Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 1 - Chương 3

[25b] Căn-cứ vào những việc kể trên mà xem xét thì không những việc hưng thịnh hay đồi phế của nước nhà, mà số phận thông thường vận cùng khốn hay thông đạt của sĩ-phu đều được định trước ở cõi u-minh thiêng-liêng. Họ tên, tướng mạo hành chỉ, động tĩnh của mọi người đều có sự tiền định cả, không phải người ta tự-do được đâu.

Sách Trung-dung chép: Đạo chí thành có thể biết trước được. Nước nhà sắp hưng thịnh tất nhiên có điềm lành. Nước nhà sắp bại vong tất nhiên có yêu nguyệt (điềm dữ). Những điềm ấy thấy ở quẻ bói bằng cỏ thi hay bằng mai rùa, động ở chân tay. Họa phúc sắp đến, lành hay không lành tất nhiên thấy trước được, bởi lẽ lòng người có một điểm linh thông, quỷ thần thác vào đó mà báo cho biết.

Như vào thời Tây-Hán, các sách sách sấm-vĩ[46] của những thuật sĩ lưu truyền nói nhà Hán được nhận mệnh trời thêm một lần nữa, chép rõ-ràng tên họ của vua Quang-Vũ, lại nói đời thứ 9 họ Xích-Lưu[47] nhận mệnh trời ở núi Đại-tông (Thái-sơn).

Như thế, có thể nói sách sấm-vĩ đã viết rõ-ràng, Người thông-đạt biết việc đã qua, xét việc sẽ đến, chép rõ-ràng thành sách để người đời sau hiểu biết, hẳn [26a] đã có nhiều điều đoán lạ lùng và rất trúng.

Nhưng nói về bậc vua chúa thì phải gìn giữ thường tâm, cẩn-thận thường đức, chớ nói việc điềm lành, việc thuật số để nẩy lớn lòng mê hoặc của thói tục ngu-si.

Cho nên Lý Nghiệp-Hầu nói: “Số trời thì người khác có thể nói được, chớ bậc vua chúa tể-tướng không thể nói được” . Chính là vì lẽ đó.

Trong vũ-trụ chỉ có một lẽ mà thôi: Người ta tin những gì đã thường thấy, và nghi-ngờ những gì không được thấy.

Sách Trúc-phổ của Đái-Khải-Chi đời nhà Tấn chép: “Trời đất vô biên, thương sinh (nhân-dân) vô lượng. Người ta nghe thấy điều gì đều noi theo sự tiến đạt của lề-lối cũ rồi sau mới biết” .

Thế thì có đáng gì mà nói đến nữa.

Nếu tai mắt không nghe thấy mà biết, liền cho là không có như thế, thì há chẳng phải là hạng ngu-si thiển-cận hay sao?

Sách Gia-huấn của Nhan-Chi-Thôi ở nước Tề chép: “Vua Vũ-đế không tin có thứ keo nối được dây cung. Vua Văn-đế nước Ngụy không tin có thứ lửa giặt được vải. Người rợ Hồ thấy gấm, không tin có thứ sâu ăn lá cây [26b] nhả tơ dùng dệt ra gấm. Xưa ở đất Giang-nam người ta không tin có cái mùng bằng lông có thể chứa ngàn người, đến khi đến Hà-bắc lại không tin có thể chở được hai vạn thạch”[48].

Đó là những điều thực-nghiệm cả.

Lấy thuyết ấy mà suy luận có thể thấy rằng sự vật không thể biết cho xiết được. Này, trên từ bầu không-gian, dưới đến bờ cõi, có hình có tượng quái lạ muôn điều, lấy ý mà độ lường thì uổng phí tinh-thần, lấy lời mà biện-bạch thì thêm miệng lưỡi, mà đại-khái không đạt đến thực cảnh được, như thế để làm gì?

Cho nên cái học của người quân-tử chỉ noi theo lẽ thường mà thôi.

Người xưa bảo: “Biển ở Nam Bắc Đông Tây có bậc thánh-nhân ra đời” . Mọi người đều đồng một lòng ấy, và đồng một lẽ ấy.

Quốc-vương Mặc-Đức-Na nước Hồi-hồi dựng nước đúng vào đầu niên-hiệu Khai-hoàng nhà Tùy ở Trung-quốc, chế ra phép làm lịch, khảo xét [27a] thiên-tượng tự làm thành một quyển sách.

Lợi-Mã-Đậu (Matteo Ricci, 1552-1668, Giáo-sĩ người Italie). Nam-Hoài-Nhân (Ferdinandus Verbiest, 1623 – 1688, Giáo sĩ người Belgique), Ngải-Nho-Lược[49] (Giuleo Aleni, người Italie, vào Trung-quốc trong thời nhà Minh) là những người Tây-dương ở Âu-châu (Europe) trong khoảng niên-hiệu Vạn-Lịch nhà Minh vào Trung-quốc. Họ nói về trời về đất sâu sắc vô cùng. Họ bàn về lý chính-trị và phép làm lịch cũng có nhiều điều mà các tiên nho chưa tìm ra được. Ngôn-ngữ và văn-tự tuy không thông nhau, nhưng nghĩa lý sở đắc ở tâm thân, tài thức đầy đủ về học vấn, thật có khác gì với ở Trung-quốc đâu?

Thuyết của nhà tu theo Tiên là luyện hình. Thuyết của nhà tu theo Phật là luyện thần. Hình và thần đều nhờ có khí mới đứng vững được.

Khí tụ thì đạo thành. Khí tan thì đạo bất thành.

Lấy mặt trời mặt trăng làm thí-dụ.

Tiên-gia thì như thể-chất. Phật-gia thì như hình-ảnh. Thể-chất di-chuyển trên trời chưa hẳn là không có, hình-ảnh tan trong nước chưa hẳn là không còn.

[27b] Trương-Trạm viết bài tựa sách Liệt-Tử nói: “Sách này đại lược nói rõ mọi cái thực hữu, đều lấy chỗ rất hư-không làm chủ, muôn phẩm-vật đều lấy chỗ tiêu-diệt chung cuộc làm thực-nghiệm, thần tuệ thì lấy sự ngưng đọng tịch-mịch mà thường toàn, tưởng niệm lấy việc phụ vào vật để tự táng diệt, tri giác và hóa mộng thì ý chỉ cũng tham chước với kinh Phật” .

Thật đáng tin như vậy.

Xem trong sách Liệt-Tử Lâm-Loại trả lời Tử-Cống rằng: “Chết và sống chỉ là một đi và một về. Chết ở cõi bên này làm sao biết chẳng phải là sinh ở cõi bên kia? ”

Thì thuyết luân-hồi vốn đã có rồi không phải bắt đầu từ kinh Phật.

Thánh-nhân (Khổng-Tử) không nói việc thần quái, lại nói: “Chưa biết được cái sống thì làm sao biết được cái chết? ”

Những thuyết này cứ giữ lại mà không bàn luận đến thì hơn.

Sách nhà Phật có thuyết luân-hồi[50] mà các nhà nho thường không tin. Nhưng những việc mà xưa nay người ta đã nghe thật thấy được ghi chép vào sách vở thì vô số không thể xiết được. Thật ra thì không phải không có cái lý ấy.

Khổng-Tử nói: “Đức của quỷ-thuần rất [28b] dồi-dào, mắt trông thì không thấy, tai lắng thì không nghe, đầy dẫy như ở trên, như ở hai bên tả hữu.

Thuyết Âm-ty Địa-phủ tựa hồ hoang-đường. Tóm lại mà nói thì Tạo-hóa thật huyền-bí vi-diệu, cõi âm cõi dương chia cách khiến người ta không thể thấy được, không thể nghe được đó thôi.

Lúc cúng tế, quỷ thần tới nơi.

Thể phách tuy tiêu tan nhưng thần thức còn kết tụ.

Kinh Phật nói việc đầu thai nhận lấy hình-hài cũng là nói cái thần-thức ấy.

Phần tinh-túy của mặt trời và mặt trăng giáng xuống làm lửa và nước. Hơi khí của lửa và của nước bốc lên làm gió làm sấm.

Sự huyền-diệu của trời đất biến hóa qua qua lại lại không thể lường được, huống chi là của người ta.

Tả-truyện là một bộ sách chép nhiều việc thần quái.

Thải-tử nước Cung thác vào lời đồng bóng để quả phạt Huệ-công, tức là thuyết Thiên tào phán sự[51].

Trung-Hàng-Yển chiêm-bao thấy kiện nhau với Lê-công, tức là thuyết Địa ngục câu đối[52].

[28b] Tề-hầu chiêm-bao thấy con heo to.

Tấn-hầu chiêm-bao thấy ác quỷ to cùng với Lương-Tiên và Hồn-Lương-Phu gây tai họa, tức là thuyết Quỷ oan ức tìm báo thù.

Tử-Dư đem điềm báo trước trong mộng để bảo-tồn Hàn-Quyết.

Một ông lão cảm ơn đã gả chồng cho con gái của lão mà báo ơn Ngụy-Khỏa[53]. Đó là khí với mạch của hai người vốn tự cảm thông nhau.

Vệ-hầu chiêm bao thấy Đế-Tướng đoạt mất phần cúng tế.

Tấn-hầu chiêm-bao thấy ông Cổn nhà Hạ (cha của vua Vũ nhà Hạ) hóa thành con gấu vàng vào trong cửa.

Thế thì những bậc tiền-bối xa-xôi đời trước cũng còn lưu lại ảnh-hưởng cho đời sau.

Những việc xưa của thời nhà Chu còn rành rành có thể khảo xét được.

Trong khoảng vũ-trụ, cõi âm và cõi dương, cõi tối và cõi sáng, tuy đường lối có khác nhau, nhưng tâm tình vẫn là một. Thật có cái lẽ ấy.

Kinh Dịch nói: Tinh-khí là vật, du-hồn là biến, vì cớ đó mà biết được tình-trạng của quỷ-thần.

Quỷ là nói co lại. Thần là nói duỗi ra. Co lại mà có thể duỗi ra cho nên linh-ứng sáng-suốt mà làm [29a] thần. Cho nên Lão-Tử nói: “Lấy đạo trị thiên-hạ thì quỷ sẽ không thiêng[54]” . Ấy là nói cõi âm dương, cói tối cõi sáng đều có vị-trí phân-định rõ-ràng không có việc xâm lấn nhau.

Thánh-nhân hiểu biết rộng-rãi, không có sự vật nào là không soi xét đến.

Xem những điều ghi chéo trong sách Khổng-Tử gia ngữ thấy những chuyện như Biết chuyện Chuyên-xa[55]. Nói rõ về mũi tên Khổ-thỉ[56], Phân biệt được Quỷ-võng và Phần-dương[57].

Như thế há rằng Khổng-Tử không nói chuyện quái dị hay sao? Nhưng Ngài đặc-biệt không muốn làm nẩy lớn lòng mê-hoặc của học-giả nên thường lược qua không nói đến. Thì há rằng những việc quái dị thật không có hay sao?

Khéo thay Quách-Phác đã viết bài tựa ở sách Sơn-hải kinh[58] rằng: “Vũ trụ trống rộng, các loài sinh-vật rộn-rịp, âm dương hun xông, vạn vật phân biệt, tinh khí hỗn độn tự tung bốc lẫn nhau, du-hồn linh quái động tượng mà cấu kết, lưu hình ở núi sông, ghi dạng ở cây đá, ôi làm sao có thể nói cho xiết được? ”

Bài tựa ấy lại nói: “Vật loại tự nó không lạ, đợi [29b] ta nói đến rồi sai mới thành lạ, vậy cái lạ ấy tại ta, chớ không phải tại vật là lạ, bởi lẽ người ta tin những gì đã từng thấy quen, và cho là lạ những gì ít nghe nói đến. Đó là chỗ thường bị che lấp ở tâm tình của người ta.

Lời nói này đủ để xác-định việc bàn luận cho ngàn đời.

Trình-Tử nói: “Người xưa bói bằng mai rùa và bằng cỏ thi để quyết định việc nghi ngờ. Đời sau thì không như thế, họ xem bói để tính sự cùng thông của mệnh-số, để hỏi việc thành đạt hay không của bản thân mà thôi” .

Tôi trộm nghĩ thánh-nhân bày việc nói toán ra dạy hẳn là để người ta giải-quyết điều hiềm nghi, định-đoạt việc do-dự, chớ không phải là cho người ta dùng để doanh cầu việc lợi lộc và đạt thông. Cho nên thánh-nhân nói: “Kinh Dịch không phải để mưu tính cho kẻ tiểu-nhân. Nhưng kẻ sĩ quân-tử xử sự với mình cũng có điều nghi ngại muốn hỏi đến quỷ thần, như Tất-vạn bói cỏ thi để hỏi việc ra làm quan. Trùng-Nhĩ bói cỏ thi để trở vào nước, tuy là mưu tính cho bản thân nhưng cũng không có hại gì đến chính nghĩa.

[30a] Làm nhà cửa kỵ chỗ có sao Thái-tuế, Tống Thái-tổ nói: “Phía tây của đông-gia (nhà ở phía đông) tức là phía đông của tây-gia (nhà ở phía tây), như vậy thì sao Thái tuế ở đâu? ”

Không phải vậy.

Thần trong một năm là một linh khí. Khi đi trên trời chớ không phải ở dưới đất.

Cứ theo lời của Tống Thái-tổ thì gọi phía tây là đến tận Tây-hải mới thôi. Ngoài Tây-hải còn có đất nước nữa, và lấy bờ ấy làm phía đông.

Làng nước dân-cư đều có giới hạn, có bốn phương Đông Tay Nam Bắc của thiên-hạ, có bốn gốc đông tây nam bắc của ngôi nhà.

Việc xây cất nhà cửa đã vô tâm thì thôi.

Nếu có khi mình tự xem phương hướng mà thấy đã phạm thần-sát hay có khi nghe người ta nói đã phạm thần-sát mà cứ làm bừa đi, đó là bất kính thì làm sao gặp điều lành được?

Lưu-Khang-Công nói: “Nhân-dân nhận lấy khí trung-hòa của trời đất mà sinh ra, thế gọi là mệnh. Cho nên có những quy-tắc về động-tác [30b] và uy-nghi về an định số phận” .

Kinh Dịch nói: “Suy xét cho cùng cái lý, ngẫm nghiệm cho hết cái tính để đến cái mệnh. Chữ mệnh ấy lại gọi là giáng trung (lòng thành trời ban cho), lại gọi là bỉnh di (giữ đạo, thường), lại gọi là minh đức (làm sáng tỏ đức hạnh).

Hậu thế nói mệnh là cùng hay đạt, được hay mất, vinh hay nhục mà thôi.

Người xưa xem bói không chỉ dùng toàn cỏ thi mà thôi.

Sách Ly-tao của Khuất-Nguyên nước Sở có câu: “Sách quỳnh mao dĩ đình chuyên[59] hề, mệnh Linh-Phân vị dư chiêm: Tìm cỏ quỳnh mao để bói theo cách đình chuyên, sai ông Linh-Phân bói cho ta.

Sách chua:

Linh-Phân là tên người biết rõ cách bói cỏ thi vào thời xưa.

Đình là tre chẻ nhỏ.

Chuyên, người nước Sở thường kết cỏ chẻ tre để nói, gọi là chuyên.

Soi tỏ việc đã qua, xem xét việc sắp đến thì tự nhiên đã có thần-linh thông giải, một cộng cỏ nhỏ-nhen tưởng không có quan-hệ gì.

Kinh-Phòng lấy tiền gieo để lấy hào, chia ra âm dương và lấy thế-ứng. Đời sau bắt chước theo.

Phương xa tục lạ lại có ngõa bốc[60], [31a] bốc[61], điểu bốc[62]hưởng bốc[63]. Những cách nói này đều có thể đoán biết trước việc lành dữ, bởi lẽ đi đếm việc gì không có lý ở trong ấy cả.