Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 2 - Chương 1

Thuyết trời xoay qua bên trái, mặt trời mặt trăng và năm vì sao (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) chuyển qua bên mặt xưa nay còn phân vân, người ta còn cãi nhau.

Tôi trộm bảo rằng kinh Dịch có nói: Trời đất xuôi thuận mà chuyển động, cho nên mặt trời mặt trăng đi không quá độ bốn mùa không sai.

Chỉ dùng một lời này cũng đủ để quyết đoán rồi.

Từ ở mặt đất mà xem, chỉ thấy thất diệu (mặt trời, mặt trăng, Kim-tinh, Mộc-tinh, Thủy-tinh, Hỏa-tinh, Thổ-tinh) đi qua bên trái, nào thấy chuyển về bên mặt đâu? Trở ngược lại mà suy để cầu hợp với trời thì không chỗ nào không thể gọi là thuận động.

Bảo-Chương thị ở sách Chu-lễ lấy đất thuộc các phận sao mà phân biệt đất chín châu. Lãnh-vực phong cho chư-hầu đều có vì sao từng địa-phận để xem lành dữ. Nhưng sách ấy không còn lưu truyền.

Ông Ban-Cố đời Hán mới bắt đầu lấy mười hai triền-thứ (trạm dừng) theo lịch Tam-thống phối-hợp [1b] với mười hai phân-dã.

Quan Thái-sử Trần-Trác nước Ngụy lại nói rõ quận nào nước nào thuộc vào độ số của sao nào.

Cả thế-giới thật lớn-lao, các quận các nước ở Trung-châu quả có đủ để đương hết hay không?

Sao Giác, sao Trương, sao Khang chiếm độ số ít thì phân-dã phải hẹp.

Sao Đẩu, sao Ngưu chiếm độ sổ nhiều thì phân-dã phải rộng. Có lẽ dường như thế.

Còn Tây-vực và Bắc-mạc thì xa rộng không cùng. Mà ngoài Minh-hải và Bột-hải lại còn có đất nước cách xa Trung-châu không biết mấy muôn dặm lại không được ứng vào một vì sao nào là tại làm sao?

Cho nên Nha-Chi-Thôi nói: “Lúc trời đất mới mở-mang đã có tinh-tú, chín châu chưa chia, liệt quốc chưa phân. Về sau người ta cắt ranh-giới chia phân-dã cũng như làm triền-thứ (trạm dừng) cho tinh-tú.

Từ thời Phong-kiến trở về sau mới có việc chia cắt. Số quốc-gia có thêm có bớt, nhưng số tinh-tú không có lên.

Rủi lành họa phúc cứ trong ấy mà không sai, thì với sự lớn-lao của bầu trời bày hiện-tượng, với sự nhiều vô số của tinh-tú giăng ra, tại sao phân-dã của tinh-tú chỉ quan-hệ đến nước Trung- [2a] quốc mà thôi vậy?

Sao Mã, sao Mao-đầu là triền-thứ của nước Hung-nô.

Còn Tây-vực Đông-di, Điêu-đề, Giao-chỉ sao lại bỏ rơi?

Cứ như thế mà suy cầu thì cuối cùng không xong được.

Nhà sư Nhất-Hạnh cho rằng núi sông của thiên-hạ còn ở hai miền nam bắc cũng rất mênh-mong. Nay xem nước Bắc-Địch thì cho thuộc sao Mã, nước Triều-tiên thì cho thuộc sao Cơ, nước Giao-chỉ thì cho thuộc sao Chẩn, các bộ lạc ngoài biên ải thì đại-lược cho y theo các sao. Đó là theo thuyết cũ vậy.

Nhà Thành-Chu xưa đóng đô ở đất Bân đất Kỳ, kế tiếp đóng đô ở đất Phong đất Hạo. Nay địa-phận nước Tần là đất của nhà Chu.

Đất chia cho một ngàn tám trăm chư-hầu.

Tống, Tấn, Tề, Vệ, Hàn, Yên đều là những nước lớn cũ.

Tần, Trịnh đều là những nước lớn mới.

Ngô, Sở, Việt, Thục đều là những nước rất nhỏ cũ, sau này mới trở thành lớn.

Nước Triệu là do một quan [2b] khanh nước Tấn được phong sau rốt, lấy họ làm tên nước. Ông Tạo-Phủ lúc mới lập ấp ở Triệu-thành bất quá là một nước phụ-dung[64].

Hai ông Cam-công và Thạch-công viết sách Tinh-kinh (sách xem sao) có nói: “Thiên-thị-viên có những sao ứng vào các nước Chu, Tần, Trịnh, Việt, Tấn, Hàn, Ngụy, Triệu, Tề, Yến, Vệ, Thục, Ba, Lương, Sở. Hễ thấy những sao nào bị biến động xâm phạm thì nước ấy có việc không lành” .

Lời này chưa được xét đúng hay không.

Thời Xuân-thu trở về trước các nước lớn nhỏ ở lẫn lộn với nhau. Thiên-tử dựng một lượt hai kinh-đô, thì sách của Tinh-quan (quan xem sao) quả đã căn cứ vào đâu mà xem?

Tôi trộm nghĩ rằng Bảo-chương thị lúc bấy giờ lấy đất thuộc phân-dã của tinh-tú mà phân biệt cửu châu. Lãnh-vực phong chư hầu đều có tinh-tú theo địa-phận. Tất nhiên có sách ghi chép nhất định mà nay đã mất.

Nhưng người xưa xem xét khí-hậu tự mình đã có phép, cho nên Sĩ-Văn-Bá mới đáp lời Tấn-hầu rằng: “Lục vật (tuế, thì, nhật, nguyệt, tinh, thần) bất đồng, dân tâm không in nhau, thứ tự sự việc không đồng một loại, việc của quan không chung một quy-tắc, khởi đầu thì giống nhau, kết cuộc thì khác nhau, làm sao cho thông-thường được? ”

[3a] Này, vòng trời có 365 độ và một phần tư độ, chia làm 12 vị thứ, ở dưới thì ứng với chín châu.

Người nghiệm xét rủi hay lành tất phải căn-cứ vào cuộc đất chuộng đức hạnh nhận vượng khí của tiên-vương đã ở.

Các nước chư-hầu lúc mới chịu phong, nhận chức và được họ phải đem việc tiến thoái dừng nghỉ của ngũ vĩ (năm hành-tinh: Kim-tinh, Mộc-tinh, Thủy-tinh, Hỏa-tinh, Thổ-tinh) tham chước mới có thể khiến địa-vực của mình hợp với vị thứ các sao trên trời.

Khảo xét việc đó ở sách Tả-truyệnQuốc-ngữ thì có thể biết được. Đại-khái như nói:

Vương Nghiêu dời ông Át-bá ra Thương-khâu chủ về sao Thần (sao Đại-hỏa), người nhà Thương nhân đó mà theo, cho sao thần là sao thuộc đất nhà Thương.

Vua Nghiêu dời ông Thực-Trầm ra Đại-hạ, chủ về sao Sâm, người nhà Đường nhân đó mà theo, cho nên sao Sâm là sao thuộc đất nước Tấn.

Sách ấy lại nói: nước Tống là vị-thứ sao Đại-thần, nước Trần là sao vị-thứ sao Thái-hạo, nước Trịnh là vị-thứ sao Chúc-dung đều là sao Hỏa-phòng. Nước Vệ là vị-thứ sao Chuyên-húc, sao này thuộc đức thủy, hư không, vượng về thủy[65].

Sách ấy lại nói: Việc hỏa đời Đào-Đường thị (vua Nghiêu) chính là thuộc về ông Át-bá ở đất Thương-khâu [3b] giữ việc cúng tế sao Đại-hỏa mà lấy hỏa đức chép mùa, ông Tướng-Thổ (cháu của ông Khiết) nhân đó mà theo, cho nên nhà Thương chủ về sao Đại-hỏa.

Sách ấy lại nói: Sao Tuế ở vào tinh-kỷ (tên tinh-thứ) mà đi sai đường vào Huyền-tiêu, Long là sao Tuế tinh thuộc tinh phận nước Tống nước Trịnh, thì đất ấy sẽ bị nạn đói.

Sách ấy lại nói: Sao Tuế bỏ vị-thứ hiện tại của nó mà ngụ vào vị thứ của nó ở năm sau để hại sao Điểu-noa thì có hại, nước nhà Chu và nước Sở không ưa.

Sách ấy lại nói: Nước Trần là dòng-dõi họ Chuyên-Húc, hễ sao Tuế ở Thuần-hỏa thì bị diệt vong, sao Tuế ở Tích-mộc thì sắp khôi-phục.

Mặt trời năm lần đến sao Thuần-hỏa thì nước Trần cuối cùng phải mất.

Mặt trời rời khỏi sao Vụ-nữ thì vua nước Tấn sắp chết.

Sao Tuế ở vị-thứ sao Đại-lương thì nước Thái khôi-phục, nước Sở gặp nạn.

Khi Vũ-vương nhà Chu thắng nhà Thương, sao Tuế ở vào vị-thứ sao Thuần-hỏa.

Khi Văn-công nước Tấn lấy được nước, sao Tuế ở vào vị-thứ sao Thực-Trầm.

Mấy việc như loại này không có việc nào là không hợp với sự thật. Há như người đời sau đã xuyên-tạc đã phụ hội hay sao?

[4a] Năm thứ 2 đời vua Nhị-thế nhà Tần, năm ngôi hành-tinh (Kim-tinh, Mộc-tinh, Thủy-tinh, Hỏa-tinh, Thổ-tinh) tụ hội ở vị-thứ sao Đông-tỉnh và quay lưng về sao Nam-đẩu.

Có người nói: Sao Đông-tỉnh là địa-phận nước Tần thuộc phận Vị. Sao Nam-đẩu là địa phận nước Việt thuộc phận Sửu. Sửu và Vị đối nghịch nhau. Nước Tần mất vương-khí thì nước Việt được bá-khí, cho nên chức Úy Triệu-Đà hưởng ứng việc đó mà nổi lên.

Xưa nay môn lịch-học đều có căn-bản.

Lịch Thái-sơ[66] căn-bản vào chung luật.

Lịch Đại-diễn[67] căn-bản vào phép bói bằng cỏ thi.

Lịch Thụ-thì[68] căn-bản vào bóng mặt trời.

Mỗi thứ lịch này đều có thể lập thành một thuyết riêng. Nhưng tổng yếu mà luận thì lịch Thụ-thì hơn cả, bởi lẽ tượng có trước số, số ở sau tượng, có tham chước vào chung-luật (âm luật) và thi-sách (phép bói bằng cỏ thi) để xét nghiệm thiên tượng thì được, nhưng khảo xét thiên tượng để cầu-hợp với chung-luật (âm nhạc) và thi-sách (bói bằng cỏ thi) thì không có điều cưỡng ép.

Bóng mặt trời là thiên tượng rõ-ràng, đo lường rành-rẽ để lấy khí trung-hòa, không có phụ hội [4b] dời đổi rồi sau mới phù hợp với vòng trời.

Thuyết Trung tinh[69] Cơ hành[70] trong sách Ngu-thư cũng đều lấy bóng mặt trời mà suy độ.

Nhà làm lịch đều lấy nửa đêm ngày giáp-tý mùng một tháng 11 tiết đông chí làm đầu niên-lịch.

Ông Khang-Tiết lấy ngày giáp tháng tý sao giáp giờ tý làm số nguyên hội vận thế[71] không có ngày sóc hư, không có tháng dư nhuận, lấy 360 ngày làm một năm. Đó cũng là căn-bản.

Hoài-Nam-Tử nói: “Một luật là 5 tiếng. Mười hai luật là 60 tiếng. Lại nhân cho 6. Sáu lần sáu là 36. Thành ra 360 tiếng để đương với số ngày (360) trong một năm.

Phép làm lịch của người Tây-dương (Âu-Tây) cũng lấy 360 làm số độ trọn vòng trời, lấy 96 khắc làm 1 ngày, khiến mỗi giờ làm 8 khắc không có số lẻ để [5a] tiện suy toán thật là giản tắt.

Thuyết Thanh-đạo Xích-đạo xuất hiện từ Vĩ thư dịch kê lãm đồ.

Thuyết Địa hữu tứ du xuất hiện từ sách Vĩ thư khảo linh diệu.

Sách Quy tâm thư của Nhan-Chi-Thôi chép: Trời là tinh khí, mặt trời là dương-khí, mặt trăng là âm-tinh (tinh túy của khí âm), ngôi sao là tinh khí của vạn vật.

Ngôi sao rơi xuống lại là đá.

Này vật to lớn và ở xa mà người ta không thể đo lường được, khiến người ta khó hiểu biết thì không gì bằng trời.

Ngôi sao có khi rơi xuống lại là đá. Ngôi sao nếu phải hay không phải là đá thì không được có ánh sáng mà chỉ có chất nặng mà thôi thì dính mắc vào đâu?

Đường kính của một ngôi sao, thứ lớn đến hàng trăm dặm.

Một chòm sao, đầu đuôi cách nhau hàng mấy trăm vạn dặm.

Số ngôi sao trong một chòm sao là hàng vạn cái nối liền nhau, rộng hẹp, ngang [5b] lệch thường không dãn không co.

Hơn nữa ở ngôi sao và mặt trời mặt trăng, sắc sáng cũng như nhau chỉ có lớn nhỏ khác nhau mà thôi. Vậy thì mặt trời mặt trăng cũng là đá nữa sao?

Đá đã rắn chắc thì con quạ thỏ[72] làm sao ở được?

Đá ở trong không-khí thì há lại có thể chuyển vận một mình được?

Tôi cho rằng, ngôi sao trên trời có ánh sáng, ánh sáng ấy là khí. Khí ấy vừa rơi xuống liền bị gió tuyệt cao ở nửa từng không thổi mà đóng đặc lại thành đá, há rằng là đá sẵn có trên trời hay sao?

Mặt trời mặt trăng cũng là hơi khí chất chứa thành khối vĩ-đại có ánh sáng rực.

Ngôi sao là tinh-khí của vạn vật, cho nên khi rơi xuống thì thành đá.

Mặt trời là Thái-dương, tinh của lửa.

Mặt trăng là Thái-âm, tinh của nước.

Không được lấy đó mà khép vào lệ cho rằng mặt trời mặt trăng cũng là đá.

Đến như việc đo lường đường kính rộng hẹp của các ngôi sao thì phép ghi trong sách lịch của Âu-tây là tinh-vi hơn hết.

Nhan-Chi-Thôi lại nói: “mặt trời, mặt trăng và tinh-tú nếu đều là hơi khí (thể hơi khí thì nhẹ nổi lên hợp với trời) thì qua lại, xoay [6a] vòng không được trái ngược sai lệch nhau, và chậm hay mau theo lý phải đồng như nhau.

Thì cớ gì mặt trời mặt trăng, năm hành-tinh (Kim-tinh, Mộc-tinh, Thủy-tinh, Hỏa-tinh, Thổ-tinh) và Nhị thập bát tú đều có độ số, dời chuyển không đều nhau, sao lại là hơi khí lúc rơi xuống chợt biến thành đá? ” .

Tôi xét theo lời Hách-Manh đời Hán đã nói: “Trời là không có chất gì hết. Ta ngẩng lên mà xem, thấy trời cao xa không cùng. Mặt trời mặt trăng và các tinh-tú tự-nhiên sinh ra lớp lớp trong khoảng hư không, đi hay đứng đều thuộc hơi khí cả. Cho nên thất diệu (7 ngôi: mặt trời, mặt trăng, Kim-tinh, Mộc-tinh, Thủy-tinh, Hỏa-tinh, Thổ-tinh) khi ẩn khi hiện vô thường, lúc tiến lúc thoái không đồng bởi lẽ không có móc dính vào đâu cả mà đều thành khác nhau. Cho nên sao Thần-cực (sao Bắc-đẩu) thường ở yên ở một độ số, sao Bắc-đẩu không cùng với những ngôi sao khác lặn về tây.

Các sao Nhiếp-đề đều đi về phía đông, một ngày đi 1 độ, một tháng đi 30 độ.

Cho nên tinh-tú không có móc dính vào đâu cả, điều này có thể biết được” .

Cát-Trĩ-Xuyên nghe được lời này cười ông ta rằng: “Nếu tinh-tú không quấn buộc vào trời, thì trời vô dụng” .

Người theo Hồn-thiên [6b] học[73] cho là Tam-viên (ba ngôi sao: Tử-vi, Thái-vi và Thiên-thị) và Nhị thập bát tú cùng với trời vận hành nhất định không dời đổi. Đó là kinh-tinh (hằng-tinh, ngôi sao không dời chuyển).

Mặt trời, mặt trăng, Kim-tinh, Mộc-tinh, Thủy-tinh, Hỏa-tinh và Thổ-tinh cùng vận-hành với những tinh-tú khác nhưng vô định. Đó là vĩ-tinh (hành-tinh, ngôi sao dời chuyển vận-hành mãi).

Kinh-tinh và vĩ-tinh lẫn lộn cho nên thiên-tượng hiện ra.

Trải qua các đời người ta đều bắt chước theo thuyết ấy.

Trong đời gần đây, người Âu-tây vào Trung-quốc thật tinh-thông về trắc-nghiệm thiên-tượng có nói: Trời có chín từng:

1. Từng cao nhất là Tôn-động thiên, không có tinh-tú, mỗi ngày mang các từng trời khác từ đông sang tây chuyển sang bên trái một vòng.

2. Từng thứ nhì là Liệt-tú thiên.

3. Từng thứ ba là Trấn-tinh thiên.

4. Từng thứ tư là Tuế-tinh thiên.

5. Từng thứ năm là Huỳnh-hoặc thiên.

6. Từng thứ sáu là Thái-dương thiên.

7. Từng thứ bảy là Kim-tinh thiên.

8. Từng thứ tám là Thủy-tinh thiên.

9. Từng thấp hơn hết là Thái-âm thiên.