Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 4 - Chương 7

Đời vua Đường Đại-tông (763-775) có ra lịnh cho quan thứ-sử và huyện lịnh căn-cứ theo số nhà cửa của dân-chúng thực có hiện tại, lượng xét thứ bậc nghèo giàu mà định thuế-má và sai-dịch, không được y theo hạn cũ.

Nhà Tống cho người nha-tiền[421] coi giữ những sản-vật của công, cho người lý-chính[422], hộ-trưởng, hương thư-thủ[423] đốc-thúc việc đóng thuế, cho những bậc kỳ-trưởng[424] những cung-thủ[425], tráng-đinh[426] đuổi bắt trộm cướp, cho những thừa-phù, nhân-đao, thủ-đao, táng-tụng để quan sai khiến, những tạp-chức ở huyện tào-ty xem khí-hậu (mà đoán lành dữ) tuyển chọn người. Tất cả đều lấy thứ-tự hương-hộ mà định số nhiều ít khác nhau.

Theo chế-độ nhà Minh, việc sai-dịch thì có lý-trưởng, giáp-thủ, lão-nhân, tức là chức lý-trưởng, hộ-trưởng, kỳ-trưởng đời nhà Tống; cung-binh (lính bắn cung), dân-tráng tức là cung-thủ tráng-đinh đời nhà Tống, tạo-lệ[427] cấm-tử tức là [42a] thừa-phù nhân-đao thủ-đao đời nhà Tống, xứng-tử phố-hộ tức là giản-thao nhân đời nhà Tống, khổ-tử, thủ-cấp, nạp-hộ, giải-hộ tức là nha-tiền đời nhà Tống.

Những hiền-thần đời trước nói: “Những kẻ hèn-hạ để sai việc, ngoài việc coi ngục giữ kho, thì có thể thuê đá gác, giữ cửa, theo hầu. Như thế thì dân được yên-ổn cày gặt, quan được người để sai việc, lại có thể thu hết những kẻ du-thủ[428], ấy là làm một điều mà được cả ba việc.

Sách Phù-ông[429] tạp-ký chép: Quan Tiểu-tể nói: “Cho phép người buôn bán làm tờ chất tễ (văn-khế, tờ giao-ước buôn bán với nhau).

Quan Tư-thị[430] nói: Dùng văn-khế để kết chặt lòng tin cậy lẫn nhau mà dứt được việc kiện thưa” .

Quan Chất-nhân[431] nói: “Buôn bán to thì làm tờ văn-khế chất, buôn bán nhỏ thì làm tờ văn-khế tễ” .

Trịnh-Khang-Thành chú rằng: “Tờ chất và tờ tễ là hai tờ văn-khế đồng như nhau mà có khác, tờ dài gọi là chất, tờ ngắn gọi là tễ, như [42b] tờ hạ-thủ-thư (văn-khế) ngày nay” .

Giả-Công-Ngạn nói:” Tờ hạ-thủ-thư đời nhà Hán từ họa chỉ khoán ngày nay, há là tờ văn-khế lăn dấu tay của người dân hèn-mọn bỏ vợ ngày nay chăng? Không như thế thì bài-khoán ngày nay người không biết viết làm dấu đốt ngón tay, và văn-khế về ruộng về nhà ở Giang-nam cũng dùng giấy lăn dấu tay” .

Theo sách Chu-lễ, quan tư-dân[432] biên chép vào sổ những con trẻ từ lúc mọc răng[433], mỗi năm biên chép số sinh và số tử, và ba năm khảo xét một lần gọi là đại tỷ để biết số nhân-dân.

Vua chiếu xuống cho quan tư-khấu[434] lấy số dân chia cho số ruộng số làng để hợp với ngạch thuế, để chế-định bổng-lộc, để khởi công làm ruộng, để lập quân đội. Những việc ấy đều bắt đầu ở việc xem xét số dân trong nước.

Theo chế-độ nhà Đường thì cứ ba năm làm hộ-tịch một lần.

Theo chế-độ nhà Minh mỗi năm làm hộ-tịch một lần.

Nhà Đường lấy 100 nhà làm một lý, 5 lý làm một hương, ở tại đô-ấp gọi là phường, ở tại đồng quê gọi [43a] là thôn. Có đặt ra chức lý-chính, chức thôn-chính, chức phường-chính. Đó là bắt chước theo phép có chức tỷ-trưởng lư-tư và lý-tể trong sách Chu-lễ.

Dưới đời nhà Minh, một lý có một trăm nhà thì lập mười trưởng. luân phiên mỗi năm ứng-dịch trong mười năm thì trọn vòng. Người làm việc đương niên gọi là hiện-dịch, người sắp đến lượt làm việc gọi là bài-niên.

Ngoài những việc đó ra lại phân thành khu để đốc-thúc thuế-má, chức ấy gọi là lương-trưởng.

Ngu-Tập, nhà nho đời Nguyên nói: “Phía đông Yên-kinh bờ biển dài hàng mấy ngàn dặm là những vùng lau sậy, nước thủy-triều từ biển mỗi ngày tràn tới ứ lại thành đất tốt, phải dùng phương-pháp người Chiết-giang, đắp đê ngăn nước làm ruộng, cho những nhà giàu muốn làm quan hợp dân chia đất, phủ-định việc cày cấy, sau ba năm mới thu thuế.

Vương-Nguyên-Hàn đời Minh làm sách Tam tài đồ hội nói: “Trong khoảng sông Trường-giang, sông Hoài, đất nhiều ao đầm lùm bụi hoặc [43b] ở bờ sông bị nước thình-lình tràn ngập, nhà giàu có tài lực độ xem hình thế ruộng nương đắp đất làm đê vòng quanh mà không đứt đoạn, chứa ở phía trong hàng ngàn hàng trăm khoảnh ruộng đều là đất đề cấy cày cả” .

Xin đem lính thú đến đóng đồn, khiến binh lính chia đất khởi công canh-tác, cũng bắt chước theo phép đó.

Lại có loại ruộng thấp có đê bảo-vệ ngăn nước ở ngoài, tuy có nạn lụt đều có thể cứu ngăn được.

Đó thật là phép hay đời cận cổ.

Mối lợi lâu dài làm giàu cho nước cho dân không thể hơn thế được.

Hai điều đó, phép cũ của bổn-quốc đã thi-hành rồi.

Nay ruộng ở vùng ao đầm, ruộng ở bờ biển đều có bờ đê la liệt bảo-vệ, khoảnh[435], mẫu[436] phân-minh, mương rãnh thông suốt.

Lại có tu tri bộ ghi chép phần tiếp giáp bốn bên đông tây nam bắc của ruộng đất để định rõ ranh-giới xã thôn.

Lại liệt kê ra bốn loại ruộng: nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng, tứ đẳng để định ngạch thuế cao thấp.

Ruộng của quan, ruộng của dân [44a], ruộng của đình-thần, ruộng của chùa Phật đều có thước tấc số mục.

Bờ công, ao công, chỗ dân ở, ao đầm đều có ghi chép bề dài bề rộng và khu đoạn.

Vì thừa được cái ý hay còn truyền lại của chế-độ tiên-vương, dân-chúng sống ở đấy yên-ổn với nhau, nuôi dưỡng với nhau, đủ để đưa đến cảnh giàu có dồi-dào, không có điều gì phiền-nhiễu thì ngày thịnh-trị dưới thời vua Văn-đế vua Cảnh-đế nhà Hán[437] nào xa nữa?

Sách Nhĩ-nhã chép: Phía ngoài đô ấp gọi giao, phía ngoài cõi giao gọi mục (vùng để chăn nuôi), phía ngoài cõi mục gọi dã (đồng-nội).

Sách Chu lễ chép: Con đường từ quốc-đô ra cõi dã (đồng-nội) xa-xôi, cách 10 dặm có đặt một nhà lư, nhà lư có chỗ để ăn uống; cách 30 dặm có đặt một nhà túc (trọ), nhà túc có lộ thất (nhà cho khách ở theo dọc đường), lộ thất có ủy-lại[438]; cách 50 dặm có chợ, chợ có hậu-quán[439], hậu-quán có chứa lương-thực đề đãi các quan triều-sính[440].

Đời sau, nhà trạm (dịch-đình) và lữ-quán sao chẳng là không phải ý của đời xưa truyền lại?

Nhưng sửa-sang những nhà trạm và lữ-quán ấy cũng phải lượng theo thời-tiết và bớt sức cực nhọc của dân.

Cho nên dưới đời vua Chiêu-Liệt, con đường từ Thành-đô đến Bạch-thủy có làm nhiều nhà trạm. Tào-Tháo biết [44b] đó là việc làm cho dân nhọc mệt.

Đời vua Sùng-trinh (1628- 1644) nhà Minh, quan Cấp-sự Lưu-Mậu xin giảm bớt số nhà trạm, ý là muốn cho dân được nghỉ-ngơi dưỡng sức.

Nhưng dân không nghề-nghiệp ở Hà-bắc nhờ cậy vào số tiền ngựa chạy trạm mà ăn, đến lúc ấy không còn trông vào đâu mà sống, bèn dẫn nhau làm trộm cướp.

Xét việc nầy ở bài sớ của quan Ngự-sử Khương-Tư-Duệ có nói: “Dân nghèo ở các đạo đông-đảo hàng ngàn hàng trăm, kéo xe mà sống qua ngày, đói khát chờ chết, tản mác ra làm trộm cướp” .

Khương-Tư-Mậu cũng ăn-năn về lời nói ấy.

Cho nên làm việc chính-trị mà không hiểu dân tình, không độ được những tai-hại về sau, thấy bên nầy lại sót bên kia thì không phải là biết việc trị dân.

Trong thời Tam-đại[441], binh-khí đều làm bằng đồng.

Sách Tả-truyện chép: Sở-Tử ban đồng cho Trịnh-Bá, thế rồi lại hối-hận cho việc ấy mà thề [45a] rằng: “Chớ lấy đồng đúc binh-khí” . Cho nên lấy đồng đúc chuông. Đó là một điều.

Quý Vũ-Tử vì thắng được binh nước Tề, làm cái lâm-chung[442] mà ghi chiến-công của nước Lỗ. Đó là hai điều.

Chiến-quốc-sách[443] chép: Đổng-An-Tử làm nhà ở cung Tấn-dương đều đúc đồng làm cột trụ. Triệu-Tương lấy đồng ấy mà dùng cũng còn dư. Đó là ba điều.

Thiên Binh-chí trong Minh-sử chép: Đời xưa gọi pháo (súng) đều là loại máy bắn đá.

Đầu đời nhà Nguyên được súng Tây-vực đánh Thái-châu thành nước Kim, từ đó bắt đầu dùng lửa, nhưng phép chế-tạo không được truyền lại. Về sau cũng ít dùng đến.

Đến khi Minh Thành-tổ dẹp yên nước Giao-chỉ được phép đúc súng thần-cơ sang pháo, đặc-biệt lập ra Thần-cơ-doanh.

Cách chế-tạo dùng đồng đủ thứ sống và chín trộn nhau.

Còn dùng sắt, thì sát Phúc-kiến mềm và tốt nhất. Sắt Tây-vực kém hơn.

Súng lớn súng nhỏ không đồng nhau.

Súng to dùng xe mà bắn.

Súng cỡ trung và súng cỡ nhỏ bắn thì dùng cái giá để gác lên hay vác lên vai.

Súng lớn tiện-lợi cho việc phòng thủ, súng nhỏ tiện lợi cho việc chiến-đấu, tùy-nghi mà dùng. Súng là binh-khí trọng yếu để hành-quân.

Sách Thông-ký có nói: Lúc đầu mới dựng nước chỉ có năm doanh: đó là Trung-doanh, Tiền-doanh, Tả-doanh, Hữu-doanh và Hậu-doanh.

Đầu niên-hiệu Vĩnh-lạc (1403-1424) nhà Minh bắt đầu đem ba ngàn kỵ-binh rợ Hồ đặt dưới là cờ rồng lập ra Tam-thiên-doanh, về sau đi đánh ở phương Nam bắt đặng Hồ-Quý-Ly, được cách-thức chế-tạo thần-sang hỏa-tiễn, lập ra Thần-cơ-doanh. Đó là ba doanh to.

Sách Cô thụ biều đàm chép: Lê-Trừng, con của Hồ-Quý-Ly được nhà Minh cho làm Hộ-bộ Thượng-thư chế-tạo súng rất giỏi, làm súng thần sang cho triều-đình nhà Minh.

Ngày nay hễ tế binh-khí thì tế luôn Lê-Trừng.

Sách Thù vực chu tư lục chép: Lê-Trừng, em của Hồ-Hán-Thương tiến dâng cách-thức chế-tạo thần-sang. Vua nhà Minh xuống chiếu cho Lê-Trừng làm quan. Như vậy thì thứ binh-khí nầy được truyền vào Trung-quốc thực từ Lê-Trừng.

Sách Minh-sử chép: Trong niên-hiệu Vĩnh-lạc (1403-1424) vua nhà Minh thân-chinh đánh Mạc-bắc, quân giặc ùa đến đông-đảo, lúc ấy mới được thần-sang của nước An-nam, liền đem ra đánh, quân giặc mới kéo nhau chạy.

Lại trong khoảng niên-hiệu Tuyên-đức (1426 - 1435) [46a] vua Tuyên-tông nhà Minh có xuống sắc cho quan Tổng-binh ở Tuyên-phủ rằng:

Súng thần là loại binh khí mà quốc-gia quý trọng, liệu lường mà cấp cho các đồn ở biên-giới đề làm dũng uy thế của quân-đội, không nên cấp cho một cách khinh-suất.

Trong khoảng niên-hiệu Chính-thống (1436 - 1449) tướng-lãnh ở biên-thùy lập ra Thần-sang-cục.

Vua nhà Minh cho rằng loại súng lửa chế-tạo ở ngoài thì e sợ bị tiết-lậu bí-mật, liền xuống chỉ ngăn cấm Thần-sang-cục.

Việc thận-trọng đối với súng thần-sang là như thế.

Lê-Trừng thường có viết sách Nam ông mộng lục, kể những việc lặt-vặt đời nhà Lý nhà Trần, phần nhiều hợp với Quốc-sử, nay thấy chép ở sách Thuyết-phu.

Sách Minh-sử chép: Trong niên-biểu của Thất-khanh (bảy vị quan-khanh) có nói Lê-Trừng làm Binh-bộ Thượng-thư.

Sách Tuy khấu ký lược[444] của người nhà Minh có một đoạn nghị-luận, cũng có thể thấy súng ống đem dùng có nửa lợi nửa hại.

Sách ấy chép: Năm thứ lửa trong binh-pháp chỉ để phát ra sức nóng. Súng thì có máy bắn đá phóng vào người ta. Từ trong niên-hiệu Vĩnh-lạc thì được phương-pháp chế-tạo súng lửa thứ to thứ nhỏ của Âu-Tây, mà kỹ-thuật dùng cung tên giáo [46b] mâu bị phế bỏ không dạy nữa.

Tướng sĩ quen không trông thấy quân địch, một khi bắn không trúng thì bỏ chạy, lại để súng vào tay quân giặc.

Cho nên lúc đầu dùng súng để thị oai cùng thiên-hạ, rồi về sau để mất nước.

Sách ấy lại chép: Từ đời Tần trở về sau, nhân-dân chết về gươm đao không thể kể xiết, nhưng lúc ấy súng lửa (hỏa-khí) chưa được truyền vào Trung-quốc thì còn có thành quách kiên-cố có thể giữ được.

Nay Hiến-vương[445], Sấm-vương[446] làm giặc tung-hoành, những đô-thị danh tiếng (như Thành-đô, Kinh-đô)[447] bị đổ tan đều vì quân giặc cướp được súng lửa của ta.

Dẫu sức khỏe của Mạnh- Bôn[448], mưu trí của Mặc-Địch[449] cũng không thể làm gì được.

Việc cướp phá nhân-dân càng sâu, sát khí của ngũ-hành đã cùng tột, làm khốn-khổ sinh-linh so với sự nguy hại của lưỡi đao mũi kiếm thật đã hơn gấp ngàn lần.

Các dân-tộc người Man ở núi giỏi nhất về nghề bắn nỏ. Đầu mũi tên có tẩm thuốc độc, thú dữ bị bắn trúng chỉ bị ngứa ngáy mà [47a] chết.

Người Man gặp nhau cách núi, người kia kêu lên nói: “Đã hết tên” . Người này đáp lời: “Tôi gởi sang vài chiếc” . Rồi liền nhắm bắn ghim vào đầu tóc của người kia (để người kia nhận lấy).

Thể mới biết thuyết Tượng-Thạch đẽo mũi[450], người xưa nói không ngoa.

Đại-lý là nước Nam-chiếu ngày xưa, đất liền với Tây-nhung, sản-xuất ngựa rất nhiều. Ngựa ấy nhiều nhất ở vùng tây-nam, đã thấy sách Ngu hành chí[451] của người nhà Tống khen.

Nay châu Khai-hóa ở Vân-nam và những địa-phương Tứ-thành, Điền-châu, Bách-ấp ở Quảng-tây sản-xuất rất nhiều ngựa tốt. Nhân-dân ở đấy bán ngựa ra khắp vùng lân cận chung quanh.

Nước ta vùng Tuyên-quang, Cao-bằng cũng sản-xuất nhiều ngựa.

Phủ Phú-yên thuộc xứ Quảng-nam sản-xuất ngựa nhiều nhất, có bầy hàng ngàn hàng trăm con như bò dê.

Khách thương đàn-bà đều cỡi ngựa chở hàng-hóa chuyển-vận mà bán.

[47b] Tống-sử chép: Thái-Diên-Khánh làm tri-châu ở Hoạt-châu thường được phép hành-quân của nước An-nam, xin bắt chước theo phép ấy, đặt bộ-phận chính-binh, cung tiển thủ và nhân mã đoàn làm chín phủ, hợp trăm đội lại phân ra bốn bộ, Tả, Hữu, Tiền, Hậu.

Về đội có trú chiến đội (đóng quân mà đánh) và thác chiến đội (mở trận đánh) khác nhau.

Mỗi tướng có bộ-binh kỵ-binh khí-giới đều đồng nhau, chỉ khác nhau về người ngựa phiên binh.

Mỗi đội đều tùy theo chỗ ở chia ra mà lệ-thuộc vào.

Số các tướng không bằng phân nửa của chính-binh là để chế-ngự chúng, cho lính già yếu ở trong thành, so-sánh chỗ xa chỗ gần mà phân biệt.

Khiến phiên-binh và Hán-binh không được ở lẫn lộn nhau đề phòng việc biến.

Vua Thần-tông nhà Tống cho những điều ấy là hay.

Binh-pháp nhà Lý được triều-đình Trung-quốc lấy mà dùng như thế.

Nhà Lý, phía bắc phá được châu Ung, châu Liêm của Trung-quốc, phía nam dẹp yên nước Chiêm, nước Lào, đi đánh chẳng bao giờ không thắng, thật là vì thể.

[48a] Phủ-binh nhà Đường biến làm trường-tùng[452], bởi vì đến niên-hiệu Khai-nguyên (713) tình-thế phải như vậy.

Lý-Bật bình luận việc ấy đã rõ-ràng.

Năm thứ 2 (714) sau khi vua Huyền-tông lên ngôi, quân Thổ-phồn vào cướp phá, vua mở cuộc tuyển-mộ dũng-sĩ rất lớn-lao, và sắp thân-chinh thì các tướng đã phá được quân Thổ-phồn.

Do đó vua xuống chiếu dạy quân-đội ở các trấn ven theo biên-giới mỗi năm được thay phiên, khiến cho binh không biết tướng, tướng không biết binh.

Các trấn quân-sự ở vùng tây-bắc phải gia tăng quân-số, trước hết đem binh ở vùng phu-cận sung vào và phải tuyển chọn cho kỹ.

Các chiến-sĩ lập riêng thành đội ngũ chỉ chuyên lo việc tập luyện, không được sai làm việc.

Năm Khai-nguyên thứ 8 (720), vua lại xuống chiếu dạy các châu ở hai kinh chọn lấy mười vạn binh (100.000) đều bắt chước theo cấp bậc đương phục-dịch và khiến cho các đoàn ngũ ấy luyện tập. Như thế là đã có ý biến lần lần quân-đội thành trường-tùng.

Năm Khai-nguyên thứ 18 (730) vua mới xuống chiếu dạy rõ lấy binh phủ Quảng-tây và dân bạch-đinh[453] hai mươi vạn (200.000) người làm quân trường-tùng [43b] túc-vệ, nhưng quân đóng ở biên-giới vẫn được thay phiên thú phòng.

Đến năm Khai-nguyên thứ 25 (737), nhà vua thấy vùng biên-giới đã bình-yên, muốn giảm bớt hay đình-chỉ việc đánh thuế làm xâu cho dân được nghỉ-ngơi, xuống chiếu cho quan tể-tướng và các quan tiết-độ-sứ kế nghị, lượng xét quân ở phiên-trấn nhàn rỗi hay bận rộn, xem xét mà tính số lính tráng-kiện hợp lại mà định quân ngạch, ủy-thác cho quan tiết-độ-sứ ở các ấp đánh thuế những người qua lại và những nhà từ nơi khác đến ở[454], mộ những đinh-tráng tình-nguyện làm quân mạnh khỏe thú phòng biên-giới lâu dài, đến cuối năm thì làm sổ để nộp.

Năm Khai-nguyên thứ 26 (738), tờ chiếu thư đại xá có viết:

“Trẫm mỗi lần nhớ đến lê dân (dân đen) chết vì việc chinh-chiến và đồn thú, họ-hàng thân-thích phải nhiều nỗi sầu oán biệt-ly, quan ải núi non lắm nỗi qua lại nhọc-nhằn, thường sao không trắc ẩn ở lòng, thức ngủ thêm thở-than, cho nên mới khiến chiêu mộ riêng để sung vào quân biên-phòng, ban thưởng trọng hậu cho họ để họ thường ở luôn nơi đấy.

Nay số người do các quân chiêu-mộ [49a] đã đủ, thì ở Trung-hạ[455] có thể bãi binh, đã không có việc chiến-tranh, thì đủ để bảo-vệ nghề làm ruộng trồng dâu.

Từ nay trở về sau, những binh tráng-kiện của các đạo quân đều được đình-chỉ việc đồn thú ở biên-giới, còn những trấn binh có hiện tại đều được cho về.

Từ nay, ở trong thì Túc-vệ, ở ngoài thì biên-trấn đều dùng mộ binh, còn phép bắt lính phủ-binh thì bỏ hết.”

Đầu quốc-triều, phủ-binh chỉ cung-cấp việc thay phiên túc-vệ chớ không có việc canh giữ biên-thùy. Lòng người được yên cho nên được tồn-tại lâu dài.

Khoảng giữa quốc-triều mở-mang lập ra phiên-trấn. Phải đi làm nơi xa, đồn thú lâu ngày, lòng người thấy bất tiện, cho nên phép ấy hỏng.

Vua Đường Minh-hoàng xuống chiếu mộ những khách hộ (nhà từ nơi khác dời đến ở), cho về những dân binh chinh-chiến và đồn thú. Ý ấy chưa phải là không hay.

Đương lúc ấy các quan bàn-nghị có thể chỉnh-lý việc ấy: Ở ngoài tùy dùng mộ binh, ở trong vẫn dùng dân binh, há [49b] rằng chẳng tiện lợi cả đôi bề?

Lại bãi bỏ đoàn-giáo, đình-chỉ phiên-thượng, dẹp hết phủ-binh và túc-vệ để trở thành cái thế đuôi to lớn, giữa khô khan, đó là lầm vậy.

Khảo xét Sách phủ nguyên quy[456] thì tự thấy việc đó.

Sử chép: Phủ-binh đời Đường, từ tuổi thành-đinh[457] tùng-quân đến 60 tuổi thì được miễn, gia-đình lại không khỏi những việc làm xâu lặt-vặt, rồi lần lần vì nghèo yếu trốn tránh gần hết, đến nỗi không bắt được lính, như thế tự hồ như chưa cứu xét sự thật.

Đời Khai-nguyên (713 - 741) toàn thịnh, dân-chúng giàu có dồi-dào, như ở Quan-nội và Quan-ngoại hơn 800 phủ-dân ở thôn ấp đều trốn cả, không ai làm lính thì lấy gì trị đời được?

Ngạch quân cấm-vệ khuyết trống mà không điền bổ, quân thú-biên quá số mà không trừ bớt, đương lúc bấy giờ thật đã có cái tệ ấy.

Nhưng nếu trách dân hộ điền bổ và trừ bỏ thì há rằng tất cả đều không có người?

Trương-Duyệt muốn biển đổi pháp-độ mượn cớ đó để khiến những kẻ trốn tránh phải ứng mộ là để nói vậy thôi.

Xét ra: năm Tiên-thiên thứ 2 (712) [50a] vua Đường Duệ-tông[458] xuống chiếu nói rằng:

“Vận Hoàng-gia buổi đầu, quân chính mới chỉnh tu, đặt hai quân-lữ, bắt đầu phân phủ-binh và túc-vệ, tính số hộ-tịch để sung quân vừa đủ dùng, bèn khiến trai-tráng tuổi 21 nhập vào lính mộ, đến tuổi 60 thì giải ngũ, đã sợ lao nhọc, đều mưu tính ẩn trốn, nên không có sửa đổi lại thì lấy gì đề làm cho hợp lý?

Nay ra lịnh cho thiên-hạ, lấy trai-tráng 25 tuổi trở lên chọn vào lính vệ-sĩ, sung được 15 năm thì cho về, chọn người đã nhiều lần chinh-chiến và trấn-thủ được 10 năm thì cho về. Sở dĩ đã như thế là vì lúc bấy giờ người ta và nhà cửa đông nhiều cho nên có ý khoan thứ.

Đã xuống tờ chiếu ấy thì dân 40 tuổi và 35 tuổi đã thành hạng quân già để sa-thải, thì một thôn còn được mấy người thay thế. Thi-hành lịnh ấy hơn mười năm thì trai-tráng sung vào đội ngũ sẽ ít đi.

[50b] Nhà Minh lấy quân của một trấn do quan Tổng-binh quản-lãnh làm chính-binh, lấy 3.000 quân do quan Phó Tổng-binh chia ra quản-lãnh làm kỳ-binh, lấy 3.000 binh do du-kích chia ra quản-lãnh qua qua lại lại phòng-ngự làm du-binh, lấy quân của quan Tham-tướng chia giữ các lộ để phía đông phía tây sách-ứng[459] nhau làm viện-binh. Bày quan đặt tướng đã có ý ngụ trận pháp.

Chế-độ nhà Minh đặt mỗi vệ 5 thiên hộ-sở, lấy 5.600 người làm một vệ, 1.120 người làm một thiên hộ[460] sở, 120 người làm một bá hộ sở.

Ở trong và ở ngoài khắp trong thiên-hạ được tất cả 547 vệ, 2.593 sở.

Về sau ngạch thì còn mà thực-chất đã mất. Binh-thế bèn trở thành yếu-đuối.

Phép phủ-binh quả đã không có cái tệ hay sao?

Nhà Minh có 12 đoàn doanh, 38 vạn quân (380.000).

Trong niên-hiệu Gia-tĩnh (1522-1566) số lính được ghi trong bộ chỉ có 14 vạn (140.000), nhưng sự thật [51a] không đến 5 hay 6 vạn (50.000, 60.000). Lương-hướng chi cấp cho quân thì có, mà điều-khiển thì không, việc quân-chính sao mà bại-hoại đến như thế?

Cấp tướng-lãnh và bậc quyền-quý chiếm một số lính cho làm việc riêng, cuối cùng không thể nào cứu-xét được, là vì cớ ấy.