Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 33

CHƯƠNG 33

Babaji, yogi-chúa của Ấn Độ ngày nay

Dãy núi đá lởm chởm Bắc Himalaya gần Badrinarayan vẫn còn được phúc lành nhờ sự hiện diện sống của Babaji, sư phụ của Lahiri Mahasaya. Vị thầy ẩn dật vẫn giữ lại hình hài xương thịt hàng thế kỷ, có lẽ hàng thiên niên kỷ. Babaji bất tử là một avatara. Từ tiếng Phạn này nghĩa là “giáng trần”; gốc của nó là ava, “xuống” và tri, “đi”. Trong kinh Ấn giáo, avatara có nghĩa là Thiêng liêng đi xuống xác phàm.

“Tầm vóc tâm linh của Babaji vượt quá sức hiểu của con người,” Sri Yukteswar giải thích cho tôi. Sức nhìn hạn hẹp của con người không thể xuyên thấu sao chiếu mệnh siêu việt của ngài.

Người ta thử một cách vô ích dù chỉ là hình dung chứng đắc của hiện thân ấy. Nó là không thể nhận thức được.”

Upanishad đã phân loại kỹ từng trình độ tu chứng. Một siddha (“bậc đã thành”) đã thành tựu từ trạng thái của một jivanmukta (“giải thoát trong hiện kiếp”) lên trạng thái của một paramukta (“tự tại tuyệt đối” - hoàn toàn vượt ra khỏi cái chết); trạng thái sau đã hoàn toàn thoát khỏi thân phận nô lệ vào maya và vòng luân hồi của nó. Paramukta do vậy hiếm khi trở lại xác thân; nếu có trở lại, ngài là một hiện thân, một sứ giả được trời chỉ định để đem lại hồng phúc cho thế gian. Một hiện thân không lệ thuộc vào sự điều khiển của vũ trụ; cơ thể thanh tịnh của ngài, được nhìn thấy như một hình ảnh ánh sáng, tự do không còn nợ nần gì với Thiên nhiên.

Một cái nhìn tình cờ có thể không thấy gì đặc biệt ở một hình hài hiện thân; nhưng, thỉnh thoảng, hình hài ấy không hắt bóng mà cũng chẳng để lại dấu chân nào trên mặt đất. Đây là những bằng chứng biểu tượng bên ngoài của một sự tự tại bên trong đã giải thoát khỏi bóng tối và gông cùm vật chất. Chỉ mình bậc giác ngộ ấy ngộ ra Đạo đằng sau những tính tương đối tử sinh. Omar Khayyam, bị hiểu sai một cách thô thiển, tán thán bậc đã giải thoát này trong cuốn kinh bất tử, Rubaiyat:

A, Ánh Trăng Niềm vui của ta không biết khuyết, Mảnh Trăng Trời lần nữa mọc lên; Biết bao lần từ đây khi mọc lên, nàng nhìn qua Cũng Vườn này mà tìm ta - vô vọng!

“Ánh trăng Niềm vui không biết khuyết” là Thượng đế, sao Bắc Cực trường cửu, thường hằng. “Mảnh Trăng Trời lần nữa mọc lên” là ngoại giới, bị trói buộc vào quy luật lặp đi lặp lại định kỳ.

Nhờ tự giác ngộ mà nhà tiên tri Ba Tư đã giải thoát mình mãi mãi khỏi những lần khiên cưỡng trở lại trần gian: “vườn” Thiên nhiên hay Maya. “Biết bao lần từ đây khi mọc lên nàng tìm ta - vô vọng!”

Vũ trụ băn khoăn đi tìm cái đã vắng bóng mới thất vọng làm sao!

Chúa thể hiện sự tự tại của mình một cách khác: “Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng, Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo. Và Đức Jesus trả lời, Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu[273].”

Mênh mang với sự hiện diện khắp nơi, có thực là có thể đi theo Chúa trừ phi là trong Tinh thần bao la trùm khắp?

Krishna, Rama, Đức Phật, và Patanjali nằm trong số những hóa thân Ấn Độ xưa. Một nền thi ca đáng kể bằng tiếng Tamil đã nở rộ về Agastya, một hiện thân ở Nam Ấn. Ngài đã có nhiều phép lạ trong những thế kỷ trước và sau công nguyên, và được tin là đã giữ lại hình hài thể xác của mình thậm chí đến ngày nay.

Sứ mệnh của Babaji ở Ấn Độ là giúp các đấng tiên tri thi hành thiên mệnh đặc biệt của mình. Do vậy ngài phù hợp theo phân loại trong kinh là Mahavatar (đại hiện thân). Ngài nói rõ là ngài đã điểm đạo yoga cho Shankara[274], người tổ chức lại dòng Swami, và cho Kabir, vị thầy nổi tiếng thời Trung cổ. Đại đệ tử thế kỷ mười chín, như chúng ta biết, là Lahiri Mahasaya, người làm sống lại Kriya Yoga đã thất lạc.

Babaji vẫn luôn tương thông với Chúa; cùng nhau các vị phát đi những rung động cứu độ và đã trù tính một kỹ thuật tâm linh giải thoát cho thế kỷ này. Sứ mệnh của hai vị thầy toàn giác này - một còn hình hài, một vô hình - là khuyến khích các quốc gia từ bỏ chiến tranh, hận thù chủng tộc, bè phái tôn giáo, và những cái ác có tác dụng phản hồi của chủ nghĩa duy vật. Babaji biết rất rõ xu hướng của thời nay, nhất là các ảnh hưởng và những phức tạp của nền văn minh phương Tây, và nhận ra sự cần thiết phải hoằng bá phép tự giải thoát của yoga ở Tây cũng như Đông.

Việc lịch sử không đề cập đến Babaji không có gì khiến ta phải ngạc nhiên. Đại sư phụ chưa hề xuất hiện công khai trước loài người ở một thế kỷ nào cả; cái nhìn sai lạc của đám đông không có chỗ đứng trong những ý đồ ngàn năm của ngài. Cũng như Đấng Sáng tạo, Quyền năng duy nhất nhưng thinh lặng, Babaji khiêm cung làm việc trong bóng tối.

Các đấng tiên tri lớn như Chúa và Krishna giáng thế vì một mục đích cụ thể và huyền vi; các vị ra đi ngay khi sứ mệnh hoàn thành. Các hiện thân khác, như Babaji, nhận lĩnh sứ mệnh có liên quan đến quá trình tiến hóa chậm chạp của con người hàng nhiều thế kỷ hơn là một sự kiện lịch sử nổi bật nào. Các bậc thầy như vậy luôn giấu mình trước cái nhìn thô thiển của đám đông và có quyền năng trở nên vô hình tùy ý. Vì những lý do này, và vì các vị thường dặn các đệ tử giữ kín về mình, một số vị xuất chúng vẫn còn chưa được người đời biết đến. Trong những trang này về Babaji, tôi chỉ đưa ra một nét thoảng qua về cuộc đời ngài - chỉ một vài sự thật mà ngài cho là thích hợp và hữu ích cần được truyền bá công khai.

Chưa hề có một chi tiết hạn định nào về gia thế hay sinh quán của Babaji, những điều được nhà chép sử biên niên rất coi trọng.

Những bài tuyên thuyết của ngài thường là bằng tiếng Hindi, nhưng ngài cũng dễ dàng trò chuyện bằng bất kỳ thứ tiếng nào.

Ngài thừa nhận cái tên đơn giản Babaji (Cha Tôn kính); các danh hiệu tôn kính khác mà các đệ tử của Lahiri Mahasaya tặng cho ngài là Mahamuni Babaji Maharaj (Thầy Cực lạc Tối thượng), Maha Yogi (Đại Yogi), và Trambak Baba hay Shiva Baba (danh hiệu các hóa thân của Shiva). Ta không rõ họ tên của một bậc toàn giác thì có gì hệ trọng không?

“Mỗi khi tín đồ thốt ra tên Babaji với sự cung kính,” Lahiri Mahasaya nói, “y sẽ tức thì thu hút một độ lực.”

Sư phụ bất tử không có dấu hiệu tuổi tác nào nơi hình hài; ngài trông như một thanh niên không quá hai mươi lăm. Nước da trắng, vóc người vừa phải và cao, thân hình đẹp đẽ và mạnh mẽ của Babaji tỏa ra một ánh sáng hữu hình. Mắt ngài đen, thanh thản và dịu dàng; mái tóc dài, óng của ngài có màu đồng đỏ.

Đôi khi gương mặt Babaji rất giống gương mặt Lahiri Mahasaya.

Có lúc sự giống nhau rõ ràng đến đỗi, trong những năm về sau, người ta có thể nhầm Lahiri Mahasaya là cha của Babaji trẻ trung.

Swami Kebalananda, gia sư tiếng Phạn thánh thiện của tôi, đã có một thời gian ở bên Babaji[275] trên rặng Himalaya.

“Vị thầy vô thượng cùng nhóm của mình đi từ nơi này sang nơi khác trên núi,” Kebalananda bảo tôi. “Trong nhóm nhỏ của ngài có hai đệ tử người Hoa Kỳ đã đạt trình độ cao. Khi Babaji đã ở một nơi được một thời gian rồi, ngài nói: ‘Dera danda uthao.’ (‘Ta dỡ lều và lấy gậy đi thôi.’) Ngài cầm một danda (gậy tre). Câu ngài nói là tín hiệu để cùng nhóm tức thì chuyển tới một nơi khác.

Không phải lúc nào ngài cũng dùng cách đi lại thinh không này; thi thoảng ngài cũng đi bộ từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác.

“Ta có thể thấy hay nhận ra Babaji chỉ khi ngài muốn vậy. Ngài đã xuất hiện trong nhiều vóc dáng có chút khác biệt trước các tín đồ khác nhau - đôi khi có râu quai nón và ria mà cũng có khi không có.

Thân thể bất hoại của ngài không cần thức ăn; vì thế mà thầy chẳng mấy khi ăn. Như một phép lịch sự xã giao đối với các đệ tử đến thăm, thỉnh thoảng ngài cũng nhận trái cây, hay cơm nấu sữa và bơ lọc.

“Ta được biết hai sự kiện phi thường trong đời Babaji,”

Kebalananda nói tiếp. “Các đệ tử của ngài một đêm nọ đang ngồi quanh một đám lửa to cháy rực để làm lễ Vệ Đà. Sư phụ thình lình chộp lấy một khúc củi cháy đỏ rồi đánh nhẹ lên vai trần của một chela ngồi bên đám lửa.

“ ‘Thưa thầy, tàn nhẫn quá!’ Lahiri Mahasaya, có mặt ở đó, có lời phản đối này.

“ ‘Con thà thấy hắn cháy rụi thành tro trước mắt con sao, theo bản án nghiệp quá khứ của hắn?’ “Nói rồi Babaji đặt bàn tay chữa lành lên vai đã biến dạng của chela. ‘Tối nay ta đã cứu con thoát khỏi cái chết đau đớn. Luật nhân quả đã được hóa giải qua chuyện con phải chịu lửa chút đỉnh.’ “Một dịp khác nhóm đệ tử siêu phàm của Babaji bị một người lạ tới quấy rầy. Bằng sự khéo léo đến lạ lùng, y đã trèo lên vách đá gần như không thể lên nổi, gần lều nhỏ của sư phụ.

“ ‘Thưa thầy, hẳn thầy là Babaji cao cả.’ Mặt người này sáng lên với niềm tôn kính khôn tả. ‘Hàng tháng ròng con đã không ngừng tìm kiếm thầy giữa những núi đá cheo leo này. Con khẩn cầu thầy nhận con làm đệ tử.’ “Khi đại sư phụ không đáp, người này chỉ cái vực thẳm đá hàng hàng bên dưới vách núi. ‘Nếu thầy không thu nhận con, con sẽ nhảy khỏi ngọn núi này. Cuộc đời sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa nếu con không nhận được sự dẫn dắt của thầy đến với Thượng đế.’ “ ‘Thì cứ nhảy đi,’ Babaji nói hững hờ. ‘Ta không thể nhận ngươi với trình độ tiến hóa như bây giờ.’ “Người này tức thì ném mình xuống vách đá. Babaji bảo các đệ tử đang bàng hoàng đi lượm xác người lạ. Khi họ đã quay lại cùng cái hình hài tan nát, thầy đặt tay lên người chết. Lạ thay! hắn ta mở mắt rồi phủ phục khiêm cung trước sư phụ toàn năng.

“ ‘Giờ thì con đã đủ tư cách để được nhận làm đệ tử rồi.’ Babaji tươi cười trìu mến với chela hồi sinh của mình. ‘Con đã can trường qua được một thử thách khó[276]. Cái chết sẽ không còn động đến con được nữa; giờ con là một trong đoàn người bất tử của ta.’ Đoạn ngài nói câu lên đường thường lệ, ‘Dera danda uthao’; cả nhóm hô biến khỏi ngọn núi.”

Một hóa thân sống trong Tinh thần Vô biên; với vị ấy thì không có nghịch đảo bình phương khoảng cách. Do vậy mà, chỉ có một lý do thúc đẩy Babaji khi ngài giữ lại hình hài thể xác đời này sang đời khác: mong muốn cho người đời một ví dụ cụ thể về những khả năng của chính họ. Nếu con người chưa từng được ban cho cái thoáng thấy Thiêng liêng hữu hình thì hắn sẽ còn bị cái mê maya nặng nề áp bức không thể vượt lên trên cái chết.

Jesus từ đầu đã biết tiến trình đời mình; ngài trải qua từng sự kiện không phải cho mình, không phải vì sự đòi hỏi nào của nghiệp, mà chỉ để khai sáng nhân sinh biết suy nghĩ. Bốn tác giả Phúc âm - Matthêu (Matthew), Maccô (Mark), Luca (Luke), và Gioan (John) - đã ghi lại vở kịch huyền vi vì lợi lạc của hậu thế.

Với Babaji, cũng vậy, không có tính tương đối của quá khứ, hiện tại, vị lai; từ đầu ngài đã biết từng giai đoạn đời mình. Trong khi tự đưa mình xuống cho vừa với tầm hiểu biết hạn hẹp của con người, ngài đã diễn nhiều vở kịch trong cuộc đời siêu phàm của mình trước mặt một hay nhiều nhân chứng. Do vậy mà mới có chuyện một đệ tử của Lahiri Mahasaya đã có mặt khi Babaji thấy đã đến lúc thích hợp để ngài tuyên bố sự bất tử của thân.

Ngài đã tuyên lời hứa trước mặt Ram Gopal Muzumdar, để điều đó cuối cùng sẽ được mọi người biết, vì muốn khích lệ những trái tim đang tìm kiếm. Các vị tuyên thuyết và nhập dòng các sự kiện có vẻ như tự nhiên, chỉ vì lợi lạc của nhân sinh, như Chúa đã nói:

“Lạy Cha... con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con[277].”

Lúc tôi đến thăm Ram Gopal, “Thánh Không Ngủ[278]” ở Ranbajpur, thầy đã kể lại câu chuyện huyền vi lần đầu tiên thầy gặp Babaji.

“Thỉnh thoảng ta rời hang động cách biệt của mình mà tới ngồi dưới chân Lahiri Mahasaya ở Banaras,” Ram Gopal kể cho tôi.

“Nửa đêm nọ, khi ta đang tĩnh lặng thiền cùng một nhóm đệ tử của thầy thì thầy có một yêu cầu lạ lùng.

“‘Ram Gopal,’ thầy nói, ‘con hãy đi ngay đến ghat tắm Dasaswamedh.’ “Chẳng mấy chốc ta đã tới nơi hẻo lánh này. Đêm đó sáng trăng và những vì sao lấp lánh. Khi ta đã nhẫn nại ngồi yên được một lát, ta chợt để ý thấy một phiến đá to gần bên chân ta. Nó từ từ nhô lên, để lộ một hang động ngầm. Khi phiến đá dừng lại, được giữ trên cao bằng cách nào không rõ, hình hài một phụ nữ trẻ và mỹ miều khác thường khoác y trang từ hang động hiện lên rồi bay cao lên không. Bao quanh một vầng hào quang dịu nhẹ, nàng từ từ hạ xuống trước mặt ta rồi đứng im, chìm trong nhập định.

Cuối cùng nàng cử động, rồi nói dịu dàng.

“‘Ta là Mataji[279], em của Babaji. Ta đã mời ngài ấy và cả Lahiri Mahasaya đến động của ta tối nay để bàn một việc vô cùng hệ trọng.’

“Một ánh sáng tinh vân lướt nhanh trên sông Hằng; vầng ánh sáng kỳ lạ soi bóng dưới mặt nước mờ tối. Ánh sáng bay lại mỗi lúc một gần hơn cho đến khi, với một tia sáng lóa, nó hiện ra bên Mataji rồi tức thì tụ lại thành hình hài Lahiri Mahasaya. Thầy cúi lạy khiêm cung dưới chân nữ thánh.

“Ta chưa kịp hết ngơ ngác mà định thần lại thì đã tiếp tục sửng sốt khi thấy một khối ánh sáng kỳ bí bay vòng tròn trên bầu trời.

Nhanh chóng hạ xuống, cái xoáy lửa tới gần nhóm chúng ta rồi hóa hiện thành hình hài một thanh niên tuấn tú. Ta hiểu ngay rằng ngài ấy là Babaji. Ngài trông giống Lahiri Mahasaya; dù Babaji xem ra trẻ hơn đệ tử của mình nhiều, và có mái tóc dài, sáng.

“Lahiri Mahasaya, Mataji và ta quỳ dưới chân đại sư phụ. Một cảm giác siêu thế vì niềm hân hoan cực lạc làm rung động toàn thể cấu trúc con người ta khi ta chạm vào xác thịt thiêng liêng của ngài.

“ ‘Em gái cao quý,’ Babaji nói, ‘ta đang định trút bỏ hình hài mà lao vào Dòng Vô tận.’ “ ‘Tôi đã thoáng thấy ý đồ của thầy, thầy yêu quý. Tôi muốn bàn chuyện đó với thầy tối nay. Sao thầy lại phải rời bỏ thân xác?’ Người đàn bà rực rỡ nhìn thầy khẩn khoản.

“ ‘Có khác gì đâu khi ta khoác một con sóng hữu hình hay vô hình trên đại dương Tinh thần ta?’ “Mataji đáp với sự nhanh trí kỳ lạ. ‘Sư phụ bất tử, nếu đã không có sự khác biệt nào, vậy thì xin đừng bao giờ lìa bỏ hình hài của thầy[280].’ “ ‘Thôi cũng được,’ Babaji nói long trọng. ‘Ta sẽ không bao giờ lìa bỏ nhục thể. Nó sẽ luôn hữu hình chí ít là với một số ít người trên địa cầu này. Thượng đế đã nói lên ý muốn của Ngài qua miệng đệ tử.’ “Khi ta đang kính sợ lắng nghe câu chuyện giữa những bậc cao quý này, đại sư phụ quay qua ta với một cử chỉ nhân từ.

“ ‘Đừng sợ, Ram Gopal,’ ngài nói, ‘con có phúc đức được làm nhân chứng trước bối cảnh của lời hứa bất tử này.’ “Khi giai điệu trầm bổng giọng Babaji chìm đi, hình hài ngài và hình hài Lahiri Mahasaya từ từ nhấc bổng lên và lùi về qua sông Hằng. Một vầng hào quang sáng lóa bao quanh thân hình các vị khi các vị biến vào bầu trời đêm. Hình dáng Mataji lướt về hang động rồi đi xuống; phiến đá hạ xuống và khép lại trên miệng hang, như thể được bàn tay vô hình dịch chuyển.

“Hoan hỉ vô cùng, ta về lại bên Lahiri Mahasaya. Khi ta cúi lạy trước thầy lúc hửng sáng, sư phụ mỉm cười đồng cảm với ta.

“ ‘Ta mừng cho con, Ram Gopal,’ thầy nói. ‘Mong ước được gặp Babaji và Mataji mà con thường thổ lộ với ta, cuối cùng đã được toại nguyện mỹ mãn.’ “Các đồng môn cho ta hay là Lahiri Mahasaya không rời bệ từ khi ta lên đường lúc nửa đêm.

“ ‘Thầy đã có một bài giảng vô song về sự bất tử khi anh đã đi ghat Dasaswamedh rồi,’ một trong các chela bảo ta. Lần đầu tiên ta hiểu trọn sự thật trong các vần kinh nói rằng một bậc vị đã tự giác ngộ có thể xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau trong hai hay nhiều thân thể hơn cùng một lúc.

“Lahiri Mahasaya về sau đã giải thích cho ta nhiều vấn đề siêu hình liên quan đến cơ trời vi mật cho trái đất này,” Ram Gopal kết luận. “Babaji đã được Thượng đế chọn ở lại trong hình hài xác thân suốt chu kỳ thế giới riêng biệt này. Nhiều thời đại sẽ đến rồi qua đi - vị thầy bất tử[281], nhìn vở tuồng bao thế kỷ, vẫn sẽ có mặt trên sân khấu trần gian này.”

* * *

Chú thích:

[273] Tin Mừng theo thánh Matthêu 8:19-20.

[274] Shankara, sư phụ của ngài trong lịch sử được xem là Govinda Jati, được Babaji điểm đạo vào Kriya Yoga ở Banaras. Babaji, khi thuật lại câu chuyện cho Lahiri Mahasaya và Swami Kebalananda, đã kể nhiều chi tiết kỳ thú về cuộc gặp gỡ của ngài với nhà nhất nguyên vĩ đại.

[275] Babaji (cha tôn kính) là một danh hiệu chung; nhiều danh sư ở Ấn Độ được gọi là “Babaji”. Tuy nhiên, không ai trong các vị là Babaji sư phụ của Lahiri Mahasaya. Sự hiện hữu của Mahavatar được hé lộ cho công chúng lần đầu tiên vào năm 1946, trong Tự truyện của một yogi.

[276] Thử thách liên quan đến sự vâng lời. Khi bậc thầy giác ngộ nói: “Nhảy đi”, người này đã vâng lời. Y mà do dự thì có lẽ y đã bác bỏ lời khẳng định xem đời mình là vô nghĩa nếu không được Babaji dẫn dắt. Nếu y lưỡng lự, y đã cho thấy là y thiếu sự tin tưởng hoàn toàn ở sư phụ. Do vậy, dù quyết liệt và bất thường, thử thách này là một thử thách toàn hảo trong tình huống ấy.

[277] Tin Mừng theo thánh Gioan 11:41-42.

[278] Vị yogi có mặt khắp nơi, người đã thấy là tôi không chịu cúi lạy trước đền thờ ở Tarakeswar (chương 13).

[279] “Mẹ Thiêng”. Mataji cũng đã sống hàng thế kỷ; bà cũng đạt trình độ tâm linh cao gần như anh trai. Bà ở trong trạng thái cực lạc trong một hang động ẩn mật dưới đất gần ghat Dasaswamedh.

[280] Sự việc này làm ta nhớ đến một câu chuyện về Thales. Triết gia Hy Lạp vĩ đại dạy rằng không có gì khác nhau giữa sống và chết. “Thế thì,” một người chỉ trích hỏi, “sao ngài không chết đi?” “Vì,” Thales trả lời, “đâu có gì khác nhau.”

[281] “Ai tuân giữ lời tôi (thường hằng trong Tâm thức Chúa) thì sẽ không bao giờ phải chết” (Tin Mừng theo thánh Gioan 8:51). Trong câu này Jesus không có ý nói đời sống bất tử của xác thân - một sự giam cầm nhàm chán ta khó mà ban cho kẻ có tội, huống hồ là một bậc thánh! Bậc giác ngộ mà Chúa nói đến là người đã tỉnh cơn mê vô minh tàn khốc mà thấy Sự sống Bất diệt (xem chương 43). Yếu tính của con người là Tinh thần vô hình có mặt khắp nơi. Đầu thai bắt buộc hay do nghiệp là kết quả của avidya, vô minh. Kinh Ấn Độ giáo dạy rằng sinh tử là những biểu hiện của maya, huyễn hoặc vũ trụ. Sinh tử chỉ có ý nghĩa trong thế giới tương đối. Babaji không bị giới hạn vào xác thân hay cõi trần này, mà, theo ý muốn của Thượng đế, đang thực hiện một sứ mệnh đặc biệt cho trái đất. Các đại sư như Swami Pranabananda (xem trang 329) quay lại cõi trần trong hiện thân mới, làm vậy vì những lý do chỉ các vị hiểu rõ. Sự tái thế của các vị không phải chịu những hạn chế khắt khe của nghiệp. Những sự trở lại tự nguyện ấy gọi là vyutthana hay quay trở lại sau khi maya đã thôi không còn làm đui mù nữa. Dù cách thức qua đời của ngài có là gì, bình thường hay phi thường, thì một bậc thầy toàn giác luôn có thể làm thân mình sống lại và xuất hiện trong xác thân ấy trước mắt người trần. Sự vật chất hóa các nguyên tử của một xác phàm không thể ảnh hưởng đến các thần lực của vị đã hợp nhất với Thượng đế - các hệ mặt trời của Ngài thách thức sự tính toán! “Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại,” Chúa phán. “Mạng sống của tôi, không ai lấy được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy.” (Tin Mừng theo thánh Gioan 10:17-18).

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3