đắc nào kém hơn. Yogi tinh tiến do vậy rất cẩn trọng không sử dụng thần lực, sợ rằng chúng sẽ đánh thức thói kiêu mạn hư ngụy và làm mình xao lãng khỏi việc bước vào trạng thái Kaivalya tối hậu. Khi yogi đã đạt được Mục đích Vô tận, anh ta áp dụng các vibhuti, hay kiềm chế không dùng, tùy y muốn. Mọi hành động của anh ta, thần thông hay không, lúc ấy được thực hiện mà không có hệ lụy nghiệp. Những vỏ bào của sắt nghiệp chỉ được hút khi miếng nam châm bản ngã cá nhân vẫn còn tồn tại.