Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 5 - Chương 3

Xem bài Tây đô phú của Ban-Cố, lời tựa nói: Đời Vũ-đế, Tuyên-đế chuộng lễ xét văn và ngôn-ngữ.

Bề-tôi theo hầu vua thì có như bọn Tương-Như[535], Thọ-Vương sớm tối suy nghĩ luận bàn, ngày tháng hiến nạp.

Bậc công-khanh đại-thần như Đổng-Trọng-Thư, Tiêu-Vọng-Chi[536] cũng thường-thường thỉnh-thoảng có làm văn.

Đến đời Hiếu-Thành, thì chỉ luận mà chép, bởi vì tấu sớ có hơn một ngàn thiên.

Văn-chương đời Hán rực-rỡ cũng như của thời Tam-đại (Hạ, Thương, Chu). Thịnh như thế mà nay còn lưu-truyền trên đời [12b] chỉ có mấy thiên thấy chép trong văn-tuyển, còn số dư ra thì chẳng có gì cả[537].

Xem khắp thư-mục Đường-thư và Tống-thư đều không có một chỗ nào nói về thể phú đời nhà Hán. Chỉ có Văn tuyển chú còn dẫn dụng một hai câu đối, nhưng tìm cả toàn thiên thì không thể có.

Há rằng có hơn ngàn thiên mà đều không đáng truyền lại hay sao?

Thế mới biết văn-học của người xưa đã rạng-rỡ hàng ngàn năm mà không tiêu mất cũng là có cái may phước của trời vậy.

Người xưa đọc sách không cẩu-thả, như việc Ông Hạ-Tri-Chương[538].

Đường Huyền-tông (713-755) triệu Ông hỏi về bài U-cư phú của Tào-Thực, vì sao lại lấy những cảnh-vật ở xa, ý chỉ ở đâu?

Hạ-Tri-Chương liền đem từng câu giải-thích đến mấy trăm điều.

Nếu không phải đã học thuộc tường tận từng thiên thì làm sao giải-thích được như thế?

Ở một việc nầy chúng ta có thể biết [13a] là trong lòng vốn hoài-bão đã lâu.

Trong khoảng đời nhà Tùy đời nhà Đường văn-giáo[539] hưng phát, nhà nào cũng đánh đàn đọc sách, bởi vì không có nhà nào là không đọc sách biết chữ.

Lấy những vụ phán-xét hình-án của các tào-ty mà nghiệm biết việc đó.

Ngự-sử đài ký đời Đường chép: Bùi-Diệm-Chi làm chức Đồng-châu ty hộ không làm bản án. Quan Thứ-sử Lý-Sùng-Nghĩa lấy làm lạ.

Bùi-Diệm-Chi ra hỏi người phụ-tá:

- Văn án được bao nhiêu?

Người phụ-tá đáp:

- Hơn hai trăm.

Bùi-Diệm-Chi sai đính vào vài trang giấy ở sau mỗi bản án và bảo đương-sự lược-thuật ý mình. Bùi-Diệm-Chi dựa cột trụ mà phân xử, lời lẽ tung-hoàng, văn-hoa rực-rỡ.

Bản án đề-đạt lên, Thứ-sử Lý-Sùng-Nghĩa chưa cho là lạ. Xem đến bốn, năm mươi án thì thấy lời lẽ càng tinh. Há chẳng phải là hạng bình-dân đều thông hiểu văn nghĩa, cho nên Bùi-Diệm-Chi đem lời biền-ngẫu chứng-dẫn [13b] dùng vào việc phán xử án tụng mà không gây trở-ngại cho người đọc xem và nghe xử.

Bài tự ở sách Quốc-sử bổ[540] của Lý-Triệu đời nhà Đường chép:

Những điều nói về việc báo-ứng, kể việc quỷ thần, thuật chuyện mộng-mỵ bói quẻ, chuyện buồng the thì bỏ.

Những điều chép sự thật, dò vật lý, phân-biệt điều nghi-hoặc, biểu-thị việc khuyên răn thì chép.

Trong bài Quy điền lục, Âu-Dương-Tu cũng noi theo phép ấy.

Trong sách Văn-giám của Lữ Đông-lai[541] có kể ra 5 lệ:

1) Chỉ biên văn nào mà văn lý hay.

2) Văn chỉ như thế mà mọi người cho là hay.

3) Văn tuy không hay lắm nhưng tác-giả là người có tiếng hiền tài, e sẽ mai một đi, cũng biên một vài thiên.

4) Văn tuy không hay nhưng lý thì đáng lấy.

5) (Sách chép thiếu lệ thứ 5).

Phép chọn văn cũng tinh-mật lắm.

Sau sách Tuyển túy thì ít có quyển nào hơn đấy được.

[14a] Sách San-hô thi-thoại chép: Người đời trước làm thơ chưa biết họa vần.

Từ đời nhà Đường Bạch Lạc-thiên[542] và Nguyên Vi-chi[543] làm Quan-sát-sứ ở Lưỡng-Chiết[544] làm thơ xướng họa đặt trong bưu-đồng[545] trao qua gởi lại cho nhau.

Làm thơ y theo vận của bài xướng để họa lại bắt đầu từ đấy.

Giải-Tấn[546] nói: “Học làm thơ, trước hết phải bỏ ngũ tục và cùng cực tam lai ” .

Ngũ tục là:

1) Tục thế (thế tục).

2) Tục ý (ý tục).

3) Tục cú (câu tục).

4) Tục tự (chữ tục).

5) Tục vận (vần tục).

Tam lai là:

1) Thần lai (thần đến).

2) Tình lai (tình đến).

3) Khí lai (khí đến).

Sách Liễu hoa uyên nhàn lục chép: Những người sâu sắc về thơ đều thích thơ của người đời Đường, vì thơ đời Đường lấy thanh-nhã, ưu-sầu, cảm-động, và ai-oán làm chủ cho thi-cách, nói lên cái ý thanh-thiết (thanh-nhã, tha-thiếu), thoát-sái (siêu dật) và cô-mại (trội xa mọi người mà riêng rẽ một mình), mà không biết rằng quá thanh-nhã thì chí phiêu-đãng, cảm sâu thì khí tàn-tạ.

[14b] Thơ Đường sở dĩ nổi tiếng là vì nhà Đường lấy thơ mà thi-cử. Người ta tranh nhau quyết-chí trau giồi về thơ.

Từ đời nhà Tống lấy phú để thi-cử chọn lấy người tài. Các vị tiến-sĩ không lưu ý đến thơ nữa, cho nên ít có thơ hay để truyền-tụng.

La-Đại-Kinh nói: “Làm thơ nên cần kiện tự (chữ chắc chắn) mà chống đỡ cho vững-vàng, nên cần hoạt-tự (chữ đưa đẩy) để xoay chuyển cho linh-động.

Người xưa nói về phép làm thơ rất nhiều.

Nhà sư Thích Hạo-nhiên đời Đường viết cách-thức làm thơ nói: “Thơ có tứ bất (bốn cái không):

Khí cao nhi bất nộ (Khí cao mà không giận-dữ).

Lực kinh nhi bất lộ (Sức mạnh mà không lộ ra).

Tình đa nhi bất ám (Tình nhiều mà không tối-tăm).

Tài thiệm nhi bất sơ (Tài đầy-đủ mà không sơ-suất).

Thơ có tứ thâm (bốn điều sâu):

1) Khí thế nhân-uân do thâm ư thể thế (Khí thế dồi-dào vì sâu về thể thế).

2) Ý độ bàng-bạc do thâm ư tác-dụng (Ý độ rộng-rãi vì sâu về tác-dụng).

3) Dụng bút bất trệ do thâm ư thanh đối (Bút viết trôi chảy không đình-trệ vì sâu về thanh-âm tương-đối).

4) Dụng sự bất trực do thâm ư nghĩa loại (Dùng việc không nhắm thẳng vì sâu về nghĩa loại).

Thơ có nhị phế (hai điều nên bỏ):

1) Tuy dục phế xảo thượng trực nhi tứ trí bất đắc thực (Tuy muốn bỏ khéo chuộng thẳng mà ý tứ không được chân thực).

2) Tuy dục phế [15a] từ thượng ý nhi điển lệ[547] bất đắc di (Tuy muốn bỏ lời chuộng ý mà vẻ thanh-nhã đẹp-đẽ không được bỏ sót).

Thơ có tứ ly (bốn điều nên xa lìa):

1) Tuy kỳ đạo tình nhi ly tịch thâm (Tuy mong nói ra tình ý nhưng phải xa lìa những gì quạnh vắng sâu kín).

2) Tuy dụng kinh sử nhi ly thư sinh (Tuy dùng kinh sử nhưng xa lìa thói thư-sinh).

3) Tuy thượng cao dật nhi ly vu viễn (Tuy chuộng cao-siêu nhưng phải xa lìa viễn-vông).

4) Tuy dục phi động nhi ly kinh phù (Tuy muốn bay bướm nhưng phải xa lìa điều nông-nổi).

Thơ có lục mê (sáu điều mê hoặc):

1) Dĩ hư đản nhi vi cao cổ[548] (Lấy hư-không dối-trá làm cao-siêu khác tục).

2) Dĩ hoãn mạn nhi vi trùng đạm[549] (Lấy chậm-chạp mà làm dịu hòa yên tĩnh).

3) Dĩ thác dụng ý nhi vi độc thiện (Lấy dụng ý sai lầm mà làm hay giỏi riêng mình).

4) Dĩ quỷ quái nhi vi tân kỳ (Lấy quỷ-quyệt quái-gở mà làm mới lạ).

5) Dĩ lạn thục nhi vi ẩn ước[550] (Lấy cái chín nhừ mà làm vẻ mơ-hồ).

6) Dĩ khí lực thiểu nhược nhi vi dung dị (Lấy khí-lực yếu-đuối mà làm dễ-dàng).

Thơ có lục chí (sáu điều rất tột):

1) Chí hiểm nhi bất tịch (Rất hiểm mà không hẻo-lánh).

2) Chí kỳ nhi bất sai (Rất lạ-kỳ mà không sai lầm).

3) Chí huyên[551] nhi tự nhiên (Rất sáng mà tự nhiên).

4) Chí khổ nhi vô tích (Rất khổ sở mà không có dấu vết).

5) Chí cận nhi ý viễn (Rất gần mà ý xa).

6) Chí phóng nhi bất vu (Rất phóng-túng mà không vụ-khoát).

Thơ có thất đức (bảy đức):

1) Thức lý (Biết lý lẽ).

2) Cao cổ (cao siêu khác tục).

3) Điển lệ[552] (Thanh-nhã đẹp-đẽ).

4) Phong-lưu (Phong-lưu lịch-sự).

5) Tinh-thần (Có tinh-thần).

6) Chất cán (Chắc thật).

7) Thể tài (hình-thức).

Nhà sư Thích Phố-Văn viết bài Thi luận có nói:

“Luyện [15b] chữ không bằng luyện câu. Luyện câu không bằng luyện cách” .

Thơ trong thiên-hạ không ra ngoài nhị cú:

1) Ý cú (câu về ý).

2) Cảnh cú (câu về cảnh).

Cảnh cú dễ giồi-mài. Ý cú khó chế-tác.

Tư-Không-Đồ[553] nói: “Thơ có 24 phẩm-chất:

1) Hùng hồn (mạnh-mẽ trôi chảy).

2) Trùng đạm (hòa dịu yên lặng).

3) Tiêm nùng (tinh-tế nồng-nàn).

4) Thâm trứ (sâu xa rõ-ràng).

5) Cao cổ (cao siêu khác tục).

6) Điển nhã (thanh-nhã, không quê-kệch).

7) Tẩy luyện (sạch-sẽ điêu-luyện).

8) Kính-kiện (cứng mạnh).

9) Ỷ lệ (rực-rỡ đẹp-đẽ).

10) Tự nhiên (tự nhiên)

11) Hàm súc (chất chứa không lộ ra).

12) Hào phóng (hào-hoa phóng-túng).

13) Tinh thần (tinh-thần).

14) Chẩn mật (kín-đáo).

15) Sơ nhã (sơ-sài thanh-nhã).

16) Thanh kỳ (thanh-tao kỳ-lạ).

17) Ủy khúc (ngoắt-ngoéo éo-le).

18) Thực cảnh (cảnh thật).

19) Bi khái (bi-ai cảm-khái).

20) Hình dung (hình dung).

21) Siêu nghệ (siêu-thoát).

22) Phiêu dật (siêu-phàm thoát tục).

23) Khoáng-đãng (rộng-rãi mênh-mông).

24) Lưu động (trôi chảy linh-động).

Hứa-Ngạn-Chu nói: “Phép làm thơ có năm” :

1) Thể chế (cách thức).

2) Cách lực (phong cách về thi-văn).

3) Khí-tượng (khí-khái, khí-chất).

4) Hứng thú (thú-vị khiến cao hứng).

5) Âm tiết (âm-điệu tiết-tấu).

Thơ có 9 phẩm-chất:

1) Cao (cao-siêu).

2) Cổ (khác tục).

3) Thâm (sâu).

4) Viễn (xa).

5) Hùng (hùng-dũng).

6) Hồn (hồn-hậu, đôn-hậu).

7) Phiêu dật (siêu-phàm thoát-tục).

8) Bi tráng (bi-ai hùng-tráng).

9) Thê uyển (lạnh-lùng đẹp-đẽ).

Dụng công của thơ có 3 điều:

1) Khởi kết (khởi đầu và kết thúc).

2) Cú pháp (phép đặt câu).

3) Tự [16a] nhãn (chữ tinh yếu trong thi-văn).

Thơ có 2 điều đại-khái:

1) Ưu du bất bách (nhàn hạ tự đắc không cấp bách).

2) Thống khoái (tâm tình sướng thích).

Thơ đến một điểm cùng tột là nhập thần (vào đến chỗ thần-diệu).

Học thơ:

1) Bất tất phải tha-thiết với cái đề.

2) Bất tất phải dùng nhiều sự việc.

3) Đặt vần bất tất phải có xuất xứ.

4) Dùng sự việc bất tất phải câu-nệ lai-lịch.

5) Đặt chữ quý ở âm-hưởng.

6) Đặt lời quý ở tròn-trặn.

7) Ý quý ở thấu-triệt.

8) Lời quý thoát sái[554].

9) Nói kỵ thẳng-thắn.

10) Ý kỵ nông cạn.

11) Mạch[555] kỵ lộ liễu.

12) Vị[556] kỵ ngắn cụt.

12) Âm-vận kỵ phân-tán chậm-chạp và cũng kỵ cấp bách.

14) Lời thơ có thể khi bổng khi trầm, mà không được trái ngược.

Nói về thơ đến đấy thì không sót gì nữa.

Nhưng thử luận về thơ.

Thơ phát khởi tự lòng người. Ba trăm thiên trong kinh Thi phần nhiều xuất-phát từ điền-phu (người làm ruộng), khuê-phụ (vợ trong phòng) mà các văn-sĩ đời sau không thể theo kịp được, là vì nó chân-thành.

Những bài ca, bài hàng[557] trong Nhạc phủ[558] đời nhà Hán nhà Ngụy còn có ý vị đời xưa.

Từ đấy trở về sau thơ bị thanh-luật bó-buộc, bị âm-vận giới-hạn, người có tài [16b] thường lo về phóng-túng[559], kẻ bất tài thường khổ về câu-nệ mà những gì phát tự cõi lòng đều không chân thật.

Cho nên tôi thường cho rằng cốt yếu về làm thơ có ba điều:

1) Tình.

2) Cảnh.

3) Sự (việc).

Tiếng tự-nhiên[560] kêu lên ở trong lòng, tình động ở tâm cơ, nhãn căn[561] tiếp-xúc với bên ngoài, cảnh chạm vào ý.

Dựa theo việc xưa mà chứng-minh việc nay. Chép việc làm, thuật sự-tích, việc được cứu-xét ở tinh-thần thu lãm.

Tuy tác-giả không phải chỉ có một mối, nhưng đại-khái không ra ngoài ba điều cốt-yếu ấy.

Trong ba điều cốt-yếu ấy, nhất là phải lấy ôn nhu đôn-hậu làm gốc. Còn thể-thế, hứng-thú, âm-tiết và cách-điệu đều để luận thêm.

Nầy, tình là người, cảnh là trời, sự (việc) là hợp thiên địa mà quán-thông.

Lấy tình chen vào cảnh, lấy cảnh kết vào việc, gặp việc thì phát ra lời, nhân theo lời mà thành tiếng.

Cảnh không hẹn đến mà tự đến. Lời không mong hay mà tự hay, để có thể theo lên hàng [17a] thơ tao-nhã.

Những lời nói của những người hiền tài đời trước, nào thường ra ngoài những điều ấy hay sao?

Bài Thi-bút của Âu-Dương-Tu có chép: Làm thơ phải đọc thơ của người đời xưa và của người đời nay và những loại văn khác cũng phải thế.

Cho nên những bậc tiền-bối nước ta thường bảo: “Ai nhớ được ngàn bài thơ, trăm bài phú và năm mươi bài sách văn thì có thể quyết-định bậc cao thấp ở khoa trường[562].