Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 3 - Chương 05

Sách Sơ-học ký chú rằng: sách Giao-châu ký của Lưu-Trừng-Châu nói huyện Long-biên có núi cao, là noi phát-nguyên sông Kinh-thuỷ.

Sách Hoàn-vũ ký[164] chép: Quỷ-môn quan ở cách 30 dặm huyện Bắc-lưu có hai hòn đá đứng đối nhau. Mã-viện đi đánh rợ Lâm-ấp có dựng bia ở đấy.

Sách ấy lại chép: Đời nhà Tấn ai đi sang Giao-chỉ đều phải noi ngả Quỷ-môn quan. Phía nam Quỷ-môn quan lại [28b] nhiều chướng-khí nhất. Cho nên có câu ngạn-ngữ:

Quỷ-môn quan,

Thập nhân khứ, cửu bất hoàn.

Dịch nghĩa

Cửa Quỷ-môn,

Mười người đi, chín chẳng về.

Nay xét huyện Bắc-lưu gần châu Tân-an thuộc tỉnh An-quảng của nước ta, cửa Quỷ-môn này phải ở chỗ này. Nay tục truyền nói cửa Quỷ-môn ở xã Binh-lang thuộc châu Ôn, tỉnh Lạng-sơn là sai.

Sách Sử-ký chép: Phục-ba Tướng-quân (Mã-Viện) đi ven biển mà tiến, noi theo núi mà đốn cây đi hơn ngàn dặm mà dấu chân cũng chưa đặt đến Lạng-sơn.

Cao-biền trị binh ở trấn Hải-môn tại huyện Bác-bạch. Đó là con đường đi vào Giao-chỉ trong đời nhà Đường. Nay con đường đó bị lấp mất không dùng đi nữa cũng ở gần huyện Bắc-lưu.

Sách Giao-châu ký của Lưu-Hàn-kỳ chép: Phù-thạch sơn ở trong biển, đứng dựng cao mấy mươi trượng nổi trên mặt nước.

Sách ấy lại nói: có một trái núi được thần-nhân khắc và khâu làm như cái rạp để bắn tên. Cách ngôi nhà đá mấy mươi [29a] bước, ban đêm thường nghe tiếng bắn tên.

Vương-Thức đời Đường trấn-thủ nước An-nam có trồng cây điều-mộc làm rào để phòng-ngự có thể chống giữ hàng mấy mươi năm.

Sách ấy có chú: chữ Image âm đọc điều, là thứ dương thỉ táo có gai.

Lại đào hào sâu ở ngoài, phía ngoài hào trồng tre, quân địch không thể mạo phạm vào được.

Sách Ngu hành chí chép: tre điều có nhiều gai. Đất Tân-châu ở Quảng-đông vốn không có thứ tre điều này.

Nơi thành quách quận thủ, Hoàng-tế bắt đầu trồng thứ tre này, dê và heo không thể chui ngang được. Hàng rào phòng-thủ bằng thứ tre này gọi là trúc-thành.

Nghe đồn ở ngoài thành Giao-chỉ cũng có thứ tre gai này.

Chữ 竻 đọc lặc (lư + đắc = lặc).

Sách Đường-sử chép: Cao-Biền trấn-thủ nước An-nam, hằng năm có sứ-giả đến. Cao-Biền lén cho đào đường lộ năm chỗ, đặt binh hộ-tống. Đường tắt có đá ngầm.

Nghe đồn rằng: Phục-ba Tướng-quân (Mã-Viện) không đục đá làm đường được. có sét đánh phá tan núi đá, đường lộ mới [29b] được thông. Nhân đó mới gọi con đường ấy là Thiên-uy cảng. Thiên-uy cảng nay ở huyện Quỳnh-lưu tỉnh Nghệ-an.

Theo sách Bắc mộng toả ngôn[165] chép: Phía bắc Giao-chỉ cách Hải-nam có con đường nước, nhiều thuyền lớn phải chìm ở đấy. Cao-Biền đến xem chỗ ấy thấy có hòn đá chắn ngang ẩn ở dưới nước, nhân đó mới tâu xin đục bỏ hòn đá ấy để thông các nguồn lợi ở Hải-nam.

Bài-biểu đại-lược nói: “Người ta mới cầm chèo thì bị hòn đá chắn ngang bến, vừa lên thuyền mà đi liền thác xuống chín suối” .

Vua xuống chiếu nghe theo lời tâu. Cao-Biền liền gọi thợ đục bỏ hòn đá ấy. Đến nay nhân-dân còn nhờ công-đức ấy.

Có người nói: Cao-Biền dùng thuật mượn sấm sét phá tan hòn đá ấy.

Sách Phiên-ngung tạp ký của Trịnh-Hùng đời Đường chép: đất Giao-chỉ rất màu-mỡ.

Xưa có vua gọi là Hùng-vương, tướng văn gọi là Hùng-hầu, tướng võ gọi là Hùng-tướng.

Tăng-Cổn ở triều Ý-tông nhà Đường [30a] thay Cao-Biền làm Tiết-độ-sứ đất Giao-châu có viết một quyển sách Giao-châu ký.

Sách Việt-chí của Tăng-Cổn lại chép: Đất Giao-chỉ có Lạc-điền theo nước thủy-triều lên xuống.

Sách Quảng-đông tân ngữ chép: Người ở ven biển làm giàu nhờ ruộng cát. Người mua ruộng cát tranh nhau lấy sa-quần, vì sa-quần dễ sinh phù-sa. Có khi ruộng cát một trăm mẫu sinh ra hàng mấy trăm mẫu.

Ở nước Nam mối lợi về bãi cát thì không có gì lớn bằng.

Trên từ Sơn-tây, dưới đến biển Đông, phía nam giáp Thanh-hoa, ruộng cát ở cửa biển nổi lên không dưới mấy mươi vạn mẫu, trồng dâu, trồng mía, trồng lúa thóc rất dồi-dào. Ruộng ở ven biển trồng cói, trồng tre, mối lợi thu được cũng trọng hậu.

Sách Thông-giám[166] chép: Đất Phong-châu ở An-nam có đồng-bằng Lâm-tây, bên cạnh ấy có động Thất-quán, xét ra nhà Hán gọi là My- [30b] linh, nhà Ngô gọi là Tân-hưng, nhà Tấn gọi là Tân-xương, nhà Tùy gọi là Gia-ninh, nhà Đường gọi là Phong-châu, nay gọi là đạo Sơn-tây.

Lâm-tây đến đời nhà Lý đổi gọi là Lâm-an, nay là đạo Hưng-hóa.

Sách Khảo-dị chép: Quan Tri-châu ở Phong-châu là Thân-Văn-Trạng bãi bỏ 6.000 binh tướng phòng-thủ mùa đông, không cần ngăn phòng ở ranh-giới châu Chân-đăng.

Châu Chân-đăng, đời nhà Lý hãy còn tên địa-danh này, tức nay là phủ Lâm-thao.

Sách Nam-khang chí chép: Ngũ-lãnh là:

1. Đài-lãnh ở Đại-dũ.

2. Kỵ-điền ở Quế-dương.

3. Đô-bàng ở Cửu-chân.

4. Manh-chử ở Lâm-hạ.

5. Việt-thành ở Thủy-an.

Quận Cửu-chân là châu Ái của nước ta.

Sách Quảng-châu ký chép: Ngũ-lãnh là:

1. Đại-dũ.

2. Thủy-an

3. Lâm-hạ.

4. Quế-dương.

5. Yết-dương.

Ngũ-lãnh nay ở trong địa-giới Lưỡng-Quảng (Quảng-đông và Quảng-tây).

Phương-Dĩ-Trĩ nói: “Đất Cửu-chân quá xa, nên theo thuyết sau là đúng” .

[31a] Đô-thành bổn-triều (nhà Lê) là đất quận Giao-chỉ dưới thời nhà Hán.

Sách Địa-dư chí chép: Người Giao-chỉ thì ngón chân cái tách bẹt ra, khi hai chân đứng ngang nhau thì hai đầu ngón chân cái giao nhau.

Sách Hán-quan nghi chép: Khi bắt đầu khai phát Bắc-phương liền giao-tiếp với Nam-phương để làm cơ-sở cho con cháu.

Tôi cho thuyết này là đúng.

Nhưng sách Lễ-ký chép: Người phương Nam xăm trán (lấy kim chích vào da rồi bôi chàm lên), hai ngón chân cái giao nhau và ăn không nấu nướng.

Như thế thì những điều ghi chép trong sách địa-chí chưa phải là hoàn-toàn sai hết.

Sách Thông-giám, phần Tấn-kỷ chép: Lư-Tuần đến bên phía nam ở Long-biên.

Sách ấy có chú: Huyện Long-biên thuộc quận Giao-chỉ. Trị sở của châu quận huyện đều ở đấy.

Sách Thủy-kinh chú chép: Niên-hiệu Kiến-an thứ 23 (218) đời Hán Hiến-đế, lúc bắt đầu xây dựng thành có loài giao-long khoanh kết vào nhau ở hai bến phía nam và phía bắc, cho nên đổi tên Long-uyên ra Long-biên.

Phần Địa-lý chí trong sách Tiền Hán-thưHậu Hán-thư đều chép là Long-biên là vì Nhan-Sư-Cổ và Chương-Hoài-Thái tử kiêng tránh tên húy của nhà Đường[167] cho nên mới đổi ra như vậy (Long-uyên đổi ra Long-biên).

Xét ra Kinh-đô [31b] nước ta là nơi chung tụ khí linh-tú của núi sông cho nên lắm lần có điềm rồng thần.

Năm đầu niên-hiệu Thuận-thiên (1010) vua Lý Thái-tổ dời đô đến đấy tạm đậu thuyền ở dưới thành thấy con rồng vàng hiện ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên Đại-La thành ra Thăng-long thành.

Năm đầu niên-hiệu Thiên-thành (1028) đời vua Lý Thái-tông rồng lại xuất-hiện ở điện Càn-nguyên.

Đến giữa niên-hiện Đại-bảo (1049-1054) đời vua Lý Thái-tông rồng lại xuất-hiện ở gác Đoan-minh.

Sách Quảng-đông tân ngữ của Khuất-Đại-Quân chép: Ta xem núi-non ở Giao-chỉ, long-mạch phát từ Quý-châu, mà Quý-châu là phần dư thừa của các con sông. Núi ấy từ đất Ba-thục kéo tới, đại-khái long-mạch chạy qua như sóng cuộn muôn đợt lướt tuôn không dừng, thẳng đến Giao-châu rồi sau mới kết thành đất nước ấy.

Đất Vân-nam là cửa sau của Giao-châu (nên gọi là cửa hữu), Quảng-tây là cửa trước (nên gọi là cửa sau), thuộc ranh-giới phía đông là Quảng-đông và Khâm-châu.

[31a] Sách ấy lại chép: Đất Giao-chỉ có 17 quận, 49 châu, 127 huyện, mỗi năm nộp thóc cho quan Tư-nông hơn 1.260 vạn hộc (12.600.000).

Thuế-má của cả những đất Mân (Phúc-kiến), Quảng (Quảng-đông, Quảng-tây), Điền (Vân-nam) và Kiềm (Quý-châu) cũng không bằng của Giao-chỉ. Thì đất-đai rộng lớn, thuế-má dồi-dào của nước ta có thể nhận thấy được.

Kinh-đô nước ta quay mặt ra biển có những trấn Hải-dương, An-quảng ở về phía đông-nam, có trấn Nghệ-an lại ở phía tây-nam. Phía tả biển cả ở trấn An-quảng là Khâm-châu. Ở phía tả Khâm-châu, một khu đất chênh-vênh ở giữa biển là Quỳnh-nhai.

Phía tả núi Hoành-sơn ở trấn Nghệ-an là Thuận-hóa. Ở phía hữu Thuận-hóa là Quảng-nam là nước Chiêm-thành.

Khuất-Đại-Quân nói: “Các Nhai-châu 600 dặm về phía nam tức nước Chiêm-thành. Mỗi khi thuận gió nồm người ta nghe tiếng gà gáy ở Chiêm-thành như tiếng chuông to du-dương từ ngoài biển đưa vào.” Sự gần kề là như thế.

[32b] Quỳnh-nhai che đỡ cho Quảng-đông. Chiêm-thành cũng có thể che đỡ cho Quỳnh-nhai.

Sách Minh-sử chép: Từ Quỳnh-nhai đi thuyền thuận gió một ngày một đêm thì đến nước Chiêm-thành.

Căn-cứ vào đấy thì Thuận-hóa, Quảng-nam và Chiêm-thành là quá-cung làm con hổ viễn-án, còn Hải-nam là một minh-đường[168] lớn ở phía ngoài quốc-đô. Mạch-lạc hùng-vĩ xa rộng, hình-thế bao-la dáng là vương kinh thiên phủ.

Sách Thành trai tạp ký chép: Quan Công-tào ở Long-biên là Tả-phi đã từng hóa thành cọp trong mấy tháng rồi trở về làm chức lại nữa.

Sách Thông-giám chép: Năm đầu niên-hiệu Kiền-nguyên (758) vua Đường Túc-tông đổi chức An-nam Kinh-lược-sứ ra chức Tiết-độ-sứ nhiệm-lãnh 12 châu: Giao-châu, Lục-châu, Phong-châu, Ái-châu, Hoan-châu, Trường-châu, Phúc-châu, Lộc-châu, Chi-châu, Vũ-châu, Diễn-châu và An-châu.

Nước ta làm Tiết-trấn [33a] bắt đầu từ đấy.

Đến giữa niên-hiệu Hàm-thông (860-873) đời vua Đường Ý-tông mới bắt đầu kiến-lập Tĩnh-hải-quân.

Sách Thông-giám chép: Tháng giêng niên-hiệu Thiên-hựu thứ 3 (906) Đường Chiêu-tuyên-đế gia thăng Tĩnh-hải Tiết-độ-sứ Khúc-Thừa-Dụ lên chức Đồng-binh chương-sự[169].

Thừa-Dụ là Khúc tiên-chủ. Khúc-Hạo, Khúc-Thừa-Mỹ là dòng-dõi của Khúc-Thừa-Dụ. Điều này không có chép ở chính sử nước ta.

Địa-đồ nước ta phía đông-nam đến tận biển, phía đông đến châu Khâm châu Liêm, phía bắc tiếp liền với Quảng-tây, phía tây tiếp liền với Vân-nam, phía tây-bắc vượt đến ranh-giới Vân-nam, Quảng-đông và Quảng-tây, phía tây-nam kế tiếp nước Ai-lao, phía nam cắt phân nửa nước Chiêm-thành.

Hình-thế tiếp liền sông biển, nắm lấy núi sông, đáng gọi là một nước rào giậu vững-vàng ở bốn bên.

Kinh-đô đặt ở Long-biên giữa khoảng hai phủ Thường-tín và Quốc-oai. Phía tây-bắc chiếm dọc theo núi. Phía đông-nam có sông to ngăn trở, thật là một nơi đô-hội đủ cả về đường thủy và về đường bộ.

Phía tây thì có những phủ Lâm-thao, Đoan-hùng, Đà-dương và hai xứ Tuyên-quang, Hưng-hóa.

Phía chính bắc [33b] là một xứ Thái-nguyên sản-xuất ngọc, đá quý, vàng, bạc, đồng, thiếc, chì, sắt, tre, bỗ, củi, than, cung-cấp đủ nhu-cầu cho công và tư, lại có trà, thóc, giấy, dâu, mè, cam, quít, các sản-vật thổ-nghi như khoai, đậu, củ mài, khoai môn, lúa, bắp, dưới nước có nhiều cá ba-ba (cua đinh).

Phía tây có phủ Ứng-thiên, Quảng-oai.

Phía bắc có phủ Thuận-an, Từ-sơn.

Phía đông có hai phủ Hồng (Thượng Hồng và Hạ Hồng) và Sách (Nam-sách), đồng ruộng màu-mỡ.

Phía nam có những phủ Tiên-hưng, Khoái-châu, Lỵ-nhân, Thiên-trường, Kiến-xương, Thái-bình, Nghĩa-hưng, rất thích-nghi với lúa chiêm, đất-đai màu-mỡ hàng ngàn dặm, ruộng bằng muôn khoảnh, một năm hai mùa, mỗi mẫu thu lợi được hơn 200 quan. Nhân-dân ở bờ biển no đủ về cá gạo muối, đời sống rất tốt đẹp, lại có mối lợi về cói lác trai sò tốt và ngon. Đó là chưa kể vào món thuế ao đầm sông rạch. Ở phía đông có Kinh-môn phủ và lộ An-quảng lại nhiều cá muối cây gỗ châu ngọc đồi-mồi, là nơi thuyển biển [34a] tụ tập, hàng-hóa ngoại-quốc lưu-thông ở các cửa quan và chợ-búa được tiện lợi đủ thay thế cho thuế-má.

Ở phía bắc có phủ Lạng-giang và xứ Lạng-sơn có nhiều lò nung đất, ruộng đất cũng phong phú.

Ở phía tây-nam có hai trấn to là Thanh-hóa, Nghệ-an sản-xuất những loại cây to như gỗ lim, gỗ sến, gỗ táu, quế, trầm-hương, đàn-hương, cau, sừng tây, da tây, sừng voi, da voi, vàng, bạc, đồng, sắt.

Phía tây Nghệ-an ăn thông với các nước Bồn-man, Lão-qua, Cao-miên. Trâu bò được chuyển đến bán cho ta.

Than ôi! Dưới thời nhà Hán nhà Đường người Tàu sang làm quan ở đất này được mấy người là quan-lại thanh-liêm?

Chính-trị hà-khắc còn dữ hơn cọp. Thuế-má tàn bạo còn độc hơn rắn dữ, thì dân làm sao kham nổi?

Trời sinh bậc vua chúa tự lập một nước, theo phong-tục mà trị dân để cùng sống được an-nhàn rộng-rãi, giản-dị, sợ Trời, thờ nước lớn, cung kính giữ lễ thường, yên dứt chiến-tranh, Nam Bắc (nước ta và nước Tàu) vô sự, cũng là việc hạnh-phúc ở một phương.

[34b] Từ-Minh-Thiên đời Nguyên làm chức Phó-sứ trong phái-bộ Lý-Tư-Diễn sang nước ta có viết một quyển sách Thiên triều Nam hành ký có thuật việc vua nhà Trần đời trước dâng sản-vật địa-phương với tờ biểu và tờ chiếu-thư của Nguyên Thế-tổ ban cho vua nhà Trần.