Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 26
CHƯƠNG 26
Pháp môn Kriya Yoga
Pháp môn Kriya Yoga, rất hay được nhắc đến trong những trang sách này, đã được lan truyền rộng rãi khắp Ấn Độ hiện đại thông qua Lahiri Mahasaya, sư phụ của sư phụ tôi. Gốc tiếng Phạn của kriya là kri, làm, hành động và phản ứng lại; gốc ấy cũng có trong từ karma, nguyên lý nhân quả tự nhiên. Kriya Yoga vì vậy là “hợp nhất (yoga) với Thượng đế qua một hành động hay nghi thức (kriya) nhất định.” Yogi một lòng huân tập kỹ thuật này sẽ dần dần thoát khỏi nghiệp hay vòng những cân bằng nhân-quả chính đáng.
Vì một số huấn thị yoga xưa, tôi không thể giải thích đầy đủ về Kriya Yoga trong một cuốn sách nhắm tới quảng đại quần chúng.
Kỹ thuật thực tế nên học từ một Kriyaban (Kriya Yogi) được phép thuộc Hội Tự giác (Hội Yogoda Satsanga Ấn Độ)[204]. Ở đây phải có một sự tham khảo rõ ràng đầy đủ Kriya Yoga là một phương pháp tâm sinh lý đơn giản mà nhờ đó máu trong cơ thể người được thải cácbonic và nạp lại ôxy. Các nguyên tử ôxy bổ sung này biến thành luồng sinh khí để phục hồi não và các trung khu ở cột sống. Bằng cách dừng sự tích tụ máu tĩnh mạch, yogi có thể làm giảm hay ngăn chặn sự phân rã của các mô. Yogi trình độ cao chuyển hóa tế bào của mình thành năng lượng. Elijah, Jesus, Kabir, và các đấng tiên tri khác trong quá khứ là những bậc thầy trong việc dùng Kriya hay một kỹ thuật tương tự, nhờ đó mà các vị làm cho thân mình hiện ra và mất đi tùy ý.
Kriya là một pháp môn xưa. Lahiri Mahasaya nhận nó từ đại sư phụ của mình, Babaji, vị đã tìm lại và làm sáng tỏ kỹ thuật này sau khi nó đã thất lạc vào đêm trường Trung cổ. Babaji đặt tên lại, một cách đơn giản, là Kriya Yoga.
“Kriya Yoga mà ta đang trao cho thế giới qua con vào thế kỷ thứ mười chín này,” Babaji đã nói với Lahari Mahasaya, “là sự hồi sinh của chính cái pháp môn mà bao thiên niên kỷ trước Krishna đã trao cho Arjuna; và cái mà về sau Patanjali và Chúa Kitô, thánh John (Gioan), thánh Paul (Phaolô), và các tông đồ khác biết.”
Kriya Yoga đã được thần Krishna, đấng tiên tri vĩ đại của Ấn Độ, nhắc đến hai lần, trong Bhagavad Gita. Một khổ thơ đã nói: “Khi đưa hơi thở hít vào vào hơi thở ra rồi đưa hơi thở ra vào hơi thở hít vào, yogi sẽ trung hòa cả hai hơi thở; do vậy yogi sẽ giải phóng prana trong tim và kiểm soát được sinh lực của mình[205].” Giải thích là: “Yogi ngăn chặn sự suy hoại của thân bằng cách có được một nguồn cung cấp bổ sung prana (sinh lực) qua việc làm yên hoạt động của tim phổi; yogi còn ngừng những chuyển hóa trong sự phát triển trong cơ thể bằng cách kiểm soát apana (trọc khí). Trung hòa sự suy tàn và phát triển theo cách đó, yogi sẽ học được cách kiểm soát sinh lực.”
Một khổ thơ Gita khác nói: “Thiền sư đó (muni) trở nên mãi mãi tự tại, là kẻ, trong khi kiếm tìm Mục đích Tối thượng, có thể rút lui khỏi các hiện tượng ngoại giới bằng cách định cái nhìn ở điểm giữa hai chân mày và bằng cách trung hòa các luồng cân bằng prana và apana [trôi] bên trong mũi và phổi; kiểm soát trí giác quan và trí tuệ của mình; xua đi tham dục, sợ hãi và giận dữ[206].”
Krishna cũng kể lại[207] rằng chính ngài, trong một hiện thân trước đây, là người đã truyền dạy yoga bất hoại lại cho một bậc giác ngộ là Vivasvat, người trao lại cho Manu, nhà lập pháp vĩ đại[208]. Ngài ấy, đến lượt mình, dạy cho Ikshwaku, người sáng lập ra triều đại chiến binh mặt trời ở Ấn Độ. Được truyền từ người này sang người kia như vậy, yoga vương đạo được các rishi giữ gìn cho đến khi các thời đại duy vật ra đời[209]. Bấy giờ, vì tính vi mật tôn giáo và sự hờ hững của người đời, pháp môn thiêng liêng này dần trở nên cách biệt.
Kriya Yoga được hiền giả Patanjali đời xưa, người diễn giải yoga lỗi lạc nhất, nhắc đến hai lần, ngài viết: “Kriya Yoga gồm kỷ luật thân, kiểm soát tâm, và trầm tư về Aum[210].” Pantajali gọi Thượng đế là Âm thanh Vũ trụ Aum, thực hữu nghe thấy được trong thiền định[211]. Aum là Nguyên ngôn Sáng tạo, tiếng rền của Động cơ Rung động, chứng nhân[212] cho Hiện diện Thiêng liêng.
Ngay cả người mới nhập môn yoga cũng có thể sớm nghe thấy âm thanh siêu việt Aum. Qua sự khích lệ tâm linh cực lạc này, kẻ ấy sẽ đương nhiên tin chắc là mình đang giao hòa với những cõi thiên.
Patanjali nhắc đến kỹ thuật Kriya hay kiểm soát sinh lực lần thứ hai như sau: “Giải thoát có thể đạt được bằng pranayama, cái được thực hiện bằng cách tách hai quá trình hít vào và thở ra[213].”
Thánh Paul đã biết Kriya Yoga, hay một kỹ thuật tương tự, nhờ đó ngài có thể điều hòa các dòng sinh lực qua lại giữa các giác quan. Do vậy mà ngài có thể nói: “Thưa chúng ta, mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết: tôi có hãnh diện về anh em trong Đức
SRI SHANKARACHARYA TẠI TRỤ SỞ HTG-HYS Sri Jagadguru Shankaracharya Bharati Krishna Tirtha ở Puri, Ấn Độ, tại Trụ sở Quốc tế Hội Tự giác, Los Angeles (do Paramahansa Yogananda thành lập vào năm 1925). Năm 1958, Jagadguru, sư trưởng của dòng Swami, sang thăm Hoa Kỳ ba tháng, được Hội Tự giác bảo trợ. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử dòng Swami xưa mà một Shankaracharya sang phương Tây (xem chú thích trang 293). MỘT NGƯỜI TÂY PHƯƠNG TRONG TRẠNG THÁI SAMADHI Rajarsi Janakananda (James J. Lynn) Trên một bãi biển tư nhân ở Encinitas, bang California, tháng 1 năm 1937, sau năm năm huân tập _Kriya Yoga_ hàng ngày, trong trạng thái _samadhi_ (siêu thức) ông Lynn đã nhận được Linh ảnh Cực lạc: Thượng đế như Niềm vui Ngụ Bên trong. “Đời sống quân bình của ông Lynn có thể là một nguồn cảm hứng cho mọi người,” Yogananda nói. Trong khi tận tâm hoàn thành các phận sự đời, ông Lynn vẫn tìm được thời gian mỗi ngày để chìm trong trầm tư về Thượng đế. Nhà doanh nhân thành đạt đã trở thành một _Kriya Yogi_ giác ngộ (xem các trang 453, 599-600). Paramahansaji thường trìu mến gọi ông là “Thánh Lynn”, và năm 1951 đã ban cho ông pháp danh Rajarsi Janakananda (theo tên vua Janaka lừng lẫy về tâm linh ở Ấn Độ xưa). Danh hiệu _rajarsi_, nghĩa đen là “_rishi_ vương đạo”, xuất phát từ _raja_ (“vua”) + _rsi_ (hay _rishi_, “đại thánh”). Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, thì mới quả quyết như vậy[214].” Bằng một phương pháp tập trung vào bên trong toàn bộ sinh lực cơ thể (cái thường chỉ được hướng ra bên ngoài, đến thế giới giác quan, do vậy mà làm cho nó dường như có tính xác thực), thánh Paul mỗi ngày được chứng nghiệm một hợp nhất yoga thật sự với “hãnh diện” (cực lạc) của Tâm thức Chúa. Trong trạng thái diễm phúc đó, ngài cảm nhận là “chết” hay thoát khỏi sự lừa mị của giác quan, thế giới của maya.
Trong các trạng thái sơ khởi khi giao hòa cùng Thượng đế (sabikalpa samadhi), tâm thức của tín đồ hòa trong Linh hồn Vũ trụ; sinh lực của y rút khỏi xác thân, có vẻ như “chết”, hay bất động và cứng đờ. Yogi hoàn toàn ý thức được trạng thái sinh khí tạm ngưng của mình. Song, khi đi tiếp lên các trạng thái tâm linh cao hơn (nirbikalpa samadhi), yogi sẽ gặp gỡ Thượng đế mà không có sự ngưng đọng của cơ thể; và ở trong ý thức tỉnh táo bình thường của mình, ngay cả khi đang thực hiện những phận sự đời trần[215].
“Kriya Yoga là một khí cụ mà nhờ đó tiến hóa của con người có thể đi nhanh hơn,” Sri Yukteswar giải thích cho các môn sinh.
“Các yogi xưa đã phát hiện ra rằng bí mật của tâm thức vũ trụ liên hệ mật thiết với làm chủ hơi thở. Đây là cống hiến độc đáo và bất tử của Ấn Độ cho kho tàng tri thức thế giới. Sinh lực, cái thường được hấp thụ trong việc duy trì hoạt động của tim, phải được giải phóng cho các hoạt động cao hơn bằng một phương pháp làm định và tĩnh những đòi hỏi không ngừng của hơi thở.”
Kriya Yogi bằng ý hướng sinh lực của mình đi vòng tròn, hướng lên và hướng xuống, quanh sáu trung khu cột sống (các đám rối tủy sống, cổ, lưng, thắt lưng, xương cùng và xương cụt), tương ứng với mười hai cung hoàng đạo, Con người Vũ trụ tượng trưng. Nửa phút năng lượng đi quanh dây cột sống nhạy cảm của người ảnh hưởng đến tiến bộ thâm diệu trong sự tiến hóa của anh ta; nửa phút Kriya đó tương đương một năm khai mở linh hồn tự nhiên.
Tiểu vũ trụ con người, với sáu (mười hai tính cả phân cực) chòm sao bên trong quay quanh mặt trời con mắt tâm linh toàn trí, tương ứng với mặt trời thực và mười hai cung hoàng đạo. Do vậy mà mỗi người đều chịu ảnh hưởng của một vũ trụ bên trong và một vũ trụ bên ngoài. Các rishi xưa đã nhận ra là môi trường cõi trời và cõi trần của con người, theo một chuỗi các vận mười hai năm, thúc hắn đi tới trên con đường tự nhiên của mình. Kinh thư khẳng định rằng con người cần một triệu năm tiến hóa bình thường, không bệnh tật mới hoàn thiện được não người và đạt được tâm thức vũ trụ.
Huân tập một ngàn Kriya trong tám giờ rưỡi sẽ cho yogi, trong một ngày, tương đương với một ngàn năm tiến hóa tự nhiên:
365.000 năm tiến hóa trong một năm.Do vậy, trong ba năm, một Kriya Yogi bằng sự tự tinh tiến thông minh có thể đạt được cái thành quả mà Thiên nhiên trong một triệu năm mới làm được. Con đường tắt Kriya, dĩ nhiên, chỉ có thể được những yogi trình độ cao thâm áp dụng. Được sự hướng dẫn của một sư phụ, những yogi ấy đã sửa soạn kỹ lưỡng thân và não mình để chịu được cái năng lượng mà tu luyện tập trung sản sinh ra.
Người nhập môn Kriya chỉ tập kỹ thuật yoga của mình mười bốn đến hai mươi bốn thời, hai lần mỗi ngày. Một số yogi đạt được giải thoát trong sáu, mười hai, hai mươi bốn hay bốn mươi tám năm. Yogi chết trước khi đạt đến toàn giác sẽ mang theo thiện nghiệp do tinh tiến tu luyện Kriya trong quá khứ; trong kiếp sau yogi ấy, một cách tự nhiên người đó sẽ được đẩy tới Mục đích Vô cùng của mình.
Thân người thường giống như một bóng đèn năm mươi oát, không kham nổi một tỉ oát năng lượng do luyện tập Kriya quá mức thắp lên. Bằng cách tăng dần dà và đều đặn các phép Kriya đơn giản và dễ dàng, ngày này qua ngày khác, cơ thể người sẽ dần biến đổi một cách siêu hình, và cuối cùng sẵn sàng để bộc lộ những tiềm năng vô cùng tận của năng lượng vũ trụ, là cái cấu thành biểu hiện tích cực về mặt vật chất đầu tiên của Tinh thần.
Kriya Yoga không có gì điểm gì chung với các bài tập thở thiếu khoa học mà một số người cuồng tín lạc lối dạy. Những cố gắng nín hơi thở một cách khiên cưỡng trong phổi là phi tự nhiên và rõ ràng là khó chịu. Ngược lại, luyện Kriya ngay từ đầu đã đi kèm với những cảm nhận bình an và những cảm giác xoa dịu từ tác động phục hồi nơi cột sống.
Kỹ thuật yoga xưa biến hơi thở thành chất ý thức. Nhờ tiến bộ tâm linh mà người ta có thể nhận ra hơi thở là một khái niệm tinh thần, một hành vi của tâm thức: một hơi thở ước mơ.
Có thể nêu ra nhiều ví dụ về mối tương quan chính xác giữa nhịp hô hấp ở người và các biến đổi trong trạng thái tâm thức của y. Một người đang chú tâm hoàn toàn, ví dụ như đang trong một cuộc đấu trí gần đến hồi kết nào đó, hay khi đang cố gắng lập một kỳ tích về thể lực khó khăn hay khéo léo nào đó, sẽ tự động thở rất chậm. Mức độ định trí khi chú tâm tùy thuộc vào việc thở chậm; hơi thở nhanh hoặc không đều là một trạng thái đi kèm không thể tránh khỏi của những trạng thái cảm xúc nguy hại: sợ hãi, thèm khát, giận dữ. Con khỉ hiếu động thở 32 nhịp một phút, trái với nhịp thở trung bình của người là 18 nhịp. Voi, rùa, rắn, và các sinh vật khác nổi tiếng là sống lâu có một nhịp hô hấp chậm hơn ở người. Ví dụ, rùa khổng lồ có thể sống đến ba trăm năm, thở chỉ 4 nhịp một phút.
Các tác động phục hồi của giấc ngủ là nhờ con người tạm thời không ý thức về thân thể và thở. Người ngủ trở thành một yogi; hàng đêm y vô thức thực hiện nghi thức của yogi là giải phóng mình khỏi sự đồng hóa với xác thân và hòa sinh lực với các luồng phục hồi trong vùng não chính và trong sáu máy phát điện phụ là các trung khu ở cột sống. Do vậy, rất vô tình, người ngủ được nạp năng lượng vũ trụ duy trì toàn bộ sự sống.
Yogi tự giác thì lại thực hiện một quá trình tự nhiên, đơn giản có ý thức, không phải vô thức chậm chạp như người ngủ. Kriya Yogi dùng kỹ thuật của mình làm đầy và nuôi mọi tế bào cơ thể bằng một ánh sáng bất hoại và do vậy giữ cho các tế bào ở trong tình trạng bị thu hút về mặt tâm linh. Một cách khoa học, yogi làm cho sự thở trở nên không cần thiết, và không lạc vào (trong những giờ tu luyện) các trạng thái bất lợi là ngủ, hôn trầm, hay chết.
Ở người chịu sự kiểm soát của maya hay quy luật tự nhiên, luồng sinh khí đi ra ngoại giới; các luồng bị phí phạm và lạm dụng vào các giác quan. Huân tập Kriya sẽ làm đảo ngược luồng này; sinh lực được tinh thần hướng đến vũ trụ nội thể và tái hợp với những năng lượng cột sống vi tế. Bằng sự củng cố sinh lực như vậy, cơ thể và các tế bào não của yogi được làm mới lại bởi một thứ thuốc tiên tinh thần.
Bằng thức ăn thích hợp, ánh nắng, và những ý nghĩ hài hòa, những người chỉ được Thiên nhiên và ý đồ siêu việt của nàng dẫn dắt sẽ đạt đến Tự giác ngộ sau một triệu năm. Cần phải có mười hai năm sống lành mạnh bình thường mới tạo nên dù chỉ là những thanh lọc không đáng kể trong cấu trúc não; cần có một triệu ngày để thanh lọc vùng não đủ để tâm thức vũ trụ hiển lộ. Vậy nhưng, Kriya Yogi, bằng cách dùng một pháp môn tâm linh, sẽ đưa mình ra khỏi việc bắt buộc phải cẩn thận tuân thủ các quy luật tự nhiên một thời gian dài.
Trong khi tháo sợi dây hơi thở trói linh hồn với thể xác, Kriya có tác dụng kéo dài sự sống và mở rộng tâm thức đến vô cùng. Kỹ thuật yoga vượt qua được sự đôi co giữa tâm và các giác quan vướng mắc trong vật chất, và thế là giải thoát cho tín đồ để anh ta lại được hưởng vương quốc vĩnh hằng của mình. Bấy giờ anh ta sẽ hiểu ra rằng thực tính của mình không phải bị trói buộc bởi cái vỏ xác thân mà cũng chẳng phải hơi thở - biểu tượng sự nô lệ của người phàm vào không khí, vào những câu thúc cố hữu của Thiên nhiên.
Là chủ của thân tâm mình rồi, Kriya Yogi cuối cùng sẽ đạt được sự hàng phục “thù địch cuối cùng[216]”: cái chết.
Nên mi sống bằng Tử thần, thứ sống bằng con người:
Và Tử thần một lần đã chết, sẽ không còn chết nữa[217].
Phép nội quan, hay “ngồi trong im lặng”, là một cách không khoa học cố giằng tâm trí ra khỏi các giác quan được ràng buộc với nhau bởi sinh lực. Tâm trầm mặc, khi thử trở về với thần tính của mình, liên tục bị những dòng sinh lực lôi trở lại về phía giác quan. Kriya, trong khi kiểm soát tâm một cách trực tiếp bằng sinh lực, là con đường dễ nhất, hữu hiệu nhất và khoa học nhất để đến với Thượng đế. Trái với con đường “xe bò” lý thuyết chậm chạp, không chắc chắn đến với Thượng đế, Kriya Yoga có thể được gọi một cách đúng đắn là đường “hàng không”.
Pháp môn yoga dựa trên sự xem xét thực nghiệm mọi hình thức kỹ thuật định trí và thiền. Yoga cho phép tín đồ bật và tắt, tùy ý, dòng sinh lực đến các điện thoại ngũ căn (năm giác quan) là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt và thân (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Khi đạt được khả năng ngắt giác quan này rồi, yogi sẽ thấy dễ dàng đưa tâm thức tùy ý vào các cõi trời hay cõi vật chất. Y sẽ không còn bị sinh lực ép uổng đưa trở lại cái cảnh giới trần tục với những cảm xúc xáo trộn và những ý nghĩ tán loạn.
Cuộc sống của một Kriya Yogi thâm hậu không chịu ảnh hưởng của quả từ nghiệp trong quá khứ mà chỉ của những dẫn dắt từ linh hồn. Tín đồ do vậy thoát được những giám sát tiến hóa chậm của những hành động ngã chấp, thiện hay ác, của kiếp sống thường tình - nặng nề và chậm như ốc sên so với trái tim đại bàng.
Phương pháp cao sống bằng linh hồn giải thoát cho yogi; khi đã thoát ra khỏi nhà tù-bản ngã, anh ta sẽ nếm thấy không khí thăm thẳm của vô biên. Thân phận nô lệ của sự sống tự nhiên, ngược lại, đã bị ấn định trong một nhịp điệu bẽ bàng. Khi để đời mình chỉ tuân thủ luật tiến hóa không thôi, con người không thể xứng với cái gấp gáp nhân nhượng từ Thiên nhiên. Dù anh ta sống mà không làm trái những quy luật chi phối thân và tâm mình thì anh ta cũng phải chịu một triệu năm đầu thai muôn mặt mới đạt đến giải thoát tối hậu.
Do vậy, các phương pháp rút ngắn của yogi, khi tháo mình ra khỏi những đồng hóa thể xác và tinh thần mà chọn thể tính linh hồn, được trao cho những ai không cam chịu một triệu năm. Chu vi số học này rộng thêm đối với người phàm, kẻ còn chưa sống hài hòa với Thiên nhiên được, huống hồ là linh hồn mình; trong khi đuổi theo những rối rắm đa đoan trái tự nhiên và trong ý và thân xúc phạm đến sự lành mạnh ngọt ngào của Thiên nhiên. Với anh ta, hai triệu năm còn chưa đủ để giải thoát.
Người phàm phu hiếm khi hay không bao giờ nhận ra thân mình là một vương quốc, được cai trị bởi Hoàng đế Linh hồn trên cái ngai là sọ, cùng các quan nhiếp chính dưới quyền là sáu trung khu cột sống hay vùng tâm thức. Chế độ chính trị thần quyền này kéo dài đến tận một đám thần dân tuân phục: hai mươi bảy nghìn tỉ tế bào (chắc chắn được phú cho trí tuệ dường như tự động, mà nhờ đó chúng thực hiện mọi nhiệm vụ phát triển, chuyển hóa, và phân rã trong cơ thể) và năm mươi triệu ý nghĩ, cảm xúc bên dưới cùng những biến thiên của các giai đoạn luân phiên nhau trong tâm thức người trong một kiếp người trung bình sáu mươi năm.
Bất kỳ cuộc dấy loạn rõ ràng nào ở thân hay tâm người chống lại Hoàng đế Linh hồn, thể hiện ở một chứng bệnh hay tình trạng loạn trí, cũng không phải là do sự bất trung trong đám thần dân bé mọn, mà bắt nguồn từ việc con người trong quá khứ hay hiện tại lạm dụng nhân cách hay thả tự do ý chí của mình - được trao cho anh ta đồng thời với một linh hồn, và không bao giờ có thể hủy bỏ được.
Đánh đồng mình với một bản ngã nông cạn, con người cứ đương nhiên cho rằng mình chính là kẻ nghĩ suy, ước muốn, cảm thấy, tiêu hóa thức ăn, và giữ cho mình tồn tại, không bao giờ thừa nhận bằng suy ngẫm (chỉ một chút thôi là đủ) rằng trong cuộc đời bình thường của mình anh ta bất quá chỉ là một con rối của hành động quá khứ (nghiệp) và của Thiên nhiên hay hoàn cảnh. Những phản ứng lý trí, cảm giác, tâm trạng và thói quen của mỗi người chỉ là quả của nhân trong quá khứ, dù đó là của kiếp này hay kiếp trước. Song, cao vượt trên cả những ảnh hưởng đó, là linh hồn cao quý của anh ta. Vứt bỏ những chân lý và tự do ngắn ngủi, Kriya Yogi vượt ra khỏi mọi huyễn hoặc mà bước vào Yếu tính giải thoát của mình. Kinh điển thế giới tuyên thuyết rằng con người không phải là một xác thân hoại diệt mà là một linh hồn sống; nơi Kriya Yoga, anh ta sẽ tìm thấy một phương pháp để chứng minh sự khẳng định kinh điển này.
“Nghi thức bên ngoài không diệt được vô minh, vì chúng không đối nghịch nhau,” Shankara viết trong Century of Verses nổi tiếng. “Chỉ có tuệ giác mới diệt được vô minh... Tri kiến không thể nảy ra bởi bất kỳ phương tiện nào khác ngoài truy vấn. ‘Ta là ai?
Vũ trụ này đã ra đời ra làm sao? Ai là kẻ tạo ra nó? Cái gì là căn nguyên vật chất của nó?’ Đây là loại truy vấn được bàn đến.” Trí tuệ không có lời đáp cho những câu hỏi này; vì vậy mà các rishi đã phát triển yoga như một kỹ thuật truy vấn tinh thần.
Yogi chân chính, trong khi đưa ý nghĩ, ý chí, và tình cảm của mình ra khỏi những đánh đồng sai lạc với những dục vọng của xác thân, hợp nhất tâm với các năng lượng siêu thức trong các điện thờ ở cột sống, nhờ vậy sẽ sống ở đời như Thượng đế muốn; y không bị o ép bởi những thúc đẩy của quá khứ mà cũng chẳng bởi những duyên cớ mới từ sự mê muội của con người. Có được sự mãn nguyện Khát khao Vô thượng rồi, y sẽ an toàn trong nơi ẩn náu tối hậu của Tinh thần hoan hỉ không bao giờ cạn.
Khi nói đến tính hiệu quả chắc chắn và có phương pháp của yoga, Krishna khen ngợi yogi có kỹ thuật trong câu sau: “Yogi vĩ đại hơn các tu sĩ khổ hạnh hành xác, còn vĩ đại hơn tín đồ theo con đường minh triết (Jnana Yoga), hay con đường hành động (Karma Yoga); hỡi đệ tử Arjuna, hãy là một yogi[218]!”
Kriya Yoga là “nghi lễ lửa” thật sự thường được tán tụng trong Gita. Yogi ném những khao khát con người của mình vào ngọn lửa độc thần dâng lên Thượng đế vô song. Đây quả thực là nghi lễ lửa của yogi chân chính, ở đó mọi dục vọng quá khứ và hiện tại bị thiêu rụi bởi tình yêu thiêng liêng. Ngọn lửa Tối hậu sẽ đón lấy vật tế lễ là mọi điên loạn của con người, và thế là con người tịnh không cặn bã. Xương cốt ẩn dụ của hắn bị róc sạch hết thịt da tham dục, bộ xương nghiệp của hắn được tẩy trắng bởi mặt trời minh triết tiệt trùng, không còn gì đáng trách trước người và Thượng đế, cuối cùng y đã thanh tịnh.
Khoa học hiện đại đã bắt đầu nhận ra các tác dụng chữa bệnh và phục hồi thật sự phi thường, đối với thân và tâm, của việc ngưng thở. Bác sĩ Alvan L. Barach tại trường Đại học Thầy thuốc và Bác sĩ ngoại khoa New York đã đề xướng một liệu pháp nghỉ ngơi cục bộ cho phổi, đang phục hồi sức khỏe cho nhiều người mắc bệnh lao. Việc sử dụng một phòng cân bằng áp suất sẽ cho phép bệnh nhân ngừng thở. The New York Times ngày 1-2-1947 trích lời bác sĩ Barach như sau: “Tác động của việc ngừng thở đối với hệ thần kinh trung ương có ích lợi đáng kể. Xung động của các cơ chủ động ở tứ chi giảm đi một cách hết sức rõ rệt. Bệnh nhân có thể nằm trong phòng nhiều giờ mà không cử động bàn tay hay xê dịch thân mình. Ngay cả với những bệnh nhân quen hút hai gói thuốc lá mỗi ngày, cảm giác thèm hút không còn nữa khi việc hô hấp chủ động dừng. Trong nhiều trường hợp sự nghỉ ngơi quả thực đến mức bệnh nhân không đòi giải khuây nữa.” Năm 1951 bác sĩ Barach khẳng định trước công chúng ý nghĩa của phép điều trị, cái mà, ông nói, “không chỉ cho phổi nghỉ ngơi mà còn cho toàn thân, và dường như, cả trí nữa. Ví dụ như trái tim giảm một phần ba hoạt động. Các đối tượng của chúng tôi thôi không còn lo nghĩ. Không ai cảm thấy buồn chán.”
Từ những bằng chứng này, người ta bắt đầu hiểu làm sao các yogi có thể ngồi bất động trong những khoảng thời gian dài mà không có bị thôi thúc bởi tâm hay thân là phải hoạt động liên miên.
Chỉ nhờ sự định tĩnh như vậy linh hồn mới có thể tìm được đường trở về với Thượng đế. Dù người thường phải ở trong một phòng cân bằng áp suất mới đạt được những lợi ích nhất định từ việc ngưng thở, yogi không cần gì ngoài kỹ thuật Kriya Yoga để nhận được phần thưởng ở thân và tâm, và ở sự thức tỉnh của linh hồn.
* * *
Chú thích:
[204] Paramahansa Yogananda đã cho những người sẽ kế nhiệm làm hội trưởng và lãnh đạo tinh thần cho hội của thầy (Hội Tự giác/Hội Yogoda Satsanga Ấn Độ, HTG/HYS) quyền được hướng dẫn và điểm đạo Kriya Yoga cho các môn sinh đủ điều kiện, hay chỉ định một vị phụ trách HTG/ HYS được phép làm việc này. Thầy cũng đã dự liệu việc truyền bá không ngừng pháp môn Kriya Yoga qua Loạt bài giảng của Hội Tự giác (Yogoda), có thể tìm thấy tại trụ sở quốc tế HTG ở Los Angeles. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).
[205] Bhagavad Gita IV:2.9
[206] Bhagavad Gita V:27-28. Xem các trang 537, 539-40 để có sự giải thích kỹ hơn về pháp môn thở.
[207] Bhagavad Gita IV:1-2.
[208] Tác giả thời tiền sử của Manava Dharma Shastra hay Bộ luật Manu. Những cuốn sách này hình thành nên thông luật pháp điển hóa có hiệu lực ở Ấn Độ đến ngày nay.
[209] Mở đầu của các thời đại duy vật, theo phỏng tính của kinh điển Ấn Độ giáo, là năm 3102 trước công nguyên. Năm đó là khởi đầu của Dwapara Yuga cuối trong Cung Suy của chu kỳ tiến động, và cũng là khởi đầu của Kali Yuga trong Chu kỳ Vũ trụ (xem trang 233). Phần lớn các nhà nhân loại học, tin rằng 10.000 năm trước nhân loại sống trong một Thời đại Đá man rợ, bác bỏ ngay các truyền thuyết phổ biến về các nền văn minh tối cổ ở Lemuria, Atlantis, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Ai Cập, Mexico và nhiều xứ khác, coi như là “thần thoại”.
[210] Yoga Sutra II:1. Khi dùng từ Kriya Yoga, Patanjali nói đến hoặc là kỹ thuật về sau được Babaji truyền dạy, hoặc là cái rất gần giống như vậy. Việc Patanjali đã nhắc đến một kỹ thuật kiểm soát sinh lực cụ thể được chứng minh bởi câu cách ngôn của ngài trong Yoga Sutra II:49 (nêu trong trang này).
[211] Yoga Sutra I:27.
[212] “Ðây là lời của Ðấng Amen, là Chứng nhân trung thành và chân thật, là Khởi nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng.” - Sách Khải huyền 3:14. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa... Nhờ Ngôi Lời (Nguyên Ngôn hay Aum), vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.” - Tin Mừng theo thánh Gioan 1:1-3. Aum trong Vệ Đà trở thành Hum thiêng liêng của người Tây Tạng, Amin của người Hồi giáo, và Amen của người Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Do Thái, và Cơ Đốc giáo. Nghĩa của nó trong tiếng Do Thái là trung thành, chân thật.
[213] Yoga Sutra II:4.
[214] Thư 1 gửi tín hữu Côrintô 15:31. “hãnh diện về chúng ta” là dịch chính xác; không phải, như thường được dịch “hãnh diện về anh em”. Thánh Paul muốn nói đến tính vũ trụ của Tâm thức Chúa.
[215] Từ tiếng Phạn bikalpa nghĩa là “sự khác biệt, không đồng nhất”. Sabikalpa là trạng thái samadhi “có sự phân biệt”, nirbikalpa là trạng thái “không có phân biệt”. Nghĩa là, trong sabikalpa samadhi tín đồ vẫn còn lại một chút cảm giác phân ly với Thượng đế; trong khi trong nirbikalpa samadhi tín đồ nhận ra trọn vẹn thể tính của mình là Tinh thần.
[216] “Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (Thư 1 gửi tín hữu Côrintô 15:26). Sự bất hoại của thi thể Paramahansa Yogananda sau khi qua đời (xem trang 622) chứng tỏ thầy là một Kriya Yogi đã thành tựu. Tuy nhiên, không phải mọi đại sư đều thể hiện sự bất hoại thể xác sau khi chết (xem chú thích trang 390). Những phép lạ như vậy xảy ra, kinh thư Ấn Độ cho chúng ta biết, chỉ nhằm một mục đích đặc biệt nào đó. Ở trường hợp của Paramahansaji, “mục đích đặc biệt” rõ ràng là để làm cho phương Tây tin vào giá trị của yoga. Yoganandaji đã được Babaji và Sri Yukteswar ra lệnh phụng sự phương Tây; Paramahansaji đã làm tròn sự giao phó đó lúc còn sống cũng như khi đã mất. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).
[217] Sonnet 146 của Shakespeare.
[218] Bhagavad Gita VI:46.