Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 6 - Chương 4

Truyện Hoắc-Quang[692] đời Hán có câu: Sứ-giả bàng ngọ 使者旁午 (nghĩa là: Sứ-giả bận rộn).

Chú:

Một nét dọc một nét ngang là bàng-ngọ, là nhiều việc bận-rộn phân bố khắp ngang dọc.

Sách Sở-từ chú chữ 儔 trù chữ 匹 thất:

- Bốn người gọi là trù.

- Hai người gọi là thất.

Sách Hán-thư có câu: Tùy nhi môi nghiệt kỳ đoản 隨而媒孽其短 (nghĩa là: Theo mà thêu dệt điều tội-lỗi của người).

Chú:

Môigiếu, là bã rượu.

Nghiệtkhúc, là men rượu.

Môi nghiệt là gầy nên, thêu dệt nên điều tội-lỗi của người.

Người nước Tề gọi Khúc bính (bánh men) là môi.

Sách Phong-tục thông[693] chép: Nhà Tần xây Trường-thành, đất đều màu tía, cho nên gọi là tử tái (biên tái màu tía). Biên tái ở phương Nam (Nam-kiếu) đất màu son, cho nên gọi là đơn kiếu (đơn là màu son màu đỏ).

Tái là chỗ biên-giới có phòng giữ để chận ngăn rợ di rợ địch tràn vào.

Kiếu là xa[694].

Thanh tỏa 青瑣 (thanh, màu xanh; tỏa, hình liên-hoàn chạm khắc ở cửa) được sách Hán-thư chú: lấy màu xanh sơn vẽ vào chỗ chạm khắc ở bên cửa.

Nham lang 岩廊 được sách Hán-thư chú: cái nhà [21a] nhỏ ở dưới điện.

Đời xưa dùng thẻ tre để viết (gọi là giản 簡) thứ dài được một thước, thứ ngắn được nửa thước.

Ngụy-Vương-Lăng nói với Tư-mã Ý rằng: “Dĩ chiết giản triệu ngã ” (nghĩa là: lấy thẻ tre dài nửa thước vời tôi).

Chiết giản[695] là nói bán giản tức là nói thẻ tre dài nửa thước, cũng có nghĩa là tờ giấy xé ra để viết không có giá-trị.

Chiết xung 折衝 (chiết, bẻ gãy. Xung, xung-đột) là chống ngăn quân địch tràn đến xung-đột.

Trong Chiến-quốc sách, Tô-Tần nói: “Bách nhân chi xung, chiết chi nhẫm tịch chi thượng ” (nghĩa là: Một trăm người tràn đến xung-đột, mình có thể chống ngăn ngay ở chỗ ngồi).

Sách Lữ-thị Xuân-thu có câu: “Chiết xung miếu đường chi thượng ” (nghĩa là: Chống ngăn quân địch ngay ở chốn miếu đường).

Văn-Trung-Tử[696] có câu: “Chiết xung tôn trở khả dã hà tất lâm biên? ” nghĩa là: Chống ngăn quân địch ngay ở trong yến tiệc (còn bày chén thớt) hà tất phải cần ra đến biên thùy?

Hàn-Tử nói: “Người ta ít thấy con voi sống, mà chỉ được bộ xương của con voi chết, rồi vin theo bộ xương ấy thì có thể tưởng-tượng ra hình-thể con voi sống. Cho nên ý-tưởng của người ta đều gọi là tượng (tượng là con voi).

Sách Sơn đường tứ khảo[697] chép: Người xưa đem quân đi, năm người là một ngũ, hai ngũ là một thập, các đồ để ăn uống [21b] thì dùng chung với nhau trong một thập, cho nên gọi là thập-khí (khí-cụ để ăn uống dùng chung với nhau trong một thập, mười người).

Người xưa đem quân đi chinh-chiến thì trước phải cúng tế ở tông-miếu để bói xem việc lành dữ rồi sau mới đi cho nên gọi là miếu-toán (bói toán ở tông-miếu).

Sách Thạch-lâm yến ngữ[698] chép: Đầu đời Đường chưa có áp tự (để chữ ký tên), người ta viết tháo tên mình để ký riêng, cho nên gọi là hoa thư (chữ viết hoa). Đó là chứng-nghiệm về Ngũ hoa phán sự[699].

Sách Nghệ văn loại tụ[700] dẫn sách Ngữ-lâm có chép: Đời gần đây tuyển quan bổ-dụng, thì trước hết biên tên vị quan cũ ở trước, kế đến biên tên vị quan định bổ dụng ở sau, tên của hai vị quan mới và cũ xen lẫn nhau.

Đời gần đây lại gọi phủ đình (chỗ công-đường) là nha. Chữ nha vốn viết 牙 nha (là răng) rồi viết sai ra 衙 nha (là dinh-thự của quan).

Thiên Kỳ-phủ[701] trong kinh Thi có câu:

Dư vương chi trảo nha

予王之爪牙

Nghĩa là:

Chúng tôi quân dung mãnh (nanh vuốt) của vua,

Cho nên lá cờ to ở trước chỗ đóng quân gọi là nha kỳ.

Tôi xét lời chú ở sách Thông-giám có chép: Phép xuất quân của Hoàng-đế nói: Nha kỳ là cờ của tướng-quân.

Thiên Tư thường chức trong sách Chu [22a] lễ chép: Khi có hội-đồng trong quân-lữ thì dựng cờ ở cửa quân tức là kỳ-môn.

Đời sau đặt ra chức Quân trung nha môn tướng, lại có nha binh.

Đến như ở trong quân và trong phủ, quân binh và chức lại hằng ngày sớm tối hai lần lên yết thượng-cấp cũng gọi là nha hô.

Chữ nha dùng đã quen. Dẫu như vua ra chính-điện nhận triều-thần bái-yết cũng gọi là chính-nha.

Cho nên nha-kỳ, chữ nầy không lấy nghĩa theo kinh Thi.

Sách Bội-huề[702] của Quách-Trung-Thứ[703] luận về tự học rất tinh-tường. Ông nói: “Âm thinh của người Trung-hoa và người nước Sở khác nhau. Tiếng nói của người phương Nam và người phương Bắc không giống nhau, vì người ta dùng tiếng nói ở quê-hương lưu-truyền cho nhau không phải chỉ có một thứ. Âm thì giống mà chữ thì khác, hay chữ thì giống mà âm thì khác, hoặc lỗi vì thinh thiển phù (cạn nổi) hay trọc trầm (đục chìm).

Thiên Biệt danh ký trong kinh Lễ chép: Trội hơn năm người gọi mậu 茂, hơn mười người gọi tuyển 選, hơn trăm người gọi tuấn 俊, hơn ngàn người gọi [22b] anh 英. hơn bằng hai hạng anh gọi hiền 賢, hơn muôn người gọi kiệt 傑, hơn bằng muôn hạng kiệt gọi thánh 聖.

Trong sách Bạch hổ thông[704] của Ban-cố[705] có những chú-thích của nhà nho đời Hán như:

Hiệu là phô bày công lao.

Hạ là to lớn (nhà Hạ).

Ân là chính giữa (nhà Ân)

Chu là chu chí, chu mật (nhà Chu)

Đường là phóng đãng (nhà Đường).

Ngu là vui-vẻ (nhà Ngu).

Thụy là dẫn, dẫn diễn dấu vết trị thể.

Tuế là toại thành, nên.

Thì là cơ, là giáp năm.

Quân (vua) là quần (bầy) được quần-chúng đem lòng theo về.

Thần (tôi) là kiên (kiên cố), dốc chí bền vững thờ vua.

Phụ (cha) là củ (quyên), pháp-độ để dạy con.

Tử (con) là tư-tư, chăm gắng mãi không thôi.

Cữu (cậu) là cựu (cũ)

(cô) là cố (cố cựu).

Tỷ (chị) là tứ (phóng tứ).

Muội (em) là mạt (cuối, út)

Phu (chồng) là phù (giúp đỡ), lấy đạo chồng mà giúp đỡ vợ.

Phụ (vợ) là phục (khuất-phục), lấy lễ mà khuất-phục dưới quyền chồng.

Bằng (bạn) là đảng (đảng-phái)

Hữu (bạn) là hữu (có)

Đệ (em) là đễ (kính yêu anh), lòng kính thuận đôn-hậu.

Tộc (họ-hàng) là tụ (tụ hội đông-đảo).

Tính (tính-tình) là sinh (tính-tình bình-sinh) của người ta.

Nam (con trai) là nhiệm (đảm-nhiệm công-nghiệp của tổ-tiên).

Nữ (con gái) là như (đi theo chồng).

Thê (vợ) là tề (ngang đồng) ngang hàng với [23a] chồng.

Thiếp (vợ hầu) là tiếp (nghinh-tiếp) để thường thường tiếp-kiến chồng.

衣] Y (cái áo) là ẩn (giấu) giấu che thân-thể.

Thường (quần) là chướng (ngăn che) ngăn che chỗ kín.

Những chữ theo loại nầy đều có nghĩa lý chớ không phải dựa-dẫm mà tán ra ý nghĩa.

Sách Biệt-lục của Lưu-Hướng chép: Xem xét so-sánh hai bổn sách, một người xem, một người đọc, xem như nhà cừu oán, cho nên gọi là sát thư 殺書.

Truyện Đông-phương-Sóc có chép: Đọc đến chỗ dừng thì chấm. Chấm ở đó mà ghi dấu gọi là ất 乙.

Ngày nay người ta đọc sách muốn sửa-chữa thì lấy bút móc từ trên xuống dưới là cũng thế.

Hàn-Dũ có bài thơ Đăng Củ-lũ sơn:

岣嶁山尖神禹碑

字青石赤形摹奇

事麗迹怪鬼莫窺

道士獨上偶見之

Củ-lũ sơn tiêm Thần-Vũ bi,[706]

Tự thanh thạch xích hình mô kỳ.

Sự lệ tích quái quỷ mạc khuy.

Đạo sĩ độc thượng ngẫu kiến chi.

Dịch nghĩa

1) Trên đỉnh núi Củ-lũ có cái bia Thần-Vũ.

2) Chữ xanh đá đỏ hình dáng lạ-lùng.

3) Việc đẹp-đẽ, dấu vết kỳ quái, quỷ thần không thể dò thấy được.

4) Đạo-sĩ một mình lên núi ngẫu nhiên thấy bia đá.

Dịch thơ:

Đỉnh Củ-lũ có bia Thần-Vũ,

Nét xanh đá đỏ chữ lạ kỳ;

Dấu quái gở thần thấy chi,

Một mình đạo-sĩ lên thì thấy ngay.

Chú thích: Núi Củ-lũ ở Nam-nhạc thuộc Hoành-sơn, tấm bia có tất cả 73 chữ. Người bản thổ thường in rập theo bài bia đem bán cho du-khách. Tôi [23b] vâng lệnh đi sứ có được một bản. Chữ to như cái chén.

Sách Ký-văn của Trần-Tử-Kiêm đời Tống có chép: Người xưa viết sách đều dùng giấy vàng, lấy cây bách 蘗 mà nhuộm giấy cho vàng.

Hoàng-bách 黄蘗 tức là cây hoàng-bách 黄栢, nhuộm giấy bằng cây hoàng-bách để tránh việc mọt đục. Cho nên sách (viết bằng giấy màu vàng) gọi là hoàng-quyển (quyển sách màu vàng).

Có viết chữ nào sai lầm thì lấy màu thư hoàng bôi lên thì mất, giấy và màu cùng tiệp sắc nhau.

Cho nên văn-chương không hay không dở gọi là thư hoàng.

Phép viết chữ của muôn nước trong thiên-hạ không giống nhau, chỉ có chữ Trung-hoa thì viết vuông và thẳng. Chữ của các nước ngoại phiên thì viết hàng ngang.

Chữ của Thương-Hiệt[707] gọi là chữ cổ-văn.

Lỗi chữ biệt xuất ngoài chủng-loại gọi là cổ-văn kỳ tự.

Quan Thái-sử Sử-Trựu[708] của Chu Tuyên-vương bắt đầu biến đổi cổ-văn làm chữ đại-triện.

Lý-Tư[709] đời Tần lại biến đổi Trựu văn làm chữ tiểu-triện.

Trình-Mại lại biến đổi chữ tiểu-triện làm chữ lệ để tiện ở nha phủ của quan.

Nhà Hán hưng khởi lên cũng noi theo chữ lệ mà chữ triện bị [24a] phế bỏ không dùng nữa.

Người đời Tấn lại sửa đổi chữ lệ cho đẹp hơn khéo hơn.

Lối chữ chân-thư ngày nay là lối chữ lệ đời Tấn biến-chuyển ra.

Bài Tái-ký[710] của Tô-Húc chép: Thạch cổ văn[711] gọi là liệp-kệ[712] cộng chung được mười cái trống đá. Chữ khắc lên trống đá là loại chữ đại-triện của Sử-Trựu do Chu Tuyên-vương sang-chế.

Hàn-Thoái-Chi có bài Thạch cổ ca.

Trong Tập cổ lục, Âu-Dương-Tu nói: “Có ba bốn điều khả-nghi về bài Thạch cổ văn ” .

Nhưng ông lại nói: “Hàn-Thoái-Chi háo cổ, đã không lấy càn để tin nhảm” .

Ông lại nói: “Về nét chữ, nếu không phải là Sử-Trựu thì không ai viết nổi” .

Cái trống đá ấy vốn ở đất Trần-thương, Trịnh-Dư-Khánh đời Đường lấy đặt trong miếu Khổng phu-tử ở đất Phụng-tường, dưới thời vua Hy-tông nhà Tống được dời về đất Biện, được người nước Kim lấy đặt trong cửa Kích-môn[713] ở nhà Thái-học. Triều nhà Nguyên nhà Minh và triều hiện-tại (nhà Thanh) cũng y theo như thế.

Tôi vâng mệnh đi sứ đến Bắc-kinh đã từng yết-kiến viên Học-quan [24b] mà được trộm xem những trống đá ấy.