Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 3 - Chương 04

Khuất-Đại-Quân nói: “Quảng-châu có 4 tháp. Các nhà hình-học cho là khí-lực của Trung-nguyên (Trung-quốc) đến Lĩnh-nam thì suy mỏng” .

Đất Lĩnh-nam rất thấp và mỏng, đó là chỗ tận cùng của sơn-thủy, ở phía đông thì thủy-khẩu (miệng tuôn nước ra) trống không, khí linh không còn ở đấy nữa. Theo phép thì phải lấy nhân-lực mà bù vào. Lấy nhân-lực bù vào thì không gì bằng xây tháp.

Do đó lấy Xích-cương làm phương tốn (phương đông-nam) mà xây tháp ở trên ấy. Tháp xây chín bậc đứng cheo-leo ở bên bờ sông.

Phía đông Lĩnh-nam có Bà-châu ở giữa hai con sông cũng quay mặt về hướng tốn (đông-nam), lại có hai trái núi, một trong hai trái núi ấy thì cao và bằng-phẳng và có xây tháp ở trên cho khí từ dưới xoay cuốn bốc lên của toàn cõi nước Việt được hoàn-bị và vững bền.

Lại có tháp Phù-liên (sen nổi) thắt cửa biển lại khiến cho núi sông ngoảnh trông lại càng hữu tình để khí-lực càng trọng hậu.

Này, Quảng-đông là chỗ một dãy [19b] dài núi non liên-lạc giao tréo kéo xuống. Thế mà bảo đất Lĩnh-nam đất rất thấp. Giao-chỉ ở về phía hữu của Quảng-đông, vùng Vân-nam và Quý-châu là nơi mạch núi xuất phát, thì đất Lĩnh-nam quả là vùng thượng-du cao vút có thể biết được vậy. Cho nên những con sông ở Quảng-tây phần nhiều bắt nguồn ở Giao-chỉ để chảy xuống Thương-ngô và đổ vào biển Nam-hải.

Sách Nam-Việt chí chép: Mã-Viện đục thông núi Cửu-chân, lại chất đá làm bờ để ngăn sóng biển. Vì thế mà sóng biển không vượt qua Trường-hải (Nam-hải) nữa.

Ngày nay đường bộ vào Thanh-hoa thì đi hai ngả, ngã Thiết-giáp sơn và ngả Tam-điệp sơn. Tôi tưởng rằng Mã-Viện khởi đầu đục núi khi khai thông ở đấy.

Nhưng sách Hậu-Hán thư của Tạ-Thừa chép: Bảy quận cõi Giao-châu đem lễ vật dâng cống vào Trung-quốc đều theo đường Trường-hải mà ra và vào.

Sách này chỉ nói bảy quận chớ không nói chín quận. Tôi trộm nghĩ rằng: Quận Cửu-châu và quận Nhật-nam thì theo đường bộ đến Giao-châu rồi sau mới do đường biển dâng cống vào Lạc-kinh.

Sách Quảng- [20a] đông tân ngữ lấy Trường-hải làm Quảng-châu, thì hình như tác-giả chưa khảo-cứu thuyết Mã-Viện đục thông núi Cửu-chân ở Nam-Việt.

Vân-nam là quận Ích-châu đời nhà Hán.

Sách Tử-đồng chí của Thường-Cứ đời Tấn chép: Văn-Tề làm Thái-thú ở Ích-châu. Trong thời Công-Tôn-Thuật xưng đế ở Ích-châu, Văn-Tề chiếm quân không chịu đầu phục mới sai sứ do đường Giao-chỉ đi dâng cống đến Hà-bắc.

Thế thì Vân-nam có đường thông qua Giao-chỉ đi vào Trung-quốc từ lâu rồi.

Sách Tấn-thư chép: Hoắc-Qua từ Nam-trung sai tướng là Dương-Tắc đem quân đi giữ Giao-chỉ bị Đào-Hoàng, tướng nước Ngô, chống cự phá tan.

Đấy đúng là con đường từ Ích-châu đi xuống Giao-chỉ.

Trong niên-hiệu Phổ-thông thứ 4 (523) nhà Lương lại chia đất Giao-chỉ đặt ra Ái-châu.

Quận Nhật-nam đời nhà Hán, đến đời nhà Ngô bị đặt riêng ra làm châu Cửu-đức, đến đời nhà Lương lại chia ra làm Đức-châu, đến đời nhà Tùy trong niên-hiệu Khai-hoàng[153] bắt đầu đổi ra Hoan-châu và Diễn-châu, tức là [20b] đất huyện Hàm-hoan đời nhà Hán, đến đời Đường trong đầu niên-hiệu Vũ-đức[154] được đặt ra Hoan-châu, trong niên-hiệu Trinh-quán[155] được đổi làm Diễn-châu, rồi sau lại bỏ.

Đầu niên-hiệu Quảng-đức (763-765) vua Đường Đại-tông lại chia Hoan-châu đặt ra Diễn-châu.

Sách Thủy kinh chú nói Mã Văn-uyên (Mã-Viện) dựng cây nêu bằng loài sắt (kim-tiêu) để làm ranh-giới phía cực-nam của Trung-quốc. Cây kim-tiêu là cây trụ đồng.

Sách Tư trị thông giám chép: Đời nhà Tùy, Lưu-Phương đi đánh nước Lâm-ấp, đi ngang qua sông Thà-lê, cả phá quân Lâm-ấp, tiến qua phía nam cột đồng trụ của Mã-Viện, đi tám ngày đến kinh-đô nước ấy.

Hồ-Tam-Tỉnh đời Tống hợp các thuyết mà chú như sau:

Sách Tân Đường-thư chép: Từ Lâm-ấp chạy sang châu Lãng-đà, phía nam là bến to, có năm cây cột đồng. Hình núi giống như những cây lọng dựa vào nhau, phía tây là núi đá chập-chùng, phía đông là biển cả. Mã-Viện đời Hán dựng cây trụ đồng ở đấy.

Đỗ-Hựu nói: “Nước Lâm-ấp đường đi cả thủy lẫn bộ độ 2.000 dặm, có nước Tây-đồ-di là nơi Mã-Viện dựng hai trụ đồng làm nêu ranh-giới.

[21a] Núi Đồng-tru, chu-vi được 10 dặm, giống hình cây lọng dựa nghiêng, phía tây tiếp đến núi đá chập-chùng, phía đông ăn đến biển cả” .

Tống-Bạch nói: “Mã-Viện đi đánh nước Giao-chỉ, từ quận Nhật-nam đi hơn 400 dặm đến nước Lâm-ấp, lại đi xuống phía nam hơn 200 dặm nữa thì có nước Tây-đồ-di. Mã-Viện đến nước này đúc ba cây cột đồng ở ranh-giới quận Tượng-lâm và dựng lên ở đấy để chia ranh-giới với nước Tây-đồ-di” .

Vậy tính từ Giao-châu đến chỗ dựng cột đồng là 5.000 dặm.

Xét thuyết của Đỗ-Hựu và của Tống-Bạch thì thấy cây trụ đồng ở về phía nam nước Lâm-ấp.

Nay sách Tùy-sử chép: Nước Lâm-ấp ở về phía nam cây trụ đồng.

Hoặc là nước Lâm-ấp về sau càng lớn rộng gồm nuốt nước Tây-đồ-di mà làm nước mình. Việc này cũng chưa thể biết được.

Nhưng Khâm-châu ở cách hơn 300 dặm về phía tây phủ Hải-đông của bổn quốc có núi Phân-mao lãnh[156]. Ở nửa chừng núi Phân-mao lãnh lại có cây trụ đồng cao độ 1 trượng 2 thước, không biết là sao?

Trong niên-hiệu Nguyên-hòa (807-821) đời Đường Hiến-tông quan Đô-hộ Mã-Thông [21b] dựng cây trụ đồng ở chỗ cũ trong thời nhà Hán. Đấy có lẽ là cây trụ đồng của Mã-Thông dựng lên.

Lâm-ấp tức là nước Chiêm-thành. Hai đười trước triều nhà Lý và triều nhà Trần đã đánh lấy nước ấy đặt ra những huyện Tân-bình và Bố-chính.

Bổn-triều (nhà Lê) đặt ra xứ Thuận-hóa thống-quản hai phủ, lại đánh lấy đất nước ấy đặt ra xứ Quảng-nam thống-quản ba phủ.

Sách Thủy-kinh của Tang-Khâm đời Hán chép: Sông Diệp-du ở Ích-châu chảy ra từ ranh-giới phía bắc đất ấy, rồi từ phía đông-bắc huyện ấy chảy qua phía đông huyện Bất-vi, chảy về phía tây ra khỏi ranh-giới Ích-châu, đổ vào phía bắc huyện Tây-tùy thuộc quận Tương-ca làm sông Tây-tùy, lại chảy về phía đông ra cửa quan Tiến-tang, chảy về phía bắc huyện Mi-linh thuộc quận Giao-chỉ chia làm năm con sông chảy rằn-rịt trong quận Giao-chỉ đến ranh-giới phía đông lại hợp thành ba con sông chảy về phía đông đổ vào biển.

Ngọn sông phía nam từ phía đông huyện Mi-linh chảy qua phía bắc huyện Phong-khê rồi chảy về phía đông sang hồ Lãng-bạc.

Xét ra, Mã-Viện [22a] đã dẹp yên Giao-chỉ, lại chia 400 dặm lập hai huyện Phong-khê và Vọng-hải.

Mi-linh tức là huyện An-lãng. Huyện này đời nhà Hán rất to gồm cả đất những huyện Sơn-vi và Phù-ninh ngày nay.

Từ xưa tới nay hoặc theo cũ hoặc đổi mới mỗi thời có khác nhau khó mà truy khảo được.

Tôi thường xem Minh-sử, thấy chép: Phía đông huyện Thái-hòa phủ Đại-lý có con sông Tây Nhĩ-hà phát-nguyên từ núi La-cốc sơn huyện Lãng-khung mà chảy vào đấy, lại chảy sang phía đông hợp với 18 con sông[157] ở núi Điểm-thương sơn mà giụm lại ở đấy.

Ở phía tây có sông Dạng-bị từ châu Quy-xuyên chảy vào hợp với sông Tây Nhĩ-hà, lại hướng về phía đông-nam chảy vào sông Lan-thương.

Phía tây-nam phủ Cảnh-đông có sông Lan-thương phát-nguyên ở Kim-xỉ, chảy suốt qua phía tây-nam của phủ Cảnh-đông hơn 200 dặm, chảy về phía nam đổ vào phủ Xa-lý làm sông Cửu-long. Hạ-lưu sông này chảy vào quận Giao-chỉ.

Phía đông- [22b] bắc phủ Xa-lý có sông Lan-thương hợp với sông Cửu-long chảy đến quận Giao-chỉ làm sông Phú-lương và đổ vào biển cả.

Phía đông-nam huyện Mông-tự phủ Lâm-an có sông Lê-hoa tức là sông Lễ-xã, chảy về phía đông-nam đổ vào sông Thanh-thủy ở quận Giao-chỉ.

Ở phía nam lại có Liên-hoa than[158] tức là chỗ hạ-lưu sông Lan-thương và thượng-lưu sông Thao ở Giao-chỉ.

Phía đông-nam Triệu-châu thuộc phủ Đại-lý có sông Bạch-nhai Thương-giang, hạ-lưu sông ấy là sông Lễ-xã.

Tham khảo những điều trên thì thấy:

- Sông Tuyên-quang của nước ta tức là hạ-lưu sông Lễ-xã ở Vân-nam.

- Sông Thao ở Hưng-hóa tức là hạ-lưu sông Lan-thương ở Vân-nam.

Sông Dạng-bị lại có tên là Hắc-huệ giang xuất phát từ phủ Mông-hóa, trên thì hợp với hạ-lưu sông Khả-bạt thuộc Tây-phiên, dưới thì hợp với sông Tây Nhĩ-hà, lại hợp với sông Lan-thương.

Thế thì sông Phú-lương tức sông Lan-thương là rõ [23a] lắm.

Lại theo sách Điền-nam du ký chép: Sông Lan-thương ở Điền-nam nước Thổ-phồn chảy về phía tây-bắc, quanh-co hướng về phía đông-nam rồi ngoằn-ngoèo ở ranh-giới huyện Vân-nam, chảy đến Giao-chỉ đổ vào biển cả.

Trong sách Điền-nam du ký tác-giả có dẫn những tài-liệu ở Nguyên-sử để làm chứng: Trong niên-hiệu Chí-nguyên thứ 8 (1271, đời Nguyên Thái-tổ), Trương-Đạo-Lập đi sứ sang Giao-chỉ sang Hắc-thủy vượt qua Vân-nam để đến nước Giao-chỉ.

Tài-liệu này chỉ rõ sông Lan-thương là Hắc-thủy.

Sách ấy lại chép: Sông Tây Nhĩ-hà phát nguyên từ mấy chỗ ở La-cốc sơn thuộc huyện Lãng-khung. Những chỗ ấy nước phun lên trắng xóa như châu-thụ (cây bằng bột ngọc châu).

Đời truyền rằng đó là mạch nước chảy ngầm của Hắc-thủy.

Lại có con sông nhánh chảy quanh-co ở phía tây-nam huyện Thái-hòa làm sông Phí-thủy hợp với sông Dạng-bị, lại hội với sông Lan-thương mà đổ vào biển Nam-hải.

Lấy điều này tham-khảo thì có thể thấy sông Lan-thương là hạ-lưu sông Hắc-thủy, sông Phú-lương là hạ-lưu sông Lan-thương.

[23b] Sách Vân-nam sơn xuyên chí chép: Sông Tây Nhĩ-hà ở phía tây phủ thành tức là sông Diệp-du ngày xưa, phát nguyên từ Đặng-châu thuộc phủ Đại-lý hợp với 18 con sông ở núi Điểm-thương sơn mà giụm lại ở đấy. Dòng sông giống như vành tai người vòng quanh hơn 300 dặm, phía trong có những thắng-cảnh như Tam-đảo, Tứ-châu và Cửu-khúc.

Hạ-lưu sông Tây Nhĩ-hà hợp với sông Dạng-bị.

Sách Tây Nhĩ-hà chí chép: Sông Diệp-du có một tên nữa là Tây Nhĩ-hà xuất phát từ núi La-cốc sơn thuộc huyện Lãng-khung, ở dưới từ phía tây-bắc huyện Thái-hòa chảy qua phía đông, đổ về phía đông huyện ấy, vòng quanh phía tây-nam huyện ấy, rồi từ trong hang đá chảy ra làm sông Phí-thủy, hợp dòng với sông Dạng-thủy và sông Lan-thương mà đổ vào biển Nam-hải.

Điều này thật hợp với lời ghi chép trong sách Điền-nam du ký.

Người nước ta gọi sông Phù-lương là sông Nhĩ-hà, bởi vì con sông này tuy là sông Lan-thương chảy xuống nhưng cũng là hạ-lưu sông Tây Nhĩ-hà vậy.

[24a] Phủ Lâm-an ở Vân-nam liền đất với hai phủ Tuyên-quang và Hưng-hóa của nước ta.

Trương-Giai-Dận đời nhà Minh chép: Lâm-an là nước Câu-dinh xưa, trị-sở đặt ở phía tốn (phía đông-nam) đất Điền, địa-thế rất thấp đến ranh-giới Giao-châu và Quảng-châu chỉ có 400 dặm, buổi sáng thì khí trời ấm-áp, chỗ quận-trị rộng-rãi lớn lao mà sáng sủa cao ráo.

Phía tây-bắc có 3 động: Vạn-tượng, Thủy-vân và Nam-minh. Sông dài ngàn dặm thắt lại chỗ ấy giống như sợi dây đai. Thủy-thế khi ẩn khi hiện xuyên qua Chức-vân-căn, chảy xuống Giao-châu, tụ lại ở Quảng-châu rồi đổ vào biển Nam-hải.

Sách Cựu-chí chép: “Thần mưa[159] thích đất Kiềm[160], còn thần gió[161] thì thích đất Điền”[162].

Cho nên tỉnh Quý-châu có nhiều mưa.

Sách Quảng-tây chí chép: Mười vạn (100.000) ngọn núi bao bọc ba mặt phía đông phía nam và phía tây châu Thượng-tứ. Cách thành 80 dặm [24b] những ngọn núi lởm chởm nối liền nhau kéo dài thẳng đến địa-phận Lộc-châu của nước An-nam. cho nên nói là Thập-vạn sơn làm giới-hạn đất Giao-chỉ.

Dọc theo dải núi có 8 cửa ải phụ theo mà bày ra.

Sông Minh-gian phát nguyên ở núi ấy rồi hợp với các khe khác do động Vu-long chảy về phía tây ngang qua Tư-châu đến đông-nam thành châu Ninh-minh, lại chảy về hướng bắc hợp với sông Long-giang ở Long-châu.

Núi Thanh-liên sơn ở cách một dặm về phía bắc Thượng Đống châu và Hạ Đống châu, phát mạch từ châu Quảng-nguyên đất Giao-chỉ chạy về phía đông đến cảnh-giới phủ chạy dài cao ngất làm hậu chướng cho châu Quảng-nguyên.

Núi Công-mẫu sơn ở phía bắc thổ châu Tư-lăng tiếp với núi Giao-nam, thế núi cao-ngất rộng-rãi có trúc rậm rừng sâu, cảnh sắc thanh tú đẹp mắt.

Núi Tú-lĩnh sơn ở cách 90 dặm ven theo phía nam động Hạ-long gần ranh-giới châu Thất-nguyên phủ cao bằng đất Giao-chỉ, chảy ngang qua [25a] Thượng Đống-châu và Hạ Đống-châu, chảy vào phía trước Nhiêu-châu rối chảy ra hợp với sông Minh-giang.

Sách Quảng-tây Tam-giang khảo chép: từ phía tây-nam Ngô-châu, đi ngược dòng 330 dặm đến Tầm-châu, sông tách về phía đông thành là Tả-giang.

Sông ấy có hai nguồn:

1. Một nguồn xuất phát từ núi Thập-vạn sơn chỗ ranh-giới Nam-di đất Giao-chỉ, chảy qua châu Thượng-tứ, chảy dài đến Long-động, xuống châu Tư-minh, chảy vào sông Giao-chỉ, chảy xuống châu Ninh-minh, hợp với sông Long-châu, chảy xuống phủ Thái-bình, hợp với sông Lợi-thông, chảy xuống châu Tân-ninh, hợp với sông Đà-bài, chảy đến trấn Hợp-giang, hợp với sông Tương-ca làm sông Giao-chỉ. đó là nhánh tả ở bên trái.

2. Một nguồn xuất phát từ Vân-nam, do ngả Phú-châu chảy vào cảnh-giới Điền-châu đến chợ Lợi-tái, chảy vào sông Tứ-thành, chảy xuống Điền-châu, Phụng-nghị châu, Thương-thự huyện, Quả-hoá châu, Long-an huyện, hợp với sông Nam-lưu, theo sông Ủng- [25b] giang, chảy đến Hợp-giang trấn, hợp với sông Giao-chỉ làm sông Tương-ca. đó là nhánh hữu ở bên trái.

Những con sông ấy hợp dòng chảy đến phủ Nam-ninh, hợp với sông Bát-xích, chảy xuống phủ Vĩnh-thuần, hợp với sông Đống-phụ, chảy xuống Hoành-châu, hợp với sông Tư-vũ, chảy xuống huyện Quý-châu, hợp với sông Hoành-my, chảy đến phía đông Tầm-châu gặp sông Tả-giang, gọi chung là sông Tả-giang.

Con sông ở phía tây thành Tầm-châu là sông Hữu-giang, cũng có hai nguồn:

1. Một nguồn xuất phát từ sông Thanh-thuỷ, chảy qua phủ Lê-bình ở Quý-châu, hợp với sông Cổ-châu, chảy xuống huyện Hoài-viễn, hợp với sông Lãng-khê, chảy xuống Dung-huyện, hợp với sông Đái, chảy đến huyện Liễu-thành, hợp vói sông Long-giang. Đó là nhánh hữu ở bên mặt, gọi là sông Dung.

2. Một nguồn xuất phát từ phủ đô-quân thuộc Quý-châu, hợp với sông Hoàn-thuỷ, chảy đến phủ Khánh-viễn, hợp với sông Tiểu-giang, chảy đến huyện Liễu-thành hợp với sông Dung. Đó là nhánh tả ở bên trái, gọi là Long-giang.

Những con sông ấy hợp với dòng [26a] chảy đến phủ Liễu-thành, vòng quanh ba mặt thành, hợp với sông Lạc-thanh và hội với những con sông khác ở phía Tây-bắc Quế-lâm, chảy xuống Tượng-châu, hợp với sông Hồng-thuỷ, lại hợp với những con sông khác ở phía tây-bắc Tứ-khánh, chảy xuống huyện Tuyên-vũ, hợp với sông Đoạn-đằng, chảy đến phủ Tầm-châu, hợp với sông Hữu-giang, gọi chung là Hữu-giang.

Hai con sông hợp làm một mênh-mông muôn khoảnh, hợp với sông Đại-hoàng, chảy xuống huyện Bình-nam hợp với sông Bạch-sa và sông Mông-giang, chảy xuống Đằng-huyện hợp với sông Tú-giang, chảy xuống phủ ngô-châu hợp với sông Ly-giang, đó gọi là sông Tam-giang.

Ba con sông chảy giụm lại đổ hết vào châu Phiền-long, chảy xuống địa-giới Quảng-tây, hợp với sông Khai-kiến, chảy xuống huyện Phong-châu hợp với sông La-bàng, chảy xuống châu Đức-khánh, hợp với sông Liên-ly, chảy xuống phủ Triệu-khánh, chảy ra Đoan-hạp.

Một dòng từ châu Mặc-nghiễn chảy đến sông Cửu-giang, chảy xuống huyện Tân-hợi, chảy ra Giang-môn.

Một dòng từ [26b] Thanh-kỳ khẩu chảy xuống Tư-hiền khác (?), hợp với sông Trinh-giang, chảy xuống huyện Tam-thuỷ, chảy đến Phật-sơn, đến phủ Quảng-châu chia dòng chảy vào biển cả.

Từ Tầm-châu trở lên, phía bên trái là bãi cạn Ô-man thuộc Hoành-châu, phía bên mặt là sông Hắc-long, sông Tam-kiếm ở Khánh-viễn, sông Khung-bích, sông Đoạn-đằng ở Vũ-tuyên. Những con sông này đều có đá lộn-xộn nổi ngang dòng sông có sóng nước xoáy quanh, đà công lái thuyền nên cẩn thận.

Từ Tầm-châu trở xuống dòng sông không có sự nguy-hiểm về bãi cạn nước xoáy quanh về ghềnh ngược, nhưng lại có nỗi lo ngại về khói sóng gió bão.

Nếu mình giương buồm rẽ sóng cỡi thuyền chạy một mạch đến ngàn dặm, cùng lướt thuyền trên sông Ly-giang vào mùa hè nước tràn, thấy núi bay cây chạy, buổi sáng rời đất Bát-quế, buổi chiều đến cõi Thương-ngô, như vậy cũng là một thắng-cảnh đi thuyền.

Ở tỉnh Quảng-tây người ta gọi Minh-giang là con sông phát-nguyên từ núi Thập-vạn sơn ở Lộc-châu thuộc tỉnh Lạng-sơn, hợp với các khe nhỏ chảy về phía bắc [27a] đến châu Thượng-tứ để chảy xuống châu Minh-ninh.

Người ta gọi sông Giao-chỉ là cái khe nhỏ phát-nguyên ở Cao-lâu thuộc tỉnh Lạng-sơn, chảy qua Lục-đoàn Tứ-trại mà chảy xuống hợp với sông Minh-giang ở châu Ninh-minh.

Người ta gọi là Tiểu-thuỷ (sông con), con sông phát-nguyên từ châu Văn-uyên thuộc tỉnh Lạng-sơn, chảy vào châu Bằng-tường, cùng với những con sông trong châu Văn-uyên hội nhau ở châu Thượng-thạch, chảy về nam đổ vào phía tây châu Hạ-thạch, chảy qua Tư-châu rồi đổ vào sông Minh-giang.

Người ta gọi Đại-thuỷ (sông to), con sông phát-nguyên từ châu Quảng-nguyên thuộc tỉnh Cao-bằng do cửa quan Thuỷ-khẩu ở Long-châu chảy xuống đổ vào phía trước Thượng Đống châu và Hạ Đống châu, xuôi dòng chảy đến Long-châu, hợp với hạ-lưu sông Minh-giang, chảy đến trấn Hợp-giang đổ vào Tả-giang.

Tôi nhân vâng lệnh đi sứ đi thuyền ở Tam-giang, dọc đường hỏi thăm nguồn ngọn các con sông và dở xem bản-đồ thì nhận thấy rằng những ngọn núi cao nhất ở Lạng-sơn Cao-bằng là nơi phát-nguyên những con sông ấy, còn những sông ở Quảng-tây đều là hạ-lưu của những con sông ấy.

Bài Cửu [27b] long ca được truyền-tụng trong nước ta cho rằng những con sông ở Quảng-tây đều bắt nguồn từ Long-châu bên Tàu. Như thế là sai.

Phía bắc thành Ninh-minh châu thuộc tỉnh Quảng-tây có Mã-bào tuyền[163], cũng gọi là Thái-tử tỉnh (giếng của Thái-tử). Nước suối ấy trong và ngọt, chứa vào bình hơn mười ngày mùi vị cũng như xưa, có thể dùng làm thuốc trừ khí độc lam chướng.

Các sứ-giả đi cống qua khỏi cửa quan đến sông Minh-giang, lên thuyền liền phải múc lấy nhiều nước suối ấy dự-trữ mà dùng để đi đến Nam-ninh, không dám uống nước sông Uất-giang.

Khi trở về nước, các sứ-giả đến đấy liền múc lấy nhiều nước ấy để đi đến thành Lạng-sơn, không dám uống nước ở sông Bằng-tường.

Tương truyền: Trấn-nam vương đời nhà Nguyên đi đánh Chiêm-thành trở về, quân-sĩ uống nước sông Minh-giang mà phải bịnh, mới cầu đảo với thần. có con ngựa lấy chân trước đào đất thì nước suối phun lên, cho nên gói là suối Mã-bào.

Sách Thuỷ-kin h chép: Sông Cân-giang phát-nguyên từ phía đông-bắc huyện Giao-chỉ, chảy đến huyện Lãnh-phương đất Uất-lâm, chảy về phía đông đổ vào [28a] châu Uất châu Dung.

Nay xem ở phía tả đô-thành nước ta như sông Thiên-đức, sông Xương-giang, sông Chú-hựu đều chảy xuống trấn Hải-dương mà đổ vào biển cả, chớ không có chảy vào châu Uất, châu Dung thuộc cảnh-vực nước Tàu.

Chỉ có con sông ở thành Lạng-sơn, dòng nước chuyển sang Nhiêu-châu rồi theo dòng chảy vào cảnh-vực nước tàu hợp với sông Minh-giang.

Ý định rằng có lẽ đó là sông Cân-giang ngày xưa đấy.

Đất-đai một huyện đời Hán rất lớn, Long-biên ngày xưa phải là đất Kinh-bắc ngày nay (thời Lê-Quý-Đôn thuộc nhà Lê).