Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 3 - Chương 07

[38a] Lạc khoản[181] đề: “Mân Ngọc-Dung, Ngụy-Tiếp, Xuyên-chu thị cảo” . (Bản cảo của người đất Mân tức tỉnh Phúc-kiến tên là Ngụy-Tiếp, hiệu là Ngọc-Dung, tự là Xuyên-chu thị).

Tỉnh Quảng-tây của Trung-quốc có nhiều khe động, các dân-tộc thiểu-số Mán Lèo ở lẫn-lộn, người Dao người Nùng thỉnh-thoảng có xuất-hiện.

Dân thổ-châu ở ven theo một dãy biên-giới phía tây-bắc tiếp liền với nước ta có những phong-tục không khác gì với của vùng Lạng-sơn Cao-bằng, còn tiếng nói của họ cũng hơi giống với của người vùng Lạng-sơn Cao-bằng.

Nước ta ở biên-giới phía bắc tiếp liền với nội-địa của Trung-quốc có ba cửa ải:

1. Ở khoảng trên có Thủy-khẩu quan.

2. Ở khoảng giữa có Bình-tây quan.

3. Ở khoảng dưới có Trấn-nam quan.

Những nơi này đều là những địa-điểm xung-yếu.

Tôi vâng mệnh đi sứ sang Trung-quốc được những văn-tập:

Tu Nam-quan ký (Bài ký về việc sửa cửa Nam-quan) của quan Tuần-phủ Lý-Công-Bạt, Tuần biên ký (Bài ký về việc tuần-sát biên-giới) của quan Án-sát Nhạc-Mục, liền biên chép để nhận thấy sự dụng tâm của các bề-tôi ở biên-thùy của triều-đình Trung-quốc là như thế, thật hâm-mộ.

[38b] Bài ký Trùng-tu Trấn-nam quan.

Theo sách Chu-lễ, quan Chưởng-cố coi giữ việc sửa-sang thành quách hào ao, trồng cây ở chỗ bờ nước cho được kiên-cố. Các quận thủ phải theo đúng pháp-lệnh.

Lại có quan Tư-hiểm coi giữ bản-đồ của chín châu để hiểu biết đầy-đủ những chỗ hiểm-trở về núi rừng sông đầm mà đặt đường lộ.

Đặt ra ngũ câu (năm ngòi rãnh), ngũ đồ (năm đường lộ) trong nước và trồng cây-cối để làm thế ngăn-trở cho vững-vàng. Những chỗ xung-yếu ấy đều có người coi giữ.

Cái lẽ xếp đặt những chỗ hiểm-yếu quan-trọng là như thế.

Tỉnh Quảng-tây ở xa về cõi phương Nam, núi tre rậm, các dân-tộc người Dao người Đồng tụ-tập, chỗ ấy hiểm-trở mà một cửa ải Trấn-nam quan, phía nam giáp nước Giao-chỉ, đáng gọi là một địa-điểm hiểm-yếu.

Cột đồng của Mã Tân-tức[182] ở tại đấy.

Đất ấy riêng một mình bằng-phẳng rộng-rãi không có núi cao rừng sâu hiểm-trở. Đất ấy chỉ cậy vào cửa quan ải mà thôi.

Uy-phúc của quốc-gia rộng-rãi lớn-lao, ở khắp đất-đai [39a] đều là bề tôi của Thiên-tử Trung-quốc, các dân tộc khắp bốn biển đều đến gõ cửa quan mà xin thần-phục, trong ngoài đều một thể.

Nước An-nam cung-thuận hơn hết, vì thế mà của quan ải đã lâu không được tu-bổ, ngày càng đổ nát.

Các sứ-giả sang dâng cống mỗi năm đều đến gõ cửa quan ải, qua lại chỉ có con đường ấy. Tuy đặt nơi hiểm-yếu không phải việc gần gấp của một đời thánh-quân, nhưng cũng để xem cho nghiêm-chỉnh và cho thấy là quan-trọng việc ngăn phòng nơi biên-giới.

Vả lại e ngại dân bất-lương trong nội-địa lén ra ngoài bờ cõi quấy nhiễu nước ngoài. Đó cũng không phải là tâm địa của quốc-gia chúng ta (Trung-quốc) muốn vỗ yên người ở xa. Vậy thì phải tu-bổ cửa quan ải cho gấp.

Do đó, các quan văn võ đến trấn nhậm ở đất này đều lo liệu gỗ đá thích-nghi để lo công việc này.

Nay quan Án-sát-sứ ở Quảng-tây là Cam-quân (ông họ Cam), lúc ấy vừa trấn-thủ phủ Thái-bình vừa kiêm nhiếp công việc ở Nam-ninh, thấy ở Nam-ninh có món thuế mọn về cau ngoài ngạch thuế chính, được số tiền dư là 1.800 lượng, bèn khảng-khái nói: “Cửa Trấn-nam quan vốn là thuộc đất phủ Thái-bình, các quan quận thú nghèo kiết cho nên không sửa-sang nổi. Nay ta đã [39b] có món tiền dư này, nguyện một mình đảm-đương công việc ấy” .

Ông bèn viết sớ tâu xin và được cho phép, liền tụ tập phu thợ khởi công từ tháng 2 mùa xuân niên-hiệu Ung-chính thứ 3 (1725) đến mùa đông năm ấy thì xong việc.

Quan ải này có tường cao, có lầu che kín, chòi canh, doanh trại đều tề-chỉnh nghiêm-trang, ngó về nam trông sang đồng trụ, hai bên cao ngất ngang nhau, thật là một mỹ-quan hùng-vĩ ở trời nam.

Công việc của quốc-gia, chỉ ngại không có người thật tâm gánh vác.

Không có thật tâm ấy thì dẫu nhiều người cùng lo một việc cũng không đủ khả-năng.

Còn thật tâm dẫu chỉ có một người nhiệm-lãnh mà cũng thừa khả-năng. Cam-quân thật là người hiền tài!

Cam-quân tên là Nhữ-Lai, người huyện Phụng-tân, tỉnh Giang-tây, xuất thân đỗ Tiến-sĩ, đi trấn nhậm đến đâu cũng có tiếng thanh-liêm năng-cán. Với chức Chủ-sự bộ Lại, ông đến trấn-thủ phủ Thái-bình. Chẳng bao lâu ông thăng Phó-sứ đạo Tả-giang, trải đến chức ngày nay (lá Án-sát-sứ) đều được Thánh Thiên-tử đặc-biệt tuyển-chọn. Trong tương-lai, ông được triều-đình trọng dụng, hẳn chưa có thể lượng biết đến bậc nào.

[40a] Nay tôi vừa sửa-sang hành-trang đi lên Bắc thì Cam-quân đến xin bài ký, tôi bèn gạn hỏi sự thật và khen ngợi Cam-quân để khuyến khích người đời sau ngỏ hầu không bỏ thành-tích này.

Các quan cùng lo công việc ở đây lúc bấy giờ là Tổng-đốc Lưỡng-Quảng khổng-Dục-Tuân, Đề-đốc Quảng-tây Hàn-Lương-phụ, Tổng-trấn Tả-giang Lương-Vĩnh-Hy, theo lẽ phải cũng ghi chép đầy-đủ.

Bài ký Tuần duyệt biên ải giáp nước An-nam.

Tôi thường đọc thiên Đế-điển[183] có câu “Trạch Nam-giao” (ở Nam-giao) mà biết được cái tên Giao-chỉ đã thấy có trong kinh truyện từ lâu rồi.

Đời nhà Hán, vua Vũ-đế sai Phục-ba Tướng-quân Mã-Viện đi đánh phương Nam. Tuy chiến-công ở hồ Lãng-bạc rất cao, nhưng địa-phương này, ở trên thì sương mù, ở dưới thì nước lụt, diều bay không được phải rớt tòm xuống nước[184].

Sau khi dẹp yên Trưng-vương, Mã-Viện dựng cây trụ đồng làm ranh-giới đất nhà Hán.

Hồi đầu nhà Minh đã từng đặt ra [40b] quận huyện. Rồi chẳng bao lâu dân-chúng phản-loạn, quân Thiên-triều phải bỏ đất Giao-chỉ rút về.

Triều ta (Trung-quốc) dựng nước, thanh-uy và giáo-hoá truyền khắp bốn phương. Ở những vùng người nhuộm răng đen và xăm trán không ai là chẳng đến triều-phục.

Con cháu nhà Lê sớm đã vâng mệnh làm phiên-thần ở cõi phương Nam.

Nhà vua lên ngôi được 9 năm nhớ nghĩ đến dân ta đi buôn bán ở ngoài cõi xa-xôi phải xa lìa trôi nổi nơi đất khách, lại lo ngại đến những nơi rừng sâu sào huyệt của những tội tù trốn tránh, mới đặc-biệt sai quan đại-thần coi giữ bờ cõi ở Việt-tây[185] đi kinh-lý vùng ấy.

Tháng giêng mùa xuân năm sau, tôi vừa quan-sát ở Hữu-giang thì nhận được tờ hịch của quan Phủ-quân họ kim dạy đến tỉnh để trao cho tận mặt các cơ-nghi làm việc.

Ngày 11 tháng 2 tiến phát từ Liễu-châu, tôi trộm nghĩ các thổ-ty ở chung quanh nửa bên phía tây-nam sợ chưa hiểu ý của sứ-giả, nên mới truyền hịch cho họ cứ trông giữ lãnh-vực của họ chớ có kinh động quấy rầy.

Tôi lại giúp đỡ hành-lý cho những người đi theo khiến cho họ không có thiếu sót điều gì, rồi căn-dặn năm ba lượt mới khởi-hành.

Ngày 23 tháng 2 [41a] đến Điền-châu cách Bạch-ấp không đầy trăm dặm.

Tôi nhớ lại trong niên-hiệu Khang-hy thứ 19 (1680, đời vua Thanh Thánh-tổ) tiên tổ của tôi làm chức Liêm-phóng ở Việt-tây (Quảng-tây) đã từng đóng ở đất ấy, đốc suất lương-hướng cho quân-đội đi đánh Điền-châu, trải muôn dặm chở chuyên, ba quân được no đủ, tấu khúc khải hoàn mà trở về. Năm ấy người có dự phần công-lao.

Tôi bèn đến bên dòng nước mà than rằng: “Đây là đất mà đời trước tổ tiên ta đã lập công” . Tôi bồi-hồi ở đấy khá lâu rồi qua sông trọ ở Phụng-nghị châu.

Hôm sau tôi lên núi Liên-hoa sơn, chỏm núi chập-chùng, cây-cối âm-u, một đám mây che, người đi không phân biệt được đâu là hướng đông đâu là hướng tây như vào phải nẻo lầm lạc.

Tôi ngồi nghỉ ở trên bờ núi đá, chợt thấy ánh mặt trời. Người đi theo giục đi. Đi nửa bộ nửa xe, khi lên khi xuống độ 30 dặm mới đến đồng bằng. Quay đầu trông lại thấy mấy ngọn núi đều mất hút trong mây.

Đi ba ngày đến phủ Trấn-an. Phủ này thống-lãnh hai châu là Quy-thuận và Tiểu Trấn-an đều liền đất với cõi Nam-giao.

Đất ấy lồi ra thụt vào như răng [41b] chó, những ải cũ chưa đặt khắp, có chen những ải mới chia ranh đất mà giữ, cõi trong và chốn ngoài riêng hẳn.

Tôi bèn đến phủ Thái-bình, đi từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 6 tháng 3 thì đến quận. Tôi cùng quan Thái-thú họ Đồ trước hết đi duyệt cửa Trấn-nam quan ở Bằng-tường.

Trấn-nam quan cách phủ-trị 4 ngày đường. Ở trong ấy có Mạc phủ doanh và Thụ hàng thành. Đó là con đường mà các cống-sứ An-nam phải đi ngang.

Những châu Thượng-thạch, Tây-châu, Tư-minh, Tư-lăng vây bọc ở phía đông-nam.

Thượng Long-ty và Hạ Long-ty, Thượng Đống-châu và Hạ Đống-châu với phủ An-bình tiếp giáp ở phía tây-bắc.

Vả lại ở cửa Tây-bình quan thuộc Hạ Long-ty có một dòng nước đục rộng hơn trăm trượng từ châu Thất-nguyên đất Giao-chỉ chảy tới.

Ở cửa Thuỷ-khẩu quan có một dòng nước trong rộng mấy mươi trượng từ phủ Cao-bằng chảy đến.

Ba dòng sông gặp nhau ở phía trước ty-trị rồi chảy xuống phủ Thái-bình.

Một dãy núi sông trong ngoài được bao bọc hộ-vệ. người xưa kinh- [42a] lý đất này đã dựng hai doanh là Long-bằng và Quỳ-đạo.

Nhưng đất-đai quá rộng, mà binh-lính lại ít-oi.

Tôi khảo-xét hình-thế đất này, lấy ba cửa quan ải làm đất trọng yếu, xin tăng binh đóng giữ. Còn những chỗ khác thì lượng xét chỗ nào xung-yếu, chỗ nào hẻo-lánh, tuỳ nơi khinh-trọng mà bố-phòng, cốt cho chỗ thưa chỗ mật xen nhau, nơi xa nơi gần thích-hợp để củng-cố việc phòng thủ biên-giới.

Ngày 24 tháng 3 tôi đi đến châu Thượng-tứ, động Thiên-phong thuộc phủ nam-ninh thấy một hòn núi Thạch-phàm chạy dài mấy dặm làm bức rào giậu cho Thiên-triều.

Lên ngọn núi ấy, lội qua khe ấy tuỳ theo chỗ hiểm trở mà phân bày quân-sĩ để thu lấy những hiệu-quả về địa-lợi và nhân-hoà.

Tôi đến trại Hồ-nhuận ở châu Hạ-lôi, nơi này theo danh nghĩa thì thuộc Nam-ninh nhưng sự thật thì tiếp giáp với Trấn-an, bèn xin đổi cho thuộc về Trấn-an khiến cho được gần mà tiện bề khống-chế.

Tôi cũng đặt chỗ xung-yếu mà phòng giữ.

Mọi việc xong xuôi, tôi trở về Liễu-châu vào ngày 11 tháng 4.

Về thời-gian thì trải qua 60 ngày. Về đất đai thì trải qua ba quận, phía tây đến [42b] Phú-châu thuộc Điền-nam, phía đông đến Khâm-châu thuộc Việt-đông, phía nam đến Giao-chỉ.

Khảo-xét cương-vực trong ngoài, đại để Thượng Đống-châu và Hạ Đống-châu, phía đông tiếp giáp phủ Lạng-sơn, phía tây tiếp giáp phủ Cao-bằng.

Trong khoảng đất ấy có non cao núi hiểm làm ranh-giới thiên-nhiên, có đồng bằng nội rộng, làng xóm gần nhau, chận những mối đường trọng yếu cả thuỷ lẫn bộ mà cho quân lính người Hán người thổ đóng giữ.

Tính hết những cửa quan ải vừa mới vừa cũ được 116 chỗ, quan binh đóng giữ được 1.935 người, thổ binh được 1.170 người, canh phòng nghiêm mật, tuần la cẩn-thận dọc theo biên-thuỳ dài 1.700 dặm, thật là một dãy trường thành cao ngất.

Kẻ nào dám vượt qua thì giết chết không tha. Từ đấy lương dân không dám dễ-dàng bỏ làng quê, còn tội-nhân thì cũng không được trốn tránh ra ngoài.

Đó là tuân theo đúng chỉ dụ của vua.

Ngày 13 tháng 4 tôi đến tỉnh báo-cáo công việc đã hoàn-thành, được quan Phủ-quân bảo vẽ [43a] bản-đồ để dâng về triều, lại viết sớ, trong ấy kể những điều chưa đề-nghị để dâng lên vua.

Ngày mùng 9 tháng 5 nhuần, tôi trở về Liễu-châu vẽ một bản-đồ và làm một bài ký để ghi việc ấy.

Nước Giao-chỉ ở về phía đông Ung-châu, phía tây Kinh-châu, phía nam Dương-châu, về thiên-văn thuộc phân-dã 3 vì sao Tỉnh-quỷ, Dực-chẩn và Ngưu-đẩu, đất-đai thì tiếp giáp với núi khe, phong-tục thì pha trộn với của Âu-lạc.

Trong đời Tam-đại (Hạ, Thượng, Chu) nước Giao-chỉ thường chưa được liệt vào các nước văn-vật.

Đến đời Hán đời Tấn rừng rậm được khai phá, đường lộ được giao-thông, nhân-dân nước Giao-chỉ mới thấm-nhuần lễ nghĩa, học tập thi thư. Những tục cũ được biến đổi lớn-lao. Phong-tục đẹp-đẽ, nhân-tài dồi-dào thấm thoát đã bằng với của Trung-quốc, không còn sánh với nước bỉ-lậu với đất hẻo-lánh nữa.

Hồi đầu bản-triều, sử-thần Ngô-Sĩ-Liên soạn phần Ngoại-kỷ của Việt-sử có chép:

Hùng-vương dựng nước, gọi là nước Văn-lang đóng đô ở Phong-châu.

Đất ấy phía đông-nam [43b] giáp biển, phía tây giáp đất Ba-thục, phía bắc đến hồ Động-đình, phía nam đến nước Hồ-tôn, chia trong nước làm 15 bộ là:

1. Giao-chỉ.

2. Chu-diên.

3. Vũ-ninh.

4. Phúc-lộc.

5. Việt- thường.

6. Ninh-hải.

7. Dương-tuyền.

8. Lục-hải.

9. Vũ-định.

10. Hoài-hoan.

11. Cửu-chân.

12. Bình-văn.

13. Tân-hưng.

14. Cửu-đức.

Mười bốn bộ này là thần-thuộc. Bộ thứ 15 nước Văn-lang là nơi vua đóng đô.

Lúc bấy giờ phong-tục thuần-hậu chất-phác, tên chức quan còn bỉ-lậu, quan hữu-ty gọi là Bố-chính.

Đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo.

Ngoài 15 bộ, mỗi bộ còn có chức trưởng và chức phó.

Các con dòng thứ thì theo thứ-tự chia ra mà chế-trị, cho nên về sau dòng dõi có danh-hiệu Nam-phụ đạo.

Huyện ấp hương lý được sắp đặt theo xưa hay đổi mới không thể nào rõ được.

Tôi nhận xét đời Hùng-vương, trên nối theo đời Hồng-bàng, văn-tự (chữ viết) không có truyền lại, 15 bộ đặt ra thấy lẫn lộn với những danh-hiệu quận huyện mới lập ra vào thời nhà Hán nhà Ngô đáng nghi là do các nhà nho đời sau đã lén [44a] lấy mượn, thật không phải chép đúng sự thật.

Đời An-dương vương, quân nhà Tần sang đánh chiếm lấy đất[186] của Nam-Việt đặt ra Quận Quế-lâm, Nam-hải và Tượng-quận (Quế-lâm nay là Quảng Tây, Nam-hải nay là Quảng Đông, Tượng-quận nay là nước ta.)

Việt Vũ-Đế (Triệu-Đà) lúc đầu làm quan lịnh ở Long Xuyên, thay quyền quan úy ở Nam-hải, nhân việc gây hấn của Thắng và Quảng, bèn khởi binh giết quan lại nhà Tần, gồm lấy Quế-lâm Tượng-quận, đóng đô ở Phiên-ngung.

Triệu Vũ-đế lại phát binh đánh An-dương vương và thắng được, rồi lấy vũ-uy quân-đội và của-cải thu phục vỗ về đất Ân đất Việt. Đất Mân Lạc cũng phụ thuộc vào.

Lãnh-vực chiếm-cứ từ đông sang tây rộng hơn muôn dặm, từ nam đến bắc xa mấy ngàn dặm, xưng đế ngang hàng với Trung-quốc.

Lúc bấy giờ việc chép sử thiếu sót, tên các châu quận không tra cứu vào đâu được.

Đến lúc Vệ-dương vương là Kiến-Đức bị Hán Vũ-đế bắt, ba viên quận thú ở Giao-chỉ, Cửu-chân và Nhật-nam đều sai sứ giả đem hộ tịch đón tướng nhà Hán [44b] là Lộ-Bác-Đức xin đầu hàng.

Quan giám ở Quế-lâm là Cư-Ông cáo dụ 40 vạn dân (400.000) Âu-lạc đến xin đầu hàng nhà Hán.

Nhà Hán bèn đặt ra chín quận, đặt chức quan chia ra mà cai-trị.

Từ Trưng-vương đến nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần tuy có chia vạch bờ cõi tự củng-cố lấy quốc-gia, nhưng chỉ giữ lấy đất Giao-chỉ trở về nam mà thôi chớ không khôi-phục được lãnh-vực xưa của thời Triệu Vũ-đế.

Hán Vũ-đế đặt ra chín quận:

1. Nam-hải

2. Thương-ngô

3. Uất-lâm

4. Hợp-phố

5. Giao-chỉ

6. Cửu-chân

7. Nhật-nam

8. Chu-nhai

9. Đam-nhĩ

(Về sau nước Việt ta chỉ gồm 3 quận là Giao-chỉ, Cửu-chân và Nhật-nam. Còn 6 quận kia đều bị sáp nhập vào Trung-quốc, rốt cuộc cũng không khôi-phục được.)

Vào đầu đời Hán Quang-Vũ, Trưng-vương dấy binh tự lập làm vua được nhân-dân ở Cửu-chân, Nhật-nam và Hợp-phố đều hưởng ứng, lấy lại 65 thành, đóng đô ở My-linh.

Sau ba năm Trưng-vương bị thua, đất nước bị sáp nhập vào nhà Hán.

Sách Đông-Hán chí chép: Bộ Giao-châu thống-lĩnh 7 quận:

1. Nam-hải có 7 thành.

2. Thương-ngô có 11 thành.

3. Uất-lâm có 11 thành.

4. Hợp-phố có 5 thành.

[45a] Nay những đất này đều thuộc về cảnh vực của Trung-quốc.

5. Giao-chỉ có 12 thành. (Sách Hậu-Hán chí chú: tức là nước của An-dương vương):

1. Long-biên.

2. Lõa-lâu.

3. An-định.

4. Câu-lậu (sách Giao-châu ký chép có loài tiềm thủy ngưu, một loài trâu lặn dưới nước, lên bờ cụng húc nhau đến mệt mới bỏ đi.)

5. My-linh.

6. Khúc-dương.

7. Bắc-đái.

8. Kê-từ.

9. Tây-tử.

10. Chu-diên.

11. Phông-khê.

12. Vọng-hải.

6. Cửu-chân có 5 thành:

1. Tư-phố.

2. Cư-phong.

3. Hàm-hoan.

4. Vô-thiếc.

5. Vô-biên.

7. Nhật-nam có 5 thành:

1. Tây-quyển.

2. Chu-ngô (nhân-dân ở đây tựa theo bờ biển mà sống).

3. Lư-dung (có bến lấy vàng).

4. Thượng-lâm.

5. Tỷ-ảnh.

Ba quận này (Giao-chỉ, Cửu-chân và Nhật-nam) đều là lãnh-vực nước Việt ta ngày nay.