Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 1 - Chương 2

Tôi cho là khí của trời đất hẳn là âm dương ngũ hành mà thôi, xung khắc hay hòa hợp không đều, làm chủ hay làm khách thay đổi khác nhau, coi giữ trong năm tháng, lưu chuyển trong thời-tiết, thiên biến vạn hóa, người ta cảm phải, tuy chưa ắt là nhất nhất đều ứng nhau, nhưng đại khái cũng không sai nhau.

Như bịnh đậu mùa là một, tùy theo năm mà lạnh nóng khác nhau, nhưng hình dáng bịnh tật ấy vẫn là một, tùy theo thời-tiết khô ráo hay ẩm ướt mà bịnh-chứng khác nhau, thì làm sao bảo cái thuyết khí vận là không chứng-nghiệm được?

Từ khi chuôi sao Bắc-Đầu chỉ hướng mão (tháng 2) chính là tiết Xuân-phân cho đến giữa hướng tỵ (tháng 4) chính là tiết Lập-hạ là lúc Thiếu-dương quân-hỏa làm chủ khí, thiên [16b] độ đến đấy thí ấm-áp trong trẻo, thịnh-hành cái đức của vua.

Từ khi chuôi sao Bắc-Đẩu chỉ hướng tỵ (tháng 4) chính là tiết Tiểu-mãn cho đến giữa hướng vị (tháng 6) chính là tiết Tiểu-thử là lúc Thiếu-âm tướng hỏa làm chủ khí, thiên-độ đến đấy thì nóng nực, thịnh hành tướng hỏa.

Từ khi chuôi sao Bắc-Đầu chỉ hướng vị (tháng 6) chính là tiết Đại-thử cho đến giữa hướng dậu (tháng 8) chính là tiết Bạch-lộ, là lúc Thái-âm ầm thấp, thổ làm chủ khí, thiên-đô đến đến thì có mưa, thịnh hành khí ẩm thấp bốc lên.

Từ khi chuôi sao Bắc-Đầu chỉ hướng dậu (tháng 8) chính là tiết Thu-phân cho đến giữa hướng hợi (tháng 10) chính là tiết Lập-đông, là lúc Dương-minh táo, kim làm chủ khí, vạn vật đều khô ráo.

Từ khi chuôi sao Bắc-Đẩu chỉ hướng hợi (tháng 10) chính là tiết Tiểu-tuyết cho đến giữa hướng sửu (tháng chạp) chính là tiết Đại-tuyết, là lúc Thái-âm hàn, thủy làm chủ khí, thiên-độ đến đấy thì thịnh hành khí lạnh.

Từ lúc chuôi sao Bắc-Đẩu chỉ hướng sửu (tháng chạp) chính là tiết Đại-hàn cho đến giữa hướng mão (tháng 2) chính là tiết Kinh-trập [17a] là lúc Quyết-âm, phong mộc làm chủ khí, thiên-độ đến đấy thì thịnh hành phong khí (gió nhiều).

Đấy là nói mỗi khí giữ 60 ngày có lẻ để trải khắp độ tròn của bầu trời, chuyển hết rồi bắt đầu trở lại.

Sách Thái-bình quảng ký[32] dẫn sách Luận-hành[33] chép rằng: Kính Dương-toại lấy lửa, kính Phương-chư lấy nước. Hai vật này vì hình-thể mà được gọi thế.

Kính Dương-toại thì đúng tháng 5 ngày bính-ngọ, giờ ngọ luyện đá năm màu mà chế-tạo, hình-thể giống như cái kính tròn, hướng vào mặt trời thì lấy được lửa.

Kính Phương-chư thì đúng tháng 11 ngày nhâm-tý nửa đêm giờ tý luyện đá năm màu mà chế-tạo, hình trạng giống như cái chén, hướng vào mặt trăng thì lấy được nước.

Sách Hoài-Nam-Tử chép: Kính Dương-toại đưa ra mặt trời thì phát cháy thành lửa. Kính Phương-chư đưa ra mặt trăng thì ướt mà thành nước.

Sách ấy chú rằng: Hai thứ kính ấu đều là tinh của đá năm màu.

Trong khoảng trời đất huyền vi hoảng hốt[34], lấy một vật dụng cầm trong tay hướng lên Thái-cực mà [17b] tức khắc được lửa được nước, vì có âm dương cảm động vậy.

Rượu là chất do người ta cất nên, mà khí của nó cũng cảm-ứng với mặt trời, bởi lẽ cũng có lý-do ở đấy.

Sách Thái-bình quảng ký chép: Nay rượu mới cất được, phần trong veo ở trên mặt vò thường theo mặt trời mà chuyển dời: Phần trong veo lúc sáng sớm ở phía đông, lúc giữa trưa ở phía nam, lúc xế chiều ở phía tây, lúc nửa đêm ở phía bắc, mặt trời ở góc nào thì cứ trong veo ở góc ấy.

Phùng-Triệu-Trương viết sách Cẩm nang bí lục chép: Nhà đánh cá sinh con nhiều gân cốt rắn chắc, bởi lẽ mẹ lạnh, con cũng lạnh, mẹ nực, con cũng nực. Lúc đứa con còn là bào thai trong bụng mẹ thì gió sương nắng nóng đã trải qua đầy đủ. Sau khi sinh ra, da thịt của đứa bé thành dày-đạn, gân cốt thành rắn chắc, khí độc không thể xâm phạm được.

Thuyết này thật là đúng. Khí luyện nên còn rắn chắc thay, huống hồ là tính tự nhiên.

Người đời dạy dỗ con trẻ từ lúc nó còn là bào thai trong bụng mẹ là muốn dưỡng dục thành [18a][35] cái tính tự nhiên ấy.

Người ta ngủ say đã giấc rồi, hễ ai gọi thì tỉnh ngay. Đó gọi là khí gọi thần vậy.

Lúc nằm chiêm bao thấy gặp-gỡ, nói chuyện, làm-lụng, mừng giận, sau khi tỉnh giấc đều có thể nhớ cả. Đó là thần động khí vậy.

Thần khí của người ta là như thế. Thì thần khí của trời đất từ xưa đến nay vẫn lưu thông, không chỗ nào là không có, có thể biết được vậy. Cho nên bậc hiền-triết đời xưa nói: “Thiên tri, địa tri” (Trời biết, đất biết) là thế đó.

Lòng người thật lớn-lao, ở trên thì có thể thông với trời đất, ở giữa thì có thể dò biết được quỷ thần, ở dưới thì có thể xem xét vạn vật.

Lẽ huyền-diệu của tượng và số[36] lần ra ở hình và khí, từ chỗ không ra chỗ có, từ chỗ có ra chỗ không.

Trong khoảng tăm-tối huyền vi hay rõ-ràng sáng tỏ không chỗ nào là không phải đạo.

Giữ lòng cho chánh đáng rồi sau mới có thể biết đạo. Biết đạo rồi sau mới có thể thấy cơ vi. [18b] Thấy cơ vi rồi sau mới có thể thông đạt quyền biến.

Vận-mệnh do người tạo ra, chớ không phải vận-mệnh tạo ra người.

Cái lý trời và người hợp nhất chẳng qua là như thế.

Kinh Dịch nói: Người nhân thấy đạo gọi là nhân, người trí thấy đạo gọi là trí. Trăm họ hằng ngày đều dùng đến đạo mà không hay biết.[37]

Sách Âm phù kinh nói: Của-cải và dụng-cơ là một vậy. Trong thiên-hạ không ai có thể thấy được, không ai có thể biết được. Người quân-tử được nó thì giữ vững lòng đoan chính trong lúc khốn cùng. Kẻ tiểu-nhân được nó thì nhẹ tính-mệnh. Ý nghĩa lời nói ấy cũng là một vậy. Chỗ uyên-áo của lý và khí đã tóm hết trong ấy.

Sự mở đóng, sự diệu dụng, sự cổ-vũ, sự tinh-vi trời đã lấy ban cho thánh-nhân, thì thánh-nhân lấy đó mà thuận theo trời để chế vạn sự, thành vạn hóa, định vạn dân, phục vạn quốc.

Ngày giờ có lành có dữ. Kẻ làm mờ-mịt theo lối tắt cho mau há lại không gặp một ngày giờ bất lợi? Nhưng cũng [19a] không hại gì, bởi lẽ đã vô tâm. Người đã vô tâm thì không can hệ gì đến quỷ thần.

Đã lựa chọn ngày giờ thì phải xem xét cho cẩn-thận, phải biết rõ nên tiến tới hay nên tránh đi. Hễ có ý phạm đến thì bị đạo của quỷ thần giận ghét.

Kinh Dịch nói: “Đạo Dịch không suy nghĩ gì cả, không làm gì cả, yên lặng chẳng động, cảm mà thông hiểu cớ-sự của thiên-hạ”[38].

Không cảm thì làm sao có ứng?

Bói bằng cỏ thi hay bói bằng mai rùa là đợi sự vật đưa đến rồi thuận theo mà cảm-ứng, tỷ như cái gương chưa soi thì không thấy có vật gì. Việc bói quẻ cũng đều là như thế.

Đạo Dịch biến động luôn, không ở một chỗ, lưu hành khắp lục hư[39], lên xuống không thường, cho nên có thể cùng tận được sự linh diệu ở lý số.

Lý ngụ ở khí. Số do ở khí. Lý số sinh ra ở tâm mà tác-động đến mọi việc, đó là sự chứng-nghiệm của khí.

Có yên định rồi sau mới lo. Có lo rồi sau mới được. Đó là sự tài thành (làm nên) của khí.

Sự vật đưa đến thì đón lấy để [19b] tìm hiểu sự khởi thủy của nó.

Sự vật đi qua thì suy xét để nghiên-cứu sự chung kết của nó.

Chỉ có đạo Dịch mới thế được.

Sự biến đổi khi bình trị khi loạn lạc của đời xưa và đời nay đều do ở người. Những điều mà người làm đều là trời làm.

Khí thuận hòa thì làm. Lành thì đưa đến điềm lành.

Khí trái nghịch thì dữ, Dữ thì đưa đến điềm gở lạ-lùng.

Sự đưa đến khí hòa thuận hay khí trái nghịch đều có thời có lúc. Cho nên đạo Dịch không ngoài một chữ thời (thời buổi).

Khí có cơ (dụng cơ). Theo cái cơ ấy thì thấy thời.

Khí cái cơ thuận hòa báo hiệu thì các điều lành tụ tập lại, các sự lành khởi sinh, tâm đồng, chí thông, không lao nhọc mà đưa đến đời bình trị.

Khi cái cơ trái nghịch báo hiệu thì các điều dữ đều khởi sinh, tâm chí trống chọi nhau, trăm mối loạn lạc nổi lên mà không phải một người có thể vãn hồi được.

Cho nên hiểu đạo Dịch quý ở việc có thể biết được lẽ đầy hay vơi, tiêu lụn hay nẩy nở, lành hay dữ, hối hận hay giận tiếc, tới hay lui, còn hay mất, mà cốt yếu là trở về chốn không mất lẽ chính đáng.

[20a] Chu-Tử nói: “Co duỗi, lại qua đều là khí, khí của người và khí của trời đất liên tiếp nhau không có gián cách. Lòng người vừa cảm động, tất liền đạt đến khí, rồi cùng với khí ấy co duỗi qua, cảm thông với nhau.

Cũng như việc bói toàn bằng mai rùa hay bằng cỏ thi đều là trong lòng đã tự có vật ấy rồi thì chỉ nói đến việc trong lòng mà thôi, cho nên hễ động đến thì có ứng ngay” .

Chu-Tử lại nói: “Người ta bẩm thụ cái khí của ngũ-hành trong trời đất. Cái khí ấy phải đi qua trong thân-thể người ta.

Nay lấy chi cán[40] của ngũ-hành mà suy diễn số mệnh của người, cũng như nhà địa-lý (phong thủy) suy xét chọn lựa vị-trí hướng mặt hay quay lưng đối với núi rừng đều là một lẽ ấy” .

Tôi nói: “Hợp hai thuyết ấy mà xem xét thì thấy Tiên-sinh không những chú trọng việc bốc phệ (bói bằng mai rùa và bói bằng cỏ thi) mà những lời bàn luận về mệnh số binh tượng đều không dẹp bỏ. Hai thuyết ấy thường bị các nhà háo biện bác bỏ. nhưng rốt cuộc đã đúng với lý khí và có kết cuộc không thể khinh được” .

[20b] Nhà địa-lý (phong thủy) nói: “Nhà biện-sĩ phần nhiều không nhận thuyết lý khí và bảo rằng vật hư nát rồi là vô tri” .

Tóm lược mà nói thì người với trời đất là cùng một nguồn, với tổ-tiên là cùng một mạch.

Sinh khí của trời đất thường lưu thông, thì tự nhiên có thể nhuần thấm đậm-đà xương tàn khô.

Tinh-thần của tổ-tiên thường gom tụ lại thì tự nhiên có thể ân trạch cho dòng dõi được nhờ.

Thanh-Ô-Tử[41] nói: “Tinh-thần của tổ-tiên đã chết trở về nhà, hài cốt trở về đất. Khí lành cảm ứng thì quỷ thần giáng phúc cho người” .

Về lý lời này rất thấu đáo.

Thanh-Ô-Tử lại nói: “Khí ở trong làm cho nảy sinh, khí ở ngoài làm cho thành hình.

Khí ở trong và khí ở ngoài thừa tiếp nhau thì tự nhiên thành phong thủy (địa-lý)” .

Thưởng-thức mấy lời này thì có thể trọn tin không còn nghi-hoặc nữa.

Hoành-Cừ không tin phong thủy, nhưng có nói: “Người phương Nam tin dùng sách Thanh nang kinh[42] thì còn có kẻ cho là được. Người phương Nam thử đất dành làm huyệt chôn, đem chỉ năm màu chôn xuống đất, trải qua một năm thì lấy lên xem.

Hễ khí đất tốt thì [21a] màu sắc không biến đổi. Hễ khí đất xấu thì màu sắc biến đổi.

Họ lại lấy một vật dụng chứa nước nuôi những con cá nhỏ rồi đem chôn xuống đất, trải qua một năm thì đem cá lên.

Thấy cá còn sống hay chết thì biết đất ấy tốt hay xấu.

Cho nên cỏ cây tươi tốt hay khô héo có thể cho mình biết cuộc đất (mà cỏ cây ấy đang mọc) tốt hay xấu.

Sach Dĩ ngược biên nói: Nói về những nhà xem sao đoán tính mệnh người ta thì có số Tử-Bình, số Ngũ-tinh và số Tử-vi tiền-định.

Các bậc sĩ-phu thích nghe số Tử-Bình, bởi lẽ nó ám hợp với lý, nói lên việc giàu sang nghèo hèn của người ra thường phần nhiều thật đúng.

Nghe những ẩn sĩ bảo: “Tử-Bình là người vào thời Ngũ-quý, thường ở ẩn trên núi Họa-san với các bậc ma-y đạo gia như Trần-Đồ-Nam, Lữ-Đồng-Tân. Thế thì Tử-Bình là người khác thường vậy.

[21b] Sách Tử-vi đẩu số, La-Luân viết bài tựa nói là mới được Tăng-Liễu-Nhiên ở núi Họa-san truyền cho.

La-Luân tự xưng là cháu xa đời của Hi-Di (Trần-Đoàn tức Trần-Đồ-Nam).

Theo sách Hoạch-Mạn-lục của Trương-Thuấn-Dân đời Tống nói Hi-Di chỉ có sách Nhân luân phong giám lưu hành trên đời mà thôi.

Ấy là người đời sau gom góp những lời nói của ông mà làm thành sách, và không nói gì đến Tử-vi đẩu số cả.

Sách Tử-vi đẩu số này, lý thú khá hẹp-hòi, ý chừng ắt là kẻ hậu nho gán cho Hi-Di, không phải chân bản vậy.

Nếu quả do Hi-Di viết ra thì làm sao từ đời nhà Tống đến đời nhà Nguyên hàng bốn trăm năm không thấy lưu truyền trên đời, mãi đến khoảng giữa thời nhà Minh mới bắt đầu xuất hiện vậy? Người hãy xem xét kỹ.

Sách Giáp ất thặng của một nhà nho đời Minh nói: Ở Kinh-độ có sao chép sách số Tiền-định, những lời trong ấy đều là thơ thất ngôn nhưng quê mùa bỉ lậu giống như những lời nói ở trong chợ-búa bây giờ.

Sách ấy nói đủ từ cha mẹ vợ con anh em sang [22a] hèn, người ta đều kinh hãi cho là sách thần dị, tuy hạng quan chức cao cả như Tam công Cửu Khanh, chẳng ai là không thuận phục như ngọn cỏ ngả rạp dưới làn gió. Họ cho là Thiệu-Nghiêu-Phu tái lai vậy.

Họ chẳng biết sách đó là do một ông thầy bói ở Kinh-đô tìm mua tuổi-tác lý-lịch của người ta rồi biên tập sẵn trước để người ta tự tra tìm thấy đúng mà kinh hãi thán-phục.

Chưa từng có lối văn lý thô bỉ như thế mà có thể đoán định đầy đủ việc sang hàn thọ yểu của người ta.

Thuyết này rất đúng.

Này, Tạo-hóa ban-bố tính-mệnh hàng muôn thứ không đồng nhau cho loài người, thì làm sao chỉ lấy năm nào giờ nào tham hợp lại mà phán-đoán lấy vài câu ngâm quyết-định đại-khái sự lành dữ họa phúc của thiên-hạ được hay sao?

Lối thô-bỉ về văn-lý thì chẳng cần luận đến. Thuận đoán số-mệnh cũng chưa từng thấy sơ suất thô lỗ như thế.

Trong sách ấy, những lời nói về danh và lợi, [22b] được và mất, tính khí chậm chạp và mau-mắn, đường đời gian hiểm và phẳng lặng, thế đức cao dày và kém mỏng đều là những câu đầu lưỡi mà mọi người đều có thể tự mình độ lường, nhưng chẳng ai không cho là việc có thật, cho nên họ quá sức tin.

Sách Thạch lâm yến ngữ chép: Tống Thái-Tổ lúc hàn-vi thường vào miếu thờ Cao-Tân, thấy trên hương-án có hai cái chén bằng tre dùng để xin kẹo, bèn lấy để bói xem danh-vọng và địa-vị của mình mai sau thế nào.

Thói tục cho rằng một sấp một ngửa là keo của thánh thần thuận cho.

Sách Tính lý gia lễ chép: Ngày xem bói phải đốt hương, hơ hai cái chén xin keo trên hương khói, cầu xin xong thì gieo hai cái chén vào mâm, hễ thấy một sấp một ngửa thì tốt. Ngày nay cách xin keo cũng như thế.

Sách Tựa nhật lục chép: Trước mặt kẻ sĩ dại không nên nói chuyện mộng-mỵ. Trước mặt người thông đạt không nên nói chuyện số-mệnh.

Phàm người có lòng bậy-bạ thì bị ngũ-hành làm mê hoặc, một khi có bụng tư riêng thì dễ bị quỷ thần kiềm chế.

Lời nói này thật chí lý.

[23a] Những điều mình thấy trong mộng-mỵ điều thuộc về ảo cảnh chưa ắt đáng tin được cả. Nhưng cũng có điềm báo trước việc lành dữ rất linh-nghiệm như tiếng vang. Một lời đoán bói, quỷ thần đã ứng ngay, sự quan-hệ không phải là nhỏ.

Đem mộng-mỵ nói với kẻ si dại thì có khi họ đoán sai, há không phải mình chuốc lấy điều hối lỗi vào mình?

Đến việc vi diệu về mệnh số, người bậc trung trở xuống chưa dễ đã hiểu thấu triệt được.

Sách Luận-ngữ chép: Sự hưng thịnh hay đồi phế của đạo là do ở mệnh.

Ông Nghiêm-Quân-Bình xem bói ăn tiền ở chợ chốn đô-thị gặp người thì chỉ nói việc trung hiếu.

Người phàm tục không biết tu thân, mơ tưởng xằng việc lợi ích, khổ tâm cầu cạnh, chưa được thì đổ cho số mệnh. Rốt cuộc họ không tự suy xét lại mình.

Còn đối với người thông đạt mà đem số mệnh ra nói thì sẽ bị họ cười cho.

Trời thì không hơi tiếng, không mùi vị, nhưng khi giáng lâm thì rạng-rỡ, mệnh trời thì không thường, nhưng việc lớn nhỏ chưa [23b] từng không tiền định.

Thuyết tiền định, người xưa thường nói đến, đã thấy trong kinh sử, trên từ bậc vương công, dưới đến làng nước, có khi trong câu hát đồng-dao, lúc sơ khởi dường nhứ mơ hồ khó tin nhưng rốt cuộc đều có chứng nghiệm cả. Đó là số cũng là lý.

Sách Tả chuyện chép: Vua Thành-Vương nhà Chu đóng đô ở Giáp-Nhục (nay thuộc tỉnh Hà-nam) bói được số đời truyền nối là 30, bói được số năm truyền nói là 800, thé mà phúc tộ nhà Chu đã kéo dài quá lịch số đã định trước

Ý thị nước Trần bói được câu:

Hữu-Vi chi hậu.

Trương dục vu Khương.

Ngũ thế kỳ xương.

Tịnh vu Chính-khanh,

Bát thế chi hậu

Mạc chi dữ kinh.

(Dòng dõi họ Hữu-Vi

Sẽ sinh ở họ Khương

Đến năm đời thì thịnh-vượng.

Đều làm đến chức Chính-Khanh.

Sau tám đời,

Thì không ai đọ được).

Về sau Trần-Kính-Trọng chạy sang nước Tề, con cháu về sau lại thôn-tính nước Tề.

Thúc-Tôn-Trang-Thúc nước Lỗ bói xem đứa con trai tên Bảo tương-lai sẽ ra sao, được mấy câu sau đây:

“Tương hành nhi quy chủ tự, dĩ sàm nhân nhập, kỳ danh viết Ngưu, tốt dĩ ngạ tử”

(Sắp đi thi quay về làm chủ việc cúng tế, nghe đứa sàm nịnh tên Ngưu, cuối cùng phải chết đói).

Về sau quả như thế.

Vua Hoàn-công nước Lỗ xem bói thấy sinh được đứa con trai tên là Hữu phù giúp công thất của Hoàn-công.

Đến sinh ra, đứa bé ở bàn tay có chữ [24a] Hữu. Đứa bé ấy lớn lên làm chức Chính-khanh đời đời nắm giữ vận-mệnh quốc-gia.

Bà Ấn-Khương nhà Chu mới có thai, Thai Thúc chiêm-bao thấy Thượng-Đế bảo mình rằng: “Ta sai đứa con ngươi, tên là Ngu. Hãy cho nó đất Đường thuộc Phân-dã sao Sâm. Con cháu sẽ sinh sản phồn-thịnh” .

Đến khi sinh ra, đứa bé quản nhiên có chữ Ngu ở trên tay, được Thành-Vương phong tước Đường, con cháu đời đời làm minh chủ các nước ở Hoa-hạ.

Khổng-Văn-Tử nước Vệ chiêm-bao thấy Khang-Thúc bảo mình: “Ta sẽ sai con người là Sử-Cẩu và Tôn-Ngữ giúp Nguyên” .

Về sau người ái thiếp của Tương-công sinh được đứa con, đặt tên là Nguyên. Nguyên cuối cùng nối ngôi. Cẩu và Ngữ đều làm quan Thượng-khanh.

Nàng Yến-Cật nước Trịnh chiêm-bao thấy Sứ-trời cho mình hoa lan và bảo: “Đấy là con ngươi” .

Về sau nàng sinh một đứa con, đặt tên Lan. Lan tức Trịnh Mục-công. Con cháu được phồn-thịnh.

Người nước Tào có lần nằm mộng thấy các quân-tử đến [24b] cung mời bàn tính làm mất nước Tào. Tào-Thúc và Chấn-Đạc xin đợi Công-Tôn-Cương làm chức Tư-thành cầm quyền chính.

Đến khi Tào-Bá-Dương lên ngôi, Công-Tôn-Cương là người nước Trịnh làm chức Tư-thành cầm uyền chính, phản-bội nước Tào, thông gian với nước Tống. Nước Tống bèn diệt nước Tào.

Dưới thời vua Hiển-công nước Tấn có câu đồng-dao[43] rằng:

Bính chi thần,

Long Vĩ phục thần.

Quân phục chân chân.

Thủ Quắc chi cân (kỳ).

Thuần chi bôn bôn,

Thiên-sách thôn thôn.

Hỏa trung thành quân.

Quắc công kỳ bôn.

(Sáng ngày bính,

Sao Vĩ không hiện.

Quân-đội mặc một màu rất dồi-dào.

Đoạt lấy cờ kỳ nước Quắc.

Sao Thuần nhấp nháy.

Sao Thiên-sách lu mờ.

Sao Hỏa-trung thành quân.

Vua Quắc-công phải bỏ chạy).

Về sau vua Hiền-công nước Tấn thắng nước Quắc, ngày tháng đúng với câu đồng-dao này.

Dưới thời vua Văn-công nước Lỗ có câu đồng-dao rằng:

Cù-dục chi vũ,

Công tại ngoại dã

Văng quỹ chi mã[44]

Cù-dục thù-thù,

Công tại Can-hầu.

Trưng kiến dữ nhu.

Cù-dục lai sào.

Viễn tai dao dao.

Trù phủ táng lao,

Tống phủ dĩ kiêu.

(Cánh chim sáo.

Vua ở ngoài đồng.

Tặng vua con ngựa.

Chim sáo nhảy nhót.

Vua ở Can-hầu.

Đòi quần đòi áo.

Chim sáo đến làm ổ.

Xa xôi diệu vợi.

Trù-phủ nhọc nhằn.

Tống-phủ kiêu-căng).

Về sau nước Lỗ có loài chim ấy đến làm ổ, Chiêu-công [25a] chạy ra nước ngoài, Định-công nối ngôi, nhất thể đúng như lời đồng-dao.

Cuối đời vua Định-vương nhà Chu, có người nước Tần bị yêu nhập nói rằng:

Chu kỳ tu vương

Diệc khắc tu kỳ chức.

Chư hầu phục hưởng.

Nhị thế cung chức vương thất.

Kỳ hữu gián vương vị.

Chư hầu bất đồ

Nhi thụ kỳ loạn tai.

(Ông vua nhà Chu đã có râu lúc sinh ra.

Cũng làm trọn chức vụ.

Chư-hầu đều phục theo.

Hai đời cung chức nhà Chu.

Có kẻ dòm ngó ngôi vua.

Chư-hầu không nghĩ đến,

Mà chịu loạn tai).

Về sau Vua Linh-vương nhà Chu sinh ra đã có râu, không làm điều ác với chư-hầu, con là Cảnh-Vương cũng được trọn đời. Đến khi Kính-vương lên ngôi thì Vương-Tử-Triều quả nhiên lấn ngôi, Vua thua chạy sang nước Tống.

Sách Sử-ký chép: Vua Mục-công nước Tần bị bịnh quyết (bịnh chân tay lạnh buốt) ngủ năm ngày mới tỉnh dậy, tự nói là mình gặp Thượng-Đế sai Mục-công dẹp yên loạn nước Tấn.

Về sau, Mục-công quả nhiên ba lần lập vua cho nước Tấn.

Cuối đời vua Tuyên-vương nhà Chu có câu đồng-dao rằng: “Yếm hồ, cơ phục, thực vong Chu quốc” (Cây cung làm bằng) gỗ trên núi, túi đựng tên làm bằng gỗ cơ, thật làm mất nước nhà Chu).

Về sau có người đem bán hai thứ ấy. Vua Tuyên-vương sai bắt người ấy. Người ấy chạy sang nước Quắc, rồi nuôi nàng Bao-Tự đem dâng lên cho vua U-vương nhà Chu gây nên cái họa ở núi Ly-sơn[45].