Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 35
CHƯƠNG 35
Cuộc đời như chúa Jesus của Lahiri Mahasaya
“Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính[297].” Trong câu này nói với John Tẩy giả, và khi nhờ John làm phép rửa cho mình, Jesus công nhận thần quyền của thầy.
Bằng sự cung kính nghiên cứu Kinh Thánh từ cách nhìn Á Đông[298], và từ nhận thức bằng trực giác, tôi tin chắc rằng John Tẩy giả, trong những kiếp trước, đã là thầy của Chúa. Nhiều đoạn trong Kinh Thánh ngụ ý rằng John và Jesus trong kiếp gần đây nhất của các vị, theo thứ tự, là Elijah và môn đệ Elisa. (Đây là cách đọc trong Cựu Ước. Các dịch giả Hy Lạp đánh vần các tên là Elias và Eliseus; các tên này lại xuất hiện trong Tân Ước dưới những hình thức đã khác này.) Phần tận cùng trong Cựu Ước là một lời tiên tri về sự tái thế của Elijah và Elisha: “Này Ta sai ngôn sứ Elijah đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng[299].” Do vậy John (Elijah), được cử đi “trước khi Ngày của Đức Chúa đến”, đã ra đời sớm trước một chút để làm người rao tin mừng về Chúa. Một sứ thần hiện ra trước người cha Zacharias để chứng nhận rằng đứa con John sắp ra đời của ông sẽ chính là Elijah (Elias).
“Nhưng sứ thần bảo ông: Này ông Zacharias, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin, bà Elisabeth vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là John... Em sẽ đưa nhiều con cái Israel về với đức Chúa là Thiên Chúa của họ.
Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Elijah, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón[300].”
Jesus hai lần dứt khoát nhận Elijah (Elias) là John: “Ông Elias đã đến rồi mà họ không nhận ra... Các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông John Tẩy giả[301].” Lần nữa, Chúa phán: “Cho đến ông John, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông John chính là Elias, người phải đến[302].”
Khi John không nhận mình là Elias (Elijah)[303], ngài muốn nói rằng trong vẻ ngoài tầm thường của John ngài không còn hiện thân trong sự cao nhã bên ngoài của đại sư phụ Elijah. Trong kiếp trước ngài đã trao cái “áo choàng” vinh quang của mình và sự giàu có tinh thần của mình cho môn đệ Elisha. “Ông Elisha nói, Xin cho con được hai phần thần khí của thầy! Ông Elijah đáp: Anh xin một điều khó đấy! Nếu anh thấy thầy khi thầy được đem đi, rời xa anh, thì sẽ được như thế; bằng không, thì không được.... Ông lượm lấy áo choàng của ông Elijah rơi xuống[304].”
Những vai trò đã trở nên đảo ngược, vì Elijah-John không còn cần vẻ ngoài là thầy của Elisha-Jesus nữa, người mà giờ đây đã thành tựu siêu việt.
Khi Chúa biến đổi hình dạng trên núi[305] thì chính thầy Elias của ngài, cùng Moses, là người ngài thấy. Trong giờ bất hạnh tột cùng của ngài trên Thập Giá, Jesus thốt lên: “Eli, Eli, lama sabachthani?
nghĩa là Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói, Hắn ta gọi ông Elias!... Khoan đã, để xem ông Elias có đến cứu hắn không[306]!”
Mối gắn bó đời đời giữa thầy và trò tồn tại giữa John và Jesus cũng tồn tại với Babaji và Lahiri Mahasaya. Với sự quan tâm dịu dàng, sư phụ bất tử bơi qua biển sông thăm thẳm cuồn cuộn giữa hai kiếp sống của chela, rồi dẫn dắt những bước tiếp theo của đứa trẻ và rồi là người đàn ông Lahiri Mahasaya. Mãi đến khi đệ tử được ba mươi ba tuổi thì Babaji mới cho là đã đến lúc thích hợp để tái lập rõ ràng mối liên hệ không bao giờ đứt.
Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi gần Ranikhet, sư phụ vị tha không giữ đệ tử yêu dấu lại bên mình mà để Lahiri Mahasaya ra đi vì một sứ mệnh ngoài đời. “Con trai, ta sẽ đến mỗi khi con cần ta.”
Người yêu trần thế nào lại có thể thực hiện được những ẩn ý vô cùng trong một lời hứa như vậy?
Nhân loại nói chung không hề hay biết là một cuộc phục hưng tôn giáo lớn lao đã khởi phát vào năm 1861 tại một góc hẻo lánh ở Banaras. Cũng như hương hoa không thể nào giấu kín, Lahiri Mahasaya, lặng lẽ sống như một cư sĩ lý tưởng, không giấu được ánh hào quang tự nhiên của mình. Những con ong đệ tử từ mọi miền Ấn Độ bắt đầu tìm đến mật ngọt của bậc thầy đã giải thoát.
Viên quản lý văn phòng người Anh là một trong những người đầu tiên nhận thấy sự thay đổi siêu việt lạ lùng ở nhân viên của mình, mà ông ta gọi một cách trìu mến là “Babu Cực lạc”.
“Thưa ông, ông có vẻ buồn. Điều phiền muộn là gì vậy?” Một buổi sáng Lahiri Mahasaya đầy thông cảm hỏi thăm ông chủ.
“Vợ tôi bên Anh đang bệnh nguy kịch. Tôi tan nát vì lo âu.”
“Tôi sẽ tìm hiểu đôi điều về bà giúp ông.” Lahiri Mahasaya ra khỏi phòng rồi ngồi một lúc ở một nơi tách biệt. Khi trở lại, thầy mỉm cười an ủi.
“Vợ ông đang bình phục; lúc này bà đang viết thư cho ông.”
Yogi toàn trí trích dẫn đôi chỗ trong lá thư.
“Babu Cực lạc, tôi đã biết anh không phải là người thường.
Nhưng tôi vẫn không thể tin rằng anh có thể tùy ý loại bỏ thời gian và không gian!”
Lá thư đã đoan chắc cuối cùng cũng đến. Viên quản lý kinh ngạc thấy là nó không chỉ có tin vui về sự bình phục của vợ mình mà còn có chính những cụm từ mà, mấy tuần trước đó, đại sư đã nói ra.
Vài tháng sau, bà vợ tới Ấn Độ. Gặp Lahiri Mahasaya, bà nhìn thầy đăm đăm đầy tôn kính.
“Thưa ngài,” bà nói, “chính hình dáng ngài, bao quanh trong ánh sáng rực rỡ, là người tôi đã nhìn thấy nhiều tháng trước bên giường bệnh ở London. Lúc ấy tôi đã lành hẳn! Không lâu sau, tôi đã có thể thực hiện chuyến vượt biển dài đến Ấn Độ.”
Ngày qua ngày sư phụ cao thượng điểm đạo cho một vài tín đồ vào Kriya Yoga. Ngoài các trách nhiệm tâm linh này và các phận sự trong công việc và đời sống gia đình, đại sư còn rất nhiệt tâm với việc giáo hóa. Thầy đã tổ chức nhiều nhóm học và đóng một vai trò tích cực trong việc gây dựng một trường trung học lớn tại vùng Bengalitola ở Banaras. Tại các buổi họp mặt hàng tuần, mà cuối cùng được gọi là “Họp mặt Gita”, sư phụ giảng kinh cho nhiều kẻ tầm đạo nhiệt thành.
Bằng những hoạt động đa dạng này, Lahiri Mahasaya tìm cách trả lời một thách đố chung: “Khi ta đã chu toàn công việc và nghĩa vụ xã hội rồi, thời gian dành cho thiền định sùng mộ đâu?”
Đời sống quân bình hài hòa của các sư phụ-cư sĩ cao quý đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng ngàn kẻ. Kiếm một đồng lương ít ỏi, tằn tiện, không phô trương, hòa đồng với tất cả mọi người, thầy tiếp tục tự nhiên và vui vẻ trên con đường đời có tu hành.
Dù đã náu mình nơi Đấng Vô thượng, nhưng Lahiri Mahasaya vẫn thể hiện sự cung kính đối với mọi người, không quan tâm công đức của họ khác nhau ra sao. Khi tín đồ chào thầy, thầy cúi đầu đáp lại. Với sự nhún nhường trẻ thơ, thầy thường chạm chân kẻ khác, nhưng hiếm khi để họ tỏ lòng kính trọng thầy tương tự, dù sự tôn trọng như vậy dành cho sư phụ là một phong tục Á Đông xưa.
Một nét quan trọng trong đời Lahiri Mahasaya là thầy trao món quà điểm đạo Kriya cho tất cả mọi người thuộc mọi tín ngưỡng. Không chỉ người Ấn mà cả người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo cũng nằm trong số những đại đệ tử của thầy. Kẻ theo thuyết nhất nguyên và kẻ theo thuyết nhị nguyên, người thuộc các tín ngưỡng khác nhau hay không có tín ngưỡng chính thức đều được sư phụ chung thu nhận và dẫn dắt không thiên vị. Một trong những chela có trình độ tu chứng cao của thầy là Abdul Gufoor Khan, một người Hồi giáo. Lahiri Mahasaya, bản thân thầy thuộc đẳng cấp cao nhất là Bà La Môn, đã có những cố gắng mạnh dạn xóa bỏ sự tin tưởng mù quáng vào chế độ tập cấp cứng nhắc ở thời của mình.
Những người thuộc mọi giai tầng ấy đã tìm thấy chốn nương náu dưới sự che chở bao la trùm khắp của thầy. Như mọi đấng tiên tri được thần khải khác, Lahiri Mahasaya đã đem lại niềm hy vọng mới cho những kẻ bên lề và những kẻ bị chà đạp trong xã hội.
“Hãy nhớ rằng ta không thuộc về ai và không ai thuộc về ta.
Hãy chiêm nghiệm rằng một ngày nào đó ta sẽ bỗng chốc lìa bỏ mọi thứ trên đời - vậy nên lúc này hãy làm quen với Thượng đế,”
đại sư phụ dạy các đệ tử. “Hãy chuẩn bị mình cho hành trình sắp tới về thế giới bên kia bằng cách ngày ngày bay trên khinh khí cầu giác ngộ thiêng liêng. Do mê mờ các con nhận mình là một mớ thịt xương, thứ mà nhiều lắm thì cũng chỉ là một ổ những muộn phiền[307].
Hãy thiền định không ngừng để rồi các con sớm thấy mình là Bản thể Vô tận, thoát khỏi mọi hình thức khổ đau. Hãy thôi là tù nhân của thân xác; sử dụng bí quyết Kriya, học cách thoát vào Tinh thần.”
Thầy khuyến khích nhiều đệ tử khác nhau tôn trọng kỷ luật truyền thống tốt đẹp trong tín ngưỡng của mình. Sau khi đã nhấn mạnh tính chất bao hàm của Kriya Yoga như một kỹ thuật thực hành để giải thoát, Lahiri Mahasaya bấy giờ cho các chela tự do thể hiện đời mình phù hợp với hoàn cảnh và nền giáo dục.
“Tín đồ Hồi giáo nên hành lễ namaj[308] năm lần mỗi ngày,” thầy nói. “Tín đồ Ấn giáo mỗi ngày nên ngồi thiền vài lần. Tín đồ Cơ Đốc giáo nên quỳ xuống cầu Chúa rồi đọc Kinh thánh vài lần mỗi ngày.”
Với sự phân biệt sáng suốt, sư phụ dẫn dắt đệ tử vào các con đường Bhakti Yoga (sùng tín), Karma Yoga (hành động), Jnana Yoga (minh triết), hay Raja Yoga (vua hay toàn diện), theo thiên tư của từng người. Thầy, không vội cho phép khi tín đồ muốn bước vào con đường xuất gia chính thức, luôn khuyên họ phải cân nhắc kỹ những khổ hạnh của đời sống tu viện trước đã.
Đại sư phụ dạy đệ tử tránh đàm luận lý thuyết suông về kinh điển. “Chỉ có kẻ dâng mình cho giác ngộ, mà không chỉ đọc các thần khải xưa, mới sáng suốt,” thầy nói. “Hãy giải mọi khúc mắc của các con bằng thiền định[309]. Đổi những suy xét vô ích lấy giao hòa thực sự với Thượng đế.”
“Hãy dọn sạch khỏi đầu óc các con những rác rưởi lý thuyết giáo điều; nhận vào nước chữa lành thanh khiết của trực nhận. Hãy điều mình theo Dẫn dắt nội tâm thực sự; Tiếng nói Thiêng liêng có lời giải cho mọi vấn nạn nhân sinh. Dù cái tài tự chuốc lấy rắc rối của con người có vẻ như khôn cùng thì Cứu độ Vô tận cũng không kém phần tài ba.”
Một hôm, khả năng hiện diện khắp nơi của thầy đã được chứng minh trước một nhóm đệ tử đang nghe thầy giảng Bhagavad Gita. Khi thầy đang giải thích ý nghĩa của Kutastha Chaitanya hay Tâm thức Chúa trong toàn thể sáng tạo rung động, Lahiri Mahasaya bất ngờ thở dốc và gào lên:
“Ta đang chết đuối trong thân nhiều người ngoài bờ biển Nhật Bản!”
Sáng hôm sau các chela đọc thấy một bài điện tín đưa tin về cái chết của một số người bị đắm tàu ngày hôm trước gần Nhật Bản.
Nhiều đệ tử của Lahiri Mahasaya ở xa nhận biết được sự hiện diện bao bọc của thầy. “Ta vẫn luôn bên những ai huân tập Kriya,”
thầy thường khuyên giải các chela không được ở gần bên thầy. “Ta sẽ dẫn dắt các con đến Mái nhà Vũ trụ bằng tuệ giác không ngừng khai mở của các con.”
Sri Bhupendra Nath Sanyal[310], một đệ tử lỗi lạc của đại sư phụ, kể rằng, năm 1892, khi còn là một thanh niên, vì không đến Banaras được, ông đã cầu xin thầy dẫn đạo cho. Lahiri Mahasaya hiện ra trước Bhupendra trong một giấc chiêm bao và ban diksha (điểm đạo) cho ông. Về sau chàng thanh niên đến Banaras xin thầy diksha. “Ta đã điểm đạo cho con rồi, trong một giấc mơ,” Lahiri Mahasaya đáp.
Nếu đệ tử có sao nhãng phận sự đời nào thì thầy thường từ tốn uốn nắn và kỷ luật.
“Lời lẽ của Lahiri Mahasaya nhẹ nhàng và xoa dịu, ngay cả khi thầy buộc phải nêu lỗi của chela trước mặt mọi người,” có lần Sri Yukteswar bảo tôi. Thầy nói thêm buồn bã: “Chưa có đệ tử nào thoát được những lời nhận xét đau lòng của thầy cả.” Tôi không nhịn được cười, nhưng tôi thật lòng cam đoan với sư phụ mình rằng, dù có gay gắt hay không thì từng lời từng chữ của thầy cũng đều êm ái trong tai tôi.
Lahiri Mahasaya đã kỹ càng phân loại Kriya thành bốn bậc điểm đạo cao dần[311]. Thầy chỉ ban ba kỹ thuật cao hơn khi đệ tử chứng tỏ là đã đạt được một trình độ tu chứng nhất định. Có lần một chela nọ, tin rằng sự xứng đáng của mình không được nhìn nhận đúng, lên tiếng bất mãn.
“Thưa thầy,” anh ta nói, “chắc hẳn giờ con đã thích hợp để thọ điểm đạo thứ hai rồi.” Lúc này, cửa mở ra đón một đệ tử khiêm nhường, Brinda Bhagat. Anh ta là một người đưa thư ở Banaras.
“Brinda, lại đây ngồi cạnh ta.” Đại sư phụ mỉm cười trìu mến với anh ta. “Nói ta nghe, con đã sẵn sàng nhận đệ nhị Kriya chưa?”
Người đưa thư hèn mọn chắp tay khẩn khoản. “Thưa tôn sư,”
anh ta nói hoảng hốt, “dạ, không điểm đạo gì thêm nữa, con xin thầy! Làm sao con hấp thụ nổi giáo huấn cao hơn nào được? Hôm nay con đến để xin thầy ban phúc, vì đệ nhất Kriya đã làm con tràn ngập say sưa thần thánh đến mức con không còn đi phát thư được nữa!”
“Brinda đã bơi trong biển Tinh thần rồi.” Nghe Lahiri Mahasaya nói vậy, đệ tử nọ cúi đầu.
“Thưa thầy,” đệ tử ấy nói, “con đã hiểu con là một thợ tồi, lại đi đổ lỗi cho đồ nghề của mình.”
Người đưa thư tầm thường, thất học, về sau nhờ Kriya đã mở mang hiểu biết của mình đến mức mà các học giả thỉnh thoảng phải cậy đến sự giải thích của anh ta cho một số điểm kinh điển phức tạp. Chút ngữ pháp cơ bản cũng không biết, vậy mà Brinda thấp kém đã trở nên tiếng tăm trong giới các học giả uyên bác.
Ngoài vô số đệ tử của Lahiri Mahasaya ở Banaras còn có hàng trăm đệ tử từ những miền xa xôi trên đất Ấn tìm đến thầy. Bản thân thầy cũng tới Bengal vài bận, thăm những nhà thông gia. Nhờ sự có mặt của thầy ban phúc mà Bengal đã trở thành một tổ ong gồm những nhóm Kriya nhỏ. Riêng ở các huyện Krishnanagar và Bishnupur, nhiều đệ tử đã âm thầm tiếp tục giữ cho dòng thiền định tâm linh vô hình trôi chảy đến tận hôm nay.
Trong số nhiều thánh nhân thọ Kriya từ Lahiri Mahasaya có thể kể đến Swami Bhaskarananda Saraswati lỗi lạc ở Banaras; nhà tu khổ hạnh tầm vóc vĩ đại xứ Deoghar, là Balananda Brahmachari. Có một thời Lahiri Mahasaya làm gia sư cho con trai của Maharaja Iswari Narayan Sinha Bahadur ở Banaras. Nhận ra chứng đắc của thầy, Maharaja, cũng như con trai ngài, đã thỉnh cầu được điểm đạo Kriya, và cả Maharaja Jotindra Mohan Thakur cũng vậy.
Một số đệ tử của Lahiri Mahasaya có địa vị xã hội cao đã mơ ước được mở rộng giới Kriya bằng sự khuếch trương rộng rãi. Sư phụ không cho phép. Một chela, ngự y của vua thành Banaras, đã bắt đầu một cố gắng quy mô truyền tụng danh xưng của thầy là “Kashi Baba” (Đấng Cao quý xứ Banaras)[312]. Lần nữa sư phụ cấm điều đó.
“Cứ để hương hoa Kriya tỏa một cách tự nhiên,” thầy nói.
“Hạt giống Kriya sẽ bén rễ chắc trong đất những trái tim màu mỡ tâm linh.”
Dù đại sư phụ không chấp nhận hệ thống giáo huấn qua phương tiện hiện đại là một tổ chức, hay qua báo chí, nhưng thầy vẫn biết rằng sức mạnh thông điệp của thầy sẽ dâng trào như một cơn lũ không thể cưỡng lại, bằng sức mạnh tự nó sẽ dâng tràn bờ tâm thức con người. Đời sống đổi thay và thanh tịnh của đệ tử là những chứng thực giản dị về sức sống bất diệt của Kriya.
Năm 1886, hai mươi lăm năm sau ngày được điểm đạo ở Ranikhet, Lahiri Mahasaya về nghỉ hưởng lương hưu[313]. Nhờ sự dư dả thời gian ban ngày của thầy, đệ tử tìm đến thầy càng lúc càng đông. Giờ đây phần lớn thời gian đại sư phụ ngồi trong tịch lặng, định trong tư thế hoa sen yên bình. Thầy hiếm khi rời phòng khách nhỏ của mình, dù là để đi dạo hay bước qua những nơi khác trong nhà. Một dòng chela lặng lẽ đến, gần như không ngừng, để được darshan (thấy đấng thiêng) sư phụ.
Trước sự kính sợ của những người quan sát, trạng thái sinh lý bình thường của Lahiri Mahasaya cho thấy những đặc điểm siêu nhiên là không thở, không ngủ, mạch đập và nhịp tim ngừng, mắt tĩnh lặng không chớp hàng giờ liền, và một thần thái tịch tịnh.
Không vị khách nào ra về mà không thấy tinh thần được cao quý hơn lên; tất cả đều biết mình đã nhận được sự ban phúc kín đáo của một bậc chân tu.
Ngày nay thầy đã cho phép đệ tử Panchanon Bhattacharya mở một trung tâm yoga ở Calcutta, “Viện Sứ mệnh Arya”. Trung tâm phân phát một số thảo dược yoga[314], và ấn hành các bản Bhagavad Gita không mấy đắt tiền đầu tiên bằng tiếng Bengal. Arya Mission Gita, bằng tiếng Hindi và tiếng Bengal, đã đến với hàng ngàn gia đình.
Theo cổ tục, thầy thường cho mọi người dầu neem[315] để chữa nhiều thứ bệnh khác nhau. Khi sư phụ bảo một đệ tử chưng cất dầu, y sẽ dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ. Nếu có ai khác thử, y thường vấp phải những khó khăn kỳ lạ; thấy rằng, sau khi đã cho dầu vào các quá trình chưng cất theo yêu cầu, chất lỏng gần như bốc hơi hết. Rõ ràng sự ban phúc của sư phụ là một thành phần cần thiết.
Chữ viết và chữ ký của Lahiri Mahasaya, bằng tiếng Bengal, được in ở trang sau. Câu này nằm trong một bức thư gửi một chela; đại sư phụ giải thích một câu thơ tiếng Phạn như sau: “Kẻ nào đạt đến trạng thái tịch lặng khi mi mắt không chớp thì đã đạt được Sambhabi Mudra[316].”
[ký tên, thấp hơn bên trái] “Sri Shyama Charan Deva Sharman”
Như nhiều đấng tiên tri vĩ đại khác, bản thân Lahiri Mahasaya không viết sách mà hướng dẫn nhiều đệ tử khác nhau diễn giải kinh điển. Bạn thân của tôi là Sri Ananda Mohan Lahiri, một người cháu đã mất của thầy, viết như sau:
“Bhagavad Gita và các phần khác trong trường thi Mahabharata có một số điểm mấu chốt (vya-kuta). Không thắc mắc đến những điểm mấu chốt ấy, ta sẽ chỉ thấy những câu chuyện thần thoại thuộc loại kỳ lạ và dễ bị ngộ nhận. Không giải thích những điểm mấu chốt ấy, rồi ta sẽ mất đi một tri thức mà Ấn Độ đã bảo tồn với đức kiên nhẫn siêu phàm sau một cuộc kiếm tìm hàng ngàn năm thể nghiệm[317].
“Lahiri Mahasaya đã làm sáng tỏ, không ẩn dụ, cái tri thức tôn giáo đã được sáng suốt giấu khuất tầm mắt trong một ẩn ngữ hình tượng kinh điển. Không còn là một trò tung hứng chữ nghĩa không hiểu được nữa, các công thức thờ phụng Vệ Đà đã được thầy chứng minh là đầy ý nghĩa khoa học.
“Chúng ta biết rằng con người thường bất lực không cưỡng lại được tà dục; nhưng những đam mê này sẽ vô hiệu và con người sẽ không còn tìm thấy lý do để mê đắm trong đó khi y chợt nhận ra diễm phúc vĩnh hằng và vượt trội hơn nhờ Kriya Yoga.
Ở đây sự từ bỏ, sự cự tuyệt căn tính thấp hèn hơn, xảy ra đồng thời với một sự đón nhận, chứng nghiệm cực lạc. Không có một đường lối như vậy, những câu châm ngôn chỉ bao gồm những phủ định sẽ là vô ích với chúng ta.
“Chính Thượng đế, Đại dương Quyền năng, là cái nằm đằng sau mọi biến hóa hiện tượng. Ham mê những theo đuổi trần tục triệt tiêu trong ta cảm giác kính sợ tâm linh. Vì khoa học hiện đại chỉ ta cách sử dụng các khả năng của Thiên nhiên, chúng ta không còn lĩnh hội được Sự Sống Lớn đằng sau mọi danh sắc. Sự thân mật với Thiên nhiên dung túng sự khinh thường những ẩn mật tối hậu của nàng; mối quan hệ giữa chúng ta với nàng là mối quan hệ công việc thực dụng. Chúng ta chòng ghẹo nàng, ấy là nói vậy, để biết những cách thức có thể buộc nàng phải đáp ứng các ý đồ của ta; ta lợi dụng các năng lượng của nàng mà vẫn còn chưa biết Nguồn. Trong khoa học, mối tương quan giữa chúng ta với Thiên nhiên giống như giữa một gã kiêu mạn với gia nhân của hắn; hay, theo một nghĩa triết học, Thiên nhiên giống như kẻ bị bắt trên ghế nhân chứng. Chúng ta đối chất nàng, kiểm tra nàng, rồi săm soi cân đo chứng cứ của nàng trên cái bàn cân nhân loại không thể nào đo lường được những giá trị tiềm ẩn của nàng.
“Ngược lại, khi bản ngã giao hòa cùng một quyền năng cao hơn, Thiên nhiên sẽ tự động vâng thuận ý chí của con người, không căng thẳng hay gượng gạo. Sự chế ngự Thiên nhiên dễ dàng như vậy bị kẻ duy vật thiếu hiểu biết gọi là ‘thần bí’.
“Cuộc đời của Lahiri Mahasaya nêu một tấm gương, sửa lại ý nghĩ sai lầm rằng yoga là một kiểu tu tập thần bí. Bất chấp tính thực tế của vật lý học, qua Kriya Yoga ai cũng có thể tìm thấy một con đường để hiểu ra mối tương quan thích đáng của mình với Thiên nhiên và cảm thấy sự tôn kính tâm linh dành cho mọi hiện tượng[318], dù sự việc đó là huyền nhiệm hay xảy ra mỗi ngày. Chúng ta nên nhớ rằng nhiều thứ không thể giải thích được cả ngàn năm trước đã không còn là vậy nữa, và các vấn đề huyền bí giờ có thể trở nên dễ hiểu theo đúng quy luật trong vài năm nữa.
“Pháp môn Kriya Yoga là vĩnh cửu. Nó chính xác như toán học; như những phép cộng trừ đơn giản, định luật Kriya là bất hoại.
Đốt thành tro mọi cuốn sách toán học; người có đầu óc logic sẽ luôn tìm lại được những chân lý ấy. Tịch thu mọi sách vở về yoga; những nền tảng của nó vẫn sẽ lại được hé lộ bất cứ khi nào có một thánh hiền với lòng tận tâm cao khiết và nhờ đó, hiểu biết thuần khiết xuất hiện.”
Cũng như Babaji là một trong số những hiện thân vĩ đại nhất, một Mahavatar, và như Sri Yukteswar có thể được gọi rất đúng là Jnanavatar hay Hiện thân của Minh triết, thì Lahiri Mahasaya cũng là một Yogavatar hay Hiện thân của Yoga[319].
Bằng những chuẩn mực về cái thiện cả về phẩm chất lẫn đại lượng, đại sư đã nâng cao trình độ tâm linh của xã hội. Bằng khả năng nâng đỡ các đệ tử thân cận vươn tới tầm vóc như Chúa Jesus và bằng sự hoằng pháp rộng rãi trong quảng đại quần chúng, Lahiri Mahasaya đứng vào hàng ngũ những đấng cứu thế.
Đoạn có chữ viết tay tiếng Hindi Nét độc đáo của thầy với tư cách là một đấng tiên tri là ở chỗ thầy nhấn mạnh thực tiễn về một phương pháp rõ ràng, Kriya, lần đầu tiên mở ra cánh cửa tự tại yoga cho tất cả mọi người. Ngoài những phép lạ trong chính đời mình, rõ ràng Yogavatar đã đạt đến đỉnh cao của mọi phép lạ khi rút gọn những điểm phức tạp ở yoga xưa thành một sự đơn giản hữu hiệu vừa tầm hiểu biết thông thường.
Khi nhắc đến phép lạ, Lahiri Mahasaya thường nói: “Sự vận hành của các quy luật vi tế xa lạ đối với mọi người nói chung không nên thảo luận hay in ấn công khai mà không có sự phân biệt thích đáng.” Nếu trong những trang này tôi có vẻ như không tuân theo những lời khuyên của thầy thì đó là vì thầy đã cho tôi một sự cam đoan nội tại. Tuy nhiên, khi ghi lại cuộc đời của Babaji, Lahiri Mahasaya, và Sri Yukteswar, tôi đã nghĩ nên bỏ qua một số câu chuyện huyền vi. Tôi khó mà đưa những câu chuyện ấy vào mà không viết thêm cả một cuốn giải thích về triết học khó hiểu.
Là một yogi-cư sĩ, Lahiri Mahasaya đã đem lại một thông điệp thực tiễn phù hợp với nhu cầu của thế giới ngày nay. Những điều kiện kinh tế và tôn giáo lẫy lừng của Ấn Độ cổ đại không còn tồn tại nữa. Đại sư do vậy không khuyến khích lý tưởng ngày xưa về một yogi như một tu sĩ khổ hạnh lang thang với bình bát khất thực.
Đúng hơn, thầy nhấn mạnh những thuận lợi cho yogi khi tự kiếm sống, không phụ thuộc vào sự cưu mang của một xã hội khó khăn, và luyện yoga trong sự riêng tư tại nhà. Lahiri Mahasaya thêm vào lời khuyên này sức mạnh cổ vũ từ chính tấm gương của mình.
Thầy là một mẫu mực yogi “nhập dòng” hiện đại. Lối sống của thầy, như đã được Babaji dự liệu, nhằm làm một người dẫn đường cho những yogi đang khao khát khắp mọi miền thế giới.
Niềm hy vọng mới cho những con người mới! “Hợp nhất với thiêng liêng,” Yogavatar khẳng định, “là khả dĩ nhờ tự tinh tiến, và không phụ thuộc vào những niềm tin lý thuyết hay vào ý muốn độc đoán của một Nhà Độc tài Vũ trụ.”
Qua tu tập bí pháp Kriya, những người không sao khiến mình tin được thần tính ở bất cứ ai cuối cùng sẽ thấy thần tính vẹn toàn nơi chính bản ngã mình.
* * *
Chú thích:
[297] Tin Mừng theo thánh Matthêu 3:15.
[298] Nhiều đoạn trong Kinh Thánh cho thấy là quy luật đầu thai đã được hiểu và chấp nhận. Các vòng luân hồi là một cách giải thích cho các cấp tiến hóa khác nhau, trong đó có nhân loại, hợp lý hơn là lý thuyết phổ biến của phương Tây cho rằng cái gì đó (ý thức về tự ngã) khi không mà có, tồn tại với các mức độ sinh khí khác nhau trong ba mươi hay chín mươi năm, và rồi trở về với cái hư vô ban đầu. Bản chất không thể hiểu được của cái hư vô như vậy là một vấn đề làm hài lòng các giáo sư thời Trung cổ.
[299] Sách Tiên tri Malaki 4:5.
[300] Tin Mừng theo thánh Luca 1:13-17.
[301] Tin Mừng theo thánh Matthêu 17:12-13.
[302] Tin Mừng theo thánh Matthêu 11:13-14.
[303] Tin Mừng theo thánh Gioan 1:21.
[304] Sách Các vua II 2:9-14.
[305] Tin Mừng theo thánh Matthêu 17:3.
[306] Tin Mừng theo thánh Matthêu 27:46-4.9
[307] “Trong xác thân chúng ta có nhiều kiểu chết biết bao! Trong đó chẳng có gì ngoài cái chết.” - Martin Luther, “Table-Talk”.
[308] Kinh cầu nguyện chính của tín đồ Hồi giáo, tụng năm lần mỗi ngày.
[309] “Tìm chân lý trong trầm tư, không tìm trong sách vở mốc meo. Nhìn lên trời mà tìm trăng, không tìm dưới hồ.” - Ngạn ngữ Ba Tư.
[310] Sri Sanyal mất năm 1962. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).
[311] Kriya Yoga có nhiều nhánh; Lahiri Mahasaya đã phân biệt bốn bậc chính - những bậc có ý nghĩa thực hành cao nhất.
[312] Các danh hiệu khác mà đệ tử tặng cho Lahiri Mahasaya là Yogibar (yogi vĩ đại nhất trong các yogi), Yogiraj (vua của các yogi), và Munibar (thánh vĩ đại nhất trong các thánh). Tôi đã thêm vào Yogavatar (hiện thân của yoga).
[313] Thầy đã dành cả thảy ba mươi lăm năm phục vụ trong một bộ của chính phủ.
[314] Các học thuyết y khoa Ấn Độ gọi là Ayurveda. Các thầy thuốc theo kinh Vệ Đà sử dụng các dụng cụ phẫu thuật tinh vi, phẫu thuật tạo hình, biết cách vô hiệu hóa ảnh hưởng của khí độc, thực hiện các thủ thuật mổ lấy thai và mổ não, thành thạo phép vi lượng đồng căn. Hippocrates (thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên) đã vay mượn rất nhiều từ Ấn Độ cho dược khoa của mình.
[315] Cây xoan Trắng Ấn Độ. Các dược tính của nó giờ được công nhận ở phương Tây, nơi vỏ cây neem đắng được dùng như một loại thuốc bổ, còn dầu từ hạt và quả được dùng chữa bệnh phong và các bệnh khác.
[316] Sambhabi Mudra nghĩa là giữ yên cái nhìn ở điểm giữa hai chân mày. Khi yogi đã đạt đến một giai đoạn định tâm nhất định rồi, mi mắt yogi sẽ không chớp; yogi định trong cõi nội tâm. Một mudra (“ấn”) thường chỉ một cử chỉ mang tính nghi thức của các ngón tay và bàn tay. Nhiều mudra gợi lên được sự an lạc bằng cách tác động đến một số dây thần kinh. Các luận thuyết Ấn Độ cổ đã phân loại tỉ mỉ các nadi (72.000 kinh mạch trong cơ thể) và mối tương quan của chúng với tâm. Do vậy, Mudra được dùng trong thờ phụng và yoga có một cơ sở khoa học. Một hệ thống mudra công phu còn được tìm thấy trong nghệ thuật tranh tượng và các vũ điệu mang tính nghi thức của Ấn Độ.
[317] “Một số triện gần đây đã được khai quật tại các địa điểm khảo cổ ở thung lũng sông Ấn, có thể xác định được niên đại là thiên niên kỷ thứ ba trước công nguyên, cho thấy những dáng người ngồi trong tư thế thiền mà ngày nay được sử dụng trong hệ thống Yoga, và cho phép suy ra rằng ngay từ thời đó người ta đã biết một số khái niệm sơ đẳng về yoga. Chúng ta có lẽ không hồ đồ khi rút ra kết luận rằng phép tự quán sát có hệ thống với sự giúp sức của các phương pháp đã qua nghiên cứu đã được thực hành ở Ấn Độ suốt năm ngàn năm.” - Giáo sư W. Norman Brown, trong “Bulletin of the American Council of Learned Societies” (Tập san của Hội đồng các Hội học giả Hoa Kỳ), Washington D.C. Tuy nhiên, kinh Ấn Độ khẳng định là pháp môn yoga đã được biết tới ở Ấn Độ từ không biết bao nhiêu thiên niên kỷ.
[318] “Kẻ không thể lấy làm lạ, kẻ không quen lấy làm lạ (và chiêm bái), thì dù y có là chủ tịch của không biết bao nhiêu Hội Hoàng gia và giữ. khái lược của mọi phòng thí nghiệm và đài quan sát, cùng các kết quả thí nghiệm của chúng, trong cái đầu độc nhất của y, cũng chỉ là một cặp mắt kính mà đằng sau không có mắt.” - Carlyle, “Sartor Resartus”.
[319] 1. Sri Yukteswar đã gọi _chela_ Paramahansa Yogananda của mình là hiện thân của tình yêu thần thánh. Sau khi Paramahansaji qua đời, đại đệ tử và là người kế nhiệm tôn giáo Rajarsi Janakananda (James J. Lynn) của thầy đã chính thức dành tặng thầy danh hiệu _Premavatar_ hay Hiện thân của Tình thương. _(Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh)._