Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Chương 02
Chương 2
Cả khu phố Cửa Bắc, và cả làng Chánh Lộ, ở ngay tỉnh lỵ, không ai ngờ cậu Bốn Thanh học trò chữ Nho của ông Tú Phong, bây giờ lại cắp vở đến trường Nhà Nước học chữ Tây. Ai hỏi: tại sao? Thì cậu trả lời: Tại Nhà Nước Đại Pháp bắt buộc, không đi học thì bị tù.
Nhưng không đúng thế đâu. Trước đây, trong tỉnh ai cũng biết rằng cậu học chữ Quốc Ngữ (học lén) là tại cô Ba Hợi. Nhưng bây giờ không ai biết rằng cậu đi học chữ Tây - học công khai, làm "lắc léo mê dòng lô" cũng là tại cô Ba Hợi.
Cho cuộc tình duyên âm thầm lén lút của nàng và chàng đã khắn khít bởi một lời thề . "Thệ Hải Minh Sơn" ở bụi tre "thổi kèn", cách Cửa Bắc ba trăm thước, không biết từ hồi nào. Nhưng có điều chắc chắn, là cô Ba Hợi, 16 tuổi, con gái ông Bá Hộ, một nhà giàu nhất ở Phố Cửa Bắc, không muốn cậu Bốn học chữ Nho nữa. Cô thấy thời thế đã đổi thay, có mấy người trong tỉnh đã bỏ bút lông, cầm bút sắt, mới học trường Nhà Nước không bao lâu, nay đã làm thầy giáo, làm thông ngôn, thầy Ký lục, được ăn lương Nhà Nước, được địa vị sang trọng, được chức Bát phẩm, Thất phẩm của vua ban. Cô yêu cậu Bốn Thanh, nhưng cô chỉ bằng lòng làm vợ của cậu với một điều kiện nhất định, là người yêu của cô phải đi học chữ Tây ở trường Nhà Nước, phải thi đậu làm thầy Thông, thầy Ký. Đôi trai gái thề thốt với nhau trong lúc trường Nhà Nước - gọi là trường Sơ Học Pháp Việt - đang lúc nghỉ hè niên khoá 1911-1912.
Thằng Chuột, từ nay tên chánh thức là Trần Anh Tuấn, hết kỳ nghỉ hè, đã được lên lớp Ba . Nó đi khoe với mọi người là nó học "cua ê lê măng te" (cours élémentaire) và cuối niên khoá nó sẽ đi thi bằng cấp tuyển sanh . Nó đã 11 tuổi, nói tiếng Tây "bông bốc".
Ngày nhập học, chàng thanh niên Lê văn Thanh, vẫn để búi tóc trên đầu, vẫn bịt khăn đen, mặc áo dài đen, chân mang guốc, cặp hai quyển vở và cây bút sắt, cây bút chì, thước gạch, bình mực tím, bẽn lẽn đến trường. Đây là một mái trường lợp tranh, vách tường bằng phên tre quét vôi, nền tô xi-măng. Ông Đốc, người Việt Nam, đã già, nói tiếng Hà Tĩnh bảo cậu:
- Trưa nay về nhà, cậu phải cúp tóc ca-rê, bỏ cái búi tóc kia đi và đừng bịt khăn... Chiều nay cậu cúp tóc rồi Nhà Nước sẽ cho cậu một cái mũ trắng để đội.
Chàng khúm núm, chắp hai tay cúi đầu:
- Dạ, bẩm Quan lớn, con xin tuân lệnh Quan lớn.
Quan Đốc dắt cậu xuống Lớp Năm, giao cậu cho thầy giáo. Quan Đốc và các thầy giáo đều mặc áo dài Việt Nam nhưng đầu cúp rê, chân mang giầy Hạ.
Tất cả các thầy công chức làm việc cho Nhà Nước ở trong tỉnh đều mặc áo quần Việt Nam, đầu cúp ca-rê, hoặc rẽ một bên. Không có ai mặc áo Tây cả.
Trưa hôm ấy, chàng thanh niên Lê văn Thanh về nhà thưa với cha, là ông xã Quý, về việc cúp tóc. Ông Xã không chịu. Ông đập bàn, đập ghế, la hét om sòm:
- Con có cha, như cái đầu có tóc. Theo phong tục nước An-Nam, con phải để tóc, ấy là để thờ Cha Mẹ, ấy là có hiếu. Cắt tóc đi cũng như là từ bỏ cha mẹ. Tao theo sách Thánh Hiền dạy lễ giáo từ xưa đến nay của nước An Nam như thế. Tao đây đã 50 tuổi, ông Nội bà Nội mầy đã quá vãn rồi, mà tao còn búi tóc, để giữ đạo làm con cho trọn chữ Hiếu. Huống chi ngày nay tao còn sống mà mầy lại cắt cái búi tóc bỏ đi sao được! Chiều nay vô trường thưa với Quan đốc như thế.
Nói xong, ông Xã ngồi khóc ròng rã. Chàng con trai Lê văn Thanh, cũng khóc nức nở. Bà Xã, ở dưới bếp chạy lên nghe câu chuyện của chồng vừa nói, cũng ngồi xuống ngạch cửa khóc hu hu . Ông Xã nói tiếp, với giọng tức tối:
- Làm con, có cái búi tóc ở trên đầu để thờ Cha kính Mẹ mà cắt bỏ đi, thì còn gì là Cha con, Mẹ con nữa!... Mầy mà nghe lời người ta cắt bỏ cái búi tóc, thì là tao nhẩy xuống giếng tao tự tử!
Ông lại khóc to lên, hu! hu! hu!
Ông Xã khóc, bà Xã khóc, chàng thanh niên Lê văn Thanh cũng khóc, nhưng rốt cuộc rồi cái búi tóc trên đầu chàng cũng phải cắt bỏ đi, tóc phải "cúp ca-rê" (coupe carré), và Quan Đốc học trường Nhà Nước đã truyền lịnh như thế. Nhưng năm 1910, tận nơi tỉnh lỵ mà ta nói đây - cũng như các tỉnh khác ở Trung Việt, chỉ mới có một vài người làm nghề hớt tóc mà thôi. Chú Bảy theo ghe nước mắm vào Đồng Nai học nghề cúp tóc trước đó một vài năm. (Lúc bấy giờ, cho đến khoảng 1920, ở các tỉnh Trung Việt, người ta vẫn gọi Saigon là Đồng Nai. Danh từ Saigon chưa được thông dụng). Chú mua kéo, toon- đơ, dao cạo, cũng ở tại Đồng Nai, đem về mở tiệm cúp tóc ở tỉnh lỵ. Nói là mở tiệm, nhưng chú chỉ thuê một xó hè của một tiệm buôn khách trú, đặt một cái bàn con, một chiếc ghế đẩu, và treo một tấm kiếng trên vách tường, thế là đủ cho chú hành nghề. Chú treo tấm vải trắng phía ngoài đường, trên vải chú viết bằng mực Tàu, một chữ Tây COIFFEUR , và ở dưới hai chữ Hán (Thế Phát: Cắt Tóc). Chữ Quốc Ngữ vì chưa được truyền bá, ít người biết, nên chú thợ hớt tóc chỉ viết quảng cáo bằng chữ Hán và chữ Tây, mặc dầu chữ Tây cũng chưa mấy người học đến. Chú để chữ Tây cho oai, bắt chước chữ Tàu học lỏm trong Đồng Nai, và thỉnh thoảng chú nói với vài bác lính tập: " Tui làm cốp phơ cho quan Công Sứ ".
Vì vậy mà trong tỉnh, người ta gọi chú là "chú Bẩy cốp phơ ".
Chiều hôm ấy, chàng thanh niên Lê văn Thanh đến tiệm hớt tóc, nét mặt rầu rĩ, nói với chú Bẩy cốp phơ:
- Chú Bẩy đem đồ qua nhà tôi, cúp tóc cho tôi được không chú? Vì ông già tôi còn phải cúng Ông Bà để cho tôi cắt tóc.
Chú Bẩy cốp phơ gật đầu lia lịa:
- Thầy Xã nói phải. Cái búi tóc trên đầu mình là của Ông Bà cha mẹ. Cắt nó đi là có tội, cho nên phải cúng Ông Bà. Cúng một lần rồi sau khỏi cúng chớ sao.
- Quan Đốc học bắt học trò phải hớt tóc, tôi tuân lệnh Quan, chớ nói thiệt với chú, người An Nam mình có cái búi tóc để thờ Ông Bà Cha Mẹ, cắt đi phạm tội bất hiếu.
- Phải, cậu Bốn có học sách Thánh Hiền cậu nói tôi nghe được.
Chú Bẩy cốp phơ gói dao, toon đơ, gương, lược vào trong một gói vải đỏ rồi xách tòn-ten đi theo cậu Bốn Thanh đến nhà ông Xã. Trên bàn thờ Ông Bà, có bầy một hộp trầu cau, một nải chuối chín và một con gà luộc. Một mâm gỗ lớn đựng mười chén cháo và mười đôi đũa, đặt trên bộ ván kê trước bàn thờ. Ông Xã thắp đèn hương, đứng khấn vái hồi lâu. Ông khấn như sau đây:
"Bữa nay, thằng con bất hiếu Lê văn Thanh, tuân lệnh Quan, phải cắt tóc để đi học trường Nhà Nước, nên có lễ vật để cáo với liệt vị tiền nhân, các bậc Cao Tằng Tổ khảo với Tổ phụ, Tổ mẫu, chứng giám. Xin vong linh liệt vị phù hộ cho con cháu, để nó học hành, công danh hiển đạt."
Khấn xong, ông lạy ba lạy. Đến lượt Lê văn Thanh áo dài, khăn đen với cái búi tóc trên đầu, cũng lạy ba lạy. Xong nghi lễ cáo với ông bà, ông Xã đưa tay vẫy gọi chú Bẩy cốp phơ đứng khúm núm ngoài hè. Chú vào kéo một chiếc ghế để ngay trước bàn thờ, bảo Lê văn Thanh ngồi. Thanh gỡ cái khăn đen trên đầu ra, cung kính đặt nó trên chiếc khay bên cạnh mâm cháo gà, vái thêm ba vái nữa rồi mới ngồi ghế. Chú Bẩy bảo chàng xổ búi tóc ra. Một lọn tóc đen mượt chảy lòng thòng xuống đến nửa lưng. Chú Bẩy cốp phơ tự thấy mình đang đóng một vai trò trọng đại, nên chú làm ra vẻ oai vệ, lấy vạt áo lau lại hai lưỡi kéo trước khi lùa lọn tóc nắm vừa vặn trong bàn tay, rồi tay kia cầm kéo cắt sát trên đỉnh đầu. Tóc dài quá, kéo thì lụt, chú Bẩy phải xáp đến bốn năm lượt búi tóc mới rơi hết xuống đất thành một đống đen ngòm.
Bà Xã đứng gần đấy, oà lên khóc, thê thảm, quay lưng đủng đỉnh vào nhà trong. Ông Xã rưng rưng hai ngấn lệ. Trên bàn thờ, ba que nhang cùng toả ra một làn khói thơm nồng, cuồn cuộn lên cao. Ngọn đèn dầu phọng cháy tỏ như thể có vong hồn các đấng tiền nhân đang chứng minh nghi lễ "thế phát" của đứa con trưởng nam trong gia đình.
Chú Bẩy cầm toon- đơ ủi một đường từ ót lên tới đỉnh đầu. Một luống tóc theo lưỡi toon- đơ bị hất ra hai bên, rụng tơi bời xuống ghế. Nhiều mớ tóc còn muốn bám chặt vào cổ áo của Lê văn Thanh, chưa chịu rời xa.
Thanh cúi đầu ngồi yên lặng, không quảy cựa. Chàng có cảm tưởng đang cam chịu một thay đổi lớn lao trong đời chàng, và mỗi mớ tóc xác xơ rơi xuống đất là một chút dĩ vãng đang rơi khỏi đầu óc của chàng trai nước Việt đương buổi giao thời.
Nén nhang trên bàn thờ vừa tắt, thì tóc của Lê văn Thanh cũng vừa hớt xong, theo kiểu ca-rê (vuông). Chú Bẩy lấy dao, cạo tém xung quanh gọn gàng, sạch sẽ, xong đưa tấm kiếng cho Thanh coi, và cười đắc chí, bảo:
- Cậu Bốn thấy không, cái đầu của cậu cúp ca-rê như vậy có khác gì cái đầu của thầy Thông, thầy Ký đâu nè.
Lê văn Thanh soi gương, tủm tỉm cười. Nghe chú Bẩy cốp phơ khen cái đầu giống thầy Thông, thầy Ký, chàng khoái lắm, nhưng không dám nói ra. Chàng chỉ nghĩ rằng, mai hay mốt cô Ba Hợi trông thấy đầu chàng chắc sẽ mê chàng ngay.