Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 5 - Chương 2

Ông nói: “Văn của Tương-Như, Tử-Vân, Giả-Nghị, Mã-Thiên, Trọng-Thư, Lưu-Hướng phẩm-bình đều xác-đáng” .

Ông lại nói: “Không biến trá lời nói mà lời nói tự nhiên đẹp-đã. Không biến dị lý lẽ mà lý lẽ tự nhiên mới-mẻ. Như thế cũng là biết nói” .

Ông lại nói: “Văn trong điển, mô, huấn cáo, quốc-phong, nhã, tụng, văn-ngôn, hệ-từ rất là dễ-dàng, rất là thẳng-thắn, tuy lớn-lao bao-quát cả trời đất, nhỏ-nhen không có kẽ hở, mà những lời nói kỳ-quái chưa hề có bao giờ.

Ý theo văn mà thấy rõ, việc theo ý mà thi-hành.

Chỗ nào nên văn-hoa mới văn-hoa, chớ nào cứ văn-hoa mãi đâu” .

Đó là lời bình-luận rất chí-lý.

Như ông nói với Lý-Tường rằng: “Xem ý chỉ chế-tác của em ngày gần đây thường cho rằng văn-chương của người bây giờ có nhiều ngẫu-đối, câu đẹp, chắp gió, kết mây, buộc thanh, bó vận, đó là cái bịnh làm văn.

Cho nên lấy lời hùng ý xa mà sửa lại tất cả. [8a] Đó là lấy văn-chương làm ý.

Văn-chương, thánh-nhân mượn đó để đạt tới chỗ lòng mình muốn nói, đã đạt tới thì thôi, đã cùng lý thì thôi, không phải cố ý đề cao nó, hay hạ thấp nó, hay làm tỏ tường nó, hay giản-lược nó.

Cho nên chỗ đồng nhau hay khác nhau về văn-chương là do ở khí-cách cao hay thấp, ở ý-tứ cạn hay sâu, chớ không phải ở việc cắt phân chương cú, phế bỏ thanh vận” .

Thì kiến thức của Ông lại cao hơn của người ta mấy bậc.

Sự-nghiệp của Tấn-công[509] đã bình-chính, rạng-rỡ, thông-suốt và tròn-trặn.

Khí tượng của Ông đã đầy-đủ ở đấy, cho nên nêu ra để làm khuôn phép cho đời.

Vương-An-Quốc thường nói với Ngô-Xử-Hậu rằng: “Cách-điệu văn-chương phải theo quan dạng[510]” .

Ngô-Xử-Hậu lại nói: “Văn-chương tuy cũng xuất-phát từ tâm thuật nhưng phải có hai hạng:

1) Có hạng văn-chương sơn lâm thảo dã (ở núi rừng đồng nội cỏ cây). Khí-cách của văn-chương hạng nầy thì khô héo tiều-tụy.

2) Có hạng văn-chương triều-đình đài-các. Khí-cách của văn-chương hạng nầy thì ôn-nhuận phong-phú.

[8b] Dương-Đại-Niên triều nhà Tống nói: “Chiếu và chế của Tống-Lữ-Công soạn ra đều đẹp-đẽ thuần-hậu, mà con người của Ông cũng giống như văn chương của Ông” .

Sách Đàm-lục của Vương-Thu chép: Bậc vương công dạy các con rằng: “Hạng tráng-niên làm văn phải lấy khí phừng cháy mãnh liệt làm chủ. Những lời bi-ai tiều-tụy hãy cẩn-thận không được bắt chước theo” .

Điều nầy phải nên biết.

Chu-Biện nói: “Người thợ khéo không cho người ta xem viên ngọc chưa mài giũa, vì sợ người ta thấy biết vết đục đẽo” .

Hoàng-Lỗ-Trực thường được một đoạn của một chương trong Đường-sử của Tống-Kỳ, đem về xem cho chín-chắn, từ đó văn-chương ngày thêm tiến-bộ, bởi vì thấy được những câu những chữ sửa đổi cùng với ý tứ lúc mới viết ra không giống nhau mà biết được cái dụng ý là vì cớ ấy.

Chu-Tử nói: “Người nào muốn biết làm văn phải đọc văn của bộ Tây-Hán, văn của Âu-Dương-Tu, văn của Nam-Phong [9a] và văn của Hàn-Dũ[511].

Bài Bút-ký của Tống-Kỳ[512] chép: “Văn-chương có đối-ngẫu, bình trắc, người ta dùng nó để cho các công-gia tuyên độc thi-hành cho tiện lợi mau lẹ trong một lúc, nhưng không thể dùng về sử truyện.

Tôi tu chỉnh sách Đường-thư, chưa thấy một bài chiếu, một bài lịnh nào của người nhà Đường chép ở phần truyện cả.

Chỉ nên bỏ lối văn biền-ngẫu, dùng lối văn cận cổ mới có thể chép vào sách.

Đại-để, sử cần lối văn cận cổ, lấy lối văn đối-ngẫu cho vào sử sách là dùng không đúng” .

Lời bình-luận nầy chưa đúng.

Sử là để chép việc. Việc nhờ văn mà hiển rõ. Nếu không ghi chép rõ-ràng thì mất cả sự thật, thì hà tất phải luận đến thể-cách văn-chương của người xưa?

Vả lại từ thời Tam-đại đến thời Đường Tống thể-cách văn-chương không biết đã bao lần biến đổi, lại chọn lối văn cận cổ để chép vào sử thì cũng là ít có.

[9b] Tư-Mã-Thiên và Ban-Cố chỉ căn-cứ vào sự thật mà chép, vốn không có ý làm văn-chương, cho nên văn hay.

Đầu đời nhà Tống thì có ý lấy việc tu-chỉnh bộ sử làm văn-chương, cho nên văn không hay.

Lưu-Nguyên-Thành có nói: “Sách Tân Đường thư chép việc thích lời giản-lược, cho nên việc chép ra phần nhiều tối-tăm không rõ.

Bài Tiến thư biểu có câu: “Sự tăng ư tiền, văn tỉnh ư cựu” . Nghĩa là: Việc chép thì tăng nhiều hơn trước, văn thì giản-lược hơn xưa.

Văn Tân Đường-thư không bằng của Lưỡng Hán-thư là ở chỗ đó.

Lời bàn nầy có thể làm định án được.

Trương-Văn-Tiềm nói: “Viết văn, lấy ngôn-ngữ chấm phết làm cho lạ kỳ, nhai đi nhai lại rốt cuộc cũng chẳng có gì, ấy là văn quê vụng” .

Lời bàn-luận nầy thật trúng với cái tệ về làm văn của đời sau.

Đỗ Mục[513] nói: “Sinh ra sau trăm đời chưa ắt là không may, vì sách thì đấy-đủ mà việc thì dồi-dào” .

Từ đời nhà Hán đến nay, việc thành bại, hưng phế, sự nghiệp, dấu vết của những bậc làm vua nhiều đến một hai ức vạn. Những màu xanh vàng đen trắng, việc hư thược [10b] đều có thể vẽ thành tranh.

Xét lý-do của nó, liệu lường chỗ dài chỗ ngắn của nó, trong mười phần thời được bốn năm phần cũng đủ ứng-phó với mọi việc của đương thế, không như người xưa phải nghiệm tìm cùng trời, moi bới nơi xa mờ, giẫm bước vào chỗ không dấu vết, tính toán ở nơi huyền-diệu không có mảy-may nào cả, rồi sau mới có thể học được.

Cho nên ông mới bảo rằng: “Sinh ra sau trăm đời chưa ắt là chẳng may” .

Thuyết nầy rõ-ràng dễ thích.

Nhưng người đời xưa và người sau, khí bẩm không giống nhau, gốc ngọn cũng khác nhau.

Người đời xưa học cốt vì thực-tế. Người đời sau học cốt vì danh tiếng.

Người đời xưa học được một câu thì thực-hành một câu, được một chữ thì thực-hành một chữ. Người đời sau học mà không thể thực-hành.

Vả lại, như cái học của Quản-Trọng, Tuân-Huống, Thân-Bất-Hại[514], Thương-Ưởng[515] tuy phức-tạp và thiên về một mặt, nhưng phương-thuật nghị-luận của họ tự thành một phái.

Xem danh sách của họ để lại mà xét việc làm của họ thì thấy không có một điều nào là không hợp.

Sau nữa đến Tô-Tần[516] Trương-Nghi[517] cũng đều theo cái học thực-dụng, không phải phó-thác công việc vào lời nói suông.

[10b] Người đời sau đàm-luận cao-siêu lục kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc, Xuân-thu), thuộc làu sách Luận-ngữ, sách Mạnh-Tử, thêm thông suốt những sách tử-thư[518] và sử-thư[519], đạo-lý, chính-sự thì miệng nói rất thú-vị, nhưng xét việc làm của họ thì lặng-lẽ tầm-thường không có kết-thúc.

Ít người có thể suy xét đem cái học ra thực-dụng.

Dẫu sách đủ, việc nhiều cũng nào có ích lợi gì?

Ông Y-Xuyên[520] nói: “Đọc sách học được một thước chẳng bằng làm được một tấc” .

Lữ-Hối nói: “Đọc sách không cần nhiều. Đọc được một chữ thì thực-hành được một chữ” .

Cái học của các bậc hiền đời trước là như thế.

Hoàng-Phủ-Thực[521] gởi thơ cho Lý-sinh có lời như sau:

“Gần đây phong-hóa giáo-dục bạc-bẽo, người ta tranh nhau hư trương thanh-thế để làm cao với nhau.

Thơ thì họ chưa có một câu nào như của Lưu-Trường-Khanh[522] mà đã gọi Nguyễn-Tịch[523] là lão binh (tên lính già).

Bút-luận thì họ chưa có một chữ nào như của Lạc-Tân-Vương[524] mà đã mắng Tống-Ngọc là đứa tội-nhân

Viết chữ thì họ chưa biết thiên và bàng[525] mà đã đàm-luận cao-siêu [11a] về Ông Tắc[526] Ông Tiết[527].

Đọc sách thì họ chưa biết chấm phết mà đã khinh-thị Ông Phục-Kiền[528] Ông Trịnh-Huyền[529].

Đó là cái bịnh nặng của đời nầy.

Anh có tài chớ nên giống họ” .

Đó là lời dạy bảo rất thiết cận và trọng-hậu đối với kẻ hậu học.

Than ôi! Lão-Đỗ[530] có thơ rằng:

文章千古事

得失寸心知

作者皆殊別

聲名豈浪垂

Văn chương thiên cổ sự.

Đắc thất thốn tâm tri.

Tác giả giai thù biệt.

Thanh danh khỉ lãng thùy[531].

Dịch nghĩa

1) Văn-chương là sự-nghiệp của ngàn xưa truyền lại.

2) Được hay mất (thành hay hỏng) thì chỉ tấc lòng mình biết.

3) Các nhà làm thơ đều khác hẳn nhau.

4) Danh tiếng há được lưu-truyền một cách khinh-suất (không cẩn-thận)?

Dịch thơ

Ngàn xưa sự-nghiệp: văn-chương,

Nên chăng chỉ có lòng thường biết thôi.

Nhà thơ khác hẳn từng người,

Tiếng-tăm khinh-suất truyền đời há đâu?

Bọn chúng ta xem xét nội-tâm như thế nào?

Giả-sử có ý-tứ tài-tình, văn-chương đẹp-đẽ, bước một mình một cõi trên đời, mình cũng không ra ngoài phạm-vi rào giậu của các bậc tiền-bối, lại còn kiêu-căng, lố-lăng, phóng-túng, chê bai thì chẳng là quái-gở, sai lầm hay sao?

Văn-chương là của công trong thiên-hạ, ý-kiến mỗi người mỗi khác, phân-tích thì được, chê mắng thì không nên.

Cuối đời Nam Tống, người học lục kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc, Xuân-thu) không đọc bốn văn và phần truyện[532] phần chú[533] của các nhà nho đời trước, chỉ lấy những bài văn trúng tuyển trong khoa-cử đời gần đây [11b] đọc lên bắt chước theo. Chọn lấy những câu có thể làm đề-mục trong kinh rồi đem ý nắn-nót làm càn lấy chủ-trương.

Đó là điều mà Ông Khảo-đinh[534] phải than thở và là cái tệ hại thông-thường của hậu-lai.

Làm sao mà có thể biến lòng người và phản đạo xưa được?

Chọn lấy kẻ-sĩ lại không chuyên thực-hành, giảng học lại không chuyên kinh-thuật, thì không thể ngăn cấm việc phù-phiếm khô-khan rối-loạn được.

Đọc sách lại không xem xét đại ý, ra đề bài lại không đề cao chính-nghĩa thì không thể trách việc chia cắt rã-rời.

Hễ là cái học để đi thi thì sao lại không xua theo thói đời ưa thích? Người trên lấy đó (việc khoa-cử) để chọn tìm, kẻ dưới cũng lấy đó (việc khoa-cử) để đáp-ứng, cho nên hẳn đã đành như thế.

Vả lại nhà nho đời Hán lấy kinh nghĩa phân xử việc hình-án và quyết đoán bàn luận việc đại sự của triều-đình.

Người đời sau thì chuyên lấy bụng dạ riêng mà giải-quyết mọi sự.

Có một hai tờ tấu sớ có viện dẫn kinh truyện, lại nhiều tản mạn rời-rạc mà không thiết-thực khiến người đọc phải chán ngấy, khinh-bỉ cho là vu-khoát viễn-vông.

[12a] Sách cổ chưa có bản khắc, người học phải sao chép bằng tay và đọc từng chữ cho thuộc lòng.

Người đời sau chỉ căn-cứ vào bản in, xem qua sơ-lược, không nhớ được chính-văn, rốt cuộc không thể biết được ý-vị của bài văn.

Ôi! làm sao mà nói cho xiết?

Văn-chương được lưu-truyền hay không được lưu-truyền cũng là có định-số.