Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 7 - Chương 01

Sách Giải-nan chép: Nếu những thiên Nghiêu-điển, Thuấn-điểnĐại-Vũ-mô, Cao-Dao-mô trong kinh Thư cùng với thinh-âm trong Tiểu-nhã, Đại-nhãChu-tụng, Thương-tụng, Lỗ-tụng trong kinh Thi không ôn-hòa tinh-thuần thâm-thúy nhuần-nhã thì không đủ để biểu-dương công-nghiệp lớn-lao[748] mà làm rạng-rỡ đức sáng[749], bởi vì mùi vị lớn-lao tất phải lạt, thinh-âm vĩ đại tất phải thưa.

Sách Trung-luận[750] của Từ-Cán[751] nói: “Ngày ngày luyện-tập thì học không quên. Tự gắng sức thì thân không sa-đọa. Thường nghe những lời nói lớn-lao trong thiên-hạ thì chí-hướng ngày một to rộng” .

Ngũ kinh (kinh Dịch, kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ và kinh Xuân-thu) là sách của các bậc thánh-hiền nối nhau làm ra. Khi học thì đại nghĩa học trước, vật danh học sao. Đại nghĩa được vỡ lẽ thì vật danh được hiểu theo luôn.

Đó là những lời nói nổi tiếng.

Xưa có Lục kinh (kinh Dịch, kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Nhạc và kinh Xuân-thu).

Kinh Nhạc mất ở Tần (Tần Thủy-Hoàng đốt sách) cho nên chỉ nói Ngũ kinh.

Về sau lấy sách Chu-lễ và sách Nghi-lễ thêm vào làm Thất kinh (bảy bộ kinh) [1b]. Lại tăng thêm sách Hiếu-kinh, sách Luận-ngữ làm Cửu kinh (chín bộ kinh).

Lại thêm sách Xuân-thu, Tam-truyện, sách Mạnh-tử, sách Nhĩ-nhã gọi là Thập tam kinh (mười ba bộ kinh).

Từ thời nhà Tống các nhà nho đời trước đề cao sách Trung-dung, sách Đại-học, cùng sách Luận-ngữ, sách Mạnh-tử làm sách Tứ-thư riêng (bốn bộ sách).

Nhà Minh quy-định học-chế, lấy Tứ-thư (Đại-học, Trung-dung, Luận-ngữ, Mạnh-tử) và Ngũ kinh (Dịch, Thi, Thư, Lễ, Xuân-thu) cho cùng giảng dạy, còn những sách Hiếu-kinh, Nhĩ-nhã, Chu-lễ, Nghi-lễ thì không được dùng làm đề bài.

Học-giả ít người có thể thông hiểu về huấn-cổ[752]. Việc phế bỏ cổ kinh cũng không thể là không có lỗi.

Ngũ kinh bị đốt ở nước Tần và được phục sinh lại dưới thời nhà Hán.

Những nhà tiên[753] chú[754] thường thường lấy cái học của mình mà nổi tiếng, như Trịnh-Huyền, Khổng-Dĩnh-Đạt đã tập-hợp những lời nói của các bậc thánh-hiền làm thành quyển kinh vĩ đại (cũng như đã tập-hợp những khúc nhạc nhỏ làm thành khúc nhạc to).

Từ khi sách Tập-truyện của Trình-Hiệu, Trình-Di và của Chu-Hy đời Tống ra đời thì những sách chú sớ[755] đời xưa đều bỏ hết,

Nầy, đạo-lý đến đời Tống thì sáng tỏ trở lại.

Những thuyết của bốn phái nho học đời Tống là của Chu-Đôn-Di ở Liêm-khê, của ha anh em Trình-Hiệu Trình-Di ở Lạc-Dương, của Trương-Tái ở Quang-trung, và của Chu-Hy ở Mân-trung có những điều mới lạ mà từ xưa [2a] chưa phát-huy ra được, nhưng đã lấy ở những chú-thích xưa cũng đến sáu bảy phần mười.

Sau cuộc tro tàn (nhà Tần đốt sách) một mảnh văn một mặt chữ được thu-thập lại, chú-thích lại truyền dạy cho nhau khiến cho hàng ngàn hàng trăm đời sau được nhờ đó mà thấy văn chương còn sót lại mà tìm hiểu được tâm trí của thánh-hiền, biết được ý-chí của tác-giả.

Đó là công của các nhà nho đời nhà Hán đời nhà Đường.

Vua Thành-tổ (1403 -1424) nhà Minh sai các bề-tôi nhà nho soạn Ngũ kinh Tứ-thư đại toàn.

Về Mao-thi[756] thì lấy sách Thi kinh tập truyện của Chu-Hy làm chính.

Về kinh Dịch thì lấy sách Dịch-truyện của Trình-Di và sách Chu-tử bản nghĩa làm chính.

Về kinh Thư thì lấy sách Thư tập truyện của Thái-Trầm[757] làm chính.

Về kinh Xuân-thu thì lấy sách Xuân-thu truyện của Hồ-An-Quốc[758] làm chính.

Về kinh Lễ thì lấy sách Lễ ký tập thuyết của Trần-Hạo[759] làm chính.

Những tiêu-biểu của nho-thần nhà Minh quyết-định đã tinh-túy đến cùng cực không thể bàn luận gì được.

Nhưng từ đời nhà Tống trở về trước, những phần sớ (dẫn giải cho thông nghĩa lý) chú (chú-thích) đều bỏ không dùng thì nghĩ cũng hẹp-hòi.

Tôi trộm ước mong cho phụ thêm phần chú xưa ở dưới sách tập truyện khiến người xem biết được cội ngọn để tra xét khi khảo-cứu, tuy tựa hồ phiền phức rườm-rà, nhưng cũng nhất nhất đều trở về quan-niệm xưa hầu cảm thấy đã gom tập được toàn thể mà làm thành những bộ kinh lớn-lao.

[2b] Đời nhà Đường, những ai thông hiểu được kinh Xuân-thu tam truyện[760] và sách Nghi-lễ đều được trao cho chức Tản-quan[761].

Đời xưa quý trọng người có học là như thế.

Đầu đời Tống còn có các khoa Tiến-sĩ. Người thi đỗ đều có học-vấn chuyên-môn tinh-túy.

Nhà Nguyên thì không có như thế.