Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 25

CHƯƠNG 25

Anh Ananta và em gái Nalini

“Ananta sẽ không qua khỏi; thọ mạng theo nghiệp của anh kiếp này đã hết.”

Những lời không lay chuyển được này hiện ra trong tâm thức tôi một buổi sáng khi tôi đang chìm sâu trong thiền định. Không lâu sau khi tôi thành thầy tu dòng Swami, tôi về thăm sinh quán của mình, Gorakhpur, với tư cách là khách của anh Ananta. Một cơn bệnh đột ngột khiến anh nằm liệt giường; tôi ân cần chăm sóc anh.

Lời khẳng định uy nghiêm bên trong ấy làm tôi tràn ngập buồn đau. Tôi thấy rằng mình không thể chịu nổi ở lại Gorakhpur thêm nữa để rồi nhìn anh ra đi mà không làm gì được. Trước sự chỉ trích vô tình của người nhà, tôi rời Ấn Độ bằng con tàu đầu tiên có thể. Tàu đi men Miến Điện rồi qua Biển Đông đến Nhật Bản. Tôi xuống tàu tại Kobe, nơi tôi chỉ lưu lại vài ngày. Tim tôi trĩu nặng quá đỗi nên chẳng thể nào ngoạn cảnh.

Trên chuyến về Ấn Độ, tàu cập bến Thượng Hải. Ở đó ông Misra, bác sĩ của tàu, hướng dẫn tôi đến vài tiệm đồ cổ, nơi tôi lựa nhiều món quà khác nhau cho Sri Yukteswar và gia đình cùng bạn bè. Tôi mua cho anh Ananta một món đồ bằng tre lớn có chạm khắc. Người Hoa bán hàng vừa đưa tôi món quà lưu niệm bằng tre thì tôi đã thả nó xuống đất, thét lên: “Tôi vừa đi mua cái này cho anh trai yêu dấu đã chết!”

Một cái biết rõ ràng ập đến trong tôi là linh hồn anh vừa mới giải thoát về với Thượng đế. Món đồ lưu niệm rơi xuống gãy một cách đột ngột và tượng trưng; vừa khóc nức nở tôi vừa viết lên mặt phiến tre: “Tặng anh Ananta yêu dấu giờ đã mất của em.”

Bạn đồng hành của tôi là ông bác sĩ đang quan sát tôi với một nụ cười chế nhạo.

“Nín đi,” ông nói. “Sao lại khóc khi anh chưa chắc là anh ấy đã mất?”

Khi tàu chúng tôi tới Calcutta, bác sĩ Misra lại đi cùng tôi. Em trai út Bishnu đang chờ đón tôi ở bến tàu.

“Anh biết anh Ananta đã lìa trần,” tôi nói với Bishnu, trước khi em kịp nói. “Hãy cho anh, và thầy thuốc đây biết, anh Ananta mất khi nào.”

Bishnu nói ra đúng cái ngày tôi mua đồ lưu niệm ở Thượng Hải.

“Nghe này!” Thầy thuốc Misra thốt lên. “Đừng có để hở một lời nào về chuyện này cả! Mấy ông giáo sư sẽ thêm cả một năm trời học môn ngoại cảm vào khóa học ngành y, vốn đã đủ dài rồi đấy!”

Cha nồng ấm ôm tôi khi tôi bước vào nhà. “Con về rồi,” cha nói dịu dàng. Hai giọt lệ nặng trĩu trong mắt cha lăn dài. Thường không có thói quen bày tỏ, cha chưa hề cho tôi thấy những biểu hiện yêu thương ngoài mặt này. Bề ngoài là một người cha nghiêm nghị, bên trong cha lại có trái tim dịu dàng của người mẹ. Trong mọi việc nhà cha đều đóng vai trò vừa làm cha vừa làm mẹ.

Không lâu sau khi anh Ananta qua đời, em gái Nalini được giành lại từ cửa tử nhờ sự chữa bệnh thiêng liêng. Trước khi kể lại câu chuyện, tôi sẽ nhắc đến một vài giai đoạn trong quãng đời thơ ấu của chúng tôi.

Mối quan hệ thuở nhỏ giữa Nalini và tôi không phải là quan hệ hòa hợp nhất. Tôi đã gầy; cô bé còn gầy hơn. Vì một động cơ vô thức mà các nhà tâm lý học sẽ không khó nhận ra, tôi thường chọc ghẹo vẻ ngoài của em. Những lời đốp chát của em cũng thường đầy sự thẳng thắn tàn nhẫn vì còn quá nhỏ. Thỉnh thoảng mẹ can thiệp, tạm thời chấm dứt những cuộc cãi cọ con nít bằng một cái bạt nhẹ vào tai tôi (vì là tai kẻ làm anh).

Khi học xong, Nalini được gả cho Panchanon Bose, một thầy thuốc trẻ đáng mến ở Calcutta. Lễ cưới bày biện công phu được tổ chức vào ngày đã định. Trong đêm tân hôn, tôi nhập bọn với một đám đông người thân đang hân hoan trong phòng khách nhà chúng tôi ở Calcutta. Chú rể ngồi dựa vào một cái gối gấm to thêu kim tuyến vàng, với Nalini bên cạnh. Cái sari[200] lụa tím lộng lẫy, hỡi ôi, không che nổi vẻ gầy còm của em. Tôi nấp sau gối của cậu em rể mới rồi thân tình cười toe toét với cậu ta. Mãi đến ngày cưới cậu ta mới được thấy mặt Nalini, khi mà cuối cùng cậu ta biết mình nhận được gì trong trò xổ số hôn nhân.

Cảm thấy sự đồng cảm của tôi, thầy thuốc Bose kín đáo chỉ Nalini, rồi thì thào vào tai tôi, “Anh nói xem, cái gì đây?”

“Sao vậy, thầy thuốc,” tôi đáp, “đó là một bộ xương để chú quan sát mà!”

Năm tháng trôi qua, thầy thuốc Bose khiến gia đình chúng tôi quý mến, cứ cho mời cậu ta mỗi khi có ốm đau. Cậu ta và tôi trở thành bạn thân, vẫn nói đùa với nhau, thường là đem Nalini ra làm bia.

“Đó là một sự lạ của y học,” một hôm em rể nói với tôi. “Em đã thử đủ thứ với cô em gầy nhom của anh rồi - dầu gan cá thu, bơ, mạch nha, mật, cá, thịt, trứng, thuốc bổ. Nhưng vợ em vẫn không chịu phình lên dù chỉ một milimét.”

Vài ngày sau tôi đến thăm nhà Bose. Việc tôi cần ở đó chỉ mất có vài phút; mình sẽ về, tôi nghĩ, mà Nalini không hay biết. Ra tới cửa trước, tôi nghe thấy giọng em, thân ái nhưng ra lệnh.

“Anh, lại đây. Lần này anh không lẻn em mà đi được đâu. Em cần nói chuyện với anh.”

Tôi lên cầu thang đến phòng em. Tôi ngạc nhiên thấy là em đang khóc.

“Anh thân yêu,” em nói, “anh em mình làm lành đi. Em thấy là giờ đây chân anh đã vững trên đường đạo rồi. Em muốn được giống hệt như anh.” Em nói thêm đầy hy vọng, “giờ bề ngoài anh cứng cáp; anh giúp em chứ? Chồng em chẳng chịu tới gần em, mà em thì lại yêu chồng vô cùng! Nhưng cái chính mà em mong muốn là thành tựu trong giác ngộ Thượng đế, dù là em phải gầy nhom[201] và vô duyên mãi.”

Lòng tôi vô cùng xúc động trước lời khẩn khoản của em. Tình bạn mới có giữa chúng tôi tiến triển đều đặn; một hôm em muốn được trở thành đệ tử của tôi.

“Cứ dạy em thế nào tùy anh. Em sẽ đặt lòng tin vào Thượng đế thay vì thuốc bổ.” Em tôi vơ cả ôm thuốc rồi trút xuống cái cống bên ngoài cửa sổ.

Như để thử thách lòng tin của em, tôi dặn em loại khỏi chế độ ăn mọi thứ cá, thịt và trứng.

Vài tháng sau, khi Nalini tuân thủ chặt chẽ nhiều quy định khác nhau tôi đã vạch ra, và đã giữ chế độ ăn chay bất chấp vô vàn khó khăn, tôi đến thăm em.

“Em, em đã một lòng giữ giới; phần thưởng cho em sắp tới rồi.” Tôi mỉm cười tinh quái. “Em muốn béo ra chừng nào? Béo như bà dì của bọn mình đã nhiều năm rồi chẳng nhìn thấy bàn chân mình ấy à?”

“Không đâu! Nhưng em mong được cứng cáp như anh vậy.”

Tôi đáp trịnh trọng. “Nhờ ơn Thượng đế, vì anh vẫn luôn nói thật, giờ anh cũng sẽ nói thật[202]. Nhờ ơn thiêng liêng, từ hôm nay thân hình em quả sẽ có khác đi; trong vòng một tháng em sẽ nặng bằng anh.”

Những lời này từ đáy lòng tôi đã trở thành hiện thực. Trong ba mươi ngày, cân nặng của Nalini đã bằng tôi. Cái vẻ tròn trịa mới có khiến em xinh đẹp ra; chồng em đâm yêu thương em vô cùng. Hôn nhân của họ, khởi đầu một cách không may, hóa ra lại là hạnh phúc tuyệt vời.

Từ Nhật trở về, tôi biết là trong lúc tôi đi vắng Nalini bị thương hàn. Tôi vội chạy đến nhà em, và rồi thất kinh thấy em hết sức tiều tụy. Em đang mê man.

Em rể bảo tôi: “Trước khi đầu óc đâm lú lẫn đi vì bệnh thì vợ em cứ luôn miệng: ‘Anh Mukunda mà có ở đây thì em đâu đến nông nỗi này.’ ” Cậu ta vừa khóc vừa nói thêm, “Mấy thầy thuốc khác và em thấy không còn một tia hy vọng nào nữa rồi. Sau một thời gian dài, nó vật lộn với bệnh thương hàn, giờ lại bắt đầu bị kiết lỵ ra máu.”

Vì hết thảy các cõi giới đều được xây nên trên sự thật, mọi kinh điển đều tán tụng sự chân thật là một đức hạnh mà nhờ đó con người có thể hòa điệu đời mình với Thượng đế. Mahatma Gandhi thường nói: “Chân lý là Thượng đế”; phấn đấu suốt đời ngài là sự thật tuyệt đối trong suy nghĩ, lời nói, và hành động. Cái lý tưởng satya (chân lý) bao đời đã thấm nhuần khắp xã hội Ấn. Marco Polo kể cho chúng ta rằng người Bà La Môn “không hề nói dối lấy một câu vì bất cứ điều gì trên đời”.

Một quan tòa người Anh ở Ấn Độ, William Sleeman, viết trong Journey Through Oudh in 1849-50 (Hành trình xuyên Oudh trong những năm 1849-50): “Tôi đã chứng kiến hàng trăm trường hợp mà tài sản, tự do hay tính mạng của một người được quyết định bởi việc y nói dối một lời; vậy mà y vẫn không chịu nói.”

Tôi cố làm đủ mọi cách bằng cầu nguyện. Thuê một y tá người Ấn-Âu, người đã hết lòng giúp tôi một tay, tôi áp dụng nhiều thuật chữa bệnh bằng yoga khác nhau cho em gái mình. Kiết lỵ ra máu đã hết.

Nhưng thầy thuốc Bose lắc đầu buồn bã. “Nó chỉ là chẳng còn máu mà ra nữa.”

“Nó sẽ khỏi bệnh,” tôi đáp lại quả quyết. “Trong bảy ngày nữa nó sẽ khỏi bệnh thương hàn.”

Một tuần sau tôi xúc động thấy Nalini mở mắt và nhìn tôi với lòng biết ơn trìu mến. Từ hôm ấy em bình phục rất nhanh. Dù em đã có lại được cân nặng như trước rồi, nhưng em vẫn còn mang cái di chứng đáng buồn từ cơn bệnh thập tử nhất sinh: hai chân em bị liệt. Các chuyên gia Ấn và Anh khẳng định là em sẽ bị liệt suốt đời.

Cuộc vật lộn liên miên giành lại mạng sống cho em mà tôi đã trải qua bằng cầu nguyện đã làm tôi kiệt sức. Tôi đến Serampore cầu Sri Yukteswar cứu giúp. Mắt thầy bộc lộ một niềm thương cảm sâu sắc khi tôi kể cho thầy nghe cảnh ngộ của Nalini.

“Cuối tháng này thì hai chân em con sẽ bình thường trở lại.”

Thầy nói thêm, “Bảo nó đeo trong người một chiếc nhẫn có hạt ngọc trai không đục lỗ hai cara, giữ bằng một cái móc cài.”

Tôi phủ phục dưới chân thầy với nỗi nhẹ nhõm hân hoan.

“Thầy, thầy là một bậc thầy; thầy dạy rằng nó sẽ khỏe lại là đã đủ rồi. Nhưng nếu thầy quyết thì con sẽ tức thì đi mua cho nó một hạt ngọc trai.”

Sư phụ gật đầu. “Phải, làm vậy đi.” Thầy tiếp tục mô tả chính xác các đặc điểm thể xác và tinh thần của Nalini, người mà thầy chưa hề thấy mặt.

“Thầy,” tôi hỏi, “có phải đây là một lá số tử vi không? Thầy đâu có biết ngày giờ sinh của nó.”

Sri Yukteswar mỉm cười. “Có một thuật chiêm tinh uyên áo hơn, không phụ thuộc vào sự khẳng định của lịch và đồng hồ. Mỗi người là một phần của Đấng Sáng tạo, hay Con người Vũ trụ; ngài có một thân trời và cả một thân phàm. Mắt người thấy thể dạng vật chất, nhưng con mắt nội thể nhìn xuyên thấu hơn, thậm chí đến cả cái mô hình vũ trụ mà mỗi người là một phần cá thể và trọn vẹn.”

Tôi quay về Calcutta rồi mua một viên ngọc trai[203] cho Nalini.

Một tháng sau, hai chân bị liệt của em đã lành hẳn.

Em gái nhờ tôi gửi lời cảm tạ chân thành đến sư phụ. Thầy im lặng nghe lời nhắn. Nhưng khi tôi cáo từ, thầy nói một câu hàm súc:

“Em con đã được nhiều thầy thuốc bảo là sẽ không bao giờ có con. Hãy cam đoan với nó rằng trong vài năm nữa nó sẽ sinh hai đứa con gái.”

Vài năm sau, Nalili rất vui mừng sinh một đứa con gái; rồi, vài năm sau nữa, một đứa con gái nữa.

Cơ thể nhạy cảm của người, với các luồng sinh khí điện, là trung tâm của nhiều bí ẩn còn chưa được nghiên cứu.

Dù đá quý và vòng kim loại có các tác dụng chữa bệnh cho cơ thể, nhưng Sri Yukteswar còn có một lý do khác khi khuyên dùng chúng. Các bậc thầy không bao giờ muốn tỏ ra là những người chữa bệnh siêu phàm. Chỉ mình Thượng đế là Đấng Chữa Bệnh. Các thánh nhân, do vậy, thường che giấu các khả năng mà các vị khiêm cung nhận được từ Thượng đế dưới nhiều hình thức khác nhau. Con người thường tin tưởng vào những cái hữu hình; khi mọi người tìm đến sư phụ tôi nhờ chữa bệnh, thầy khuyên họ đeo một chiếc vòng hay đá quý để khơi dậy đức tin của họ và cũng để đánh lạc hướng họ khỏi chú ý vào thầy. Các vòng và đá quý, ngoài các uy lực chữa bệnh điện từ nội tại, còn có phúc thiêng kín đáo của thầy.

* * *

Chú thích:

[200] Váy quấn rất duyên dáng của phụ nữ Ấn.

[201] Vì hầu hết người Ấn Độ đều gầy, mập mạp vừa phải được xem là đáng ao ước.

[202] Kinh điển Ấn Độ giáo tuyên bố là những ai thường nói thật sẽ huân tập được khả năng làm cho lời nói của mình biến thành sự thật. Những mệnh lệnh họ thốt ra từ đáy lòng sẽ trở thành sự thật (Yoga Sutra II: 36).

[203] Ngọc trai và các loại đá quý khác cũng như kim loại và cây cỏ, được đưa trực tiếp lên da người, có ảnh hưởng điện từ đối với các tế bào cơ thể. Cơ thể người chứa cácbon và nhiều nguyên tố kim loại khác nhau có cả trong thực vật, kim loại, đá quý. Các khám phá của các rishi trong những lĩnh vực này một ngày nào đó chắc chắn sẽ nhận được sự khẳng định của các nhà sinh lý học.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3