Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 7 - Chương 11

Thời nhà Tống có nhiều người có tài viết văn và tâm thuật không đoan chính. Như Nhan-Kỳ[1007] thảo tờ [32a] chiếu cho Trương-Bang-Xương[1008] tiếm vị có câu:

無德者亡知謳歌之已去

當仁不讓信曆數之有歸

- “Vô đức giả vong, tri âu ca chi dĩ khứ.

- Đương nhân bất nhượng, tín lịch số chi hữu quy ” .

(Hai câu biền-ngẫu đối nhau).

Dịch nghĩa

- Không có đủ đức thì mất, biết rằng cuộc âu-ca thái bình đã qua rồi.

- Làm điều nhân thì không nhường, tin lịch số đã định sẵn.

Về sau, khi vua Cao-tông (1127-1161) lên ngôi, Nhan-Kỳ dâng tờ biểu tạ lỗi có câu:

夫子赴佛肸之召意欲尊周

紀信乘漢王之車誓將誑楚

- “Phu-tử phó Phật-Hất[1009] chỉ triệu, ý dục tôn Chu.

- Kỷ-Tín[1010] thừa Hán-vương chi xa, thệ tương cuống Sở ” .

(Hai câu biền-ngẫu đối nhau)

Dịch nghĩa

- Khổng-tử đi đến theo lời vời của Phật-Hất, là ý muốn tôn nhà Chu.

- Kỷ-Tín đi xe của Hán-vương, thề sẽ gạt Sở-vương Hạng-Vũ.

Chuyện nầy thấy chép ở sách Thuyết-phu,

Nhạc Vũ-mục[1011] tài-năng và phẩm-chất cao siêu, thơ cũng thanh nhã điêu-luyện.

Sách Tống nguyên thi hội có chép vài ba chương. Có bài đề ở chùa Phiên-dương Long-cư tự như sau:

危石山前寺

林泉勝復幽

紫金諸佛相

白雪老僧頭

潭水寒生月

松風夜帯秋

我來囑龍語

爲雨濟民憂

Nguy thạch sơn tiền tự

Lâm tuyền thắng phục u

Tử kim chư Phật tướng

Bạch tuyết lão tăng đầu

Đàm thủy hàn sinh nguyệt

Tùng phong dạ đái thu

Ngã lai chúc long ngữ

Vi vũ tế dân ưu

Dịch nghĩa

1) Ngôi chùa trước hòn núi đá cao vút.

2) Rừng suối, cảnh thắng lại thanh u.

2) Các tượng Phật thếp vàng màu tía.

4) Đầu nhà sư già bạc như tuyết.

5) Nước đầm lạnh lẽo mọc lên mặt trăng,

6) Gió ở ngàn thông ban đêm đượm hơi thu.

7) Ta đến bảo con rồng:

8) -“Hãy làm mưa mà cứu dân đang lo-âu” .

Dịch thơ

Chùa trước núi cao vút,

Suối rừng đẹp nhã u.

Vàng tươi pho tượng Phật.

Bạc phếu đầu thầy tu.

Mặt nguyệt lạnh đầm nước.

Gió tùng đêm khí thu,

Ta cùng rồng dặn bảo:

Mưa xuống cứu dân sầu ” .

oOo

Chùa ngay trước núi vút cao,

Suối rừng thắng cảnh thanh-tao u-nhàn.

Những pho tượng Phật tía vàng,

Bạc đầu như tuyết rõ-ràng sư ông.

Nước đầm lạnh-lẽo trăng lồng,

Ban đêm thu đượm gió tùng lắt lay.

Dặn rồng ta đến nơi đây:

Hãy tuôn mưa xuống cứu ngay dân sầu ” .

Sách Thang-âm từ miếu ký chép sự tích và văn-chương của Nhạc-Phi khá [32b] rõ-ràng.

Bài biểu của ông về cuộc hòa-nghị với nước Kim có câu:

雖秦氏之十五城終爲我有

然商於之六百里尚念彼欺

Tuy Tần thị chi thập ngũ thành chung vi ngô hữu,

Nhiên Thương-ư[1012] chi lục bách lý thượng niệm bỉ khi

(Hai câu biền-ngẫu đối nhau).

Nghĩa là:

Tuy mười lăm thành của họ Tần cuối cùng là sở hữu của ta.

Nhưng sáu trăm dặm của đất Thương-ư còn lo họ lừa dối.

Nhà Nam-Tống[1013] có quân Bối-Ngôi. Phạm-Thạch-Hồ nói: “Người ở Yên-trung gọi bình rượu là ngôi. Bình rượu của đại-tướng đều giao cho người thân-cận đi theo mang lấy, cho nên gọi là bối-ngôi (bối là mang theo ở lưng, ngôi là bình rượu). Hàn-Thế-Trung[1014] và Nhạc-Phi lấy tên bình rượu đặt tên đội thân-quân.

Sách Ủy hạng tùng đàm chép: La-Quán-Trung[1015] ở đất Tiền-đường[1016] tên Bổn, người đời Nam-Tống[1017] soạn tiểu-thuyết bằng mấy mươi bộ, như truyện Thủy-hử, kể việc bọn Tống-Giang gian trá trộm đạo, trót lọt, mưu cơ khéo-léo rất rõ-ràng, nhưng biến trá trăm đường, hại tâm thuật của con người, về sau con cháu ba đời đều câm.

Đạo trời ưa [53a] trở lại, cho nên việc báo ứng là như thế.

Bộ Tam-quốc diễn nghĩa cũng do La-Quán-Trung viết ra, ông đã dựa vào chính-sử dựng ra những việc không có phần nhiều không gần với lẽ phải. Các nhà nho trên đời không tin sách của Trần-Thọ[1018] mà tin sách nầy của La- Quán-Trung.

Sách nầy đã không có kiến-thức chân-chính, lại có những lời nói những câu ngạn-ngữ ở làng quê vốn không phải là chính pháp làm văn. Lại có người dùng những lời ấy mà khoe-khoang là tân kỳ rồi dương dương tự đắc mà không biết là đã lầm vậy.

Họ Phan ở Dương-tiết tổng luận các triều-đại đã trải qua của Trung-quốc thật là thuần-hậu thâm-thúy và vĩ-đại, Thật là một áng văn trứ danh của ngàn xưa.

Đọc sách Thiếu vi thông giám thấy đặt họ Phan ở Dương-tiết đứng đầu các thiên mà không thấy chép là người thời nào.

Sách Minh-sử tập lược cũng không thấy chép đến.

Sách Thuyết-phu chép bài Tuyết đình tạp ngôn có câu: Họ Phan ở Dương-tiết lúc trẻ thờ Ngụy-triều[1019] làm sai tờ biểu trần tình.

Bài nầy cũng không chép xuất xứ của ông như thế nào.

Gần đây, xem sách Minh-sử bản mới khắc thấy ở phần Liệt-truyện [55b] chép: Phan-Vinh, tự là Kiêm-dụng, người ở đất Long-khê, trong năm Chính-thống thứ 13 (1448) đời vua Anh-tông nhà Minh, đỗ tiến-sĩ, làm quan đến chức Thượng-thư bộ Hộ, thọ 78 tuổi được tặng chức Thái-tử Thái-bảo.

Tuyên-Du đời Tống nói: “Hiệu-đính sách vở như quét bụi, quét mặt nầy thì mặt kia bụi đóng” .

Sách Giáp ất thặng ngôn của người nhà Minh chép: Lưu-Tử-Huyền đi sứ nước Triều-tiên trở về nói: “Sách vở của nước nầy phần nhiều Trung-quốc không có. Vả lại những sách ấy thật sạch-sẽ tốt lành, không có một chữ nào là không bắt chước theo Triệu-Văn-Mẫn, bị giống người Ải-nô (tức Ainu, một chủng-tộc ở phía bắc nước Nhật-bản ngày xưa) tàn hủy.

Nước Triều-tiên bị vua Đường Cao-tông tiêu diệt. Đến thời Ngũ-đại, đời Tấn, Vương-Chiêu khôi-phục được nước ấy và gồm thêm được đất Tân-la, đất Bách-tế mà sử không chép rõ sự-tích.

Họ Vương làm vua truyền nước cho con cháu, trải qua đời Tống đời Nguyên, đến đầu đời Minh họ Lý mới thay thế làm vua cho đến ngày nay, trong khoảng 700 năm mới thay đổi [34a] hai họ. Đó cũng là điều đáng thẹn của Trung-quốc.