Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 36

CHƯƠNG 36

Babaji quan tâm đến phương Tây

“Thưa thầy, thầy đã bao giờ gặp Babaji chưa?” Đó là một đêm mùa hè thanh vắng ở Serampore; những vì sao lớn vùng nhiệt đới lấp lánh trên đầu khi tôi ngồi bên Sri Yukteswar trên ban công tầng hai tịnh thất của thầy.

“Rồi.” Thầy mỉm cười trước câu hỏi thẳng thừng của tôi; mắt thầy ánh lên niềm tôn kính. “Ba lần ta may mắn được gặp sư phụ bất tử. Lần đầu ta gặp ngài là tại một Kumbha Mela ở Allahabad.”

Hội chợ tôn giáo được tổ chức ở Ấn Độ từ thời xa xưa được gọi là Kumbha Mela; chúng giữ cho các mục đích tôn giáo luôn trong tầm mắt của dân chúng. Hàng triệu tín đồ Ấn giáo sùng đạo cứ mỗi mười hai năm lại tụ hội về để gặp hàng ngàn sadhu, yogi, swami, và các nhà tu khổ hạnh đủ hạng. Nhiều người là ẩn sĩ không bao giờ rời những chốn ẩn dật của mình trừ khi là để dự mela[320] và ban phúc cho đàn ông, đàn bà phàm trần ở đó.

“Lúc ta gặp Babaji thì ta vẫn chưa là swami,” Sri Yukteswar nói tiếp. “Nhưng ta đã được Lahiri Mahasaya điểm đạo Kriya. Thầy khuyến khích ta dự mela đang được tổ chức vào tháng 1 năm 1894 ở Allahabad. Đó là lần đầu tiên ta biết đến một kumbha; ta cảm thấy hơi chóng mặt vì tiếng ồn và biển người. Ta nhìn quanh tìm kiếm nhưng chỉ thấy một gương mặt sáng rạng của một sư phụ. Đi qua một cây cầu trên bờ sông Hằng, ta để ý thấy một người quen đứng gần đó, bình bát khất thực chìa ra.

“ ‘Ôi, hội chợ này chỉ là một cảnh hỗn độn tiếng ồn và người hành khất mà thôi,’ ta thất vọng nghĩ. ‘Mình băn khoăn không biết các nhà khoa học phương Tây, nhẫn nại phát triển các lĩnh vực tri thức vì lợi ích thiết thực cho nhân loại, có làm hài lòng Thượng đế hơn mấy người rảnh rỗi tuyên xưng tôn giáo nhưng lại chăm chăm vào của bố thí này không.’

“Những ý nghĩ về cải cách xã hội nung nấu trong ta bị cắt ngang bởi giọng của một sannyasi cao lớn dừng lại trước mặt ta.

“ ‘Thưa ông,’ thầy tu nói, ‘có một vị thánh đang gọi ông.’ “ ‘Ông ta là ai?’ “ ‘Ông hãy tự đi xem lấy.’ “Chần chừ nghe theo lời khuyên ngắn gọn này, chẳng mấy chốc ta nhận ra mình đã ở gần một cây có cành đang che bóng một sư phụ cùng một nhóm đệ tử đẹp đẽ. Vị thầy, một gương mặt sáng ngời khác thường, đôi mắt đen long lanh, đứng lên khi ta tới gần và ôm ta.

“ ‘Xin chào mừng, Swamiji,’ thầy tu nói trìu mến.

“ ‘Thưa thầy,’ ta đáp lại dứt khoát, ‘tôi không phải là swami.’ “ ‘Kẻ nào được ta theo lệnh thiêng ban cho danh hiệu swami thì sẽ không bao giờ từ bỏ nó.’ Vị thánh nói với ta ngắn gọn, nhưng sự xác tín sâu thẳm về sự thật vang lên trong lời thầy; tức thì ta ngập trong một làn sóng độ lực. Mỉm cười vì thấy mình bỗng dưng được nâng lên vào dòng tu xưa[321], ta cúi lạy dưới chân đấng rõ ràng là vĩ đại và thiên thần trong hình hài người vừa ban vinh dự cho ta như vậy.

“Babaji - vì quả thực đó là ngài - ra hiệu cho ta tới ngồi gần ngài bên gốc cây. Ngài mạnh khỏe và trẻ trung, và trông tựa Lahiri Mahasaya; vậy nhưng sự giống nhau không làm ta chú ý, dù ta thường nghe nói về những điểm giống nhau đến lạ lùng ở vẻ ngoài của hai vị thầy. Babaji có một năng lực mà nhờ đó ngài có thể ngăn không cho một ý nghĩ cụ thể nào đó vọng lên trong tâm trí một người. Rõ ràng đại sư phụ muốn ta hoàn toàn tự nhiên trước mặt ngài, không quá kính sợ khi biết được danh tính của ngài.

“ ‘Con nghĩ sao về Kumbha Mela?’ “ ‘Con vô cùng thất vọng, thưa thầy,’ ta nói, nhưng hấp tấp nói thêm, ‘cho đến khi gặp thầy. Không hiểu sao các thánh và cảnh náo động này không khớp với nhau.’ “ ‘Con ơi,’ vị sư nói, dù rõ ràng là ta gần gấp đôi tuổi ngài, ‘vì lỗi của nhiều người, đừng đánh giá toàn thể. Mọi sự trên đời đều có tính lẫn lộn, như một sự trộn lẫn của cát và đường.

Hãy giống như con kiến khôn ngoan chỉ lấy đường mà bỏ cát lại không động đến. Dù nhiều sadhu ở đây vẫn còn lạc trong mê lầm thì mela cũng được phúc đức nhờ một số ít vị đã giác ngộ Thượng đế.’ “Xét vì chính ta được gặp vị thầy cao quý này, ta đồng tình với ngài ngay.

“ ‘Thưa thầy,’ ta nhận xét, ‘con đang nghĩ đến những nhà khoa học hàng đầu của phương Tây, vĩ đại về trí tuệ hơn nhiều phần lớn những người tụ tập ở đây, đang sống ở châu Âu và Hoa Kỳ xa xôi, tuyên xưng các tín điều khác nhau, và không biết những chân giá trị của các mela như những người đang ở đây. Họ là những người có thể hưởng lợi lộc lớn lao nếu được gặp các bậc thầy Ấn Độ.

Nhưng, dù tri thức cao rộng, nhiều người phương Tây vẫn không thể rời bỏ chủ nghĩa duy vật khó ưa. Số khác, nổi tiếng trong khoa học và triết học, thì lại không nhận ra tính hòa hợp cốt tủy trong tôn giáo. Tín điều của họ là hàng rào không vượt qua được, lăm le ngăn cách họ với ta mãi mãi.’ “ ‘Ta hiểu là con quan tâm đến phương Tây, cũng như phương Đông.’ Mặt Babaji tươi cười tán thành. ‘Ta cảm thấy những nhói đau trong trái tim con, trái tim lớn có đủ chỗ cho hết thảy mọi người. Vì vậy mà ta mời con đến đây.

“ ‘Đông và Tây phải thiết lập một trung đạo vàng hợp nhất hành động và tâm linh,’ ngài nói tiếp. ‘Ấn Độ có nhiều thứ phải học ở Tây phương về phát triển vật chất; ngược lại, Ấn Độ có thể dạy các phương pháp phổ quát mà nhờ đó Tây phương có thể đặt những tín ngưỡng của mình trên nền móng không thể lay chuyển của pháp môn yoga.

“ ‘Con, Swamiji, con có một vai trò trong sự trao đổi hài hòa giữa Đông và Tây sắp tới. Mấy năm nữa ta sẽ phái đến cho con một đệ tử mà con có thể dạy dỗ để rồi hoằng bá yoga ở phương Tây. Những rung động của nhiều linh hồn tầm đạo ở đấy tràn đến ta như thác lũ. Ta thấy rõ những vị thánh tiềm ẩn ở Hoa Kỳ và châu Âu, đang chờ được thức tỉnh.’ “

Nói đến đây, Sri Yukteswar quay qua nhìn hẳn vào mắt tôi.

“Con ta,” thầy nói, mỉm cười dưới ánh trăng, “con là đệ tử mà nhiều năm trước Babaji đã hứa phái đến cho ta.”

Tôi vui mừng biết rằng Babaji đã hướng dẫn bước chân tôi đến với Sri Yukteswar, vậy nhưng tôi vẫn khó mà hình dung mình ở phương Tây xa xôi, xa sư phụ dấu yêu và sự bình yên dung dị của tịnh thất.

“Đoạn Babaji nói về Bhagavad Gita,” Sri Yukteswar kể tiếp.

“Ta sững sờ, bằng vài lời ca ngợi, ngài ngụ ý là ngài biết ta đã viết những dẫn giải về một vài chương Gita.

“ ‘Theo yêu cầu của ta, Swamiji, xin hãy nhận một công tác nữa,’ đại sư nói. ‘Sao con không viết một cuốn sách ngắn về sự hài hòa nền tảng giữa các kinh Cơ Đốc giáo và Ấn Độ giáo? Tính tương đồng cốt lõi giữa hai tôn giáo giờ bị những dị biệt giáo phái của con người che lấp. Hãy chỉ ra bằng các viện dẫn song song là những đứa con giác ngộ của Thượng đế đã tuyên giảng cùng những chân lý như nhau.’ “ ‘Maharaj[322],’ ta rụt rè đáp, ‘thật là một mệnh lệnh! Con có thể làm tròn việc đó chăng?’ “Babaji cười khẽ. ‘Con trai, sao con lại hoài nghi?’ thầy nói trấn an. ‘Quả thực, tất cả thứ này là tác phẩm của Ai, và Ai là Đấng Thực hiện mọi hành động? Bất cứ gì Thượng đế khiến ta nói đều tất phải trở thành sự thật.’ “Ta thấy rằng mình được mạnh mẽ lên nhờ sự ban phúc của vị thánh, và đồng ý viết cuốn sách. Cảm thấy đã đến lúc cáo từ, ta miễn cưỡng đứng lên khỏi thảm lá của mình.

“ ‘Con có quen Lahiri không?’ thầy hỏi. ‘Thầy ấy là một bậc thánh, phải không? Hãy kể cho thầy nghe về cuộc gặp gỡ của chúng ta.’ Rồi ngài trao ta một lời nhắn cho Lahiri Mahasaya.

“Khi ta đã khiêm cung cúi lạy giã từ rồi, vị thánh mỉm cười hiền lành. ‘Khi cuốn sách của con xong, ta sẽ đến thăm con,’ ngài hứa. ‘Giờ thì tạm biệt.’ “Ngày hôm sau ta rời Allahabad lên xe lửa đi Banaras. Đến nhà sư phụ, ta kể lại đầu đuôi câu chuyện về vị thánh siêu phàm tại Kumbha Mela.

“ ‘Ồ, con không nhận ra ngài sao?’ Mắt Lahiri Mahasaya long lanh cười. ‘Ta thấy là con không thể, vì ngài đã ngăn con. Ngài là sư phụ vô song của ta, Babaji cao quý!’ “ ‘Babaji!’ Ta lặp lại, bàng hoàng. “Babaji Yogi-Chúa! Đấng cứu thế vô hình-hữu hình Babaji! Ôi, giá mà con có thể làm sống lại quá khứ và một lần nữa, được đứng trước mặt ngài để bày tỏ lòng sùng mộ của con dưới chân sen của ngài!’ “ ‘Không sao,’ Lahiri Mahasaya an ủi. ‘Ngài đã hứa sẽ gặp lại con mà.’ “ ‘Thưa tôn sư, vị thầy cao quý đã nhờ con trao lại cho thầy một lời nhắn. “Hãy nói với Lahiri,” ngài nói, “rằng năng lượng dự trữ cho kiếp này giờ đã cạn; nó gần hết rồi.’ “

“Ta vừa thốt ra những lời bí hiểm này thì thân thể Lahiri Mahasaya giật bắn như thể bị một luồng sét đánh. Trong phút chốc, toàn thể thầy lặng phắc; sắc mặt tươi cười của thầy trở nên nghiêm trang không thể tưởng. Như một pho tượng gỗ, tối tăm và bất động nơi chỗ ngồi, thân thầy không còn khí sắc. Ta thất kinh và ngơ ngác. Trong đời ta chưa hề thấy con người hân hoan này bộc lộ một vẻ nghiêm trang đáng sợ như vậy. Các đệ tử khác có mặt nhìn trân trân e sợ.

“Ba giờ trôi qua trong im lặng. Thế rồi Lahiri Mahasaya lấy lại thái độ vui vẻ tự nhiên, trìu mến nói chuyện với từng chela. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm.

“Ta hiểu ra, qua phản ứng của thầy, rằng lời nhắn của Babaji là một tín hiệu không thể lầm được mà qua đó Lahiri Mahasaya hiểu rằng thân xác thầy sẽ sớm bị lìa bỏ. Sự im lặng đáng sợ của sư phụ ta chứng tỏ rằng thầy đã tức thì làm chủ linh hồn mình, cắt sợi dây gắn kết sau cùng với thế giới vật chất, rồi biến mất vào thể tính trường tồn của mình nơi Tinh thần. Câu của Babaji là cách ngài nói: ‘Ta sẽ mãi mãi bên con.’ “Dù Babaji và Lahiri Mahasaya đã toàn trí, và không cần giao tiếp với nhau qua ta hay bất kỳ trung gian nào, thì các thánh cũng thường hạ cố đóng một vai trong vở kịch con người. Thỉnh thoảng các vị phán truyền những lời tiên tri qua người đưa tin theo cách bình thường, để về sau sự thành tựu lời các vị sẽ truyền đức tin ở thiêng liêng mãnh liệt hơn cho nhiều người biết câu chuyện ấy.

“Sau đó ta rời Banaras rồi ở Serampore bắt đầu viết về các kinh theo lời yêu cầu của Babaji,” Sri Yukteswar nói tiếp. “Vừa bắt tay vào việc thì ta đã thấy có cảm hứng muốn làm một bài thơ tặng sư phụ bất tử. Những dòng thơ êm đềm từ ngòi bút ta tuôn tràn dễ dàng, dù trước đó ta chưa hề thử làm thơ bằng tiếng Phạn.

“Trong cái tĩnh mịch của đêm ta miệt mài so sánh Kinh Thánh với các kinh Sanatan Dharma[323]. Khi dẫn lời của Chúa Jesus cao cả, ta chỉ ra rằng giáo lý của ngài kỳ thực là một với những thần khải Vệ Đà. Nhờ ân huệ của paramguru[324] mà cuốn sách Tri thức thiêng[325] của ta đã xong trong một thời gian ngắn.

“Buổi sáng khi ta hoàn tất công trình viết lách rồi,” thầy nói tiếp, “ta ra Rai Ghat đây để tắm ở sông Hằng. Ghat vắng người; ta đứng lặng một lát, thưởng thức cái bình yên nắng ấm. Sau khi nhúng mình trong làn nước lấp lánh, ta cất bước về nhà. Tiếng động duy nhất trong thanh vắng là tiếng áo quần ta sũng nước sông Hằng, loạt xoạt cùng mỗi bước chân. Khi ta đi quá chỗ cây đa to gần bờ sông, một thôi thúc mãnh liệt giục ta nhìn lại. Ở đó, dưới tán cây đa, giữa một số đệ tử ngồi bao quanh là Babaji vĩ đại!

“ ‘Xin chào, Swamiji!’ Giọng nói đẹp đẽ của thầy vang lên để cam đoan với ta rằng ta không mơ. ‘Ta thấy là con đã hoàn thành cuốn sách rồi. Như ta đã hứa, ta đến đây để cám ơn con.’ “Tim đập nhanh, ta rạp mình dưới chân thầy. ‘Thưa sư phụ tối cao,’ ta nói khẩn nài, ‘xin thầy và các chela của thầy ban vinh dự cho nhà con ở gần đây bằng sự có mặt của thầy?’ “Sư phụ tối cao tươi cười từ chối. ‘Không, con ạ,’ ngài nói, ‘chúng ta là những kẻ thích mái nhà cây; chỗ này rất dễ chịu.’

“ ‘Xin hãy nán lại một lát, thưa thầy.’ Ta nhìn ngài khẩn khoản. ‘Con sẽ quay lại ngay với ít bánh kẹo đặc biệt[326].’ “Ít phút sau khi ta trở lại cùng một đĩa món ngon vật lạ, cây đa trời không còn che bóng nhóm tiên nhân nữa. Ta tìm quanh khắp ghat, nhưng trong thâm tâm ta biết rằng nhóm người đã bay đi bằng đôi cánh trời rồi.

“Ta buồn khổ vô cùng. ‘Có gặp lại thì mình cũng không thèm nói chuyện với Babaji nữa,’ ta tự nhủ. ‘Thầy thật ác khi bỏ mình mà đi đường đột như vậy.’ Đây dĩ nhiên chỉ là sự hờn dỗi vì yêu quý.

Vài tháng sau, ta đi Banaras thăm Lahiri Mahasaya. Khi ta bước vào phòng khách của thầy, sư phụ mỉm cười chào.

“ ‘Xin chào, Yukteswar,’ thầy nói. ‘Có phải con vừa mới gặp Babaji ở ngưỡng cửa phòng ta không?’ “ ‘Dạ không, sao vậy,’ ta ngạc nhiên đáp lời.

“ ‘Lại đây.’ Lahiri Mahasaya chạm nhẹ lên trán ta; tức thì ta thấy, gần cửa, hình dáng của Babaji, nở rộ như một đóa sen toàn bích.

“Ta nhớ lại nỗi đau cũ, và không cúi lạy. Lahiri Mahasaya nhìn ta ngạc nhiên.

“Sư phụ siêu việt đang nhìn ta với ánh mắt khôn dò. ‘Con đang giận ta.’ “ ‘Thưa thầy, sao con lại không được thế?’ ta đáp lời. ‘Từ thinh không thầy đến cùng nhóm người kỳ lạ, rồi vào hư không thầy biến mất.’ “ ‘Ta đã bảo con là ta sẽ gặp con nhưng nào có nói ta sẽ ở lại bao lâu.’ Babaji cười khẽ. ‘Con đã hết sức hoan hỉ. Ta cam đoan với con rằng ta gần như bị lu mờ trong ête vì luồng gió mạnh không yên của con đó.’ “Ta tức thì mãn nguyện vì lời giải thích chân tình này. Ta quỳ dưới chân ngài; sư phụ tối cao nhân từ vỗ vai ta.

“ ‘Con, con phải thiền nhiều hơn nữa,’ ngài nói. ‘Cái nhìn của con vẫn chưa toàn thiện - con không thể thấy ta khuất sau ánh nắng.’ Nói xong những lời này bằng một giọng như sáo trời, Babaji biến vào trong vầng hào quang huyền nhiệm.

“Đó là một trong những lần cuối ta đến Banaras thăm sư phụ,” Sri Yukteswar kết thúc câu chuyện. “Đúng như Babaji đã nói trước, tại Kumbha Mela, hiện thân cư sĩ của Lahiri Mahasaya đã sắp viên mãn. Mùa hè 1895 thân thể cường tráng của thầy có một cái nhọt nhỏ lớn dần trên lưng. Thầy phản đối chuyện trích; thầy đang diệt ác nghiệp của một số đệ tử trên chính thân mình. Cuối cùng một số chela khẩn khoản quá; thầy đáp khó hiểu:

“ ‘Thân phải tìm một nguyên do để ra đi; ta sẽ bằng lòng với bất cứ gì các con muốn làm.’ “Một thời gian ngắn sau, sư phụ siêu việt từ bỏ thân mình tại Banaras. Ta không còn phải tìm thầy nơi phòng khách nhỏ của thầy nữa; mỗi ngày trong đời mình ta thấy được phúc đức nhờ sự dìu dắt vô biên của thầy.”

Nhiều năm sau, từ Swami Keshabananda[327], một đệ tử cao thâm, tôi được nghe nhiều chi tiết lạ thường về sự ra đi của Lahiri Mahasaya.

“Vài ngày trước khi sư phụ ta từ bỏ xác thân,” Keshabananda bảo tôi, “thầy đã hóa hiện ra trước mặt ta khi ta đang ngồi trong tịnh thất của mình ở Hardwar.

“ ‘Hãy đi ngay đến Banaras.’ Nói vậy rồi Lahiri Mahasaya biến mất.

“Ta lập tức lên xe lửa đi Banaras. Tại nhà sư phụ ta thấy nhiều đệ tử đang tề tựu. Suốt nhiều giờ ngày hôm ấy[328] thầy giảng Gita; rồi thầy nói với đệ tử chúng ta ngắn gọn.

“ ‘Ta sắp về nhà.’ “Tiếng khóc nức nở sầu đau của chúng ta òa lên như một dòng thác không ngăn được.

“ ‘Hãy an lòng; ta sẽ đứng lên lần nữa.’ Nói vậy rồi Lahiri Mahasaya đứng dậy khỏi chỗ ngồi, xoay thân ba lần, ngồi lại thế hoa sen mà hướng về phương Bắc, rồi uy nghi nhập mahasamadhi[329].

“Thân xác đẹp đẽ của Lahiri Mahasaya, rất đỗi thân yêu với các tín đồ, được hỏa táng theo các nghi thức long trọng dành cho cư sĩ tại Manikarnika Ghat gần sông Hằng thiêng,” Keshabananda nói tiếp. “Ngày hôm sau, lúc mười giờ sáng, khi ta còn đang ở Banaras, phòng ta tràn ngập một ánh sáng lớn. Trông kìa! trước mắt ta là hình hài Lahiri Mahasaya bằng xương bằng thịt. Thân thầy trông hệt như ngày xưa, trừ việc hồ như trẻ hơn và sáng hơn.

Sư phụ siêu phàm nói với ta.

“ ‘Keshabananda,’ thầy nói, ‘là ta đây. Từ các nguyên tử phân rã của xác thân đã hỏa táng, ta đã làm sống lại một hình hài khác.

Sứ mệnh cư sĩ ở đời của ta đã xong; nhưng ta không lìa bỏ thế gian hẳn. Từ đây ta sẽ dành ít thời gian bên Babaji ở Himalaya, và cùng Babaji trong vũ trụ.’ “Có vài lời ban phúc cho ta xong, vị thầy siêu việt biến mất.

Niềm khích lệ kỳ diệu tràn ngập tâm hồn ta; ta được nâng lên tới Tinh thần như các đệ tử của Chúa và Kabir[330], những kẻ đã thấy sư phụ còn sống của mình sau cái chết thể xác của ngài.

“Khi ta trở về tịnh thất hẻo lánh của mình ở Hardwar,”

Keshabananda nói tiếp, “ta đã mang theo một phần xá lợi thiêng của Lahiri Mahasaya. Ta biết thầy đã thoát cái lồng không gian và thời gian, con chim của vô biên đã tự do. Nhưng tim ta được dỗ dành khi cất giữ tro thiêng của thầy.”

Một đệ tử khác được may mắn thấy sư phụ mình sống lại là Panchanon Bhattacharya thánh thiện[331]. Tôi đến thăm thầy tại nhà ở Calcutta và thích thú lắng nghe câu chuyện nhiều năm thầy bên sư phụ. Dứt câu chuyện, thầy kể cho tôi nghe sự kiện huyền vi nhất trong đời mình.

“Ở Calcutta này,” Panchanon nói, “lúc mười giờ sáng sau lễ hỏa táng, Lahiri Mahasaya xuất hiện trước mặt ta trong ánh hào quang sống động.”

Swami Pranabananda, “Thánh Phân thân” cũng đã tiết lộ với tôi những chi tiết về chứng nghiệm siêu việt của chính thầy. Trong lần đến thăm trường Ranchi, Pranabananda bảo tôi:

“Ít ngày trước khi Lahiri Mahasaya từ bỏ xác thân, ta nhận được một bức thư của thầy bảo đi Banaras ngay. Tuy nhiên, ta bị trễ không làm sao khác được, và không thể đến tức thì. Ngay khi ta chuẩn bị lên đường đi Banaras, chừng mười giờ sáng, ta bỗng tràn ngập hân hoan khi thấy hình dáng chói ngời của sư phụ trong phòng ta.

“ ‘Sao lại vội đi Banaras?’ Lahiri Mahasaya nói, mỉm cười.

‘Con sẽ không còn thấy ta ở đó nữa.’ “Khi ta chợt hiểu ra ý nghĩa của lời thầy, ta khóc tan nát cõi lòng, tin rằng ta chỉ đang thấy thầy trong một linh ảnh.

“Thầy đến gần ta, dỗ dành. ‘Đây, sờ vào da thịt ta đi,’ thầy nói. ‘Ta đang sống, như mọi khi. Đừng than khóc; ta không ở bên con mãi mãi hay sao?’ Từ lời kể của ba đại đệ tử này, hiện rõ một câu chuyện thật kỳ diệu: lúc mười giờ sáng, một ngày sau khi thân Lahiri Mahasaya đã dâng cho ngọn lửa, thầy sống lại, trong thân đã khác đi nhưng có thật, hiện ra trước ba đệ tử, mỗi người ở một thành phố khác nhau.

“Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!

Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi[332]?”

* * *

Chú thích:

[320] Xem chú thích trang 510.

[321] Về sau Sri Yukteswar được Mahant (trưởng tu viện) Buddh Gaya ở Bihar chính thức điểm đạo vào Dòng Swami.

[322] “Đại vương” - một danh hiệu chỉ sự kính trọng.

[323] Nghĩa đen là “tôn giáo vĩnh cửu”, là tên đặt cho phần thân của giáo huấn Vệ Đà. Sanatan Dharma cuối cùng được gọi là Ấn Độ giáo vì người Hy Lạp xâm lược tây bắc Ấn Độ dưới thời Alexander Đại đế đã gọi dân bên hai bờ sông Ấn là Indoo, hay Hindu. Từ Hindu, đúng ra, chỉ để chỉ những tín đồ Sanatan Dharma hay Ấn Độ giáo. Từ Indian dùng cả cho người Ấn và người Hồi và các cư dân khác trên đất Ấn Độ (và cả cho thổ dân Mongoloid ở châu Mỹ, do sai lầm địa lý gây lẫn lộn của Columbus). Tên xưa chỉ Ấn Độ là Aryavarta, nghĩa đen là “nơi ở của người Aryan”. Gốc tiếng Phạn arya nghĩa là “đáng kính, thiêng liêng, cao quý”. Về sau này trong dân tộc học, việc dùng sai từ Aryan khi chỉ các đặc điểm, không phải tinh thần mà thể chất dẫn đến việc nhà Đông phương học lỗi lạc Max Müller đã nói một cách lạ lùng: “Với tôi thì một nhà dân tộc học mà nói một chủng tộc Aryan, dòng máu Aryan, mắt và tóc Aryan thì cũng có tội lớn như một nhà ngôn ngữ học nói một từ điển đầu dài hay một ngữ pháp đầu ngắn.”

[324] Từ paramguru chỉ sư phụ của sư phụ. Do vậy Babaji, guru của Lahiri Mahasaya, là paramguru của Sri Yukteswar. Mahavatar Babaji là sư phụ tối cao trong dòng các thầy Ấn Độ nhận lãnh trách nhiệm đối với lợi lạc tâm linh của mọi thành viên HTG-HYS thành tâm luyện Kriya Yoga.

[325] Nay đã được Hội Tự giác, Los Angeles, bang California xuất bản.

[326] Ở Ấn Độ, không dâng đồ ăn thức uống mời sư phụ bị xem là bất kính.

[327] Lần tôi đến thăm ashram của Keshabananda được mô tả trong các trang 515-518.

[328] Ngày 26 tháng 9 năm 1895 là ngày Lahiri Mahasaya từ bỏ xác thân. Vài ngày sau là đến sinh nhật thứ sáu mươi bảy của thầy.

[329] Xoay thân ba lần, rồi nhìn về phương Bắc, là các phần của một nghi thức Vệ Đà mà các bậc thầy biết trước giờ lâm chung của thân xác sắp điểm thực hiện. Buổi thiền định sau cùng, khi vị thầy hòa điệu mình với Aum Vũ trụ, gọi là maha, hay đại, samadhi.

[330] Kabir là một đại thánh thế kỷ 16 được rất đông tín đồ theo, gồm cả người Ấn và người Hồi. Lúc Kabir qua đời các đệ tử bàn cãi về cách cử hành tang lễ. Ngài giận dữ tỉnh giấc ngàn thu và dặn dò. “Phân nửa tro của ta phải được chôn cất với các nghi thức Hồi giáo,” ngài nói. “Còn để nửa kia được hỏa táng với nghi lễ Ấn Độ giáo.” Rồi ngài biến mất. Khi các đệ tử dỡ tấm khăn liệm phủ xác ngài thì chỉ thấy một hàng hoa đẹp đẽ. Phân nửa số hoa này được chôn theo lời thầy, ở Maghar, bởi tín đồ Hồi giáo, những người tôn kính hòm đựng thánh cốt của ngài đến ngày nay. Nửa kia được hỏa táng theo nghi lễ Ấn Độ giáo ở Banaras. Một đền thờ, Kabir Cheura, được xây tại đó và thu hút rất đông người hành hương. Thời Kabir còn trẻ, có hai đệ tử muốn được sự dạy dỗ cặn kẽ trên con đường huyền bí đã đến tìm thầy. Thầy đáp ngắn gọn: Con đường bao hàm khoảng cách; Ngài mà gần bên, các ngươi há lại cần đường. Ta quả thật nực cười Nghe cá trong hồ mà khát!

[331] Xem trang 417. Panchanon dựng một đền thờ Shiva trong một khu vườn 17 mẫu ở Deoghar, Bihar, trong đó cất giữ một bức tranh sơn dầu vẽ Lahiri Mahasaya. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[332] Thư 1 gửi tín hữu Côrintô 15:54-55. “Sao trong quý vị lại có người cho rằng việc Thiên Chúa làm cho kẻ chết sống lại là chuyện không thể tin được?” - Sách Công vụ tông đồ 26:8.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3