Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 34

CHƯƠNG 34

Hóa hiện một cung điện trên Himalaya

“Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Babaji và Lahiri Mahasaya là một câu chuyện vô cùng thú vị, và là một trong số ít câu chuyện cho chúng ta cái nhìn tường tận về sư phụ bất tử.”

Đây là lời mào đầu của Swami Kebalananda cho một câu chuyện kỳ diệu. Lần đầu tiên thầy kể lại câu chuyện thì tôi quả đúng là đã bị hút hồn. Nhiều dịp khác tôi thuyết phục thầy dạy tiếng Phạn dịu dàng của mình kể lại câu chuyện mà về sau Sri Yukteswar cũng đã kể lại cho tôi về cơ bản là hệt như vậy. Cả hai vị đệ tử của Lahiri Mahasaya này đã nghe được câu chuyện tuyệt vời từ chính miệng sư phụ mình.

“Lần đầu tiên ta gặp Babaji là năm ta ba mươi ba tuổi,” Lahiri Mahasaya kể. “Vào mùa thu năm 1861 ta được bổ nhiệm làm kế toán cho Bộ Kỹ thuật Quân sự của chính phủ ở Danapur. Một buổi sáng chánh văn phòng cho gọi ta.

“ ‘Lahiri,’ ông ta nói, ‘mới có một bức điện tín từ trụ sở gửi tới. Anh sẽ được thuyên chuyển đến Ranikhet, nơi lúc này đang thiết lập một trạm thư quân đội[282].’ “Cùng một người hầu, ta bắt đầu một hành trình 500 dặm. Đi bằng ngựa và xe độc mã, ngày thứ ba mươi chúng ta đến được địa điểm ở Ranikhet[283], Himalaya.

“Công việc văn phòng của chúng ta chẳng mấy nhọc nhằn; ta có thể tha thẩn hàng giờ trên những dãy núi hùng vĩ. Nghe đồn là sự có mặt của các bậc đại thánh đã ban phúc cho vùng này; ta cảm thấy một mong muốn mãnh liệt được thấy các vị. Trong một cuộc dạo chơi đầu giờ chiều, ta sững sờ nghe thấy một giọng xa xa gọi tên ta. Ta tiếp tục hăm hở trèo lên núi Drongiri. Ta có hơi lo nghĩ rằng không chừng ta sẽ không thể quay về kịp, trước khi bóng tối trùm xuống rừng rậm.

“Sau cùng ta đến được một cánh rừng thưa hai bên lác đác hang động. Trên một vách đá có một thanh niên đang ngồi tươi cười, chìa bàn tay ra đón chào. Ta kinh ngạc để ý thấy, trừ mái tóc màu đồng ra, còn thì người ấy giống ta lạ lùng.

“ ‘Lahiri[284], con đến rồi!’ Vị thánh nói với ta trìu mến bằng tiếng Ấn. ‘Hãy nghỉ ngơi trong động này. Chính ta là người đã gọi con.’ “Ta bước vào một hang động nhỏ ngăn nắp với mấy tấm chăn len và một vài kamandalu (vò nước).

“ ‘Lahiri, con có nhớ chỗ ngồi đó không?’ Yogi trỏ một tấm chăn xếp trong một góc.

“ ‘Không, thưa ngài.’ Có phần ngây ra vì sự lạ lùng trong chuyến phiêu lưu của mình, ta nói thêm, ‘thôi tôi phải đi đây, trước khi màn đêm buông xuống. Sáng mai tôi còn có việc ở văn phòng.’ “Vị thánh bí hiểm đáp lại bằng tiếng Anh, ‘Văn phòng được làm ra vì con, chứ không phải con vì văn phòng.’ “Ta sững người vì nhà tu khổ hạnh trong rừng này không chỉ nói được tiếng Anh mà còn diễn giải lời của Chúa[285].

“ ‘Ta thấy là bức điện của ta linh nghiệm rồi.’ Ta không hiểu lời yogi nói; ta hỏi ý nghĩa câu đó là sao.

“ ‘Ta muốn nói bức điện tín đã gọi con đến cái xứ thâm sơn cùng cốc này. Chính ta là người đã kín đáo gợi ý trong đầu viên chức cấp trên của con để con được thuyên chuyển tới Ranikhet.

Khi một kẻ đã cảm nhận sự hợp nhất của mình với nhân loại rồi thì hết thảy tâm trí đều sẽ là những trạm truyền qua đó y có thể làm việc tùy ý.’ Ngài nói thêm, ‘Lahiri, hẳn con thấy hang động này trông quen?’

“Khi ta vẫn im lặng ngẩn ngơ, vị thánh đến gần và vỗ nhẹ lên trán ta. Với cái chạm như nam châm của ngài, một dòng điện kỳ diệu lướt qua não ta, phóng thích những ký ức-chủng tử ngọt lành về tiền kiếp của ta.

“ ‘Con nhớ ra rồi!’ Giọng ta gần như nghẹn ngào những tiếng mừng mừng tủi tủi. ‘Thầy là sư phụ Babaji của con, người vẫn luôn thuộc về con! Những cảnh trong quá khứ trỗi dậy sống động trong trí con; ở đây trong hang động này con đã sống nhiều năm trong kiếp trước của mình!’ Khi những ký ức không mô tả nổi đầy ắp trong ta, nước mắt lưng tròng, ta ôm chầm lấy chân thầy.

“ ‘Suốt hơn ba mươi năm ta đã chờ con về với ta.’ Giọng Babaji vang lên với tình thương cao khiết.

“ ‘Con đã trốn đi và mất dạng trong sóng cồn của sự sống bên kia cái chết. Cây đũa thần của nghiệp đã chạm vào con, và thế là con biệt tăm! Dù con không nhìn thấy ta, ta không lúc nào là không nhìn thấy con! Ta theo con qua biển cõi thiên sáng chói nơi những thiên thần lộng lẫy lướt bay. Qua bóng tối, phong ba, nhiễu loạn, và ánh sáng ta theo con, như chim mẹ chở che chim non. Khi con sống hết kiếp người trong bụng mẹ, rồi ló ra là một trẻ sơ sinh, mắt ta vẫn dõi theo con. Khi con trong tư thế hoa sen, chôn hình hài bé bỏng của mình dưới cát Ghurni thời thơ trẻ, ta vẫn vô hình có mặt. Kiên nhẫn, tháng hết tháng, năm qua năm, ta đã trông chừng con, chờ cái ngày toàn vẹn này. Giờ thì con đã bên ta! Đây là hang động của con, đã được yêu thương thuở xưa; ta đã giữ nó luôn sạch sẽ và sẵn sàng cho con. Đây là tấm chăn asana thánh hóa của con, nơi ngày ngày con ngồi để đơm đầy trái tim rộng mở của mình bằng Thượng đế. Đây là bát của con, mà con thường uống mật ngọt ta chăm. Hãy xem ta đã giữ cái chén đồng sáng bóng ra sao, để một ngày con có thể lại dùng nó mà uống. Con ta, giờ con đã hiểu chưa?’ “ ‘Sư phụ của con, con có thể nói gì đây?’ Ta thì thầm đứt quãng. ‘Người ta có bao giờ được nghe về tình yêu bất tử như thế ở đâu chưa?’ Ta nhìn ngây ngất hồi lâu kho báu đời đời của ta, sư phụ của ta cả trong sinh lẫn tử.

“ ‘Lahiri, con cần được gột rửa. Hãy uống dầu trong chén này rồi nằm xuống bên sông.’ Sự sáng suốt thực tiễn của Babaji vẫn luôn được đặt lên đầu, ta nghĩ với một thoáng cười hồi tưởng.

“Ta làm theo lời thầy dạy. Dù đêm Himalaya băng giá đang xuống, một sự tỏa nhiệt ấm áp, dễ chịu bắt đầu rung động trong ta. Ta lấy làm ngạc nhiên. Phải chăng thứ dầu lạ được phú cho nhiệt vũ trụ?

“Những ngọn gió cắt da quất quanh ta trong bóng tối, rít lên một lời thách thức dữ dằn. Những gợn sóng lạnh lăn tăn từ sông Gogash chốc chốc khỏa lên người ta, đang nằm sải trên bờ đá. Hổ gầm gần bên, nhưng lòng ta đã không còn sợ hãi; nhiệt lực mới sinh ra trong ta đã truyền một lời cam đoan chở che chắc chắn. Vài giờ thấm thoắt trôi qua; những ký ức nhạt nhòa về một kiếp nào dệt thành mẫu thêu lấp lánh của phút sum vầy này cùng sư phụ siêu phàm.

“Dòng mơ màng một mình của ta bị cắt ngang bởi tiếng bước chân đến gần. Trong bóng tối, một bàn tay dịu dàng đỡ ta đứng dậy, rồi đưa ta ít y trang khô ráo.

“ ‘Đi nào, đồng môn,” người đồng hành của ta nói. “Thầy đang đợi anh.’ Anh ta dẫn đường xuyên qua rừng. Khi chúng ta tới một khúc quanh trên lối đi, đêm âm u bỗng đâu rỡ ràng bởi một vật phát sáng đều đều xa xa.

“ ‘Đó có thể nào là mặt trời mọc không?’ ta hỏi. ‘Hẳn là đã hết đêm rồi?’ “ ‘Bây giờ là nửa đêm.’ Người dẫn đường cười khẽ. “Ánh sáng đằng kia là vầng sáng của một cung điện bằng vàng, đêm nay được Babaji vô song hóa hiện ra ở đây. Trong quá khứ xưa kia, anh đã từng bày tỏ ước ao được thưởng thức cái đẹp của một cung điện. Giờ thầy chúng ta đang làm thỏa nguyện của anh, nhờ vậy mà giải thoát anh khỏi sợi dây nghiệp trói buộc cuối cùng[286].’ Anh ta nói thêm, ‘Cung điện nguy nga sẽ là khung cảnh điểm đạo cho anh vào Kriya Yoga đêm nay. Tất thảy đồng môn của anh ở đây sẽ cùng hát tán ca đón chào, hoan hỉ với cái kết cho sự lưu đày của anh. Hãy nhìn đi!’ “Trước mặt chúng ta là một cung điện mênh mông bằng vàng sáng lòa. Trang hoàng bằng vô vàn châu báu, giữa những khu vườn cảnh, soi bóng xuống những mặt hồ phẳng lặng - một cảnh tượng tráng lệ vô song! Những cổng vòm vời vợi khảm cầu kỳ những viên kim cương, ngọc xa-phia, và ngọc lục bảo lớn.

Những người dung mạo thiên thần đứng chầu bên cổng rực đỏ hồng ngọc.

“Ta theo bạn đồng hành vào một phòng khách thênh thang.

Mùi nhang thơm và hoa hồng tỏa khắp thinh không; những ngọn đèn mờ hắt một vầng sáng muôn màu. Các nhóm nhỏ những đệ tử, một số có nước da trắng, số khác da ngăm, tụng khẽ hay ngồi im trong thế thiền, định trong an lạc nội tâm. Một niềm hân hoan rung động thấm đẫm bầu không khí.

“ ‘Hãy ngắm cho thỏa; hãy thưởng thức cái tráng lệ toàn bích của cung điện này; vì nó được hóa hiện ra chỉ để chúc mừng anh,’ người dẫn đường của ta nói, mỉm cười thông cảm khi ta trầm trồ kinh ngạc.

“ ‘Đồng môn hỡi,’ ta nói, ‘vẻ đẹp của công trình này vượt quá sức tưởng tượng con người. Xin hãy giải thích cho tôi bí ẩn về nguồn gốc của nó.’ “ ‘Tôi sẽ rất vui mà cho anh biết.’ Đôi mắt đen của bạn đồng hành long lanh minh triết. ‘Không có gì là không lý giải được về sự hóa hiện này cả. Toàn thể vũ trụ là một ý nghĩ phóng chiếu của Đấng Sáng tạo. Hòn đất nặng Trái đất, trôi trong không gian, là một giấc mơ của Thượng đế. Ngài tạo ra vạn vật từ tinh thần Ngài, cũng như con người trong cái thức chiêm bao của mình tái tạo và làm sống động một sáng tạo cùng sinh thể trong đó.

“ ‘Thuở ban đầu, Thượng đế đã hình thành nên trái đất như một ý niệm. Ngài truyền sức sống cho nó; năng lượng nguyên tử và rồi vật chất ra đời. Ngài kết hợp các nguyên tử đất lại thành một quả cầu đặc. Mọi phân tử của nó được giữ lại với nhau bởi ý muốn của Thượng đế. Khi Ngài rút lại ý muốn, mọi nguyên tử đất sẽ trở thành năng lượng. Năng lượng nguyên tử sẽ trở về cội nguồn của nó: ý niệm. Ý niệm Trái đất sẽ biến mất khỏi thế giới khách quan.

“ ‘Thực thể của giấc mơ được giữ trong sự vật chất hỏa bởi ý nghĩ tiềm thức của người nằm mơ. Khi ý nghĩ gắn liền đó lui đi lúc tỉnh dậy, giấc mơ và các yếu tố của nó mất đi. Một người nhắm mắt và dựng ra một sáng tạo chiêm bao, cái mà khi thức, anh ta chẳng cần dụng công cũng sẽ làm mất đi. Anh ta theo cái khuôn nguyên mẫu của trời. Tương tự như vậy, khi anh ta tỉnh giấc trong tâm thức vũ trụ, anh ta sẽ dễ dàng làm mất đi cái ảo giác về một cõi vũ trụ-giấc mơ.

BABAJI Mahavatar, “Hiện thân Thiêng liêng” Sư phụ của Lahiri Mahasaya Yoganandaji đã giúp một họa sĩ vẽ bức truyền thần của Yogi-Chúa vĩ đại của Ấn Độ ngày nay. Mahavatar Babaji đã từ chối tiết lộ cho các đệ tử bất kỳ thông tin ít ỏi nào về nơi sinh và ngày sinh của mình. Ngài đã sống bao đời nay giữa núi tuyết Himalaya. “Mỗi khi ai đó thốt ra tên Babaji với sự cung kính,” Lahiri Mahasaya nói, “anh ta sẽ tức thì thu hút một độ lực.” HANG ĐỘNG CỦA BABAJI TRÊN HIMALAYA Một hang động gần Ranikhet, thỉnh thoảng Mahavatar Babaji trú ngụ. Cháu trai của Lahiri Mahasaya là Ananda Mohan Lahiri (_mặc đồ trắng_), cùng ba tín đồ khác đang viếng thánh địa. LAHIRI MAHASAYA “Ta là Tinh thần. Máy ảnh của con có thể nào phản chiếu được cái Vô hình Vô biên?” Sau vài lần đệ tử rửa phim mà vẫn không chụp lại được hình ảnh của Lahiri Mahasaya, Yogavatar cuối cùng cũng đã cho phép chụp “đền thờ thể xác” của thầy. “Thầy không bao giờ ngồi cho chụp tấm hình nào nữa; ít ra thì tôi cũng không thấy tấm nào khác,” Paramahansaji viết (xem trang 39).

“ ‘Khi hòa điệu với Ý chí vạn năng vô tận, Babaji có thể ra lệnh cho các nguyên tử cơ bản kết hợp lại và tự hóa hiện thành bất kỳ thể dạng nào. Cung điện bằng vàng này, được tạo ra tức thì, là thật - cùng nghĩa với quả đất là thật. Babaji đã tạo ra cung điện đẹp đẽ này từ tâm thức mình và gắn kết các nguyên tử lại với nhau bằng tâm lực của thầy, cũng như ý nghĩ của Thượng đế đã tạo ra trái đất và ý muốn của Ngài duy trì nó.’ Anh ta nói thêm, ‘Khi dụng đích của công trình này đã xong, Babaji sẽ làm cho nó biến mất.’ “Khi ta vẫn còn lặng thinh kính sợ, người dẫn đường của ta làm một cử chỉ khoát tay. “Cung điện lung linh này, điểm trang bằng châu ngọc tuyệt mỹ này, không phải được xây nên bởi sức người; vàng và đá quý của nó không phải được khó nhọc đào lên. Nó đứng vững chắc, một lời thách đố to lớn cho con người[287].

Hễ ai nhận ra mình là con của Thượng đế, như Babaji đã nhận ra, thì sẽ được toại bất kỳ ước nguyện nào bằng những khả năng vô hạn tiềm ẩn trong anh ta. Một hòn đá bình thường câm lặng chứa đựng nguồn năng lượng nguyên tử vô cùng to lớn[288]; giống như vậy, con người trần bé mọn nhất cũng là một nhà máy điện thần tính.’ “Hiền giả cầm lên một lọ hoa tao nhã có tay cầm lấp lánh kim cương ở một cái bàn gần bên. ‘Sư phụ vĩ đại của chúng ta đã tạo ra cung điện này bằng cách kết tụ lại vô vàn tia vũ trụ lang thang,’ anh ta nói tiếp. ‘Hãy sờ cái bình này và kim cương của nó; chúng sẽ qua được mọi thử nghiệm cảm nhận giác quan.’ “Ta săm soi cái bình; châu ngọc khảm trên đó xứng với bộ sưu tập của một đế vương. Ta áp bàn tay lên những vách tường của gian phòng, dày những vàng óng ánh. Lòng ta tràn ngập sự mãn nguyện sâu xa. Một ao ước, ẩn kín trong tiềm thức ta từ bao kiếp giờ đã hết, dường như đồng thời được toại nguyện và hóa giải.

“Bạn đồng hành đạo mạo dẫn ta qua các cổng vòm tráng lệ và hành lang đến một dãy phòng bày biện cầu kỳ theo kiểu cách của một cung điện đế vương. Hai ta bước vào một gian phòng mênh mông. Ở giữa có một cái ngai vàng, khảm ngọc ngà hắt ra đủ sắc màu lấp lánh. Ở đó, Babaji tối thượng đang ngồi kiết già. Ta quỳ giữa sàn bóng loáng dưới chân thầy.

“ ‘Lahiri, con còn đang thưởng thức những ham muốn mộng mị một cung điện bằng vàng hay sao?’ Mắt sư phụ ta lung linh như những viên ngọc xa-phia của chính thầy. ‘Tỉnh dậy đi! Mọi khát khao trần tục của con sắp được làm dịu mãi mãi.’ Thầy nói khẽ mấy lời ban phúc bí ẩn. ‘Con trai ta, đứng dậy đi. Hãy thọ điểm đạo vào thiên cung của Thượng đế qua Kriya Yoga.’ “Babaji chìa bàn tay ra; một ngọn lửa homa (thiêng) hiện ra, xung quanh là hoa trái. Ta thọ kỹ thuật yoga giải thoát trước hỏa đàn này.

“Các nghi thức xong xuôi vào sớm bình minh. Trong trạng thái hân hoan ta không cảm thấy buồn ngủ. Ta tha thẩn khắp các gian phòng trong cung, đầy báu vật và các đồ mỹ nghệ tuyệt bích, rồi thăm thú các khu vườn. Ta để ý thấy, gần đó, những hang động và vách đá trơ trọi mà ta đã thấy hôm qua; có điều lúc ấy chúng không kế cận một tòa nhà lớn và những thềm hoa.

“Bước vào lại cung điện, lấp lánh diệu kỳ dưới nắng Himalaya băng giá, ta tìm kiếm bóng dáng sư phụ. Thầy vẫn còn ngự trên ngai, bao quanh là nhiều đệ tử lặng lẽ.

“ ‘Lahiri, con đang đói.’ Babaji nói thêm, ‘Hãy nhắm mắt lại.’ “Khi ta mở mắt ra lại, cung điện quyến rũ và những khu vườn đã không còn nữa. Thân ta và hình hài của Babaji và các đệ tử giờ đang ngồi trên đất trơ trụi ở chính chỗ cung điện đã biến mất, không xa những vòm thạch động ngập nắng. Ta nhớ người dẫn đường của ta đã nói rằng cung điện sẽ tiêu tan đi, những nguyên tử bị giữ lại sẽ được phóng thích trở về cội nguồn bản chất ý nghĩ của mình. Dù sững sờ thì ta cũng nhìn sư phụ đầy tin tưởng. Ta chẳng biết phải chờ mong gì tiếp theo vào một ngày của phép lạ thế này.

“ ‘Mục đích mà cung điện được tạo ra giờ đã trọn,’ Babaji giải thích. Thầy cầm một cái bát bằng đất từ dưới đất lên. ‘Hãy đặt tay vào đó mà nhận lấy bất cứ món gì con muốn.’ “Ta sờ vào cái bát to, rỗng không; luchi bơ nóng, cà ri, và bánh kẹo hiện ra. Khi ăn, ta nhận thấy cái chén vẫn còn đầy mãi. Ăn xong ta nhìn quanh tìm nước uống. Sư phụ chỉ cái bát trước mặt ta.

Thức ăn đã biến mất; thay vào đó là nước.

“ ‘Ít kẻ phàm biết rằng vương quốc của Thượng đế gồm cả vương quốc của những đáp ứng trần tục,’ Babaji nhận xét. ‘Thiên giới trải dài đến hạ giới; nhưng hạ giới, kỳ thực là ảo ảnh, không chứa đựng bản chất của Thực Tại.’ “ ‘Sư phụ kính yêu, đêm qua thầy đã phô bày cho con thấy mối liên hệ cái đẹp giữa trời và đất!’ Ta mỉm cười nhớ lại cung điện đã biến mất; chắc chắn không yogi bình thường nào từng được điểm đạo vào những ẩn mật uy nghi của Tinh thần giữa khung cảnh xa hoa nguy nga hơn! Ta thanh thản nhìn cái tương phản một trời một vực của khung cảnh hiện tại. Nền đất cằn cỗi, mái che bầu trời, các hang động cho chốn nương thân ban sơ - tất cả tựa hồ một khung cảnh thiên nhiên tao nhã cho các bậc thánh cao quý quanh ta.

“Chiều hôm ấy ta ngồi trên tấm chăn của mình, đã thánh hóa bởi những liên tưởng về những giác ngộ tiền kiếp. Sư phụ siêu việt của ta để tay đi để tay lại lên đầu ta. Ta nhập nirbikalpa samadhi, trụ trong cực lạc của trạng thái ấy liền bảy ngày. Đi qua các tầng Tự Tri kế tiếp nhau, ta bước vào những cảnh giới bất tử của Thực tại.

Mọi hạn hẹp huyễn hoặc rơi rụng đi; linh hồn ta đã trọn vẹn định nơi bàn thờ của Tinh thần Vũ trụ.

“Đến ngày thứ tám ta sụp dưới chân sư phụ mà khẩn cầu thầy giữ ta lại mãi mãi bên thầy trong cái hoang vu thiêng liêng này.

“ ‘Con ta,’ Babaji nói, ôm lấy ta, ‘vai của con trong kiếp này phải được diễn trước mắt nhìn của người đời. Đã có phúc từ trước khi chào đời bởi nhiều kiếp thiền định đơn độc, giờ con phải lẫn giữa cõi người.

“ ‘Có một mục đích sâu xa ẩn trong việc kiếp này con chưa gặp ta cho đến khi con đã thành một người đàn ông có gia thất, với những phận sự khiêm nhường trong công việc và gia đình. Con phải gạt sang một bên những ý nghĩ theo cùng nhóm ẩn dật chúng ta trên dãy Himalaya. Đời con là giữa đám đông thị thành, nêu tấm gương về một yogi-cư sĩ lý tưởng.

“ ‘Các thánh nhân không phải là không nghe thấy tiếng kêu của nhiều kẻ hạ giới ngơ ngác,’ thầy nói tiếp. ‘Con đã được chọn để qua Kriya Yoga đem đến sự cứu độ tâm linh cho biết bao kẻ tầm đạo tha thiết. Triệu triệu người ngổn ngang những ràng buộc gia đình và phận sự đời nặng nề sẽ có được lòng can đảm mới mẻ từ con, một cư sĩ như họ. Con nên dẫn dắt họ để họ hiểu rằng những người sống đời gia đình không phải là không thể đạt thành tựu yoga cao nhất. Ngay cả là ở giữa đời, yogi đã một lòng chu toàn những nghĩa vụ của mình, mà không có mục đích riêng tư hay chấp trước, cũng sẽ đặt chân lên con đường giác ngộ chắc chắn.

“ ‘Không có mệnh lệnh nào buộc con phải xuất thế, vì trong tâm con đã tháo mọi sợi dây nghiệp của nó rồi. Không phải của cõi này, con vẫn phải ở trong nó. Con cần phải tận tụy chu toàn những phận sự gia đình, công việc, công dân và tâm linh của mình nhiều năm nữa. Một làn gió mới ngọt ngào của niềm hy vọng thanh cao sẽ thổi vào trái tim cằn cỗi của người đời. Từ cuộc sống quân bình của con, họ sẽ hiểu rằng sự giải thoát tùy thuộc vào những xả bỏ trong tâm mà chẳng phải ở bề ngoài.’ “Gia đình ta, văn phòng, thế gian dường như xa xôi làm sao khi ta lắng nghe sư phụ ta giữa cái tịch liêu Himalaya cao vợi!

Thế nhưng lẽ phải vững như bàn thạch vang lên trong lời thầy; ta ngoan ngoãn bằng lòng rời nơi ẩn náu thiên đường cao quý của thầy. Babaji căn dặn ta những quy định khắt khe xưa quy định sự trao truyền thuật yoga từ sư phụ qua đệ tử.

“ ‘Chỉ ban bí quyết Kriya cho những chela đủ tư cách,’ Babaji nói. ‘Kẻ nào phát thệ hy sinh tất cả trong cuộc tìm kiếm Thiêng liêng thì đều đủ tư cách để làm sáng tỏ những bí ẩn tối hậu của sự sống nhờ phép thiền định.’ “ ‘Sư phụ thiên thần, vì thầy đã ban ơn cho nhân loại khi làm sống lại thuật Kriya đã mất, xin thầy tăng thêm lợi lạc đó bằng cách nới lỏng những đòi hỏi khắt khe đối với tư cách đệ tử?’ Ta nhìn Babaji khẩn khoản. ‘Con cầu xin thầy cho phép con truyền dạy Kriya cho mọi kẻ tìm kiếm thành tâm, dù cũng có thể ban đầu họ không thể phát thệ xả bỏ hoàn toàn trong tâm. Con người bị giày vò trên thế gian, bị ba cái khổ đeo bám[289], cần một sự khích lệ đặc biệt. Biết đâu, họ sẽ không bao giờ thử con đường đi đến tự tại nếu điểm đạo Kriya khước từ họ.’ “ ‘Thôi cũng được. Thiên ý đã thị hiện qua con. Hãy trao Kriya cho tất cả những ai khiêm cung nhờ con cứu giúp,’ sư phụ nhân từ đáp[290].

“Im lặng một lát, Babaji nói thêm, ‘Hãy nhắc lại với từng đệ tử của con lời hứa trang trọng này trong Bhagavad Gita[291]:

Swalpamapyasya dharmasya trayate mahato bhayat.’ [“Chỉ một chút hành trì dharma (giáo lễ hay hành động công bằng) này cũng sẽ cứu các ngươi khỏi nỗi sợ khủng khiếp (mahato bhayat)” - những khổ não vô cùng gắn liền với những vòng luân hồi sinh tử.] “Sáng hôm sau khi ta quỳ dưới chân sư phụ để nhận ban phúc chia tay, thầy cảm nhận được sự miễn cưỡng phải rời xa thầy sâu thẳm trong ta.

“ ‘Không có sự phân ly giữa hai ta đâu, con yêu quý.’ Thầy chạm vai ta trìu mến. ‘Dù con ở đâu, mỗi khi con gọi ta, ta cũng sẽ bên con tức thì.’

“Được lời hứa siêu việt của thầy dỗ dành, và giàu có với vàng minh triết - Thượng đế vừa tìm thấy, ta xuống núi. Ở văn phòng ta được các đồng nghiệp chào đón, những người mà suốt mười ngày qua đã ngỡ ta lạc mất trong rừng rậm Himalaya rồi. Không lâu sau, một lá thư tới từ trụ sở.

“ ‘Lahiri cần phải quay về văn phòng Danapur,’ lá thư ghi.

‘Việc thuyên chuyển anh ta đến Ranikhet xảy ra do một nhầm lẫn. Một người khác lẽ ra đã được cử đến nhận nhiệm vụ tại Ranikhet.’ “Ta mỉm cười, nhớ lại những dòng ngang dọc ẩn sau các sự kiện đã đưa ta đến chốn tận cùng Ấn Độ này.

“Trước khi về lại Danapur[292], ta lưu lại đôi ngày với một gia đình Bengal ở Moradabad. Một nhóm sáu người bạn đã họp mặt để mừng ta. Khi ta hướng cuộc chuyện trò qua các đề tài tâm linh, chủ nhà của ta nhận xét buồn bã:

“ ‘Ôi, gần đây Ấn Độ khan hiếm thánh hiền quá!’ “ ‘Babu,’ ta hăm hở phản đối, ‘tất nhiên là ở xứ này vẫn còn các bậc đại sư!’ “Trong tâm trạng sốt sắng hân hoan, ta cảm thấy buộc phải thuật lại những điều kỳ lạ ta đã trải qua trên Himalaya. Nhóm người hoài nghi một cách lịch sự.

“ ‘Lahiri,’ một người nói nhẹ nhàng, ‘đầu óc anh đã bị căng thẳng trong bầu không khí loãng trên núi ấy. Đây là anh đang kể lại một cơn mộng mị nào đó thôi.’ “Đang bừng bừng nhiệt tình chân lý, ta nói mà không suy trước nghĩ sau. ‘Nếu tôi mời sư phụ thì thầy sẽ hiện ra ngay trong nhà này.’ “Hứng thú long lanh trong mọi cặp mắt; chẳng lạ khi nhóm người háo hức muốn thấy một hiện tượng như vậy. Có phần miễn cưỡng, ta yêu cầu một căn phòng yên tĩnh và hai tấm chăn len mới.

“ ‘Thầy sẽ từ thinh không hóa hiện ra,’ ta nói. ‘Cứ ở yên ngoài cửa; tôi sẽ sớm gọi các anh.’ “Ta chìm trong trạng thái thiền định, khiêm cung mời sư phụ lên. Căn phòng tối chợt dâng đầy một vầng sáng dịu, mờ; vóc dáng sáng chói của Babaji hiện lên.

“ ‘Lahiri, con gọi ta vì một chuyện vụn vặt sao?’ Cái nhìn của thầy lạnh lùng. ‘Chân lý là dành cho kẻ tầm đạo thiết tha, không phải cho những kẻ tò mò vô bổ ấy. Thật dễ tin khi người ta nhìn thấy; lúc ấy đâu cần sự tự vấn nào nữa. Chân lý siêu việt được khám phá một cách xứng đáng bởi những ai đã vượt qua được sự hoài nghi duy vật tự nhiên trong mình rồi.’ Thầy nói thêm nghiêm trang, ‘Để ta đi!’ “Ta sụp xuống khẩn khoản dưới chân thầy. ‘Sư phụ thiêng liêng, con đã nhận ra lỗi nặng của con rồi; con khiêm cung cầu xin tha thứ. Chính vì để tạo niềm tin ở những đầu óc mù lòa tâm linh này mà con đánh bạo mời thầy. Vì thầy đã độ lượng mà hiện ra theo lời cầu xin của con, xin đừng đi mà chưa ban phúc cho các bạn con. Dù là những kẻ vô tín ngưỡng, nhưng chí ít thì họ cũng đã sẵn lòng tìm hiểu sự thật trong những khẳng định lạ lùng của con.’ “ ‘Thôi được, ta sẽ lưu lại một lát. Ta không muốn lời con bị mất uy tín trước mặt các bạn con.’ Mặt Babaji dịu lại, nhưng thầy nói thêm từ tốn, ‘Từ nay trở đi, con trai, ta sẽ đến mỗi khi con cần ta; không phải bất kỳ lúc nào con gọi ta[293].’ “Sự im lặng căng thẳng ngự trị trong nhóm bạn khi ta mở cửa.

Như thể không tin vào các giác quan của mình, các bạn ta trân trân nhìn hình dáng chói ngời nơi tấm chăn ngồi.

“ ‘Đây là một sự thôi miên tập thể!’ Một người cười không che đậy. ‘Không ai lại có thể vào phòng này mà chúng ta không biết cả!’ “Babaji tươi cười tiến tới rồi ra hiệu cho từng người sờ vào thịt da ấm và chắc nơi cơ thể thầy. Ngờ vực tiêu tan, các bạn ta phủ phục dưới sàn trong ăn năn kính sợ.

“ ‘Cho nấu halua[294] đi.’ Babaji yêu cầu điều này, ta biết, để cam đoan hơn nữa với nhóm người về thực tại vật chất của thầy. Khi cháo đang sôi, sư phụ siêu phàm niềm nở chuyện trò. Việc chuyển hóa những Thomas thiếu đức tin này thành các thánh Paul sùng đạo thật tuyệt vời. Khi chúng ta ăn xong, Babaji ban phúc cho lần lượt từng người. Rồi bỗng có một tia chớp lóe lên; chúng ta chứng kiến sự phân rã hóa học tức thì của các nguyên tố điện tử nơi thân thể Babaji thành một ánh sáng bốc hơi lan tỏa. Tâm lực đã hòa điệu với Thượng đế của thầy đã phóng thích những nguyên tử ête gắn kết lại với nhau thành thân thể thầy; tức thì hàng tỉ tia sinh lực li ti mờ dần vào trong hồ chứa vô tận.

“‘Tôi đã tận mắt thấy đấng chinh phục cái chết.’ Maitra[295], một người trong nhóm, nói một cách cung kính. Mặt y rạng rỡ hẳn một niềm hoan hỉ vì sự soi rạng mới đây. “Sư phụ vô thượng đã đùa với thời gian và không gian, như đứa trẻ chơi với bong bóng. Tôi vừa nhìn thấy một người có cái chìa khóa mở vào càn khôn.’ “Ta vội quay về Danapur,” Lahiri Mahasaya kết luận. “Neo vững nơi Tinh thần, ta lại gánh vác các trách nhiệm gia đình và những nghĩa vụ công việc của một cư sĩ.”

Lahiri Mahasaya còn kể cho Swami Kebalananda và Sri Yukteswar câu chuyện về một cuộc gặp gỡ khác với Babaji. Đó là một trong nhiều dịp mà sư phụ vô thượng thực hiện lời hứa của mình: “Ta sẽ đến mỗi khi con cần ta.”

“Bối cảnh là tại một Kumbha Mela ở Allahabad,” Lahiri Mahasaya kể cho các đệ tử. “Ta đã đến đó trong một kỳ nghỉ việc ngắn ngày. Khi ta đang tha thẩn giữa đám thầy tu và sadhu đã đi cả quãng đường xa xôi để dự kỳ lễ thiêng, ta để ý thấy một nhà tu khổ hạnh lấm lem tro than đang cầm một bình bát khất thực.

Trong đầu ta vọng lên ý nghĩ rằng người này là một kẻ đạo đức giả, khoác những biểu tượng xả bỏ bề ngoài mà không có một đức hạnh tương xứng bên trong.

“Ta vừa đi ngang qua nhà tu khổ hạnh thì hai mắt sững sờ của ta nhìn thấy Babaji. Thầy đang quỳ trước một ẩn sĩ tóc tai bù xù.

“ ‘Thưa sư phụ!’ Ta hấp tấp chạy đến bên thầy. ‘Thầy, thầy đang làm gì ở đây?’ “ ‘Ta đang rửa chân vị xả bỏ này, và rồi ta sẽ rửa bát đĩa cho thầy.’ Babaji mỉm cười với ta như trẻ thơ; ta biết thầy đang kín đáo cho biết là thầy muốn ta không được chỉ trích ai cả, mà thấy Thượng đế đang ngự trong mọi đền thờ thể xác, của người trên hay kẻ dưới, như nhau.

“Đại sư phụ nói thêm, ‘Bằng cách phụng sự các sadhu thông thái và ngu dốt, ta đang học lấy đức hạnh cao quý nhất trong mọi đức hạnh, làm hài lòng Thượng đế hơn cả - đức khiêm nhường[296] cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất” (Sách Thánh vịnh 113:6). “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” (Tin Mừng theo thánh Matthêu 23:12). Hạ cái ta hay bản ngã hư ngụy xuống là khám phá thể tính bất diệt của ta.].’ “

* * *

Chú thích:

[282] Về sau là một viện điều dưỡng quân y. Đến năm 1861 thì chính phủ Anh đã thiết lập xong ở Ấn Độ một hệ thống điện báo.

[283] Ranikhet, ở huyện Almora, nằm dưới chân Nanda Devi, một trong những đỉnh cao nhất của Himalaya (7821m).

[284] Babaji thực ra nói “Gangadhar”, tên của Lahiri Mahasaya trong tiền kiếp. Gangadhar (nghĩa đen là “đấng giữ sông Hằng, sông Hằng”) là một trong những tên của thần Shiva. Theo cổ tích Purana, dòng sông Hằng thiêng liêng từ trời mà xuống. Sợ rằng trái đất không chịu được sức mạnh đổ xuống hùng mạnh của nó, thần Shiva đã giữ nước sông Hằng trong mái tóc rối của mình, rồi từ đó mà ngài thả nước sông xuống thành dòng chảy hiền hòa. Ý nghĩa siêu hình của “Gangadhar” là: “kẻ điều phục “sông” là luồng sinh khí trong cột sống”.

[285] “Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát.” (Tin Mừng theo thánh Máccô 2:27).

[286] Luật nhân quả đòi hỏi mọi ước muốn của con người cuối cùng đều phải thành tựu. Do vậy những mong muốn không mang tính tâm linh là xiềng xích trói buộc con người vào vòng luân hồi.

[287] “Phép lạ là gì? “Nó là một lời quở trách, nó là một điều mỉa mai ngầm dành cho con người.’ ” - Edward Young, “Night Thoughts” (Những suy nghĩ của đêm).

[288] Thuyết về cấu trúc nguyên tử của vật chất được trình bày trong các luận thuyết cổ Vaisesika và Nyaya của Ấn Độ. “Các cõi giới bao la nằm trong khoảng trống của từng nguyên tử, hằng hà sa số như bụi trong một tia nắng.” - Yoga Vasishtha.

[289] Khổ về thể xác, tâm thần và tâm linh; được thể hiện lần lượt ở bệnh tật, lệch lạc về tâm lý hay “phức cảm”, và trong sự u mê của linh hồn.

[290] Ban đầu Babaji chỉ cho phép Lahiri Mahasaya được dạy Kriya Yoga cho kẻ khác. Yogavatar bèn thỉnh cầu để một số ít đệ tử của thầy cũng được trao quyền dạy Kriya. Babaji chấp thuận, và ra lệnh rằng trong tương lai, chỉ những ai đã tiến bộ trên con đường Kriya và được Lahiri Mahasaya hay các kênh do các đệ tử được phép của Yogavatar thiết lập mới được truyền dạy Kriya. Babaji đầy lòng bi mẫn đã hứa nhận trách nhiệm kiếp này qua kiếp khác đối với lợi lạc tâm linh của mọi Kriya Yogi thành tâm và chân thành đã được các thầy Kriya có đúng thẩm quyền điểm đạo. Những người nhận điểm đạo Kriya Yoga từ Hội Tự giác và Hội Yogoda Satsanga Ấn Độ buộc phải ký một cam kết rằng họ sẽ không tiết lộ kỹ thuật Kriya cho người khác. Nhờ vậy kỹ thuật Kriya đơn giản nhưng chính xác được bảo vệ không bị sửa đổi hay xuyên tạc bởi các thầy không được phép, và vẫn còn ở dạng nguyên thủy, không sai lạc của mình. Dù những cấm đoán xưa về lối tu khổ hạnh và đời từ bỏ đã được Babaji hủy bỏ để quảng đại quần chúng có thể được lợi lạc từ Kriya Yoga, ngài cũng yêu cầu Lahiri Mahasaya và các đời sau trong dòng tu của mình (dòng các sư phụ HTG-HYS) phải buộc bất kỳ ai muốn được điểm đạo trải qua một giai đoạn tu tập sơ khởi, bằng cách chuẩn bị trước khi luyện Kriya Yoga. Việc tu luyện một kỹ thuật cao như Kriya là không thích hợp với một đời sống tinh thần xáo trộn. Kriya Yoga không chỉ là một kỹ thuật thiền; nó còn là một lối sống, và đòi hỏi người được điểm đạo phải chấp nhận những kỷ luật tâm linh và huấn thị nhất định. Hội Tự giác và Hội Yogoda Satsanga Ấn Độ đã nhất nhất thực hiện những hướng dẫn được Babaji, Lahiri Mahasaya, Sri Yukteswar, và Paramahansa Yogananda truyền lại này. Các kỹ thuật Hong-Sau và Aum, được dạy trong Loạt bài giảng HTGHYS và bởi các đại diện được phép của HTG-HYS như một bước dẫn nhập của Kriya Yoga, là một phần không thể thiếu trên con đường Kriya Yoga. Những kỹ thuật này rất hiệu quả để đưa tâm thức lên sự tự giác ngộ, và để giải thoát linh hồn khỏi cảnh gông cùm. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[291] Chương II:40.

[292] Một thị trấn gần Banaras.

[293] Trên con đường đi đến Thượng đế, ngay cả những bậc thầy đã giác ngộ như Lahiri Mahasaya cũng có thể mắc phải sự nhiệt tình thái quá, và phải bị phạt. Trong Bhagavad Gita, chúng ta đọc thấy nhiều đoạn mà sư phụ trời Krishna phạt hoàng tử của các tín đồ, Arjuna.

[294] Một loại bánh dày, làm bằng bột mì chiên bơ rồi nấu với sữa và đường.

[295] Người này, về sau được gọi là Maitra Mahasaya, thành tựu cao trong tự giác ngộ. Tôi đã gặp Maitra Mahasaya không lâu sau ngày tôi tốt nghiệp trung học; thầy đã đến thăm tu viện Mahamandal ở Banaras, khi tôi còn tu học trong tu viện. Lúc ấy thầy đã kể cho tôi chuyện Babaji hiện ra trước một nhóm người ở Moradabad. “Vì phép lạ này,” Maitra Mahasaya giải thích với tôi, “ta đã trở thành đệ tử suốt đời của Lahiri Mahasaya.”

[296] “[Chúa

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3