Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 5 - Chương 1

KHỔNG-TỬ nói: “Từ đạt nhi dĩ hĩ” . Nghĩa là: Văn-từ cần đạt mà thôi. Đạt là nói bình-dị (bình-thường dễ hiểu).

Chu-Tử nói: “Đạo lý diệu xứ khước đa tại bình dị” . Nghĩa là: Chỗ tinh-diệu của đạo-lý phần nhiều ở chỗ bình dị.

Chu-Tử lại nói: “Độc giả ninh tường vô lược, ninh chuyết vô-xảo, ninh cận vô viễn” . Nghĩa là: Đọc sách nên đọc tường-tận, chớ nên sơ lược, nên thấp, chớ nên cao, nên vụng, chớ nên khéo, nên gần, chớ nên xa.

Thẫm-Ước cũng nói: “Văn-chương đương tùng tam dị: Dị kiến sự, dị thức tự, dị tụng độc dã” . Nghĩa là: Văn-chương nên theo ba điều dễ: Dễ thấy việc, dễ biết chữ và dễ đọc.

Văn-chương là gốc to của việc lập thân, là việc lớn của sự sửa trị việc đời.

Người nhà Đường nói: “Chọn lấy kẻ-sĩ mà dùng thì trước hết tất phải nhắm đức hạnh, sau cùng mới xét về văn-nghệ. Đó là nói về chức Thư-phán, chớ không phải luận chung.

[1b] Chu-Tử nói: “Ngôn chi vô văn hành chi bất viễn. Tứ giáo[461] tất liên chi, dĩ văn ước lễ, tất liên bác văn, vị thường chỉ vi mạt sự” . Nghĩa là: Lời nói mà không có văn-chương thì không đi xa. Trong bốn điều dạy bảo của Khổng-Tử, trước hết tất phải lấy văn-chương, muốn ước-thúc lễ-giáo trước hết tất phải rộng văn-chương. Văn chương chưa từng bị chỉ-định là việc ngọn.

Sách Luận-ngữ chép: “Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ” . Nghĩa là: Dốc chí vào đạo, giữ vững ở đức, nương tựa vào nhân, vui chơi ở nghệ.

Đó là nói ngang nhau theo bình-diện, chớ không từng phân-biệt gốc ngọn.

Lời truyện[462] ở thiên Đính chi phương trung thuộc thơ Dung-phong trong kinh Thi của Mao-Công nói về cửu năng (chín điều nên) như sau:

1) Kiến bang năng mệnh quy: Khi dựng nước nên bói bằng mai rùa.

2) Điền năng thi mệnh: Khi đi săn thì nên thi-hành mệnh-lệnh.

3) Tác khí năng minh: Khi làm vật-dụng gì thì nên làm bài minh[463].

4) Sứ năng tạo mệnh[464]: Khi đi sứ thì nên biết chuyển họa thành phúc.

5) Thăng cao năng phú: Khi lên cao thì nên biết làm bài phú.

6) Sư lữ năng thệ[465]: Khi xuất quân đi chinh-phạt thì nên biết tụ hợp quân-sĩ lại mà răn dạy.

7) Sơn xuyên năng thuyết: Thấy núi sông thì nói được lý-do.

8) Tang kỷ năng lũy[466]: Trong đám tang thì nên biết làm bài văn kể rõ đức hạnh của người chết.

9) Tế tự năng ngữ[467]: Trong việc cúng tế thì nên biết nói ra lễ-nghi.

Người quân-tử làm được chín điều nầy thì có thể gọi là có đức-âm[468] và có thể làm quan đại-phu.

Nhà Chu chọn lấy kẻ-sĩ đại-khái là như thế, thì có thể bảo văn-chương là việc ngọn được hay sao?

Đại để phần tinh-hoa đẹp-đẽ phát-tiết ra ngoài đều do sự hòa-thuận chất chứa ở trong, cho nên người có đức thì tất có lời, người có hạnh thì tất có học.

Chim phụng rực-rỡ lông vũ [2a], con beo trơn bóng lông mao, trau dồi trang-sức ở ngoài và chất-chứa trong lòng đều giống nhau như một.

Chu-Tử nói: “Uy-nghi đúng pháp-độ, nói-năng đúng lý đều là văn cả” .

Chu-Tử lại nói: “Lấy lễ, nhạc, xạ (bắn cung), ngự (cầm cương đánh xe), thư (viết chữ), số (tính toán) dạy người về văn, thì làm sao có người đã theo học những môn ấy rồi mà có thể bảo là còn thiếu về đức hạnh được sao?

Xem người, đúng là phải luận xét những điều đó, không nên xem đức với văn là hai cái khác nhau.

Việc dạy-dỗ về lục-nghệ[469] thì văn-sự và vũ-bị đều đầy đủ cả. Cho nên những người được đào luyện bằng cách dạy-dỗ ấy, hễ vào triều thì làm công-khanh, ra ngoài thì làm tướng-súy. Việc ứng dụng không có gì là không thích-đáng.

Theo cách tuyển chọn người bằng cửu-năng, thì việc chính-trị và từ-hàn (từ-chương) là một thể. Cho nên khi vào triều thì có thể thay vua phán quyết, khi ra ngoài thì có thể tuyên-bố mệnh-lệnh lớn-lao. Việc thi dụng không có điều gì là không thích-nghi.

Nhân-tài của đời thịnh cổ vượt xa của đời sau đều vì thế đó.

Vì học mà không thông suốt khắp cả và hoàn toàn đầy-đủ thì có được chăng?

[2b] Sách Luận-hành chép: Trông thấy nhà cửa lớn-lao thì biết đó là gia-tộc có danh-tiếng. Thấy cây cao thì biết đó là nước đã lâu đời. Văn-hóa lớn-lao còn ở trong nước là bằng chứng của đời thạnh trị.

Bậc quốc-quân (vua một nước) mà sáng-suốt thì văn-nhân tụ-tập lại. Thánh-hiền định ý-chí ở ngòi bút. Những ngòi bút tụ-tập lại thành văn. Văn-chương thuật bày đầy đủ tâm-tình và làm hiểu rõ phong-tục.

Người nào cho văn-chương là cành là lá thì thật chưa biết điều đó.

Sách Trang-Tử[470], Hoài-Nam-Tử[471] là tổ của văn-chương.

Sách Sử-ký[472], Tả-truyện[473] là tổ của sử-học.

Sở-từ[474] là tổ của từ-phú.

Đời xưa chưa có Tử-thư[475].

Quản-Trọng[476] làm loại sách ấy ở nước Tề.

Trang-Chu, Hàn-Phi[477] và Tuân-Huống[478] noi theo viết sách loại ấy.

Những thiên sách ấy đều thành những bản văn nghị-luận mà thư-thể đã biến đổi hẳn.

Đời xưa chưa có từ-phú.

Khuất-Nguyên[479] khởi-xướng lối từ-phú ở nước Sở.

Tống-Ngọc, Đường-Lặc và Cảnh-Sai họa theo.

Những câu văn ấy đều bay bướm mà [3a] thể thơ từ đấy biến đổi hẳn.

Đọc sách Tả-truyệnQuốc-ngữ[480] mới biết người xưa ghi chép sự việc tường-tận. Cho đến những câu chuyện nói riêng với nhau, những lời thân-thiết gần-gũi nhau, những lời đoán mộng, những lời xem bói, không có điều gì mà người xưa không biên chép, cũng chưa từng thấy là rườm-rà.

Đọc sử đời Đường đời Tống mới biết người đời sau ghi chép sự việc rất sơ-lược. Cho đến những tấu chương, đối, sớ, điển-hiến, điều mục có nhiều chỗ sót lậu, cũng chưa từng thấy là đơn-giản.

Sách Tả-truyện có chép một đoạn kể việc Kính-vương xin nước Tấn xây thành ở Thành-chu[481]. Sách Sử-ký có chép bức thư của Nhạc-Nghị[482] đáp lời Yên-vương. Sách Tam-quốc-chí có chép bức thư của Gia-Cát-Khác gởi cho Tề-vương. Ba bài văn ấy nghĩa-lý thông-đạt sáng-sủa.

Tôi nói: Ai đọc những bài văn ấy thì đạt đến chỗ thú-vị, bởi vì đọc sách thì phải xem cho được chỗ thần tình, làm văn cũng quý ở chỗ có thần [3b] tình.

Tô Đông-pha[483] nói: “Ý dứt mà lời hết là lời nói rất hay trong thiên-hạ. Nhưng lời dứt mà ý không hết thì lại càng hay hơn nữa. Như xem sách Lễ-kýTả-truyện thì có thể thấy được việc đó” .

Trương-Tử nói: “Đọc sách ít thì không do đâu mà khảo tra được ý nghĩa. Muốn hiểu sách được tinh-tường thì phải học đọc thuộc lòng[484] và suy nghĩ tinh-tường. Hễ không nhớ thì suy nghĩ không ra. Nhưng sau khi mình thông suốt được đại nguyên[485] thì sách cũng dễ nhớ.

Ở chỗ không nghi-ngờ mà có điều nghi-ngờ mới là có tiến-bộ” .

Sách Thuyết-phu nói: Đọc sách hàng trăm lần thì tự nhiên thấy ý-nghĩa.

Lời nầy thật hợp với chỗ nầy.

Sách Môn sắt tân ngữ: Văn-chương không sử-dụng sự việc thì khó nhất, sử-dụng nhiều sự việc cũng khó nhất. [4a] Không sử-dụng sự việc thì khó lập ý, sử-dụng nhiều sự việc thì khó khiến lời.

Sách ấy lại chép: Đọc sách là để nhớ được chắc-chắn, thì hằng ngày thấy có tiến-bộ hữu ích.

Sách ấy lại chép: Hoàn-Ôn[486] xem Bát-trận-đồ[487] cho là hình-thế con rắn ở núi Thường-sơn[488], không những riêng dùng về binh-pháp mà còn dùng văn-pháp nữa.

Văn-chương phải uyển-chuyển hồi-phục đầu đuôi ứng nhau mới là tuyệt hay.

Đó là những lời nói có danh tiếng về văn-chương.

Người xưa nói: “Làm thơ làm văn chép việc tuy nhiều mà chỉ sợ không biến hóa” .

Ý nói nên đem lời và ý của cổ-nhân luyện lại biến thành mới cả chớ không nên bắt chước theo lối cũ.

Văn-Tử[489] nói: “Bậc thượng-học lấy thần mà nghe, bậc trung-học lấy tâm mà nghe, bậc hạ-học lấy tai mà nghe” .

Nghe bằng tai là học ở da, nghe bằng tâm là học ở thịt, nghe bằng thần là học ở xương tủy.

[4b] Thiệu-Tử nói: “Những người có thể đọc sách, trong thiên-hạ rất ít” .

Chu-Tử nói: “Phàm xem văn, những chỗ dị đồng[490] của các nhà rất đáng xem. Tôi ngày trước xem văn thi chuyên đọc chỗ dị đồng” .

Ông lại nói:“Lúc xem phần chú-giải thì không thể nào bỏ sót những chữ khẩn yếu” .

Ông lại nói: “Đọc sách thì nên đem bổn văn đọc cho thuộc, nhai gậm mỗi chữ mới có thú-vị, nếu có chỗ hiểu không được thì suy nghĩ sâu xa, mà không hiểu được nữa mới đem phần chú-giải ra xem mới có ý-vị” .

Ông lại nói: “Xem phần giảng giải thì không nên chuyên câu nệ thuyết khác và không tìm lẽ phải trái mà vội bảo rằng lời nói của bậc thánh-hiền đời trước đều là đích-đáng. Như những lời chép trong những sách còn truyền lại há rằng không có chỗ quá đáng hay thất thực và cũng có chỗ nói không đến” .

Ông lại nói: “Lúc đầu mới xem liền lấy ý riêng của mình mà phán-đoán trước, những lời của thánh- [5a] hiền đời trước đều không cho vào tai. Đó đúng là cái bịnh của học-giả bây giờ” .

Tất cả mấy lời ấy hẳn là để chỉ bảo phép đọc sách cho học-giả, xin tiện chép ra đây.

Nhan-Chi-Thôi[491] nói: “Từ xưa văn-nhân phần nhiều mắc bịnh khinh bạc, nguyên là thể-chất súc-tích văn-chương nêu cao hứng-thú, phát dẫn linh-tính khiến người ta kiêu-căng, cho nên quên giữ-gìn tiết-tháo, quá mạnh về tiến-thủ. Tôi cho đó là vì ít học-vấn, thiếu hàm dưỡng và bị khí làm chủ-động.”

Hứng-thú và linh-tính tự nhiên vốn bình-đạm (phẳng-lặng lạt-lẽo) một khi nêu cao lên thì càng thấy thung-dung. Cho nên thánh-nhân nói: “Hưng ư Thi” . Nghĩa là: Hưng-khởi lên nhờ đọc kinh Thi.

Thánh-nhân lại nói: “Từ đạt nhi dĩ hĩ” . Nghĩa là: Lời nói cốt được bình-dị mà thôi[492].

Thánh-nhân lại nói: “Hành hữu dư lực tắc dĩ học văn” . Nghĩa là: Làm đã dư sức rồi mới học văn.

Thể-chất của văn-chương vốn vươn ra từ trong học-vấn, thì há lại có cái lẽ văn-chương khiến người ta kiêu-căng được?

[5b] Lữ-Cư-Nhân nói: “Học-giả nên làm cho văn hữu-dụng, và không nên đem hết văn hữu-dụng thành lời nói suông mới được” .

Về văn nghị-luận thì phải lấy sách của Đổng-Trọng-Thư[493] và Lưu-Hướng[494] làm chủ.

Những loại sách Chu-lễ, Tân-tự[495], và Thuyết-uyển[496] đều phải thông-suốt và khảo-cứu chín-chắn.

Sách Điển-luận[497] của Tào-Phi chép: Văn tấu nghị phải nhã, văn thư luận phải hợp lý, văn minh[498] và văn lũy[499] phải thiết-thực, văn thi phú phải đẹp-đẽ. Đấy gọi là tứ khoa.

Sách Văn tâm điêu long[500] chép: Luận-thuyết, từ, tự thì kinh Dịch làm đầu. Chiếu sách chương tấu thì kinh Thư khởi nguồn. Phú tụng ca tán thì kinh Thi dựng thể-cách. Minh, châm, lũy, chúc thì kinh Lễ mở mối. Ký truyện di hịch thi kinh Xuân-thu làm gốc.

Tăng-Nam-Phong nói: “Văn-chương nguồn-gốc [6a] ở Lục-kinh[501] thật đã thấy rõ điều đó ở đây.

Tào-Phi[502] nói: “Làm văn lấy ý làm chủ, lấy khí làm phụ, lấy từ làm vệ. Những tác-phẩm của các danh-gia của ngàn xưa đều không ngoài những lời ấy” .

Câu nầy không phải Tử-Hoàn (tức Tào-Phi) có thể nói được, chắc là được ai truyền dạy cho đấy chăng?

Văn-chương hay tuyệt được người ta gọi là Bát đẩu chi tài (tài được tám đấu).

Lời nầy vốn là của Tạ-Linh-Vận[503]. Vận thường nói: “Tài hoa trong thiên-hạ cộng chung được một thạch (1 thạch có 10 đấu). Tử-Kiến tức Tào-Thực riêng chiếm hết 8 đấu, tôi được 1 đấu, những người khác thì chia nhau 1 đấu” .

Sách Thuyết-uyển nói: Học giả phải lấy ba điều nhiều: 1) Đọc sách nhiều. 2) Trì-luận nhiều. 3) Trứ-thuật nhiều.

Trong ba điều nầy [6b], trì-luận là khó.

Vĩnh-Thúc cũng nói: “Làm văn có ba điều nhiều: 1) Xem nhiều. 2) Làm nhiều. 3) Thương-lượng nhiều”, là đấy.

Ngô-Lai[504] nói: “Lòng không có biết qua ba vạn quyển sách, mắt không có xem qua núi sông kỳ lạ của thiên hạ, thì chưa có thể viết văn được” .

Tô Đông-pha nói: “Về văn-chương phải khiến cho khí-tượng cao vút, màu sắc rực-rỡ, càng già càng chín-chắn, mới đến chỗ bình-đạm (phẳng-lặng lạt-lẽo mà có thú-vị).

Sách Độc thư ngẫu kiến chép: Văn-chương quý ở chỗ như gió lướt trên mặt nước, như muôn sao mắc ở vòm trời, bởi vì gió là lấy ý xuôi thuận thông suốt hồi chuyển tự nhiên gợn lên những lằn sóng đẹp-đẽ, muôn sao là lấy ý bố-trí đều-đặn chỉnh-tề tự-nhiên sinh ra ánh [7a] rạng-rỡ.

Diệp-Thích[505] đời Tống thường nói:“Về kinh thì muốn được tinh tường, về sử thì muốn được rộng-rãi, về văn thì muốn được phóng-tứ, về chính-trị thì muốn được thông-đạt” .

Vương-Thu nói: “Sách kinh thì hàm dưỡng nguồn cội của con người, sách sử thì mở-mang ý tứ của con người”

Lý-Ngao[506] nói: “Nghĩa sâu thì ý xa, ý xa thì lý rõ, lý rõ thì khí dầy, khí dầy thì lời giàu, lời giàu thì văn hay” .

Âu-Dương-Tu[507] cũng nói: “Muốn hay văn-chương, phải siêng đọc sách, đọc sách và viết văn nhiều thì tự nhiên văn hay. Ở đời hẳn là chưa có kẻ học cạn biếng viết mà nổi tiếng về văn-chương.

Người tài-tình thông-minh sáng-suốt thì ý-khí thường cao, tầm mắt thường rộng, không phải kẻ tầm thường thấp hèn có thể sánh kịp được” .

Xem bài luận văn của Bùi-Độ[508] đáp Lý-Tường thì thấy việc ấy.