Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 8 - Chương 1

Kinh Thư chép: Học cổ nhập quan 學古入官. Nghĩa là: Học theo người xưa rồi mới ra làm quan.

Lời truyện[1020]nói: Học ưu tắc sĩ 學優則仕. Nghĩa là: Học giỏi rồi ra làm quan.

Sách Tả-truyện chép: Học nhi hậu nhập chính 學而後入政. Nghĩa là: Học rồi sau mới vào chính trường.

Này, biết được nhiều lời nói và việc làm của người đời trước hễ ứng vào tâm thì được phần chính đáng, ứng vào việc thì hợp với lẽ thích-nghi, thế mới gọi là học.

Những câu cách-ngôn của những hiền-triết đời trước tự nhiên đã không còn sót ý-nghĩa, tôi cứ mặc cho ngòi bút ghi chép những việc lặt-vặt để nhờ đấy mà sửa mình và dùng luôn vào việc dạy dỗ trong gia-đình.

Trong sách Luận-ngữ, Khổng-Tử đối với những câu hỏi về chính-trị đều tùy theo tư-chất từng học-trò mà giải-đáp.

Những lời nói của những bậc hiền-triết đời trước nếu mình lãnh-hội học được một câu thì đã thành tựu được tài-năng vô hạn, nếu đem dùng vào một ấp [1b] thì đã làm được khá nhiều công-hiệu.

Sinh ra một ngàn năm sau đã may-mắn được thấy toàn vẹn những lời nói của thánh-nhân.

Thế mà lòng nghĩ miệng đọc trái nhau, điều hiểu biết và việc thi-hành khác nhau, sự-nghiệp và danh-vọng lại không có gì đáng kể, thì đúng là bảo rằng nhiều cũng chẳng làm gì.

Bậc thánh-nhân lập ngôn[1021] vốn từ chỗ thiển-cận mà suy đến chỗ thực-tiễn (thực-hành, thực-dụng) thì thấy tinh-vi thâm-thúy.

Như ở sách Luận-ngữ, Khổng-Tử bảo Tử-Trương rằng: “1) Mình có điều hay thì chớ chuyên giữ một mình. 2) Dạy bảo người kém-cỏi thì chớ biếng lười. 3) Việc gì đã qua thì chớ nhắc lại. 4) Nói lầm lỡ thì chớ suy dẫn bào chữa. 5) Điều bất thiện thì chớ làm cho trót. 6) Làm việc thì chớ dần-dà.

Người quân-tử vào làm quan mà đầy đủ sáu điều ấy thì bản-thân được an-toàn, danh-dự được đưa đến mà việc chính-trị được nghe theo” .

1) Lầm lỗi về những điều ấy thì tù tội do đó mà sinh ra. 2) Cự tuyệt lời can-gián là chận ngăn việc lo nghĩ. 3) Khinh mạn dễ-dàng là thất lễ. 4) Biếng nhác là thời giờ [2a] bị chậm trễ. 5) Xa-xỉ là tiền của không đủ. 6) Chuyên giữ một mình là việc không thành.

Người quân-tử vào làm quan mà trừ bỏ được sáu điều này thì bản-thân được an-toàn, danh-dự được đưa đến mà việc chính-trị được nghe theo” .

Lời nói này rất đúng với sự thật, sĩ-phu từ xưa đến nay đi làm quan thi-hành việc chính-trị đã thành-đạt thì chưa từng đã không theo sáu điều trên, đã đổ vỡ thì chưa từng đã không theo sáu điều dưới.

Như thế lại không đáng xem xét hay sao?

Theo sách Gia-ngữ, Khổng-Tử làm quan Tư-khấu[1022] ở nước Lỗ, khi xử đoán việc kiện thưa đều cho mọi người bàn nghị và hỏi rằng: “Ông cho là thế nào? Ngài nghĩ ra sao? ” - Mọi người đều được giải bày. Như thế rồi sau Khổng-Tử mới nói: “Phải theo lời của vị này mới đúng” .

Thánh-nhân còn tham-vấn mọi người, khiến mọi người đều được nói ra hết sở kiến của mình, rồi sau mới chiết-trung mà xử đoán.

Việc này đáng cho đời sau bắt chước theo.

Người đời sau theo đuổi việc chính-trị lại [2b] có thể lấy ý mình mà độc-đoán không châm-chước với dư-luận hay sao?

Khổng-Miệt và Ninh-Tử-Tiện đều làm quan. Khổng-Tử đến Khổng-Miệt mà hỏi:

- Từ khi người làm quan, ngươi được điều gì và mất điều gì?

Khổng-Miệt đáp:

- Tôi chưa được điều gì cả mà đã mất hết ba điều:

1) Việc vua cứ nối tiếp nhau[1023] khiến mình học mà không được thực-tập. Đó là học không được rõ-ràng.

2) Bổng-lộc ít-ỏi, cháo không cung-cấp đến thân-thích, thì tình cốt-nhục càng thưa dần.

3) Công việc phần nhiều cấp bách mà không được đi điếu tang đi thăm viếng người bịnh hoạn, thì đạo bằng hữu thiếu sót.

Nghe mấy lời nầy Khổng-Tử không vui bèn đi đến Ninh-Tử-Tiện và hỏi những điều như đã hỏi Khổng-Miệt. Ninh-Tử-Tiện thưa:

- Từ lúc làm quan đến nay không có mất điều gì cả mà lại được ba điều:

1) Trước đã học mà nay được thực-hành, thì học càng được rõ-ràng.

2) Bổng-lộc cung-cấp đến thân-thích, thì tình cốt nhục càng mật-thiết.

3) Tuy có [3a] việc công mà vẫn đi điếu tang đi thăm viếng người bịnh hoạn được thì tình bằng hữu càng dầy-dặn.

Nghe mấy lời nầy, Khổng-Tử than-thở mà khen rằng: “Thật là người quân-tử!” .

Cùng làm quan như nhau mà hai người có quan-niệm khổ và vui khác nhau, có thú vị được và mất không giống nhau.

Xét việc khen và chê của bậc thánh-nhân của chúng ta, người quân-tử hẳn đã có điều tự xử.

Bậc thánh-nhân rất cận nhân tình.

Thầy Tử-Cống chuộc người ở các nước chư-hầu, từ-chối không nhận tiền chuộc khi người ta trả cho.

Khổng-Tử nói: “ Người nước Lỗ sẽ không có ai đi chuộc người nữa!” .

Thầy Tử-Lộ cứu người chết chìm, nhận lễ tạ ơn của người.

Khổng-Tử bảo: “Nước Lỗ sẽ còn cứu người chết chìm nữa!” .

Phàm những việc ấy đều là đạo trung-dung, bởi vì khiến cho hạng người tầm thường đều có thể cố gắng mà theo kịp được.

Khổng-Tử nhiếp chính[1024], thầy Tử-Sản[1025] làm quan coi việc chính, lúc mới đầu bị nhân-dân chê bai, rồi về sau được nhân-dân ca-tụng.

Tuy là đời cuối cùng, [3b] việc chê khen trong một lúc không đáng vội tin, về lâu về dài mới biết là đúng.

Muốn xét đến chỗ người ta chê-bai Khổng-Tử và Tử-Sản như thế nào, thì nên thấy là hai nước (nước Lỗ mà Khổng-Tử nhiếp chính và nước Trịnh mà Tử-Sản làm đại-phu) đã có những tập-quán chồng-chất hàng trăm năm, thế mà một sớm đã tề-chỉnh bằng kỷ-cương và đã nói theo pháp-độ, thì việc ồn-ào chê-bai ấy là cái thế tất phải đến.

Nhưng cũng vì lẽ nhân-dân không được phóng-túng và thấy bất-tiện đối với chính mình mà họ nói lên như thế, chớ vốn thật không có cớ gì khác.

Cho nên những lời không thật ấy[1026] đã khó làm cho vua nghi hoặc, mà lòng vua cũng chẳng lay chuyển, cho nên đã dùng hai vị ấy đến tận cùng.

Chính-trị nhân-đức của thánh-hiền như không-khí êm hòa, như gió xuân mát-mẻ, lòng dạ của thánh-hiền như thanh thiên bạch nhật.

Thánh-hiền đặt pháp-luật ở nơi nầy mà nhân-dân biết sợ ở chốn kia.

Tuy miệng họ bàn-tán sôi nổi mà họ vẫn lấm-lét vâng theo như việc trách phạt sắp đến sau lưng vậy. Đó là phong-hóa đã khiến đến như thế. Cho nên không quá một năm mà tất cả đều ca tụng.

Người đời sau, đạo-đức và danh-vọng chưa đáng tin, tác-dụng chưa được khéo, nếu không riêng mối lợi cho [4a] mình thì cũng dồn mối lợi cho nước, nếu không lấy hình-phạt nghiêm khắc để trị dân thì cũng bày kế để dụ dân, thì cả nước đều chê-bai cũng là đáng lắm, dẫu trải qua năm dài thì há có ai ca-tụng?

Cho nên người làm việc chính nghe nhân-dân chê-bai thì phải trách mình chớ không nên lấy việc thánh-hiền còn bị chê-bai mà tự giải-thích.

Căng dây cung lên mãi mà không mở dây cung ra thì vua Văn vua Vũ nhà Chu không làm[1027].

Cho nên khi mọi công việc đồng ánh đã xong xuôi thì tế trá[1028] để người trong nước vui chơi như điên cuồng.

Mở dây cung ra mãi mà không căng dây cung lên, vua Văn vua Vũ nhà Chu cũng không làm.

Cho nên sau khi yến ẩm vui chơi thì lo cắt cỏ tranh mà lợp nhà.

Phải thấu đạt nhân tình mới có thể nói đến việc chính-trị.

Thầy Tử-Sản nói: “Định yên nước nhà tất nhiên trước hết phải được lòng những đại gia-tộc” .

Mạnh-Tử nói: “Làm chính-trị không khó, đừng gây oán hận với những đại gia-tộc là được”[1029].

Hai lời nói trên đều cùng một ý.

Chu-Tử nói: “Nếu như không có việc lợi hại lớn thì không cần phải bàn nghị sửa đổi[1030] [4b]. Còn những đại gia-tộc thì nên khoan-dung[1031] cho họ” .

Sách Lễ-ký chép: Việc công không được bàn nghị riêng. Ở tại quan thì nói việc quan, ở tại phủ thì nói việc phủ, ở tại kho thì nói việc kho, ở tại triều thì nói việc triều, rất là cẩn-thận, chẳng những giữ chức-vụ của mình trong phạm-vi không được phiếm lạm ra ngoài, cũng để khỏi tiết lậu việc bí-mật và tránh cái tệ gian-xảo.

Khổng-Tử nói: “Làm chức lại vận-dụng pháp-chế chỉ có một đường lối mà thôi, lo làm điều nhân từ khoan thứ thì trồng được cây đức, làm điều nghiêm khắc bạo ngược thì trồng được cây oán” .

Này, muốn trồng cây đức há đâu là tha kẻ có tội và làm ơn cho kẻ gian dối?

Họ mắc vào vòng pháp-luật mà ta không có lòng bao dung hay sao? Ta nên chậm chậm suy-cứu, tinh tế xem xét tìm lối sống cho họ, nếu không được rồi sau mới căn-cứ theo pháp-luật mà luận tội họ. Tình thương xót trắc ẩn đối với họ tràn lộ ra ở lời nói khiến họ thẹn-thùng hối cải [5a] cảm phục mà không oán viên chức giữ pháp-luật.

Việc nghị án hoãn tử hình trong kinh Dịch, việc đã được xét thực tình thì thương xót họ và chớ lấy làm mừng mà Tăng-Tử đã nói cũng đều là ý vậy.

Việc xử án của Tử-Cao[1032]: Tội nhân bị án chặt chân quan-sát ý-tứ và nhan-sắc của Tử-Cao mà cảm kích sau khi nghe luận án, về sau đã cứu Tử-Cao để báo đáp lúc Tử-Cao bị tai ách.

Nếu Tử-Cao không phải là người khoan hậu vốn đáng tin thì sao lại làm được như thế?

Cho nên Tử-Cao được thánh-nhân (Khổng-Tử) khen ngợi.

Quá cứng thì gãy, quá mềm thì hỏng. Chỉ có vừa cứng vừa mềm cho thích-hợp điều ứng-dụng mới nên.

Khoan-dung thì dân lờn dễ, mãnh-liệt thì dân tàn khổ. Chỉ có vừa khoan-dung vừa mãnh-liệt mà thi-hành mới giỏi.

Sách Hiếu-kinh chép: Bậc đại-phu lời phi-pháp thì không nói, việc vô đạo thì không làm, nói khắp thiên-hạ mà miệng không lầm lỡ, làm khắp thiên-hạ mà không có điều oán ghét, được như thế rồi sau mới giữ-gìn được tông-miếu.

Kẻ sĩ lấy hiếu thờ vua, lấy kính [5b] thờ người tôn trưởng, trung-thành hòa-thuận không lỗi lầm để thờ người trên trước, được như thế rồi sau mới có thể bảo-vệ lấy bổng lộc và tước vị mà giữ-gìn việc cúng tế.

Thưởng thức hai chữ thủ (là giữ-gìn) và bảo (là bảo-vệ) thì có thể nhận thấy thánh-nhân đời trước dạy người ta vui đạo để lấy thói thường mà không nói người ta làm lành để mong được phúc.

Y-phục (áo-quần) là phần rạng-rỡ của thân-thể.

Khổng-Tử nói: “Người quân-tử phải tề-chỉnh áo mão” .

Án-Tử cũng nói: “Mặc y-phục không đúng lễ-nghi thì không dám vào triều” .

Quản-Tử nói: “Tình ý trong lành thành thật đáng tin thì danh-dự được đẹp-đẽ. Tu-hành kính-cẩn thì sự tôn-trọng hiển vinh được phụ vào mình.

Tình ý trong lòng không thành thật thì thanh-danh xấu-xa. Tu-hành mà lờn dể thì điều ô-nhục phát-sinh” .

Hữu-Tử[1033] nói: “Sự tin cậy gần với đạo nghĩa, nói có thể phục hồi được. Sự cung kính gần với lễ-nghi, khiến mình tránh xa điều sỉ-nhục” .

Đại ý những câu nầy [6b] phù hợp nhau.

Người quân-tử ở nước nầy, không chê bai quan đại-phu nước ấy, đó là lễ.

Làm quan ở chức đài-gián[1034] hẳn là không nên lấy lẽ ấy mà thối-thác việc đàn hặc chê trách quan lại. Nhưng phải trái tự nhiên đã có công-luận, thì cũng không nên chê trách càn bậy lẫn nhau.

Nếu như không có trách-nhiệm được nói, mà trong lúc ở yên nói riêng với nhau, vui miệng khui bới những lỗi lầm của người, nói năng những điều tư riêng bí-mật của người, thì há là chỉ chuốc oán chiêu hờn mà còn là không phải cái đạo trung-hậu nữa.

Người hiền đời xưa giữ-gìn và hành-động rất chu-đáo.

Chương 4 thiên Tiểu-minh thuộc phần Tiểu-nhã trong kinh Thi như sau:

嗟爾君子

無恆安處

靖共爾位

正直是與

神之聽之

式榖以女

Ta nhĩ quân-tử!

Vô hằng an xử.

Tịnh cung nhĩ vị

Chính trực thị dữ

Thần chi thính chi

Thức cốc dĩ nhữ).[1035]

Dịch nghĩa

1) Than ôi những bậc quân-tử như các bạn!

2) Chớ nên yên-ổn mãi mãi.

3) Hãy lặng-lẽ giữ chức vị mình,

4) Các bạn chỉ giúp đỡ những người chính-trực mà thôi.

5) (Thì thần thánh sẽ nghe cho,

6) Sẽ đem phúc lộc cho các bạn).

Dịch thơ

Bậc làm quân-tử bạn ôi!

Chớ nên sống mãi yên vui tốt lành.

Lặng mà giữ chức vị mình,

Giúp người chính trực trung-thành mà thôi.

(Thánh thần nghe thấu được lời

Sẽ đem phúc lộc vun bồi thưởng cho).

Lòng mong-mỏi đối với bạn hữu thâm thiết làm sao!

Sách Tả-truyện, năm thứ 7 đời Chiêu-công, có bài thơ như sau:

一命而僂

再命而傴

三命而俯

循墙而走

Nhất mệnh nhi lũ

Tái mệnh nhi ủ

Tam mệnh nhi phủ

Tuần tường nhi tẩu.

Dịch nghĩa

1) Lần đầu nhận mệnh-lệnh vua bổ quan thì cúi mình,

2) Lần thứ nhì thì khum lưng,

3) Lần thứ ba thì cúi rạp xuống,

4) Rồi noi theo tường mà chạy đi.

Dịch thơ

Cúi mình nhận lệnh lần đầu,

Khum lưng nhận mệnh lần sau trung thành,

Lần ba cúi rạp thân mình,

Noi theo tường chạy cho nhanh kịp thời.

Cách đối xử với mình cẩn-thận là dường nào!

Lấy điều lành mà răn bảo nhau thì sao lại còn có [6b] lòng khuynh loát nhau hay sao?