Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 27

CHƯƠNG 27

Mở trường yoga ở Ranchi

“Sao con lại không ưa công việc tổ chức?”

Câu hỏi của thầy làm tôi có hơi giật mình. Quả thực hồi ấy, cá nhân tôi tin rằng tổ chức là những “tổ ong bắp cày”.

“Đó là một công việc bạc bẽo, thưa thầy,” tôi trả lời. “Dù người lãnh đạo có làm gì, hay không làm gì thì y cũng bị chỉ trích hết.”

“Con muốn hết cả channa (sữa đông) thiêng liêng cho một mình con thôi sao?” Câu đối đáp của sư phụ kèm theo cái liếc nhìn nghiêm khắc. “Con hay ai khác có thể nào đạt được sự hòa hợp với Thượng đế qua yoga nếu không có những vị thầy quảng đại đã sẵn lòng truyền lại cái biết của mình cho kẻ khác?” Thầy nói thêm, Thượng đế là Mật, tổ chức là tổ ong; cả hai đều cần thiết. Hình thức nào cũng đều vô ích, dĩ nhiên rồi, nếu không có tinh thần, nhưng sao con lại không bắt đầu những cái tổ ong bận bịu đầy mật ngọt tâm linh đi?”

Lời khuyên của thầy làm tôi xúc động sâu sắc. Dù tôi không trả lời thì một quyết tâm sắt đá cũng đã dậy lên trong lồng ngực tôi: mình sẽ chia sẻ với đồng loại, trong chừng mực khả năng mình, những chân lý giải thoát mình đã học được dưới chân sư phụ.

“Thượng đế hỡi,” tôi cầu nguyện, “cầu xin tình thương của Ngài soi sáng mãi trên điện thờ sùng mộ của con, và cầu cho con có thể đánh thức tình yêu của Ngài trong mọi trái tim.”

Vào một dịp trước đó, trước khi tôi thành thầy tu, Sri Yukteswar đã có một câu nói bất ngờ nhất.

“Con sẽ cảm thấy thiếu sự bầu bạn của một người vợ khi về già lắm đấy!” thầy nói. “Con không đồng ý rằng một người đàn ông có gia đình, dấn thân vào công việc hữu ích để nuôi vợ con, nhờ vậy sẽ đóng một vai trò thích đáng trong mắt Thượng đế sao?”

“Thưa thầy,” tôi hốt hoảng phản đối, “thầy biết là tình yêu của con trong đời này chỉ dành cho Đấng Yêu thương Vũ trụ thôi mà.”

Thầy cười vui đến độ tôi vỡ lẽ ra là câu nói của thầy chỉ cốt để thử tôi.

“Hãy nhớ,” thầy nói thong thả, “rằng kẻ từ chối những phận sự đời bình thường chỉ có thể tự biện minh cho mình bằng cách gánh lấy một loại trách nhiệm nào đó cho một gia đình lớn hơn nhiều.”

Cái lý tưởng về một nền giáo dục đúng cho thanh niên vẫn canh cánh trong tôi. Tôi đã thấy rõ những thành quả vô vị của nền giáo dục bình thường, chỉ nhằm phát triển thể xác và trí tuệ. Các giá trị đạo đức và tinh thần, mà nếu không được đánh giá cao thì không ai đạt đến hạnh phúc, vẫn còn thiếu trong chương trình học chính thức. Tôi quyết tâm thành lập một trường nơi các chàng trai trẻ có thể phát triển đến tầm vóc nam nhi trọn vẹn. Bước đầu của tôi theo hướng ấy được thực hiện với bảy đứa trẻ tại Dihika, một địa điểm nhỏ ở vùng nông thôn Bengal.

Một năm sau, năm 1918, nhờ lòng quảng đại của Manindra Chandra Nundy, Maharaja (Vương công) xứ Kasimbazar, tôi đã có thể chuyển nhóm môn sinh đang tăng nhanh của mình tới Ranchi.

Thị trấn này ở Bihar, cách Calcutta chừng hai trăm dặm, may mắn có được một trong những miền khí hậu trong lành nhất Ấn Độ. Cung điện Kasimbazar ở Ranchi trở thành tòa nhà chính của trường học mới mà tôi gọi là “Yogoda Satsanga Brahmacharya Vidyalaya[219].”

Tôi tổ chức một chương trình cho cả bậc tiểu học và trung học.

Chương trình gồm các môn về nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, và học thuật. Theo các lý tưởng giáo dục của các rishi (các ashram trong rừng của các vị đã là nơi học hành, cả thế tục lẫn thần học, cho thanh niên Ấn xưa), tôi thu xếp để phần lớn các lớp học diễn ra ngoài trời.

Môn sinh Ranchi được dạy thiền yoga, và Yogoda, một hệ thống phát triển sức khỏe và thể chất đặc biệt với các nguyên tắc mà tôi đã phát hiện ra vào năm 1916.

Vì nhận thức cơ thể người giống như pin điện, tôi lập luận rằng nó có thể được nạp lại năng lượng trực tiếp từ ý chí con người.

Vì sẽ không thể có hành động theo bất cứ cách nào nếu như không muốn, con người có thể lợi dụng động lực đầu tiên là ý chí để phục hồi sức mạnh của mình mà không cần cái bộ máy cồng kềnh hay là những tập luyện máy móc. Bằng những kỹ thuật Yogoda đơn giản, ta có thể có ý thức và tức thì nạp lại sinh lực cho mình (tập trung ở hành tủy) từ nguồn cung cấp năng lượng vũ trụ bất tận.

Những cậu bé ở Ranchi hưởng ứng nhiệt tình với phương pháp huấn luyện Yogoda, phát triển khả năng phi thường là truyền sinh lực từ một bộ phận cơ thể này đến một bộ phận khác và ở thế cân bằng hoàn hảo trong những asana (tư thế) khó[220]. Họ lập những thành tích về sức mạnh và sức bền mà nhiều người trưởng thành mạnh mẽ cũng không bì kịp.

Em trai út của tôi, Bishnu Charan Ghosh, gia nhập trường Ranchi; về sau em trở thành một nhà giáo dục thể chất có tiếng.

Trong những năm 1938-39 em cùng một trong các môn sinh của mình đã sang phương Tây, thao diễn khả năng điều khiển sức mạnh và cơ bắp. Các giáo sư tại Đại học Columbia ở New York và nhiều đại học khác ở Hoa Kỳ và châu Âu đã kinh ngạc trước những minh chứng về quyền năng của tâm đối với thân[221].

Đến cuối năm học đầu ở Ranchi, đơn xin nhập học lên đến hai nghìn. Nhưng trường học, lúc đó chỉ dành cho nội trú, chỉ có thể đủ chỗ cho một trăm người. Việc giảng dạy cho môn sinh ngoại trú chẳng bao lâu được bổ sung.

Ở Vidyalaya tôi phải đóng vai trò cha-mẹ đối với bầy trẻ nhỏ và đương đầu với nhiều khó khăn về tổ chức. Tôi thường nhớ lời của Chúa: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau[222].”

Sri Yukteswar đã giải thích câu này như sau: “Tín đồ nào từ bỏ những kinh nghiệm đời sống bình thường của hôn nhân và gây dựng gia đình để đảm nhận những trách nhiệm lớn hơn - những trách nhiệm đối với xã hội nói chung (“ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm”) - là làm một việc thường đi kèm với những ngược đãi từ thế gian ngộ nhận. Nhưng những gắn bó lớn hơn ấy sẽ giúp tín đồ khắc phục được ngã chấp và đem lại cho y một phần thưởng cao quý.”

Một hôm, cha tôi tới Ranchi để ban phúc với tư cách người cha, vốn đã bị trì hoãn lâu vì tôi đã làm cha buồn lòng khi từ chối lời đề nghị một chức vụ ở Công ty Hỏa xa Bengal-Nagpur.

“Con trai,” cha nói, “giờ cha đành chấp nhận lựa chọn trong đời của con. Cha vui khi thấy con giữa những thanh niên vui vẻ, háo hức này; con thuộc về nơi đây hơn là bên những bộ mặt vô hồn của mấy cái lịch trình hỏa xa.” Cha vẫy chào một đám mười mấy đứa trẻ đang lẽo đẽo bên gót tôi. “Cha chỉ có tám đứa con,”

cha nói mà mắt long lanh, “nhưng cha đồng cảm với con!”

Với hai mươi lăm mẫu đất phì nhiêu được toàn quyền sử dụng, học trò, các thầy và tôi vui hưởng những khoảng thời gian mỗi ngày làm vườn và các công việc ngoài trời khác. Chúng tôi có nhiều thú nuôi, trong đó có một con nai con được bọn trẻ khá là tôn sùng. Cả tôi cũng thương con nai con đến độ tôi cho phép nó ngủ trong phòng mình. Khi trời hửng sáng con vật bé bỏng thường chập chững trèo lên giường tôi để được vuốt ve buổi sáng.

Một hôm, vì một công việc tôi cần lo liệu ở thị trấn Ranchi, tôi cho con thú cưng ăn sớm hơn mọi khi. Tôi dặn mấy cậu bé không được cho con nai ăn cho đến khi tôi về. Một cậu bé đã không vâng lời và cho nó quá nhiều sữa. Chiều tôi trở về thì tin buồn đón tôi:

“Nai con sắp chết rồi, vì bị cho ăn quá nhiều.”

Vừa khóc tôi vừa đặt con thú rõ ràng là không còn sự sống vào lòng. Thảm thương tôi cầu xin Thượng đế cứu mạng nó. Nhiều giờ sau, sinh vật bé bỏng mở mắt, đứng lên, rồi bước đi yếu ớt. Cả trường reo hò mừng rỡ.

Nhưng đêm ấy tôi có một bài học thấm thía, bài học tôi không bao giờ quên được. Tôi thức bên con nai con cho đến hai giờ sáng thì ngủ thiếp đi. Con nai xuất hiện trong một giấc mơ, và nói với tôi:

“Ngài đang níu kéo con lại. Xin hãy cho con đi; để con đi!”

“Thôi được rồi,” tôi trả lời trong giấc chiêm bao.

Tức thì tôi tỉnh dậy và kêu to: “Các con ơi, con nai sắp chết rồi.” Bọn trẻ chạy vội đến cạnh tôi.

Tôi chạy tới góc phòng nơi tôi đặt con thú cưng. Nó gắng gượng đứng dậy lần cuối, lảo đảo đổ nhào về phía tôi, rồi gieo mình dưới chân tôi, chết.

Theo cộng nghiệp hướng dẫn và chi phối số mạng loài súc sinh, số kiếp của con nai đã mãn, và nó đã sẵn sàng để đi lên một loài cao hơn. Nhưng bởi sự quyến luyến sâu nặng của tôi, mà về sau tôi nhận ra là ích kỷ, và bằng cầu nguyện thành khẩn của tôi, tôi đã có thể giữ nó lại trong giới hạn của thể dạng súc sinh mà linh hồn đang vùng vẫy thoát ra. Hồn con nai đã khẩn nài trong giấc chiêm bao vì, không có sự cho phép trìu mến của tôi, nó sẽ không hoặc không thể đi. Ngay khi tôi bằng lòng, nó đã ra đi.

Mọi buồn rầu trong tôi không còn nữa; một lần nữa tôi nhận ra rằng Thượng đế muốn con cái của Ngài yêu thương mọi thứ như một phần của Ngài, mà không cảm thấy một cách mê lầm rằng chết là hết. Kẻ vô minh chỉ thấy bức tường không thể vượt qua của cái chết, dường như mãi mãi, che đi bạn bè yêu dấu của y. Nhưng kẻ không còn chấp trước, kẻ yêu kẻ khác như những biểu thị của Thượng đế, hiểu rằng khi chết những người thân yêu chỉ trở về cho một nơi nghỉ ngơi vui vầy bên Ngài.

Trường Ranchi từ khởi đầu nhỏ và sơ sài, giờ đã phát triển thành một trung tâm tiếng tăm ở Bihar và Bengal. Nhiều khoa của trường được trợ giúp bằng đóng góp tự nguyện của những người hãnh diện được duy trì những lý tưởng giáo dục của các rishi. Các trường chi nhánh đã được mở ở Midnapore và Lakhanpur.

Trụ sở Ranchi duy trì một Khoa Y, nơi cấp không thuốc men và sự chăm sóc của thầy thuốc cho người nghèo ở địa phương. Trung bình hơn 18.000 bệnh nhân được chữa trị mỗi năm. Vidyalaya cũng có tiếng trong các môn thể thao thi đấu; và trong lĩnh vực học vấn, nhiều môn sinh tốt nghiệp trường Ranchi đã nổi bật trong quãng đời đại học sau này.

Trong ba thập kỷ qua, trường Ranchi đã hân hạnh đón tiếp nhiều người lỗi lạc ở phương Đông và phương Tây đến thăm. Năm 1918, Swami Pranabananda, “Thánh Phân Thân” thành Banaras đã đến thăm Ranchi vài ngày. Khi đại sư ngắm những lớp học đẹp như tranh dưới những tán cây, rồi chiều đến lại thấy mấy cậu bé ngồi im phắc hàng giờ thiền định yoga, thầy vô cùng xúc động.

“Lòng ta cảm thấy vui,” thầy nói, “khi thấy những lý tưởng của Lahiri Mahasaya về việc dạy dỗ thanh niên đúng cách đang được thực hiện ở trường này. Ân huệ của sư phụ ta sẽ luôn bên trường.”

Một cậu bé ngồi cạnh tôi đánh bạo hỏi đại yogi một câu.

“Thưa thầy,” cậu bé nói, “rồi đây con có trở thành một thầy tu không? Đời con có phải chỉ dành cho Thượng đế thôi không?”

Swami Pranabananda mỉm cười dịu dàng, vậy nhưng mắt thầy vẫn nhìn suốt tương lai.

“Con ạ,” thầy đáp, “khi con lớn lên, có một cô dâu xinh đẹp sẽ chờ con.” (Cậu bé cuối cùng quả đã lập gia đình, sau khi đã dự tính hàng năm trời vào dòng Swami.) Một thời gian sau ngày Swami Pranabananda đến thăm Ranchi, tôi theo cha đến nhà, nơi vị yogi đang ngụ tạm ở Calcutta. Lời tiên tri của Pranabananda, nói với tôi đã nhiều năm trước, ùa về trong trí tôi: “Ta sẽ gặp lại con, cùng cha con, sau này.”

Khi cha bước vào phòng của swami, đại yogi đứng dậy khỏi chỗ ngồi và ôm cha tôi với sự kính trọng trìu mến.

“Bhagabati,” thầy nói, “anh làm sao vậy? Anh không thấy là con trai anh đang tiến nhanh đến với Thượng đế hay sao?” Tôi đỏ mặt khi nghe lời khen của thầy trước mặt cha. Swami nói tiếp, “Anh sẽ nhớ lại đại sư phụ của ta vẫn thường nói: ‘Banat, banat, ban jai[223]’. Vậy nên hãy duy trì Kriya Yoga không ngừng nghỉ, và đến được cổng trời nhanh đi.”

Thân thể Pranabananda, có vẻ rất khỏe mạnh trong chuyến viếng thăm đầu tiên đầy ngỡ ngàng của tôi đến chỗ thầy ở Banaras, giờ đã già nua rất rõ, dù dáng thầy vẫn thẳng tắp thật đáng khâm phục.

“Thưa swami,” tôi hỏi, nhìn thẳng vào mắt thầy, “xin hãy cho con biết: phải chăng thầy đang cảm thấy tuổi tác đã cao? Khi thể xác yếu đi, nhận biết Thượng đế trong thầy có giảm đi chăng?”

Thầy mỉm cười như thiên thần. “Giờ đây Đấng Yêu thương thường ở bên ta hơn bao giờ hết.” Sự xác tín toàn vẹn của thầy phủ trùm thần trí tôi. Thầy nói tiếp, “Ta vẫn còn đang hưởng hai thứ hưu bổng - một của Bhagabati đây, và một là từ bên trên.” Chỉ ngón tay lên trời, trong thoáng chốc vị thánh im phắc trong nhập định, mặt thầy ngời lên một ánh sáng siêu phàm. Một câu trả lời quá đỗi mênh mông cho câu hỏi của tôi!

Để ý thấy trong phòng của Pranabananda có nhiều cây cỏ và gói hạt giống, tôi hỏi xem nó là để làm gì.

“Ta đã rời Banaras đi luôn rồi,” thầy nói, “và giờ ta trên đường đến Himalaya. Ở đó ta sẽ mở một ashram cho các đệ tử. Hạt này sẽ cho ra rau bina và một vài loại rau khác. Những người thân yêu của ta sẽ sống thanh đạm, dành thời gian cho hợp nhất an lạc với Thượng đế. Chẳng cần gì khác nữa.”

Cha hỏi đồng môn khi nào thì thầy quay lại Calcutta.

“Không bao giờ nữa,” thánh đáp. “Năm nay là năm mà Lahiri Mahasaya đã bảo là tôi sẽ rời Banaras yêu dấu của mình mãi mãi mà đi Himalaya, ở đó mà vứt bỏ xác phàm của mình.”

Mắt tôi đẫm lệ khi nghe thầy nói vậy, nhưng swami mỉm cười thanh thản. Thầy làm tôi nghĩ đến một đứa trẻ thiên thần, yên vị trong lòng Thánh Mẫu. Gánh nặng năm tháng không hề hấn gì với sự sở hữu vẹn toàn những khả năng tâm linh cao vượt của một đại yogi. Thầy có thể làm thân mình trẻ lại tùy ý; thế nhưng đôi khi thầy chẳng màng làm chậm lại quá trình lão hóa, mà để cho nghiệp của mình tự đoạn diệt ở cõi vật chất, dùng thân hiện tại như một công cụ tiết kiệm thời gian để ngăn ngừa cái tất yếu phải trả những mảnh nghiệp còn lại trong một kiếp khác.

Nhiều tháng sau tôi gặp lại một người bạn cũ, Sanandan, một trong những đệ tử thân tín của Pranabananda.

“Sư phụ đáng kính của tôi đã đi rồi,” anh bảo tôi, vừa nói vừa khóc. “Thầy đã xây một tịnh thất gần Rishikesh, rồi yêu thương dạy dỗ chúng tôi. Khi chúng tôi đã khá yên ổn và sớm có những tiến bộ tâm linh bên thầy rồi, thì một hôm thầy bảo muốn đãi ăn một đám đông ở Rishikesh. Tôi hỏi tại sao thầy lại muốn mời nhiều người như vậy.

“ ‘Đây là lễ hội cuối cùng của ta,’ thầy nói. Tôi đã không hiểu hết những ẩn ý trong lời thầy.

“Pranabanandaji giúp nấu nướng một lượng lớn thức ăn.

Chúng tôi mời ăn chừng hai nghìn khách. Sau bữa tiệc, thầy ngồi trên một cái bệ cao và giảng một bài soi rạng về Thượng đế. Cuối cùng, trước cái nhìn của hàng ngàn người, thầy quay qua tôi đang ngồi cạnh thầy trên bệ, và nói với một sức mạnh khác thường.

“ ‘Sanandan, hãy chuẩn bị; ta đá hất thân đây[224].’ “Sững sờ, lặng thinh một hồi rồi tôi khóc to, ‘Thầy hỡi, đừng làm vậy! Xin thầy, xin đừng làm vậy!’ Đám đông vẫn im lặng, lấy làm lạ vì lời tôi. Pranabanandaji mỉm cười với tôi, nhưng mắt thầy đã thấy Vĩnh hằng.

“ ‘Đừng ích kỷ,’ thầy nói, ‘cũng đừng buồn khóc cho ta. Ta đã hoan hỉ phục vụ tất cả các con bao lâu nay; giờ hãy hân hoan mà cầu chúc ta thượng lộ bình an đi. Ta đi gặp Đấng Yêu thương Vũ trụ đây.’ Thấp giọng, Pranabanandaji nói thêm, ‘ta sẽ tái sinh sớm thôi. Sau khi đã vui hưởng Hạnh phúc Vô biên chốc lát, ta sẽ trở lại trần gian mà theo Babaji[225]. Con sẽ sớm biết bao giờ và ở đâu linh hồn ta sẽ được bọc trong một thân xác mới.’ “Thầy lại kêu to, ‘Sanandan, giờ ta sẽ từ bỏ xác thân bằng đệ nhị Kriya Yoga[226].’ “Thầy nhìn bao gương mặt phía trước chúng tôi, rồi ban phúc.

Hướng cái nhìn vào trong về phía tuệ nhãn[227], thầy trở nên bất động. Trong khi đám đông ngơ ngác ngỡ là thầy đang thiền trong một trạng thái cực lạc thì thầy đã rời bỏ điện thờ nhục thể mà ném linh hồn vào trong bao la vũ trụ. Các đệ tử sờ vào người thầy, đang ngồi kiết già, nhưng không còn là thịt da ấm áp nữa. Chỉ còn lại cái sườn nhà cứng đờ; người ở trọ đã biến mất đến bến bờ bất tử.”

Khi Sanandan thuật xong, tôi nghĩ: “ ‘Thánh Phân Thân’ cao cả thật hết mực uy nghi lúc còn sống lẫn khi chết!”

Tôi hỏi Pranabananda sẽ đầu thai ở đâu.

“Tôi nghĩ thông tin đó là một sự tín nhiệm thiêng liêng,”

Sanandan đáp. “Tôi không nên cho bất kỳ ai hay. Có lẽ anh sẽ biết được bằng cách nào đó khác.”

Nhiều năm sau tôi biết được từ Swami Keshabananda[228] là Pranabananda, ít năm sau khi thầy đầu thai vào một thân xác mới, đã đi Badrinarayan ở Himalaya, và theo cùng các thánh bên Babaji vĩ đại.

* * *

Chú thích:

[219] Vidyalaya, trường. Brahmacharya ở đây nói đến một trong bốn giai đoạn yoga trong đồ biểu đời người theo Vệ Đà, bao gồm (1) môn sinh độc thân (brahmachari); (2) cư sĩ có phận sự đời (grihastha); (3) ẩn sĩ (vanaprastha); (4) người sống trong rừng hay lang thang, thoát khỏi mọi lo toan trần tục (sannyasi). Đồ biểu đời người lý tưởng này, dù không còn được tuân thủ rộng rãi ở Ấn Độ ngày nay, vẫn được nhiều tín đồ nhiệt thành theo đuổi. Bốn giai đoạn được thực hiện theo giáo lễ dưới sự hướng dẫn suốt đời của một sư phụ. Thông tin đầy đủ về trường Yogoda Satsanga ở Ranchi được nêu trong chương 40.

[220] Thể hiện một sự quan tâm ngày càng tăng ở phương Tây đối với các asana (tư thế yoga), một số sách có hình minh họa về đề tài này đã được xuất bản.

[221] Bishnu Charan Ghosh mất ngày 9-7-1970 ở Calcutta. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[222] Tin Mừng theo thánh Máccô 10:29-30.

[223] Một trong những câu Lahiri Mahasaya thường nói để khuyến khích môn sinh kiên trì trong thiền định. Nghĩa đen của câu là: “Làm, làm, một ngày nào đó sẽ làm được.” Ta có thể dịch thoát ý là: “Cố gắng, cố gắng, một ngày sẽ thấy Mục đích Thiêng liêng!”

[224] Nghĩa là từ bỏ xác thân.

[225] Sư phụ của Lahiri Mahasaya, vẫn còn tại thế (xem chương 33).

[226] Kỹ thuật Pranabananda đã dùng được những người điểm đạo Kriya Yoga trình độ cao của Hội Tự giác xem là con đường Điểm đạo Kriya Yoga Đệ tam. Kỹ thuật này, khi được Lahiri Mahasaya trao cho Pranabananda, là Kriya “đệ nhị” thầy nhận từ Yogavatar. Kriya này cho phép tín đồ đã tinh thông nó ra khỏi rồi trở lại thân có ý thức bất kỳ lúc nào. Các yogi trình độ cao dùng kỹ thuật Kriya này trong lần ra đi cuối cùng - một khoảnh khắc mà các vị luôn biết trước. Các đại yogi đi “ra và đi vào” bằng tuệ nhãn, “cửa” ngôi sao prana giải thoát. Chúa đã nói: “Tôi là cửa: ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm (maya hay ảo ảnh) chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi (Tâm thức Chúa) tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Tin Mừng theo thánh Gioan 10:9-10).

[227] Spiritual eye: còn gọi là huệ nhãn hay con mắt thứ ba, nằm giữa hai chân mày, là luân xa thứ sáu trong bảy luân xa.

[228] Lần tôi gặp Keshabananda được mô tả trong các trang 515-518.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3