Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 4 - Chương 6

[34b] Đời Hán đời Tấn trở về trước, chức-vị trong quan-chế đều không có tùng-phẩm[377].

Nhà Nguyên nhà Ngụy mới bắt đầu đặt ra cửu-phẩm, mỗi phẩm đều có bậc chánh bậc tùng. Việc nầy đến nay không thay đổi.

Vua Hán Thành-đế (32-7 trước công-nguyên) bắt đầu đặt ra chức Thượng-thư viên 5 người.

Vua Hán Quang-vũ chia quan chức ra 6 tào cùng một lịnh một bộc, là tám tòa.

Sáu tào Thượng-thư vốn là tượng-trưng cho sáu ngôi của chòm sao Văn-xương[378].

Viện Hàn-lâm giữ việc soạn-thảo và tiến dâng những chiếu[379], chỉ[380], chế[381], sắc[382], tỷ-thư[383], sách-mệnh[384].

Lục-Du[385] đời Tống có chép thơ của Tô-Tử-Dung rằng:

起草才多封卷速

把麻人衆引聲長

Khởi thảo tài đa, phong quyển tốc

Bả ma[386] nhân chúng dẫn thanh trường

Dịch nghĩa

Việc khởi thảo chiếu sắc có nhiều quan tài giỏi. Chiếu sắc thảo xong được phong thành cuốn thật mau.

Việc nhắc nho-nhỏ có nhiều người, khiến cho vị quan tuyên chiếu kéo dài tiếng đọc.

Dịch đối:

Khởi thảo nhiều tài, phong quyển gấp,

Nhắc chừng lắm kẻ, kéo âm dài.

Có việc như thế là vì đời xưa quan tuyên chế đều kéo dài tiếng đọc như ngâm-nga.

Phép dùng người, hễ một người thì chuyên nhất, hai người thì phân-tán, ba người thì lộn-xộn.

Trọng-Trường-Tống[387] nói: “Dụng nhất nhân tắc chính chuyên. Dụng số nhân tắc chính ky[388]. Chính chuyên tắc hài hòa, tương ky tắc vi lệ ” : Dùng một người thì việc chính chuyên nhất. Dùng nhiều người thì việc chính khác nhau. Việc chính chuyên nhất thì điều hòa. Việc chính khác nhau thì trái ngược.

Từ xưa địa-vị phụ-bậc[389] nhiều lắm chẳng qua hai vị Tả-tướng và Hữu-tướng.

Đời nhà Chu có chức Tam-công[390] để bàn việc nước mà không thường đủ cả, lục khanh[391] chia nhau các chức-vụ, mỗi vị thống-suất lấy thuộc-viên của mình, mà quan Trủng-tể[392] đứng đầu, nhưng rốt cuộc quyền thuộc về quan khanh-sĩ[393].

Nhà Đường đặt ra chức Lục-bộ Thượng-thư[394], chia ra làm 24 ty để coi sóc mọi việc.

Nhưng lúc đầu mới dựng nước lại đặt ra quan lệnh quan bộc, đến giữa đời lại có những chức quan khác cùng với quan Trung-thư môn-hạ[395]bình chương sự coi sóc mọi việc.

Đầu đời nhà Minh bỏ Trung-thư-sảnh, lập ra Lục-bộ, mà quan Thượng-thư bộ Lại làm đầu nắm giữ quốc-chính.

Giữa đời nhà Minh sai từ-thần[396] vào Nội-các làm việc.

Về sau lại cho chức Thượng-thư kiêm chức Đại-học-sĩ làm đầu.

Từ đó Các-lão[397] gọi là Tể-tướng còn Lục-bộ chỉ dùng làm công việc chuyên-trách mà thôi không mang hàm Nội-các [35b], không dự vào những chính-vụ trọng yếu.

Cho nên biết rằng tào cục tuy phân mà cương-lĩnh[398] vẫn là một.

Quyền binh về tay người nào mà vua thân-tín cho nắm giữ việc khu-mật[399] đại khái không quá một hai người. Cái lẽ không dùng cả Lục-bộ là tình-thế khiến như vậy.

Đời Viêm-Hán[400] phong-chư-hầu[401] còn có thái-ấp thực sự để hưởng thuế má.

Tào-Tháo ở cuối thời nhà Hán bắt đầu đặt ra danh-hiệu hầu[402] đến Ngũ-đại phu[403] với cựu liệt hầu[404], Quan nội-hầu[405] tất cả sáu bậc để thưởng quân-công cho kẻ bề-tôi.

Đời sau việc phong tước chỉ có danh hiệu chớ không có thái ấp bắt đầu từ đấy.

Đời nhà Đường, việc khánh-thưởng[406] có khi ban tước một đẳng, có khi cho lên quan một cấp, có khi ban huân lao một đợt, không có định-lệ.

Vương-Khánh đời Minh nói: “Chế-độ khánh-thưởng đời Đường có Huân, Giai, Quan, Tước.

Tước để [36a] định cao thấp.

Quan để phân chức-vụ.

Giai để kể sự khó nhọc.

Huân để kể công.

Bốn điều nầy không quan-hệ gì lẫn nhau.

Có người thì chức quan thấp mà phẩm-giai cao. Có người huân-giai thấp mà quan tước cao.

Liệt hàm triều nhà Tống, hễ:

- Phẩm-giai cao mà quan-chức thấp thì gọi là hành.

- Phẩm-giai thấp mà quan-chức cao thì gọi là thú.

- Quan-chức và phẩm-giai đồng nhau thì không có chữ hành chữ thú.

Chế-độ ngày nay chỉ lấy quan-chức làm đúng, làm quan gì lấy huân-giai và tước theo chức ấy, không có ý kể công-lao.

Giấu tên biên vào sổ, mạo công-lao mà lấy chức quan, người xưa đã có cái tệ ấy.

Đọc tờ chiếu của vua Đường Huyền-tông (713 - 755) trong niên-hiệu Thiên-bảo năm thứ 12 (853) mà tưởng-tượng như thấy giới răn chu đáo ôn-hòa tràn ra ngoài lời nói, nhưng mà cái thói tâu bày gian dối đến cuối đời Đường cũng không bỏ được.

Tờ chiếu ấy nay chép ra như sau:

[36b] “Chiếu rằng: Bậc vương-giả lập quân-đội để trừ tàn-bạo, quân-đội phải nghiêm-chỉnh. Lúc uống rượu[407] ở nhà tông-miếu ủy-lạo tướng-sĩ trở về, việc thưởng phạt phải đứng-đắn đáng tin.

Kinh Dịch có câu: Tại sư trung cát, thừa thiên sủng dã. Nghĩa là: Ở trong quân-đội mà được sự tốt lành là được ơn trời.

Lời truyện[408] chép: Thưởng bất thất công tý nhân khuyến dã. Nghĩa là: Thưởng đúng công-lao thì khiến người ta cố-gắng.

Nếu làm sai phép cũ thì lấy gì mà giáo-hóa thành phong-tục tốt được?

Những chức tiết-độ-sứ trong quân-đội được ủy-dụng rất trọng, tuy vâng theo mưu-lược của người trên và chịu quân-luật mà cùng được thắng trận trở về thì xét thưởng kể công phần nhiều không đúng sự thật.

Vả lại làm vua thì lấy chữ tín mà trị kẻ dưới, làm tôi thì lấy chữ trung thờ người trên.

Chữ tín không thể mất được, chữ trung không thể thiếu được.

Trẫm lãnh trách-nhiệm thi-hành việc đó ngõ hầu kích lệ gắng công.

Vả lại từ trước lập công đều khiến xem xét lại, cho đến ghi chép cũng giao cho người khác làm.

Trẫm nghĩ rằng: Tướng-lãnh như lòng bụng của quốc-gia, như bốn dãy núi ở bốn phương[409] của triều-đình. Bỏ mà không dùng thì ai chịu tận tâm giúp việc? Cho nên mỗi lần thấy lập được một công-trận đều sai người ghi chép. Lề lối ấy suy xét ở lòng, như thế cũng là cùng tột [37a] rồi.

Gần đây các đạo quân sinh ra những mối tệ càng quá lắm, đến cả tấu sớ việc ở phiên trấn và phá giặc lập công đều là giả-dối không đúng sự thật, có người ở lâu trong chiến-trận mà vẫn bị gạt bỏ, có kẻ không hề theo quân-đội mà vẫn được thưởng tước nào huy-chương bạc dây thao tía. Không có công-lao hạn mã[410] mà được lộc hậu tước cao, đó là nhờ họ hàng thân-thích giúp đỡ mà được như thế. Những điều ấy đã khiến chiến-sĩ thất vọng, đua nhau cầu may nói xảo. Lý-do là ở đó.

Vả lại vào thời xưa, sĩ (người trí-thức) và nông (làm ruộng) ở riêng, quân (quân-đội) và quốc khác dáng, cho nên nhà quốc-học thượng-tường dùng để dạy con trưởng[411]. Tuyển xa[412] biểu mã[413] dùng để dạy quân-đội.

Há lại có việc thì học-tập nghề-nghiệp của ông cha mà thân thì tham gia quân-đội? Ấy là giả danh tiến-thủ, lẽ đã rõ-ràng, đều vì chủ-tướng tư riêng đã công-nhiên gởi-gắm.

Lỗi-lầm đã qua Trẫm cũng không nói đến. Về sau tự đổi mới ắt mong [37b] bỏ được mối tệ xưa.

Từ nay những con em của các giám quân sứ, tất cả đều không được đem đi theo. Người nào trước đã ở trong quân cũng phải bắt buộc trở về.

Việc ghi công phá giặc phải xem xét cho đúng.

Vả lại giả dối thời vua, mặt dày mạo muội thi ân huệ không sợ pháp-luật, không khiếp quỷ thần, hễ là quan-chức cũng phải tự răn.

Tuyên thi ra khắp trong ngoài khiến đều biết lòng này” .

Kinh Thư chép: Giám vu thành hiến, kỳ vĩnh vô khiên. Nghĩa là: Xem xét pháp luật đã sẵn có thì vĩnh-viễn không tội-lỗi.

Pháp-độ của tổ-tiên đều phải được đời sau noi theo gìn-giữ, cũng không phải phiền lòng sửa đổi. Nhưng chỉ lo rằng quan chức sót quên, phế bỏ mà không thi-hành đấy thôi.

Vua Đường Minh-tông (926 - 933) có xuống chiếu nói rằng:

“Người giữ pháp-độ thì lòng nhàn dật, ngày thêm tốt lành, người noi theo tình riêng thì lòng lao nhọc, ngày thêm vụng-về.

Luật lịnh cách-thức những gì quan-hệ đến mọi chính-sự đều đã chia rành phải theo phép cũ, [38a] khiến các quan mỗi người hãy chép ra các việc công ở bổn cục của mình, mỗi việc lớn nhỏ đều phải sao chép gom lại đóng thành sách, lại vẽ ở trên vách phấn, viết ở công-sảnh khiến cho các liêu-thuộc trông thấy mà giữ pháp-độ làm việc công.

Quan tể-thần thì giữ-gìn cương-lĩnh tất phải giữ-gìn trật-tự luân-thường, gọi đó là chí đạo bất phiền (đường lối đúng mức tốt đẹp nhất không phiền hà.)

Trong khoảng ấy có điều gì đã sửa đổi mà chưa tiện thi-hành hãy giao hữu-ty trình lên Trung-thư-môn-hạ để tham-chước lại rồi tâu lại mà thi-hành.

Đó thật là lời nói bất dịch[414] những lời bình-luận về việc trị yên từ xưa đến nay không hơn đó được.

Trải qua các đời việc lập-pháp có bớt có thêm có phiền-phức có giản-dị không giống nhau để thích-hợp với thời-thế và thuận-tiện cho nhân-dân thì đẹp hay.

Còn việc phân tào định cục, ngăn phòng điều tệ, cấm điều trái phép thì xưa nay cũng một lối cả” .

Chép lại hai bài chiếu của nhà Hậu-Chu (951 - 959) để thấy chính-sách giải-quyết việc án-tụng, có thể nói là kỷ-cương điều mục không hơn như thế.

Chu Thái-tổ trong niên-hiệu Quảng-thuận thứ 2 (952) có xuống sắc rằng:

“Đạt lý để yên nước tất nhiên trước hết phải lo về hình-luật.

Phân xử việc tranh-tụng đều có các chức quan lo-liệu, ở trong thì có các quan ở Đài-sảnh, ở ngoài thì có các tào-cục ở châu huyện, cùng nhau chịu ủy-thác chức-vụ, nhất thể lo-lắng siêng cần.

Nếu mọi việc có quy-điều thì dân-chúng không oán-hận.

Từ nay về sau việc kiện thưa của dân không vượt bậc khống-tố.

Ngày gần đây lại có những vụ thưa kiện đưa ngay đến triều-đường mà chưa được quan ở châu huyện xử qua thì phải ngăn cấm, để khỏi phải vượt lệ trái phép.

Từ nay về sau, hễ nhân-dân có việc kiện thưa hay nói có tai-hại thì cáo-tố ở huyện, nếu huyện không xử trị thì cáo-tố ở châu, nếu xử trị không công-bình thì cáo-tố ở quan-sát-sứ, nếu quan-sát-sứ xử trị không thích-đáng thì có thể đến Đài-sảnh.

Nếu có ai cáo-tố vượt bậc thì sở ty ấy không được [39a] tiếp nhận đơn từ.

Nếu xác-thực có ai vi-phạm thì sẽ bị chiếu theo luật trừng-trị.

Tờ cáo-trạng hoặc tự tay mình viết ra hoặc thuê người khác viết thì ở cuối tờ phải ghi tên họ và chỗ ở.

Như không có người viết tờ cáo-trạng cho thì nguyên-cáo được phép nộp giấy trắng. Những điều mình kể ra phải là việc của mình.

Như tố-cáo bí-mật với tình ý quanh co riêng tư, khi xét được thực tình, sẽ bị xử trị nghiêm khắc.

Còn như những nơi đã đầu tố phân xử không công-bình khiến người ta phải đầu tố đến triều đường thì quan trưởng sử phải xử lý và trừng phạt” .

Năm Quang-thuận thứ 3 (953) có sắc dạy:

“Việc phú-thuế, hôn (hôn-nhân), điền (ruộng) từ trước đến nay là chức-vụ của châu huyện. Việc trộm cướp hỏa-hoạn vốn là chức-vụ của ty tuần trấn. Mọi việc đều được phân chia riêng biệt, không thể vượt qua phận-sự hoặc xâm-phạm chức-vụ lẫn nhau làm rối loạn quy-tắc.

Trộm nghĩ các chức viên sở tại còn noi theo những mối tệ cũ, hãy hiểu biết rành-rẽ các điều-lý để chính đính kỷ-cương.

[39b] Những châu huyện quân trấn do các phủ Kinh-triệu Phụng-tường và các châu Hoa, Bội, Phu, Diệu quản-trị, vì cuối nhà Đường các phiên-trấn khác phong-tục nhau, trải qua thời-gian lâu chưa có thể sửa đổi được, đường lối chính-trị không giống nhau thì lấy gì mà dạy dân?

Những vụ thưa kiện lặt-vặt về hôn-nhân và ruộng-nương, việc thuế-má làm xâu đều là chức-vụ của quan huyện-lịnh và huyện tá.

Việc bắt gian giữ trộm và bảo-vệ nhân-dân ở địa-phương là chức-vụ cảnh-sát của quân-trấn.

Từ nay về sau mỗi người đều giữ chức-phận mình, chuyên lo cảnh-giác.

Như những chức-vụ có làm điều gì sơ sót sẽ bị khiển-trách.

Các châu huyện không được sai giám trưng quân tướng xuống huyện ngõ hầu làm việc được yên tĩnh không phải phiền-lao” .

Dưới triều nhà Minh, về chế-độ quan-chức ở ngoài, Lữ-Khôn có viết một bài Minh chức nói tường tận việc đó, đại-lược như sau:

Nhân-dân và tài-vật của một tỉnh được phân-trị ở châu-huyện, được kiêm trị ở phủ, được giám-lâm ở tuần-đạo, được thống-thuộc ở [40a] Bố-chính ty, được đàn-áp ở Án-sát ty, còn đốc-phủ thì vỗ-về yên-ủi nhân-dân.

Trong một tỉnh, phàm những việc về hộ (dân), hôn-nhân, điền-thổ, phú-thuế, sưu-dịch, ruộng-nương, tằm dâu đều thuộc Bố-chính-ty; phàm những việc về cướp trộm, đánh giết, tham-lam, gian-ác, hung bạo thì thuộc về Án-sát ty.

Trưởng quan của hai ty ấy, tình thế khó ra đi tuần, sức-lực khó kiêm-nhiệm, cho nên ở mỗi tỉnh phải tính xa hay gần mà chia đặt tuần đạo để gìn-giữ.

Nay khi đốc-sát liệu-lý xem phải trình xin thì trình xin hai viên ấy thi-hành, xem phải gởi bài tráp[415] thì gởi về châu huyện điều-nghị.

Đời Đường Minh-hoàng[416] (713 - 755) hễ quan ở bộ Lại thưởng hay phong cho các quan-chức mà sai hay lạm, bậc lịnh-sử thì bị phạt đánh trượng, bậc lang-trung thì bị phạt lương-bổng.

Sắc-chỉ của vua có câu rất hay: Khi tức nan thứ, thố tức khả căng. Nghĩa là: Lừa dối thì khó tha-thứ, sai lầm thì đáng thương.

[40b] Trong niên-hiệu Khai-nguyên (713 - 741) đời nhà Đường có chiếu dạy:

Những sắc đòi trưng-thu thuế-má đã triển hạn mà chưa nộp, đã qua năm hoặc thất-lạc, lại bị trưng-thu một lần nữa, hoặc đã trốn tránh mà khuyên người lân-cận bảo-chứng khiến những người nghèo khổ yếu đuối ấy lấy gì sống được yên?

Từ nay về sau, có người nào dối trá giấu-giếm kẻ bị đòi bắt thì phải bắt trong năm ấy, việc liên-hệ đến năm qua thì bắt cả, việc liên-hệ đã cách một năm trở về trước thì không thuộc trong hạn đòi bắt nầy.

Còn quan-chức giấu-giếm dối-trá tang-vật còn trong hạn đòi bắt thì không thuộc vào lệ này.

Đấy các lại-viên tra xét truy soát đều phải biết mà bắt chước.

Hộ-khẩu (nhà cửa và số dân-chúng) là kế hoạch lớn-lao của quốc-gia.

Vua Đường Huyền-tông (713-755) sai Vũ-Văn-Dung duyệt xét suy-tầm cũng chưa từng là không đúng.

Như nay những quân lính phản-bội đào ngũ ở các châu thì hạn cho trong vòng một trăm ngày phải tự ra đầu-thú, và chuẩn cho [41a] lịnh thức khiến sở tại biên vào hộ-tịch.

Những người tình-nguyện lưu-trú thì tùy tiện biên vào bộ sổ chịu sai dịch thuế-khóa, và đình trưng-thu ở bổn kế. Còn những kẻ tình-nguyện trở về quê-quán và cứ theo lịnh thức không hợp phụ vào bộ sổ, trước hết gởi giấy về bổn quán cho hay, đến khi đòi trưng-thu mới đệ hoàn.

Những người tình-nguyện trả ngay thì cũng cho, đợi đến bổn quán xin miễn thuế-khóa sưu-dịch năm nay.

Như đủ một trăm nhà trở lên thì khiến sai-quan ở bổn quán đến nhà mà nhận lãnh.

Những số tiền thiếu thuế trong thiên-hạ và số vay lương hột giống cùng thuế đất trong nhân-dân chưa nộp từ năm qua trở về trước đều tha cho khỏi nộp.

Do đó cũng có thể lấy luôn cái ý tinh-tường sáng-suốt và nhân-hậu của triều-đình, cho nên sách Văn hiến thông-khảo[417] có khen ngợi việc đó.

Theo chế-độ nhà Đường, những vật-phẩm thổ-sản của các châu trong thiên-hạ dâng cống mỗi năm sau tiết đông-chí đưa đến kinh-đô [41b] chuẩn-bị đầy đủ bày ra ở trước điện.

Sách Địa-lý chí chép: Phẩm-vật ở châu quận trong mười đạo dâng cống rất nhiều.

Đầu đời nhà Đường thi-hành phép Tô-dung-điệu[418]. Người dân có thường-điệu[419], việc làm xâu có thường nhật[420].