Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 8 - Chương 2

Được vua yêu chuộng thì như là sợ hãi, thì sao lại còn có thái-độ ham tranh đua hay sao?

Bốn biển rộng, triệu dân đông, trời lập ra một người làm vua để thống-trị. Để giúp đỡ vị vua ấy, Trời đặt ra bầy tôi các bậc công, khanh, đại-phu, bách chấp sự. Tuy chức-vị do vua đặt, nhưng đều là do trời tuyển chọn cả.

Nầy, trí-thức người cao kẻ thấp, tài-năng người lanh kẻ chậm là do ở phú bẩm.

Phẩm-hạnh và tâm-thuật thật không thể không gia công xem xét.

Công-phu chất chứa từ ổ mối đùn mà thành núi gò.

Ở trong nhà kín mà thấy rõ từ trong triều-đình ra ngoài thôn-dã.

Kẻ dưới thì xem xét nghe theo, người trên thì trông xuống, còn có thể lơi bỏ mảy-may hay sao?

Lấy đoan thuần làm cội gốc, lấy cẩn-thận khoan-thứ mà giữ-gìn, lấy cung kính thận-trọng mà thi-hành, lấy công-bình mà đối xử, trong sạch mà thông suốt, ngay thẳng mà thuận hòa, siêng cần mà giản-dị yên lặng cho được thông-thường trường cửu thì tất nhiên được [7a] lòng người.

Đã được lòng người thì hợp với ý trời, thì lòng vua tự nhiên tin cậy.

Danh vọng và thực-tế đều về mình, phúc lành đã tụ đến thì quyền chính quốc-gia sẽ vào tay ai nữa?

Nếu không như thế, lại chỉ lo dùng xảo trá thế lực, thích ý với những cơ mưu hiểm độc để cầu sủng ái lợi lộc, thì chẳng những đã không được như chí nguyện mà nào không có hậu hoạn hay sao?

Ở đời hẳn nhiên chưa có ai bị chê trách ở người, mắc tội đối với Trời mà có thể kết niềm tri ngộ với vua để trở thành hiển quý được.

Ba chữ thanh (trong sạch) thận (cẩn-thận) cần (siêng năng) không phải ở gốc ở bài Quan-châm của ông Lữ-Cư-Nhân đời nhà Tống, mà gốc ở ông Tư-Mã-Chiêu[1036].

Xét theo sách Tấn-thư của Vương-Ẩn[1037] chép rằng: Lý-Bỉnh ngồi hầu tiên-đế, có ba vị Trưởng-sử cùng đến yết-kiến, lúc ba vị từ biệt, tiên-đế bảo: “Làm quan trưởng phải trong sạch (thanh), phải cẩn-thận (thận), phải siêng-năng (cần). Giữ được ba điều ấy lo gì mà không trị yên” .

[7b] Tiên-đế quay lại hỏi Lý-Bỉnh: “Trong ba điều ấy nếu bất đắc dĩ phải bỏ điều gì trước? ”

Lý-Bỉnh tâu: “Ba điều trong sạch (thanh), siêng-năng (cần) và cẩn-thận (thận) nhờ lẫn nhau mà thành, nếu bất đắc dĩ thì nên bỏ cẩn-thận hơn hết, bởi vì đã trong sạch thì bất tất phải cẩn-thận, đã cẩn-thận thì bất tất phải trong sạch” .

Tiên-đế nói: “Phải đấy. Hãy kể ra những người cẩn-thận trong đời gần đây? ”

Lý-Bỉnh kể ra mấy người.

Tiên-đế nói: “Mấy người nầy ôn-hòa cung kính sớm tối lo giữ công việc mình một cách kính cẩn, cũng là cẩn-thận đấy. Nhưng người cẩn-thận nhất trong thiên-hạ có phải là Tự-Tông[1038] chăng? Ông ta chỉ nói đến những việc huyền-diệu xa-xôi, chưa từng bình-luận thời sự, khen chê các nhân-vật” .

Lý-Bỉnh nhân đó thuật câu chuyện ấy để làm điều răn dạy trong gia-đình và nói rằng: “Phàm người làm việc, tuổi trẻ lập thân không thể nào không cẩn-thận, chớ khinh suất bình-luận ai, chớ khinh suất nói việc gì, thì sự hối tiếc không do đâu mà sinh ra được” .

Khuất-Bình[1039] vâng lịnh vua làm hiến lịnh, bản sơ cảo (bản nháp) chưa xong thì thượng quan đại-phu thấy được và muốn đoạt lấy.

[8a] Khuất-Bình không cho, Thượng quan đại-phu gièm pha với vua rằng:

- Mỗi lần vua ra lịnh sai làm, Khuất-Bình liền tự khoe công mình, bảo rằng: “Không có ta thì không ai làm được” .

Nhà vua do đó xa ghét Bình. Thái-độ hay khuynh hãm người của kẻ tiểu-nhân hẳn là không đáng bàn đến.

Nhưng phải làm sao để mưu tính cho Khuất-Bình?

Cái lỗi của Khuất-Bình là cho người ta thấy bản sơ cảo.

Phần Hệ-từ thượng trong kinh Dịch chép: Quân tử thận mật nhi bất xuất 君子慎密而不出. Nghĩa là: Người quân-tử thận-trọng cẩn-mật mà không để lậu ra ngoài[1040].

Khi suy định pháp lịnh phải sáng ý để tâm, thẩm xét tường tận đôi ba lần, hễ đã làm xong thì tiến dâng lên, sao lại đem bản sơ cảo cho người ta thấy trước, khiến cho họ sinh lòng? Họ đã thấy mà muốn đoạt lấy thì thật có điều khó xử: Nếu không cho họ thì sinh ra hiềm oán. Còn cho họ thì lấy gì mà tâu báo lên vua? Nếu mời họ cùng làm với mình rồi đem dâng lên vua thì còn có thể được, nhưng cũng không phải cái đạo đứng đắn.

Người lão thành giữ lòng thường bình dị, biện-luận thường nông cạn, nhưng [8b] đạo-lý thật không thể hơn thế được.

Người thiếu-niên đầy hào khí thường thích những việc khó-khăn sâu hiểm mà đặt hy-vọng sâu xa, chưa có ích lợi gì mà đã chuốc điều hối tiếc rồi sau nghĩ lại mới thấy kiến-thức của bậc lão thành thật là không thể theo kịp.

Ban-Siêu[1041] nói với Nhâm-Thượng rằng: “Tính của ông nghiêm-khắc nóng-nảy, nước trong thì không có cá[1042], cho nên xem xét việc chính không dung-hòa với kẻ dưới. Phải rộng-rãi thênh-thang giản-dị khoan-dung những điều nhỏ-nhặt, chỉ gồm giữ đại-cương mà thôi” .

Nhâm-Thượng lui về nói với người ta rằng: “Tôi mới đầu cho là Ban-quân (Ban-Siêu) phải có mưu sách lạ kỳ, nay lời của ông ta nói chỉ tầm thường mà thôi” .

Nhâm-Thượng về sau sở dĩ thất bại, lỗi chính vì thế.

Công-hiệu nhân sự việc mà nhận thấy chớ không nên có ý dự định trước.

Quân Hung-Nô phá hại việc thông khoản và dâng cống của Tây-vực. Tuy có kế sách lạ kỳ cũng không làm sao thi-hành được.

Ở trong thì mất lòng người Di thì còn mưu đồ việc ngoại trị nữa hay sao?

Ban-Siêu tuy tầm thường không có mưu kỳ nhưng mà về sau lập được kỳ công.

Còn Nhâm-Thượng trước đã chuộng [9a] lạ cho nên rốt cuộc không thể lập nên công lạ.

Những ai có chí về công danh lại có thể không xem gương ấy hay sao?

Bính-Cát[1043] gởi thơ cho Ngụy-Tướng[1044] nói rằng: “Triều-đình đã biết sâu xa đức hạnh cai-trị của Nhược-ông tiên-sinh (Ngụy-Tướng tự là Nhược-ông), sẽ dùng tiên-sinh làm chức to, mong tiên-sinh bớt cẩn-thận công việc và tự trọng, hãy cất giấu đồ dùng trong thân mình, đợi thời mà hoạt-động”[1045].

Ngụy-Tướng trong lòng cho là phải và dứt tính uy-nghiêm.

Quản-Ninh[1046] nói với Bính-Nguyên[1047] rằng: “Con rồng ở dưới vực sâu nhờ không hiện lên mà thành đức tốt. Nói không phải lúc đều là đường lối chuốc lấy tai họa” .

Bính-Nguyên nghe theo, rốt cuộc thành danh tiếng tốt.

Đó chẳng phải là bằng hữu có ích hay sao?

Chức-vị của Khước-Chi[1048] ở dưới bảy người mà muốn khuất lấp người trên.

Triệu-Do làm chức thú thì khinh dể chức úy, khi làm chức úy, thì lấn lướt chức thú.

Gia-cát-Khác[1049], ý thì muốn lấn người trên, khi thì muốn trùm kẻ dưới.

Những vị nầy đều bị người hiểu biết [9b] chê cười mà rốt cuộc đều bị đổ vỡ thất-bại, thật là đúng.

Tiêu-Vọng-Chi[1050] là người quân-tử trì-trọng[1051] làm á-tướng (phó tể-tướng) thường tâu nói: “Âm dương không đúng thời tiết, lỗi tại kẻ hạ thần” .

Ông tâu như thế chẳng qua là hơi có ý lấy việc điều hòa âm dương[1052] làm trách-nhiệm của mình.

Nhà vua lại cho là Tiêu-Vọng-Chi có ý khinh quan Tể-tướng, bèn bãi việc chính của ông, đổi làm tướng-quân, rốt cuộc không cho giữ việc cơ yếu nữa.

Thế thì một lời nói, quan khanh đại-phu có thể không kính cẩn được sao?

Phạm-Vũ-Tử[1053] là quan đại-phu hiền tài nhất của nước Tấn, được Triệu-Văn-Tử[1054] khen ngợi là người không quên vua không sót bạn.

Quan Lịnh-doãn nước Sở hỏi đức hạnh của Phạm-Vũ-Tử. Văn-Tử cũng đáp rằng: “Việc nhà của phu-tử rất yên trị, tin-tưởng vào quỷ thần, lời thù-tiếp không có gì phải thẹn” .

Xem sách Quốc-ngữ thấy chép: Phạm-Văn-Tử (con của Phạm-Vũ-Tử) ở triều về [10a] muộn. Phạm-Vũ-Tử hỏi:

- Sao về trễ thế?

Phạm-Văn-Tử thưa:

- Có khách nước Tần ra câu hỏi khó[1055] ở triều-đình, các qua đại-phu giải đáp không được. Con biết được ba câu.

Vũ-Tử nổi giận la rằng:

- Các quan đại-phu không phải không giải đáp được, họ nhường cho các phụ-huynh đấy thôi. Ngươi là con nít biết gì mà dám che lấp người ba lần ở triều-đình?

Ta mà không còn thì nước Tấn mất không biết ngày nào.

Do đó cái nết cung kính lễ độ khiêm nhường của Phạm-Vũ-Tử có thể thấy được.

Trong chiến-dịch ở Yên-lăng, quân nước Kinh đàn-áp quân nước Tấn, các chức lại trong quân lo ngại sắp bàn mưu với nhau. Phạm-Cái (con của Phạm-Văn-Tử) từ công-tộc đi ngang qua nói: “Dẹp bếp lấp giếng chẳng phải là rút lui thì còn gì nữa? ” .

Phạm-Văn-Tử cầm cây giáo đuổi theo Phạm-Cái la rằng: “Con nít mà biết gì? Chưa hiểu tới mà nói là đứa gian. Tao phải giết ngươi” .

Như thế hà rằng Phạm-Văn-Tử không chịu sự giáo-dục trong gia-đình của Phạm-Vũ-Tử hay sao?

Viên-An[1056] đời nhà Hán chưa từng tra khảo ai về tội tham-lam lấy trộm. Quan sử-thị khen Viên-An có lòng nhân, đủ để cho con [10b] cháu nối kế được lâu dài.

Hàn-Ức[1057] đời nhà Tống không thích lượm lặt những lỗi lầm nhỏ mọn của người. Người quân-tử biết rằng dòng dõi về sau tất sẽ lớn-lao.

Con cháu của Viên-An bốn đời làm năm tước công.

Tám người con của Hàn-Ức có ba người lên đến chức công-phụ[1058]. Các cháu của ông đều thi đỗ làm đến chức thị-tụng.

Đức hạnh cao dầy thì được báo đáp như thế.

Sách Thế-thuyết chép: Lưu-Đàm[1059] đời Tấn đi với Vương-Mông[1060], cùng đói giữa đường. Có người dân mọn cho ăn. Lưu-Đàm từ-khước không ăn. Vương-Mông hỏi tại sao? Lưu-Đàm đáp: “Không thể gây duyên hệ với người dân mọn được” .

Việc nầy đủ thấy người hiền đời Tấn cẩn-thận ở việc thù-tiếp.

Sách Thái-ngôn của người nhà Đường nói về cách xử thế của người làm kẻ sĩ:

I.- Nghe nhiều thấy ít, hình tích thì lặng mà tâm lòng thì động, cúi đầu, mắt ngó thẳng mà trong bụng không có điều uất giận.

II.- Dáng mạo cẩn trọng, tính khí hòa hoãn, thấy mặt thì ít, nghe tiếng thì nhiều. Có sáu điều đáng [11a] kiêng kỵ nhất:

1) Đến nhà học-trò mình hay bạn thi đỗ cùng một năm với mình để cầu xin cho người nhà thi đỗ.

2) Cầu xin nhà sư tiến cử.

3) Khoe-khoang với người ta rằng họ hàng bên nội bên ngoại của mình làm quan to.

4) Khoe-khoang đã làm khách đi xa.

5) Thích người ta dâng biếu đồ ăn đồ uống.

6) Là người không dùng vào việc gì được cả.

Phạm-Tổ-Vũ[1061] nói: “Ngày trước con em đi làm quan, có người xin thơ giới-thiệu của Phạm-Thục-Công. Phạm-Thục-Công không cho mà nói rằng: “Trong đường làm quan, không nên rộng cầu người ta biết. Chịu ơn nhiều thì đứng trong triều thật khó” .

Lưu-Đại-Hạ[1062] đời nhà Minh nói: “Trong đường làm quan chớ nên giao-thiệp rộng-rãi. Người quen biết chỉ vài ba bằng hữu đắc-lực thì cũng đủ một đời rồi” .

Ý lời nầy rất sâu-xa.

Sách Tạp-chí của Trương-Lỗi đời Tống chép: Tiền-Văn-Mục thường nói: “Ba đời làm quan mới biết mặc áo ăn cơm” .

[11b] Tô Thị-lang nói: “Mỗi khi thấy sách phủ[1063] mời khách, xem việc phân biệt các hạng người thì đủ thấy chính sự” .

Trao chức quan ở triều-đình, tạ ơn ở tư-gia, tuy vốn mình không có lòng cầu cạnh mà Dương-Thúc-Tử đã chê, huống chi vừa đợi bổ làm quan mà trước đã đến bái yết thì hoen-ố danh-tiết là dường nào?

Như Trương-Sư-Đức[1064] hai lần đến nhà Vương-Đán[1065] bị Vương-Đán khinh bạc.

Tôi thường lấy làm ngờ về chuyện nầy: Chức vị Tể-tướng là để tiến-cử người hiền tài, há có thể ngày thường không tiếp kẻ hậu tiến để hỏi-han học-thuật và công-nghiệp của họ, xem xét ngôn-ngữ và hành-động của họ?

Ông Chu-công[1066] đã nhả cơm nắm tóc[1067] để tiếp không phải chỉ có một kẻ sĩ đến viếng ông.

Há rằng những người đến yết-kiến ta đều có điều cầu cạnh ở ta đâu?

Đến khi xem bài Bút-lục của Vương-Tăng[1068] thấy chép như sau:

Vương-Đán ở tòa Trung-thư thường nhân lúc tâu việc có nói đến tên họ một vị quan lang ở sảnh. Vương-Đán tâu:

- Hạnh-kiểm lý-lịch tài-cán của người ấy đều có thể chọn lấy. Người ấy hiện nay vừa nắm giữ chức vụ ở quận. Nên [12a] tạo thành và cất nhắc cho người ấy.

Ông (Vương-Đán) và các quan đồng liệt vốn đã hiểu biết người ấy là người thế nào rồi, cho nên nhân đó cùng tiến-cử người ấy.

Từ đó khen thưởng người ấy luôn, lại ghi chép thành-tích cho người ấy nữa, để ngày người ấy trở về kinh liền khiến quan chuyển-vận sứ[1069] thong-thả đề nghị riêng để thăng chuyển.

Thế rồi khi người ấy trở về đến cửa khuyết, lại xét ghi cho người ấy trước nhất.

Gặp lúc bấy giờ đang lo tính các khuyết quan ở ngoài, Vương-Đán liền cùng các quan đồng liệt suy xét và quyết-định tên họ quan chức để bổ-khuyết, cùng hẹn với nhau ngày hôm sau sẽ tâu bổ cho người ấy.

Chiều đến khi Vương-Đán trở về nhà riêng, người ấy đến đưa danh-thiếp xin yết-kiến. Ông vừa đề-nghị, liền từ-chối không cho gặp.

Khi đến triều-đình vào chầu vua, Vương-Đán kể hết đầu đuôi câu chuyện cho vua nghe và xin trao chức chuyển-tào[1070] cho người ấy.

Vua im lặng và không cho.

Vương-Đán lui về than thở và sợ hãi luôn mấy ngày, mới nói rằng: “Chiều ngày qua khi người ấy đến xin yết-kiến, tuy ta không có gặp, nhưng đã cho người mật thám dò xét” .

Thế rồi người ấy đến thời vua Chân-tông vẫn không được trọng dụng.

Ông không muốn chỉ rõ tên họ của người ấy [12b] và thường răn dạy các quan đồng liệt rằng: “Nỗi hiềm-nghi về việc yết-kiến riêng phải cẩn-thận mà kiêng tránh ngõ hầu khỏi phải hối tiếc.”

Triều nhà Tống xem xét rất tinh-tế cẩn-mật hành-tung của các quan sĩ đại-phu, một hành-động rất quan-hệ đến danh-dự tiết tháo khi lập thân, mà người cầm quyền tiến-cử nhân-tài phải làm tan mất hết hình-tích để tránh xa việc hiềm-nghi.

“Bề tôi không cẩn-mật thì mất thân mình”, đó là lời răn dạy sâu xa của Khổng-Tử[1071].

Sử truyện đã ghi chép rõ-ràng để làm gương không phải chỉ có một truyện. Xin lược cử vài việc sau đây:

- Sư-Đan[1072] sai viên lại viết tờ tấu. Viên lại chép riêng bản thảo truyền xuống, con em nghe được sai người tố-cáo tội của ông. Vì thế ông bị miễn chức Tể-tướng.

- Trương-Thương-Anh[1073], về những việc gì phải làm đều trước hết đọc lên ở công-đường. Những người bị trở ngại đều được tham-dự mưu tính. Cuối cùng Trương-Thương-Anh vì bị gièm siễm mà bị đuổi.

Đó còn là những chuyện phù-phiếm nhỏ-nhặt. Lại nói bậc đại-thần bàn luận việc lớn-lao, quan hệ rất nặng-nề mà không cẩn-mật:

- [13a] Kinh-Phòng[1074] thường nói: “Thấy Thạch-Hiển[1075] sau mỗi lần ra ngoài liền kể những lời vua nói cho cha vợ là Trương-Truyện nghe” .

Thạch-Hiển biết việc ấy. Họ cùng bị mắc tội.

- Tề-Hoãn[1076] đời Đường nói: “Vương-Mao-Trọng[1077] ắt có điều gian” .

Vua Huyền-tông khen phải và nghe theo.

Tề-Hoãn tiễn quan Đại-lý thừa là Ma-sát có kể những lời can-gián của mình đối với vua. Ma-Sát liền kể tội ấy tâu lên.

Vua giận trách Tề-Hoãn không cẩn-mật.

Tề-Hoãn và Ma-Sát đều bị biếm chức đưa ra Lĩnh-nam.

- Lý Thiếu-Lương[1078] nói Nguyên-Tải[1079] ăn hối lộ.

Vua Đại-tông để tờ cáo-trạng ở nhà Khách-sảnh.

Lý-Thiếu-Lương đem những lời của vua nói cho người bạn là Đương-Tụng nghe.

Quan Thị-ngự-sử là Lục-Đỉnh báo cho Nguyên-Tải biết và tâu lên vua.

Vua cho là Lý-Thiếu-Lương, Đương-Tụng và Lục-Đỉnh gây xa lìa giữa vua và tôi. Họ đều bị đánh trượng mà chết.

- Vua Chân-tông (998- 1022) nhà Tống muốn lập Thái-tử cho coi việc nước. Khấu-Chuẩn[1080] tán thành việc ấy, lại bảo Đinh-Vị[1081] và Tiền-Duy-Diễn[1082] là nịnh-thần không thể thiên chuyển cho giúp thiếu-chúa.

Vua cho là phải.

Thế rồi về sau Khấu-Chuẩn say rượu nói lậu việc ấy ra. Đinh-Vị hay biết, thừa thời cơ gièm siễm Khấu-Chuẩn với vua.

Khấu-Chuẩn bị biếm (giáng chức) đưa ra Đạo-châu.

- Vua Anh-tông (1436- 1449) nhà Minh [13b] chán ghét Tào-Cát-Tường[1083] và Thạch-Hanh[1084] chuyên quyền. Nhạc-Chính[1085] cũng nói như thế. Vua cho là phải.

Nhạc-Chính đến nhà hai người Tào-Cát-Tường và Thạch-Hanh, bảo hai người phải sớm thôi dứt chuyên quyền, nếu không thì vua sẽ nghi-ngờ.

Hai người liền vào triều khóc-lóc và tâu bày việc ấy.

Vua bảo: “Không hề có việc ấy” .

Về sau vua hỏi ra biết là do Nhạc-Chính nói. Vua giận Nhạc-Chính lậu chuyện, đày Nhạc-Chính ra biên-giới.

Cái hại của việc không cẩn-mật là như thế.