Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 6 - Chương 5

Sách Thư-đoán[714] của Trương-Hoài-Hoan[715] chép: Bút trận đồ[716] của Tiêu-Hân có nói: Tiêu-Hà[717] viết lối chữ triện của Sử-Trựu, lúc tiền điện làm xong phải suy-nghĩ sâu-xa ba tháng mới đề chữ lên tấm biển ở tiền điện.

Người đi xem đông như nước chảy.

Tiêu-Hà đã dùng cây bút cùn mà viết.

Bút trận đồ của Vệ phu-nhân[718] đời Tấn có chép: Ngòi bút dài một tấc, cán bút dài năm tấc. Viết chữ chân thì cầm cách đầu bút hai tấc một phân. Viết chữ hành chữ thảo cũng cầm như thế.

Đến sách Bút tủy luận của Ngu-Thế-Nam[719] đời Đường lại chép: Dùng bút thì cổ tay phải nhẹ lỏng, bút dài không quá sáu tấc, cầm bút không quá ba tấc, viết chữ chân thì cách một tấc, viết chữ hành thì cách hai tấc, ngón tay cầm cho chắc, bàn tay phải lỏng.

Sách Tạp-thuật của Giải-Tấn[720] lại chép: Viết chữ chân thì ngòi bút dài hai tấc, viết chữ hành thì ngòi bút dài bốn tấc, viết chữ thảo thì ngòi bút dài bốn tấc. Cầm ba phân dính giấy thì thế có thừa. Cầm một phân mà ba phân [25a] dính giấy thì thế không đủ. Ngón cái phải hơi nghiêng một bên, chỗ thịt ở móng tay phải ở bên cán bút thì tốt.

Lại có phép cầm giữa cán bút, ngón giữa giữ việc móc lấy, dùng sức toàn ở đấy.

Sách ấy lại chép: Cầm gom ngòi bút, viết loại chữ thảo thì cầm cây bút…, đề bảng viết chữ to phải …[721].

Các phép viết tuy không giống nhau, nhưng đại ý vẫn là một.

Trương-Hoài-Quán nói: “Chữ triện, chữ Trựu, chữ bát phân[722], chữ lệ, chữ thảo[723], chữ phi-bạch[724], chữ hành[725], chữ chân[726] gọi chung là bát thể (tám thể chữ) mà chữ của Hữu-Quân viết thì thần-tình” .

Vương Hữu-quân[727] viết Bút trận đồ lại nói: “Muốn viết phải để mực trong nghiên cho khô, chung đọng tinh-thần, điềm tĩnh tâm tư, liệu tưởng hình chữ lớn hay nhỏ, cúi hay ngẩng, bằng hay thẳng, cử-động cho gân và mạch liên-lạc nhau, để ý vào ngòi bút rồi mới viết chữ.

Nếu cứ viết ngang ngay sổ thẳng hình trạng giống như con toán [25b] thì không phải viết mà chỉ là chấm vẽ ra nét mà thôi” .

Sách Tiềm xác cư loại thư chép: Cầm bút hợp pháp, gân cốt máu thịt hợp pháp, ngang ngay, sổ thẳng, vuông tròn hợp pháp, bố trí phần bên tả bên hữu hợp pháp, biến hóa hợp pháp mới gọi là lối chữ khải[728].

Họ Chung[729], hai cha con họ Vương[730], Trí-Vĩnh[731], Ngu-Thế-Nam[732], Âu-Dương-Tuân[733], Nhan-Chân-Khanh[734] là bảy phái viết chữ khải rất hợp pháp. Còn những vị khác thừa ra chẳng qua là viết lối chữ chân mà thôi.

Trong kinh Hoàng-đình[735] Nhạc-Nghị luận nói: “Đó là lối chữ tiểu khải, bởi vì ngòi bút muốn viết chữ nhỏ và đều trúng phép chữ khải” .

Tôi gần đây đi sứ sang Trung-quốc được hai bản kinhluận viết theo lối chữ chân-thư. Lấy đó mà nghiệm xét thì đáng tin rằng Lưu-Bá-Thăng đã biến đổi chút ít lối chữ khải và gọi đó là lối chữ hành.

Lối chữ hành có pha lối chữ chân thì gọi là lối chân hành.

Lối chữ hành có pha lối chữ thảo thì gọi là lối thảo hành.

Tô Đông-pha nói: “Cầm bút không có phép nhất định, phải cầm [26a] nhẹ và lỏng mà thôi.

Âu-Dương-Tu nói: “Cầm bút phải khiến ngón tay chuyển-vận, mà cổ tay thì như không biết gì đến” .

Hoàng Sơn-cốc[736] tức Hoàng-Đình-Kiên nói: “Phép cầm bút muốn song câu[737] hồi chuyển mềm-mại, cổ tay lỏng, ngón tay chắc, dùng ngón vô danh (áp út) tỳ vào bút có sức mạnh.

Chữ nét to thì viết có xương, chữ nét ốm thì viết có thịt. Những điều đó đều không ngoài lời bàn-luận của người nhà Tấn.

Phép học viết chữ đến đời Tấn thì giảng cứu thật tường tận.

Nhan-Chi-Thôi nói: “Về nét chữ chân chữ thảo, khi viết phải hơi để ý. Những thư-từ gởi đi xa ngàn dặm tức là mặt mũi của mình. Nối theo tục còn sót lại về phép viết chữ đời Tấn người ta lo tập viết chữ, cho nên không có việc nhờ vả ai viết hộ” .

Tôi lấy đó mà hiểu rằng người xưa khéo viết chữ thật do luyện tập thinh thông: Gởi thơ thù đáp cho nhau đều là do chính mình viết ra.

Xem bức thư của Kê-Khang gởi cho Sơn-Đào rằng: “Tôi vốn viết không giỏi, lại không giỏi viết thơ, nhưng [26b] công việc ở cõi đời lại lắm chuyện đùa đầy bàn chất đầy ghế, không thù đáp với nhau thì thất lễ phạm nghĩa” .

Do đó có thể thấy rằng thư từ không thể cho kẻ dưới viết thay cho mình.

Đời Tống cũng như thế.

Hàn-Tôn-Nho mỗi lần nhận được tấm thiếp của Tô Đông-pha liền đưa cho quan Điện-súy Diêu-Lân đổi lấy mười mấy cân thịt dê.

Một hôm Tô Đông-pha ở tại Hàn-uyển[738] đang bận lo soạn bài chế về Thánh-tiết (sinh-nhật của vua), Hàn-Tôn-Nho một ngày làm mấy bức thơ để mong Tô Đông-pha viết thơ trả lời và sai người đứng ở dưới sân thúc-giục.

Tô Đông-pha cười bảo: “Nhắn lời với quan nhà anh rằng hôm nay cấm thịt” .

Vua Vũ-đế (502-549) dạy các Vương viết chữ, sai Ấn-Thiết-Thạch đồ lấy một ngàn chữ không trùng nhau trong sách của họ Chung (tức Chung-Diêu) và họ Vương (Vương-Hy-Chi và Vương-Hiến-Chi), mỗi chữ viết lên một tấm giấy để lộn-xộn không trật-tự, và sai Chu-Hưng-Tự sắp thành câu có vần.

Một đêm [27a] Chu-Hưng Tự làm xong dâng lên vua, trong ấy có nhiều câu danh ngôn chí lý.

Đời sau có người bắt chước làm theo nhưng thấy không bằng.

Nhưng tôi khảo-cứu sách Tập-cổ của Âu-Dương-Tu có chép: Lương Vũ-đế được một ngàn chữ của Vương-Hy-Chi viết, sai Chu-Hưng-Tự xếp thứ-tự thành câu có vần.

Nay quan pháp thiếp có một trăm mấy chữ của Hán Chương-đế (76 - 88) viết ra có câu Hải hàm, Hà đạm (nước biển mặn, nước sông lạt), vì rằng đời trước học viết chữ hay làm những câu như vậy, không riêng gì Vương-Hy-Chi.

Nhan-Chân-Khanh được mười hai chương bút pháp của Trương Trưởng-sử. Phần giảng luận chỉ-thị rất rõ-ràng dễ hiểu.

Xem những lời ấy thì thấy:

Bình (ngang bằng) là hoành, ngang ngay.

Trực (thẳng) là tung, sổ thẳng.

Quân (đều nhau) là giản, chữ nét đơn-giản phải viết đều nhau.

Mật (rậm) là (thưa), chữ rậm nét phải viết thưa ra.

Phong (chỏm) là mạt (ngọn).

Đao (dao) là cốt (xương).

Thể khinh (thể nhẹ) là khúc chiết (quanh co).

Quyếtkhiên xiết (kéo dẫn).

Bổbất túc, bù vào chỗ không đủ.

Tổn [27b] (bớt) hữu dư (có dư), bớt chỗ thừa.

Khéo bố-trí cho xứng hợp lớn nhỏ thì không bao giờ không hoàn-bị.

Ông lại nói: “Tuyệt diệu ở chỗ đẩy ngọn bút cho tròn-trặn đừng cho co khúc lại, kế đến là biết phép viết chớ khiến vô độ, kế đến là bố-trí hợp nghi, kế đến là giấy bút cho tinh đẹp, kế đến là biến pháp cho vừa lòng, buông phóng ngọn bút cho có quy củ” .

Ông lại nói: “Dùng bút viết chữ chân chữ thảo như vẽ lên bùn lên cát thì phép viết đã cùng tột” .

Lỗ-công (Nhan-Chân-Khanh được phong Lỗ quận-công) học-tập những điều ấy trong năm năm mà về sau mới thành phép viết, thì há rằng nói học viết dễ hay sao?

Tôi thường qua đất Ngô-khê[739] được thấy Đại Đường trung hưng tụng (bài tụng về nhà Đại Đường trung hưng) của Lỗ-công viết, chữ to hơn tấc, nét chữ mạnh-mẽ đẹp-đẽ.

Người đời sau đề vịnh đầy bờ vách không còn chỗ trống, vậy mà không ai có thể bắt chước tương-tự được trong muôn một.

Ôi! Cao-siêu thay không thể theo kịp được.

[28a] Trong Lưu thanh tập, Cao-Tử nói: “Phép học viết, mỗi ngày chỉ viết một hai chữ hay chỉ học một chấm, một vạch, một phết[740], một nại[741], bởi vì trong một chữ người xưa đều để ý đến nét dọc, nét ngang, chỗ thưa, chỗ rậm, chỗ nhô, chỗ ẩn chiếu ứng nhau, hướng xuống thấp, hướng ra sau. Từ đó tiến-bộ tự nhiên sinh ra chuyên tinh thuần thục, biết được một mà hiểu được trăm, rồi sau mới ngắm nghía hàng khoản, dò cả toàn bức. Cảm thấy rằng ngụ ý của người xưa như ở trước mắt mà phần tinh-túy chúng ta đều nắm được cả.

Nay người ta trải giấy ra viết không dưới số vài ngàn chữ, tỷ như cỡi ngựa xem núi, chỗ đẹp làm sao hiểu thấu được? ”

Tôi xét thuyết nầy thật là hay.

Nhưng người lớn, bậc sĩ-phu muốn học phép viết chữ của người xưa thì có thể được.

Lúc mới học, con trẻ nhỏ kiến thức chưa định, làm sao biết được chỗ hay? Học từng chữ từng điểm chỉ mất thì giờ [28b] và phí công.

Nếu muốn bắt chước lối chữ của người xưa thì chớ tiếc giấy bút, trước hết phải được vị-trí, kế đến là nhận cốt cách, cổ tay và ngón tay đã thuần thục, tinh-thần tự-nhiên phù-hợp.

Luân-Biển[742] nói: “Người thợ chánh đẽo bánh xe không chậm không mau, hiểu rõ ở lòng thì ứng vào tay đẽo rất tự nhiên” .

Học viết chữ đến mức ấy mới thần-diệu.

Sách Nham thê khảo sự của Trần My-công[743] có hai tiết-mục hay nhất:

1) Nhà viết sách không thể phê-bình bắt bẻ những tiên-hiền (bậc hiền giỏi đời trước) mà nên nắm lấy điều đúng của mình để chứng-minh điều sai của người.

2) Tay bận mà lòng nhàn thì suy nghĩ, lòng bận mà tay nhàn thì nằm, lòng và tay đều nhàn thì viết sách viết chữ, lòng và tay đều bận thì suy nghĩ cho sớm rồi việc để yên tinh-thần của ta.

Sách Ký-văn của Ngu-Thế-Nam chép: Bàn về nét chữ có bốn [29a] cách: lâm, mô, ngạnh hoàng, hưởng tháp. Mỗi cách đều có thuyết riêng.

1) Lâm là nói đặt tờ giấy ở một bên, quan sát hình-thể lớn nhỏ đậm lợt mà học. Chữ lâm có nghĩa là đến, như lâm ly.

2) là nói lấy giấy mỏng phủ lên trên rồi theo nét quanh có uyển chuyển dùng bút đồ lên.

3) Ngạnh hoàng (ngạnh, cứng; hoàng, màu vàng -ngạnh hoàng, cứng và vàng) là nói đặt giấy lên trên bàn ủi hơ cho nóng rồi lấy sáp vàng bôi lên giấy cho đều thì giấy hơi cứng và trong suốt giống như xương ngư chẩm[744]minh giác[745], vật nhỏ như hào ly đều thấy rõ ràng.

4) Hưởng tháp là nói lấy giấy phủ lên rồi đem đến chỗ cửa sổ cho ánh sáng thấu qua mà thấy rõ đồ theo.

Tinh-thần của văn-tự tồn-tại ở lòng người. Hình thể của văn-tự tồn-tại ở sách vở.

Người đời dẫu có ngu dốt đến cùng cực cũng chưa từng không kính trọng giấy, dẫu có hà-tiện đến cùng cực cũng chưa từng không tìm mua sách vở.

[29b] Sách Nhan thị gia huấn chép: Mượn sách của người phải có lòng thương mến và bảo-vệ sách. Nếu sách ấy trước đã thiếu hay hư mình liền tu-bổ ngay. Đó cũng là một trong trăm nết tốt của kẻ sĩ-phu.

Sách Lương khê mạn chi[746] chép: Nhà đọc sách của Ôn-công[747], sách có hơn muôn quyển.

Ông (Ôn-công Tư-mã-Quang) sớm tối thường đọc sách qua đến mấy mươi năm mà sách đều như mới dường như chưa ai sờ tay đến.

Ông thường bảo con rằng: “Ta thường lấy những ngày từ Thượng-phục (tiết Lập-thu) đến tiết Trùng-dương (mùng 9 tháng 9) thấy khí trời tạnh ráo, mặt trời sáng- sủa liền đặt ghế bàn ra ánh nắng và bày các sách vở lên để phơi gáy sách.

Ngày nào mở sách ra đọc thì tất phải xem bàn ghế được sạch-sẽ mới lót nệm rồi mới xem sách.

Có khi muốn đọc sách lúc đang đi thì kẹp sách vào tấm ván vuông chớ chưa bao giờ lấy tay không cầm lấy sách, sợ mồ-hôi tay thấm ướt và chạm đến gáy sách.

Khi xem xong một đoạn liền nghiêng [30a] mặt ngón cái tay mặt lần bìa trang giấy rồi lấy mặt ngón trỏ mà lật kẹp qua trang khác, cho nên không đến nỗi làm nhàu nát tờ giấy.

Mỗi lần thấy bọn các con lấy móng tay cầm giấy, thật không đúng ý ta” .

Các bậc hiền tài đời trước đối với sách vở kính-cẩn là như thế.

Sách Kim đài ký văn chép: Sách xưa phần nhiều là chép tay.

Dưới thời Ngũ-đại, thời nhà Đường Phùng-Đạo bắt đầu sai khắc ván in thành sách. Từ đó về sau khắc ván in sách càng nhiều.

Dưới thời nhà Minh, có người ở đất Côn-lăng lại dùng đồng chì làm những chữ rời, so với bản khắc bằng gỗ càng tiện lợi khéo-léo hơn, nhưng lúc sắp chữ việc sai bậy càng nhiều.

Tôi nói: “Mỗi khi khắc ván in sách tiền phí về công thợ rất nhiều, khó lo-liệu, và khó tàng-trữ (chứa cất).

Khắc làm chữ rời bất quá hơn ba ngàn chữ dễ mang đi mà lúc in sách thì dời đổi phân hợp không [30b] có sách nào là không được.

Thật là một phép hay” .

Sách Mộng dư lục chép: Người ta phần nhiều đúc chữ rời dùng rất tiện. Phép ấy bắt đầu từ khoảng niên-hiệu Khánh-lịch (1041-1049), có người áo vải (thường dân) tên là Tất-Thăng làm ra phương-pháp đúc chữ rời. Anh dùng chất giao-nê (một hợp-chất gồm có ba thứ: vôi, cát và đất bùn) khắc chữ rồi đem hầm trong lửa cho cứng lại (như đá).

Anh làm hai bản sắt, một bản dùng để sắp những chữ rời, một bản để in: Sắp chữ xong thì dùng đem in, cứ thay đổi mà dùng, trong nháy mắt có thể in được trăm trang, mà tiền phí tổn so với chữ đồng lại rẻ hơn.

Ôi! Lòng cơ xảo thì việc cơ xảo càng lạ kỳ, làm sao có thể cùng cực được?

Sách Tam tài đồ hội có chép phương-pháp in bằng chữ rời.

Phép viết chữ vần, khắc chữ: Trước hết xem số chữ có thể dùng trong vần, chia làm ngũ thinh thượng, hạ, bình, khứ, nhập làm đầu vận, xem xét con chữ [31a], sao chép đầy đủ, chọn người viết khéo lấy kiểu chữ chế ra những chữ lớn nhỏ, viết ra những con chữ thuộc các môn đem dán lên tấm ván, sai thợ khắc, chừa lề để dựa theo đó mà cưa cắt ra.

Lại có những con chữ trợ-ngữ như chi hồ dã giả và những con chữ số-mục (như nhất nhị tam tứ ngũ lục …) với những con chữ thường dùng đều phân làm một môn.

Số chữ khắc rất nhiều ước chừng hơn ba muôn chữ (30.000).

Viết xong, tất cả đều theo phương-pháp trên mà làm.

Phân chia những bản chữ rời theo 5 hiệu để xem vần ở sau đây, còn dư ra những chữ vần theo ngũ thinh cũng bắt chước theo đấy.

Phương-pháp lấy chữ: Đem bản xem vần viết ra đầu tiên chép làm một quyển sách, biên thành hiệu chữ, ở mỗi quyển sách mỗi hàng chép một chữ đều có số-hiệu cùng với môn-loại trên ô đồng nhau.

Một người cầm quyển chữ vần y theo hiệu số mà đọc chữ. Một người rút chữ rời trong bản trên ô ra [31b] nhét vào chén in.

Như trong số chữ vần không có chữ khắc sẵn thì sai khắc bổ vào cho mau để được đầy đủ mà dùng.

Phương-pháp sắp chữ vào chén in: Dùng một tấm ván khổ bằng-phẳng ngay thẳng, liệu bề mặt quyển sách lớn hay nhỏ, bốn bên có làm nẹp chận ví lại, phía bên mặt chừa trống để chừa khi sắp chữ đầy chén rồi thì đóng nẹp ở bên mặt lại.

Lấy những miếng gỗ vụn chèn cứng trong hàng chữ.

Những con chữ sắp ra mỗi con đều phải ngay-ngắn bằng mặt nhau.

Trước hết lấy dao tề bớt chân con chữ.

Dùng những miếng tre nhỏ chứa vào một đồ đựng. Như có những con chữ cao thấp không phẳng mặt nhau thì tùy theo hình chữ lấy đó mà chèn lên cho cao, đến khi nào những con chữ thấy bằng-phẳng ổn-thỏa mới đem in.

Lại lấy bàn chải xuôi theo hàng chữ chải dọc xuống, không nên chải ngang.

Giấy in cũng dùng bàn chải xuôi theo hàng chữ mà chải.

Đó là [32b] phương-pháp nhất định về dùng chữ rời để in sách.