Vân Đài Loại Ngữ - Quyển 8 - Chương 4

Giang-Sung[1129] thấy Thái-tử ruổi ngựa trên đường, bèn dâng tờ tấu báo cho vua biết.

Thái-tử xin Giang-Sung khoan thứ cho. Giang-Sung không nghe.

Vua khen Giang-Sung và bảo rằng [22b]: “Làm kẻ bề tôi phải như thế” .

Giang-Sung nhờ đó rất được vua tin dùng.

Đến khi nhận chiếu xử vụ án đồng bóng thư ếm hại người, Giang-Sung vu tội Thái-tử quá ngặt, bèn bị Thái-tử giết.

Vua cũng giết cả nhà Giang-Sung.

Tuy người giỏi kẻ dở không đồng nhau, nhưng điều đã làm cho họ mắc tội thì giống nhau.

Trương-Ôn nước Ngô vì tài giỏi hơn người mà mắc tội.

Vũ-hầu bảo: “Ông ta mắc tội vì trong với đục quá rõ-ràng, lành với dữ quá phân-biệt” .

Tiêu-Vũ[1130] đời Đường là người ngay thẳng khác tục.

Vua Đường Thái-tông bảo: “Về lòng trung-trực của khanh, người đời xưa cũng không hơn được. Nhưng phân-biệt thiện với ác quá rõ-ràng cũng lắm khi có hại” .

Nầy, lấy sự trải việc hợp vật của Vũ-Hầu và sự khuyến lệ tinh thông cầu yên trị của Văn-Hoàng (Đường Thái-tông) mà xét thì sao không phải là để nâng-đỡ người quân-tử đuổi bỏ kẻ tiểu-nhân? Xét lời hai vị ấy nói lấy việc phân-biệt thiện ác làm điều lỗi lầm về nhân-phẩm là tại làm sao?

Cũng nên biết rằng trong [23a] khoảng trời đất dương chỉ có một, mà âm thì có hai[1131], người thiện thì ít mà kẻ bất thiện thì nhiều. Âm hẳn nhiên là không thể hóa thành dương. Người bất thiện cũng không thể biến thành thiện cả được. Đại yếu là khiến cho mỗi người yên phận mình, thế là được rồi.

Việc bất nhân của người, mình ghét quá lắm thì sinh loạn. Phân-biệt lưu-phẩm (bậc cao thấp), tỏ rõ yêu ghét thì há chẳng phải là quá lắm rồi hay sao?

Phần Hệ-từ trong kinh Dịch có nói đến hai chữ át dương (Át ác dương thiện = Giấu điều xấu, nêu điều tốt)[1132].

Kinh Thư có nêu hai chữ chương đan (chương thiện đan ác = Nên bày điều tốt, ghét giận điều xấu)[1133].

Tuy đó là đạo thường khi làm việc chính tự nhiên không dễ gì thay đổi được. Nhưng người quân-tử đời xưa cũng lấy cái lòng bình chính mà thêm vào cái lượng thâm-trầm, trong lúc khuyên răn, nhất thiết đều giao cho pháp-luật, phó mặc cho tự-nhiên.

Như Phú-Bật[1134] đã nói: “Như thiên chi lâm, thiện ác giai sở tự thủ 如天之臨善惡皆所自取. Nghĩa là: Như trời soi xuống, thiện ác đều do mình làm lấy. Rồi về sau theo đó mà thưởng phạt, hẳn là không nên nhất nhất đều xem xét, giữ lấy thành khiến riêng của mình để trái ý mọi người.

Ở cho trung-hậu, nêu ra pháp-độ[1135], đoan-chính để cảm-hóa mà dẫn dắt [23b], xem-xét người chính-trực để làm phép-tắc[1136], thì có thể khiến người thiện cố gắng thêm lên, mà người bất thiện lùi bước nghe theo, thì dẫu là bậc vua sáng tướng giỏi cũng không hơn thế được.

Huống chi cùng với người ta đứng chung trong triều, hạnh-kiểm thì chưa đủ để hơn nhân dân, đức tài thì chưa đủ để mọi người kính phục, lại cốt làm cao-khiết khác tục[1137], không có ân huệ gì chất chứa lại thấp cao lời nói khen chê nhân vật, nghiễm nhiên lấy tư-cách là bậc nhân-giả nói lên sự ưa ghét, thì người được khen chưa ắt đã nhân lời nói của ta mà tăng thêm sự cố-gắng, mà người bị ghét lại thành kẻ thù địch với ta. Như thế thì cư-xử ở một làng còn không được huống hồ đem ra trị nước được hay sao?

Xem như Gia-Cát (Lượng)[1138] khen Diêu-Do[1139] tiến-cử người đủ cả cương nhu, Văn-hoàng thấy người hiền-năng thì kính, người bất tiếu (không hiền-năng) thì thương xót.

Người hiền-năng và kẻ bất tiếu đều được yên phận. Độ-lượng dung nạp bao hàm của Đường Văn-hoàng biết là dường nào?

Ngày xưa Bão-Thúc[1140] ưa người thiện ghét kẻ ác thì trọn đời không quên, cho nên Quản-Trọng bảo Bão-Thúc không thể làm việc chính.

Phạm-Phang[1141] muốn rằng: Hễ ưa người thiện thì cũng được trong sạch như người thiện, hễ ghét người ác thì cũng bị dơ đục như người ác.

Thân-Đồ-Bàng[1142] cho như thế là nghị-luận ngang.

Sự hiền-năng của hai vị (Bão-Thúc và Phạm-Phang) còn không tránh khỏi sự chê cười của người đạt-giả, huống hồ là những kẻ kém hơn hai vị ấy?

Sách Trinh-quán chính yếu[1143] chép mấy điều dạy giữ đức liêm-khiết, ý tứ rất tha-thiết.

Đường Văn-hoàng (Đường Thái-tông) nói với quan hầu-cận rằng: “Người có ngọc minh-châu thì không ai là không tự trọng, nếu lấy ngọc minh-châu ấy mà bắn chim sẻ thì há rằng không đáng tiếc hay sao? Huống chi tính mệnh của người ta còn quý hơn ngọc minh-châu, thấy vàng bạc tiền của lụa là mà không sợ lưới pháp-luật lại cứ nhận lấy, đó là không tiếc tính-mệnh. Ngọc minh-châu là vật ở ngoài thân còn không thể lấy bắn chim sẻ, huống chi tính-mệnh là quan trọng lại lấy ra đánh đổi lấy tài-vật hay sao?

Bọn khanh nếu được tận trung trực, ích nước lợi dân [24b] thì quan tước lập tức đến ngay, còn nếu không lấy đạo-lý cầu vinh lại đi lấy càn tài-vật, việc hối lộ khi đã bại lộ, thì tấm thân bị đọa đày thật là đáng để chê cười” .

Đường Văn-Hoàng lại bảo quan hầu-cận rằng: “Người tham-lam không biết[1144] tiếc của” .

Vua lại nói: “Các quan ở trong triều-đình và ở ngoài châu quận từ ngũ phẩm trở lên thì bổng lộc phẩm trật trọng hậu dồi-dào, số lãnh được một năm đã nhiều, nếu nhận hối lộ của người chẳng hơn mấy vạn. Một khi việc ăn hối-lộ bị bại lộ thì bổng lộc phẩm trật đều bị tước đoạt.

Đó há là biết tiếc tài-vật hay sao? Đúng là được thì ít mà mất thì nhiều” .

“Xưa ông Nghị-Hựu có tính thích ăn cá, nhưng không nhận cá của người tặng biếu, thế mà vẫn được cá mãi.

“Vả lại, làm vua mà tham thì mất nước, làm tôi mà tham ắt thiệt thân.”

Chương 13 thơ Tang-nhu thuộc phần Đại-Nhã trong kinh Thi có câu:

大風有隧

貪人敗類

Đại phong hữu toại,

Tham nhân bại loại.

Dịch nghĩa:

Gió to thổi có đường lối,

Người tham tài là loài hư-hỏng xấu xa.

Dịch thơ:

Theo đường gió lớn thổi ra,

Kẻ tham hư-hỏng xấu-xa vô cùng[1145].

Hai câu nầy hẳn không phải là lời nói sai vậy.

Vua lại bảo các quan công khanh rằng: “Bọn khanh nếu cẩn-thận chú ý tuân theo luật-pháp, thường như Trẫm sợ [25a] trời đất, thì chẳng những trăm họ được an-ninh, mà bản thân mình thường được vui thích. Nếu bọn khanh đen tối liều chết vì tiền của thì chẳng những đã làm bại hoại phép công, tổn thương trăm họ, mà trong lúc việc tham-nhũng ấy nếu chưa bị phát-giác, thì lòng há thường đã không lo sợ hay sao? Lo sợ quá nhiều cũng có người phải chết.

Nầy, chẳng những tham-lam tài-vật thì nguy hại đến bản thân mà thôi đâu, còn khiến cho con cháu thường u-hoài hổ-thẹn nữa!”

Ngưu-Tăng-Nhụ[1146] từ khước của hối-lộ của Hàn-Hoằng tặng cho.

Khi Hàn-Hoằng chết, các con tranh gia-tài thưa kiện nhau.

Vua Mục-tông sai lấy sổ sách trong nhà của Hàn-Hoằng và tự mình duyệt xem, thấy có lời chú rằng: “Đưa cho Ngưu Thị-lang (tức Ngưu-Tăng-Nhụ) bao nhiêu tiền đấy mà không được nhận” .

Vua Mục-tông cả mừng, liền cho Ngưu-Tăng-Nhụ làm Tể-tướng. Cho nên người xưa có câu: Hữu ẩn hạnh giả tất hữu hiển danh 有隐行者必有顯名. Nghĩa là: Người có đức hạnh kín-đáo thì tất phải có danh tiếng rỡ-ràng.

Bài Huấn kiệm văn (dạy việc tiết-kiệm) của Ôn-Công[1147] có chép: Ngự-Tôn nói: “Tiết-kiệm là đức cung, xa-xỉ là tội lớn” .

Nầy, [25b] tiết-kiệm thì ít ham muốn. Người quân-tử ít ham muốn thì không phục-vụ cho ngoại vật, có thể theo đường thẳng mà đi.

Kẻ tiểu-nhân ít ham muốn thì có thể cẩn trọng lấy thân, bớt dục vọng, xa tội-lỗi mà nhà được giàu có.

Xa-xỉ thì nhiều ham muốn. Người quân-tử nhiều ham muốn thì tham việc giàu sang, làm cong vạy đạo-lý, hôn mê trong tai họa.

Kẻ tiểu-nhân nhiều ham muốn thì kiếm cho nhiều và lấy càn, tan nhà mất mạng, làm quan thì ắt ăn hối-lộ, ở trong làng thì ắt đi ăn trộm.

Chí-lý thay lời nói nầy! Ta phải thường thường đề tỉnh.

Làm quan thì lấy việc nổi giận thình-lình mà giới răn.

Về tính-lý (bổn tính) có bài thơ như sau:

怒氣劇炎火

焚如徒自傷

觸來勿與竸

事過心清凉

Nộ khí kịch viêm hỏa

Phần như đồ tự thương

Xúc lai vật dữ cạnh

Sự quá tâm thanh lương

Dịch nghĩa

1) Khí giận mạnh-mẽ như lửa,

2) Phát cháy nhưng chỉ gây thương tổn cho mình mà thôi.

3) Động đến cơn giận thì chớ nên đua theo nó.

4) Việc qua rồi thì lòng mát-mẻ.

Dịch thơ

Khí giận mạnh như lửa,

Cháy bừng tự tổn thương.

Chớ đua khi nổi giận,

Xong việc lòng thanh lương.

Sách Thuyết-phu có thơ rằng:

愚濁生嗔怒

皆由理不通

休添心上焰

只作耳邊風

長短家家有

炎涼處處通

是非無定相

究竟總成空

Ngu trọc sinh sân nộ

Giai do lý bất thông

Hưu thiêm tâm thượng diệm

Chỉ tác nhĩ biên phong

Trường [26a] đoản gia gia hữu

Viêm lương xứ xứ thông

Thị phi vô đinh tướng

Cứu cánh tổng thành không.

Dịch nghĩa

1) Vì ngu si đục tối mà sinh ra giận dữ,

2) Đều do lý không thông.

3) Chớ thêm lửa trong lòng,

4) Chỉ làm như gió thoảng ngoài tai.

5) Giỏi dở nhà nhà đều có,

6) Nực mát chốn chốn đều thông.

7) Phải trái không có chân tướng nhất định,

8) Cuối cùng đều thành không.

Dịch thơ

Đục ngu giận dữ phát ra,

Đều do lý lẽ trót đà chẳng thông.

Chớ thêm lửa giận trong lòng,

Xem như gió thoảng lạnh-lùng ngoài tai.

Nhà nhà tự có giỏi hay,

Nơi nơi lạnh nực vẫn hay thông đồng.

Thị phi định tướng hẳn không,

Cuối cùng muôn sự thành không có gì!

Hai bài thơ trên đây thật là có lý thú.

Người xưa có nói: “Lúc giận quá không thể xử án. Lúc vui quá không thể phê-chuẩn thi-hành” .

Người xưa nói: “Chớ lấy điều ham muốn giết thân mình. Chớ lấy của-cải giết con cháu. Chớ lấy việc chính giết dân. Chớ lấy học-thuật giết thiên-hạ” .

Thật là lời nói chí-lý.

Điều ham muốn và của-cải thì mọi người đều biết giới răn.

Còn việc chính và học-thuật thì dẫu là nhà nho có tiếng-tăm và những người có danh-vọng xưa nay cũng chưa có điều gì mà không tự tin sở kiến của mình, rồi chung cuộc vẫn không giác-ngộ điều sai lầm của mình. Đó là như Lưu-Hâm đời Hán và Kinh-công (Vương-An-Thạch) đời Tống.

Vương-Thu[1148] đời Tống có nói: “Tính của con người quý ở bình-đạm, nếu thêm vào khí-thức[1149] thì là khí-thức Tể-tướng” .

Lưu-Hâm bàn luận nhân- [26b] vật cũng lấy sự bình-đạm làm đầu.

Bài Quy điền lục của Âu-dương Tu có chép: Tiết-Khuê đối-đãi Minh-Cảo rất trọng hậu, mong ngày sau Minh-Cảo sẽ làm quan to (bậc tam-công và tứ-phụ).

Có người hỏi:

- Làm sao biết ông ấy sẽ quý-hiển?

Tiết-Khuê đáp:

- Ông ấy đoan-chính cung-kính, lời nói giản-dị mà diễn tả hết ý tứ. Những người giản-dị trang-trọng mà tôn-nghiêm, đó là tướng bậc hiền thần (bề tôi hiền-năng).

Bậc tiền-bối xem người là như thế.

Lục-Tiếp[1150] đời Minh nói: “Bậc sĩ quân-tử có chí làm việc, nếu không thông cả cổ kim thì lấy gì mà nói đến việc kinh bang tế thế (trị nước cứu đời) được? Đó là điều mà các nhà nho đời trước đã quý hơn việc thấu đạt triều chương[1151].

Tôi nói: “Thông cả cổ kim, đó là người bậc nhất, tài học dư thừa, nhưng phải hư tâm[1152] hạ khí[1153] kính thầy lễ bạn, hỏi thăm việc chính lớn nhỏ ở các liêu-thuộc, không chán việc thảo-luận cho ra lẽ chính-xác.

Ngày xưa Diêu-Sùng[1154] lúc trẻ có tài [97a] danh, ba lần kiêm chức Binh-bộ, điển-cố không có điều gì là không thông hiểu, thế mà còn nói rằng:“Muốn biết việc xưa thì hỏi ông Trọng-Thư[1155], muốn biết việc nay thì hỏi ông Tề-Hoãn[1156].

Huống chi những hạng người kém hơn ông Diêu-Sùng lại có thể riêng cậy ở lòng dạ mình mà không tìm bắt chước điều hữu ích[1157] hay sao?

Kinh Thư có câu: Háo vấn tắc dụ, tự dụng[1158]tắc tiểu 好問則裕,自用則小. Nghĩa là: Ưu hỏi thì biết được đầy đủ, tự cậy mình thì cứ thấp-thỏi mãi.

Đạo ở đời là như thế.

Diên-Linh đời Đường vừa mới được vua yêu mà quý hiển. Đỗ-Hoàng-Thường[1159] không đến yết-kiến làm nghịch ý Diêu-Linh, cho nên trong mười năm mới được chức Thái thường khanh, thế mà đại lược không đổi tiết-tháo.

Trong thời nhà Tống những vị vừa quý hiển đỗ cao khoa phần nhiều đi tắt mà làm chức cao.

Hàn-Kỳ[1160] là người đỗ hạng nhất, mà riêng mãi ở chức quản-khố (coi kho), người ta cho là không đáng, nhưng Hàn-Kỳ ở chức ấy tự nhiên như thường.

Hai ông (Đỗ-Hoàng-Thường và Hàn-Kỳ) ngày sau một người làm Tể-tướng, một người làm tướng-quân, công-nghiệp cao-siêu không ai sánh bằng, vì bởi quý ở việc được chức-vị để hành đạo[1161] chớ không phải để cầu lợi lộc.

Người quân-tử trước hết lập chí ở việc lớn-lao, thì [27b] những vật giả sử có đến cũng không đủ để động đến tâm tình của mình.

Hủy hoại danh-dự hạnh-kiểm bình-sinh của mình để tranh giành một bậc hay nửa cấp trong quan trường, đó là điều bần tiện, chỉ có kẻ bần tiện làm mà thôi. Còn bảo người đảm đương công việc của vũ-trụ làm việc ấy có được không?

Người quân-tử chỉ lẳng-lặng cẩn trọng, cho nên gặp cảnh cùng ách mà không lo sợ, chỉ điềm-đạm, cho nên bị bỏ rơi mà không hối tiếc.

Công-nghiệp lớn-lao xa-vời và phúc lộc lâu dài đều là ở đấy cả.

Ngựa để thắng hàng ngàn cỗ xe (mỗi cỗ xe thắng bốn con ngựa) mà không thèm nhìn đến, lộc để ăn có hàng muôn chung[1162] mà không thèm ngoảnh lại, cho nên mới có sự-nghiệp hưng vượng nhà Thương[1163].

Nhà ở Thành-đô chỉ có 800 gốc dâu, ruộng xấu chỉ có 50 khoảnh[1164], cho nên có công danh giúp nhà Hán[1165].

Từ xưa những người đã dựng lên sự-nghiệp lạ-lùng vĩ-đại chưa từng không từ cảnh đạm bạc mà ra.

Lúc ông lui về ở ẩn[1166] vùng Đông-sơn mọi người đều mong đợi ông sẽ làm quan to bậc tam-công tứ-phụ, cuối cùng ông đã phò xã-tắc yên lành trong niên-hiệu Hàm-ninh (275-279) và Thái-khang (280- 289)[1167] đời vua Tấn Hiếu-vũ đế.

[28a] Ông lui về ở Lạc-dương, thiên-hạ cho là bậc chân tể-tướng. Cuối cùng ông đã giúp thành cuộc yên trị trong niên-hiệu Nguyên-hựu (1086- 1092) đời vua Tống Triết-tông[1168].

Từ xưa, đảm đương việc lâu dài vĩ-đại chưa từng có người nào không từ chỗ ninh tĩnh (yên-ổn lặng-lẽ) mà ra.

Người xưa nói:“Thời làm tể-tướng đến thì cứ làm. Người quân-tử, đức nghiệp đã sửa trau, lịch-duyệt đã thành-thục, danh-vọng đã lâu ngày, thứ-tự đã đưa đến, tự nhiên phải cầm quyền-bính” .

Đương lúc cầm quyền mà được vua tin cậy, sĩ phu vui mừng, quan đại phu kính phục, trong triều ngoài nội đều tin tưởng, rồi sau mới có thể tại chức được lâu dài mà đem những học-vấn chứa chất bấy lâu ra thực-hành.

Nếu chưa được như thế mà đem trí lực ra doanh cầu (quyền cao chức trọng) thì chỉ chuốc lấy những tội-lỗi và tổn thương đến hậu phúc mà thôi.

Tạ-An lui về ở Đông-sơn. Vợ ông cho là gia thế sang cả mà riêng thích lui về nơi yên tĩnh thì rất không vừa lòng. Tạ-An bảo:

- Ta sợ không khỏi đi làm quan đâu.