Uống rượu với Tản Đà - Phần 1. Bữa rượu tam đỉnh

Thi sĩ rót rượu mời chúng tôi:

“Thứ rượu này có ngâm đan sâm và đương quy, uống đậm giọng mà lại không hại sức khoẻ. Hai ông cứ uống thật say, không rức đầu chóng mặt gì đâu mà ngại.”

Chúng tôi chưa kịp đáp lời, cụ đã lại nói tiếp:

“Ðể hôm nay, tôi sào nấu lấy các thức ăn, hai ông xem. Tôi làm bếp có phần lại giỏi hơn làm văn… (cười và quay lại gọi gia nhân) Này, anh nhỏ! Anh đặt cái hoả lò nhỏ lên bàn này tôi… Ðược rồi! Anh đặt luôn cái soong chả dê này lên trên cái hoả lò nhỡ kia, cho thêm tí mỡ vào… Ðược rồi! Bây giờ anh nhóm lửa cái hoả lò to kia lên để nấu canh, húp cho rã rượu… (cười và quay về chúng tôi ) Kìa! Hai ông sơi rượu tự nhiên đi… Ðấy, ăn trên lửa có phải ngon không? (cười to) Một bữa rượu, ba cái hoả lò! Sang thật! Ngày xưa vua chúa dùng ngũ đỉnh, hôm nay ta dùng tam đỉnh, chứ thua gì!

Thi sĩ chấm hết câu pha trò ngông ấy bằng một chuỗi cười lớn, nở nang, ròn tan. Tiếng cười đủ tố giác một tâm hồn cao quý, thẳng thắn và chân thành. Bao nhiêu tình yêu đời tha thiết, cụ đem phổ hoang phí cả vào tiếng cười ấm áp…

Ðáp lại thịnh tình của chủ nhân, bạn tôi, ông Nguyễn Ðình Lạp, nghiêng mình thưa:

“Chúng tôi được hầu rượu cụ hôm nay thật lấy làm hân hạnh và vui vẻ lắm.”

Tôi tiếp lời bạn, thân mật hơn:

“Chúng tôi không ngờ rằng nhà thơ tài hoa của núi Tản sông Ðà lại nấu nướng thức ăn có nghệ thuật đến thế.”

Một nụ cười đắc ý nở kín đáo trên môi thi sĩ:

“Ấy tôi cũng đang tính cho xuất bản một quyển sách dạy nấu ăn lấy tên là Tản Ðà thực phẩm. Trong sách dạy cách chế biến các món ăn thế nào cho người rất ít tiền cũng có thể ăn ngon được. Còn những người giàu sang thì mặc họ! Mình cần chú trọng vào người nghèo hơn…”

Tôi tán thành:

“Vâng, cụ nghĩ thế rất phải. Cụ nên cho xuất bản sách ấy chóng ngày nào hay ngày ấy. Chính chúng tôi đây cũng chờ quyển sách đó để nhờ nó mà có thể sành thêm một chút trong sự nếm. Và không khéo chúng tôi sẽ thành những tay đầu bếp giỏi cả cũng nên.”

Cụ cười vang. Chúng tôi cũng cười. Tiếng cười làm nóng cả không khí ảm đạm của gian nhà vắng vẻ[1]. Cụ lại rót một tuần rượu nữa mời chúng tôi. Chén tạc chén thù, cụ thuật cho chúng tôi nghe những quãng đời phong trần đã nếm trải. Giọng nói của thi sĩ khi trầm hùng, khi lâm ly làm sống hẳn lại cả một thời dĩ vãng. Nhờ những câu chuyện tâm sự ấy, chúng tôi hiểu thêm thi sĩ và cũng yêu thêm một người có công lớn với văn chương Việt Nam hiện tại.

Câu chuyện tâm tình, dần dần chuyển sang địa hạt triết lý. Sau khi thuật lại một vài mẩu đời luân lạc, thi sĩ nói như để kết luận:

“Ở đời, tôi tưởng nên biết thưởng thức mỗi thứ một chút và cốt nhất là phải thưởng thức cho sành, nhất là cái ăn cái uống. Hai ông tính, người ta sống được bao năm? Chẳng tiêu pha cuộc đời cho mãn ý, lúc chết hai tay buông xuôi, hối tiếc cũng bằng thừa. Tuổi xuân của con người mấy lúc mà tàn? Tôi cứ xem như tôi đây vừa dạo nào còn là một thư sinh mà bây giờ đầu đã bạc cả rồi!”

Lời nói chứa đầy một tiếc nhớ mênh mang. Trong cặp mắt mơ mộng của thi sĩ lởn vởn hình bóng xa mù của những năm tháng không bao giờ trở lại nữa… Tự nhiên, tôi thấy bị xâm chiếm bởi những viễn ảnh buồn tênh của tiêu vong. Tiệc rượu lạnh hẳn đi!

Bỗng từ dưới đường cái vẳng lên một âm nhạc vô cùng ai oán. Chúng tôi giật mình, mở cửa kính, nghé mình nom xuống.

Một đám ma!

Tiếng kèn trống, tiếng hồ, nhị, tiếng khóc than làm náo động cả hai bên phố xá. Tiết trời cuối đông cũng hình như ngậm một sầu hoài tang tóc…

Ðám ma đi khỏi, ba chúng tôi lại quay vào bàn rượu, mỗi người băn khoăn theo một xúc cảm riêng.

Thi sĩ thở dài nhẹ nhàng:

“Chết thế là hết! Chúng mình rồi cũng chỉ đến thế thôi! »

Rồi cụ vội hâm nóng gian phòng bằng tiếng cười thân thiết:

«Sống ngày nào, ta hẵng nếm hương vị của đời ngày ấy đã. Chăng ăn chẳng uống, lúc chết như người xấu số kia có đem theo được gì đâu? Kìa, mời hai ông sơi rượu đi! Giá ta được một tảng thịt lợn quay vừa mới khiêng qua mà đánh chén thì thú nhỉ! Hai ông! Ta cạn chén!»

Trong câu bông lơn vô tình, thi sĩ để lộ một bản tính ưa hỷ lạc đến cực điểm. Tôi tưởng thi sĩ sắp hô lớn như anh chàng Pantagruel của Rabelais: “Hỷ lạc muôn năm! Rượu muôn năm!”

Nhưng không.

Thi sĩ là người của phương Ðông trầm nghị.

Cụ yêu hỷ lạc, yêu sống, yêu rượu có lẽ tha thiết hơn anh chàng Pantagruel. Nhưng cụ yêu có nghệ thuật. Yêu đằm thắm mà không rầm rĩ, nồng nàn mà không thô kệch. Yêu với tất cả khiếu kiểm soát minh mẫn của thiên lương.

Thi sĩ Tản Ðà yêu đời, yêu hỷ lạc, yêu rượu theo kiểu một tín đồ sáng suốt của Epicure. Cụ là người bằng giác quan nhưng cũng là người bằng khối óc. Hai cái đó bổ túc nhau, sát hạch nhau, điều khiển nhau, gây thành một thăng bằng về sinh lực, riêng biệt của người épicurien. Các bạn đọc sẽ thấy, ở những trang tiếp theo đây, thơ Tản Ðà chỉ là tiếng nói thông thái và trác luyện của con người épicurien ấy.

*

Thi sĩ Tản Ðà sinh tại Nam Ðịnh, phố Hàng Thao, ngày hai mươi bảy tháng Tư năm Thành Thái nguyên niên (1889), tính đến nay cụ vừa chẵn 50 tuổi. Người cụ đã yếu, đầu đã bạc và hói.

Cụ vốn dòng dõi quyền quý, hấp thụ nền Nho giáo từ bé. Như lời cụ thuật lại, tổ tiên xưa kia vẫn làm quan dưới triều Lê. Cập đến lúc nhà Nguyễn thế chân triều Lê, các ngài thề với nhau quyết không bao giờ chịu ra làm quan nữa. Ðến đời thân sinh của thi sĩ, lời thề ấy bị phụ. Vì gia đình bần bách, thân sinh cụ, - Nguyễn Danh Kế tiên sinh, - phải đi đánh quay đất để nuôi mẹ già. Nghĩ khổ cực quá, tiên sinh đành lỗi ước với tổ tiên, ra thi và chịu ấn phong của Nguyễn triều. Tiên sinh làm đến chức Ngự sử trong Kinh, giữ việc án lý. Tục truyền văn án tiên sinh hay lắm. Những lý lẽ tiên sinh dùng để gỡ tội cho bị cáo nhân bao giờ cũng đanh thép, nhiều lần vua Tự Ðức đã phải khen. Muốn chứng thực tài văn án của tiên sinh, tôi tưởng không gì bằng thuật lại ở đây một vụ truy tố ly kỳ xảy ra dưới triều Tự Ðức, mà trong đó tiên sinh đóng vai Ngự sử.

Nguyên hồi ấy, trong cung vua Tự Ðức có nuôi một con hạc rất đẹp. Vua yêu nó lắm, đã phong tước Vương cho nó. Ở cổ hạc lủng lẳng một cái bài ngà. Một buổi chiều kia, hạc ta ngất nghểu ngao du ra ngoài cửa thành và bị cắn chết bởi một con chó của người chủ quán bán hàng cơm gần đấy. Tức thời , chủ quán bị bắt giam và truy tố. Tiên sinh, ở địa vị Ngự sử, làm trạng sư cãi cho bị cáo nhân. Bản cãi rất hùng hồn và nhiễm một tính cách trào phúng rất sâu sắc. Trong đó có bốn câu dưới đây lý thú nhất:

Hạc hữu kim bài

Khuyển bất thức tự

Súc vật tương thương

Hà phương nhân sự

(Dịch nghĩa: Con hạc có đeo kim bài thật, nhưng con chó không biết chữ. Ðó là việc loài vật hại lẫn nhau. Việc chi đến người bị tội?)

Vua Tự Ðức mến phục tài tiên sinh liền truyền tha bổng người chủ quán [2].

Thuật lại câu chuyện trên đây, tôi chỉ cốt đánh dấu vào thơ Tản Ðà một di truyền. Nó sẽ cắt nghĩa tại sao thi sĩ hay luận đến triết học, hay bàn đến nhân sự. Nó sẽ giúp ta hiểu Nho cốt của thơ Tản Ðà. Nó sẽ định giá những mộng nhớn mộng con, tình to tình nhỏ của nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu.

*

Ta đã có thể nhận thấy ở thi sĩ Tản Ðà: 1) một bản tính épicurien; 2) một di truyền Nho cốt. Với hai yếu tố tinh thần ấy, một người có thể thành được chân thi sĩ không? Cụ Tản Ðà là thi sĩ ở độ mực nào?

Quyển phê bình nhỏ này viết ra để trả lời minh bạch hai câu hỏi đó.