Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 1 - Chương 1

Trời lấy thể hư-không làm đạo. Đất lấy thể tĩnh làm đạo. Người ta phải hư-không và yên-tĩnh mới có thể hợp với cái đạo của trời đất, bởi vì hư-không thì tự nhiên sáng suốt, yên-tĩnh thì tự nhiên an-định.

Lòng sáng-suốt, lý an-định thì cái công chen dự vào việc trời đất là ở đó.

Đức-nguyên của trời lớn-lao thay! Vạn vật bắt nguồn từ đó, ấy là nói về khí. Đức nguyên của đất thuần hậu rất mực! Vạn vật do đó mà sinh ra, ấy là nói về hình.

Đứng về trời đất mà nói thì tất cả đều có hình và khí.

Đứng về vạn vật mà nói thì tất cả đều nhận phần khí ở trời và thành hình ở đất vậy.

[8b] Đầy dẫy trong khoảng trời đất đều là khí cả.

“Lý” là ý nói có thật chớ không phải không có. Lý không hình dáng dấu vết, nương theo khí mà hiện lộ ra. Lý là ở trong khí vậy.

Âm và dương, lẻ và chẵn, biết và thực-hành, thể và dụng có thể đặt đối nhau mà nói. Nhưng lý và khí thì không thể đặt đối nhau mà nói được.

Thái-cực là một, là một khí hỗn-độn lúc đầu tiên.

Một sinh ra hai, hai sinh ra bốn để thành vạn vật. Ấy là Thái-cực chỉ có một mà thôi.

Con số Đại-diễn (của trời đất)[20] là 50, mà bỏ trống con số 1 không dùng là để tượng-trưng cho Thái-cực, thì không phải “có” chớ sao nữa?

Một lần mở ra một lần đóng lại gọi là biến.

Qua lại không cùng gọi là thông.

Đóng lại là không. Mở ra là có.

Qua khỏi là không. Tiến đến là có.

Có và không cứ liên tiếp theo nhau. Người và vật cũng là một. Từ xưa đến nay lý ấy chưa từng đã không có ở đấy, thì có thể thấy rằng trong cõi hư không tịch-mịch vốn đã có cái [9a] lý ấy. Như vậy bảo rằng “cái sinh ra từ cái không[21] có được chăng?

Trời thuộc dương, đất thuộc âm. Dương chủ về động, âm chủ về tĩnh. Đó là lời người ta phân-phối như vậy.

Cái dụng của trời thường động, nhưng cái thể của trời chưa từng không tĩnh.

Cái thể của đất thường tĩnh, nhưng cái dụng của đất chưa đừng không động.

Trời mà không tĩnh thì bốn góc (đông, tây, nam, bắc) lấy gì mà yên định, bảy chính (mặt trời, mặt trăng và năm vì sao) lấy gì mà tựa mắc vào được.

Đất mà không động thì chỉ là một vật đóng cục thành khối mà cơ hồ tắt diệt hết ý sống.

Trời thì hành động mà khí tĩnh.

Đất thì hình tĩnh mà khí động.

Liệt tử nói: “Trời thì tích chứa khí, không có chốn nơi và không có hình. Mặt trời mặt trăng và tinh-tú thì tích chứa khí mà có ánh sáng chói-lọi vậy thôi”

[9b] Kỳ-Bá[22] nói: “Đất phía dưới người ta, ở giữa khoảng trống do đại khí nâng đỡ lên. Do đó không riêng chỉ có trời là nhẹ và trong nổi lên trên. Đất cũng nổi lên trên vậy.

Trời nổi lên bao bọc cả nước và đất.

Đất nổi lên trên nước và ở giữa trời.

Đấy cũng là thuyết Hồn thiên vậy.

Sách Khôn dư đồ thuyết của người Âu-tây nói: “Không có hơi khí thì trong bầu trời trống không, đất lấy gì mà treo lơ-lửng và ở giữa bầu trời được? ”

Sách ấy lại nói: “Chim-chóc bay được là vì lấy cánh vỗ hơi khí, cũng như người ta lấy tay vỗ nước mà lội vậy” .

Sách ấy lại nói: “Người ta quơ vẩy trong khoảng trống không thì nghe tiếng vi-vút. Nếu trong khoảng trống không ấy không có hơi khí thì không có vật gì khác để chuyển động sinh ra tiếng vi-vút được.”

Khoảng không-trung yên lặng không có tiếng động.

Thấy trong vệt sáng từ kẽ hở xuyên vào bụi-bặm lớp-lớp bay lên bay xuống thì biết hơi khí đã khiến như thế.

Tôi nói mấy điều này là để chứng-minh hơi khí là có thật, thế mà người ta [10a] đều ngờ cho là lạ-lùng.

Xét theo sách Thông-luận của Tiết-Huyên[23] có câu: “Vẩy cây quạt thì có gió. Do đó mà thấy rằng trong khoảng trời đất không có chỗ nào là không có hơi khí” .

Sách ấy lại nói: “Trong khoảng trời đất bụi-bặm bay lớp-lớp không thôi dứt, không gián-đoạn, ấy là đều do hơi khí khiến như thế” .

Xem mặt trời soi chiếu vào cửa sổ thì có thể thấy rằng thuyết ấy rất hợp với lẽ ấy.

Sách Tố-vấn cũng nói: “Lên xuống ra vào, không chỗ nào là không có hơi khí” .

Dưới bầu trời trên mặt đất khắp nơi đều là gió-máy và hơi khí.

Chỗ gần người ta thì không thấy có gió, bởi lẽ các vật ở chung quanh ngăn trở, và sinh ý[24] làm tiêu tán hết.

Chỗ khá cao thì có gió lớn.

Chỗ cực cao thì có gió càng lớn, và vật-chất ở đấy cứng rắn và khô-ráo.

Cũng như đất sâu ở dưới núi, khi người ta đào xuống hơn hai trượng, thì mới thấy mềm và ướt, vừa lên khỏi mặt đất liền cứng-rắn thành đá.

Há rằng không phải gặp gió mà cứng hay sao?

Con trẻ ở trong bụng mẹ chỉ là một khối bào thai đầy máu mủ, mới [10b] sinh ra liền thấy cứng, thật là cùng một lẽ ấy.

Khi trời chìm xuống, khí đất bổng lên. Hơi khí của trời và của đất đều là sinh ý[25].

Gió-máy và hơi khí quanh quẩn qua lại trong khoảng ấy, không có lúc nào là không có và không phải động mới có còn tĩnh thì không đâu.

Hơi khí chuyển động trong trời đất không gì lớn bằng bão và sấm. Bão thuộc âm. Sấm thuộc dương.

Hễ bão bắt đầu nổi lên mà có sấm động thì bão dứt. Đó làm âm bị dương ngăn.

Bão sắp dứt thì có sấm động. Đó là âm bị dương đánh tan.

Vùng Trung-châu ít sấm, bởi lẽ đất nước ở đấy dày và sâu, khí dương kiên cố, cho nên mùa đông mà có sấm là việc lạ.

Cõi Lĩnh-nam nhiều sấm, bởi lẽ đất nước ở đấy mỏng và cạn, khí dương tiết lậu đi mất, cho nên mùa đông mà sấm là việc thường.

[11a] Hơi khí khô ráo làm gió. Gió tan thì trời tạnh.

Hơi khí ẩm-ướt làm mây. Mây bốc lên làm mưa.

Đấy đều là hơi khí trung hoà tuyên sướng[26].

Hơi khí khô ráo và ẩm ướt lẫn lộn nhau thì làm sương mù. Sương mù thắng thế thì sinh ra chướng khí (khí độc). Đó là hơi khí bất hoà uất kết.

Cữ cụ [] là bão có phần chữ phong [] là gió, và phần chữ cụ [] là đủ, nói gió dữ ở đủ bốn phương đông tây nam bắc thổi đến.

Bão nổi lên buổi sáng thì kéo dài ba ngày. Bão nổi lên buổi chiều thì kéo dài bảy ngày. Bão nổi lên ban ngày thì kéo dài một ngày.

Lúc nổi lên, bão từ đông-bắc tới thì ắt từ hướng bắc thổi sang hướng tây, từ tây-bắc tới thì ắt từ hướng bắc thổi sang hướng đông rồi cùng đến hướng nam mà tắt dứt. Như vậy gọi là lạc tây (tắt ở phía tây) là hồi nam (quay về phía nam).

Nếu bão không lạc tây và không hồi nam thì qua tháng sau lại có bão nữa.

Bão nổi lên thật đúng giờ. Bão nổi lên ban ngày thì ngày sau dứt. Bão nổi lên ban đêm thì đêm sau dứt.

Bão là gió bất chính, là nghịch khí [11b] biến động mà cũng có độ thường như thế.

Trời cao xa cách mặt đấy không biết là mấy muôn dặm. Môn học trắc-nghiệm đo tính ngang dọc, xuôi ngược, thêm bớt, nhân chia thật chẳng hơn một nắm con toán, mà đường vận-hành và vị thứ trải qua của thất chính (mặt trời, mặt trăng và ngũ tinh) và nhị thập bát tú (28 chòm sao)[27] đều có thể biết được cả. Thì há chẳng phải là cái thế của nó rất lớn-lao, cái dụng của nó rất tinh-vi má quỹ-đạo của nó thật có thường độ hay sao?

Nếu không hằng-thường thì sao được yên-định? Nếu không được yên-định thì sao được lâu dài?

Cũng như gió là hơi khí mở đóng của trời đất, phát lên thì thành ra tiếng vi-vút.

Người xưa còn truyền lại phép xem khí-hậu, đấy là nói cách xem khí-hậu ở trong đất liền.

Còn như ở biển cả mênh-mông há cũng có phép thường nhất định? Các đà công (cầm lái thuyền) và phu chèo thuyền lại có thể biết được ngày giờ, biết được chỗ nên tránh, chốn nên tới, bởi lẽ ở biển cả cũng có những dấu hiệu đáng tin rất thông thường như vậy.

Trang-Tử nói: “Gió nổi lên phương bắc, một luồng thổi sang hướng đông, một luồng thổi sang hướng tây, có khi thổi vút bay bổng lên như không, ai thở ra hít vào như vậy, [12a] ai cư-trú vô sự mà quạt phe phẩy như vậy? ”[28]. Đó cũng là lời có sở kiến chăng?

Ở phương bắc, khí âm thường nhiều mạnh, khí dương thường yếu kém không đủ.

Ở phương nam, khí dương thường nhiều mạnh, khí âm thường yếu kém không đủ.

Ở phương bắc tiết trời chưa rét lắm mà nước đã đông đặc thành băng, bởi lẽ khí dương tránh khí âm, để khí âm kết hợp ở dưới. Mùa đông rét có mưa tuyết, bởi lẽ khí âm lấn khí dương, để khí dương dồn lên trên.

Ở phương nam, khí âm phần nhiều tan biến ở dưới, cho nên nước không thể đông đặc thành băng. Mùa đông không có mưa tuyết bởi lẽ khí dương phần nhiều phát tiết ở trên cho nên mưa không thể biến thành tuyết được.

Đất lấy cát làm thịt, lấy đá làm xương, lấy cỏ làm lông, lấy sông nguồn làm mạch máu.

Cỏ cây trổ hoa trơn mướt là có sinh-khí dồi-dào.

Sông nguồn nước đầy tràn là có sinh-khí lớn-lao.

Đất mầu-mỡ, đá đẹp-đẽ là sinh-khí có ở trong ấy.

Cây khô già mà mọc rêu là còn sống.

Đá bị đẽo phá vụn vặt mà còn kê dưới chân cột là còn tươi mướt. Ấy là sinh-khí vẫn tồn-tại ở đấy.

Người [12b] và trời đất vốn là một gốc. Mà người ta suốt ngày cử-động làm việc ăn uống thì càng chung đụng với khí đất. Cho nên sách Khổng-Tử gia-ngữ nói: “Người sống ở đất cứng thì cương-nghị. Người sống ở đất bở thì yếu đuối. Người sống ở đất đen cứng thì tế-nhị. Người sống ở đất mầu-mỡ thì đẹp-đẽ. Người sống ở đất thưa mỏng thì xấu-xí.

Sách Nhĩ-Nhã[29] nói: Người ở đất Thái-bình thì nhân hậu. Người ở đất Đan-nguyệt thì mưu trí. Người ở đất Thái-mông thì đáng tín-nhiệm. Người ở đất Không-động thì vũ-dũng.

Sách Hoài-Nam-Tử[30] nói: Khí núi sinh nhiều con trai. Khí đầm sinh nhiều con gái. Khí nước sinh nhiều người câm. Khí gió sinh nhiều người điếc. Khí rừng sinh nhiều người yếu đuối. Khí cây sinh nhiều người khòm lưng. Khí đá sinh nhiều người mạnh-mẽ. Khí ở dưới thấp sinh nhiều người bị bịnh thũng. Khí hiểm sinh nhiều người bị bịnh bại xuội. Khí hang núi sinh người bệnh tê thấp. Khí đồi sinh nhiều người khùng. Khí rộng-rãi sinh nhiều người nhân-từ. Khí gò đống sinh nhiều người tham-lam. Khí nắng sinh nhiều người chết yểu. Khí lạnh sinh nhiều người sống dai. Đất nhẹ sinh nhiều người lanh-lợi. Đất nặng sinh nhiều người chậm-chạp. Người ở chỗ nước trong thì có tiếng nói nhỏ. Người ở chỗ nước đục thì có tiếng nói to. Người ở chỗ nước chảy xiết thì [13a] nhẹ-nhàng. Người ở chỗ nước chảy chậm thì nặng-nề. Đất Trung-châu sinh nhiều người tài-ba sáng-suốt.

Thái-sử Tập đồi Tống nói: “Người ở chốn núi rừng thì xanh mà gầy, bởi lẽ đã hấp-thụ nhiều khí cây. Dân ở chỗ sông đầm thì đen mà mướt, bởi lẽ hấp-thụ nhiều khí nước. Dân ở nơi gò đồi thì tròn mà cao, bởi lẽ hấp-thụ nhiều khí lửa. Dân ở miền bờ nước và đất phẳng thấp thì mưu trí mà chính trực, bởi lẽ hấp thụ nhiều khí kim. Dân ở vùng đồng bằng ẩm thấp thì mập béo mà tê thấp, bởi lẽ hấp thụ nhiều khí đất” .

Đấy toàn là những điều đã suy cùng vật lý. Giữ thuyết này mà suy-luận thì không có điều gì mà không hợp.

Nước bị nắng to thì nổi bọt vẩn đục, trải qua một đêm gió bắc thì trở thành trong-veo, muôn khoảnh[31] một màu xanh biếc. Đó là do khí đã khiến ra như thế.

Núi trải qua một thời nắng lạnh lâu ngày thì sinh ra khói mù tối-tăm, trải qua một buổi sáng mưa to thì trở thành sạch trong sáng-sủa, muôn cảnh như đổi mới. Đó cũng là do khí đã khiến ra như thế.

Đương lúc đục tối âm-u, ai trông vào mà chẳng ưu sầu bứt-rứt?

Đến khi cơ trời [13b] biến chuyển phút chốc lại trong sáng, lòng người đua nhau thấy khoan-khoái mà không biết vì cái lẽ huyền-diệu đã có ở trong ấy.

Cơ mầu khi bĩ khi thái khi trị khi loạn đúng là như thế.

Chấn-động bằng sấm sét, nhuần thấm bằng gió mưa, mặt trời mặt trăng xoay vần, một thời lạnh một thời nóng nối tiếp nhau, Tạo-hóa phân phát sinh dưỡng vận-động mở đóng không phải là không có việc đâu. Suy cứu mà nói thì chẳng qua chỉ có giản (đơn giản) và dị (dễ-dàng) mà thôi.

Tính-tình của trời đất, đức nghiệp của thánh hiền đều không ngoài hai chữ giản-dị ấy. Trong hai thiên Thượng truyệnHạ truyện, bậc thánh-nhân đã đôi ba lần chú ý đến vấn-đề ấy. Vậy mà bọn nhà nho chúng ta theo đuổi học-tập và chính-trị hà tất ưa việc lạ kỳ hiểm-hốc, chuộng việc phiền-phức vụn vặt vậy ư?

Khí rất thần-diệu, rất tinh-vi.

Khí thịnh thì tất nhiên thư-thái, khí suy thì tất nhiên vướng kẹt, xem ở gốc cây tươi hay [14a] khô thì biết.

Khí trong thì tất nhiên thông suốt. Khí đục thì tất nhiên vướng-kẹt, xem ở lòng người thông-minh hay ám muội thì biết.

Khí đầy thì tất nhiên nẩy lớn, khí vơi thì tất nhiên tiêu tán, xem ở con nước lên xuống lúc sớm chiều ở mặt biển thì biết.

Hòa thuận thì tất nhiên kết hợp, trái nghịch thì tất nhiên chia lìa, xem ở việc bình trị hay loạn lạc của thế đạo thì biết.

Nhật thực có thường độ, nhưng đối với việc biến đổi của nhân-sự thì chưa từng không quan-hệ lẫn nhau.

Người ta sắp làm điều chẳng lành thì mặt trăng đi vào độ giao-thực mà lần che mặt trời. Đó là khí người động đến trời.

Trời sắp muốn mưa dầm thì người nào mang thương-tích vì bị đánh bị ngã liền thấy đau nhức trước. Đó là khí trời động đến người.

Những điều đó có thể chứng-nghiệm trời và người là cùng một lẽ.

Sách Tịnh thượng đàm của Du-Diệm nói: Muốn biết thời giờ và âm dương thì phải phân biệt bằng mũi.

Hơi khí trong mũi lúc dương [14b] thì ở lỗ bên trái, lúc âm thì ở lỗ bên mặt.

Khoảng giờ tý giờ hợi giao tiếp nhau (cuối 12 giờ và đầu 1 giờ đêm) thì hai lỗ mũi đều thông.

Điều này rất ứng-nghiệm bởi lẽ thân thể của người ta cũng là một bầu trời nhỏ vậy.

Trong sách Thiên đạo luận, Nhân-Loan đời nhà Chu (thời Lục-triều) có dẫn lời ở Tế khổ kinh rằng: Trời đất đến ngày tận thế thì cháy sạch, người và vật đều không còn.

Sách ấy lại nói: Ngày đại tận thế đã giao tiếp, thì trời đất mặt trời, mặt trăng và tinh-tú đều không còn nữa.

Điều này hợp với thuyết Tuất-hội Hợi-hội của Khang-Tiết.

Nhưng sách đạo-thư hoang-đường không có căn-cứ.

Còn Khang-Tiết thì theo hai quẻ CấnPhục trong kinh Dịch mà suy diễn ra, cho nên thuyết này đúng.

Sách Trường-lịch của Từ-Chinh nói: Trời đất hỗn-độn như quả trứng gà. Ông Bàn-Cổ sinh ra vào khoảng đó sống lâu được một vạn tám ngàn năm (18.000).

Trời đất mở-mang, khí dương trong làm trời, khí âm đục làm đất. Ông Bàn-Cổ sống ở trong đó, một ngày biến đổi chín lần [15a] thành thần ở trên trời, thành thánh ở dưới đất.

Trời mỗi ngày cao thêm một trượng. Đất mỗi ngày dày thêm một trượng. Ông Bàn-Cổ mỗi ngày lớn thêm một trượng. Như thế trong một vạn tám ngàn năm (18.000) thì số trời thật cực cao, số đất thật cực dày, ông Bàn-Cổ cực lớn.

Sau đó lại có Tam Hoàng (Thiên-hoàng, Địa-hoàng và Nhân-hoàng), số bắt đầu từ 1, lập ở 3, thành ở 5, thịnh ở 7, cùng cực ở 9.

Cho nên vòm trời cách mặt đất chín vạn dặm (90.000). Đó là thuyết hoang-đường.

Còn thuyết Nguyên hội vận thế của Thiệu-Tử là suy sứu từ việc sinh ra, tiêu tán, kết cuộc và bắt đầu trong những quẻ Cấn, Phục, KiềnKhôn trong Tiên-thiên đồ mà tìm được.

Sách Quyết nghi yếu chú của Ngu-Chí đời Tấn nói: Vua Vũ-Đế nhà Hán đào hồ Côn-minh thật cực sâu, chỉ thấy tro đen mà không thấy có đất. Cả triều-đình không giải-đáp nổi lý-do, mới đem hỏi Đông-Phương-Sóc. Đông-Phương-Sóc tâu: “Hạ thần ngu tối không đủ để biết việc đó. Có thể đem hỏi các đạo-nhân ở Tây-Vực” .

Vua Vũ-Đế cho là Đông-Phương-Sóc còn không biết, thì khó đem hỏi ai được nữa.

Đến [15b] thời vua Minh-Đế nhà Hán, có người đạo-nhân ngoại quốc vào Trung-quốc đến Lạc-dương. Lúc ấy có người nhớ đến lời nói của Đông-Phương-Sóc, bèn thử đem việc tro đen đào được ở hồ Côn-minh dưới thời cua Vũ-Đế mà hỏi. Người đạo-nhân ấy nói: “Kinh Phật chép lúc trời đất sắp tận thế thì lửa cháy thiêu rụi cả, đó là phần dư thừa của cuộc tận thế thiêu rụi đó” .

Căn-cứ vào lời nói đó, thì trước một nguyên mười hai hội làm sao biết được là trời đất đã không có biến động hỗn hợp rồi mở-mang lại mới?

Chu-Tử nói: “Thường thấy trong núi có vỏ ốc vỏ trai là vật ở trong nước. Vật ở dưới thấp lại biến thành vật ở trên cao. Vật mềm lại biến thành vật cứng” .

Ở việc này mà suy cứu sâu-xa thì thấy có thể làm chứng-nghiệm cho điều ấy.

Sách Tố-vấn có nói về ngũ vận lục khí. Chử-Trừng cho là không phải. Ông cho là: Năm tháng ngày giờ và thứ-tự giáp-tý ất-sửu cho đến trời đất, ngũ hành, rét nóng, gió mưa bỗng chốc có biến đổi. Người ta cảm [16a] cái khí ấy, bịnh tật phát sinh ở thân-thể,

Khí khó liệu biết trước, cho nên bịnh khó định trước.

Khí không phải người ta làm ra được, cho nên bịnh người ta khó dò trước được.

Suy nghiệm nhiều sai lầm, cho nên cứu chữa dễ lẫn lộn.

Chưa thấy lời này là đúng.