Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 3 - Chương 02

Sách Tam-Tần chép: Sông Hoàng-hà chảy xuống Long-môn, cuồn cuộn mau như tên bắn. Mỗi năm trong khoảng cuối mùa xuân, có giống cá chép vàng lội ngược dòng mà lên. Con chép nào lội lên được thì hóa thành rồng.

Theo sách Sử-ký, Trương-Lương đưa tiễn Hán-vương đến Bao-trung, bảo đốt mất đường sạn-đạo[107]. Bao-trung tức là Tà-cốc.

[5a] Xưa có sạn-các[108] 2.989 gian và bản-các[109] 2.992 gian. Số ấy trải qua các đời có tăng giảm không nhất trí.

Sách Thông-giám[110] chú: Theo chế-độ nhà Đường,

Hành-trình đường bộ

- Ngựa đi 1 ngày 70 dặm

- Đi bộ và cưỡi lừa 1 ngày 50 dặm

- Đi xe 1 ngày 30 dặm

Hành-trình đường thủy

- Thuyền chở nặng đi ngược sông Hoàng-hà 1 ngày 30 dặm, đi ngược trên sông Trường-giang 1 ngày 40 dặm, đi ngược trên các sông khác 1 ngày 45 dặm.

- Thuyền không đi ngược trên sông Hoàng-hà 1 ngày 40 dặm, đi ngược trên sông Trường-giang 1 ngày 50 dặm, đi ngược trên các sông khác 1 ngày 60 dặm.

- Thuyền nhẹ hay nặng đi xuôi ven theo dòng sông thì đồng một quy-chế, đi xuôi theo sông Hoàng-hà 1 ngày 150 dặm, đi xuôi theo sông Trường-giang 1 ngày hơn 100 dặm, đi xuôi trên các sông khác 1 ngày 70 dặm.

Thiên Địa-lý chí trong Đường thư chép: Trong mười đạo (khu-vực hành-chánh), ở:

Đạo Quang-trung có 134 cửa quan,

Đạo Quan-nội có 31 cửa quan,

Đạo Hà-nam có 15 cửa quan,

Đạo Hà-đông có 33 cửa quan,

Đạo Hà-bắc có 24 cửa quan,

[5b]Đạo Sơn-nam có 5 cửa quan,

Đạo Hoài-nam có 12 cửa quan,

Đạo Giang-nam có 1 cửa quan,

Đạo Kiếm-nam có 12 cửa quan.

Quản-Tử nói: “Phương-hướng của một địa-vực, nếu bốn góc không được xét định, thì đất ấy mất là tất nhiên:

Đông-bắc là góc cấn,

Đông-nam là góc tốn,

Tây-bắc là góc kiền,

Tây-nam là góc khôn

Sách Loại-thư chép: Đất đồng-bằng của nhà Chu ở phía nam núi Kỳ, từ phía đông ngang suốt phía nam, đất mầu-mỡ đẹp- đẽ rộng-rãi bằng-phẳng, tức là miền mà Kinh thi có câu: Chu nguyên vũ vũ[111] là đồng bằng của nhà Chu mầu-mỡ, đẹp-đẽ,

Hạo kinh[112] của nhà Chu ở phía tây nam huyện Hàm-dương của nhà Tần, cách kinh-đô Trường-an của nhà Hán nhà Đường bằng một con sông Vị.

Vua Văn-đế nhà Tùy dời đô sang vùng Đại-hưng tức núi Long-thủ, đất dài 60 dặm, đầu núi ăn vào sông Vị, đuôi núi đạt đến Phàn-xuyên, đất đỏ không có cỏ cây.

Nhà Đường nhân đó đóng đô ở đấy.

Thành Trường-an của nhà Hán về phía tây-bắc [6a] cách đấy 20 dặm, Về sau có mở vườn ngự-uyển ở phía bắc Hoàng-thành, vườn ngự-uyển ấy phía đông đến sông Vấn, phía tây liền với thành cũ Trường-an, phía nam[113] liền với kinh thành, phía bắc gối lên sông Vị.

Phường Vĩnh-lạc ở thành Trường-an tức là có gò nằm ngang ăn với hào thứ năm của quẻ Kiền.

Vũ Văn Khải nhà Tùy xây thành Đại-hưng nhận thấy trong thành có sáu cái gò to nằm ngang song song nhau từ đông sang tây giống sáu hào liền nhau của quẻ kiền Image, cho nên ở hào Cửu-nhị[114] đặt cung thất của vua để làm chỗ ở cho bậc đế-vương, ở hào cửu tam (hào thứ ba từ dưới đếm lên) đặt dinh-thự của bá quan để ứng với số quân-tử, hào cửu-ngũ là ngôi báu không muốn cho thường dân ở đấy cho nên đặt Huyền-đô quán[115] và Đại-hưng thiện tự[116] ở đấy để trấn-áp.

Thành Lạc-dương, phía trước hướng thẳng về đất Y-khuyết[117], phía sau chiếm-cứ núi Kỳ-sơn, phía trái có sông Triền-thủy, bên mặt có sông Giản-thủy, còn sông Lạc-thủy chảy xuyên [6b] vào giữa.

Ở ngoài phía tả chiếm cứ Thành-cao, phía hữu ăn đến Mẫn-trì, đó là nơi mà Vũ-nương nhà Chu và Chu-công đã xem mà đóng đô.

Vua Cao-Tân đóng đô ở đất Bạc.

Vua Thành-Thang nhà Thương đóng đô ở đất Tây-Bạc, tức là cách Lạc-ấp 70 dặm về phía đông.

Về phía đông-bắc huyện Yển-sư[118] trên núi có lăng vua Thành-Thang, Tôi trộm nghĩ nhà Thương nhà Chu chọn lấy hình-thế phía hướng mặt, phía quay lưng giống nhau, nhưng cách nhau có một khoảng.

Sách Sách phủ nguyên quy[119] chép: trong thành cũ Trường-an nhà Hán đất đỏ như lửa mà rắn như đá. Các phụ lão tương truyền rằng: ngày xưa người ta đào lấy hết núi Long-thủ mà làm thành.

Trong thời Nguyên-đế nhà Hán, lúc ấy cõi Quan-trung toàn thịnh, Dực-Phụng-Kỷ dâng sớ nói: “Muốn dời đô về đất Thành-chu. Đất này bên tả chiếm lấy đất Thành-cao, bên hữu ăn đến Mẫn-trì, phía trước hướng về núi Tung-sơn, phía sau tiếp với sông to” .

Ông lại nói: “Tất phải có [7a] ông vua phi-thường, về sau mới lập được công-nghiệp phi-thường” .

Ông lại nói: “Nhân cuộc biến của trời mà dời đô gọi là cùng thiên-hạ đổi mới lại từ đầu, tột rồi thì trở về gốc trước, cho nên có thể kéo dài đến vô cùng” .

Nay vận nhà Hán chưa dứt, may mà được bắt đầu mới trở lại để kéo dài phúc tộ mãi mãi thì chẳng là hay hơn sao? ” .

Vua Nguyên-đế không chịu nghe theo.

Chẳng bao lâu Vương-Mãng soán ngôi nhà Hán bèn đóng đô ở Lạc-dương.

Nhà Thạch-Tấn[120] (936-946) đóng đô ở đất Biện. Đến đời nhà Tống cũng không thay đổi vẫn đóng đô ở đấy. Đó là tình thế đã khiến như vậy. Bởi lẽ, từ vua Trang-tông nhà Hậu-Đường đóng đô ở Lạc-dương, quân và dân vì đói thiếu mà than oán. Nhà vua bèn xuống chiếu buồn đau cho nhân-dân mà không kịp nữa.

Đọc bài chiếu thư ấy có câu: “Ruộng nương hoang phế, nhân-dân lưu ly thất sở, thuế khóa thu nạp không đủ cho quân-đội (7b) mà chuyển-vận từ nơi khác lại chưa kịp. Gần đây muốn đến đất Lương đất Tống lại chạnh lòng thương xót sinh-linh, lại sợ hành-trình làm lao nhọc châu huyện cung đốn, lại chuyển thành điêu tàn, không còn biết chẩn-tế làm sao? ” .

Cũng thật đáng thương.

Vua Minh-đế nối ngôi có xuống chiếu thư rằng: “Tiên-đến cho chở lương-thực ở Quan-ngoại cung cấp cho quân mã ở trong thành Lạc-dương khiến trăm họ phải khốn đốn, không xiết nỗi nhọc-nhằn về vấn-đề lương thực” .

Nay ta muốn lo-liệu xếp đặt, sai quan Độ-chi[121] và quan Tổng-quản sứ[122] hội họp định đoạt số quân ở kinh-đô, còn số lương-thực dự-trữ ở gần kinh-kỳ thì có thể khiến quân binh đến đấy mà ăn.

Hồi trước việc chở lương-thực theo đường thủy đến kinh-đô thì sở Tô-dung ty[123] phải mướn thuyền của tư nhân, Nay đã chia quân-binh đến ăn thì việc chuyên-chở lương-thực theo đường thủy phải dừng lại. Các thuyền của tư nhân ở các bến sông đều giao trả lại cho bổn chủ” .

Do đó có thể nhận thấy việc đóng đô ở Lạc-dương thật gian-khổ.

Tiếp theo đó nhà Hậu-Tấn sáng lập cơ nghiệp bèn (8a) dời đô về đất Biện-lương, thật vì ở đất ấy thuyền xe giao-thông tụ hội, người và vật dồi dào, thuế mà mùa xuân và mùa thu khá đầy-đủ ở kinh đô, nhân-dân ở xa gần khỏi phải nhọc-nhằn về việc chuyên chở lương-thực. Nhân đó, dựng quốc đô ở đấy là để tiện lợi cho quân và dân.

Đến thời vua Thế-tông nhà Chu, kinh đô ấy ngày thêm phồn-thịnh, lại mở rộng đô-thành, hoạch-định đường sá, doanh trại của quân binh, kho vựa, công-thự.

Đến khi vua Thái-tổ nhà Tống nối theo thì chế-độ đã thành-tựu, văn-vật đã đầy-đủ, bá quan, vạn dân và sáu quân[124] được sống yên ổn ở đấy đã lâu, thì còn ai chịu bỏ nơi ấy mà dời đô về Lạc-dương nữa?

Hàn-Hiến-Tử cho là đất Tân-điền có đất dày nước sâu, dân chịu nghe lời dạy bảo thật lợi cho mười đời, đã khuyên vua Cảnh-công dời đô về đấy.

Nhà Tấn trải qua các vua Lệ-công, Điệu-công, Bình-công, Chiêu-công, Khuynh-công, Định-công, Thành-công tất cả bảy đời giữ tước công, đến đời thứ tám mới bắt đầu suy, nhưng được kéo dài đến ba đời nữa.

Đất U đất Yên, bên tả có biển Thương-hải bao quanh, bên hữu có núi Thái-hàng ôm bọc, phía bắc gối lên đất Cư-dung, phía nam liền với sông Hoàng-hà và sông tế. (8b) Chu-Tử bảo: “Đất U đất Yên là phong thủy hạng nhất. Xét ra, phía tây cách phủ Thuận-thiên 30 dặm tức là chỗ đuôi dãy núi Thái-hàng bắt đầu từ Hà-nội, về đến U-châu, nơi ấy hình mạnh thế to, muôn vẻ đua kỳ chen thúy.

Huyện Ngọc Điền cách phủ Thuận-thiên 200 dặm về phía đông, nhưng ở phía tây-bắc huyện ấy là dãy núi Yên-sơn từ một dãy Tây-sơn xiên xiên từ phía đông tiến lại kéo dài hàng mấy trăm dặm đến bờ biển.

Tô-Triệt có bài thơ:

燕山如長蛇

千里限夷漢

首銜西山麓

尾抵東海岸

Yên-sơn như trường xà,

Thiên lý hạn Di Hán.

Thủ hàm Tây-sơn lộc,

Vĩ để Đông hải ngạn.

Dịch nghĩa

1. Núi Yên như con rắn dài,

2. Ngàn dặm ngăn cách giống Rợ và giống Hán.

3. Đầu dãy Yên-sơn ngậm lấy chân núi Tây-sơn,

4. Đuôi dãy Yên-sơn ăn đến bờ biển Đông.

Vả lại đất ấy bề lưng đội lấy núi trùng-trùng điệp-điệp, bề mặt hướng về đất phẳng, có nhiều mối lợi về cá muối dưa trái thóc ngựa thật đã được phần hiểm trở thiên-nhiên và phần lợi-ích về phần địa-thổ.

Sách Thiên-trung ký chép: Trung-nguyên là đất sản-xuất bậc đàn ông khôi kiệt (đứng đầu trội hơn cả) vĩ kỳ (lớn-lao lạ-lùng). Giang-nam là đất sản xuất hạng đàn bà thanh-tú đẹp-đẽ. (9a) Khí thiêng đã chung đúc nên nhân-vật như thế vậy.

Sách Địa-lý chép: Những ngọn núi Thạch đầu thành, từ xa ngàn dặm trông như một dãy núi.

Gia-Cát Vũ Hầu (Gia Cát Lượng) nói: “Đất Kim-lăng về địa-hình có núi Chung-sơn như con rồng khoanh quấn, có núi Thạch-thành như con cọp ngồi, đúng là kinh-đô của bậc đế-vương” .

Kim-lăng tức núi Chung-sơn.

Vua Thành-vương nước Sở nhân đất ấy có khí-thế đế-vương mới chôn vàng ở đấy để trấn áp, cho nên gọi là Kim-lăng.

Chu Văn-công nói: “Núi trong thiên-hạ đều phát-nguyên ở núi Dân-sơn, núi Tưởng-sơn thật là chỗ cuối cùng của mạch núi ấy. Từ khi nhà Tôn-Ngô đóng ở đấy đến nay, chỗ ấy trở thành nơi thắng cảnh” .

Âm quá thịnh là cái cớ sinh ra dương. Khí hại bất hòa quá nhiều là cái triệu-chứng sinh ra điềm lành.

Lúc nhà Tây-Chu đương thịnh, vô cớ Từ-Nhung làm loạn về sau lại tiếm xưng vương-hiệu.

Đời Tuyên-vương và Mục-vương lắm lần quân của nhà vua phải dấy động việc chiến-tranh.

Trong thời Xuân-thu [9b] các nước tự do trộm xưng tước hiệu, cuối cùng bị nước Ngô nước Sở tiêu-diệt rồi chìm đắm vào đất Di[125] Địch[126] hàng mấy trăm năm.

Cuối cùng người thống-nhất thiên-hạ là vua Cao-tổ nhà Hán. Hán Cao-tổ là người ở Từ-bái.

Trong thời Lưỡng-Tấn, nước Tần nước Lương chia nhau chiếm cứ. Trong thời-gian đó, Lưu-Diệu, Phù-Kiên, Diêu-Hưng, Trương-Tộ, Lữ-Quang-Tổ, Cừ-Thốc-Phát, Khuất-Phục và Hách-Liên đánh nhau mà trở thành rối loạn cùng cực.

Cuối đời Nguyên-Ngụy, rợ Hồ đầu hàng rồi làm phản, phải chịu cảnh binh đao tàn phá đến cùng cực hơn một trăm năm.

Cuối cùng người thống nhất tiên hạ là vua Cao-tổ đời Đường, Vua Đường Cao-tổ là người ở đất Lũng-tây.

Trong niên-hiệu Thiên-bảo đời vua Đường Huyền-tông (742) thiên-hạ đang thái-bình, thì đất U-châu có loạn.

Từ trước đến thời nhà Đường thiên-hạ giết hại lẫn nhau.

Đến đời Lưu-Sùng-Quang không ai lo phục-hồi luân-lý.

Nhà Thạch-Tấn lấy đất hối-lộ rợ Khiết-đan, ác khí tích tụ làm thành tai-họa rất khốc liệt hàng một trăm mấy mươi năm.

Cuối cùng người thống nhất thiên hạ là vua Thái-tổ nhà Tống. Tống Thái-tổ là người ở đất Trác-quận.

Trong niên-hiệu Kiến-viêm (1127) vua Tống Cao-tông chạy sang phía nam sông Hoàng-hà ở đất Lưỡng-Hoài (Hoài-nam và Hoài-bắc), việc biên hấn [10a] thường gây nạn xung-đột binh đao.

Đến đời nhà Kim sang nhà Nguyên mỗi năm đều có việc cướp phá rối loạn.

Sau cuộc loạn của Lý-Toàn đất nước chỉ còn là điêu-tàn. So với những châu khác, châu ấy bị cướp phá rất nguy-kịch hàng mấy trăm năm.

Cuối cùng người thống-nhất thiên-hạ là vua Thái-tổ nhà Minh. Minh Thái-tổ là người ở Hào-châu.

Nghĩ lại những nơi khởi bạo loạn bị binh đao tàn phá lại là đất cơ-sở của bậc đế-vương hưng khởi. Việc đó há là thường tình có thể suy dò được sao?

Trời đất là cùng một khí. Xưa nay là cùng một cơ. Đầy, vơi, tiêu, trưởng cố nhiên đã tự có lúc. Trị, loạn, thịnh, suy hẳn là vận số. Nhưng trước phải thu hợp lại rồi sau mới trương ra, trước phải đóng lại rồi sau mới mở ra, mới thấy lẽ huyền-diệu tự nhiên của Tạo-hóa.

Trong sách Bách xuyên học hải[127], Văn-Tôn-Bá nói: “Phàm mạch đất ở nơi đô hội đều có âm dương.

Cửa và sân lộ ra ánh sáng là dương. Trong nhà và nơi buồng ẩn trong tối là âm.

Thất khiếu[128] bày ra trên mặt là dương. Ngũ-tạng[129] [10b] kết ở trong lòng là âm.

Đất Quan-trung thì lấy phía bắc núi Thái-họa, núi Chung-nam làm dương, lấy sông Vị làm bến mà kinh-đô Trường-an ở ngay đấy, lấy khoảng đất Phong đất Hạo đất Bân đất Kỳ làm cửa làm sân, lấy phía nam núi Thái-họa núi Chung-nam làm âm, lấy sông Hán làm bến mà đất Hán-nam ở ngay đấy, là chỗ buồng kín trong nhà vậy.

Cho nên mở cửa Hàm-cốc cho giao-thông tám trấn để mưu-đồ nghiệp đế-vương.