Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 3 - Chương 10

[49b] Sách Động-thiên phúc địa của Đỗ-Quang-Đình đời Đường chép 36 cái động-thiên[189], động-thiên thứ 22 là núi Câu-lậu sơn, bề chu-vi được 44 dặm, gọi là Ngọc nhuận bảo khuê chi thiên tại huyên Lưu-dương ở Dung-châu.

Đó là núi Câu-lậu sơn ở tỉnh Quảng-tây của Trung-quốc chớ không phải núi Cân-lậu sơn ở An-nam.

Cách kinh-đô nước ta 30 dặm về phía tây có một hòn núi gọi là Bồ-đà lạc nham, lại có tên là Sài-sơn.

Trên núi có một cái động con là chỗ Thiền-sư Từ-Đạo-Hạnh đời nhà Lý tu đắc đạo và hóa giải.

Cảnh-trí cũng thanh-tú đẹp-đẽ. Bốn bề chung quanh, ở ngoài đều là ruộng bằng-phẳng. Về phía tây có hòn núi đất được mười mấy ngọn núi gọi là núi Câu-lậu sơn.

Núi này không có cảnh-trí nào tuyệt đẹp, cũng không có nham động và dấu-tích lạ-lùng.

Sách ấy lại chép: Núi An-sơn ở Giao-châu có dự vào số 72 phúc-địa, nay không biết núi này ở đâu.

[50a] Bài biểu của Đào-Hoàng đời Tấn chép rằng: Quận Nhật-nam cách Giao-châu, đi đường biển hơn ngàn dặm, phía ngoài cách nước Lâm-ấp (Chiêm-thành) chừng 700 dặm, đó là trấn-thành Nghệ-an, vượt biển đến kinh-đô thì đường thủy xa như thế.

Bài biểu ấy lại chép: Vùng thượng-du chỗ quận Hưng-cổ ở Ninh-châu tiếp giáp cách quận Giao-chỉ 1.600 dặm đó là từ phủ Lâm-an thuộc tỉnh Vân-nam đi xuống trấn Tuyên-quang đến kinh-đô nước ta, đường bộ xa như thế.

Tờ sớ của Trần-Nghiêu-Tẩu đời Tống giữ việc chuyển-vận ở Quảng-châu có nói: “Thuộc hạt của tôi, ruộng thì nhiều đá núi, đất thì ít chỗ trồng dâu nuôi tằm, thế mà người ta đều nói thuộc hạt của tôi có gấm tám mùa tằm. Thật là không phải cái tục ở vùng Ngũ-lãnh” .

Suy độ vật sản-xuất ở đấy thì e rằng đó là nước An-nam. Nay người dân ở Quảng-châu ngoài việc cày cấy ở ruộng nước, mối lợi trọng hậu về địa-lợi chỉ có trồng gai trồng đay mà thôi.

Tỉnh Quảng-đông đất rộng người đông, nhưng có tục thích buôn bán[190], phần nhiều trồng cỏ cây, thuốc lá, gạo thóc thì rất [50b] ít. Quá nửa dân ở đấy ăn bám ở tỉnh khác hoặc mua gạo ở nước Nam.

Tỉnh Quảng-tây đất xấu người thưa có tục siêng cần việc cấy gặt thu góp được nhiều, ảnh-hưởng tràn đến những vùng lân-cận.

Sách Kiên-biều bí tập chép: Nước Đại-tây-dương ở về phía tây Trung-quốc 6 vạn dặm (60.000) gọi là nước Âu-hải, có ba vị giữ chủ quyền:

1. Vị giữ việc giáo-hóa (giáo-dục).

2. Vị giữ việc tinh-toán (tài-chánh).

3. Vị chuyên việc xử-đoán (tư-pháp).

Cả ba vị được tôn-trọng bằng nhau, nhưng người người đều sợ vị giữ việc xử-đoán. Nước láng-giềng sang xâm-lược cũng do vị xử-đoán ra lịnh điều-độ.

Nhưng không phải mọi người đều có thể làm được vị xử-đoán. Cần phải là người vốn có thành-tích danh-vọng, tuổi quá 80, mà còn tinh-lực thì được người ta suy-tôn lập lên. Quyền-hành của vị xử-đoán không được lâu dài (vì đã hơn 80 tuổi rồi) mà lại nhọc-nhằn về việc vận-dụng[191], cho nên người ta cũng không ưa thích chức-vị ấy lắm.

Đất nước ấy có nhiều tê voi cọp beo. Người dân thì làm nghề săn bắt mà sống. Nước ấy cũng có thóc lúa rau khoai. Văn-tự thì [51a] có một thể chữ riêng.

Người người đều theo đạo Thiên-Chúa mà không biết ở Trung-quốc có đạo Nho, đạo Phật và đạo Lão.

Thiên-Chúa là vị chúa-tể trước nhất đã sinh ra người ra vật.

Người trong nước lập nhà thờ mà thờ phụng chung với nhau.

Theo lời của họ nói:

- Trời có 33 từng.

- Đất có bốn mặt treo lơ-lửng ở không-gian.

- Mặt trời lớn hơn đất.

- Đất lớn hơn mặt trăng.

- Chỗ cao nhất ở mặt đất có cửa trống. Mặt trời mặt trăng đi đến đúng chỗ cửa trống ấy thì ánh sáng bị che khuất và bị ăn mất.

- Năm vì sao (ngũ hành tinh) ở những vị-trí cao thấp không đồng nhau. Hỏa-tinh ở vị-trí cao nhất. Thủy-tinh ở vị-trí thấp nhất. Kim-tinh, Mộc-tinh và Thổ-tinh cao thấp xê-xích nhau ở khoảng giữa. Cho nên những ngôi sao ấy xoay quanh vòng trời có chậm có mau.

Bản-đồ vẽ ra và lý-thuyết xây dựng thật đã có chỗ đáng chọn lấy lắm.

Cuối đời Minh Thế-tông (1522-1566) có người Âu-tây tên Lợi-Mã-Đậu[192] (Matteo Ricci, 1522-1610) kết hợp với mười bạn vượt biển phóng-túng đi khắp nơi, trải qua hơn mười nước, đi qua 6 vạn dặm đường (60.000) trong rất cả 6 năm, đến nước An-nam, vào ranh-giới tỉnh Quảng-đông. Lúc ấy những bạn hữu đi theo đều chết hết.

Lợi-Mã-Đậu có thuật lạ, có tài [51b] hít không-khí vào đầy trong người thì bịnh tật không phát sinh.

Ông ở tại Quảng-đông hơn 20 năm, biết hết tiếng nói và chữ viết của Trung-quốc.

Mã-Lợi-Đậu có râu tía, mắt xanh, sắc mặt hồng-hào như hoa đào, đã hơn 50 mà như mới có 20 hay 30 tuổi, gặp ai thì chấp tay vái chào đúng lễ phép cho nên người ta thích giao-thiệp với ông.

Năm đinh-dậu nhắm niên-hiệu Vạn-lịch thứ 25 (1597) Lý-Quân-Thực gặp Mã-Lợi-Đậu ở Dự-chương cùng nói chuyện với nhau rất nhiều.

Mã-Lợi-Đậu đưa cho xem những vật lạ của nước ông:

- một cái bình bằng pha-lê có vẽ.

- một cái đồng-hồ chứa cát hình dáng giống như cái trứng ngỗng dùng đổ nghiêng cho cát tuôn ra mà tính số canh số giờ.

Ông có mang theo:

- những kinh sách của nước ông.

- những nỉ hoa.

- và những dụng-cụ lặt-vặt quý-báu bằng vàng.

Giấy của nước ông trắng như làn da của người đàn-bà đẹp.

Ông bảo là vỏ cây ở nước ông làm mỏng ra.

Lý-Quân-Thực có tặng cho ông một bài thơ:

雲海盪朝日

乘流信綵霞

西來六萬里

東泛一孤槎

浮世常如寄

幽棲即是家

那堪作歸夢

春色任天涯

Vân hải đãng triêu nhật.

Thừa lưu tín thái hà.

Tây lai lục vạn lý.

Đông phiếm nhất cô sà.

Phù thế thường như ký.

U [52a] thê tức thị gia.

Na kham tác quy mộng.

Xuân sắc nhiệm thiên nha.

Dịch nghĩa.

1. Mây và biển đón đẩy mặt trời buổi sáng.

2. Cỡi sóng nước vượt biển mà đi thì tin theo mây ráng.

3. Từ phương Tây đến đây trải qua sáu muôn dặm (6 0.000).

4. Thả trôi trên cái bè côi đi về phương đông.

5. Ở trên đời phù thế như là sống gởi.

6. Nấm mồ u-tịch mà mình gởi thân mới là nhà của mình.

7. Làm sao xây mộng trở về quê-hương được?

8. Sắc xuân khắp đến chân trời.

Dịch thơ

Biển mây đun-đẩy vừng hồng,

Tin theo mây ráng lướt vùng biển khơi.

Sáu muôn dặm vượt đến nơi,

Thuyền côi lướt biển nhắm trời đông phương.

Cõi phù thế như gởi nương,

Nấm mồ u-tịch thật đương của nhà.

Chẳng mơ về nước phương xa,

Chân trời góc biển đều là sắc xuân.

Lợi-Mã-Đậu không tính đến chuyện trở về nước nữa, lấy trời đất làm nhà cửa, lấy việc sống chết làm ảo-mộng.

So sánh Lợi-Mã-Đậu với Đạt-ma[193] đến Trung-quốc thật lạ kỳ hơn nữa.

Tôi nhận-xét các nước Âu-tây từ đời Tống đời Nguyên trở về trước chưa giao-thông với Trung-quốc. Trong niên-hiệu Vĩnh-lạc (1403-1424) nhà Minh người nước Âu-tây mới bắt đầu vượt biên vào cống ở Trung-quốc.

Trong niên-hiệu Vạn-lịch thứ 30 (1602) đời vua Thần-tông nhà Minh, có người là nước Âu-tây là Lợi-Mã-Đậu (Matteo Ricci) cùng với đồng bọn là Nam-Hoài-Nhân[194] (Ferdinandus Verbiest), Ngải-Nho-Lược (Giuleo Aleni)[195], Hùng-Tam-Bạt và Cao-Nhất-Chí năm sáu người từ Quảng-đông vào đất Mân, lên Kim-lăng (Nam-kinh) tự xưng là người Âu-la-ba (Europe), đường xa mười muôn dặm (100.000), vượt biển trong 9 năm mới đến đấy. Họ đưa ra cho xem:

- Thiên-lý-kính (kiếng xem thiên-văn).

- Tự-minh-chung (đồng-hồ tự-động khua chuông báo từng giờ).

- Hồn-thiên-nghi (tức quả thiên cầu có ghi độ-số các sao để xem thiên-văn).

- Lượng-thiên-xích (thước đo không-gian).

- Câu-cổ-pháp (phép tính theo tam-giác-lượng).

- Phép tính thời-gian.

- Phép đo độ-số.

- Phép xem bóng mặt trời.

- Phép xem sao.

Họ bàn luận về lý-khí, về lịch-số rất tinh-thông linh-diệu, được các quan thượng-thư tôn xưng là Tây-nho (nhà Nho-học Âu-tây) [52b] là Tây-thổ thánh-nhân (bậc thánh-nhân đất Âu-tây).

Nhân đó họ được tư giấy đưa lên Bắc-kinh để tiến dẫn lên vua.

Khi đã đến Bắc-kinh, Lợi-Mã-Đậu dựng nhà thờ Thiên-Chúa ở ngoài cửa Tuyên-vũ.

Bọn Nam-Hoài-Nhân có viết được bộ sách Khôn dư đồ thuyết 2 quyển, tự xưng là giáo-sĩ Hội Da-tô, bởi vì nước của họ thờ đạo Da-tô, Không thời kính cha mẹ, chỉ tôn thờ Thiên-chúa, phía bên hữu trong nhà thờ có đặt bức tượng Đức-Mẹ, dáng mạc như thiếu-nữ, tay bồng một đứa trẻ, đó Chúa Da-tô (Jésus Christ).

Vua nhà Thanh dùng người nước ấy cho coi giữ Khâm-thiên-giám, ra lịnh cho họ làm tân-lịch (lịch mới) để ban-hành khắp thiên-hạ, đặt tên sách lịch ấy là Thì hiến thư.

Sách Thánh dụ quảng huấn của và Thế-tông (1723-1735) có chép: Người nước Âu-tây thờ đạo Thiên-Chúa cũng là trái với đạo thường, nhân-dân vì họ thông hiểu lịch-số cho nên quốc-gia mới dùng họ.

Tôi thường được xem sách Khôn dư đồ thuyết của họ, xem những luận-thuyết của họ về hình-thể đất, địa-cầu, núi gò, sông biển, thủy-triều sớm tối và gió mưa phần nhiều đều chí-lý.

Theo lời của họ, thiên- [53a] hạ có 4 đại châu:

1. Trung-quốc và nước Hồ nước Việt, sa-mạc, hải-đảo thuộc Á-tế-châu (Asia).

2. Các nước Âu-tây và các nước hải-ngoại thuộc Âu-la-ba châu (Europa).

3. Lại có những nước ở ngoài biển thuộc Mạt-lợi-á châu (Africa).

4. Lại có những nước ở ngoài biển thuộc Á-mặc-lợi-gia châu (América).

Như vậy có đáng tin hay không, nay xin chép sơ-lược như sau:

1. Á-tế-á châu (Asia) là một châu to nhất, nhân-loại bắt đầu sinh ra ở đấy, thánh hiền xuất-hiện trước nhất ở đấy.

Ranh-giới của Á-tế-á châu:

- Phía nam đến các đảo Tô-môn-đáp-lạt (Sumatra) và Lữ-tống (Luzon).

- Phía bắc đến Tăng-tân Bạch-lạp và Bắc-hải.

- Phía đông đến đảo Nhật-bổn và biển Đại-thanh.

- Phía tây đến sông Đạt-nãi hà, Mặc-a-đích-hồ đại-hải, Tây-hồng-hải và Tiểu Tây-dương.

Đất của các nước không những có hơn hàng trăm quốc-gia, mà lớn hơn hết là Trung-quốc.

Ngoài Trung-quốc ra, còn có nước Thát-đát, nước Hồi-hồi, nước Để-đệ-á, nước Mạc ngọa nhĩ, nước Bách-nhi-tây- [53b] á, nước Độ-nhi-cách, nước Đức-gia-á đều ở trong châu ấy.

Trong biển có những đảo lớn: Đảo Tắc-ý-lan, đảo Tô-môn-đáp-lợi (Sumatra), đảo Trảo-oa, đảo Bột-nê (Bornéo), đảo Lữ-tống (Luzon), đảo Mộc-lộ-danh.

Còn có những đảo ở Địa-trung-hải cũng thuộc vào giới-hạn của châu này.

Nước Trung-quốc ở về phía đông-nam của châu này (Asia).

2. Châu lớn hạng nhì trong thiên-hạ gọi là châu Âu-la-ba (Europa).

- Phía nam đến Địa-trung-hải (Méditerranée).

- Phía bắc đến Thanh-địa và Băng-hải (Océan Glacial arctique).

- Phía đông đến Đại-nãi-hà, Mặc-a-đích-hồ đại-hải.

- Phía tây đến Đại-tây-dương (Océan Atlantique).

Ở châu Âu-la-ba cộng cả thảy hơn 70 nước.

Nước lớn là nước Dĩ-tây-bả-ni-á, nước Phất-lan-sát (France), nước Đại-tây-lý, nước Nhiệt-nhĩ-mã-ni-á, nước Phất-lan-địa-á (Finlande), nước Ba-la-ni-á, nước Ông-gia-lý-á, nước Đại-ni-á, nước Tuyết-tế-á, nước Nặc-vật-nhạ-á, nước Ách-lặc-tế-á, nước Mạc-tư-ca- [54a] mạt-á.

Biển Địa-trung-hải có các đảo Cam-đích-á.

Tây-hải có các đảo Ý-nhi-lan, Đại-nghệ-ách-lợi-á.

3. Châu lớn hạng 3 trong thiên-hạ là Lợi-mạt-á (Africa).

- Phía nam đến Đại-lãng-sơn.

- Phía bắc đến Địa-trung-hải (Méditerranée).

- Phía đông đến Tây Hồng-hải và đảo Thánh-lão-ngạc-tá.

- Phía tây đến biển Hà-tắc-á-chư.

Ở châu này những nước lớn và nhỏ cộng chung được hơn trăm quốc-gia, đất-đai phần nhiều là đồng ruộng.

4. Châu lớn thứ tư trong thiên-hạ là A-mặc-lợi-gia (América), đất-đai chia làm hai, phần phía nam và phần phía bắc, ở chính giữa có có dãy núi liền nước nối liền phần phía nam và phần phía bắc.

Phần phía nam gọi là Nam Á-mặc-lợi-gia (Nam Mỹ-châu), phía nam khởi từ Mặc-ngõa-lạp-nê-hải, phía bắc đến Gia-nạp-đạt.

Phần phía bắc gọi là Bắc Á-mặc-lợi-gia (Bắc Mỹ-châu), phía nam khởi từ Gia-nạp-đạt, phía bắc đến Băng-hải (Océan Gla-cial Arctique), phía đông đến tận Phúc-đảo.

Đất-đai rất rộng-rãi bằng-phẳng, chia một nửa thiên-hạ.

[54b] Sách Thiên-trung-ký dẫn sách Thủy-kinh có chép:

Quan Thái-thú quận Cửu-chân là Nhâm-Diên bắt đầu dạy dân-chúng cày ruộng bằng cày có trâu kéo, cải-hóa phong-tục đất Giao-châu.

Từ khi đất Tượng-lâm biết cày ruộng đến nay hơn 600 năm, đốt cỏ cây cày bừa làm ruộng, cách-thức đồng như ở Trung-quốc.

Ruộng trắng (bạch-điền) thì trồng lúa trắng, tháng 6 cày cấy thì tháng 10 lúa chín.

Ruộng đỏ (xích-điền) thì trồng lúa đỏ, tháng 12 cày cấy thì tháng 4 lúa chín.

Đó là gọi lúa làm hai mùa trong một năm. (sách Quảng-chí nói một năm làm hai mùa lúa là đấy).

Theo sách Đại Thanh nhất thống chí, Lợi-Mã-Đậu (Matteo Ricci) có bản-đồ Vạn quốc toàn đồ, đại-lượt nói:

Thiên-hạ có 5 đại-châu:

1. Á-tế-á châu (Asia).

2. Âu-la-ba châu (Europa).

3. Lợi-mạt-á châu (Africa).

4. Á-mặc-lợi-gia châu. (America).

5. Sau cùng được Mặc-ngoã-lạp-nê-gia châu làm châu thứ 5, thì những vùng đất lớn-lao trong lãnh-vực mới được kể hết.

1. Á-tế-á châu (Asia) là từ Trung- [55a] quốc đến các nước Nhật-bổn, Giao-chỉ và Tây-vực (Ấn-độ).

2. Âu-la-ba châu (Europa), phía nam đến biển Địa-trung-hải, phía bắc đến Băng-hải, phía đông đến Mặc-đích-hồ đại-hải, phía tây đến Đại-tây dương (Ocian Atlantique), cộng hết thảy được hơn 70 nước. Từ Quốc-vương đến thứ-dân trong nước theo đạo Da-tô, thờ Thiên-chúa, đấy là quốc-gia mà Lợi-Mã-Đậu sinh ra ở đấy.

3. Mạt-lợi-á châu (Africa) có những nước nhỏ hơn trăm quốc-gia.

4. Á-mặc-lợi-gia châu (America) thì đất đai chia làm hai là Nam Á-mặc-lợi-gia (Nam Mỹ- châu) và Bắc Á-mặc-lợi-gia (Bắc Mỹ- châu), ở chính giữa có dãy núi liền nước nối liền phần phía nam và phần phía bắc.

Đất-đai ở châu này rất to rộng.

5. Mặc-ngoã-lạp-nê-gia châu là do quốc-vương nước Tây-bả-ni-á quan-niệm rằng trái đất hình tròn, có thể đi từ phía tây sang phía đông, mới sai kẻ bề tôi là Mặc-ngoã-lan đi tìm, đi ven theo phía đông Á-mặc-lợi-gia, đi lệch suốt một năm bỗng tìm được một dãy núi ở biển dài suốt hơn ngàn dặm. [55b] phần đất to ở phía nam vùng biển ấy xa rộng không bờ bến. Vì Mặc-ngoã-lan là người đầu tiên tìm ra đất ấy cho nên người ta lấy tên Mặc-ngoã-lan đặt tên cho đất ấy.

(phần này mới chép thêm vào, nguyên thư của Quế-đường Lê-Quý-Đôn không có phần này.