Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 3 - Chương 09

Trong niên-hiệu Trinh-quán (627-649) Đường Thái-tông bỏ 3 châu: Diễn, Lâm và Ảnh.

Trong đời vua Ý-tông nhà Đường (860-873) quân Nam-chiếu đánh phá phủ thành. Đường Ý-tông sai Cao-Biền đánh và phá được Nam-chiếu, địa-phương được dẹp yên, mới đặt ra Tĩnh-hải quân và cho Cao-Biền làm Tiết-độ-sứ.

Từ đấy đến triều nhà Tống, nước An-nam là Tĩnh-hải quân Tiết-độ-sứ trấn.

Theo sách Đường-chí, quận Ngọc-sơn ở Lục-châu thuộc đất Giao-chỉ vốn là Ngọc-châu. Trong niên-hiệu Thượng-nguyên thứ 2 (675) Đường Cao-tông đổi làm Lục-châu vì ở ranh châu có sông Lục-thủy cho nên mới gọi như thế. Đó đúng là đất trấn Quảng-yên (giáp Quảng-yên, giáp Khâm-châu).

Phụ-lục. - Đất Tượng-quận đời nhà Tần từ đời Hán trở lại là quận Giao-chỉ, nhà Lương chia ra đặt quận Hoàng-châu và Ninh-hải, nhà Tùy dẹp nhà Trần, bỏ quận ấy, đổi Hoàng-châu làm Ngọc-châu.

Trong thời Tùy Dượng-đế, Ngọc-châu bị bỏ, đất ấy gồm nhập vào quận Ninh-việt.

Nhà Đường đặt lại Ngọc-châu. Trong niên-hiệu Thượng-nguyên thứ 2 (675) Đường Cao-tông đổi làm Lục- [48b] châu hoặc làm quận Ngọc-sơn.

Sách Tống-sử cương-mục chỉ chép: Quách-Quỳ đánh bại quân Giao-chỉ ở sông Phú-lương. Lý Kiền-đức (Lý Nhân-tông) đầu hàng.

Sách ấy ở dưới có chú: Giết Ngụy Thái-tử Hồng-chân. Triệu-tiết đốn cây làm khí-cụ tấn-công, thuyền man đều bị phá. Lý Kiền-đức sợ bèn xin nộp cống.

Nhưng nay xét theo sách Nhị Trình di-thư, trong ấy có một đoạn nói đến việc An-nam: Trong chiến-dịch ấy triều đình nhà Tống thua to lắm.

Trình-tử nói: “Lúc đầu tiên ở biên-giới không có lịnh cho quân-sĩ kế tiếp kiểm-điểm tập hợp lại để cứu-viện lúc khẩn-cấp. Lại có lịnh cho quân-sĩ tự phóng-túng đánh giết cho đến nỗi phải bị giết hàng vạn.

Lại không đợi đến mùa thu mát-mẻ sang mùa đông một mạch tiến thẳng qua đánh phá mới thôi.

Tháng 7 quân tiến qua ngọn núi, bị chướng-khí mà chết thì tự cho là số-phận.

Đến khi quân tiến qua khỏi biên-cảnh thì lương-thực không được kế tiếp chuyển-vận theo, tiến sâu vào sào-huyệt của giặc thì lấy bè chở 500 quân qua sông, lại [49a] vừa đốn chặt vừa đốt phá mấy lớp rào tre mà không được, lại chèo bè không để tiếp-tục đem viện-binh sang thì bị quân giặc hội họp bắt giết.

Quân ta không có cứu-binh có kẻ chết, có kẻ trốn, cho nên không thành-công chỉ để tranh nhau có 50 dặm đất.

Muốn đem quân qua nữa lại không có thuyền bè qua sông, không có lương-thực để thành-tựu công việc.

Nhờ bên giặc có lời hơi thuận nên bên ta mới có lời thừa-ứng mà giảng hòa. Nếu như bên giặc chưa lời xuôi thuận thì bên ta không biết phải xử sự ra sao.

Quân vận lương tử trận là 8 vạn (80.000). Quân chiến-đấu bị lam chướng mà chết là 11 vạn (110.000). Còn sống sót được 2 vạn 8 ngàn (28.000) người trở về, trong số này lại có nhiều người đau yếu. Lại còn số bị quân giặc giết lúc trước là mấy vạn nữa. Tính chung tất cả thì bên ta bị thiệt mất không dưới 30 vạn người (300.000).

Thật là vô mưu ngu tối sai lầm quá lắm” .

Hoàng-Đình-Kiên cũng có bài ca-dao về chiến-dịch đi đánh nước Nam này, cực-lực nói lên số thiệt hại trong cuộc dụng binh đánh Giao-châu. Nay bài ca-dao này thấy chép ở trong sách Uyên-giám.