Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 4 - Chương 5

Người ta lại bảo: quyển văn của cử-tử nộp thi lại giống nhau không sai một chữ. Cái tệ ấy có hai điều:

1) Quan khảo-thí nhận của hối-lộ, hoặc nhận ám-hiệu, hoặc đưa cả toàn thiên cho một bọn truyền chia nhau chép.

2) Vị lão-nho nào đó bán văn trường-ốc. Một người truyền cho trăm người. Quan khảo-thí không rảnh-rang tra xét.

Dưới triều Tống Độ-tông (1265 - 1274) người ta nói mối tệ mạo lạm ấy chỉ có ở khoa thi Hương. Triều-đình ra lịnh cho thi lại.

Thói tệ như thế tham xét với của đời sau thì thật giống nhau.

Như thế há rằng người đi thi đã nghe thấy mà đến như thế? Mà tục bắt chước nhau phần nhiều là khinh bạc, lòng người phần nhiều là gian-hiểm. Việc ngăn phòng hẳn đã khó và việc kiềm thúc lại không phải dễ.

Chỉ có lòng dạ mở thông, kiến-thức sáng-suốt khiến người ta cống-hiến lòng chân-thành mà không dám phóng-tứ thì không đến nỗi truyền sự mạo lạm thái quá như thế mới được.

Phép nhà Minh chỉ thi ba ký, thông duyệt ba quyển rồi ra bảng một lượt.

Nhưng sách Cầu [29b] chí biên của Vương-Phủ-Lộc chép: Ngày duyệt văn trong trường thi rất cấp xúc:

- Ngày mùng 9 cử-tử vào trường thi.

- Ngày 11 mới chép xong bài văn của đệ nhất trường.

- Ngày 12 đệ nhị trường ra đề.

- Ngày 15 mới chép xong bài văn đệ nhị trường.

- Ngày 16 đệ tam trường ra đề.

- Ngoài ngày 20 bài văn đệ tam trường mới chép xong. Rồi hội các quyển thi lại.

- Ngày 29 ra bảng, mà bảng nháp đã làm xong ngày 25 và 26.

Lại có yến-tiệc xuất liêm[335], yến-tiệc xuất đề[336], năm ngày một đại yến, ba ngày một tiểu yến. Như thế thật là lầm về việc duyệt văn.

Lại nói thi chế-nghệ[337] không đủ để biết người, phải thi sách-vấn[338] mới thấy được tài kinh tế cao rộng của người.

Nay tất cả những việc ấy đều xếp bỏ không hỏi đến nữa.

Hễ bài văn sơ-trường được lấy mà bài văn-sách trống không cũng trúng-cách. Hễ bài văn sơ-trường bị loại bỏ mà bài văn-sách hay đẹp như gấm thêu đi nữa cũng không được các quan khảo-thí rảnh-rỗi duyệt cho.

Đó là điều bất mãn của người thức-giả.

[30a] Nhà Đường noi theo nhà Tùy đặt ra khoa Tiến-sĩ.

Gọi Trạng-đầu (hay Trạng-nguyên) là vì tên được biên ở trên đầu bảng báo thi đỗ.

Gọi Thám-hoa cũng là do ban yến ở Khúc-giang[339] vua chọn một người tuổi trẻ khiến đi hái thứ danh hoa[340], chớ không có ý nghĩa gì khác.

Lúc ấy nhân vì chưa có danh-hiệu tam-khôi, Tống Thái-tông mới phân ra giáp đệ, có ban cho danh-hiệu cập đệ, xuất thân, ban cho người thi đỗ đệ nhất giáp danh-hiệu Tiến-sĩ cập đệ có khi có đến ba bốn mươi người, mà chưa từng biệt đãi ba vị tam-nguyên.

Nhưng bài văn của Tô Lão-tuyền[341] có chép: Nay trong ba người thi Tiến-sĩ đỗ đầu, ngày thích-cát[342] thiên-hạ đều trông mong sẽ làm khanh tướng, chẳng qua mươi năm thì chưa có ai không làm đến chức Lưỡng-chế[343]. Ý nói đời nhà Tống thăng chức tước hạng nhất giáp tuy nhiều, nhưng về tư-cách và danh-vọng của ba vị đỗ đầu là trọng.

Sách Đông hiên bút lục[344] chép: Tụ tập những người trẻ tuổi mà chọn ba vị làm Thám-hoa. Trong niên-hiệu Hy-ninh (1068 - 1078) ta thi đỗ [30b] Trạng-nguyên bèn xin bãi bỏ bữa yến Thám-hoa để đôn-hậu phong-tục. Vua nghe theo vì ngại rằng nhân đó mà người ta lầm người đỗ thứ ba là Thám-hoa.

Sách Thuyết phu chép: Chu-Mật đời Nam-Tống soạn bài ký xướng danh:

- Người đỗ đệ nhất được trao đầu tiên chức Thừa-vụ-lang.

- Người đỗ đệ nhị và đệ tam đều được trao đầu tiên chức Văn-lâm-lang.

- Người đỗ đệ nhất giáp được ban danh-hiệu Tiến-sĩ cập đệ.

- Người thi đỗ đệ nhị giáp được ban danh-hiệu Đồng tiến-sĩ cập đệ.

- Người thi đỗ đệ tam giáp và đệ tứ giáp đều được ban danh-hiệu Tiến-sĩ xuất thân.

- Người thi đỗ đệ ngũ giáp được ban danh-hiệu Đồng Tiến-sĩ xuất thân.

Vua ngự ra điện xướng danh (đọc tên người thi đỗ) ban cho ba vị đỗ Trạng-nguyên rượu và đồ ăn năm chén. Những vị khác mỗi vị đều được cho ăn no.

Ba vị đỗ đầu dâng lên một bài thơ tạ ân, phải triều tạ mười ngày, lại làm lễ bái Hoàng-giáp[345] và tự đồng niên vài ngày nữa.

Về sau ba vị đỗ đầu đặt nệm ngồi ở trên đường ở phía đông phía tây hướng vào nhau.

Những người bốn mươi tuổi trở lên đứng ở hành-lang phía đông.

[31a] Những người bốn mươi tuổi trở xuống đứng ở hành-lang phía tây.

Họ lễ bái một lần nữa.

Lại chọn một người lớn tuổi có tên trong bảng để quan Trạng-nguyên lễ bái.

Lại chọn một người trẻ tuổi có tên trong bảng lễ bái quan Trạng-nguyên.

Đó là chứng tỏ tư-cách và danh-vọng của ba vị đỗ Tiến-sĩ giáp bảng thật trọng.

Những lễ bái Hoàng-giáp như thế, thì hoàng là hoàng bảng (bảng giấy vàng), giáp là khoa-giáp.

Lễ tự đồng niên là lễ bái lẫn nhau chớ không có ý nghĩa gì khác.

Người đời sau lại lấy Tiến-sĩ xuất thân làm Hoàng giáp tựa hồ như không có căn-cứ.

Danh xưng Bảng-nhãn cũng bắt đầu từ khoảng nhà Nguyên nhà Minh.

Sách Chích ngôn[346] chép: Trong đời nhà Đường từ niên hiệu Thần-long (705 - 707) đời vua Trung-tông trở về sau, sau khi dự yến ở Hạnh-viên[347] đều để tên ở dưới tháp chùa Từ-ân. Những vị đồng niên chọn người viết chữ đẹp ghi chép, ngày sau có người làm đến chức tướng văn hay tướng võ thì lấy son mà ghi.

Đó là khởi đầu việc để tên người đỗ Tiến-sĩ vào bia đá.

[31b] Vua Đường Tuyên-tông chuộng văn-học càng trọng khoa-danh.

Trong niên-hiệu Đại-trung thứ 2 (848), sau khi Trịnh-Hiệu chủ-khảo việc thi cử, vua đòi xem bản chép khoa danh. Trịnh-Hiệu dâng biểu nói:

“Từ niên-hiệu Vũ-đức (618-627) đời vua Cao-tổ mới có các khoa thi Tiến-sĩ. Những vị đỗ Tiến-sĩ, những con chim oanh từ hang cốc bay ra kêu hót, tiếng ca và sắc lông tuy đẹp tốt, trải qua cuộc duyệt xét ở Phụng-trì[348] thì sử sách không chép nữa.

Tên họ những người thi đỗ Tiến-sĩ đời trước còn truyền lại đều do tư gia ghi chép.

Nay kinh thừa Thánh-chỉ, há dám không thảo-luận? Hạ-thần liền ủy-thác cho quan Từ-bộ Viên-ngoại-lang Triệu-Lân đi tìm những sách khoa-mục-ký của tư-gia và soạn thành mười hai quyển, thuật từ đầu niên-hiệu Vũ-đức (618) đến bổn triều (848, niên-hiệu Đại-trung thứ 2 đời vua Đường Tuyên-tông) kính dâng lên để xem xét lâu dài” .

Vua xuống sắc-lịnh cho Hàn-lâm: Từ nay sau khi ra bảng đều phải chép tên họ những người thi đỗ và những thi phú đề mục phải đưa vào Nội, và mong quan coi việc nầy biên chép theo thứ-tự từng năm nối tiếp nhau.

Việc nầy [32a] thấy chép ở sách Đông quán tấu ký[349].

Sách Thính vũ khởi đàm[350] chép: Người đời Đường, đời Tống không có chép chữ Tiến-sĩ lên quan hàm. Đời Nguyên cũng thế. Chỉ có Dương-Duy-Trinh vào cuối đời Nguyên chép Lý phủ đỗ tiến sĩ, cho đến có khắc thành con dấu.

Người đời sau mới bắt chước theo và cho đó là việc đã có từ xưa.

Đầu đời Minh, ba đường dùng nhân-tài đều được thi-hành:

1) Dùng người hiền-tài được tiến-cử lên triều-đình.

2) Dùng người Tiến-sĩ và Giám-sinh.

3) Dùng người thuộc-lại.

Vua Minh Thành-tổ (1403 - 1424) tại Bắc-kinh sai quan Thượng-thư Phương-Tân chọn những quan chức có tài làm Ngự-sử thì triệu đến.

Phương-Tân tâu: “Bọn Ngự-sử Trương-Tuần-Lý 28 người có thể dùng được” .

Vua hỏi việc xuất thân của những vị ấy.

Phương-Tân tâu: “Bọn Trương-Tuần-Lý 24 người là do Tiến-sĩ và Giám-sinh[351] xuất thân, còn bọn Hồng- [32b] Bỉnh 4 người là do chức thuộc-lại xuất thân” .

Vua bảo: “Dùng người tuy không chuyên một đường, nhưng quan Ngự-sử là người giữ phép ngay thẳng của quốc-gia tất phải là người có học-thức, thông đạt trị thể, liêm chính, không a-dua mới có thể dùng được.

Còn như hạng đao bút lại[352] chỉ biết lợi mà không biết nghĩa, biết khắc-bạc mà không biết đại-thể. Nếu dùng họ gìn-giữ phong-hóa kỷ-cương thì sẽ khiến người ta khinh-thị triều-đình” .

Vua bèn truất bọn Hồng-Bỉnh cho làm tự-ban[353] và xuống dụ dạy rằng: “Từ nay chức Ngự-sử không được trao cho hạng lại” .

Lưu-phẩm[354] từ đấy bắt đầu phân chia.

Vua Tống Cao-tông lập ra khoa Bác-học và khoa Hoành-từ, có tất cả 20 đề để thi: Chế[355], cáo[356], chiếu[357], biểu[358], lộ-bố[359], hịch[360], châm[361], minh[362], ký[363], tán[364], tụng[365], tự[366], trong ấy lại ra sáu đề. Cuộc thi chia ra ba trường, thể-chế của mỗi trường là một bài cổ một bài kim.

Sau khi nhà Tống dời xuống phương Nam, người tài giỏi chọn được rất nhiều.

[33a] Theo Lục-điển[367] nhà Đường, khoa thi võ thì lấy bảy đẳng để xét người.

1) Xạ trường đóa[368]tam thập phát, bắn tên nhắm vào đích ở mô đất 30 phát.

2) Xạ kỵ, cỡi ngựa bắn tên.

3) Mã thương, múa thương trên lưng ngựa.

4) Bộ xạ thảo (âm thảo), đi bộ mà bắn bù nhìn kết bằng rơm cỏ.

5) Tài-mạo, vóc người (cao lớn).

6) Ngôn-ngữ, cách nói-năng.

7) Cử-trọng, cử tạ (nâng vật nặng lên).

Bảy đẳng đều phân thượng thứ. Thượng và thứ theo nhau. Được năm cái thượng thứ thì thi đỗ. Cách thi giản-dị là thế.

Về cung và thương thì lấy việc bắn trúng hay không trúng làm cao thấp.

Không có phép đấu cung và thuẫn.

Việc bán buôn lấy đỗ không thể thi-hành được.

Về tài-mạo (vóc người) thì lấy người mình cao 6 thước làm thứ thượng.

Về ngôn-ngữ (cách nói-năng) thì lấy người có thần thái oai nghiêm có thể thống-lãnh chỉ-huy làm thứ thượng.

Như thế cũng đủ xem người rồi.

Phép thi võ của Binh bộ đời Đường lấy việc:

- Xạ kỵ, cỡi ngựa bắn tên.

- Kiều quan (kiều, cất lên cao; quan, cây song gài cửa thành), cử cây song cửa lên cao.

- Phụ mễ, vác gạo.

Kiều quan là cất lên cây song cửa, bề dài [33b] 1 trượng 7 thước, đường kính 2 tấc rưỡi[369], sau khi cất lên 10 lần rồi, tay cầm cây song cửa cách chỗ ra không quá 2 thước[370].

Phụ mễ là vác 5 hộc gạo đi 20 bước.

Làm được như thế là thi đỗ.

Phép nầy đương thời cũng đủ để chọn lấy được người tài sức, như Quách-Tử-Nghi trúng tuyển khoa Phụ-mễ.

Tiếc rằng đời sau đều không thể cử-hành việc thi võ như vậy.

Đời Đường Cao-tông (650 - 683) Bùi-Hành-Kiệm[371] đặt ra Trường danh bảng[372]. Phàm khi tuyển người, thì tụ tập họ ở bộ Lại, người nào được thì giữ lại, người nào không được thì cho về.

Tống-Bạch[373] nói: “Trường danh bảng quyết-định việc giữ lại và cho về khi thuyên-tuyển quan chức. Người được giữ lại là trúng-tuyển, người bị cho về là không trúng tuyển.

Đời vua Đường Trung-tông (705 - 707) Thôi-Thực và Trịnh-Hâm làm chức Tể-tướng giữ việc thuyên hành[374], nương tựa vào người quyền thế, thu dụng người quá [34a] số, trao chức quan không đủ, thông-dụng bổ-khuyết đến ba năm.

Hồ-Tam-Tỉnh chú trong sách Thông-giám lại nói: “Việc bại-hoại về phép thuyên-tuyển quan chức đến đời Tống thì cùng cực. Bộ Lại đã nghĩ rằng: Theo một chức quan có ba người, một người đương nhiệm, một người chưa đến, lại có một người rình mò chờ chực. Vừa có một chức vị nào trống mà tốt thì rình mò chờ chực không phải chỉ có một người. Há chỉ thông-dụng ba năm khuyết hay sao? ”

Do đó có thể thấy rằng việc nhũng-lạm về thuyên-tuyển xưa nay cùng một lối cả.

Theo chế-độ nhà Minh, về chức chính và chức tá (phó) tại phủ châu huyện ở ngoài và các liêu-thuộc lớn nhỏ của bậc cửu khanh trong triều, việc thuyên-tuyển trao chức quan đều do bộ Lại chủ-trương, mới đầu dùng phép niêm cưu[375]. Trong niên-hiệu Vạn-lịch (1573 - 1619) đời vua Minh Thần-tông, Viên-ngoại-lang Nghê-Tư-Huệ đưa kiến-nghị xiết tiêm[376]. Cách-thức nầy thành phép dùng mãi lâu dài.