Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 3 - Chương 01

Sách Luận-hành chép: Trên trời có mặt trời mặt trăng và tinh-tú, gọi đó là văn. Dưới đất có núi sông gò hốc, gọi đó là lý.

Tôi nói: “Địa-lý ứng với thiên-văn ở trên, cho nên các bậc vương dựng kinh-đô ắt chọn ở dưới núi có danh tiếng hay ở trên sông to.

Như sao Tử-vi là ngôi vua cao nhất, bên tả tiếp với sông Ngân, cho nên kinh-đô Trường-An và Lạc-dương đều chiếm những chỗ cao ở núi Long-thủ và núi Bắc-mang hay những thắng cảnh ở sông Bá, sông Sản, sông Giản và sông Triền.

Các vua xưa kinh-lý thiên-hạ, định phong cương (bờ cõi), phân biệt các thổ nghi, để tề chỉnh chính-trị, sửa chữa giáo-hóa, chỉnh trị muôn dân, dẹp yên bốn biển, với quy-mô lớn-lao, tiết-mục tường-tận rõ ràng [1b] có thể trông thấy được.

Vua Vũ nhà Hạ phân biệt chín châu, định núi sông, phân ranh-giới, điều-lý sản-vật, phân biệt thuế-khóa.

Theo sách Chu-lễ, chức Tư-hiểm thuộc quyền của Hạ-quan coi giữ bản-đồ của chín châu; biết đầy đủ những chỗ hiểm yếu của núi rừng sông đầm, thông đạt đường lộ.

Chức Tụng-huấn thuộc quyền của Địa-quan coi giữ sổ-sách ghi chép của bốn phương để tuyên-cáo việc quan, để biết phong-tục ở địa-phương.

Chức Tư-đồ coi giữ bản-đồ đất-đai, biết đầy-đủ lãnh-vực của chín châu, và số lượng diện-tích (gồm có bề ngang bề dọc)[89] của chín châu, xét định danh-xưng và dáng-mạo của núi rừng sông đầm gò đống bến trũng, đồng cao ruộng thấp.

Người đời xưa thật tinh-tế cẩn-thận, phàm việc gì cũng biên chép vào sổ sách để phòng kê-cứu. Việc to việc nhỏ đều ghi, việc xa việc gần không sót, cho nên không cần ra khỏi cửa, chỉ ngồi ở nhà mà biết được việc ngoài muôn dặm.

Những công-dụng lớn-lao về việc sửa trị nước nhà không có điều gì là không do ở đấy.

Nhà Hán dựng lên, Tiêu-Hà thu lấy những bản-đồ và thư-sách của nhà Tần.

Hán Cao-tổ được những đồ-thư ấy mà biết đầy-đủ số nhà cửa số dân-chúng nhiều hay ít mạnh hay yếu và những nơi hiểm-yếu trong thiên-hạ.

[2a] Từ khi sách Hán-thư do họ Ban được soạn ra có phần Địa-lý chí thì quận-quốc, núi sông, dân vật, phong-tục, đường sá, hộ số mọi thứ đều được ghi chép đầy-đủ.

Về sau những nhà viết sử đời nào cũng có trứ thuật (làm sách) đều phỏng theo khuôn phép ấy chia thành điều mục mà trình-bày xem rất rõ-ràng.

Các bậc đế-vương xem những sách ấy thì đủ kiên-thức để nâng cao chí hướng đi tuần thú phương xa.

Các bậc công-khanh (quan to) xem những sách ấy thì đủ kiến thức để giúp đỡ việc chính-trị.

Các bậc sĩ đại phu khảo-cứu những sách ấy thì đủ kiến-thức để trở thành người quân-tử bác-vật nghe nhiều thấy rộng mà trong tương-lai cũng có thể góp phần bàn nghị khi bày hình-thế núi-non bằng gạo[90] hay vẽ bản-đồ dưới đất về chiến-trận. Thì há rằng những kẻ chỉ phân biệt được một vật, trí mưu làm được một việc lại có thể sánh cùng đồng hạng mà nói bàn được hay sao?

Sách Cửu châu địa vực đồ luận của Bùi-Tú đời Tấn cho rằng địa-đồ có sáu thể:

1. Phân suất để phân biệt mức độ diện-tích của đất đai.

2. Chuẩn vọng để chính-xác địa-thế cuộc đất này cuộc đất nọ.

3. [2b] Đạo lý[91] để định số dặm đường đi đến.

4. Cao hạ (cao thấp).

5. Phương tà (vuông méo).

6. Vu trực (cong thẳng).

Địa-đồ phải theo thế đất mà làm ra để so-sánh chỗ bằng-phẳng với nơi hiểm trở.

Lấy sáu thể này tham-nghiệm mà khảo cứu, tuy có núi cao biển cả cách trở, cõi riêng phương lạ xa-xôi, lên xuống quanh co khác lạ đều có thể căn-cứ vào đấy mà quyết-định.

Trâu-Tử nói: “Trung-quốc chiếm một trong 81 phần đất trong thiên-hạ. Trung-quốc được gọi là Xích-huyện thần-châu. Trong Xích-huyện thần-châu tự nhiên đã có chín châu, đó là chín châu theo thứ-tự lớn nhỏ của vua Vũ nhà Hạ[92]. Ngoài Trung-quốc, như Xích-huyện thần-châu có đến chín cái. Cho nên gọi là chín châu. Những châu này không được kể vào số chín châu của Trung-quốc[93].

Có biển nhỏ bao bọc như giữa một khu đấy là một châu. Có như thế ấy được tất cả chín châu, lại có biển to bao bọc ở ngoài nữa, đấy là chỗ trời đất [3a] giáp nhau.

Thuyết lúc này mới xuất hiện giống như hoang đường.

Nay khảo xét những sách Địa-lý chí, sách Tứ duệ liệt truyện trong Nhị thập thất sử[94], sách Phật quốc ký, sách Sứ Cao-ly lục, sách Sứ Lưu-cầu lục, sách Nguyên chinh Tây-vực ký, sách Chân-lạp phong thổ ký, sách Hạ tây dương ký của Trịnh-Hòa đời Minh, sách Nhật-bổn ký, sách Tây dương khôn dư đồ thuyết thì biết trong khoảng trời đất chiều đông-tây chiều nam-bắc là vô cùng vô tận.

Ranh-giới giữa hai nước gọi là cương.

Theo sách Chu-lễ, quan Đại Tư-đồ[95] đặt ra cương-giới đất kinh-kỳ và đào hào đắp đất làm ranh-giới.

Sách này có chú: Câu là đào đất làm hào để ngăn trở. Phong là đắp đất làm ranh-giới.

Thiệu-Tín-Thần[96] cai-trị đất Nam-dương, khai thông hào rãnh, lập đập nước, đặt điều-ước phân-phối đồng đều nước cho dân, [3b] khắc đá dựng ở bờ ruộng đề phòng việc phân-tranh. Đó là chính-sách hay đẹp, người làm quan-lại phải hiểu biết.

Sách Phong tục thông chép: Đường lộ ở đồng ruộng theo chiều nam-bắc gọi là thiên, theo chiều đông-tây gọi là mạch.

Sách Nhĩ-nhã chép:

Châu là chỗ đất có thể ở được giữa vùng nước.

Chử là châu nhỏ.

Chỉ là chử nhỏ.

Image Ngạn là bờ nước ở hai bên.

Hữ là đất ở hai bên bờ (nhai).

隩 Áo là bờ cong.

湄 My là chỗ cỏ và nước lẫn lộn.

汭 Nhuế là đường nước quanh co.

Lương là cái đập đá chặn dòng nước.

Đường là đắp đất ngăn nước.

Phần là bờ đê to.

Diễn là cái đầm rộng.

Cao là cái đầm cong.

Bi là cái bờ chắn nước.

Đàm là chỗ nước sâu.

Lại là chỗ nước chảy trên cát.

Xuyên là dòng nước lưu-thông.

Trạch là cái chầm, chỗ nước đọng lại.

谿 Khê là khe, chỗ nước tuôn xuống.

Cốc là hốc, chỗ nước đổ xuống khe.

Sách ấy chú rằng:

谷 Cốc là hốc, đường nước [4a] chảy thông giữa hai trái núi

澗 Giản là chỗ núi giáp nước.

Giản là đường nước giữa hai trái núi.

Sách Phong thổ ký[97] chép:

浦 Phố là vùng nước to có cái miệng nhỏ chảy thông ra chỗ khác

岩 Nham là nhai, là bờ núi cao.

崖 Nhai là bờ núi.

傅岩 Phó-nham là nơi ông Phó-Duyệt đời nhà Ân làm nhà ở ẩn.

Ông Lữ-Ôn đời nhà Đường có bài minh[98] về ông Phó-Duyệt như sau:

1. Hách hách Thang đức,

2. Như hỏa bất diệt.

3. Thao thao Thương tộ,

4. Như hải bất kiệt.

5. Phát tường bá khí.

6. Thế tác thánh triết.

7. Quốc đãn Vũ-Đinh.

8. Dã sinh Phó-Duyệt.

*

9. Duyệt thủy tư mỹ.

10. Vũ-Đinh tức tộ.

11. Đức thông thần giao,

12. Hốt mộng nhi ngộ,

13. Nhược Đế đạo ngã,

14. Kỳ vu hạo tố.

15. Hữu vô chi gian,

16. Giải cấu tương ngộ.

*

17. Tiêu y nhi khởi,

18. Viên đắc kỳ nhân.

19. Mạo phù tâm khế,

20. Như cựu quân thần.

21. Long phi tại thiên.

22. Sơn xuyên xuất vân,

23. Cảm ứng tự trí.

24. Kỳ gian vô nhân?

*

25. Xá trúc Phó-Nham,

26. Thoát thân bằng thăng.

27. Tác lâm thì hòa.

28. Phấn tiếp xuyên [4b] trình.

29. Kim tại ngô lệ

30. Mộc tùng ngô thằng.

31. Quân hà ngôn tai?

32. Ân đạo trung hưng.

*

33. Nguyên, Khải phan long,

34. Vi Thuấn thục hài?

35. A-Hành can Thang,

36. Bão đỉnh bồi hồi.

37. Hội hợp chi tế,

38. Quyết duy gian tai!

39. Hà như mộng trung,

40. Thiên thụ thần khai.

*

41. Duy hiền thị đăng.

42. Đạo quý đặc đạt.

43. Phỉ thứ vật dụng,

44. Tài kỷ ủng át.

45. Cao-tông đắc Duyệt,

46. Nãi tại hoảng hốt.

47. Yết minh ly quang,

48. Vạn cổ bất một

Dịch nghĩa

1. Đức của vua Thang[99] rực rỡ,

2. Như lửa cháy không tắt.

3. Phúc nhà Thương cuồn cuộn.

4. Như biển cả không dứt.

5. Phát hiện điềm lành, gieo rắc khí hòa.

6. Đời nào cũng có vua sáng tôi hiền.

7. Quốc-gia sinh ra Vũ-Đinh[100].

8. Ông Phó-Duyệt là sinh ra ở đồng hoang.

*

9. Thuở trước ông Phó-Duyệt bị tù khổ sai.

10. Vua Vũ-Đinh nhà Ân lên ngôi.

11. Đức huệ thông ứng, tinh-thần giao cảm,

12. Chợt chiêm-bao rồi tỉnh dậy,

13. Như có Thượng-Đế dẫn đường cho ta,

14. Mong mở-mang lại nghiệp cũ.

15. Lúc mơ-màng trong cảnh thực hư,

16. Vua Vũ-Đinh chiêm-bao thấy gặp ông Phó-Duyệt

*

17. Vua dậy sớm mặc áo đi tìm,

18. Thì được người gặp trong mộng.

19. Hình dáng ông Phó-Duyệt phù hợp với người trong mơ, tâm tình thì đầu hợp nhau,

20. Như vua tôi cũ từ xưa.

21. Lúc ấy rồng bay lên trời, vua lên ngôi.

22. Sông núi bốc mây,

23. Trời đất cảm-ứng mà đưa đến như thế,

24. Trong khoảng ấy lại không có nguyên-nhân hay sao?

*

25. Ông Phó-Duyệt bỏ công việc đắp tường ở Phó-Nham,

26. Như con chim bằng thoát thân bay vút lên.

27. Mưa dầm, mùa-màng được thuận hòa.

28. Phấn-chấn mà chèo trên thủy trình trên sông.

29. Sắt thì đã có đá mài của ta[101].

30. Gỗ thì đã theo dây mực của ta[102].

31. Vua sao cần phải dạy bảo điều gì nữa?

32. Đạo nhà Ân được trung-hưng.

*

33. Như tám kẻ bề tôi giỏi[103] và tám kẻ bề tôi hòa[104] đều vin theo chúa[105] mà lập công danh.

34. Nếu không phải có ông Thuấn thì ngôi của vua Nghiêu về ai cho hợp?

35. Ông A-Hành (tức Y-Doãn) cầu vua Thành-Thang trọng dụng.

36. Đã ôm vạc mang thớt làm bếp mà bồi-hồi.

37. Trong lúc vua tôi gặp nhau,

38. Cũng khó-khăn thay![106]

39. Sao bằng trong giấc mộng, vua Vũ-Đinh đã gặp ông Phó-Duyệt.

40. Trời dạy bảo cho, thần mở-mang cho.

*

41. Được tôi giỏi thì phải dùng mau.

42. Đạo quý ở chỗ được đặc-biệt thành đạt.

43. Không theo thứ-tự cất nhắc lên thì không được vua dùng,

44. Thì người có tài bị ngăn chận.

45. Vua Cao-tông được ông Phó-Duyệt,

46. Là ở trong giấc mộng mơ-hồ.

47. Bài minh này phô bày điều rạng-rỡ,

48. Vạn cổ vẫn còn (không mất).