Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 37

CHƯƠNG 37

Tôi sang Hoa Kỳ

“Hoa Kỳ! Chắc chắn mấy người này là người Hoa Kỳ rồi!” Tôi đã nghĩ như vậy khi một khung cảnh rộng với những gương mặt người Tây phương[333] lướt qua trước cái thấy nội tâm tôi.

Tôi đang ngồi đằng sau mấy cái thùng bụi bặm trong buồng kho của trường Ranchi[334], chìm trong thiền định. Khó mà kiếm được một góc riêng tư trong những năm bận bịu với bọn trẻ ấy!

Linh ảnh tiếp tục; một đám rất đông người, nhìn tôi chăm chú, lướt qua như diễn viên trên sân khấu tâm thức.

Cửa phòng kho bật mở; như mọi khi, một cậu bé đã phát hiện ra chỗ nấp của tôi.

“Lại đây, Bimal,” tôi reo lên vui vẻ. “Ta có tin cho các con đây: Thượng đế đang gọi ta sang Hoa Kỳ!”

“Sang Hoa Kỳ?” Cậu bé lặp lại lời tôi với cái giọng điệu như thể tôi vừa nói “lên Mặt trăng”.

“Phải! Thầy sắp ra đi để khám phá châu Mỹ, như Columbus.

Ông ta ngỡ mình đã tìm ra Ấn Độ; chắc chắn là có một mối liên hệ cơ duyên giữa hai xứ này!”

Bimal chạy vụt đi; chẳng mấy chốc cả trường đã được tờ báo hai chân ấy loan tin.

Tôi triệu tập hội đồng giáo viên của trường còn đang ngơ ngác và giao lại trường cho các thầy đảm trách.

“Tôi biết các thầy sẽ giữ cho các lý tưởng giáo dục yoga của Lahiri Mahasaya sống mãi,” tôi nói. “Tôi sẽ viết thư về cho các thầy thường xuyên; nếu Thượng đế muốn, một ngày nào đó tôi sẽ trở về.”

Lệ dâng trong mắt khi lần cuối tôi nhìn bọn trẻ và đồng cỏ Ranchi đầy nắng. Tôi biết, một chặng nhất định trong đời tôi giờ đã khép lại; từ đây trở đi tôi sẽ trọ nơi những xứ sở xa xôi. Vài giờ sau linh ảnh, tôi lên xe lửa đi Calcutta. Ngày hôm sau, tôi nhận được một lời mời làm đại biểu Ấn Độ đến Đại hội Quốc tế những người Tự do Tôn giáo ở Hoa Kỳ. Năm đó đại hội nghị sẽ được tổ chức ở Boston, dưới sự bảo trợ của Hội Nhất thể Hoa Kỳ[335].

Đầu óc tôi rối mù, tôi đi Serampore tìm Sri Yukteswar.

“Thưa sư phụ, con vừa được mời phát biểu tại một hội nghị tôn giáo ở Hoa Kỳ. Con có nên đi không?”

“Mọi cánh cửa đều đang mở ra cho con,” thầy đáp ngắn gọn.

“Bây giờ hoặc không bao giờ.”

“Nhưng thưa thầy,’ tôi chán nản nói, “con biết gì về nói chuyện trước công chúng đâu? Chẳng mấy khi con diễn thuyết, mà lại còn chưa bao giờ bằng tiếng Anh.”

“Tiếng Anh hay không tiếng Anh thì lời con nói về yoga cũng sẽ được nghe thấy ở phương Tây.”

Tôi cười. “Dạ được, thưa sư phụ yêu quý, con không tin là người Hoa Kỳ sẽ học tiếng Bengal! Xin thầy ban phúc mà đẩy con qua được cái cửa ải tiếng Anh[336].”

Khi tôi báo cho cha về dự tính của mình, cha vô cùng bất ngờ. Với cha thì Hoa Kỳ dường như xa xôi không thể tưởng; cha sợ không chừng cha sẽ không bao giờ còn gặp lại tôi nữa.

“Con sẽ đi ra làm sao?” cha hỏi lạnh lùng. “Ai sẽ lo tiền bạc cho con?” Vì cha đã yêu thương gánh chi phí học hành và cả cuộc sống của tôi rồi, chắc chắn là cha mong câu hỏi của mình sẽ làm cho trù tính của tôi phải ngừng lại vì không biết xoay xở ra sao.

“Thượng đế chắc chắn sẽ chu cấp cho con.” Khi đáp vậy, tôi nghĩ đến câu tương tự mà rất lâu trước đây tôi đã trả lời với anh Ananta ở Agra. Tôi nói thêm mà không có mấy mưu mẹo, “Cha ơi, có lẽ Thượng đế sẽ xui khiến cha giúp con.”

“Không, không bao giờ!” Cha liếc tôi đầy thương hại.

Do vậy mà tôi đã kinh ngạc khi hôm sau, cha đưa tôi một tấm ngân phiếu có ghi một số tiền lớn.

“Cha cho con khoản tiền này,” cha nói, “không phải trong vai trò làm cha mà là trong vai trò một đệ tử trung thành của Lahiri Mahasaya. Vậy nên cứ đi đến xứ phương Tây xa xôi ấy đi; truyền bá ở đó những giáo huấn phi tín ngưỡng về Kriya Yoga.”

Tôi vô cùng xúc động trước tinh thần vị tha mà nhờ đó cha đã có thể nhanh chóng gạt qua một bên những ước muốn riêng tư của mình. Đêm trước, cha đã nhận ra quả đúng là không có ham muốn tha hương thường tình nào thúc đẩy các dự tính của tôi cả.

“Có lẽ kiếp này cha con ta sẽ không còn gặp lại nhau nữa.”

Cha, lúc ấy đã sáu mươi bảy tuổi, buồn bã nói.

Một xác tín từ trực giác giục tôi đáp: “Chắc chắn Thượng đế sẽ cho cha con mình sum vầy một lần nữa.”

Khi tôi đi lo sửa soạn chia tay thầy và quê hương để đến những bến bờ xa lạ của Hoa Kỳ, tôi cảm thấy không ít lo lắng. Tôi đã nghe nhiều chuyện về “phương Tây duy vật” - một xứ sở rất khác với Ấn Độ, đẫm trong vầng hào quang của các thánh nhân đã bao thế kỷ.

“Để dám đương đầu với cách cư xử của phương Tây,” tôi nghĩ, “một ông thầy Á Đông cần phải dày dạn vượt trên cả thử thách của bất kỳ cái lạnh Himalaya nào!”

Một sớm tinh mơ tôi bắt đầu cầu nguyện, với quyết tâm sắt đá là sẽ tiếp tục, dẫu có chết trong khi đang cầu nguyện, cho đến khi tôi nghe thấy tiếng nói của Thượng đế. Tôi muốn được Ngài ban phúc và đảm bảo là tôi sẽ không vong thân trong sương mù thuyết vị lợi hiện đại. Lòng tôi đã sẵn sàng sang Hoa Kỳ rồi, nhưng nó sẽ quyết tâm hơn nữa khi được nghe lời khuyên giải từ sự cho phép thiêng liêng.

Tôi cứ cầu nguyện mãi, nén tiếng thổn thức. Không có lời đáp nào cả. Đến trưa, tôi đã lên đến cực điểm; đầu tôi quay cuồng dưới sức ép của nỗi thống khổ. Tôi cảm thấy rằng nếu tôi mà khóc nữa, làm tăng thêm sự trầm trọng của cảm xúc mạnh mẽ trong lòng, thì não tôi sẽ nứt ra.

Đúng lúc ấy thì có một tiếng gõ cửa nhà tôi ở đường Garpar.

Ra mở cửa, tôi thấy một thanh niên khoác tấm áo nghèo nàn của kẻ xuất gia. Người ấy bước vào nhà.

“Ngài ấy chắc là Babaji!” Tôi nghĩ, bàng hoàng, vì người đứng trước mặt tôi có những nét mặt của Lahiri Mahasaya hồi trẻ. Ngài trả lời ý nghĩ của tôi. “Phải, ta là Babaji.” Ngài nói tiếng Hindi trầm bổng. “Cha Trời đã nghe thấy lời cầu nguyện của con. Ngài lệnh cho ta bảo con: Hãy làm theo những chỉ dẫn của sư phụ con mà sang Hoa Kỳ. Đừng sợ; con sẽ được che chở.”

Sau một khoảng dừng đầy rung động, Babaji lại nói với tôi.

“Con là người ta chọn để hoằng bá thông điệp Kriya Yoga ở phương Tây. Rất lâu trước đây ta đã gặp sư phụ Yukteswar của con tại một Kumbha Mela; lúc ấy ta đã bảo sư phụ con là ta sẽ gửi con đến cho thầy ấy dạy dỗ.”

Tôi không nói nên lời, nghẹn đi vì nỗi kính sợ sùng mộ khi đứng trước mặt ngài và xúc động sâu xa khi nghe từ chính miệng ngài rằng ngài đã dẫn dắt tôi đến với Sri Yukteswar. Tôi phủ phục trước sư phụ bất tử. Ngài ân cần nâng tôi dậy. Sau khi hé lộ cho tôi nhiều điều về đời tôi, ngài dặn dò một vài điều riêng tư rồi thốt lên mấy lời tiên tri bí ẩn.

“Kriya Yoga, kỹ thuật mang tính khoa học để giác ngộ Thượng đế,” sau cùng ngài nói với sự long trọng, “cuối cùng sẽ lan tỏa khắp mọi xứ sở, và giúp các dân tộc hòa hợp nhờ sự nhận biết siêu việt, cá nhân của mỗi người về Thượng đế Vô Cùng.”

Với cái nhìn quyền năng uy nghiêm, thầy làm tôi rúng động bằng một cái thoáng thấy tâm thức vũ trụ của ngài.

“Nếu có mọc lên

Bất chợt giữa bầu trời

Chiếu rọi ngàn mặt trời

Ngập tràn mặt đất những tia nắng siêu phàm,

Đó sẽ là hào quang và uy vệ

Của Đấng Thiêng liêng khôn tả[337]!”

Lát sau Babaji nhìn ra phía cửa, nói, “Đừng cố theo ta. Con sẽ không làm vậy được đâu.”

“Xin thầy, Babaji, đừng đi,” tôi kêu lên nhiều lần. “Hãy cho con theo thầy!” Ngài đáp, “Không phải bây giờ. Một lúc nào khác.”

Vì đầy xúc động, tôi bất chấp lời khuyên của ngài. Khi tôi cố đuổi theo ngài, tôi nhận ra rằng hai chân mình bị chôn chặt xuống nền nhà. Từ cửa, Babaji nhìn tôi trìu mến lần cuối. Tôi nhìn ngài đăm đắm thiết tha khi ngài đưa tay lên theo kiểu ban phúc rồi quay đi.

Ít phút sau thì hai bàn chân tôi được tự do. Tôi ngồi xuống và nhập định, không ngớt tạ ơn Thượng đế vì không chỉ đáp lại lời cầu nguyện của tôi mà còn ban cho tôi ân huệ được gặp Babaji.

Toàn thân tôi cơ hồ được thánh hóa nhờ cái chạm của vị thầy từ ngàn xưa vẫn trẻ mãi. Đã từ lâu lắm rồi, tôi khát khao cháy bỏng được nhìn thấy ngài.

Cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ kể cho ai nghe câu chuyện tôi gặp Babaji. Giữ nó như một kinh nghiệm con người thiêng liêng nhất của mình, tôi đã giấu nó trong lòng. Nhưng tôi chợt nghĩ rằng độc giả cuốn tự truyện này sẽ sẵn sàng tin vào tính chất xác thực của vị Babaji ẩn dật này cùng những mối quan tâm của ngài đến nhân gian hơn, nếu tôi kể lại rằng mình đã tận mắt thấy ngài. Tôi đã giúp một họa sĩ vẽ một bức chân dung Yogi-Chúa của Ấn Độ ngày nay cho cuốn sách này.

Buổi tối trước khi lên đường đi Hoa Kỳ, tôi có mặt trong sự hiện diện thiêng liêng của Sri Yukteswar. “Hãy quên là con sinh ra giữa người Ấn, và đừng chấp nhận mọi lối sống của người Hoa Kỳ.

Hãy chọn lấy những cái tốt đẹp nhất ở hai dân tộc,” thầy nói theo cách sáng suốt điềm đạm của mình. “Hãy là chân ngã của mình, một đứa con của Thượng đế. Hãy tìm và kết hợp vào bản thể mình những phẩm chất tốt đẹp nhất của mọi anh em, đây đó trên khắp địa cầu ở nhiều chủng tộc khác nhau.”

Rồi thầy ban phúc cho tôi: “Tất cả những ai đến với con cùng với đức tin, tìm kiếm Thượng đế, sẽ được cứu giúp. Khi con nhìn họ, dòng tâm linh từ mắt con tỏa ra sẽ đi vào não và biến đổi các thói quen vật chất của họ, làm cho họ cảm hiểu được Thượng đế hơn.” Tươi cười, thầy nói thêm, “Cái số con thu hút những người thành tâm là rất tốt. Dù con có đến đâu, ngay cả nơi hoang vu, con cũng sẽ tìm thấy bạn bè.”

Cả hai lời ban phúc của Sri Yukteswar đều đã được chứng minh hùng hồn. Tôi một mình sang Hoa Kỳ, nơi tôi không có lấy một người bạn; nhưng ở đó tôi đã tìm thấy hàng ngàn người sẵn lòng đón nhận giáo huấn linh hồn bất diệt.

Tháng 8 năm 1920, tôi rời Ấn Độ trên The City of Sparta, tàu khách đầu tiên đi Hoa Kỳ sau khi Thế chiến kết thúc. Tôi đặt mua được vé chỉ sau khi, bằng những cách khá kỳ lạ, nhiều trở ngại “quan liêu” liên quan đến việc cấp hộ chiếu cho tôi được dỡ bỏ.

Trong hành trình hai tháng ròng, một hành khách đi cùng biết được tôi là đại biểu Ấn Độ đến hội nghị ở Boston.

“Swami Yogananda,” ông ta nói, với những phát âm lạ tai đầu tiên trong những phát âm mà về sau tôi nghe người Hoa Kỳ gọi tên mình, “xin ban ơn cho các hành khách bằng một bài nói chuyện vào tối thứ Năm tới đây. Tôi nghĩ tất cả chúng tôi sẽ được lợi từ một bài diễn thuyết về ‘Cuộc đấu tranh của nhân sinh và tranh đấu như thế nào’.”

Trời hỡi! Tôi nhận ra rằng, hôm thứ Tư, mình phải tranh đấu cuộc chiến của chính đời mình đây. Sau khi đã khổ sở cố sắp xếp ý tưởng thành một bài nói chuyện bằng tiếng Anh, cuối cùng tôi từ bỏ mọi chuẩn bị; tư tưởng của tôi, như một con ngựa non chưa thuần nhìn cái yên cương, chẳng hề chịu hợp tác với những quy tắc văn phạm tiếng Anh. Song, vì hoàn toàn tin tưởng vào lời đảm bảo lúc trước của thầy, hôm thứ Năm tôi có mặt trước cử tọa của mình trong phòng khách trên tàu. Miệng tôi không tìm thấy sự lưu loát hùng biện nào cả; tôi đứng nín thinh trước đám người dự buổi họp mặt. Sau một cuộc thi thử thách sức chịu đựng kéo dài mười phút, cử tọa nhận ra tình huống khó xử của tôi và ồ ra cười.

Lúc ấy với tôi tình huống chẳng buồn cười gì cả; bực tức, tôi thầm gửi một lời cầu nguyện đến thầy.

“Con làm được! Nói đi!” Giọng thầy vang lên tức thì trong tâm thức tôi.

Những tư tưởng của tôi tức thì ăn khớp hài hòa với tiếng Anh.

Bốn mươi lăm phút sau, cử tọa vẫn còn chăm chú lắng nghe. Bài nói chuyện đã đem lại cho tôi một số lời mời thuyết giảng về sau này trước nhiều nhóm người ở Hoa Kỳ.

Sau đó, tôi không thể nhớ được một từ nào mình đã nói. Qua ý tứ dò hỏi, tôi biết được từ một số hành khách: “Anh đã có một bài nói chuyện khai sáng bằng thứ tiếng Anh chuẩn xác và khuấy động.” Trước cái tin thú vị này, tôi khiêm cung cảm tạ sư phụ về sự giúp đỡ đúng lúc, một lần nữa nhận ra rằng thầy vẫn luôn bên tôi, bất chấp mọi rào cản không gian và thời gian.

Thỉnh thoảng, trong thời gian còn lại của chuyến đi trên biển, tôi cũng kinh qua đôi chút thấp thỏm, e sợ về bài thuyết giảng bằng tiếng Anh sắp tới tại đại hội ở Boston.

“Thượng đế hỡi,” tôi tha thiết cầu nguyện, “xin hãy để nguồn cảm hứng duy nhất của con là chính Ngài.”

LAHIRI MAHASAYA (1828-1895) Yogavatar, “Hiện thân của Yoga” Đệ tử của Babaji; sư phụ của Sri Yukteswar Người làm sống lại pháp môn _Kriya Yoga_ xưa ở Ấn Độ hiện đại Ảnh hộ chiếu chụp ở Calcutta, Ấn Độ, năm 1920 The City of Sparta cập bến tàu gần Boston vào cuối tháng. Ngày 6 tháng 10 năm 1920, tôi có bài diễn thuyết đầu tiên trước đại hội ở Hoa Kỳ. Bài nói chuyện được đón nhận nồng hậu; tôi thở phào nhẹ nhõm. Người thư ký hào hiệp của Hội Nhất thể Hoa Kỳ đã viết lời bình sau đây trong một bài báo được đăng tải[338] về diễn biến của đại hội:

“Swami Yogananda, đại biểu từ ashram Brahmacharya ở Ranchi, đã đem lời chào mừng của Hội mình đến với Đại hội.

Bằng tiếng Anh lưu loát và với cách trình bày đầy sức thuyết phục ngài đã có một bài thuyết trình mang tính triết học về ‘Tri thức tôn giáo’, đã được in dưới dạng sách mỏng để phân phát rộng rãi hơn. Tôn giáo, ngài khẳng định, là phổ quát và là một.

Chúng ta không thể khái quát hóa các phong tục và quy ước riêng biệt; nhưng yếu tố chung ở tôn giáo thì có thể được phổ quát hóa, và chúng ta ai ai cũng sẽ có thể muốn đi theo và vâng theo nó.”

Nhờ tấm ngân phiếu hào phóng của cha, tôi đã có thể ở lại Hoa Kỳ sau khi đại hội kết thúc. Ba năm hạnh phúc trôi qua trong điều kiện đạm bạc ở Boston. Tôi nói chuyện trước công chúng, giảng dạy các lớp, và viết một tập thơ, Khúc ca của linh hồn, với lời tựa của tiến sĩ Frederick B. Robinson, hiệu trưởng trường Đại học (College) Thành phố New York[339].

Năm 1924, khi khởi đầu một vòng hành trình xuyên lục địa, tôi đã nói chuyện trước hàng ngàn người ở nhiều thành phố lớn khác nhau. Tôi cập bến Seattle để trải qua một kỳ nghỉ ở Alaska xinh đẹp.

Với sự giúp đỡ của các môn sinh quảng đại, đến cuối năm 1925 tôi đã thành lập một trụ sở tại Hoa Kỳ trên Khu trại Núi Washington ở Los Angeles. Tòa nhà là cái tôi đã thấy nhiều năm trước trong linh ảnh tại Kashmir. Tôi vội gửi cho Sri Yukteswar hình chụp về các hoạt động ở Hoa Kỳ xa xôi này. Thầy đáp lại bằng tiếng Bengal trong một tấm bưu thiếp, mà tôi dịch ra đây:

11-8-1926 Con của lòng ta, Yogananda!

Thấy những tấm hình chụp trường và môn sinh của con, đời ta vui xiết bao đến không thể diễn đạt thành lời. Ta đang tan trong niềm vui khi thấy các môn sinh yoga từ nhiều thành phố khác nhau của con.

Nghe kể về các phép tụng nhập tâm, các rung động chữa lành và cầu nguyện chữa bệnh thiêng liêng, ta không thể kìm nén không cám ơn con tự đáy lòng.

Thấy cái cổng, con đường đồi quanh co đi lên, và khung cảnh đẹp trải ra bên dưới Khu trại Núi Washington, ta khát khao được tận mắt mình thấy tất cả.

Ở đây mọi sự đều diễn ra tốt đẹp. Nhờ ân huệ của Thượng đế, cầu cho con mãi mãi trong an lạc.

SRI YUKTESWAR GIRI

Năm tháng trôi nhanh. Tôi giảng thuyết khắp mọi miền trên xứ sở mới của mình, nói chuyện trong hàng trăm câu lạc bộ, trường đại học, nhà thờ, và các nhóm người thuộc mọi giáo phái. Trong thập kỷ 1920-1930 các lớp yoga của tôi có hàng vạn người Hoa Kỳ theo học. Tôi đề tặng tất cả họ một cuốn sách mới về các lời cầu nguyện và ý nghĩ của linh hồn, Lời thì thầm từ Vĩnh Cửu[340], với lời đề tựa của bà Amelita Galli-Curci.

Thi thoảng (thường là vào đầu tháng, khi các hóa đơn duy trì Trung tâm Núi Washington, trụ sở của Hội Tự giác, đổ tới) tôi nhớ da diết cái thanh bình dung dị của Ấn Độ. Nhưng mỗi ngày tôi đều thấy sự hiểu biết lớn dần giữa Đông và Tây; lòng tôi vui sướng.

George Washington, “cha của đất nước Hoa Kỳ”, người đã nhiều lần cảm thấy rằng ngài đang được thần thánh dẫn dắt, đã thốt lên (trong “Diễn văn từ biệt” của ngài) những lời sau về nguồn cảm hứng tinh thần cho Hoa Kỳ:

“Cần có một dân tộc tự do, khai sáng, và sẽ không lâu nữa là một dân tộc vĩ đại để cho nhân loại tấm gương cao đẹp và vô cùng mới mẻ về một dân tộc luôn được dẫn dắt bởi một công lý xứng đáng và lòng bác ái. Ai có thể nghi ngờ rằng, trong tiến trình thời gian và sự việc, thành quả từ một cơ đồ như vậy sẽ không bù đắp lại hậu hĩ bất kỳ mối lợi nhất thời nào có thể mất do trung thành kiên định với điều ấy? Có thể nào Mệnh Trời lại không nối niềm hạnh phúc đời đời của một dân tộc với đức hạnh của nó?”

“TỤNG CA HOA KỲ” CỦA WALT WHITMAN

(trong “Hỡi Mẹ và đàn con bình đẳng của người”)

Người, trong tương lai của người

Người cùng đàn con đàn ông, đàn bà đông hơn, lành mạnh hơn - người cùng những lực sĩ của mình, đạo đức, tinh thần; Nam, Bắc, Tây, Đông.

Người với sự giàu có và văn minh tinh thần của người (cho đến lúc đó, nền văn minh vật chất hãnh diện nhất của người vẫn là vô ích), Người với sự phụng thờ ban phát, bảo bọc khắp của người - người với không chỉ một thánh kinh, không chỉ một đấng cứu rỗi, Biết bao đấng cứu rỗi của người, tiềm tàng trong chính người, ngang hàng với bất cứ ai, thiêng liêng như bất cứ ai...

Những người này! những người này trong lòng người (nhất định sẽ sinh ra) hôm nay ta tiên đoán.

* * *

Chú thích:

[333] Kể từ đó, ở phương Tây, tôi nhìn thấy nhiều gương mặt trong số ấy, và nhận ra tức thì.

[334] Năm 1995, đánh dấu bảy mươi lăm năm ngày Paramahansa Yogananda tới Hoa Kỳ, một Smriti Mandir (đền tưởng niệm) đẹp đẽ đã được xây tặng tại địa điểm trước kia là buồng kho ở Ranchi, nơi xuất hiện linh ảnh của Paramahansaji. (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[335] Tổ chức tôn giáo tại Hoa Kỳ và Canada, được những tín đồ theo thuyết nhất thể thành lập năm 1825. (ND - BBT)

[336] Sri Yukteswar và tôi thường trò chuyện bằng tiếng Bengal.

[337] Bhagavad Gita XI:12.

[338] New Pilgrimages of the Spirit (Những cuộc hành hương mới của Tinh thần) (Boston: Beacon Press, 1921).

[339] Do Hội Tự giác ấn hành. Năm 1939 tiến sĩ Robinson và vợ đã đến thăm Ấn Độ và là khách danh dự tại một cuộc họp Yogoda Satsanga.

[340] Do Hội Tự giác ấn hành.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3